Nên coi những thất bại trong quá khứ là động cơ để hành động, chứ không phải lấy đó làm lý do để bỏ cuộc.

Charles J. Given

 
 
 
 
 
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1824 / 44
Cập nhật: 2015-11-06 01:07:56 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trên Đường Dài
àng vừa bước lên khỏi cửa, chiếc xe đã vọt chạy, nàng kêu lên sợ hãi, hai tay giữ chặt lấy thanh sắt vịn gắn trên trần xe, tôi nhìn thấy nàng với nét mặt tươi cười nghịch ngợm. Xe bắt đầu chạy êm, nàng men theo những dãy ghế, nhìn khắp xe chỉ còn một chỗ bỏ trống ngay bên tôi, ở phía trong, chiếc ghế của một thanh niên đã xuống ở dọc đường khi xe ghé vào thị trấn phía sau. Tôi mỉm cười và đổi chỗ ngồi sát vào phía cửa xe. Khi nhìn lên tôi thấy nàng mỉm cười và đang bước lại. Nàng nói:
- Cám ơn anh.
Tôi mỉm cười không nói gì nhìn ra ngoài cánh đồng, mùa lúa vàng trải rộng với nắng rực rỡ và bầu trời xanh trong. Xe chạy mỗi lúc một nhanh hơn trên quốc lộ phẳng phiu, hai bên không có một làng xóm, thỉnh thoảng có một chuyến xe chạy ngược chiều với tiếng còi mất nhanh như một tiếng nhấn. Buổi chiều này tôi đã có mặt ở Sài gòn, tôi hình dung tới phố xá vào chiều thứ bảy sau một tháng xa Sài gòn với những ngày dài lang thang nơi những thôn xóm trong vùng châu thổ. Lòng xe không có tiếng người, một số đang thiếp ngủ với chuyến đi mệt nhọc, những người thức như đang mải nhìn cánh đồng lúa ngoài cửa xe. Thiếu nữ ho vì sặc khói thuốc, tôi nhìn lại, nàng đang mở chiếc ví lấy chiếc khăn tay trắng ra chấm lên mắt, đôi bàn tay trắng với những ngón dài với móng tay hồng ửng như những búp hoa, chiếc nhẫn cưới nhỏ làm cho tay nàng có một vẻ đẹp giản dị. Nàng bỏ khăn xuống, nhìn lên lấy một bàn tay quạt trước mặt như cố gắng đuổi những làn khói thuốc từ phía trước tạt xuống, khói thuốc lá đen làm cho tôi cũng thấy khó chịu muốn ho. Tôi nói:
- Cô có muốn đổi chỗ không?
Thiếu nữ nét mặt hơi nghiêm lại:
- Khói thuốc tôi không quen, có phiền anh không?
- Không, tôi quen với khói thuốc.
Nàng cười:
- Anh cũng là dân ghiền...
- Dạ, tôi ghiền nặng...
Tôi vừa nói vừa gật đầu. Tôi dợm người đứng lên, nàng vội vàng cầm lấy cái ví rồi đứng lên ra ngoài cho tôi ra trước khi nàng đổi vào ngồi trong ghế sát cửa xe. Nắng bắt đầu hắt vào xe khi con đường đổi chiều. Tôi nói:
- Tôi biết ngồi ngoài sắp bị nắng.
Thiếu nữ gúc đầu, mắt mở lớn:
- Anh thuộc từng khúc đường.
- Tôi là bạn của những con đường.
Thiếu nữ cười. Tôi nghe thấy tiếng cười nhỏ của nàng:
- Sao cô lại cười?
- Tôi tưởng đó là một câu thơ.
- Tôi không phải là thi sĩ.
- Vậy chắc anh có nhiều bạn đường lắm.
- Dạ...
- Như vậy chắc cũng nhiều bạn đường đời lắm.
Nói hết câu nàng ngoảnh mặt ra ngoài cửa xe, tôi mường tượng tới nét mặt tươi cười nghịch ngợm của nàng.
Tôi không nói tiếp lấy thuốc ra hút. Như ngửi thấy mùi thuốc nàng quay lại, vẻ ngạc nhiên. Nàng nói:
- Mùi diêm thơm phải không anh?
- Nó giống mùi pháo...
- Pháo, tôi không biết mùi pháo...
- Em đi pháo đỏ rượu hồng. Em đi lấy chồng...
- Anh lại làm thơ?
Tôi cười:
- Cô không biết pháo đỏ rượu hồng sao?
- Không, tôi không biết.
- Tôi không tin.
Đôi mắt nàng tình tứ im lặng. Xe chạy qua một cây cầu đang được sửa chữa. Khi xe qua khỏi cầu nàng nói:
- Anh biết pháo đỏ rượu hồng?
- Tất nhiên.
Thiếu nữ nhìn tôi rồi nhìn sang tay tôi, tôi như biết ý cố để lộ rõ hai bàn tay ra ngoài.
- Tôi biết cô muốn tìm kiếm cái gì.
- Anh biết tôi tìm gì?
Tôi đưa tay vào túi áo lấy ra một cái ví, tôi cầm lên nói:
- Nó ở trong này.
- Cái gì ở trong này?
- Cái cô tìm kiếm.
- Không, tôi chẳng kiếm gì cả.
Tôi bỏ ví vào túi và tiếp tục hút thuốc. Chuyến xe chạy nhanh trên lộ trình còn lại. Tôi cười với câu chuyện bâng quơ vừa diễn ra với người bạn đường. Những di chuyển liên tục, nhiều quãng đường quen thuộc tới nhàm chán đã khiến cho những lần di chuyển của tôi nhiều khi trở thành sốt ruột, những con đường của lần di chuyển thứ nhất, hoặc thứ hai như ngắn lại với những mới lạ chung quanh, nhưng sau đó, nó trở thành thường và nó không còn làm tôi chú ý tới. Tôi mong cho sớm, cho mau tới nơi đã định. Nhiều chuyến đi tôi ngủ liên miên trên dọc đường và có khi người phụ xe phải nhắc tôi khi tới bến. Và để cho thời gian mau hết, con đường ngắn lại, tôi thường bắt chuyện làm quen với những người cùng trên một chuyến đi, những câu chuyện dọc đường nhiều khi làm tôi ngạc nhiên, có người đã bỏ hết lộ trình để cùng đi với tôi. Nhưng tôi chưa gặp một người thiếu nữ nào có vẻ tinh nghịch như chuyến trở về này. Mái tóc dài vấn để lộ vòng cổ cao trắng ngần, dáng người thon nhỏ trong chiếc áo dài màu xanh lam, màu áo đậm đó càng khiến cho da nàng trắng thêm.
Xe đã tới chiếc cầu chạy một chiều, xe dừng lại chờ đợi, hàng quà bánh bu lại nơi những cửa xe. Tôi với người ra mua một gói mía, nàng cũng mua một gói. Tôi nghĩ hẳn nàng sợ tôi mời ăn chung. Tôi nói cho có chuyện khi thấy những trái thơm được đưa lên cao và lời mời chào:
- Thơm ở đây ngọt lắm, cô có thể mua làm quà.
- Dạ, sao anh biết rõ thế.
- Tôi đã nói rồi: tôi là bạn của những con đường mà.
- Vậy anh có bao giờ gặp bạn đồng hành như tôi không?
- Có, nhưng thường thì họ xuống ở dọc đường, không ai đi tới cuối đường như cô.
- Anh nghĩ tôi đi tới cuối đường?
- Vậy cô sẽ xuống ở dọc đường sao?
Nàng không nói, mỉm cười vẻ tinh quái.
Xe đã bỏ những người bán hàng lại, người phụ xe nhấc hành khách tắt thuốc không xả rác xuống cầu. Khi xe đổ dốc ở phía bên kia, tôi nói:
- Cô có biết cây cầu vừa qua có bao nhiêu cột sắt không?
- Không, anh biết có bao nhiêu?
- Bốn mươi hai.
- Tôi không tin anh đếm đúng.
Nàng nhìn sang tôi vẻ hoài nghi. Tôi nói:
- Không tin tôi xuống xe với cỏ, mình đi bộ qua cây cầu.
- Đi ngược lại?
- Đi ngược lại rồi đi xuôi.
- Anh không nói đùa chứ. Nhưng tôi sợ...
- Sợ tới nơi muộn.
- Không phải. Tôi sợ lính họ giữ mình lại.
- Lính sao lại giữ người qua cầu.
- Vậy mà tôi sợ, vì họ thấy mình qua cầu hoài tưởng mình sắp tự tử.
- Tự tử, ai điên gì tự tử.
- Anh cứ tưởng người ta điên mới tự tử sao? Không đâu, có lúc tôi nghĩ chính mình điên mới sống, người ta chẳng hề điên khi tự tử.
Tôi mở lớn mắt vẻ ngạc nhiên:
- Vậy cô đã...
- Anh coi xem, tôi có thể là người đã tự tử không?
Tôi lắc đầu:
- Không thể, cô có vẻ một người yêu đời, không phải là một người sầu đời.
- Anh quên tôi mới nói sao: chính yêu đời người ta mới tự tử.
- Tôi không tin thế.
- Anh là người yêu đời và chưa bao giờ tự tử?
- Đúng thế. Yêu đời khiến người ta không muốn chết. Tồi biết thường người ta tự tử vì lầm lẫn, nên ít có ai tự tử lần thứ hai. Tự tử một lần rồi thường người ta yêu sống hơn ai hết.
- Vậy thì nên tự tử một lần cho biết và để được sống yêu đời hơn?
- Nhưng không may chết thật thì sao?
- Chết thật thì thôi, ăn nhằm gì.
Giọng thiếu nữ đầy bông đùa. Tôi nghĩ hẳn nàng phải được sinh trưởng từ một khung cảnh gia đình tự do, con cái đối với cha mẹ khác với những gia đình Việt Nam khác. Câu chuyện bâng quơ mỗi lúc một khiến tôi như bị đẩy vào một sự thích thú. Tôi không nghĩ nàng đã từng tự tử. Tôi nói:
- Có thích đọc tiểu thuyết không?
- Hồi nhỏ tôi mê tiểu thuyết tình.
- Những chuyện tình ngang trái, như những lá ngọc cành vàng chẳng hạn.
Nàng cười:
- Hồi đi học tôi thương cô Loan của Nhất Linh.
- Bây giờ?
- Bây giờ tôi lớn rồi.
- Cô nghĩ chỉ khi còn nhỏ người ta mới mê tiểu thuyết?
- Lúc nhỏ, lúc còn thơ ngây người ta dễ bị lừa dối hơn.
- Tôi nói tới tiểu thuyết mà.
- Dạ, tiểu thuyết.
Tôi cười:
- Hình như cô thiền rồi.
Nàng mở lớn mắt rồi hơi cau lại:
- Thiền rồi, tôi không hiểu ý anh?
- Tôi muốn nói bây giờ cô tỉnh rồi, cô đạt rồi... nghĩa là cô không còn bị lừa dối nữa.
- Hình như người ta thích được lừa dối hơn, phải thế không?
- Tôi không biết về điều này.
Chuyến xe đang chạy men theo một con kinh lớn, những hàng dừa xanh soi bóng xuống mặt nước phẳng những cây cầu khỉ bắt qua ẻo lả, trưa nắng gần như không có người qua lại, thỉnh thoảng tôi mới thấy một chiếc ghe chạy qua với tiếng máy nổ giòn giả.
- Cô lên Sài Gòn thăm bà con.
- Vâng, nhà tôi ở dưới tỉnh.
- Thích nhỉ, chiều nay thứ bảy, tối nay cô đã có thể ngồi ở trong một phòng trà nghe nhạc, sáng mai đi dạo, ăn sáng, coi xi-nê, tuần này không biết có phim hay không?
- Anh xa Sài Gòn đã lâu?
- Hơn hai mươi ngày.
- Và anh cũng đã có hẹn.
Tôi cười, lúc sau tôi nói:
- Chắc bạn của cô ở trên đang chờ?
- Vâng, anh ấy dang chờ...
Nói hết câu, nàng mỉm cười một mình, nhìn thẳng về phía trước. Tôi nói:
- Vợ chồng sống xa nhau lâu lâu gặp lại chắc thích hơn, ở mãi một bên chán lắm.
- Tại sao lại chán?
- Vì quá quen thuộc.
- Vậy nếu anh đã có vợ, anh nên coi chừng, nếu anh chưa có vợ thì anh đừng lấy vợ.
- Cô giải thích cho tôi nghe lời khuyên của cô.
- Anh có bao giờ nghe chuyện người đàn bà đau đớn khi sinh nở không?
Tôi cười cười:
- Có, nghe nói đau lắm.
- Nhiều người chết vì sinh nở nữa.
- Phải, có hồi tôi ở gần một nhà hộ sinh và từng nghe người ta kêu gào, có người kêu cả tuần mới hết, khiếp nhỉ, trách nào có câu: đau như đau đẻ.
Thiếu nữ che miệng cười.
- Vậy mà chẳng có ai chỉ sinh một lần, người ta tiếp tục sinh, sinh năm một, sinh hàng mười đứa con, trong khi đó vừa kêu đẻ đau, vừa kêu khổ vì nhiều con cái...
Tôi không nhịn được, bật cười lớn và tôi thấy nhiều người trong xe quay lại nhìn tôi. Tôi đổi hướng câu chuyện:
- Chắc lần này cô lên ở luôn trên Sài Gòn?
- Không, tôi lên độ tuần lễ rồi về. Chồng tôi dạy học ở trên đó.
- Để cho ông ấy một mình cô không sợ có người bắt cóc sao?
Thiếu nữ cười:
- Giữ ngay bên mình mà người chồng lang chạ thì cũng chịu. Anh có thấy vậy không?
Tôi gật đầu. Nắng buổi chiều đang xuống dần, vì thế nắng càng hắt nhiều vào trong xe, thiếu nữ phải kéo cửa lên cho khỏi nắng. Chuyến xe bỗng chậm lại rồi đứng, tôi nhìn về phía trước: có nhiều xe đang nối đuôi nhau, hành khách túa xuống đường, người tài xế hỏi những người bạn cùng nghề, câu chuyện cho biết phía trước không xa có giao tranh gần quốc lộ khiến cho xe cộ không thể chạy được, nhiều người trên xe nóng ruột bàn tán, thiếu nữ im nghe mặt không lộ vẻ gì, tôi nói:
- Cô có lo không, chắc ông ấy ở Sài Gòn đang nóng ruột.
- Còn anh?
- Tôi, tôi quen rồi, nhiều khi tôi kẹt lại hàng tuần lễ vì những chuyện như thế này.
Thiếu nữ không trả lời vào câu hỏi, nàng thường có một cách thức riêng để thoát ra khỏi những câu chuyện, sự lẩn tránh làm cho nàng thêm linh động và bí ẩn. Tôi lấy ví tìm chiếc ngoáy tai nhưng không thấy, nhìn thấy cái nhẫn nhỏ, tôi cầm ra lồng vào ngón tay. Thiếu nữ nhìn vẻ thản nhiên. Tôi nói:
- Tôi sợ cô hiểu lầm.
- Hiểu lầm, tôi không hiểu ý anh.
- Tôi chỉ còn có một cái duy nhất.
- Anh có nhiều cái cất trong ví.
Tôi mở rộng ví, đưa về phía nàng:
- Thật tình tôi chỉ còn có một cái.
- Nhưng trước kia?
- Phải, trước kia tôi có nhiều.
- Để làm gì?
- Để tặng.
Cô gái nghiêm nét mặt. Nàng không nói tiếp mở cửa xe ngó xuống đường. Ngồi trong khi xe không chạy khiến tôi cũng khó chịu, tôi đứng lên xuống khỏi xe. Lúc sau tôi thấy thiếu nữ cũng xuống và đi thơ thẩn ven bờ ruộng vẻ thư thái.
Tôi dời mép ruộng ngắt lên một bông lúa non, mùi lúa thơm tươi dịu dàng, cánh đồng rộng mút mát, chỉ ở miền Nam này mới có thể có ruộng cò bay thẳng cánh. Thiếu nữ đến nơi, tôi nói:
- Ruộng đất của ai sao nhiều quá, hẳn phải giàu ghê lắm...
- Giàu, con gái nhà giàu cực lắm anh. Cha tôi cũng có nhiều ruộng như thế này.
- Tôi chỉ thấy nghèo là cực.
Thiếu nữ cúi xuống nhặt một viên đá ném vào ruộng lúa, một con chim nhỏ từ dưới bay vụt lên. Nàng nhìn theo với nụ cười.
- Hồi bấy giờ nhiều người theo tôi, nhiều người cậy mai mối tới xin cưới tôi... tôi thấy rõ họ tới vì nhà tôi giàu, và tôi kinh sợ... Người ta yêu ruộng, yêu tiền của...
Thiếu nữ ngừng lại, mặt như tối đi, đây là giây phút thứ nhất tôi nhận thấy một thoáng buồn trên mặt nàng. Hình như nàng thở dài sau câu nói. Đoàn xe vẫn nằm im tắt máy, nhiều người buồn chán ngồi xuống ven đường, có xe đã sang khách và quay đầu trở lại, nắng mỗi lúc một dịu xuống cùng với gió lộng trên cánh đồng, những ngọn lúa vàng từng lúc cúi rạp theo chiều gió với tiếng reo vui. Tôi thấy không thể chờ đợi tiếp, sau khi hỏi người tài xế, tôi lấy hành lý sang xe quay trở lại.
Thiếu nữ nói:
- Anh quay lại.
- Tôi không chờ được, tôi về thị trấn gần nhất nghỉ qua đêm chờ mai sớm cho khỏe, đằng nào cũng kẹt rồi.
- Anh cho tôi đi theo với.
Tôi ngạc nhiên, thấy tôi có vẻ ngần ngại, thiếu nữ nói:
- Có phiền cho anh không?
- Không, nếu cô thích.
Chúng tôi trở lại thị trấn nhỏ ở phía sau đó, khách sạn hết phòng khiến chúng tôi phải ở chung một phòng ngó xuống con sông rộng nước đục và nhiều ghe thuyền. Sau khi rửa mặt, thay quần áo chúng tôi khóa cửa phòng xuống thăm thị trấn nhỏ trước khi vào một quán ăn.
Trong lúc ăn, thiếu nữ nói:
- Chắc người ta tưởng tôi với anh là vợ chồng.
Tôi không nói im lặng ăn. Quán vắng nằm trên bờ sông, một phần được làm hẳn ra ngoài mặt nước, ghe thuyền qua lại không ngừng, dòng nước đục luôn luôn cuộn sóng. Thiếu nữ nhìn ra mặt sông với vẻ ưu tư:
- Chắc cô nghĩ tới quê nhà?
Nàng quay lại mỉm cười:
- Tôi nhớ lại lần tôi đã nhảy xuống dòng nước giống như thế.
Tôi ngạc nhiên:
- Cô đã tự tử?
Nàng gật đầu:
- Nhưng tôi biết tôi không thể chết, tôi phải có thái độ quyết liệt như vậy để lấy được người mình yêu.
- Cô đã thành công?
- Tất nhiên. Ngày cưới, cha tôi gọi tôi vào phòng riêng nói: con đã quyết định theo ý con, con không nghe theo ba, con hãy nhớ: sướng hay khổ con phải chịu lấy, con đừng trách ba đã không lo cho con. Tôi đã ôm lấy ba tôi mà khóc vì ba đã chiều theo tôi, tôi cũng nhủ thầm tôi sẽ có được hạnh phúc như tôi mong ước. Người yêu của tôi, tôi thấy là một người lý tưởng, một người mà tôi thầm ước. Tôi hài lòng...
Giọng thiếu nữ say mê như sống lại những ngày tháng cũ trong đời mình. Tôi nói:
- Yêu nhau, lấy nhau, tôi thấy người ta thường có hạnh phúc.
Thiếu nữ không nói tiếp ngó ra dòng sông, lúc sau nàng quay lại hỏi:
- Anh có biết trường V.H. không?
- Có, tôi cũng có mấy người bạn ở đó. Người yêu của cô dạy ở đó sao?
Nàng gật đầu:
- Tôi có đến trường một lần và đọc thấy hàng chữ: Lương Sư Hưng Quốc... Làm một người tốt, làm một người hữu dụng, ai cũng muốn thế, chắc anh cũng muốn thành một người tốt, một người chồng lý tưởng một công dân... phải thế không? Anh cũng từng nói với người yêu của anh như thế, nào là lý tưởng, nào là... Chồng của tôi cũng thế. Anh ấy nói đủ hết, và ngay trong đêm tân hôn anh ta hỏi tôi: ba má cho mình bao nhiêu tiền, mua xe hơi cho mình chưa, mình được bao nhiêu ruộng.
Thiếu nữ ngừng lại uống một miếng nước rồi nói tiếp:
- Lấy chồng, tôi đã tự quyết định, vì thế tôi đã từ khước mọi thứ mả ba má tôi cho, tôi nghĩ tiền bạc không cần cho tình yêu. Tôi nói lại với anh ấy. Anh ấy ngạc nhiên, có vẻ không tin và lập tức đi lục lọi hết tất cả, bới tung hết các va-li. Nào có gì đâu, tôi chỉ mang theo những quần áo thường có. Anh ta kêu lên, điên thật, như thế lấy tiền đâu chơi bài, lấy tiền đâu chơi cá ngựa... Anh hiểu chứ.
Thiếu nữ nhìn tôi, đôi mắt như hơi đỏ lên. Tôi lặng đi.
Sau bữa ăn thiếu nữ ra đứng ngoài lan can nhìn xuống dòng nước. Tôi đứng bên nói:
- Cô không có ý định tự tử chứ?
- Tôi đã nói với anh, yêu đời người ta mới tự tử được.
- Vậy cô còn lên Sài gòn làm gì?
- Tôi mang tiền bạc lên.
Tôi ngạc nhiên:
- Cô nghĩ tiền bạc sẽ mang lại hạnh phúc cho cô.
- Tôi đã về xin tiền ba má tôi, không phải thế, tôi cần tiền để nhờ luật sư xin ly dị...
Thiếu nữ mân mê cái nhẫn cưới nơi ngón tay, tôi mỉm cười:
- Cô vẫn còn thích cái nhẫn?
Tôi tháo chiếc nhẫn ra khỏi tay cất vào trong ví. Thiếu nữ hỏi:
- Sao vậy?
- Như vậy cho được yên tâm.
Tiếng Sáo Người Em Út Tiếng Sáo Người Em Út - Dương Nghiễm Mậu Tiếng Sáo Người Em Út