Chớ nên vì ngượng ngùng khi mắc phải lỗi lầm nhỏ mà mãi che giấu, khiến chúng biến thành tội ác lúc nào không hay.

Khổng Tử

 
 
 
 
 
Tác giả: Jules Verne
Thể loại: Phiêu Lưu
Nguyên tác: “Michel Strogoff’
Dịch giả: Vũ Liêm
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 32
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 283 / 26
Cập nhật: 2020-07-19 20:13:48 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4 - Từ Maxcơva Đến Nigiơni-Nôpgôrôd
hoảng cách mà Misen Xtrôgôp sắp phải vượt qua giữa Maxcơva và Irkuxk là năm ngàn hai trăm dặm (5.523km). Khi đường dây điện tín chưa nối liền dãy núi Uran với biên giới phía Đông Xibir thì dịch vụ về điện tín dựa vào các phu trạm nhanh nhất cũng phải mất tới mười tám ngày để đi từ Maxcơva đến Irkuxk. Nhưng đó là trường hợp đặc biệt ngoại lệ, còn thường thường muốn đi qua nước Nga phần châu Á phải mất từ bốn đến năm tuần lễ, dù các phái viên của Nga hoàng có trong tay đầy đủ các phương tiện vận chuyển.
Là một con người không sợ băng tuyết rét mướt, Misen Xtrôgôp thích đi lại vào giữa mùa đông khắc nghiệt để có thể sử dụng xe trượt tuyết trên suốt chặng đường. Như vậy những khó khăn trong khi dùng những loại phương tiện giao thông khác sẽ được giảm bớt phần nào trên những thảo nguyên mênh mông tuyết trắng. Không còn con sông nào phải bơi qua cả. Khắp nơi là một lớp băng giá trên đó xe trượt lướt dễ dàng và mau chóng. Vào thời gian này có thể xảy ra một số hiện tượng tự nhiên đáng ngại như sương mù bao phủ liên miên và rộng khắp, rét cực độ, bão tuyết khủng khiếp kéo dài với những cơn xoáy lốc đôi khi chôn vùi cả những đoàn lữ hành không sót một người. Lại có khi, những bầy sói bị cái đói thôi thúc, tràn xuống hàng nghìn con lang thang khắp bình nguyên. Nhưng thà phải đương đầu với tất cả các mối hiểm nguy này, còn hơn là đụng phải giặc, vì trong mùa đông khắc nghiệt, bọn Tactar xâm lược thích ru rú trong các thành phố; bọn gian phi cũng không đi sục sạo các thảo nguyên; mọi cuộc hành quân đều phải đình lại. Và Misen Xtrôgôp do đó có thể dễ dàng đi qua. Nhưng anh cũng chẳng có quyền lựa chọn cả thời điểm lẫn giờ giấc. Bất cứ hoàn cảnh như thế nào cũng phải chấp nhận và lên đường ngay.
Đó là tình thế mà Misen Xtrôgôp đã thấy rõ và anh chuẩn bị để đương đầu.
Trước hết anh không còn trong điều kiện bình thường với tư cách người đưa thư của Nga hoàng. Lại còn phải làm sao cho không một ai nghi ngờ cái danh nghĩa đó trên suốt chặng đường đi của anh. Trong một đất nước bị quân thù xâm lăng, thì bọn gián điệp lúc nhúc khắp nơi. Sứ mệnh của anh sẽ lâm nguy, nếu chúng nhận ra anh. Vì vậy để cho đủ chi tiêu trong chuyến đi và để giúp anh dễ dàng phần nào trên dọc đường, tướng Kixôp đưa cho anh một món tiền lớn và không trao cho anh bất cứ một mệnh lệnh nào viết trên giấy mang dòng chữ “Công vụ hoàng đế”, giấy thông hành vạn năng, mà chỉ cấp cho anh một “pôđarôxna”, giấy thông hành thường mang tên Nicôla Korpanôp, nhà buôn, cư trú ở Irkuxk. Nicôla Korpanôp được phép mang theo từ một đến nhiều người khi cần. Ngoài ra, với ghi chú đặc biệt, giấy này còn có giá trị trong trường hợp chính quyền Maxcơva cấm mọi công dân khác không được rời khỏi nước Nga.
Cái “pôđarôxna” này chẳng qua chỉ là một giấy phép được lấy ngựa ở các trạm, nhưng Misen Xtrôgôp chỉ được dùng tới nó khi không gây ra vấn đề nghi ngờ gì về tư cách của anh, có nghĩa là chừng nào anh còn ở trên đất Nga phần châu Âu. Vậy thì, trong tình thế nguy hiểm này, trên đất Xibir, tức là khi anh đi xuyên qua các tỉnh đang có phiến loạn, anh không thể hành động như ông chủ ở các trạm, không thể bắt người ta cấp ngựa cho anh ưu tiên hơn những người khác và cũng không thể trưng thu các phương tiện vận chuyển để phục vụ riêng cho mình. Misen Xtrôgôp không được quên là mình không còn là một người đưa thư của Hoàng đế nữa, mà là một nhà buôn bình thường với cái tên Nicôla Korpanôp đi từ Maxcơva đến Irkuxk và như vậy anh sẽ phải hứng chịu tất cả những chuyện bất ngờ có thể xảy ra trong một chuyến đi bình thường.
Đi mà không để ai thấy, đi tương đối nhanh và phải đi qua bằng được. Đó là quyết tâm của anh.
Cách đây ba chục năm, để hộ tống một du khách quý tộc cần phải có không dưới hai trăm kỵ binh Côdắc, hai trăm lính bộ, hai mươi lăm kỵ sĩ Baskir, ba trăm lạc đà, bốn trăm ngựa, hai mươi lăm chiếc xe chở hàng loại bốn bánh, hai chiếc tàu thủy có thể khiêng vác được và hai khẩu đại bác. Đó là trang bị cần thiết cho một cuộc đi trong vùng Xibir. Còn anh, Misen Xtrôgôp, không có đại bác, không có kỵ sĩ, không có bộ binh cũng không có cả những con vật thồ. Anh ngồi xe ngựa hoặc cưỡi ngựa khi có thể được; đi bằng đôi chân nếu phải đi bộ. Một nghìn bốn trăm dặm đầu tiên (1493km), khoảng cách giữa Maxcơva và biên giới Nga, tất nhiên không có gì khó khăn. Đường sắt, xe thư bưu cục, tàu thủy, ngựa các trạm dọc đường đều sẵn sàng phục vụ tất cả mọi người và, dĩ nhiên là phục vụ cả người đưa thư của Nga hoàng.
Vậy là ngay buổi sáng ngày 16 tháng Bảy, không mặc quân phục mà chỉ một bộ quần áo thường của người dân Nga: áo lửng bó thân, dây thắt lưng cổ truyền của nông dân, quần đùi rộng ống, giày ủng buộc dây ở bắp chân, vai mang túi đi đường, Misen Xtrôgôp ra ga đi chuyến xe lửa đầu tiên. Anh không mang vũ khí, ít ra là bên ngoài thấy như thế, nhưng dưới thắt lưng, anh giấu một khẩu súng lục và, trong túi áo, một mã tấu Thổ Nhĩ Kỳ. Bằng loại dao này, một người thợ săn Xibir có thể phanh bụng một con gấu mà không làm hỏng bộ da lông quý của nó.
Khá đông khách đổ đến nhà ga Maxcơva. Các nhà ga xe lửa Nga là những nơi tụ họp của rất đông người, là nơi người ta đến để nhìn những người ra đi và cũng là nơi mà những người ra đi phải đến. Một sở giao dịch về tin tức hình thành tại đó.
Chuyến tàu mà Misen Xtrôgôp sắp đáp sẽ đưa anh tới Nigiơni -Nôpgôrôđ. Thời đó đường sắt nối liền Maxcơva với Xanh Pêtécbua đáng lẽ kéo dài tới biên giới Nga, nhưng ngừng lại ở đấy. Đó là cung đường dài khoảng bốn trăm dặm (426km), tàu chạy hết độ mười tiếng đồng hồ. Một khi tới Nigiơni-Nôpgôrôđ, Misen Xtrôgôp tùy hoàn cảnh hoặc đi đường bộ hoặc đi tàu thủy xuôi dòng Vônga để tới rặng núi Uran càng sớm càng tốt. Cho nên lúc này, Misen Xtrôgôp đến nằm dài ở một góc toa tàu, nghỉ ngơi thoải mái như một nhà tư sản thực thụ không quá lo lắng về công việc kinh doanh và tìm cách giết thời gian bằng giấc ngủ. Tuy nhiên vì không phải chỉ có một mình anh trong toa tàu, nên anh chỉ ngủ chập chờn, còn hai tai thì chú ý lắng nghe.
Tiếng đồn về cuộc nổi dậy của quân phiến loạn Kirghidi và hành động xâm lược của quân Tactar không phải không gây xôn xao trong toa tàu. Quả vậy, những hành khách bạn đồng hành ngẫu nhiên của anh, thì thào về những tin đồn trên đây một cách dè dặt. Cũng như phần lớn những người đi chuyến tàu này, những hành khách trên là những nhà buôn cùng đi tới hội chợ nổi tiếng ở Nigiơni-Nôpgôrôđ. Đám người đó tất nhiên là rất ô hợp, gồm Do Thái, Thổ, Côdắc, Nga, Grudia, Canmưc v.v... nhưng hầu như tất cả đều nói được tiếng Nga. Họ bàn cãi các mặt lợi hại của tình hình nghiêm trọng đang xảy ra bên kia rặng Uran và những người lái buôn này hình như sợ chính quyền Nga có thể đi đến chỗ phải thi hành một số biện pháp hạn chế nào đó, nhất là đối với các tỉnh vùng giáp ranh, những biện pháp này chắc chắn sẽ gây khó khăn cho việc buôn bán.
Phải nói là những kẻ ích kỷ trên đây chỉ coi chiến tranh, tức là sự đàn áp bọn phiến loạn và sự chiến đấu chống xâm lăng theo quan điểm những người mà quyền lợi riêng bị đe dọa. Sự có mặt của một người lính mang quân phục chắc chắn cũng đủ làm cho những người lái buôn này phải giữ mồm giữ miệng. Nhưng trong toa tàu của Misen Xtrôgôp không có gì làm cho mọi người phải nghi ngờ về sự có mặt của một quân nhân, đồng thời cũng là người đưa thư của Nga hoàng, đã tự nguyện thay tên đổi họ và quyết không để lộ tung tích của mình. Vậy là anh lắng tai nghe.
- Người ta khẳng định là trà của đoàn thương khách đang lên giá đấy! - Đó là lời một người Ba Tư, dễ nhận ra vì người này đội mũ lông bằng da cừu non và mặc áo dài màu gụ có những nếp gấp rộng.
- Ồ! Trà thì không sợ xuống giá đâu, - một ông già Do Thái, nét mặt cau có đáp. - Ở hội chợ Nigiơni-Nôpgôrôđ trà xuất dễ dàng qua phương Tây, nhưng buồn thay, cái món thảm Bukhara thì ngược lại không được như vậy!
- Thế nào! Vậy là ông đang đợi một chuyến hàng từ Bukhara đến ư? - Người lái buôn Ba Tư hỏi.
- Không. Từ Xamarcanđ kia, và cũng thật là nguy hiểm! Liệu ông có thể trông chờ được vào những chuyến hàng gửi đến từ một đất nước mà các bộ lạc đang nổi loạn từ Khiva đến tận biên giới Trung Quốc?
- Càng hay! - Người Ba Tư nói. - Tôi cho rằng nếu những tấm thảm không tới được, thì những tên phiến loạn cũng chẳng tới được.
- Vậy còn lỗ lãi, ôi Chúa Ixraen! Ông không tính đến hay sao? - Ông già Do Thái bé nhỏ kêu lên.
- Ông có lý đấy. - Một hành khách khác nói. - Hàng hóa miền Trung Á có cơ rất thiếu trên thị trường, cả thảm Xamarcanđ, cũng như len, mỡ bò và khăn quàng phương Đông nữa.
- Này cẩn thận đấy, bố già ạ! Một hành khách Nga, vẻ diễu cợt chêm vào. - Ông sẽ làm bẩn khăn quàng, nếu để lẫn với mỡ bò đấy.
- Thế mà cũng cười được à? - Người lái buôn khó chịu với kiểu cợt nhả đó, gay gắt đáp lại.
- Này, ông có vò đầu bứt tai hoặc phủ tro lên người để cầu may*, - người hành khách đáp, - thì liệu có xoay chuyển được tình thế không? Vậy thì tình hình hàng hóa trên thị trường cũng vậy thôi.
- Rõ ràng ông không phải là nhà buôn! - Ông già Do Thái nhận xét.
- Đúng thế, vị con cháu đáng tin cậy của giáo trưởng Abraham ạ!*. Tôi chẳng bán hốt bố, chăn lông vịt, mật ong cũng như sáp ong, hạt gai, thịt ướp muối, trứng cá ướp mặn cũng không; gỗ, len, băng vải, sợi đay, sợi lanh cũng không; da dê thuộc và da lông thú cũng không nốt.
- Nhưng ông có mua những thứ đó không? - Người lái buôn Ba Tư cắt ngang lời người hành khách đang liệt kê các thứ hàng.
- Có chứ, nhưng chỉ mua chút ít đủ cho tiêu dùng riêng của tôi thôi. - Ông này nháy mắt đáp.
- Một người vui tính! - Người Do Thái nói với người Ba Tư.
- Hay là một tên mật thám! - Người này hạ giọng đáp. - Hãy cảnh giác! Chúng ta chỉ nên nói những gì cần nói thôi! Vào thời buổi này, cảnh sát chẳng dễ chịu chút nào đâu. Và người ta cũng không tài nào biết được bạn đồng hành của mình là ai nữa!
Trong một góc khác của toa tàu, người ta nói về những món hàng buôn, nhưng nói nhiều về cuộc xâm lược của bọn Tactar và những hậu quả tai hại của nó.
- Sắp có lệnh trưng dụng ngựa vùng Xibir, - một hành khách nói, - và giao thông liên lạc sẽ trở nên rất khó khăn giữa các tỉnh miền Trung Á!
- Bộ lạc “Trung bình” người Kirghidi câu kết với bọn Tactar, không biết có đúng thế không? - Người bên cạnh hỏi.
- Nghe người ta nói vậy thôi. - Người hành khách hạ thấp giọng. - Nhưng ai mà có thể tự cho là mình đã biết được cái gì đó ở xứ sở này.
- Tôi nghe nói quân đội đã tập trung ở biên giới. Quân Côdắc sông Đông đã được rải ra dọc sông Vônga để đối phó với quân Kirghidi nổi loạn.
- Nếu quân Kirghidi đã tràn xuống tới triền sông Irtys thì đường đi Irkuxk không còn bảo đảm nữa! - Người bên cạnh đáp. - vả lại, ngày hôm qua, tôi muốn gửi một bức điện tới Kraxnôiarxk, nhưng không được. Sợ là không bao lâu nữa những đạo quân Tactar sẽ cô lập miền Đông Xibir!
Nếu trong toa này, đề tài của những cuộc trao đổi riêng với nhau không có gì khác, thì ở những toa khác của đoàn tàu cũng vậy; nhưng khắp đâu đâu, nếu chú ý quan sát, người ta cũng thấy một sự dè dặt hết mức trong những câu trao đổi với nhau giữa những người nói chuyện. Thảng hoặc, khi họ tình cờ đề cập tới các sự kiện, thì họ không bao giờ đi đến chỗ đoán trước hoặc đánh giá ý đồ của chính quyền Maxcơva.
Đó là điều mà một trong số hành khách của toa tàu ở đầu đoàn tàu đã nhận xét rất đúng. Người khách này - chắc là người nước ngoài - chú ý nhìn khắp, không bỏ sót một cái gì và đặt ra đến vài chục câu hỏi, nhưng chỉ được trả lời bằng những câu hết sức mập mờ. Cứ mỗi lần cúi người ra ngoài cửa sổ toa tàu - mà anh ta không bỏ sót một điểm nào về phía chân trời bên phải đoàn tàu - anh ta hỏi tên các địa phương chẳng có gì nổi tiếng, hỏi phương hướng, rồi hỏi đến các mặt thương mại, kỹ nghệ, dân số, con số trung bình về tử vong trong từng giới v.v... và tất cả những cái đó, anh ta viết vào một cuốn sổ tay đã đầy những ghi chép từ trước. Đó là nhà báo Anxiđ Jôlivê. Sở dĩ anh đặt ra rất nhiều câu hỏi vô nghĩa như vậy là vì anh hy vọng rằng giữa bao nhiêu câu trả lời, anh ta sẽ chộp được vài sự kiện đáng chú ý để gửi cho “cô em họ” của anh ta. Nhưng tất nhiên, những người trong toa tàu cho anh ta là một tên gián điệp, nên không nói một lời nào dính dáng đến sự kiện đang xảy ra trong ngày.
Vì vậy, thấy là không thể biết được gì liên quan tới cuộc xâm lược của bọn Tactar, nên anh ghi vào sổ tay:
“Hành khách tỏ ra hết sức kín tiếng. Còn về khuynh hướng chính trị thì họ vô cùng bủn xỉn keo kiệt, khó mà moi được gì ở họ”.
Trong lúc Anxiđ ghi tỉ mỉ cảm tưởng trong chuyến đi của mình, thì bạn đồng nghiệp của anh, cũng trên đoàn tàu đó, cùng một mục đích như anh, cũng đang chú ý quan sát ở một toa khác. Hai người không gặp nhau ngày hôm đó ở nhà ga Maxcơva. Họ đều không biết là họ đã cùng đi ra chiến địa. Chỉ có điều là, Hary Blao nói ít, nghe nhiều, không làm cho các bạn đồng hành nghi kỵ như đối với Anxiđ Jôlivê. Vì vậy họ không cho anh là gián điệp và những người bên cạnh anh nói chuyện với nhau không chút e dè trước mặt anh, mà còn đi xa hơn, quá sự thận trọng cố hữu của họ. Do vậy, phóng viên tờ “Tin điện hàng ngày” có thể nhận xét về những diễn biến của tình hình đã làm cho những nhà buôn đi Nigiơni-Nôpgôrôđ phải lo ngại như thế nào và sự vận chuyển hàng hóa để buôn bán với Trung Á bị đe dọa đến mức nào. Vì thế anh ta không ngần ngại mà ghi vào sổ tay nhận xét rất đúng sau đây:
“Hành khách rất lo lắng. Họ bàn tán hết sức tự do về vấn đề chiến tranh, khiến cho từ sông Vônga đến sông Vixtuyn* ai cũng phải ngạc nhiên!”.
Độc giả tờ “Tin điện hàng ngày” chắc cũng sẽ được biết rõ tình hình chẳng kém gì “cô em họ” của Anxiđ Jôlivê.
Và hơn nữa, vì Hary Blao ngồi ở phía trái đoàn tàu chỉ nhìn thấy một phần của vùng đất khá gồ ghề khúc khuỷu, mà chẳng hề chịu khó nhìn sang phần vùng đất phía bên phải gồm toàn những đại bình nguyên dài dặc nối tiếp nhau, nên anh không quên ghi thêm vài niềm tự tin của người Anh:
“Cả một vùng núi non giữa Maxcơva và thành phố Vladimir”.
Nhưng rõ ràng là chính quyền Nga, trước những sự kiện nghiêm trọng đang xảy ra, đã thi hành ngay trong nội địa một số biện pháp nghiêm ngặt. Cuộc phiến loạn chưa vượt quá biên giới Xibir, nhưng ở những tỉnh dọc sông Vônga này, sát với xứ Kirghidi, người ta có vẻ lo sợ hậu quả của những ảnh hưởng xấu. Thực vậy, cảnh sát chưa tìm ra được tung tích của Ivan Ôgarep. Tên phản bội này, trong khi cầu cứu ngoại viện để trả thù riêng, đã bắt tay với “khan” Fêôfar chưa, hay là đang tìm cách gây rối loạn trên địa bàn Nigiơni-Nôpgôrôđ, nơi hàng năm, cứ vào thời kỳ này, thành phần dân cư trở nên vô cùng phức tạp. Trong số những người Ba Tư, người Armêni, người Canmưc... đang ùn ùn kéo về hội chợ, tránh sao khỏi có những tên do thám tay chân của hắn trà trộn vào với mục đích gây bạo loạn từ bên trong? Tất cả những giả thuyết trên đây đều có thể chấp nhận được, nhất là trong một đất nước như Nga hồi đó.
Thật thế, đế quốc rộng lớn này với mười hai triệu kilômét vuông không thể có được tính thuần nhất như ở các quốc gia Tây Âu. Giữa những dân tộc khác nhau hợp thành đế quốc Nga, thì sự tồn tại của nhiều sắc thái khác nhau là điều tất nhiên. Lãnh thổ Nga ở châu Âu, châu Á, kéo dài từ mười lăm độ kinh Đông đến một trăm ba mươi độ kinh Tây, tức là rộng gần tới hai trăm độ (khoảng 2.500 dặm) và từ ba mươi tám độ vĩ Nam tới tám mươi mốt độ vĩ Bắc, tức là bốn mươi ba độ (khoảng 1.000 dặm). Dân số lên tới hơn bảy mươi triệu người, nói ba mươi thứ tiếng khác nhau. Chủng tộc Xlavơ có lẽ đông hơn cả, nhưng cùng với người Nga còn có người Ba Lan, người Litva, người Cuốclanđơ. Còn phải thêm vào đó người Phinoa, người Extôni, người Lapôni, người Tsêrêmitx, người Tsuvas, người Permiakx, người Đức, người Hy Lạp, người Tactar, những bộ lạc Capcadơ, Mông Cổ, Canmưc, Xamoyeđơ, Kamtxsađalơ, Alêutơ và người ta sẽ hiểu là khó mà duy trì được sự thống nhất trong một quốc gia rộng lớn như thế. Đấy phải là công việc của thời gian, được sự sáng suốt của nhà cầm quyền hỗ trợ.
Dù sao chăng nữa thì cho tới nay, Ivan Ôgarep vẫn thoát được mọi sự tầm nã và rất có thể hắn đã liên lạc được với quân Tactar. Nhưng ở mỗi nơi đoàn tàu dừng bánh, các viên thanh tra lại xuất hiện, họ xem xét hành khách và kiểm tra tất cả thật tỉ mỉ, vì theo lệnh cảnh sát trưởng, họ phải tầm nã bằng được Ivan Ôgarep. Chính quyền Maxcơva tin rằng, tên phản bội này chưa thể rời khỏi nước Nga phần châu Âu. Một hành khách có vẻ khả nghi chăng? Anh ta sẽ phải tự giãi bày tại đồn cảnh sát, trong khi đó tàu vẫn cứ chạy tiếp, chẳng cần quan tâm lo lắng gì đến người khách bị bỏ rơi.
Vì cảnh sát Nga vốn cực kỳ độc đoán, cho nên thật hoàn toàn vô ích nếu muốn trình bày lý lẽ. Nhân viên cảnh sát đều mang quân hàm và họ tiến hành công việc với tác phong quân sự.
Về phần Misen Xtrôgôp, anh có đủ giấy tờ hợp lệ và như vậy là tránh được mọi sự phiền hà do cảnh sát gây nên.
Đến ga Vlađimir, đoàn tàu dừng lại ít phút - có lẽ cũng đủ cho phóng viên tờ “Tin điện hàng ngày” có một cái nhìn bao quát nhưng hết sức đầy đủ về kinh thành Nga thời cổ này cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Ở ga này, một số khách mới lên tàu, trong số đó có một cô gái lấp ló ở cửa toa tàu nơi Misen Xtrôgôp đang có mặt.
Đối diện người đưa thư của Nga hoàng có một chỗ trống. Cô gái ngồi xuống đó, sau khi đặt bên cạnh mình một túi du lịch giản dị bằng da màu đỏ. Hình như tất cả hành trang của cô chỉ vẻn vẹn có thế. Rồi mắt cô cụp xuống, chẳng nhìn ai cả, mà chỉ lo chuẩn bị chỗ ngồi cho thoải mái để vượt qua đoạn đường có thể phải mất một vài giờ.
Misen Xtrôgôp không khỏi chú ý ngắm nhìn cô bạn đồng hành mới của mình. Cô ngồi ở phía ngược với hướng đi của đoàn tàu, nên anh ngỏ ý nhường chỗ của anh mà có thể là cô thích, nhưng cô khẽ nghiêng mình cảm ơn và từ chối. Cô gái rất trẻ, khoảng mười sáu, mười bảy tuổi. Cái đầu thật duyên dáng, mẫu người Xlavơ thuần túy, vẻ mặt hơi nghiêm nghị, triển vọng trong vài năm nữa, cô sẽ đẹp sắc sảo hơn là xinh xắn, khi những đường nét được định hình. Cô chít khăn mỏ quạ để thò ra những lọn tóc vàng óng. Đôi mắt màu nâu có cái nhìn man mác êm dịu như nhung. Sống mũi thẳng với hai cánh mũi nhè nhẹ phập phồng cạnh đôi má hơi gầy và xanh. Cái miệng xinh xắn nhưng hình như đã lâu lắm chẳng còn mỉm cười.
Cô hành khách trẻ có khổ người cao mảnh thon thả. Người ta có thể nhận thấy được cái đó dưới chiếc áo khoác ngoài rộng giản dị cô đang mặc. Dù là một “cô gái còn rất trẻ” - mấy từ này dùng theo nghĩa hoàn toàn trong sáng - nhưng sự phát triển của vầng trán cao, hình nét rõ ràng ở phần dưới khuôn mặt của cô gợi cho ta ý nghĩ về một nghị lực lớn lao - chi tiết này không thoát khỏi con mắt của Misen Xtrôgôp. Rõ ràng cô gái này đã từng trải qua đau khổ trong quá khứ và chắc tương lai sẽ đến với cô cũng chẳng huy hoàng gì lắm. Nhưng không phải vì thế mà anh không tin chắc rằng cô cũng biết đấu tranh và đấu tranh quyết liệt để vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Ý chí của cô tất phải mạnh mẽ, kiên trì và sự bình tĩnh vững vàng của cô tất phải được thể hiện ngay cả trong những hoàn cảnh mà một người thuộc nam giới có thể bị nao núng hoặc phải nổi xung lên.
Đó là cảm giác mà cô gái gợi lên cho ta khi mới thoạt nhìn. Misen Xtrôgôp vốn cương nghị, nên cùng dễ nhận thấy tính cách qua diện mạo của cô gái. Anh vừa cố giữ không quấy rầy cô ta với cái nhìn chăm chú của mình, vừa kín đáo quan sát cô bạn ngồi trước mặt mình.
Y phục của cô hành khách trẻ vừa giản dị vừa hết sức sạch sẽ. Cô không giàu, cái đó có thể dễ dàng đoán biết được, nhưng khó mà tìm thấy ở bộ áo váy cô mặc bất cứ một dấu hiệu nào của sự cẩu thả. Toàn bộ hành trang của cô chứa trong một cái túi da có khóa ngoài mà vì thiếu chỗ nên cô để nó trên đầu gối. Cô mặc một áo khoác dài lót da lông thú, không tay, màu sẫm với một đường viền xanh ôm khít lấy người một cách duyên dáng. Dưới áo khoác là chiếc váy ngắn, cũng màu sẫm. Chiếc áo dài thả xuống tận mắt cá chân, gấu áo có trang trí một vài đường thêu đơn giản. Hai bàn chân bé nhỏ của cô xỏ vào đôi ủng bằng da thuộc, có đế cứng mà cô chọn dường như để chuẩn bị cho một cuộc đi dài ngày.
Căn cứ vào một vài chi tiết, Misen Xtrôgôp tưởng chừng như nhận ra được ở bộ quần áo ấy cái kiểu cắt may của xứ Livôni, và anh nghĩ quê cô bạn phải là ở các tỉnh vùng Bantích.
Nhưng cô gái đi đâu một mình như vậy, ở cái tuổi mà chỗ dựa, có thể nói bắt buộc phải là một người cha hoặc một người mẹ, hay dưới sự che chở của một người anh? Phải chăng cô ta đã từ các tỉnh miền Tây nước Nga tới, sau một chặng đường dài? Cô chỉ đi đến Nigiơni-Nôpgôrôđ thôi, hay là sẽ đi tới tận bên kia biên giới, phía Đông đế quốc Nga? Liệu có bạn bè thân thích nào đó đợi cô khi xuống tàu không? Hay là ngược lại, lúc xuống tàu, cô lại một thân một mình trong thành phố cũng như trên toa tàu này? Không một ai - chắc cô tưởng như vậy - có vẻ quan tâm đến cô? Có lẽ đúng như thế. Thật vậy, những thói quen tiêm nhiễm trong cuộc sống cô đơn biểu hiện rất rõ ràng trong phong thái của cô hành khách trẻ tuổi này. Cái cách cô vào trong toa tàu, cách cô thu xếp trong chuyến đi, việc cô ít gây náo động xung quanh mình, thận trọng để khỏi quấy rầy và làm phiền ai... tất cả đều nói lên thói quen của cuộc sống lẻ loi đơn độc và chỉ trông cậy vào chính bản thân mình.
Misen Xtrôgôp quan sát cô một cách đầy thiện cảm, nhưng kín đáo, thận trọng. Anh không tìm cách tạo cơ hội để trò chuyện hỏi han cô, mặc dù còn nhiều thời gian trước khi tàu tới Nigiơni-Nôpgôrôđ. Chỉ một lần người ngồi cạnh cô gái, - tay nhà buôn đã vô ý để mỡ bò lẫn với khăn quàng - ngủ gà ngủ gật, cái đầu to xù ngật ngưỡng, lúc ngả bên này lúc ngả bên kia làm cho cô láng giềng phát hoảng. Misen Xtrôgôp đột ngột đánh thức hắn dậy và bảo hắn phải ngồi cho ngay ngắn và nghiêm chỉnh.
Tay nhà buôn bản tính khá thô bạo, càu nhàu phản đối “những kẻ chõ mũi vào những cái không liên quan gì tới mình”. Nhưng Misen Xtrôgôp nhìn hắn với một vẻ chẳng dễ chịu chút nào khiến anh chàng ngủ gật phải ngả mình tựa sang phía khác. Do đó cô gái trẻ cũng đỡ phải khó chịu về người khách ngồi bên. Cô gái nhìn anh một thoáng với cái nhìn bao hàm một sự biết ơn thầm lặng và khiêm tốn.
Nhưng một trường hợp xảy ra đã mang lại cho Misen Xtrôgôp một ý niệm về tính cách cô gái này. Chỉ còn cách ga Nigiơni-Nôpgôrôđ độ mười hai dặm, ở một quãng đường quẹo bất ngờ, đoàn tàu bị va rất mạnh. Rồi trong khoảng một phút đồng hồ, nó trượt dài theo triền dổc của một bờ đường.
Hậu quả đầu tiên là ít nhiều hành khách bị xô đẩy. Những tiếng kêu la, sự lộn xộn, tình trạng hỗn loạn chung trong các toa tàu. Người ta sợ có một tai nạn nào nghiêm trọng xảy ra chăng? Vì vậy, ngay trước khi tàu dừng lại, các cửa toa đều bị mở toang, và các hành khách hoảng sợ, chỉ còn một ý nghĩ: nhảy ra khỏi tàu và tìm chỗ ẩn núp. Misen Xtrôgôp nghĩ trước hết đến cô bạn ngồi bên. Nhưng trong khi những hành khách cùng toa lao ra bên ngoài, kêu la, chen chúc và xô đẩy nhau, thì cô gái vẫn lặng yên ngồi tại chỗ, vẻ mặt chỉ hơi tái đi một chút.
Cô bình tĩnh đợi, Misen Xtrôgôp cũng thế. Cô không hề có một cử động nhỏ nào tỏ ra muốn bước xuống tàu. Anh cũng không hề nhúc nhích.
Cả hai người đều vẫn thản nhiên.
“Một con người thật cương nghị!” Misen Xtrôgôp thầm nghĩ.
Nhưng tất cả mọi hiểm nguy đều nhanh chóng qua đi. Đầu tiên có sự va chạm là do đứt vành đai sắt của toa chở hàng, rồi tàu trật bánh, từ trên nền bờ đất suýt nhào xuống một vũng lầy. Chậm lại mất một tiếng đồng hồ. Cuối cùng đường được khai thông, đoàn tàu tiếp tục lăn bánh và đến tám giờ rưỡi tối thì đến ga Nigiơni-Nôpgôrôđ.
Trước khi mọi người trên tàu bước xuống, các thanh tra cảnh sát ập đến các cửa toa để khám xét hành khách. Misen Xtrôgôp xuất trình “pôđaroxna” có ghi tên: Nicôla Korpanôp. Vậy là không có gì trở ngại khó khăn đối với anh. Tất cả các hành khách khác trong toa chỉ đi đến Nigiơni-Nôpgôrôđ và họ đều không có vẻ gì khả nghi. Thật may mắn cho họ! Còn cô gái thì xuất trình, không phải hộ chiếu, vì hộ chiếu không còn bắt buộc phải có trên đất nước Nga, mà là một giấy phép có đóng dấu đặc biệt và hình như có tính chất cá nhân gì đó. Viên thanh tra đọc rất kỹ. Rồi, sau khi chăm chú ngắm nghía cô gái mà trong giấy có ghi đặc điểm nhận dạng, viên thanh tra hỏi:
- Cô từ Riga tới?
- Vâng! - cô gái đáp.
- Cô đi Irkuxk?
- Vâng!
- Bằng đường nào?
- Đường qua Pecmơ.
- Được, - viên thanh tra nói. - Cô hãy chú ý đưa giấy phép này đến cơ quan cảnh sát ở Nigiơni-Nôpgôrôđ để ký xác nhận.
Cô gái nghiêng mình tỏ ý tuân theo.
Nghe được những câu đối đáp trên, Misen Xtrôgôp cảm thấy vừa ngạc nhiên vừa thương hại. Sao! Cô gái này một thân một mình lặn lội trên đường đi đến Xibir xa xôi và như vậy thì ngoài những hiểm nguy thường xảy ra còn thêm tất cả những tai họa của một đất nước đang bị xâm lăng và loạn lạc! Làm sao mà cô ta tới được? Rồi cô ta sẽ ra sao?...
Cuộc khám xét kết thúc, cửa các toa đều mở toang, nhưng, trước khi Misen Xtrôgôp tiến được về phía cô gái trẻ xứ Livôni, thì cô ta, là người xuống đầu tiên, đã mất hút trong đám đông đang chen chúc nhau ở sân ga.
Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm - Jules Verne Tình Yêu Qua Sáu Nghìn Dặm