To sit alone in the lamplight with a book spread out before you, and hold intimate converse with men of unseen generations - such is a pleasure beyond compare.

Kenko Yoshida

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 6 - Ông Anh Và Cô Em
hững biện pháp này rất tai hại đối với lợi ích riêng của từng người, nhưng hoàn cảnh cụ thể biện minh cho chúng là tuyệt đối chính xác.
“Cấm tất cả các công dân Nga ra khỏi tỉnh”, có nghĩa là nếu Ivan Ôgarep còn ở trong tỉnh tức là hắn bị chặn lại không liên lạc được với Fêôfar-khan làm cho tên thủ lĩnh này mất đi một phụ tá đáng gờm. Nhưng điều này thực ra cũng không phải dễ mà thực hiện được.
“Lệnh cho tất cả khách nước ngoài gốc châu Á phải rời khỏi tỉnh trong thời hạn hai mươi bốn tiếng đồng hồ”, tức là tống khứ cả một khối những khách buôn từ Trung Á tới cùng với cả những đám dân Bôhêmiêng, Gipxi và Digan ít nhiều có liên hệ khăng khít với các dân tộc Tactar hoặc Mông Cổ mà hội chợ đã tập họp chúng lại. Chắc là do thực trạng của tình hình mà phải trục xuất đám này đi, vì mỗi con người có thể là một tên gián điệp. Nhưng người ta cũng dễ dàng nhận thấy hiệu quả của hai đòn trời giáng này đánh xuống thành phố Nigiơni - Nôpgôrôđ và thành phố này nhất định phải hứng chịu nặng nề hơn bất cứ một thành phố nào khác.
Như vậy là những người quốc tịch Nga mà công việc đòi hỏi phải đi sang bên kia biên giới Xibir đều không được rời khỏi tỉnh, dù là tạm thời. Nội dung điều khoản thứ nhất của nghị định thật dứt khoát không chấp nhận một ngoại lệ nào. Tất cả lợi ích riêng phải hy sinh cho lợi ích chung.
Còn về điều khoản thứ hai của bản nghị định, tức lệnh trục xuất, thì nội dung của nó không cho ai được phép bàn cãi. Nó không liên quan đến những người ngoại quốc nào khác ngoài những người gốc châu Á. Họ chỉ còn có việc đóng gói hàng hóa và quay trở về con đường mà họ vừa đi qua. Còn về bọn làm trò xiếc, hát rong, mà số lượng rất lớn này, muốn đi tới biên giới gần nhất cũng phải vượt qua ngót nghìn dặm đường, thì quả thật là một tai họa ghê gớm không sao tả xiết đối với họ.
Vì vậy nổi lên tiếng xì xào phản kháng; tiếng kêu gào thất vọng chống lại biện pháp cứng rắn này. Nhưng sự có mặt của binh lính Côdắc và của các nhân viên cảnh sát đã mau chóng làm cho những tiếng ồn ào đó im bặt.
Và hầu như ngay lập tức, người ta có thể gọi là cuộc thu dọn cái bãi rộng mênh mông này bắt đầu. Những mảnh vải căng trước các lều quán được gấp lại, những rạp của các phường hát được rỡ đi từng mảng. Nhảy múa và ca hát đều ngừng lại: tiếng quảng cáo om sòm các tiết mục bây giờ cũng im bặt; đèn đóm tắt rụi; dây căng để biểu diễn thăng bằng bây giờ đây cũng chùng xuống; những chú ngựa già thở hổn hển rời chuồng để trở lại càng xe các nhà ở lưu động. Cảnh sát và binh lính cầm roi hoặc gậy trong tay đến thúc giục xua đuổi những người chậm chạp lề mề và chẳng ngần ngại giật đổ các lều quán ngay cả khi những người Bôhêmiêng khốn khổ này chưa kịp chui ra. Tất nhiên với những biện pháp như vậy, trước khi trời chưa tối hẳn, quảng trường Nigiơni - Nôpgôrôđ sẽ hoàn toàn trống không và sự ồn ào náo nhiệt của một khu chợ lớn được thay thế bằng sự im lặng vắng vẻ của sa mạc.
Lại còn phải nhắc thêm - vì đây là điều khoản bắt buộc - là những người du cư, đối tượng trực tiếp của lệnh trục xuất, không được đi ngang qua thảo nguyên vùng Xibir, mà phải tạt xuống phía Nam biển Caxpi hoặc qua Ba Tư, hoặc qua Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc đi tới các bình nguyên vùng Tân Cương. Những đồn kiểm soát ở Uran và rặng núi nối vùng này với biên giới Nga, không cho phép họ vượt qua. Như vậy họ phải rong ruổi trên một quãng đường dài nghìn dặm nữa, trước khi đặt được chân lên mảnh đất tự do. Khi bản nghị định được viên cảnh sát trưởng công bố xong, Misen Xtrôgôp bỗng thấy nảy ra trong óc một sự liên hệ.
“Trùng hợp lạ lùng! - Anh nghĩ thầm. - Giữa bản nghị định trục xuất những người ngoại quốc gốc châu Á và những câu trao đổi giữa hai người Digan xứ Bôhêm tối hôm ấy! “Chính Đức Cha phái chúng ta đi đến nơi
chúng ta muốn”! Lão già đã nói như vậy - Mà “Đức Cha” đây chính là Hoàng đế. Dân chúng đều gọi thế. Làm sao bọn người du cư này lại dự đoán và biết trước được các biện pháp chống lại chúng? Vậy, chúng muốn đi đâu? Đây là bọn người khả nghi và nghị định của viên thủ hiến đối với chúng hình như có lợi hơn là có hại!”.
Suy nghĩ đó chắc là rất đúng, nhưng lập tức bị một ý nghĩ cắt ngang và chi phối toàn bộ trí óc của Misen Xtrôgôp. Anh quên bọn Digan, quên những lời nói khả nghi của chúng, quên cả sự trùng hợp lạ lùng trong vấn đề công bố lệnh của viên thủ hiến... Hình ảnh cô gái trẻ xứ Livôni bất ngờ hiện lên trong trí nhớ anh.
“Cô bé thật đáng thương! - bất giác anh kêu lên. - Thế là cô ta không qua được biên giới rồi!”.
Quả vậy, cô gái từ Riga đến, là dân xứ Livôni, tóm lại là người Nga, thế thì không được rời khỏi lãnh thổ Nga! Giấy phép, được cấp trước khi có những biện pháp mới, tất nhiên không còn giá trị nữa. Tất cả các con đường đi Xibir vừa bị phong bế đối với cô và bất cứ với lý do nào, cô cũng không được phép tới Irkuxk. Ý nghĩ này chi phối mạnh mẽ đầu óc Misen Xtrôgôp. Anh tự nhủ - ban đầu còn chưa rõ rệt - là trong khi không chút lơ là đối với sứ mệnh nặng nề mà anh đảm nhận, anh vẫn có thể, nếu cần, giúp đỡ phần nào cho cô bé can đảm này. Ý nghĩ ấy đã làm anh rạng rỡ hẳn lên. Vốn là một thanh niên rắn rỏi đầy nghị lực, anh thấy rõ những hiểm nguy mà bản thân anh sẽ phải đương đầu trong một xứ sở mà may mắn thay, anh đã thuộc đường đi lối lại, vì vậy anh lại càng thấy rõ những hiểm nguy đó sẽ vô cùng khủng khiếp đối với một thiếu nữ. Vì cô gái đi tới Irkuxk, cùng đường với anh, sẽ bắt buộc phải đi qua giữa bầy giặc xâm lăng cũng như anh, cũng phải trải qua biết bao thử thách. Lại còn điều này nữa - rất có thể như thế - là nếu cô ta chỉ chuẩn bị một khoản tiền chi tiêu vừa đủ cho một chuyến đi trong điều kiện bình thường, thì làm sao mà hoàn thành được chuyến đi đó trong hoàn cảnh không những nguy hiểm mà còn tốn kém nữa?
