We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5 - Một Nghị Định Với Hai Điều Khoản
igiơni - Nôpgôrôđ, tức là Nôpgôrôđ - Hạ ở vào ngã ba sông Vônga và sông Oka, là thủ phủ của tỉnh cùng tên. Cũng từ nơi này phải rời đường sắt, mà hồi đó chỉ đến ngang thành phố này là hết. Như vậy anh càng tiến lên thì các phương tiện giao thông di chuyển càng chậm hơn và càng kém an toàn hơn.
Nigiơni - Nôpgôrôđ lúc bình thường chỉ có từ ba mươi đến ba mươi lăm ngàn dân, nhưng lúc này dân số lên tới ba trăm ngàn tức là tăng gấp mười lần. Nguyên nhân của sự tăng vọt này là do trong thành phố có hội chợ nổi tiếng kéo dài tới ba tuần lễ.
Thành phố thường ngày khá buồn tẻ, lúc này bỗng huyên náo hẳn lên. Các thương gia thuộc mười chủng tộc khác nhau. Âu có, Á có chen vai thích cánh giao tiếp thân thiện với nhau trong các mối quan hệ thương mại.
Mặc dù Misen Xtrôgôp rời nhà ga lúc đêm đã về khuya, nhưng hãy còn rất đông người tụ tập ở cái thành phố vốn bị dòng sông Vônga chảy qua ngăn đôi thành hai khu phố: Nigiơni - Nôpgôrôđ là khu phố thấp, còn khu phố trên cao thì được xây dựng trên một khối đá cheo leo có thành lũy bảo vệ mà ở Nga người ta gọi là “Kreml”*.
Nếu Misen Xtrôgôp bắt buộc phải dừng lại ở Nigiơni - Nôpgôrôđ, thì khó có thể tìm ra được một khách sạn và ngay cả một quán trọ ra hồn. Ở đây mọi chỗ đều tấp nập khách khứa. Vì không thể đi ngay, mà phải chờ tàu thủy chạy trên sông Vônga, nên anh phải tìm một chỗ nghỉ tạm. Nhưng trước hết, anh muốn biết chính xác giờ khởi hành, nên phải đến hỏi văn phòng Công ty có tàu thủy chạy từ Nigiơni - Nôpgôrôđ đi Pecmơ.
Ở đó, anh vô cùng chán ngán được biết tàu “Capcadơ” mãi đến trưa hôm sau mới khởi hành. Mười bảy tiếng đồng hồ chờ đợi! Thật là bực mình cho một người có việc vội, nhưng đành phải kiên nhẫn vậy thôi. Anh đã chịu đựng, chẳng hề kêu ca vô ích. Hơn nữa trong hoàn cảnh hiện tại, theo đường bộ, không một loại xe nào: têlêga, tarantax hoặc xe hòm hay xe trạm, không một con ngựa nào có thể đưa anh đến Pecmơ hoặc đến Kazan nhanh hơn. Tốt nhất là chờ tàu thủy, loại phương tiện đi nhanh hơn cả và có thể cho phép anh lấy lại thời gian bị mất vì chờ đợi.
Thế là Misen Xtrôgôp đi dọc thành phố và tìm kiếm - điều mà anh chẳng bận tâm lắm - một quán trọ nào đó để nghỉ qua đêm. Về vấn đề này, anh không chút bối rối, nếu không bị cái đói dày vò, anh có thể dạo lang thang trên các phố ở Nigiơni - Nôpgôrôđ đến tận sáng. Cái mà anh tìm kiếm là một bữa ăn tối hơn là chiếc giường nằm. Thế mà anh lại tìm được cả hai ở cái tấm biển đề “Thành phố Côngxtantinôp”.
Ở đó, người chủ quán chọn cho anh một buồng khá vừa ý, ít đồ đạc, nhưng không thiếu hình Đức Mẹ Đồng Trinh, cũng như chân dung một số các vị thánh được đóng khung với vải thêu kim tuyến. Một chú vịt nhồi xào chua, ngập trong một lớp kem dày, bánh mì làm bằng bột đại mạch, sữa đông, đường cát trộn quế, một bình Kơvax, loại bia rất thông dụng ở Nga được đem ra phục vụ ngay. Thực ra anh cũng chẳng cần phải nhiều đến thế.
Ăn xong, đáng lẽ lên buồng nghỉ ngơi, thì như một cái máy anh lại tiếp tục đi dạo trong thành phố. Dù hoàng hôn còn kéo dài, song đám đông đã giải tán, các đường phố dần dần vắng vẻ và mọi người đều trở về nhà.
Vì sao Misen Xtrôgôp không đi ngủ ngay, sau cả một ngày mệt mỏi trên tàu hỏa? Phải chăng anh nghĩ tới cô gái xứ Livôni trẻ trung đã là bạn đồng hành của anh trong mấy tiếng đồng hồ? Đúng là anh đã nghĩ đến cô vì chẳng có việc gì làm thích hợp hơn. Anh sợ cô bị lạc giữa cái thành phố náo nhiệt này và có thể bị người ta xúc phạm chăng? Đúng là anh sợ và sợ như vậy là có lý. Phải chăng anh hy vọng gặp lại cô và nếu cần, anh sẽ là người che chở cho cô? Không, gặp lại cô thật là khó. Còn che chở cho cô thì... anh đâu có quyền!
Rồi anh tự nhủ: “Một mình thân gái giữa cái đám người du mục này! Song những hiểm nghèo trước mắt có đáng kể gì so với những gian nguy sẽ đến với cô trong những ngày sắp tới? Xibir! Irkuxk! Cuộc phiêu lưu mà ta đang dấn thân vì nước Nga và vì Nga hoàng, thì nàng, chính nàng cũng sắp dấn thân vì... Vì ai? Vì cái gì? Nàng cũng được phép vượt qua biên giới! Và bên kia thì đang loạn lạc! Bọn giặc Tactar đang tung hoành ngang dọc trên thảo nguyên!...”.
Chốc chốc, Misen Xtrôgôp lại dừng bước và suy nghĩ:
“Chắc rằng ý định về chuyến đi này đã đến với cô trước khi có cuộc xâm lăng! Có thể ngay bản thân cô ta cũng không biết những gì đang xảy ra!... Nhưng, không. Những người lái buôn đã trò chuyện ngay trước mặt cô về những lộn xộn ở Xibir... Và cô ta chẳng hề tỏ vẻ gì là ngạc nhiên sợ sệt cả... mà thậm chí cũng chẳng cần một lời giải thích nào... Như vậy rõ ràng cô ta có biết. Biết mà vẫn cứ đi! Ôi, cô gái đáng thương! Nguyên nhân khiến cô ta phải đi ắt là vô cùng mạnh mẽ. Nhưng dù có can đảm tới mức nào chăng nữa - chắc chắn là cô ta rất can đảm - thì sức khoẻ cũng phản lại cô trên đường đi, đó là chưa nói đến những hiểm nguy và trở ngại, cô ta không tài nào chịu đựng nổi những nỗi nhọc nhằn của một chuyến đi như vậy!... Cô ta sẽ không bao giờ đi tới được Irkuxk!”.
Misen Xtrôgôp cứ lang thang vô định như vậy, nhưng vì anh thông thuộc thành phố như trong lòng bàn tay, nên việc tìm lại đường đối với anh không có gì khó khăn cả.
Sau khi tản bộ khoảng một tiếng đồng hồ, anh tới ngồi trên một chiếc ghế dài đặt tựa vào một cái lều gỗ lớn dựng giữa rất nhiều lều khác trên một khoảnh đất rất rộng. Anh ngồi đó được độ năm phút, thì có một bàn tay vỗ mạnh vào vai anh:
- Anh làm gì ở đây? - Một giọng đanh và hách của một người đàn ông cao lớn, mà khi hắn bước tới anh không để ý, cất tiếng hỏi.
- Tôi ngồi nghỉ, - Misen Xtrôgôp đáp.
- Phải chăng anh có ý định ngủ qua đêm trên chiếc ghế này?
- Phải, tôi sẽ ngủ ở đây nếu thấy cần. - Misen Xtrôgôp đáp với giọng hơi dằn mạnh quá mức một chút, không đúng với giọng một nhà buôn bình thường mà anh đang thủ vai.
- Đến gần đây xem nào! - Người đó bảo.
Misen Xtrôgôp sực nhớ ra trước hết là phải hết sức thận trọng, nên bất giác lùi lại và đáp:
- Không cần ai phải xem mặt tôi cả!
Nhìn kỹ, anh thấy hình như đang có chuyện với một loại người Bôhêmiêng du cư thường thấy ở tất cả các hội chợ và thấy thật không thích thú gì, khi phải đụng chạm với họ bất cứ về phương diện nào. Rồi, nhìn kỹ hơn trong bóng tối đã bắt đầu dày đặc, anh nhận thấy cạnh lều có một chiếc xe ngựa to rộng, loại nhà ở lưu động của những người Zingaris hay Digan đông như kiến trên đất Nga. Nhưng người đàn ông xứ Bôhêm đã tiến lên, định chất vấn Misen Xtrôgôp một cách gay gắt hơn nữa, thì vừa lúc đó, cánh cửa túp lều bật mở. Một mụ đàn bà trông không được rõ lắm, bước ra và, bằng một thổ ngữ khá cộc cằn mà Misen Xtrôgôp nhận ra đó là một thứ tiếng hổ lốn vừa pha ngôn ngữ Mông Cổ vừa lẫn tiếng Xibir. Mụ ta nói:
- Lại một tên gián điệp! Thôi mặc hắn! Vào ăn đi thôi! Món papluka* đang chờ anh đấy!”.
Misen Xtrôgôp không khỏi mỉm cười về cái danh hiệu mà mụ ta vừa mới ban cho anh, vì chính anh lại hết sức ngại bọn gián điệp. Nhưng, cũng cùng một ngôn ngữ đó, song giọng rất khác với người đàn bà, người đàn ông trả lời bằng mấy tiếng đại khái có nghĩa như sau:
- Phải đấy, Săngga ạ! Hơn nữa ngày mai ta đi rồi!
- Ngày mai ư? - Người đàn bà khẽ hỏi lại bằng giọng có đôi chút ngạc nhiên.
- Phải! - Người Bôhêmiêng đáp. - Ngày mai, và chính Đức Cha phái chúng ta đi... đến nơi chúng ta muốn đến.
Sau đó, người đàn ông và mụ đàn bà bước vào trong lều, đóng cửa lại rất cẩn thận.
“Được! - Misen Xtrôgôp tự nhủ. - Nếu những người Bôhêmiêng này muốn không ai hiểu họ nói gì, ta sẽ khuyên họ dùng một thứ ngôn ngữ khác khi nói trước mặt ta”.
Với tư cách là người dân Xibir và đã qua cả một thời niên thiếu trên thảo nguyên như chúng ta đã biết, Misen Xtrôgôp nắm được tất cả các thổ ngữ thông dụng từ Tactari đến vùng Biển Băng. Còn ý nghĩa chính xác của những câu trao đổi giữa người đàn ông và bạn gái của hắn, thì Misen Xtrôgôp thấy chẳng cần bận tâm đến làm gì.
Đêm cũng đã khuya, anh nghĩ tới việc phải về quán trọ để nghỉ ngơi một chút.
Trằn trọc mãi, một giờ sau Misen Xtrôgôp mới chợp được mắt trên chiếc giường kiểu Nga hình như quá cứng đối với khách lạ. Và hôm sau, 17 tháng Bảy, anh thức dậy từ sáng sớm tinh mơ.
Năm tiếng đồng hồ nữa còn phải chờ ở Nigiơni - Nôpgôrôđ đối với Misen Xtrôgôp dường như là cả một thế kỷ. Phải làm gì cho hết buổi sáng này, nếu không đi lang thang các phố như hôm trước? Ăn sáng xong, túi buộc gọn, giấy thông hành “pôđaroshna” đã đưa trình sở cảnh sát để được ký xác nhận, anh chỉ còn việc lên đường nữa thôi. Nhưng vốn là người không quen dậy sau mặt trời, anh rời khỏi giường nằm, mặc quần áo, nhét cái thư có in quốc ấn xuống tận đáy túi, trong lần lót của chiếc áo dài mà anh nịt chặt bằng dây thắt lưng. Rồi buộc túi xách lại, khoác nó lên vai. Xong việc, không muốn quay trở lại nhà trọ “Thành phố Côngxtantinôp” nữa và dự tính sẽ dùng bữa sáng trên bờ sông Vônga, nên anh thanh toán các khoản, rồi từ biệt quán trọ, bước lên đường.
Để cẩn thận hơn nữa, trước hết, Misen Xtrôgôp đi tới bến tàu và ở đó, anh biết chắc chắn là tàu Capcadơ sẽ rời bến đúng giờ quy định. Ý nghĩ đầu tiên đến với anh là nếu cô gái trẻ xứ Livôni phải đi theo đường Pecmơ thì rất có thế cô ta cũng đáp tàu Capcadơ. Trong trường hợp này thì tất nhiên là Misen Xtrôgôp sẽ đi cùng một đường vói cô.
Khu phố trên cao có thành lũy Kreml chu vi tới hai dặm - giống như thành Kremli ở Maxcơva - lúc đó thật hoang vắng. Viên thủ hiến cũng không ở đó nữa. Nhưng khu phố trên càng vắng lặng như lịm chết bao nhiêu, thì khu phố bên dưới lại càng náo nhiệt và sống động bấy nhiêu.
Misen Xtrôgôp, sau khi vượt sông Vônga, trên một cây cầu nổi có lính Côdắc cưỡi ngựa canh gác, tới ngay chỗ mà hôm trước anh đã đụng vào nơi cắm trại của những người dân Bôhêmiêng du cư. Nơi đó ở xa thành phố một chút, cái thành phố đang có hội chợ Nigiơni - Nôpgôrôđ mà ngay cả hội chợ Laixich cũng khó sánh nổi. Trên một bãi đất rộng và bằng phẳng bên kia sông Vônga, hiện lên dinh thự tạm thời của viên thủ hiến. Trong suốt thời gian hội chợ, người viên chức cao cấp này phải ở tại đó vì hội chợ có nhiều vấn đề cần phải giám sát thường xuyên.
Lúc đó, trên khoảnh đất rộng này đã mọc lên những căn nhà gỗ được bố trí một cách đối xứng và có những lối đi khá rộng để mọi người di chuyển dễ dàng. Có một sự hội tụ nào đó của các lều quán to nhỏ đủ các cỡ, hình thể khác nhau, chia thành từng khu vực riêng biệt phù hợp với từng loại hàng hóa mua bán, trao đổi. Có khu hàng sắt thép, khu hàng da lông thú, khu len dạ, khu đồ gỗ, khu vải vóc, khu hàng cá khô v.v... Một số căn nhà còn được xây dựng bằng những vật liệu hết sức kỳ quặc: những viên gạch bằng trà uống hoặc bằng những tảng thịt ướp muối, tức là bằng những mẫu hàng mà người chủ sẽ bán cho khách mua.
Mặt trời mọc từ lúc bốn giờ đã lên cao. Trên các đường phố, dọc theo những lối đi, dòng người đã khá đông đúc: người Nga, người Xibir, người Đức, người Côdắc, người Turcơmen, người Ba Tư, người Grudia, người Hy Lạp, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ấn Độ, người Trung Quốc... Sự hỗn hợp kỳ lạ giữa Âu và Á. Họ chuyện trò, bàn cãi, ba hoa khoác lác và giao dịch mua bán.
Tất cả những gì để bán và mua đều hầu như được tập trung ở địa điểm này. Phu khuân vác, lạc đà, lừa ngựa, tàu bè, xe cộ... tất cả những gì dùng để chuyên chở đều tụ lại ở nơi họp chợ này. Những da lông thú, đá quý, vải, lụa, hàng casơmia* Ấn Độ, thảm dệt Thổ Nhĩ Kỳ, vũ khí Capcadơ, hàng len dạ Xmyrnơ hay Ba Tư, giáp trụ của Tbilixi, trà của các đoàn khách thương, đồ đồng đỏ của châu Âu, đồng hồ Thụy Sĩ, nhung lụa Lyông, vải sợi Anh, đồ phụ tùng các loại xe cộ: rau quả, khoáng sản của Uran, đá khổng tước, ngọc bích, hương liệu, nước hoa, cây thuốc, các thứ gỗ, nhựa đường, thừng chão, sừng thú, bầu bí, dưa hấu v.v... tất cả những sản vật của Ấn Độ, Trung Hoa, Ba Tư, vùng biển Caxpi và Biển Đen cho đến các sản vật của châu Mỹ và châu Âu đều tụ hội ở điểm này của địa cầu.
Đó là một quang cảnh náo động, hưng phấn, hỗn tạp ồn ào mà người ta khó có thể tưởng tượng được; những người bản xứ ở tầng lớp hạ lưu tỏ ra hết sức vồn vã, cởi mở trong giao dịch, và những người nước ngoài về điểm này, cũng chẳng chịu thua kém. Ở đây có những khách buôn từ Trung Á đến, đã để cả một năm trời áp tải những hàng hóa vượt qua những bình nguyên dài dặc và chỉ một năm sau mới trở lại những cửa hàng cửa hiệu của họ. Đó là ý nghĩa quan trọng của hội chợ Nigiơni - Nôpgôrôđ. Con số giao dịch kinh doanh lên tới không kém một trăm triệu rúp (khoảng 175 triệu frăng trước 1914).
Rồi trên những quảng trường, giữa các tiểu khu trong cái thành phố xuất hiện bất ngờ này, người ta thấy tụ tập những đám người làm trò đủ loại: ảo thuật, nhào lộn làm đinh tai nhức óc vì dàn nhạc của họ và vì những tiếng hò hét om sòm quảng cáo các tiết mục; những người Bôhêmiêng từ trên núi xuống xem tướng số hoặc bói toán cho những người hiếu kỳ hết người này đến người khác; những người Zingaris hay Digan – người Nga gọi là bọn Gipxi* thuộc giống Côphtơ* – hát những điệu hết sức độc đáo; các phường hát rong, diễn những vở bi kịch của Sêchxpia hợp với thị hiếu của đông đảo khán giả đang ùn ùn kéo tới. Rồi trên những đại lộ, nhũng người làm trò xiếc gấu dẫn những nghệ sĩ bốn chân, chuyên biểu diễn động tác thăng bằng, tự do đi trên đường; những tiếng rống khàn khàn của những con thú các gánh xiếc vang lên dưới ngọn roi thép hay cây gậy sơn đỏ của người điều khiển. Cuối cùng giữa quảng trường lớn ở khu trung tâm, những người ham thích nghệ thuật đến độ say mê, đứng vòng trong vòng ngoài để hát đồng ca bài “Những người chèo thuyền trên sông Vônga”. Họ ngồi trên đất mà tưởng như ngồi trên mạn thuyền, làm động tác như đang chèo đò dưới chiếc đũa chỉ huy của người nhạc trưởng, thuyền trưởng thực sự của con tàu tưởng tượng!
Phong tục kỳ dị và thật thú vị! Trên đầu tất cả đám đông đó là một bầy chim vừa thoát khỏi những chiếc lồng đã được người ta đem tới. Theo tục lệ rất lâu đời ở hội chợ Nigiơni - Nôpgôrôđ, chỉ với một vài đồng kôpêch - mà những người nhân hậu vui lòng đánh đổi - để làm một việc từ thiện. Thế là những cai ngục mở ngay cửa lồng thả tù nhân của họ ra và hàng trăm con chim bay vù lên trời cao, ríu rít hót lên những tiếng hót vui náo nức.
Đó là quang cảnh của khu vực hội chợ Nigiơni - Nôpgôrôđ nổi tiếng. Theo thường lệ, hội chợ sẽ kéo dài sáu tuần lễ.
Cũng cần thêm là lần này ít ra là nước Pháp và nước Anh có hai đặc sản tiêu biểu cho nền văn minh tân tiến của họ tại hội chợ Nigiơni - Nôpgôrôđ. Đó là ngài Hary Blao và ngài Anxiđ Jôlivê.
Quả vậy, hai nhà báo đều tới tìm kiếm ở đây những cảm xúc để phục vụ cho các độc giả của họ và họ tận dụng vài tiếng đồng hồ còn lại, vì hôm nay họ cũng sẽ lên tàu “Capcadơ” đế tiếp tục cuộc hành trình.
Họ gặp nhau đúng ở hội chợ này và chẳng ngạc nhiên chút nào vì cùng một linh tính dẫn dắt họ trên cùng một đường đi; nhưng lần này họ chẳng trao đổi, chuyện trò gì mà chỉ chào nhau lạnh nhạt.
Anxiđ Jôlivê, tính vốn lạc quan, thấy mọi cái xảy ra đều thuận lợi và nhờ ở sự may mắn, anh ta đã tìm ra được nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Anh đã ghi vào sổ tay một vài nhận xét đặc biệt trung thực đối với thành phố Nigiơni - Nôpgôrôđ.
Ngược lại Hary Blao, không tìm đâu ra được quán trọ đã bắt buộc phải ngủ ngoài trời. Do đó anh chàng nhìn nhận sự việc ở một góc độ hoàn toàn khác và đang nghiền ngẫm một bài báo sấm sét nhằm đả kích cái thành phố mà các chủ khách sạn đều từ chối chẳng chịu tiếp nhận một du khách không đòi hỏi điều gì đặc biệt.
Misen Xtrôgôp, một tay đút túi, một tay cầm cái tẩu thuốc có cán dài bằng gỗ anh đào, có vẻ là một người bình thản nhất, ít nôn nóng nhất trong tất cả mọi người. Nhưng cứ nhìn vào cặp lông mày hơi nhíu lại của anh thì một người có con mắt quan sát cũng dễ dàng nhận thấy là anh đang cố gắng chịu đựng.
Suốt chừng hai tiếng đồng hồ, anh đi dạo khắp phố phường, để rồi trở lại đúng ngay địa điểm hội chợ. Len lỏi giữa đám đông, anh nhận thấy có một sự lo lắng biểu hiện trên nét mặt của tất cả những khách buôn từ các vùng lân cận của châu Á tới. Sự mua bán, trao đổi bị ảnh hưởng rõ rệt. Những người làm trò ảo thuật, làm xiếc leo dây, múa rốì thì làm rùm beng lên trước lều quán của họ. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, vì những người khốn khổ này chẳng có gì phải mạo hiểm trong kinh doanh thương mại, nhưng các thương gia thì ngần ngại trong việc giao ước với những nhà buôn ở miền Trung Á, vùng đất đang bị rối ren vì cuộc xâm lăng của quân Tactar.
Một triệu chứng khác thường nữa cũng đáng chú ý. Ở Nga, những bộ quân phục xuất hiện trong bất cứ trường hợp nào. Quân lính thường sẵn sàng trà trộn vào các đám đông và chính ngay ở Nigiơni - Nôpgôrôđ này trong thời gian hội chợ, những nhân viên cảnh sát, thường được lính Côdắc giúp sức, vác giáo trên vai giữ gìn trật tự trong cái đám hỗn tạp tới ba trăm ngàn khách nước ngoài này.
Thế mà ngày hôm đó binh lính, quân Côdắc hoặc cảnh sát đều vắng bóng trong hội chợ. Chắc là họ đã bị cấm trại để sẵn sàng chuẩn bị một cuộc hành quân đột xuất.
Nhưng nếu không thấy binh lính xuất hiện, thì với các sĩ quan không phải cũng như vậy. Từ đêm hôm trước các sĩ quan tùy tùng đã từ dinh viên thủ hiến tản đi các ngả. Vậy là đã có một sự hoạt động không bình thường, mà chỉ có tính chất nghiêm trọng của tình hình mới có thể lý giải được. Những sĩ quan liên lạc đi lại như mắc cửi trên các tỉnh lộ hoặc về phía Vladimir hoặc về phía rặng núi Uran. Các bức điện không ngừng trao đổi với Maxcơva và Xanh - Pêtecbua. Vị trí của Nigiơni - Nôpgôrôđ, một thành phố không xa biên giới Xibir mấy tý, tất nhiên đòi hỏi phải có một sự đề phòng thật chu đáo. Người ta không thể quên rằng vào thế kỷ XIX, thành phố này đã hai lần bị tổ tiên quân Tactar xâm chiếm. Hiện nay quân Tactar do Fêôfar - khan chỉ huy đang lặp lại cuồng vọng xâm lược đó qua miền thảo nguyên Kirghidi.
Một nhân vật cao cấp không kém bận rộn so với viên thủ hiến, đó là cảnh sát trưởng. Những nhân viên thanh tra của ông và cả bản thân ông ta chịu trách nhiệm giữ gìn trật tự nhận đơn khiếu nại theo dõi việc chấp hành các quy chế, không lúc nào rỗi việc. Các văn phòng hành chính mở cửa suốt ngày đêm, luôn luôn bị dân thành phố cùng như những người nước ngoài, Âu hoặc Á vây kín.
Misen Xtrôgôp đang ở ngay quảng trường trung tâm thành phố, thì bỗng có tiếng đồn lan ra là cảnh sát trưởng vừa được sĩ quan liên lạc triệu đến dinh thủ hiến. Nguyên nhân cuộc triệu tập này, theo họ nói là do có một bức điện quan trọng từ Maxcơva tới.
Như vậy là viên cảnh sát trưởng đi đến dinh thủ hiến và ngay lập tức, như có một linh cảm chung, tin tức loan truyền rằng một biện pháp nghiêm ngặt nào đó, ngoài mọi dự kiến, ngoài mọi thông lệ, sẽ được thi hành. Misen Xtrôgôp chú ý lắng nghe để lợi dụng trong trường hợp có thể lợi dụng được.
- Họ sẽ đóng cửa hội chợ! - Một người kêu lên.
- Trung đoàn Nigiơni - Nôpgôrôđ vừa xuất phát! - Một người khác nói.
- Nghe đồn là quân Tactar đang uy hiếp Tômxk!
- Ngài cảnh sát trưởng đây rồi! - Khắp nơi có tiếng reo hò.
Và ồn ào huyên náo bất ngờ nổi lên... bớt dần, rồi im bặt. Mọi người đều linh cảm sắp có một thông báo nghiêm trọng nào đó của chính quyền. Cảnh sát trưởng, phía trước có các nhân viên hộ vệ, vừa rời khỏi dinh thủ hiến. Một phân đội lính Côdắc theo sau tả xung hữu đột, xô người này, đẩy người kia bắt tất cả phải xếp hàng trật tự. Ông ta đi tới giữa quảng trường trung tâm và mọi người đều trông thấy trong tay ông phe phẩy một tờ giấy. Và ngay lúc đó, ông cất cao giọng đọc lời tuyên bố sau đây:
“Nghị định của ngài thủ hiến thành phố Nigiơni - Nôpgôrôđ.
- Điều khoản 1: Cấm tất cả mọi công dân Nga không được rời khỏi tỉnh bất cứ vì lý do gì.
- Điều khoản 2: Lệnh cho tất cả khách nước ngoài gốc châu Á phải rời khỏi tỉnh trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ”.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm