Trong mỗi khó khăn đều ẩn chứa một cơ hội.

Albert Einstein

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Nguyen Minh
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 706 / 18
Cập nhật: 2019-01-28 21:15:04 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
iệm còn chớ mậy?”, Bảy hỏi. Nhỏ bạn cười nhẹ, “Thì A Lủ có biết làm gì khác ngoài bán mì đâu, nhưng tiệm còn đó mà như không”.
Tiệm nằm cuối chợ Goòng, hồi trước, mỗi tuần ít nhất một lần Bảy hẹn bạn bè ăn sáng ở đó. Không biết bởi ghiền tóp mỡ xắt hột lựu béo giòn, nước dùng đậm vị xương ống, sợi mì do A Lủ tự cán, hay ghiền cái không khí náo động chẳng tiệm nào có. Khách đông nên ồn ào thôi không nói làm chi, thao tác nấu mì hơi khoa trương của vợ chồng chủ tiệm cũng gây bao nhiêu tiếng động. Chỉ bỏ cuộn mì vào trụng thôi, mà cũng khua vang tới nóc. A Lủ nói nhẹ tay thì cũng được chứ không phải không, nhưng quen rồi, “hồi ông cố tui mở tiệm, chỗ này chỉ là một cái xóm chục ngoài nóc nhà, phải khua cho xôm, đỡ vắng. Là nghe kể vậy, chớ lúc đó tui còn chưa được sinh ra”.
Lấy tuổi A Lủ, cộng thêm mười bốn, là ra tuổi tiệm mì. Không biết hương vị lúc đầu của món mì ra sao, nhưng tới truyền nhân đời thứ tư, tô mì chẳng còn rặt Tiều, nếu như mặc định món Tiều là phải nhiều dầu mỡ. A Lủ, ngoài cái tên và bọng mắt phong cách Triều Châu, thì nói giọng Việt hơn Việt, cả những thổ ngữ vùng này ông cũng sành như ai. Ông già A Lủ phát âm còn lơ lớ, nhưng siêng, hay la cà học tiếng quanh mấy bàn ăn. “Tiếng nước mình mà không rành, coi sao được”, A Lủ oang oang.
Giọng đủ tốt để bao sân cả tiệm, ghé ăn mì A Lủ là nghe đủ chuyện xóm trên chợ dưới, từ cái miệng xởi lởi của ông chủ. Như một thứ gia vị đặc biệt cho món mì. Thằng Tí Chuột ra quân rồi đó, nhìn bảnh hơn hồi ôm gà đi cáp độ. Thím Tư Tiên mới đi khám bệnh về, nghe nói bị khối u gì chưa biết lành hay dữ. Khóa nhà cô giáo Lương bị cắt tối qua, hên quá không mất gì. Ai đó nói vui, may mà không tâm sự với A Lủ chuyện dái bị nấm da, không thì chỉ một tiếng sau, từ hãng thông tấn tiệm mì, cả xóm biết.
Nhưng cái không khí thân tình ấm cúng ấy đã biến mất, sau lần dàn khoan China dềnh dạng đi vào thềm biển tranh chấp. Truyền thông sôi lên, dân tình sùng sục, ở đâu đó nghe nói còn đốt phá, tẩy chay. Chuyện biên sự nóng lên trong quán mì, mà không ai để ý ông già thôi không xuất hiện ở mấy bàn ăn. A Lủ thôi oang oang. Cái im ắng đầy ngờ vực, như ông chủ tiệm gốc Tiều đang tự hỏi rốt cuộc thì là ai trong những gương mặt mà ông thuộc lòng khẩu vị lẫn gia cảnh, sẽ đập phá quán ông khi súng nổ ngoài biên. Cả nhà A Lủ đứng trước một cuộc vỡ lẽ rằng, có sống ở đây hàng trăm năm đi nữa, cũng chỉ là tạm bợ, mỗi khi tân và cố quốc của họ xảy ra chuyện cơm chẳng lành.
A Lủ không đóng cửa tiệm ngày nào. Nhưng tiệm chỉ còn tiếng khua của khu tô trong lòng tô, tiếng vợt trụng mì va vào vách xoong. Cả những âm thanh ấy, giờ cũng chẳng giòn như trước. Và khách ăn mì, sau hiểu ra trong lúc ta chăm chú theo cái dàn khoan, thì phía họ làm thêm mấy cái đảo nhân tạo nữa rồi, nên nhai mì trong cảm giác bị lừa gạt, thầm cay đắng ông chủ tiệm, “giờ thì ỷ nước ổng mạnh, nên ra mặt lạnh rồi ha”. Nhưng đất nước của A Lủ là đây chớ đâu, nơi có tiệm mì gần sáu mươi năm tuổi ở cuối chợ Goòng, cách đó năm cây số là nơi ông bà A Lủ nằm lại, chung khu đất với hàng ngàn dân cố cựu khác.
“Nên cái tiệm còn mà như không còn, là vậy”. Bạn nói.
“Tao với thằng cha A Lủ khác gì nhau”, Bảy lên tiếng, sau vài phút lặng thinh, nhưng không phải bỏ điện thoại đi uống nước như mọi khi, mà bởi nó tìm thấy mối đồng cảm giữa ông chủ tiệm mì và mình.
Bảy đang rầu. Bên nước Bảy đang cuộc đổi ngôi, mà ông vua mới coi bộ không thân thiện với dân da màu. Cứ bốn, nhiều lắm là tám năm đất nước ấy lại có một lần đổi vua, nhưng ít khi khiến người nhập cư phấp phỏng như lần này. Bạn gà mờ chính trị, nên hồi tranh cử thấy ông này toàn nói ngược ông đương nhiệm, nghĩ nước người ta mắc ham, được công khai nói ngược. Lúc đó đâu ngờ được ông nói ngược sẽ làm vua.
Và cuộc sống Bảy xáo động ngay lập tức. Hôm trước hẹn sau Tết về hành hương Yên Tử, giờ nói không về nữa. Phải dính cứng ở đó lấy cái thẻ thường trú nhân cho chắc ăn. “Về, lỡ ông kia không cho qua nữa, thì chết”, Bảy nói.
Những cuộc gọi vượt đại dương bớt hớn hở như hồi đầu. Ê biết không, ở đây chim bay đầy không ai bắn, gì không mua được bằng tiền thì mua bằng nhiều tiền (ý nói đồ ăn thôi, chứ bên này không bán chức quyền), xe đạp quăng ngoài sân không ai lấy, sóc vô tận bếp bởi ra khỏi nhà là rừng. Đất đây rộng lắm, không cần phải đâm mái che lấn hẻm chi đâu.
Lúc đó, Bảy không bao giờ đặt ra câu hỏi dạng “xxx có còn không?”, như những cuộc gọi sau này. Xxx là một hàng cây, ngôi chợ, quán chè tiệm nước. Nghe thì cảm giác như người hỏi đang thấy bất an, muốn níu lấy gì đó, muốn biết liệu còn gì để về, nếu đường xa xảy ra bất trắc.
“Như mầy khỏi lo, đất ta ta ở, không cần để ý coi ai ưa hay không ưa mình”, Bảy kết luận. Bạn cười nói chưa chắc, hàng xóm mình ỷ mạnh, nhịn một bước họ lấn thêm trăm bước, biết đâu một bữa thức dậy những cư dân có cây phả hệ với bộ rễ mọc hàng ngàn năm, trở thành dân ở đậu.
Bảy kêu đang rầu mà mầy nói chuyện gì đâu, thôi tao đi ngủ. Bạn còn chưa kịp nói câu cuối cùng, mang tính an ủi cao, “nhưng đời này ai mà không đang ở đậu cõi người, chẳng phải nhà Phật nói vậy sao?”
Tiếng Thở Dài Của Chim Di Trú Tiếng Thở Dài Của Chim Di Trú - Nguyễn Ngọc Tư Tiếng Thở Dài Của Chim Di Trú