“Thôi được! - anh tự bảo, - nếu cô ta theo con đường đi Pecmơ, thì không thể nào mình lại không gặp. Vậy có thể kín đáo quan tâm tới cô, nhưng không để cô ta hay biết. Và xem ra cô có vẻ cũng vội vã để tới mau Irkuxk, như vậy sẽ không gây cho ta sự chậm trễ nào”. Nhưng ý nghĩ này lại kéo theo ý nghĩ khác. Cho tới lúc đó Misen Xtrôgôp chỉ mới lập luận với giả thuyết một nghĩa cử phải làm, một sự giúp đỡ cần thực hiện. Nhưng một ý nghĩ mới lại vừa nảy sinh trong óc anh và vấn đề đặt ra với anh lại theo một phương diện hoàn toàn khác:
“Thực ra, - anh tự nhủ, - ta có thể cần đến cô ấy hơn là cô ấy cần ta. Sự có mặt của cô ấy chẳng những không vô ích đối với ta, mà còn có tác dụng đánh lạc hướng mọi nghi ngờ về ta. Vì đối với một người đàn ông mà đơn độc băng qua thảo nguyên, thì người ta có thể dễ dàng đoán được đó là người đưa thư của Nga hoàng. Nếu, ngược lại có cô gái ấy đi cùng thì mọi người sẽ cho ta đúng là Nicôla Korpanôp như đã ghi trong “pôđaroshna”. Do vậy cô gái này phải đi theo ta! Phải tìm cho ra cô ấy bằng bất cứ giá nào! Không chắc gì từ chiều hôm qua đến giờ cô ta đã kiếm được xe để rời khỏi Nigiơni - Nôpgôrôđ. Ta hãy đi tìm cô ấy và cầu mong Thượng đế dẫn dắt cho ta!”.
Misen Xtrôgôp ra khỏi quảng trường Nigiơni - Nôpgôrôđ rộng lớn mà việc thực thi các biện pháp quy định đã làm cho sự ồn ào náo động lên đến cao độ. Những lời phản kháng của những người nước ngoài bị trục xuất, tiếng hò hét của những cảnh sát và binh lính Côdắc hành hung họ, đó là một sự náo loạn không sao tả được. Cô gái anh tìm không thể ở đây. Lúc đó là chín giờ sáng. Đến trưa tàu mới chạy. Như vậy là Misen Xtrôgôp còn khoảng hai tiếng đồng hồ nữa để đi tìm lại cô gái mà anh muốn sẽ trở thành người bạn đồng hành.
Anh lại qua sông Vônga một lần nữa và đi khắp các khu vực bờ biển kia; ở đó đám đông đã thưa hơn. Có thể nói: anh đi thăm dò hết phố này đến phố nọ, cả phố trên lẫn phố dưới. Anh vào trong các nhà thờ, nơi ẩn lánh tự nhiên của những lời than khóc, của những nỗi đau khổ nào đó. Không một nơi nào anh gặp lại cô gái xứ Livôni.
“Nhất định cô ta chưa có thể rời khỏi được Nigiơni - Nôpgôrôđ, anh lẩm bẩm, - ta cứ tìm nữa!”.
Misen Xtrôgôp lang thang như vậy suốt hai tiếng đồng hồ. Anh cứ đi miết mà không thấy mệt, tuân theo một tình cảm khẩn thiết không cho phép anh đắn đo suy nghĩ gì nữa. Nhưng tất cả mọi cố gắng đều uổng công vô ích.
Anh bỗng chợt nghĩ ra là có lẽ cô gái chưa biết có cái lệnh quái ác đó, trường hợp này khó có thể xảy ra, vì tiếng sét nổ to như vậy, không ai là không nghe thấy. Điều tất nhiên là khi cô quan tâm đến những tin tức dù là nhỏ nhất từ Xibir tới, thì làm sao lại có thể không biết rõ những biện pháp mà viên thủ hiến vừa thi hành, đang trực tiếp đánh vào cô?
Nhưng, cuối cùng, cứ giả thiết là cô ta không biết những tin tức đó, thì trong một vài tiếng đồng hồ nữa, thế nào cô cũng phải tới bến tàu và, ở đấy một nhận viên nào đó sẽ từ chối một cách tàn nhẫn không cho cô đi! Bất cứ bằng giá nào, Misen Xtrôgôp cũng phải gặp cô ta trước, có thể nhờ anh mà cô tránh được thất bại đó. Nhưng mọi tìm kiếm đều vô hiệu và anh thấy không còn hy vọng gì gặp lại cô.
Lúc đó đã là mười một giờ trưa, ở vào trường hợp khác, Misen Xtrôgôp thấy chẳng cần thiết, nhưng anh nghĩ lúc này cũng nên xuất trình giấy tờ của mình ở văn phòng cảnh sát. Bản nghị định không dính dáng gì tới anh, vì trường hợp này đã được tính trước đối với anh, nhưng anh cũng muốn biết thật chắc chắn là không có gì cản trở anh ra khỏi thành phố. Vậy là Misen Xtrôgôp lại phải trở sang bên kia sông Vônga, đến khu vực có trụ sở văn phòng cảnh sát. Ở đó, người đông như kiến, vì nếu khách nước ngoài có lệnh phải rời khỏi thành phố thì trước khi đi, cũng vẫn buộc phải làm đúng một số thủ tục cần thiết. Nếu không đề phòng như thế thì rất có thể một công dân Nga nào đó, ít nhiều có sự câu kết với bọn phiến loạn Tactar, đội lốt để lọt qua biên giới.
Vì vậy bọn làm trò ảo thuật, hát rong, bọn người du cư, bọn Digan, bọn Zingaris trà trộn vào đám khách buôn người Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Tân Cương, Trung Quốc khiến cho ngoài sân và trong các phòng của sở cảnh sát đều đông nghịt. Người nào cũng vội vã vì các phương tiện vận chuyển sẽ trở nên cực kỳ khan hiếm đối với đám người bị trục xuất. Những kẻ chậm chân sẽ có nguy cơ không thể rời khỏi thành phố đúng thời hạn quy định. Như vậy họ sẽ phải giơ đầu chịu sự ngược đãi tàn bạo của các nhân viên dưới quyền thủ hiến.
Misen Xtrôgôp, nhờ sức mạnh của hai khuỷu tay đã có thể đi lọt qua sân. Nhưng còn vào được các phòng và đến được chỗ các nhân viên làm việc thì quả là rất khó khăn. Nhưng chỉ một lời rỉ tai tên nhân viên cảnh sát và vài đồng rúp đưa ra đúng lúc là có khá đủ sức mạnh để anh có thể có một lối đi vào.
Tên nhân viên, sau khi đưa anh vào phòng chờ liền đi báo với một nhân viên cấp trên. Như vậy là chỉ trong chốc lát, Misen Xtrôgôp sẽ được cơ quan cảnh sát chứng nhận là hợp lệ và anh sẽ được tự do hành động. Trong lúc chờ đợi, anh nhìn ra xung quanh. Và, anh trông thấy gì? Kìa, trên một chiếc ghế dài, một cô gái trẻ với niềm tuyệt vọng thầm lặng đang rũ người xuống chứ đâu phải là ngồi. Dù không trông rõ mặt, nhưng với cái bóng nghiêng của cô in trên tường, Misen Xtrôgôp tin là mình không thể nào nhầm. Anh nhận ra đó là cô gái trẻ xứ Livôni. Không biết là có bản nghị định kia, cô đến sở cảnh sát để xin đóng dấu thị thực vào giấy phép. Cô đã bị từ chối. Đúng là cô có được phép đi Irkuxk, nhưng nghị định mới kia thì phải dứt khoát chấp hành, nên những giấy phép đã cấp từ trước đều không còn giá trị nữa và con đường đi Xibir đối với cô đã bị đóng lại.
Misen Xtrôgôp rất sung sướng, vì cuối cùng đã tìm thấy cô, anh tiến đến gần. Vừa thoáng nhìn thấy anh, khuôn mặt cô rạng rỡ hẳn lên. Cô bất giác đứng dậy và như một người sắp chết đuối vớ được cọc, cô sắp nhờ anh giúp đỡ thì... ngay lúc đó người nhân viên cảnh sát hích nhẹ vào vai Misen Xtrôgôp:
- Cảnh sát trưởng chờ anh! - hắn nói.
- Vâng! - Misen Xtrôgôp đáp.
Không nói một lời nào với cô gái mà anh đã mất bao công tìm kiếm từ hôm qua đến giờ, cũng không có một cử chỉ nào có thể làm cho cô gái an tâm, mà cũng có thể làm hại cả cho hai người, anh theo người nhân viên len lỏi qua đám đông. Cô gái Livôni thấy con người duy nhất có thể giúp cô đi khỏi thì lại sụp ngồi xuống ghế.
Chưa quá ba phút đồng hồ, Misen Xtrôgôp lại quay ra phòng đợi, theo sau có một nhân viên cảnh sát. Anh cầm trong tay tờ “pôđaroshna” cho phép anh tự do rong ruổi trên các con đường của Xibir. Anh tới gần cô gái, chìa tay ra cho cô:
- Nào, em!... - Anh nói.
Cô gái hiểu liền. Cô đứng dậy như có một linh cảm bất ngờ nào đó không cho phép cô chần chừ một giây nào cả.
- Em ạ! - Misen Xtrôgôp nói. - Chúng ta được phép tiếp tục cuộc hành trình tới Irkuxk. Em đi chứ?
- Vâng, em theo anh! - Cô gái đáp và đặt bàn tay mình vào lòng bàn tay Misen Xtrôgôp.
Và hai người rời trụ sở cảnh sát.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm