One’s first love is always perfect until one meets one’s second love.

Elizabeth Aston

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 8 - Ngược Dòng Sông Kama
gày hôm sau, sáng 18 tháng Bảy, hồi sáu giờ bốn mươi phút, tàu Capcadơ cập bến Kazan, cách thành phố bảy dặm (7,5km). Kazan nằm trên ngã ba sông Vônga và sông Kazanka. Cư dân đa dạng của “guberni” (địa phương) này gồm có người Tsêrêmitxơ, người Morđvi, người Tsuvasơ, người Vônxak, người Vigulitx, người Tactar, chủng tộc cuối cùng này còn giữ được tính chất đặc biệt châu Á.
Tuy thành phố cách bến tàu khá xa, nhưng một đám đông cũng đã chen chúc nhau trên bến. Họ đến để hỏi thăm tin tức. Viên tỉnh trưởng ở đây cũng đã công bố một nghị định giống như nghị định của viên thủ hiến tỉnh Nigiơni - Nôpgôrôđ. Ở đây người ta thấy những người Tactar, người thì mặc áo dài lót lông thú với ống tay ngắn và đội mũ bô-nê nhọn, người thì mặc áo choàng dài đầu đội mũ chỏm nhỏ, trông giống như những người Do Thái Ba Lan. Những phụ nữ đeo ở ngực những mảnh vải màu sắc lòe loẹt, đầu đội mũ hình lưỡi liềm. Họ tụm lại từng nhóm và bàn tán, tranh cãi nhau.
Những sĩ quan cảnh sát trà trộn vào đám người này, một số lính Côdắc tay cầm giáo, giữ trật tự, dẹp chỗ cho những hành khách lên, xuống tàu, sau khi đã khám xét tỉ mỉ. Những người lên tàu là những người gốc châu Á bị trục xuất theo nghị định của tỉnh trưởng và những người xuống là một số gia đình mu-gích dừng lại ở Kazan. Tàu Capcadơ đỗ lại tại Kazan trong một tiếng đồng hồ để lấy thêm chất đốt.
Misen Xtrôgôp không có ý định lên bờ, anh không muốn để cô gái Livôni một mình trên tàu. Vẫn chưa thấy cô xuất hiện lại trên boong tàu. Còn hai anh chàng nhà báo thì dậy từ tảng sáng như bất cứ người thợ săn cần mẫn nào. Họ đi xuống bờ sông và nhập vào đám đông, mỗi người một ngả.
Tiếng đồn loan truyền suốt dọc biên giới phía đông nước Nga là cuộc nổi loạn và xâm lăng ngày càng có quy mô lớn. Liên lạc giữa Xibir và đế quốc Nga cực kỳ khó khăn. Đó là những điều mà Misen Xtrôgôp tuy ở lại trên tàu Capcadơ, nhưng vẫn nắm được qua những hành khách vừa lên tàu. Những tin trên đây làm anh lo lắng thực sự và càng kích thích ở anh cái ý muốn khẩn thiết là phải vượt sang bên kia dãy núi Uran để tự mình có thể phán đoán được mức nghiêm trọng của tình thế và tìm biện pháp đối phó với mọi sự bất trắc có thể xảy ra. Anh sắp sửa định hỏi thêm một người bản xứ nào đó ở Kazan những tin tức chắc chắn hơn, thì bỗng nhiên anh ngẩn người như bị đãng trí.
Trong số hành khách rời tàu Capcadơ, Misen Xtrôgôp nhận ra đám người Digan ngày hôm trước ở khu hội chợ Nigiơni - Nôpgôrôđ, có cả lão già xứ Bôhêm và mụ đàn bà đã coi anh là gián điệp. Cùng rời tàu với họ còn có khoảng hai chục cô gái dưới sự cai quản của họ. Đó là những cô gái nhảy múa và ca hát, tuổi từ 15 đến 20, quàng trên người những tấm chăn xấu xí che những chiếc váy thêu kim tuyến. Những bộ đồ mặc này lóng lánh dưới tia nắng ban mai làm cho Misen Xtrôgôp sực nhớ lại cái cảnh tượng kỳ lạ mà anh đã thấy trong đêm. Đó là tất cả những cái vảy kim loại trên váy áo của bọn người lang thang này óng ánh trong bóng tối khi từ lò của con tàu bốc lên vài ngọn lửa qua ống thông hơi.
“Rõ ràng là - anh tự nhủ, - đám Digan này, ban ngày trà trộn trên boong, đêm thì ẩn nấp dưới boong thượng con tàu. Phải chăng như vậy là bọn người Bôhêmiêng này cố giữ làm sao càng ít xuất đầu lộ diện càng tốt. Mà như thế đâu phải là thói quen của loại người này!”.
Lúc ấy Misen Xtrôgôp không còn nghi ngờ gì nữa rằng câu nói có liên quan trực tiếp đến anh là từ cái bọn khả nghi này phát ra. Chúng là những bóng đen nhờ những vảy kim loại mà lốm đốm sáng khi có lửa. Những câu trao đổi đó chính là từ giữa lão Digan già và mụ đàn bà mà lão gọi là Sănga. Misen Xtrôgôp bất giác đứng lùi vào cửa nách của tàu, lúc đoàn người Bôhêmiêng đi qua để rời con tàu và sẽ không bao giờ trở lại nữa.
Lão già Bôhêmiêng vẻ khúm núm không phù hợp với cái thói quen trâng tráo vốn có của bọn người cùng nòi giống với lão ta. Người ta tưởng chừng như lão tìm cách tránh con mắt của mọi người hơn là làm cho mọi người chú ý tới lão. Cái mũ phở thảm hại của lão dầm mưa dãi nắng khắp bốn phương trời bị kéo sụp sâu xuống khuôn mặt nhăn nheo. Cái lưng như gù lên dưới chiếc áo choàng dài cũ kỹ mà lão quấn vào người rất chặt, mặc dù trời nắng. Với bộ quần áo lố lăng nhếch nhác đó, thật khó mà đoán được khổ người và mặt mũi lão ta. Bên cạnh lão là mụ Digan Săngga, một người đàn bà khoảng ba chục tuổi, da mai mái, khổ người to lớn, vững chãi, đôi mắt đẹp, mái tóc vàng óng, dáng đứng ngạo nghễ.
Trong đám con gái nhảy múa trẻ tuổi, có nhiều cô nàng tuyệt đẹp, mang nhiều nét điển hình của nòi giống Digan. Một đứa trong bọn đang khẽ hát một bài, nhịp điệu lạ lùng, những câu đầu có thể dịch ra như sau:
“Làn da nâu của tôi óng ánh tựa san hô,
Chiếc trâm vàng tôi cài trên búi tóc,
Tôi đi tìm giàu sang và hạnh phúc
Ở xứ sở...”
Cô gái tươi trẻ chắc còn tiếp tục hát, nhưng Misen Xtrôgôp chẳng để ý nghe nữa.
Quả thật, mụ Săngga hình như đang nhìn anh chăm chú lạ thường. Có thể nói là mụ như muốn khắc thật sâu khuôn mặt anh vào trí nhớ. Một lát sau, mãi đến cuối cùng, Săngga mới lên bờ khi lão và cả gánh hát rong của lão đã rời tàu Capcadơ từ lâu.
“Thật là một con mụ trâng tráo! - Misen Xtrôgôp thầm nhủ. - Không biết mụ có nhận ra ta không? Bọn Digan trời đánh này có những cặp mắt như mắt mèo ấy! Trong đêm tối chúng cũng nhìn thấy rõ. Có lẽ mụ này đã nhận ra ta chăng?...”.
Misen Xtrôgôp đã suýt bước theo Săngga và đồng bọn, nhưng anh kìm lại được.
“Không. - Anh nghĩ. - Không nên có những hành động khinh suất! Nếu cho bắt giữ bọn Bôhêmiêng này lại, thì chuyến đi bí mật của ta có cơ bị lộ. Vả lại, chúng đã rời tàu và trước khi vượt qua được biên giới, thì ta đã cách xa rặng Uran rồi! Ta biết là chúng có thể theo con đường Kazan đi Ichim, nhưng con đường này không có phương tiện chuyên chở nào cả. Một cỗ xe tarantax được thắng những con ngựa tốt xứ Xibir bao giờ cũng vượt trước rất xa một cỗ xe lọc cọc của bọn người Bôhêmiêng! Thôi nào, anh bạn Kơrpanôp! Hãy bình tĩnh lại!”.
Sở dĩ Kazan được mệnh danh là “cửa ngõ của châu Á” và thành phố này được coi là trung tâm giao dịch thương mại của Xibir và Bukhara là vì có hai con đường lớn khởi đầu từ đây để đi qua rặng núi Uran. Nhưng Misen Xtrôgôp đã chọn hướng rất đúng là theo con đường đi qua Pecmơ, Ekatêrinbua và Tiumen. Đó là con đường bưu điện lớn có các trạm ngựa được trang bị đầy đủ do kinh phí Nhà nước đài thọ. Con đường này kéo dài từ Ichim đến tận Irkuxk. Đành là còn có con đường thứ hai mà Misen Xtrôgôp vừa nói, không vòng qua Pecmơ, cũng nối liền Kazan với Ichim, đi quan Iêlabuga, Menzêlinxk, Birxk, Zlatônxt, tại đây nó rời khỏi châu Âu, Tsêliabinxk, Sađrinxk và Kurgan. Có lẽ con đường này ngắn hơn con đường kia một chút, nhưng lợi thế này bị giảm rõ rệt ở chỗ là nó không có các trạm giao thông - bưu điện, đường lại xấu và làng mạc thì hiếm. Misen Xtrôgôp hài lòng với lộ trình đã chọn rất hợp lý và nếu - điều này rất có khả năng xảy ra - bọn người Bôhêmiêng kia đi theo con đường thứ hai để đến Ichim, thì anh có tất cả mọi cơ may để tới được trước chúng.
Một tiếng đồng hồ sau, chuông đổ vang phía mũi tàu gọi khách mới và nhắc khách cũ đã tới giờ nhổ neo. Lúc đó là bảy giờ sáng. Đã lấy xong chất đốt. Nắp các thùng hơi rung lên dưới sức ép của hơi nước. Con tàu sẵn sàng rời bến.
Hành khách đi từ Kazan đến Pecmơ đã ngồi vào chỗ của mình. Lúc đó Misen Xtrôgôp nhận thấy là trong hai anh chàng nhà báo, chỉ mới có Hary Blao lên tàu, Anxiđ Jôlivê bị nhỡ chuyến đi chăng?
Nhưng giữa lúc các thủy thủ tháo cởi các dây neo tàu thì Anxiđ Jôlivê xuất hiện đang chạy hộc tốc. Tàu chở đã khẳm, cầu tàu cũng đã được rút lên, nhưng Anxiđ Jôlivê không bối rối chút nào, tung mình nhảy nhẹ nhàng như một anh hề xiếc và rơi xuống boong tàu gần như sà vào đôi cánh tay của anh bạn đồng nghiệp.
- Tôi cứ tưởng tàu Capcadơ đi mà không có ông đấy. - Hary Blao nói nửa thật nửa đùa.
- Chà, Anxiđ Jôlivê đáp, - tôi thừa biết là sẽ theo kịp ông, khi phải thuê một con tàu với phí tổn do cô em họ tôi chịu hoặc đi bằng ngựa trạm với giá hai mươi kôpêch một dặm đường. Biết làm sao được? Từ bến tàu đến nhà bưu điện cũng khá xa đấy!?
- Ông đã ra bưu điện à? - Hary Blao hỏi, đôi môi mím lại.
- Vâng, tôi đã ra bưu điện! - Anxiđ Jôlivê đáp với nụ cười hết sức nhã nhặn, không giấu vẻ có đôi chút kiêu căng.
- Vẫn liên lạc được tới tận Kôlyvan chứ?
- Cái đó tôi không biết, nhưng tôi có thể đoan chắc với ông, chẳng hạn, rằng bưu điện vẫn liên lạc được từ Kazan tới Pari.
- Ông đã đánh một bức điện cho… cô em họ của ông chứ?
- Vâng, với cả niềm hân hoan…
- Vậy ra ông đã nắm được tin…
- Này, ông bạn trẻ của tôi ơi! - Anxiđ Jôlivê trả lời theo kiểu người Nga. - Là một con người chân thực, tôi chẳng muốn giấu diếm gì đối với ông. Quân Tactar do Fêôfar-khan cầm đầu đã vượt Xêmipalatinxk và đang xuôi dòng sông Irtys. Ông hãy cứ sử dụng tin đó đi!
Sao! Một tin quan trọng như thế mà Hary Blao không nắm được và địch thủ của anh có lẽ đã biết thông qua một người dân nào đó ở Kazan, rồi chuyển ngay về Pari. Thế là tờ báo Anh đã bị bỏ xa rồi! Bởi vậy, Hary Blao, hai tay chắp sau lưng, đến ngồi ở đuôi con tàu chẳng nói chẳng rằng.
Vào khoảng mười giờ sáng, cô gái Livôni rời ca-bin, lên boong tàu.
Misen Xtrôgôp đến gần, nắm tay cô bảo:
- Này! Em hãy nhìn xem! - Anh vừa nói vừa dắt cô đến tận phía mũi con tàu Capcadơ.
Quả là phong cảnh đáng để cho ta ngắm nhìn.
Lúc đó, tàu Capcadơ vừa tới ngã ba sông Vônga và sông Kama. Chính ở chỗ này, con tàu sẽ rời sông lớn, sau khi đã xuôi trên bốn trăm dặm, để ngược lên dòng sông nhỏ quan trọng trên một quãng đường dài bốn trăm sáu mươi dặm (490km).
Sông Kama chỗ này phình ra, hai bên bờ có rừng cây rậm rạp trông thật ngoạn mục. Đôi cánh buồm trắng trang điểm cho mặt nước long lanh tia nắng mặt trời.
Nhưng cảnh đẹp thiên nhiên hình như cũng không thể làm cho cô gái Livôni sao lãng được ý nghĩ của mình dù chỉ trong chốc lát. Cô chỉ nhìn vào mỗi một điểm, đó là cái đích cần phải đạt kỳ được và sông Kama đối với cô chỉ là một quãng đường để đi tới đích đó dễ dàng hơn mà thôi. Đôi mắt cô long lanh một cách kỳ lạ khi nhìn về hướng Đông như muốn chọc thủng cái chân trời khó xuyên qua ấy bằng luồng nhãn tuyến của mình.
Nađia đã đặt bàn tay mình trong bàn tay của bạn đồng hành và bất chợt nàng quay sang anh hỏi:
- Chúng ta đã cách Maxcơva bao xa rồi, anh?
- Chín trăm dặm, em ạ! - Misen Xtrôgôp đáp.
- Chín trăm trên sáu nghìn dặm! - Cô lẩm bẩm.
Chuông báo giờ ăn sáng. Nađia theo Misen Xtrôgôp đến phòng ăn trên tàu. Cô chẳng muốn đụng đến các món ăn được dọn riêng như trứng cá ướp, cá trích thái nhỏ, rượu lúa mạch có pha anit để ăn cho ngon miệng, theo tập quán thông thường của dân phương Bắc. Nađia ăn ít, có lẽ vì cô nghèo, tiền mang theo chỉ có hạn, Misen Xtrôgôp tưởng có thể tạm bằng lòng với thực đơn mà anh hy vọng sẽ làm thỏa mãn cô bạn gái, tức là một chút “kunbat”, một loại bánh pa-tê làm bằng bột gạo có nhân thịt và lòng đỏ trứng; bắp cải đỏ nhồi trứng cá muối và thức uống thì có nước trà.
Bữa ăn như vậy không kéo dài, chẳng tốn kém gì mấy mà chưa tới hai mươi phút sau, cả hai đều đã rời bàn ăn và cùng lên boong tàu Capcadơ. Họ ngồi ở phía cuối con tàu và, không cần rào đón, Nađia hạ thấp giọng chỉ để một mình anh nghe, cô nói:
- Anh ạ, em là con gái một người bị lưu đày. Em tên là Nađia Fêđor. Mẹ em đã mất ở Riga cách đây chưa đến một tháng và em đi đến Irkuxk để chia sẻ với cha em cuộc sống tù đầy.
- Chính anh cũng đi Irkuxk đây, - Misen Xtrôgôp đáp. - Và anh coi như một đặc ân trời ban cho, nếu được trao Nađia Fêđor bình yên vô sự tới tận tay cha em.
- Cảm ơn anh - Nađia cảm động nói.
Misen Xtrôgôp nói thêm là anh được cấp một “pođaroshna” đặc biệt để đi Xibir và về phía các nhà chức trách Nga, thì hoàn toàn không có gì gây trở ngại cho cuộc đi của anh cả.
Nađia không đòi hỏi gì hơn. Cô chỉ thấy trong cuộc gặp gỡ may mắn với người thanh niên giản dị và tốt bụng một điều là: có một chỗ dựa để đi tới được nơi cha cô ở. Cô nói với anh:
- Em cũng được cấp một giấy phép để đi tới Irkuxk, nhưng nghị định của viên thủ hiến ở Nigiơni - Nôpgôrôđ đã hủy bỏ giá trị của nó. Nếu không có anh, thì em không thể nào rời bỏ được cái thành phố mà ở đó anh em mình đã gặp nhau. Và nếu vậy, thì chắc chắn là em sẽ chết mất.
- Nađia! Có mỗi một mình mà em dám mạo hiểm băng qua vùng thảo nguyên Xibir ư?
- Anh ơi! Bổn phận bắt buộc em phải thế.
- Nhưng cả vùng ấy hiện nay đang có phiến loạn và bị xâm lăng, hầu như khó mà qua được, em có biết không?
- Khi rời Riga em chưa biết có cuộc xâm lăng của quân Tactar. Chỉ khi tới Maxcơva, em mới hay tin này.
- Và mặc dù vậy, em vẫn cứ tiếp tục cuộc hành trình?
- Vâng, đó là bổn phận của em.
Câu trên đây nói lên tất cả tính cách của cô gái trẻ dũng cảm này. Cái gì đã là bổn phận, thì không cho phép cô được ngần ngại.
Rồi cồ nói về cha, ông Vaxili Fêđor. Đó là một người thầy thuốc được quý trọng ở Riga. Ông hành nghề có nhiều thành tích và sống hạnh phúc giữa những người thân trong gia đình. Nhưng mối quan hệ của ông với một hội kín nước ngoài đã bị phát giác. Thế là ông bị phát vãng đi Irkuxk. Những tên hiến binh đưa lệnh đến đã dẫn ông đi ngay qua bên kia biên giới.
Vaxili Fêđor chỉ còn đủ thời gian để ôm hôn bà vợ đang ốm đau và đứa con gái sẽ có thể không nơi nương tựa. Ông than khóc với hai người thân mà ông hết lòng yêu quý, rồi lên đường. Đã hai năm nay ông sống tại thủ phủ miền Đông Xibir, ở đó ông tiếp tục làm nghề thầy thuốc, nhưng hầu như không có lợi lộc gì. Ít ra, có lẽ ông cũng được hạnh phúc như trong điều kiện một người bị lưu đày có thể có, nếu được ở gần vợ con. Nhưng bà Fêđor đã yếu lắm, không thể rời Riga. Hai mươi tháng sau khi chồng lên đường, bà đã thở hơi cuối cùng trong vòng tay của cô con gái mà bà để lại trong cảnh côi cút và hầu như chẳng còn chút của cải nào. Rồi Nađia Fêđor làm đơn xin và được nhà chức trách Nga dễ dàng chấp nhận cho phép cô đến với cha ở Irkuxk. Cô viết thư báo cho cha biết rằng cô sẽ lên đường. Và cô mới chỉ thu xếp được một khoản tiền khả dĩ tạm đủ cho cuộc hành trình dài dặc đó, không một chút lưỡng lự, cô hối hả lên đường với ý nghĩ: làm với sức có thể làm, còn lại thì trăm sự nhờ trời!
Lúc này, tàu Capcadơ đang ngược dòng sông nhỏ. Đêm đã xuống, không khí mát mẻ dễ chịu. Muôn ngàn tia lửa từ ống khói tàu mà lò đốt bằng củi gỗ thông bắn lên tỏa sáng, tiếng nước rì rào rẽ ra trước mũi con tàu xen lẫn với tiếng hú của chó sói đầy rẫy trong bóng tối trên hữu ngạn sông Kama.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm