There is no way to happiness - happiness is the way.

There is no way to happiness - happiness is the way.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 34
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 835 / 6
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12 - Trầm
ới hai giờ chiều, chiếc xe đò liên tỉnh đã đổ Châu xuống phố huyện. Từ phố huyện về tới nhà anh, đi xe lôi chỉ chừng mười lăm phút. Nhưng anh quyết định chưa về nhà vào lúc này. Lòng anh đang nặng trĩu. Gương mặt u ám hốc hác, anh không muốn vợ và các con anh thấy trong cảnh ngộ này. Anh ghé vào quán uống ly nước mía.
Mọi lần, mỗi khi về tới phố huyện lòng anh như đang nhảy múa, bước chân anh cứ ước có đôi cánh của chim để bay thẳng về nhà. Và tất nhiên chẳng tây, chẳng tàu gì nhưng phút đầu tiên gặp vợ, nhất định bằng mọi cách anh phải ôm chặt cứng lấy chị ấy. Nếu lúc đó nhà đang có người lạ, hay lũ trẻ thấy anh về đang mừng quýnh lên, thì anh khẽ khẽ ra hiệu cho vợ đi theo mình vào buồng, anh khép vội cửa lại, và trao cho chị chi chít những cái hôn đến ngẹt thở. Nhưng lần này, không hiểu sao, anh bỗng sợ hãi phút giây gặp chị. Anh sẽ nói gì với chị, để những giọt nước mắt mừng vui của chị không biến thành những giọt nước mắt tức tưởi, đau đớn. Không phải anh về phép, hay công tác nhân tiện ghé thăm nhà, mà anh bỏ nhiệm sở. Điều này đối với vợ anh to lớn lắm.
Trầm ơi, liệu em có tha thứ cho anh? Anh đột ngột gọi tên vợ, thèm nghe một tiếng trả lời, nhưng chuyện đó đã chẳng xảy ra. Anh cứ ngồi với ly nước mía và nhìn nắng tắt đầu. Một cháu gái, dẫn theo người cha mù với cây đàn trong tay đang đờn ca cho con gái bán vé số. Cháu đi qua mặt anh, một mời mọc anh kính cẩn. Anh lắc đầu. Nếu là lúc khác, chắc anh đã mua vài tấm vé, nhưng lúc này, bụng dạ anh chẳng nghĩ tới sự may rủi, bởi anh cảm mình đang xui quá chừng. Hai cho con người bán vé số đã đi xa mà tiếng đờn còn vọng lại, không gian đầy âm hưởng bi ai. Gương mặt anh chừng như lạ lùng lắm. Bà bán nước mía mấy lần đưa mắt nhìn anh, cái nhìn ái ngại và muốn chia sẻ. Nhưng bả không dám lên tiếng hỏi anh, còn anh, cũng không muốn giải bày tâm trạng của mình. Anh cứ ngồi lặng với tất cả suy nghĩ, tính toán.
Mãi đến khi con nắng tắt hẳn, rồi chập choạng tối, anh mới quyết định đi bộ về nhà.
May quá, xấp nhỏ đi coi phim ngoài bãi. Nhà chỉ còn có con vàng và chị. Chị đang ngồi khâu áo cho thằng Út. Con vàng lên tiếng trước rồi tới chị, chị quýnh quáng bỏ rớt chiếc áo nơi tay, hai mắt mở lớn, reo lên: Mình. Tất cả mây mù trong anh tan cả, anh lại cảm thấy bừng dậy niềm hoan hỉ, sung sướng, như những lần về thăm nhà trước đây, anh mở rộng vòng tay ôm choàng lấy vợ. Chỉ khác là lần này anh không ghì chặt chị, ôm hôn chị lên khắp mặt, khắp cổ chị, anh chỉ ôm chị yên lặng, đuôi con mắt cay cay. Còn chị mừng quá, mở máy nói, thao thao với anh đủ mọi điều. Anh như uống từng lời chị.
- Cả ngày hôm qua, trên cây mãng cầu, con chim khách cứ kêu hoài. Em cũng máy mắt. Thế rồi cả đêm trằn trọc không ngủ được. Gần sáng, vừa chợp mắt lại nằm mơ thấy anh… Em không tin là anh về, vì lá thư mới rồi, anh nói là công việc nhiều lắm, phải tới tết anh mới về thăm má con em được.
Anh khẽ đáp lời chị, lạc cả giọng:
- Nhớ em và các con quá.
- Thiệt không?- Chị xoay người anh lại, bất chợt thấy hai con mắt đỏ hoe của anh, chị tính hỏi anh điều gì, nhưng lại thôi. – Bây giờ anh ngồi nghe, em đi nấu cho anh một nồi nước anh tắm, rồi làm gà cho anh ăn.
Chị không đợi anh trả lời, tháo chiếc ba lô trên vai anh, đặt xuống đầu giường, rồi te te chạy vào bếp. Anh ngồi xuống giường cạnh chiếc ba lô,còn chị, nói từ trong bếp vọng ra.
- Cũng may anh về kịp, gà nhà mình dịch bệnh chết gần hết, còn mấy con, chắc cũng không qua được, để em và các con bồi dưỡng cho anh. Tội nghiệp, đi quanh năm có khi nào được ăn miếng ngon lành đâu.
Anh lặng nghe tiếng chị mà hình dung ra chị. Nói là hình dung bởi anh chưa dám xáp vào chị như những lần về nghỉ phép trước đây anh vẫn làm. Chị sẽ phát hiện thấy ngay những khác thường của anh. Tất nhiên, từ từ mọi chuyện rồi chị cũng sẽ biết, nhưng kéo dài phút nào hay phút đó. Tội nghiệp, anh dùng lại chữ chị dùng khi nói về anh. Chị mới thật tội nghiệp, bởi chị lam lũ quanh năm nuôi các con và chờ chồng. Anh đi làm nhà nước, cả năm có gửi về cho chị được đồng cắc nào đâu, tiền lương, anh chỉ đủ lo cho mình. Mỗi cuối năm, được tiền thưởng hay một khoảng làm thêm nào đó, anh dành dụm mua tặng chị và các con mỗi người miếng vải. Chỉ có vậy thôi, nhưng chị cho như thế là anh đã chăm lo cho má con chị quá nhiều. Lần này anh về, chẳng có quà cho chị, còn xấp nhỏ được vài bịch kẹo anh mua ngoài phố huyện.
- Anh sửa soạn quần áo đi, rồi vô tắm, nước sắp sôi rồi. Cạo bộ râu nữa, già thấy mồ. Đi đây, đi đó, gặp cô này cô kia mà cái tính cứ tềnh toàng…
Anh vẫn ngồi lặng, hý hoáy với mấy bộ đồ, hết mở ra lại xếp vào chiếc ba lô con cóc. Anh đã với chiếc ba lô này đi theo cách mạng, mỗi lần về với chị cũng vẫn chiếc ba lô. Với chị điều đó có gì lạ đâu. Gia tài của người đi làm cách mạng phải vậy.
- Nào anh…
Chị ngoái cổ ra gọi. Anh giật thót người, đứng dậy, một cái vươn vai, rồi anh cầm bộ đồ lót vào chổ chị.
Chị pha cho anh một chậu nước nóng. Cái chậu mà hồi sinh thằng Út, anh đã khệ nệ mua tận Sài Gòn đem về. Anh bảo chậu to vậy con nó nằm mới sướng. Anh ngồi trước chậu nước bốc hơi nghi ngút. Rõ ràng lúc này thế giới thu hẹp lại chỉ bằng cái nhà tắm. Anh kéo tay chị lại gần mình và bằng giọng nũng nịu.
- Gội đầu cho anh đi.
- Nào, cúi xuống.
Chị vục gáo nước vào chậu, dội nước từ từ xuống đầu anh. Bánh xà bông thơm vừa mới lột giấy, chị cầm nhẹ trong tay xoa chậm rãi lên tóc anh. Hai bàn tay anh vô kỷ luật, đang sũng nước bỗng tìm lưng chị. Anh, nhột em. Câu nói và cái vặn người của chị làm anh thích thú. Chị vừa muốn cấm cản anh vừa như cho phép anh, chị bật cười rúc rích. Hai bàn tay anh vuốt mơn man tấm lưng rộng và mịn màng của chị. Anh cố ý chà mạnh những chổ chai tay thô ráp lên da thịt chị. Rồi anh lần tìm ngực chị. Anh, ướt hết em bây giờ. Lời nói lúc này vô nghĩa khi tay anh đang thay ngôn ngữ nói với chị nỗi khắc khoải của thương nhớ vợ chồng. Cũng may là tóc anh lúc này đang xù bông những bọt xà phòng, nếu không, chính anh đã làm những rạo rực của chị phải im lặng bằng chính hai làn môi chắc nịch của mình.
Có tiếng mấy đưa trẻ cười nói từ ngoài vọng vào. Chị vội vã dội nước lên đầu anh, rồi lau vội đôi tay mình vào chiếc khăn mặt đang máng trên dây.
- Các con đã về rồi đó.
Anh ấp mặt trong làn nước nóng. Sự đòi hỏi đàn ông trong người anh lắng xuống. Anh tắm vội rất nhanh, vì các con anh đã chí chới gọi nhau ngoài nhà, và chắc chắn là chúng đang chờ anh ra chia kẹo cho chúng.
Anh bồng cả ba đứa con trên đôi tay mạnh chắc của mình. Tay anh vuốt hoài mái tóc của các con, và miệng anh hôn má thằng Út hòai không chán. Trầm từ trong bếp bưng mâm cơm ra. Chị giục các con đi ngủ để mai còn dậy sớm đi học. Nếu là những lần trước, anh đã ngăn vợ và cho phép các con ngồi chơi khuya một chút với mình. Nhưng lần này, không hiểu sao chính anh cũng muốn chúng đi ngủ sớm.
Chị sới cơm và dục anh ăn. Chị lại nhắc tới mấy con gà chết dịch và tới tấp những miếng thịt gà vàng ươm vào chén anh.
- Kìa, có phải anh đi đường mệt nên nhạt miệng, phải không?
Anh vội vã lùa cơm vào miệng. Anh cố gây cảm giác cho chị cảm tường anh đang ăn rất ngon miệng, mặc dù miệng anh đắng nghét. Cơm gạo mới, thịt gà luộc lá chanh, chấm muối tiêu, món ăn anh thích nhất, vậy mà…
- Anh phải ráng ăn thật nhiều, lần này nom anh ốm và đen đi nhiều đó.
- Nhớ em nên ốm.
- Anh có chuyện gì buồn phải không?
- Đâu có.
- Đừng giấu em.
Anh biết đôi mắt của mình không giấu nổi vợ, nhưng anh chưa đủ can đảm để kể lại cho chị nghe tất cả.
- Chẳng có chuyện gì em ạ. Bỗng nhiên anh cảm thấy nhớ em và các con vô cùng và thế là anh quyết định phải trở về…
Chị tựa đầu vào vai anh. Dù anh có nhớ chị bao nhiêu lần đi nữa, cũng không thể bằng chị nhớ anh. Mỗi sáng trở dậy, mỗi tối đi ngủ, mỗi khi ngồi khâu vá quần áo và dạy các con học, mỗi khi ngồi đọc thư anh… Có thể là không một khoảnh khắc nào chị không nhớ tới anh. Chị thủ thỉ.
- Cứ tưởng tới tết vợ chồng mới gặp nhau. Kìa sao anh cứ ngồi nhìn em hoài vậy?
Anh kéo chị vào lòng.
- Chỉ nhìn em thôi cũng đủ no.
- Anh đi đây, đi đó, bao nhiêu con gái đẹp.
- Bậy nào, Trên đời này anh chỉ yêu có mình em. Em có bằng lòng cho anh ở nhà luôn với em không?
Chị gật đầu.
- Anh sẽ đuổi gà cho em.
- Khỏi cần anh đuổi gà, khỏi càn anh nuôi heo, khỏi cần anh làm vườn, anh cứ ngủ cho khỏe, cứ ăn cho lại sức, và cứ là ông hoàng của em…
Anh không muốn giảng giải cho sâu thêm câu chuyện. Bởi chị chưa thể hiểu là anh đã bỏ nhiệm sở trở về nhà đuổi gà cho chị. Điều đó, chị sẽ tiếp nhận như thế nào? Chị sẽ choáng váng, chị không cho phép, bởi, dù anh đi làm chẳng nuôi được các con, nhưng với chị và các con, anh vẫn là niềm tự hào to lớn lắm.
Chị với anh cùng làng. Anh hơn chị năm tuổi. Ngày anh thoát ly gia đình đi làm, chị vẫn còn đi học. Thế rồi bẵng đi dăm năm, lần anh trở về thăm gia đình đầu tiên, chị đã là cô giáo cấp hai, là cô giáo chủ nhiệm lớp thằng em trai anh học. Và do một tình cờ, đúng là tình cờ, hai người gặp nhau, cũng vì thằng em học giỏi được cử đi thi trên huyện. Chị tới, với danh nghĩa cô giáo, lo cho nó sách vở, quà bánh đi thi. Thế rồi cả hai cùng đưa nó đi luôn. Dọc đường họ nói với nhau đủ mọi chuyện. Anh mê chị không phải vì cái sắc đậm đà, chị thực tình không đẹp, nhưng vóc người như chị, anh thích, khuôn mặt tròn, hơi thô xương, nước da đen, và hai cánh tay khi xắn lên nó tròn lẵn và ngộn ngồn sức sống. Đã từ lâu anh ao ước một thân thể khỏe mạnh như thế. Thêm vào đó, nói thêm vào, bởi tình yêu nào chẳng bắt nguồn từ những rung động vượt ra ngoài phạm trù sắc đẹp, chị nói chuyện rất có duyên, câu chuyện nào chị nói ra cũng làm anh lâng lâng xúc động, và tâm hồn anh trở nên hưng phấn, mới mẽ lạ lùng. Anh tin là những người như thế có bản lĩnh có nghị lực. Anh tấn công chị. Chị cũng chẳng phải hạng người thụ động đón nhận tình yêu, mà chủ động mở cửa lòng mình. Về sau này, chị vẫn cao hứng kể lại với anh, là anh rất tồi, chị đã sẵn sàng yêu, vậy mà phải tới ba tháng sau anh mới run run viết trong thư câu hỏi: Em có yêu anh không? Theo chị, chẳng nên hỏi người con gái như vậy, bởi người ta sẽ chẳng trả lời. Cứ xem cặp mắt nhìn, cứ nghe làn hơi thở thì biết người con gái có yêu mình hay không. Mắt không thể nói dối và hơi thở không thể đánh lừa.
Suốt đêm hôm đó, nằm bên nhau, không ai ngủ được, vì bởi hai thân thể rạo rực bao nhiêu ngày tháng chờ đợi nhau, tưởng nhớ về nhau. Họ yêu nhau. Họ đã nói cho nhau nghe bao nhiêu chuyện, nhưng câu chuyện quan trọng của anh, anh vẫn chưa nói được với chị, và chị, cũng đã linh cảm thấy điều đó, nhưng chưa dám hỏi chồng.
Phải tới chiều hôm sau, chị mới biết tất cả nguyên nhân vì sao chồng chị lại về thăm nhà đột ngột. Người khách lạ giới thiệu với chị tên là Như, cùng cơ quan với chồng chị, tới kiếm ảnh. Hai người ngồi ngoài vườn nói chuyện. Chị ngồi sau bếp vừa làm gà vừa nghe gần như trọn vẹn câu chuyện của họ.
Châu: Năm Lê phái cậu tới đây phải không?
Như: Cậu bỏ đi một cách đột ngột quá. Chẳng lẽ chuyện xung đột giữa cậu với Tấn lại nặng nề đến thê?
Châu:Về chuyện đó mình có thể nói tắt với cậu như thế này: Mình không thể tiếp tục làm việc khi người ta không còn tin mình. Và mình cũng không cho phép bản thân phải cúi đầu quy phục những thằng ngu.
Như: Mình muốn cậu giải thích rõ hơn.
Châu: Họ đang giao công tác cho cho mình, vậy mà bỗng nhiên có người khác cao hơn mình vài bậc lương, họ liền thấy trình độ mình non kém. Còn thằng cha hơn mình vài bậc lương mình chẳng cảm thấy chả có gì giỏi dang hơn mình ngoài mớ lý thuyết rỗng tuếch. Cân đo khả năng và những đóng góp bằng vài bậc lương thì tốt hơn hết là về nhà đuổi gà cho vợ còn hơn.
Như: Mình nói thật nhé, trước khi đến đây, mình nghĩ về cậu khác, bây giờ được nghe những ý kiến của cậu, mình cảm thấy cậu tầm thương.
Châu: Đúng, mình tầm thường.
Như: Mình cứ tưởng tính cách của cậu vừa mạnh vừa lạ, nhưng chung quy cũng vì thắc mắc chức vụ và dăm ba đồng lương.
Châu: Mình tồi như vậy đó.
Như: Anh Năm Lê và anh Tư Lịch đánh giá cậu khác.
Châu: Khác sao?
Như: Với chiếc ba lô con cóc trên lưng cậu dám cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp, những ngày tháng này là sự nghiệp dầu khí cho Tổ quốc. Mình hiểu là mình nói ra điều này với cậu là thừa, vì cậu cũng đã biết, cũng đã nghe nhiều người nói rồi. Chúng ta không phải những người chỉ sống bằng khí trời và uống nước lã. Nhưng chúng ta cũng không phải hạng người thiếu bơ sữa sẽ từ bỏ cách mạng. Cậu đừng xử sự một cách nông nỗi, trẻ con. Hãy nghĩ ngơi ít ngày rồi thu xếp trở lại xí nghiệp.
Châu: Cậu ra lệnh cho mình hả?
Như: Đúng.
Châu: Nhân danh cái gì?
Như: Tình bạn với nhau được không? Cậu còn cần môt nhân danh gì cao hơn thế nữa không? Nếu cậu cần chức vụ và đồng tiền thì cậu không cần trở lại cơ quan nữa, ở đó không có danh vọng và tiền tài đâu.
Châu: Sao, cậu nói gì?
Như: Cả hai đứa mình đều đã một lần viết đơn vào Đảng, chúng ta không ghi bốn chữ danh vọng và tiền tài trong lá đơn đó…
Trầm không còn đủ bình tĩnh để nghe tiếp câu chuyện của họ, hai dòng nước mắt trào ra và lăn xuống má, nóng hôi hổi. Chị bậm môi cho tiếng khóc khỏi bậc thành tiếng. Nước mắt nhắm vào đầu lưỡi mặn đắng. Chị không chờ đợi một sự thật phũ phàng như thế này. Thì ra ảnh bỏ nhiệm sở. Ảnh là một Đảng viên, một người cách mạng mà hành động như thế được sao.
Hồi còn son giỗi, là một giáo viên, chị có ý định phấn đấu trở thành Đảng viên. Nếu trở thành Đảng viên, thì chị sẽ khoan lập gia đình. Đó là ý nghĩ chân thành của chị. Nhưng rồi chị yêu anh và lấy anh, ý nghĩ phấn đấu trở thành Đảng viên của chị không còn nữa. Chị vẫn là giáo viên dạy giỏi, đồng nghiệp, bà con xóm giềng thương quý chị, nhưng không hiểu sao chị vẫn thấy mình không thể là Đảng viên được. Bởi ý nghĩ của chị về một người cộng sản thật cao đẹp, thật hùng trán, đó là con người quên bản thân mình, tự nguyện hy sinh cho sự nghiệp chung. Chị không thể là con người như thế, bởi lúc nào chị cũng bận rộn chuyện chồng con, chuyện mãnh vườn. Chị hiểu rằng chị làm tất cả những điều đó để chồng chị yên tâm cống hiến cho cách mạng. Cũng vì lẽ đó, khi người bí thư chi bộ giới thiệu cho chị học lớp đối tượng Đảng, chị đã từ chối. Vào Đảng không phải để mưu cầu một cái gì đó cho mình, vào Đảng không phải để chia phần lợi lộc cho con cái, vào Đảng cũng không phải để cuốn mình vào guồng máy dầu để tiến thân. Chị không muốn vậy, bởi chị muốn mình là một người vợ, ngươi mẹ bình thường. Chị không giả dối với mình và với mọi người khi nói huỵch toẹt ra rằng hạnh phúc của đời chị là chồng và các con. Ý niệm về gia đình của chị nặng nề như thế thì chị vào Đảng sao được. Chị vào Đảng chỉ làm cho Đảng yếu hơn, vì có thêm một con người chỉ lo tính đến cá nhân. Chị vào Đảng, chỉ làm cho Đảng mất uy tính vì chị sẽ chẳng đóng góp được gì cho lợi ích chung, trong khi đó với danh hiệu Đảng viên, chị sẽ được hưởng một số lợi quyền. Mọi người nhìn Đảng qua chị, sẽ giảm thiểu những gì đẹp đẽ, thiêng liêng khi nghĩ về Đảng. Người bí thư chị bộ nhất quyết cho rằng những suy nghĩ của chị là sai lầm. Chị đành nhận chịu sự sai lầm ấy và chẳng hề có ý sửa sai.
Chị lau vội nước mắt vào vạt áo, khi nghe câu chào của Như từ ngoài sân vọng vào. Anh ấy từ giã vợ chồng chị, không nán lại thêm, vì hình như công việc đang hối thúc ảnh. Hai vợ chồng chia tay ảnh tận cổng, hai người đàn ông bắt tay nhau, rồi ôm nhau rất chặt. Chị hiểu là họ đang cố kềm nén những xúc động tình bạn.
Chị trở lại bếp tiếp tục làm nốt con gà đang vặt lông dở dang. Anh đi sau chi, im lặng, rồi ngồi xuống bên chị, dành con gà chị đang cầm trên tay. Chị khẽ gục đầu vào vai anh.
- Em đã nghe hết chuyện của các anh rồi, nặng nề đến thế sao anh?
Anh đáp lại lí nhí:
- Chẳng có chuyện gì đâu em.
Chị lắc đầu.
- Đừng giấu em, - Rồi chị thủ thỉ, - Từ ngày hai đứa lấy nhau tới giờ, chẳng có chuyện gì mình giấu cả. Em lấy mình bởi vì em yêu mình, yêu tất cả những việc làm của mình. Với đồng lương của một cô giáo, với miếng vườn, em và con đủ sống để anh yên lòng công tác. Em chỉ mong sao anh mạnh giỏi công việc tốt đẹp, ngoài ra, em chẳng đòi hỏi điều gì, em chẳng cần anh là ông nọ ông kia. Em cũng không bắt anh mỗi tháng phải gửi tiền về nuôi má con em… Mà thôi, anh nghỉ phép ít ngày rồi lại trở về cơ quan phải không anh? – Chị lắng một lúc lâu để cảm xúc của mình đừng dâng thành tiếng khóc, - Anh nhõng nhẽo với em thế nào, em cũng chìu được, nhưng cơ quan, đó lại là môi trường khác, có đúng vậy không anh?
Châu vẫn miết ngón tay vào những chiếc lông tơ trên lưng con gà chưa nhổ sạch.
- Em không muốn anh ở nhà chớ gì?
Chị thoáng cười, nụ cười tâm trạng:
- Anh biết không, bao nhiêu đêm em nhớ anh, khi các con còn nhỏ em ôm chúng trong lòng và nghĩ về anh, giờ các con đã lớn rồi, chiếc gối ôm là bạn tâm tình… em khóc ướt cả gối.
- Vậy tại sao anh về sống với em, em lại không mừng?
- Từ nay trở đi sẽ không bao giờ em chịu sống xa anh nữa đâu.
Châu bỏ con gà xuống chậu, ngước mắt nhìn vợ:
- Có nghĩa là em bằng lòng cho anh ở nhà với em?
- Công việc dưới đó nhiều lắm phải không anh?
- Nhiều, nhưng anh nhớ em…
- Anh dành cho má con em một tuần phép, rồi sau đó anh trở lại cơ qua, và em, em sẽ thu xếp công việc cùng tới đó với anh.
- Em nói sao?
- Trước đây anh đã nhiều lần nói em đi với anh, em chưa quyết định được, bởi các con còn nhỏ, bởi thói quen cuộc sống ổn định của quê hương níu chân em, nhưng bây giờ, nếu anh thấy cần phải có em bên cạnh thì nhất định em sẽ tới.
Anh ôm chầm lấy vai chị kêu lên mừng rỡ:
- Trầm…
Phải vậy thôi, chị nghĩ, dù sao anh cũng là một Đảng viên, danh hiệu đó không cho phép bôi nhọ. Em cần tiếp sức, tiếp tay cho anh như thế nào, em cũng xin cố gắng. Điều quan trọng là anh của em, chồng của em phải đứng vững.
Ý nghĩ của chị nghẽn lại, bởi chị thấy anh cứ gọi tên chị hoài, chị muốn thưa hay nói một câu gì đó, nhưng không thể bởi tình cảm bồng bột của anh đã khép kín bờ môi chị.
Tình Biển Tình Biển - Nguyễn Nguyên Bảy