Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7 - Xuôi Dòng Sông Vônga
hoảng gần trưa, tiếng chuông của tàu thủy thu hút một đám rất đông người đổ xô về bến cảng sông Vônga. Đó là những người được đi và cả những người muốn đi. Những nồi hơi của tàu “Capcadơ” đã đủ áp suất.
Dĩ nhiên là cảnh binh giám sát rất kỹ chuyến đi của tàu “Capcadơ” và tỏ ra không khoan nhượng đối với những hành khách không đủ điều kiện buộc phải có để rời thành phố. Rất đông lính Côdắc đi đi lại lại trên bến, sẵn sàng tiếp tay cho các nhân viên cảnh sát, nhưng không có gì xảy ra để phải can thiệp. Mọi việc đều êm ả.
Đúng giờ quy định, một hồi chuông cuối cùng vang rền, neo kéo lên, những chân vịt đập nước ào ào và tàu “Capcadơ” lướt nhanh giữa hai khu phố của Nigiơni - Nôpgôrôđ.
Misen Xtrôgôp và cô gái trẻ Livôni đã ở trên tàu “Capcadơ”, không gặp trở ngại khó khăn nào. Chúng ta đã biết, tờ “pôđaroshna” ghi tên Nicôla Korpanôp cho phép người khách thương này được mang người đi theo trong suốt cuộc hành trình ở Xibir. Như vậy là một ông anh với một cô em gái đi đường được cảnh sát hoàng gia bảo đảm.
Cả hai ngồi ở phía đuôi con tàu, nhìn thành phố chạy lùi lại phía sau. Nigiơni - Nôpgôrôđ đang bị đảo lộn ghê gớm vì nghị định của viên thủ hiến.
Misen Xtrôgôp không nói một lời nào với cô gái và cũng chẳng hỏi gì cô cả. Anh chờ cô nói nếu cô thấy cần. Cô đã vội vã rời khỏi thành phố, mà ở đó nếu không có sự can thiệp may mắn của vị cứu tinh này, thì cô đã bị cầm chân lại rồi. Cô không nói gì cả, nhưng ánh mắt chan chứa vẻ biết ơn.
Sông Vônga, người xưa gọi là sông Pha, được coi là một con sông lớn nhất châu Âu với chiều dài không dưới bốn ngàn dặm (4300km).
Những tàu của Công ty vận tải giữa Pecmơ và Nigiơni - Nôpgôrôđ sẽ vượt khá nhanh khoảng cách giữa thành phố này với thành phố Kazan dài ba trăm năm mươi dặm (373km). Những con tàu này chỉ việc trôi theo sông Vônga mà sức đẩy của dòng chảy sẽ làm cho tốc độ vốn có của tàu tăng thêm khoảng hai dặm một giờ, nhưng khi tới ngã ba sông Kama, phía dưới Kazan một chút, thì tàu bắt buộc phải bỏ sông lớn mà vào sông nhỏ, từ đó phải đi ngược dòng tới Pecmơ. Với tất cả sự tính toán sát sao và dù máy có công suất lớn, tàu “Capcadơ” cũng không vượt quá mười sáu dặm một giờ. Nếu dành một tiếng đồng hồ dừng lại ở Kazan thì hành trình từ Nigiơni - Nôpgôrôđ đến Pecmơ cũng phải mất vào khoảng từ sáu mươi đến sáu mươi hai tiếng.
Con tàu này được xếp đặt bố trí rất tốt, khách đi tàu tùy theo điều kiện túi tiền của mình mà giữ chỗ từ hạng nhất đến hạng ba. Misen Xtrôgôp đã cẩn thận giữ hai ca-bin hạng nhất, để cô bạn gái có buồng riêng nghỉ ngơi khi nào cô muốn. Tàu “Capcadơ” chật ních hành khách đủ loại. Một số khách buôn châu Á thấy việc rời ngay Nigiơni - Nôpgôrôđ là tốt hơn hết. Trong khu dành riêng cho khách thuê buồng hạng nhất của con tàu, ta thấy những người Acmêni mặc áo dài và đội một loại mũ cao và nhọn, những người Do Thái dễ nhận ra với những chiếc mũ hình nón, những người Trung Quốc giàu sang trong bộ y phục cổ truyền: áo dài rất rộng màu xanh, tím hoặc đen, mở phía trước, phía sau và phủ ngoài một áo dài thứ hai có ống tay rộng cắt may giống kiểu áo các giáo trưởng, những người Thổ Nhĩ Kỳ hãy còn quấn khăn kiểu dân tộc, những người Inđu đội mũ vuông và thắt lưng bằng một sợi dây nhỏ. Cuối cùng là người Tactar, chân đi ủng được tô điểm bằng những dải vải nhiều màu sắc và ngực áo thêu. Tất cả những nhà buôn này chất hành lý và hàng hóa của họ đầy hầm tàu và cả trên boong tàu.
Phía mũi tàu “Capcadơ”, hành khách túm lại đông hơn, không chỉ những người nước ngoài, mà còn cả những người Nga mà nghị định không cấm họ đi trở về những thành phố khác trong tỉnh.
Ở đây, người ta thấy có những mugich* đội mũ bô-nê hoặc mũ lưỡi trai, mặc sơ mi kẻ ca rô, bên ngoài có chiếc áo khoác rộng, và những người nông dân ở dọc sông Vônga, quần xanh lơ, ống quần nhét trong ủng, áo sơ-mi bằng vải sợi bông màu hồng có dây thắt bên ngoài, mũ lưỡi trai dẹt hoặc mũ bô-nê bằng nỉ. Một số phụ nữ mặc áo dài bằng vải sợi bông in hoa, mang tạp dề màu sáng và đầu trùm khăn có hình vẽ màu đỏ. Tóm lại boong tàu này rất đông người. Vì vậy các hành khách phía đuôi tàu chẳng muốn bén mảng tới đây giữa những đám người ô hợp này làm gì, trong khi chỗ của họ đã được ghi rõ trên mặt những chiếc trống lớn.
Mặc dù vậy, tàu “Capcadơ” vẫn chạy hết tốc độ giữa hai bờ sông Vônga. Nó gặp nhiều con tàu có tàu kéo đi ngược dòng sông chở nhiều hàng hóa tới Nigiơni - Nôpgôrôđ.
Hai giờ sau khi tàu “Capcadơ” rời bến, cô gái trẻ Livôni mới bắt đầu chuyện trò với Misen Xtrôgôp. Cô hỏi:
- Anh đi Irkuxk, hả anh?
- Đúng đấy, em ạ, - Chàng trai đáp, - Chúng ta đi cùng đường. Do đó, nơi nào tôi phải đi qua thì cô cũng cùng phải đi qua.
- Anh ạ, ngày mai anh sẽ biết vì sao em rời khỏi bờ biển Bantích để đi tới tận bên kia rặng núi Uran.
- Anh không hỏi gì em đâu, em ạ!
- Rồi anh sẽ biết tất cả. - Cô gái nói, đôi môi hé một nụ cười buồn bã. - Đã là em gái thì không có gì được giấu diếm người anh của mình. Nhưng hôm nay thì em chưa thể!... Tuyệt vọng, mệt mỏi làm em rã rời.
- Em có muốn vào nghỉ trong ca-bin riêng của em cho đỡ mệt không?
- Có ạ! Vâng, thôi để đến mai, anh nhé!
- Vậy thì, lại đây em… - Anh ngần ngừ không nói hết câu, như muốn gọi tên mà anh chưa biết của cô bạn đồng hành.
- Em là Nađia, - cô vừa nói vừa chìa tay cho anh.
- Lại đây Nađia, và đừng ngần ngại khi cần đến sự giúp đỡ của ông anh Nicôla Korpanôp của em.
Và anh dẫn cô gái tới buồng riêng mà anh đã giữ cho cô ở phía đuôi tàu.
Misen Xtrôgôp trở lại boong tàu và khao khát muốn biết những tin tức có thể làm thay đổi lộ trình của anh. Anh trà trộn vào đám hành khách, chú ý lắng nghe, chứ không tham gia chuyện trò.
Những khách đi trên tàu tất nhiên là chỉ bàn tán về các sự kiện trong ngày, về bản nghị định và những hậu quả của nó. Những con người đáng thương này vừa mới lấy lại được hơi sức sau chuyến đi qua vùng Trung Á, giờ đây lại bắt buộc phải quay về, đều không dám biểu lộ sự phẫn lộ và nỗi tuyệt vọng đến cao độ của mình. Có thể là có những tên mật thám đã bí mật lên tàu “Capcadơ” để theo dõi. Vậy tốt hơn hết là giữ mồm giữ miệng, vì dù sao bị trục xuất còn dễ chịu hơn là bị giam trong một pháo đài.
Nhưng nếu ở phía này, Misen Xtrôgôp chẳng biết được gì thêm, vì không biết anh là ai nên họ im hơi lặng tiếng mỗi khi anh đến gần, thì anh chợt vẳng nghe tiếng nói của ai đó có vẻ như bất cần mọi người có nghe được hay không.
Người có cái giọng oang oang đầy vẻ tự tin đó nói tiếng Nga lơ lớ pha tiếng nước ngoài, và người đối thoại của anh ta, kín đáo hơn, đáp lại cùng một thứ ngôn ngữ, nhưng cũng không phải là tiếng mẹ đẻ của y.
- Thế nào, - người thứ nhất lên tiếng, - ông cũng ở trên tàu ư, ông bạn đồng nghiệp? Tôi đã thấy ông ở đêm hội trong hoàng cung tại Maxcơva và chỉ thoáng thấy lại ông ở Nigiơni - Nôpgôrôđ.
- Chính tôi đấy! - Người thứ hai đáp giọng cộc lốc.
- Này, thực tình tôi không ngờ là bị ông bám sau và theo sát đến như vậy đấy!
- Tôi đâu có theo sau, thưa ông! Tôi còn đi trước ông kia!
- Đi trước! Đi trước! Cứ cho là chúng ta đi ngang nhau, bước đều như hai người lính đi diễu binh, và ít nhất là tạm thời trong lúc này chúng ta thỏa thuận với nhau, nếu ông muốn, là người nọ sẽ không vượt người kia!
- Ngược lại, tôi sẽ vượt ông!
- Điều đó rồi sau sẽ hay, khi nào chúng ta ở ngoài chiến địa. Nhưng từ lúc này tới đó, ma quỷ thật, chúng ta hãy cứ là bạn đồng hành với nhau cái đã. Sau này, còn chán thời gian và cơ hội để chúng ta trở thành đối thủ của nhau!
- Địch thủ của nhau chứ!
- Địch thủ à? Cũng được! Ông bạn ạ, trong ngôn ngữ, ông có một sự chính xác làm tôi đặc biệt thích thú. Với ông, ít ra là người ta biết phải xử sự ra sao!
- Không có hại gì cả. Vì vậy, đến lượt tôi, tôi xin phép được xác định vị trí của mỗi chúng ta.
- Ông cứ xác định.
- Ông cũng đi tới… Pecmơ như tôi chứ?
- Như ông.
- Và chắc rằng từ Pecmơ ông sẽ tới Ekatêrinbua, vì đó là con đường tốt nhất, đảm bảo nhất để vượt qua dãy Uran?
- Có lẽ là thế.
- Một khi đã qua biên giới, chúng ta sẽ ở trên đất Xibir, tức là ngay giữa vùng giặc dã đang hoành hành.
- Chúng ta sẽ tới đó!
- Vậy đến lúc ấy, và chỉ đến lúc ấy mới là lúc để nói: “Mỗi người vì mình, và Thượng đế...”.
- “... Vì tôi!”.
- Thượng đế vì ông, vì một mình ông thôi à? Được lắm! Nhưng vì trước mắt chúng ta còn khoảng tám ngày trung lập, và vì dọc đường, chắc là tin tức không nhiều lắm, nên chúng ta hãy cứ là bạn cho đến khi trở thành đối thủ của nhau.
- Địch thủ chứ!
- Vâng. Đúng! Địch thủ! Nhưng từ giờ cho đến lúc đó, chúng ta hãy hiệp đồng với nhau, không xâu xé lẫn nhau. Hơn nữa tôi hứa với ông là sẽ chỉ giữ cho mình tất cả những gì tôi nhìn thấy.
- Còn tôi thì tất cả những gì tôi nghe được.
- Thỏa thuận như thế nhé!
- Thỏa thuận!
- Vậy thì ông đưa tay đây!
- Này, thì đưa…
- Và, bàn tay người thứ nhất, nghĩa là năm ngón tay xòe ra, lắc mạnh hai ngón của bàn tay người thứ hai chìa ra một cách phớt đời.
- Nhân tiện xin nói ông biết, - người thứ nhất nói, - sáng nay, ngay từ lúc mười giờ mười bảy phút, tôi đã điện cho “cô em họ” cả nội dung nguyên văn bản nghị định rồi.
- Còn tôi thì đã gửi nguyên văn bản nghị định đó cho tờ “Tin điện hàng ngày” hồi mười giờ mười ba phút.
- Hoan hô ông Blao!
- Rất chi là tốt, ông Jôlivê!
- Ăn miếng phải trả miếng thôi!
- Khó đấy!
- Dù sao cũng cứ thử xem.
Nói xong, phóng viên người Pháp thân mật chào nhà báo Anh. Anh này nghiêng đầu chào lại với điệu bộ cứng nhắc đặc Ănglê.
Quyết định của viên thủ hiến không có hiệu lực đối với hai người săn tin này, vì họ không phải người Nga, cũng không phải người ngoại quốc gốc châu Á. Thế là họ lên tàu và sở dĩ họ cùng rời Nigiơni - Nôpgôrôđ là vì một linh cảm nào đó thúc đẩy họ tiến lên phía trước. Tất nhiên là họ cùng dùng một phương tiện vận chuyển và đi cùng một đường đến tận thảo nguyên Xibir. Là những kẻ đồng hành, dù bạn hay thù, thì trước mặt họ cũng còn tám ngày nữa trước khi “cuộc săn mở màn”. Và lúc đó, kẻ nào khôn ngoan hơn, kẻ ấy sẽ thắng! Anxiđ Jôlivê đã đưa ra lời thách thức đầu tiên và Hary Blao chấp nhận lời thách thức đó, mặc dù bản tính anh vốn lạnh lùng.
Dù sao thì bữa ăn trưa hôm đó, anh chàng người Pháp lúc nào cũng cởi mở và thậm chí có đôi chút ba hoa, còn anh chàng người Anh thì lúc nào cũng kín đáo, luôn luôn trịnh trọng, họ cùng ngồi chạm cốc với nhau trên một bàn, vừa uống rượu Cliquot chính cống cất bằng nhựa tươi của cây phong vùng lân cận giá sáu rúp mỗi chai.
Cô gái trẻ Livôni không tới ăn bữa trưa. Cô ngủ trong ca-bin và Misen Xtrôgôp cũng chẳng muốn đánh thức cô dậy. Mãi tới chiều cô cũng không ló mặt trên boong tàu “Capcadơ”. Lúc này bóng hoàng hôn kéo dài phả vào không gian sự mát dịu mà hành khách khát khao tìm kiếm sau cái nắng gay gắt ban ngày. Nằm trên các ghế dài, họ thích thú hít thở làn gió nhẹ mà tốc độ của con tàu làm cho mạnh thêm. Vào khoảng thời kỳ này trong năm và ở vĩ độ này, trời chỉ hơi sẩm tối như lúc giữa đêm và sáng sớm.
Tuy vậy khoảng giữa mười một giờ và hai giờ sáng, vì là tuần trăng non nên trời hơi tối. Lúc này hầu hết hành khách trên boong đều ngủ. Chỉ có tiếng chân vịt đập vào nước đều đều, phá vỡ sự yên tĩnh. Một nỗi lo lắng bồn chồn làm cho Misen Xtrôgôp không sao ngủ được. Anh đi đi lại lại ở phía cuối con tàu. Có một lần anh đi quá buồng máy, tới chỗ dành riêng cho khách hạng hai, hạng ba.
Ở đấy, họ ngủ không những trên các ghế dài mà cả trên các ba-lô, các gói hàng và cả trên sàn gỗ của boong tàu. Chỉ còn thức những thủy thủ trực ban đứng trên boong thượng phía mũi tàu. Phải chú ý để khỏi giẫm vào những người nằm ngủ ngổn ngang đây đó. Phần lớn những mu-gich vốn đã quen nằm đất, nên tấm ván sàn boong tàu đối với họ như thế đã là quá tốt. Tuy nhiên, kẻ nào vụng về vô ý chạm ủng vào họ làm họ thức giấc, thì chắc chắn sẽ được nghe những lời hết sức bất nhã. Vì vậy Misen Xtrôgôp chú ý để không đụng vào bất cứ người nào. Đi như thế đến đầu tàu, anh chỉ có mỗi một ý nghĩ là chống buồn ngủ bằng một cuộc dạo chơi kéo dài một chút.
Nhưng, tới phía đầu tàu khi anh định leo lên boong thượng, thì bỗng nghe thấy có tiếng nói ngay cạnh mình. Anh liền dừng bước. Những tiếng nói đó hình như vẳng tới từ một đám hành khách trùm khăn choàng và đắp chăn kín trong bóng tối khiến anh không thể nhận được mặt họ.
Nhưng thỉnh thoảng, khi lò thông hơi của con tàu bùng lên một ngọn lửa hồng giữa những cuộn khói đen thì như có những tia lửa bay qua đám người đó thì chẳng khác gì hàng ngàn hạt bụi vàng bỗng sáng rực lên dưới một ánh hào quang.
Misen Xtrôgôp định bước qua thì bỗng nghe rành rọt những tiếng nói bằng một thổ ngữ lạ lùng đã từng đập vào tai anh trong đêm ở khu hội chợ.
Anh chú ý lắng nghe. Nhờ bóng cái boong thượng che khuất nên anh không thể bị phát hiện. Nhưng muốn nhìn thấy rõ những hành khách đang trò chuyện, thì cũng không thể được. Anh đành chỉ lắng nghe thôi.
Những câu trao đổi đầu tiên không có gì quan trọng - ít ra là đối với anh - nhưng cũng giúp anh biết chính xác đó là tiếng nói của mụ đàn bà và người đàn ông mà anh đã từng nghe họ trao đổi ở Nigiơni - Nôpgôrôđ. Từ lúc đó anh càng chú ý gấp bội. Và thật may mắn cho anh, vì anh nghe được khá rõ ràng câu hỏi và câu trả lời sau đây bằng thổ ngữ Tactar:
- Nghe nói có một người đưa thư đã khởi hành từ Maxcơva để đi tới Irkuxk!
- Có nghe nói như thế, Săngga ạ! Nhưng người đó sẽ đến quá chậm, hoặc sẽ không đến được!
Misen Xtrôgôp bất giác rùng mình khi nghe câu trả lời rõ ràng là ám chỉ vào mình. Anh cố thử nhận mặt xem có phải người đàn ông và mụ đàn bà vừa nói đó là những kẻ mà anh đã nghi ngờ không, nhưng bóng tối lúc đó quá dày đặc, anh đành chịu.
Một lát sau, Misen Xtrôgôp, không để ai nhìn thấy, trở lại phía cuối con tàu và, hai tay ôm đầu anh ngồi riêng ra một chỗ. Mọi người tưởng anh ngủ. Nhưng anh không ngủ và cũng chẳng nghĩ đến ngủ chút nào. Anh suy nghĩ, không phải là không lo ngại sâu xa đến điều này:
“Vậy kẻ nào đã biết chuyến đi của ta. Và biết được việc đó thì kẻ đối phó lại ta sẽ là ai?”.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm