Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1824 / 44
Cập nhật: 2015-11-06 01:07:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Có Một Bông Hồng Cho Đêm Giáng Sinh
nh Nguyễn bỏ chúng tôi lại, anh không nói gì, anh đi xa mãi phía bên kia gốc thông lớn, cho tới khi đứng giáp khoảng đất trống với sườn đồi dốc phía sau, anh ngừng lại. Anh dang rộng chân vừa bước vừa đếm cho tới gốc thông thì anh dừng lại, ngửng lên nhìn chúng tôi và nói:
- Khoảng mười tám thước, rộng quá.
Anh Nguyễn có vẻ hài lòng khi trở lại, anh chỉ sang nền nhà, công việc còn dở dang:
- Chịu không, nhà tôi đó, nhà vợ chồng cậu thế này, tôi dự định cho tới giáng sinh sang năm thì tôi dọn sang nhà mới.
Tôi nhìn sang Lam:
- Chịu không?
Lam mỉm cười sung sướng:
- Chịu.
Nói hết câu Lam cười thành tiếng. Anh Nguyễn giọng đùa giỡn:
- Chịu từ lâu rồi phải không?
Anh Nguyễn chưa ngừng lại với câu chuyện làm nhà mà anh dự tính, anh kéo chúng tôi vào trong, nơi tận cùng của vạt đất, phía dưới là sườn đồi dốc, thung lũng đã được khai hoang từ lâu, nơi đó những thửa rau vuông vức, những vạt vườn xanh, những khoảng như mới bắt đầu một vụ mới với màu đất nâu tươi. Dựa lưng vào sườn đồi bên kia, không xa bao nhiêu, mấy ngôi nhà ngói nhỏ xinh xắn, màu ngói còn tươi và những hàng cây trồng còn thấp.
Giọng anh Nguyễn vẫn ở bên, niềm vui như reo mừng trong tiếng nói:
- Tôi quyết định lên đây, chấm dứt tình trạng không nhà cửa. Phải có một cái gì của mình chứ, đây, cậu thấy không, ngôi, nhà đến đây, khoảng này mình trồng đào, mận, vạt đất bên trồng rau, có sân chơi cho trẻ em, tôi thấy đây là đất lành mình có thể định cư được.
Tôi như lây niềm vui với người bạn lớn tuổi. Vừa đặt chân lên Đà Lạt, tới thăm anh Nguyễn, anh đã giữ chúng tôi lại, lấy xe chở chúng tôi lên khoảng đất anh mới mua được để cất nhà, không những thế, anh còn muốn chúng tôi cũng lập nghiệp và làm nhà ngay bên nhà anh, trong vạt đất anh có, anh Nguyễn nói: rộng quá, muốn có cậu ở cho vui. Trên xe tới khoảng đất đã được rào lại, một nền nhà đã thành hình, anh nói cho tôi và Lam thấy những dự tính của anh, nào kiểu nhà, làm nhà gỗ hay nhà gạch, phải làm thế nào. Anh làm cho tôi có cảm tưởng rằng tôi đã quyết định lên thành phố trên cao này lập nghiệp. Anh nói: Thấy cậu lấy vợ ta mừng quá. Bây giờ phải lo nhà cửa đi. Câu chuyện cứ như thế miên man không ngừng lại được, một ngôi nhà trên đồi, đó cũng từng là giấc mơ của tôi, phải, đó là một giấc mơ mỗi khi tôi lên đây nghỉ thường niên. Nghĩ đến một ngôi nhà cho riêng mình, tôi thấy quá xa vời. Cuộc sống bấp bênh, đời quân ngũ khiến cho tôi có lúc thấy như không có một thời cho mình xây dựng. Tôi nhìn Lam và thương nàng vô hạn. Lam biết rõ đời sống của tôi nhưng tình yêu đã giúp chúng tôi thoát vượt những khó khăn để sống bên nhau. Một ngôi nhà nơi đây, dưới những ngọn thông cao, bên những hàng rào đầy hoa, cùng với người bạn mình, hẳn đó cũng là mơ ước của Lam. Giọng anh Nguyễn lớn tiếng:
- Mấy cây đào mình trồng mới hơn ba tháng mà hy vọng lắm, không chết một gốc nào.
- Nhưng bao giờ thì có trái?
Anh Nguyễn nghiêm mặt lại:
- Thì cũng phải có thời gian chứ, cậu làm như trồng hôm nay mai đã có trái, bởi vậy mình phải xúc tiến sớm, bao giờ cậu bắt đầu?
Tôi nhìn Lam, Lam nhìn tôi, chúng tôi đều mỉm cười:
- Ít ra thì cũng phải mùa hè.
- Lâu thế...
- Anh làm như muốn thì được.
- Trời ơi, tận mùa hè lận.
- Thì Lam còn phải dạy hết niên học này, rồi tôi còn ở trong quân đội... Mà Lam xin đổi cũng khó lắm chứ đâu dễ.
- Ừ nhỉ, kẹt...
Anh Nguyễn nhìn bọn tôi và cười:
- Nhưng chắc chắn chứ?
Tôi gật đầu như quả quyết:
- Chắc chắn, bọn tôi sẽ dựng một cái lều tranh...
- Một cái lều tranh hai trái tim vàng, nghe mùi ghê.
Anh Nguyễn cười lớn, chúng tôi trở về thị trấn lúc bấy giờ chiều đã xuống, sương lam dày đặc dưới những thung lũng. Tới chợ chúng tôi chia tay nhau. Anh Nguyễn dặn:
- Tôi để cho hai vợ chồng tự do, nhưng tối mai phải lại, nhớ nghe.
Lam nói dạ, anh Nguyễn vẫy tay trước khi cho xe chạy xuống con dốc lớn. Lam nói:
- Bạn của anh vui thật, làm như mai bọn mình đã ở trên này. Anh ấy tốt quá nhỉ...
Tôi cầm lấy tay Lam và qua đường. Nền trời sẫm, dãy phố cũ bên kia lẩn vào trong bóng tối của hàng cây. Trời lạnh khô, những cơn gió mạnh thổi tờ giấy trắng là là trên mặt đường dốc. Tôi nắm chặt tay Lam:
- Mình đi ăn chưa?
- Em thấy đói rồi.
Chúng tôi bước vào nhà ăn quen thuộc. Bữa ăn đơn giản với những món ăn thích hợp cho miền lạnh: canh cải nóng, thịt đông dưa chua và một món rau xào. Tôi nhìn Lam nói:
- Lên trên này làm anh nhớ tới quê ngoài Bắc, mùa đông rét buốt, mùa xuân rét ngọt... Bao giờ hòa bình thống nhất bọn mình sẽ về ngoài đó...
Lam mỉm cười, nụ cười quen thuộc, chừng như mỗi lần tôi nhắc đến quê hương, nhắc tới Hà Nội là tôi lại thấy nụ cười đó trên môi Lam, và thường bao giờ Lam cũng nói: anh chỉ nghĩ đến quê anh, còn quê em, anh không yêu quê em phải không? Em về chơi thôi, không về ở ngoài đâu, em ở trong này một mình cũng được. Quê hương, mẹ hiền, tôi không lúc nào không tưởng nhớ đến. Một giây phút khí hậu xao động đổi thay, một đọt nắng trên ngọn cây, một món ăn, một con đường thường nhắc nhở tôi tới một thời đã xa, quê nhà, mái ngói nâu yêu dấu, mẹ hiền và một thuở thanh bình hiền dịu trong đời sống ấu thơ ngọt ngào. Đôi mắt Lam mở lớn nhìn tôi:
- Hôm nào mình khởi công làm nhà anh?
Tôi cười:
- Để còn phải coi ngày nữa chứ, và nhất là phải vẽ kiểu nhà, thôi anh giao cho em đó.
- Thế mình làm mấy tầng?
Tôi gật đầu như suy nghĩ:
- Thôi mình cất một tầng cho thân mật, nhà rộng quá ở sợ ma chết.
- Thôi mình cất nhà tranh đi.
- Cũng được.
- Nhưng bây giờ mua tranh khó và đắt tiền lắm...
- Thôi, vậy để tính sau vội gì.
Tôi nói hết câu, hai đứa cười ồ, chúng tôi thú vị với trò chơi.
Khi ra khỏi quán ăn, đèn đường đã bật sáng, những ngọn đèn quanh hồ tạo thành một vùng ánh sáng xanh biếc. Khu phố chợ vắng người. Trên đường chỉ còn lại những người đi dạo, chừng như đó là những người khách từ nhiều nơi xa tới trong dịp lễ Giáng Sinh, còn lại, những người của thị trấn đều đã rút vào trong những cánh cửa đóng kín. Chúng tôi đi xuống phía hồ. Giọng Lam êm nhẹ:
- Nhất định mình sẽ lên trên này lập nghiệp nghe anh, khí hậu ở trên này làm cho má con nít lúc nào cũng đỏ hồng.
Tôi giữ chặt tay Lam:
- Em sẽ đi dạy, anh làm vườn được không, nhưng bao giờ...
- Vậy mà xưa kia anh nói, năm nay...
Không còn bộ quân phục trên người, nhưng để có những ngày nghỉ cuối năm, tôi phải có tờ giấy phép. Tờ giấy nhắc nhở những ràng buộc khe khắt. Ra đi đúng ngày, trở về đúng ngày, chúng tôi phải thu xếp lấy cuộc sống trong những giới hạn. Giải ngũ, mấy năm trước tôi như mơ hồ nhìn thấy, giải ngủ, hòa bình đến, nhưng điều ấy vẫn chưa là sự thực. Câu chuyện về một dự định tương lai bỗng làm xuất hiện một mơ ước chưa thành. Tôi an ủi Lam:
- Chẳng lẽ đánh nhau mãi, rồi phải có hòa bình chứ, khi chúng ta có con thì chắc có hòa bình rồi.
Lam đi sát vào tôi. Ánh đèn làm sáng lên những khoảng nhỏ thiên nhiên, cảnh vật như trong một giấc mơ êm dịu. Tôi muốn nói lời chịu ơn Lam. Trở lại thị trấn trên cao, hạnh phúc ngọt ngào nhắc tôi những kỷ niệm cũ, những kỷ niệm cô quạnh trong những ngày nghỉ cuối năm ở đây, nơi tôi thường tới mỗi năm. Năm nào tôi lang thang với Dũng trên chiếc xe gắn máy cũ, hai đứa đua nhau lên Suối Vàng, đường dốc xe chết máy, ngồi nghỉ trên nghĩa trang chúng tôi đi lần theo hàng mộ bia đọc tên những người đã chết. Nơi đây Dũng đã bật khóc khi đứng trước mộ Dung, người tình cũ của Dũng, tôi nhớ tấm ảnh tươi cười của người đã khuất. Dũng nói: tôi đâu biết nàng đã chết. Dũng khóc nhắc lại những trắc trở trong cuộc tình duyên và sự mất tích của Dung trong thành phố. Dũng ngồi lặng im cho đến khi chiều xuống mới trở về và chúng tôi say trong quán rượu. Năm nào tôi ngồi với Tâm trong phòng vẽ. Ngày nào tôi với Niệm lang thang trên những đồi cỏ may hồng. Năm nào, những cơn mưa tầm tã giữ tôi lại suốt trong tuần lễ, khi lên xe trở về thì trời hửng nắng. Khí hậu lạnh, thiên nhiên tươi mát là nơi tôi chọn cho những giây phút nghỉ ngơi. Nhưng năm nay, một đổi thay chờ đợi đã đến. Lam đưa đến cho tôi những ngày mới. Nhưng mơ ước hòa bình từ bao giờ vẫn chưa đến...
Chúng tôi ghé vào nhà Thủy tạ, nhạc êm dịu ấm cúng, những cửa kính mờ hơi nước. Lam muốn ngồi ngoài trời, nhưng gió lộng và sương ẩm khiến chúng tôi phải bỏ ý định. Một ly cà phê nóng, một ly trà nóng, vắt chanh vào trong ly, mùi chanh thơm nồng, Lam nói:
- Anh định làm nhà trên này thật sao?
Tôi cười:
- Làm, nhưng chưa.
- Vậy anh phải nói với anh Nguyễn chứ, hình như anh ấy yên chí bọn mình sẽ làm nhà, sẽ lên đây ở.
- Anh Nguyễn muốn mình ở chung với gia đình anh cho vui, anh ấy cũng biết, anh mong có một ngôi nhà.
Ngụm cà phê thứ nhất, điếu thuốc mới. Anh Nguyễn, một trong vài người bạn vong niên của tôi, những người đã giúp tôi sống trong nhiều năm nay, tình bằng hữu đùm bọc cưu mang đã giúp tôi giữ được đời sống mình. Trước khi chúng tôi làm lễ cưới, anh Nguyễn trở về thăm tôi. Anh xin lỗi không thể về dự đám cưới, nhưng anh trông chúng tôi sẽ lên chơi ít ngày. Anh Nguyễn cười cười bảo: Bọn nó nói cậu giàu lắm. Tôi cười: Anh tin. Anh Nguyễn giọng nghiêm: Bọn nó nghĩ cậu đi ăn cướp đó. Trước khi về anh cho tôi tiền, anh nói: Cho bọn cậu một ít làm vốn bán bánh mì xe. Nhưng anh cũng không quên: Lên đi, có việc hay lắm, lên mới tính được. Tôi không nghĩ khi lên anh sẽ nói chuyện làm nhà. Một mái nhà, chắc không phải ước mơ của riêng tôi. Sau bao năm bỏ quê hương, tôi thấy mình thiếu hẳn nơi để trở về, tôi mơ ước một lúc nào đó lên cao nguyên khẩn hoang, làm cho mình một mái nhà vì tôi hiểu rằng: giấc mơ trở về quê hương có lẽ đời tôi không thực hiện được. Mà đến đời con tôi, khi trở về nó còn nhận được ra đâu là lối đi tôi đã bước qua, ngôi nhà nào tôi đã được sinh ra và lớn lên, cho tới khi ấy, còn không dấu vết của một thời đã xa lắc, biệt tăm trong trí nhớ những người sống sót. Khi trở về, con đường hoàn toàn vắng vẻ, ngang qua một hàng rào, tôi ngừng lại với tay bẻ cho Lam một cụm hoa tầm xuân, mùi thơm hoang dã nồng nàn. Tôi nói:
- Biết đâu mùa hè này mình lại không thể lên đây làm ngôi nhà bên cạnh nhà anh Nguyễn, sớm mai thức dậy, hòa bình đã đến...
Lam giữ chặt tay, nàng nhìn tôi, trong bóng đêm tôi thấy đôi mắt Lam long lanh sáng như một ngôi sao lạc trong nền trời tối.
Vợ chồng tôi là những người khách thứ nhất, anh chị Nguyễn chạy lên chạy xuống lo bữa ăn tối cho chúng tôi. Anh Nguyễn nói:
- Có mấy người bạn thân thôi, lâu lâu có dịp gặp nhau chứ mình đâu có theo đạo.
Anh Nguyễn rót cho tôi một ly rượu. Lam xuống bếp giúp chị Nguyễn, mấy người bạn của gia đình anh Nguyễn dần dần đến đông đủ. Chúng tôi không phải là người Thiên Chúa giáo bữa ăn đêm Giáng sinh mang một ý nghĩa khác, nhưng có lẽ cũng giống với những gia dinh Thiên Chúa giáo phần nào, bữa ăn của xum họp. Bữa ăn vui và ngon miệng. Chúng tôi nhận được những lời chúc mừng thân thiết. Lam có lúc ngượng ngùng, mặt đỏ, đôi mắt cuống quít khi chị Nguyễn mong cho tới Giáng sinh sang năm chúng tôi có cháu bé. Chúng tôi ra về sớm nhất, tôi nói:
- Bọn tôi muốn đi chơi đêm.
Anh Nguyễn cười:
- Phải rồi, bây giờ còn đi chơi được chứ ít năm nữa thì hết, như bọn tôi.
Anh Nguyễn ngừng lại, chợt anh nói:
- Quyết định về cái nhà chưa?
- Rồi, quyết định rồi.
Anh Nguyễn im lặng, vẻ mặt như chờ đợi, tôi nói:
- Anh chờ cho đến mùa hè được không, bây giờ thì chịu, hay là...
Tôi ngừng lại giây lát:
- Nhưng thôi anh ạ, để sang năm lên ở với anh chị, nhà cũng rộng mà...
Anh Nguyễn cười:
- Ừ cũng được, Giáng sinh sang năm thì mình có nhà mới rồi, lên nghe...
Chúng tôi rời nhà anh chị Nguyễn. Trên những con đường dẫn tới giáo đường chính dòng người đổ như thác, tất cả mọi người như đã mở rộng một tấm lòng chào đón, chúng tôi ở trong dòng người tới giáo đường. Bông hồng đỏ chị Nguyễn tặng Lam có lúc phải đưa lên cao, Lam sợ bị dập vì người chen chúc. Đèn sáng cả một vùng giáo đường, khoảng sân nhỏ như nêm, khi lễ giữa đêm bắt đầu, tiếng hát từ trong giáo đường như làm cho mọi tiếng động lẩn trốn, cả thiên nhiên cũng như đang chan hòa một niềm hy vọng.
Giọng Lam ở bên:
- Anh biết em cầu nguyện gì không?
Tôi nhìn Lam, khuôn mặt rực rỡ:
- Anh nghe thấy, anh nghe thấy.
Đôi mắt Lam ngước nhìn lên cao, tháp chuông với ngôi sao kết đèn sáng rỡ, trên cao đó, chỉ có ánh sáng.
Khi trở về, đứng nơi dốc vắng, nhìn lại giáo đường, chúng tôi vẫn thấy ánh sáng rực rỡ ở đó. Tôi mua cho Lam một quả bóng đỏ. Lam cột bông hồng của chị Nguyễn vào sợi dây, nàng giơ cao lên nói:
- Em muốn tặng bông hồng cho những người ở xa, những người ít may mắn...
Tôi mỉm cười, Lam thả tay ra, trái bóng lên cao rồi từ từ bay theo chiều gió mang bông hồng đỏ. Chúng tôi nhìn theo cho tới khi trái bóng và bông hồng lẩn vào trong bóng tối ở xa...
Tiếng Sáo Người Em Út Tiếng Sáo Người Em Út - Dương Nghiễm Mậu Tiếng Sáo Người Em Út