The man who does not read good books has no advantage over the man who can't read them.

Mark Twain, attributed

 
 
 
 
 
Tác giả: Đoàn Giỏi
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Dung Nguyen
Số chương: 5
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2828 / 38
Cập nhật: 2016-03-17 13:46:11 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chuyến Xe Thổ Mộ Ngày Giáp Tết
húng tôi mò vô xóm Hàng Keo thì nghe đồng hồ trong một tiệm chạp phô gõ ba tiếng. Đường vắng tanh vắng ngắt. Chưa có tiếng xe ngựa nào ra bến. Mọi năm, giấc nầy bạn hàng bông đã kìn kịt gánh dưa, gánh bầu ra chợ rồi. Tiếng mõ canh cộng sản ngoài "nhà việc" làng Thạch Phước chốc chốc lại nện cum... cum... vang âm trong sương dày mù mịt.
- May quá, họ dậy rồi kìa!
Dì Tám Dơn reo lên khe khẽ và khều tay tôi chỉ vào một ngôi nhà lờ mờ khuất sau những bụi duối um tùm. ánh lửa từ trong bếp hắt một vệt dài đỏ chạch ra sân, chao qua chao lại, chợt khuất hiện lên, bởi một người nào đó ngồi che lấp đang hơ tay hay loay hoay làm gì đấy bên cạnh cà ràng. Mùi phân ngựa và cỏ ải lẫn vào mùi khói rạ đun bếp bay ra, lan lan trong đêm lạnh trời tháng chạp, khiến cho tôi nghe nao lòng.
- Chờ họ bắt kế dắt xe ra đã, dì Tám!
- Vô đại đi. Đứng ngoài đường lâu, không tiện đâu con. Để tao vô trước, coi thử.
Dì quảy thúng bước vào sân. Chó hự mấy tiếng, chứ không sủa. Chó ở chợ gần đường cái, quen gặp nhiều người qua lại, ít khi sủa. Nghe tiếng đàn ông hỏi "Ai đó?" rồi tiếng dì Tám nói gì đó một lúc.
- Vô đây con. Ngồi chờ một lát mà! - Dì gióng tiếng gọi tôi.
Tôi ôm gói quần áo cũ, bọc trong tờ nhật trình Lục tỉnh Tân Văn, ren rén bước vào. Một người đàn ông khoảng ngoài năm mươi tuổi, tóc loăn xoăn, cao to vạm vỡ, khoác hờ chiếc áo bành- tô xám trên đôi vai rộng bè, đang ngồi dang chân trên mảnh đệm bàng cạnh bếp lửa, ngoái lại nhìn tôi.
- Dạ, chào bác! - Tôi cố lấy giọng vui vẻ, mở lời chào.
- Ờ. Ngồi xuống đây cho ấm, chú em!
Ông ta chỉ hơi lách vai lấy chỗ cho tôi bước vào, và quay lại vẫn giữ nguyên bộ điệu cũ, một tay đặt lên đầu gối, một tay cầm lá rượu, hất hàm ra hiệu cho tôi ngồi xuống góc đệm đối diện, trải trên nền đất.
- Siêu nước mắc dịch, nấu nãy giờ mà không sôi. Ờ chú em uống được rượu chớ? Làm với tôi một lá cho ấm bụng...
- Cháu nó không biết uống rượu đâu, ông! - Dì Tám Đơn ngồi chỗ góc chõng sau lưng tôi, đỡ lời. Rồi dì vừa tiếp tục nhai trầu vừa khẩn khoản
- Ông làm ơn giúp cháu. Nó bao nguyên cỗ xe. Dọc đường, có thêm khách, nó cũng xin trả đủ tiền nguyên chuyến mà.
- Tôi đã nói với chị là bữa nay tôi mắc, không đi mà! Nè chú em, mần với tôi một lá đi. Sao? Không biết uống rượu à? Vậy chắc chú không phải người vùng này?
- Cháu ở trong Lung Tràm...
- Dân Lung Tràm mà không biết uống, lạ thiệt! Cũng lạ!
Dù nói vậy, ông cũng cầm chai rót khoảng nửa lá, đặt trước tôi. Rồi ông khom người tới trước, cắm cúi xé từng miếng cá khô sặc rằn nướng, nhai nhóc nhách. Đôi mắt to, núp dưới cặp chân mày rậm đen, thỉnh thoảng lại liếc ngược lên rất nhanh, nhìn tôi. Tròng mắt trắng dã bắt lấy ánh lửa, đỏ ngời ngời. Tôi móc gói thuốc giồng ra, quấn một điếu, châm lửa hút. Qua làn khói thuốc trắng mỏng chờn vờn uốn lượn trước mắt, tôi không bỏ sót một động tác nào của ông ta và cố đoán xem ông ta là hông người gì: Tốt hay xấu? ông ta vẫn lặng lẽ nhai, hàm răng rất chắc, nhai cá khô cả kỳ, cả vẩy, cả xương, gau gáu, không bỏ miếng nào. Bộ ria ngạnh trê còn đen nhánh, to và rậm như củ ấu nhếch nhếch. một dòng chữ gì xanh lè, xăm trước ngực, lấp ló trong chiếc áo thun lá, không trông rõ. Không hiểu sao, mắt tôi cứ bị con dao gác trên đĩa cuốn hút, như kim gặp đá nam châm. Chiếc đĩa sành, trong đặt hai quả xoài xanh, mấy trái ớt sừng trâu đỏ chót và có một quả chanh đã chín vàng. Dường như ông bày chơi cho ngon mắt, chứ không đụng đến. Duy có con dao, con dao xếp hiệu "Con chó" mở lưỡi, ánh thép xanh lè dài gần hai tấc như cái boa- nha được mài sắc đến cạo râu được là vật làm cho tôi lo nhất.
- Chú em có giấy thuế thân chớ? - Ông ta bỗng ngước lên, hỏi thình lình, mắt chăm chăm nhìn vào tôi.
- Dạ, có chớ bác! - Tôi vừa đáp vừa cười cười, tay lần túi toan lấy "lá bùa hộ mông" ra.
- Ờ, vậy là tốt. Đôn rày "nhộn" lắm, đi đâu phải nhớ thủ theo mình.
Có giấy thuế thân trong người, nhưng nghe ông ta nói vậy, tôi vẫn phập phồng. May mà tôi còn giữ nó. Hôm khởi nghĩa cướp chính quyền xã lúc tập trung nai nịt, dáo mác, tôi bỏ giấy ở nhà, đem theo làm gì. Đến khi anh em gom lại đốt một đống to tướng, tôi chẳng có nó trong mình nên mới còn. Rồi khởi nghĩa bị đàn áp khốc liệt, bọn Pháp Huy động cả xe bọc sắt, đại bác, máy bay, tàu chiến và bọn lê dương, mật thám, hội tề tận các xã ấp ngày đêm khủng bố truá lùng. Tôi và anh Thụ ẩn trong bưng hơn tháng. Nhịn đói, nhịn khát, nước phèn vừa chua vừa mặn, hớp vào, chốc lại nôn ra. Sau cùng thấy không chịu nổi nữa. Thụ bàn: "Hay là để mò về giết một con chó, lấy máu bôi vào cổ mình, báo là mình đã tự vận khiêng về. Làm đám ma giả.
Rồi tụi mình trốn đi sau, lấy tên họ khác. Cho chúng nó không theo dõi nữa". Tôi gạt ngay: "Tự vận, trước hết nó cho cộng sản là hèn nhát, hơn nữa, dù sao mình cũng trốn thì trốn luôn. Cần phải làm vậy chi cho mất tiếng!". Thụ và tôi chia tay, người một ngả. Không biết còn ngày gặp nhau nữa không. Trốn thoát cái đã. Biết rằng ngày mai trời lại sáng. Nhưng trước mắt, chân trời đang ùn ùn kéo lên, phủ đầy mây đen giông tố. Tôi về làng ban đêm. Nhà bị đốt rồi. Má tôi che một cái chòi náu trong vườn chuối. Thấy tôi về, bà mừng và khóc:
- Con trốn đi thôi, con vợ mày tuốt lên Chợ Lớn rồi. Nó có tham gia biểu tình, hội tề lùng dữ lắm. Còn con, ở đây thế nào làng lính cũng giết!
Nhà còn con heo. Má tôi khóc, nói: "Làng mua cúng đình đấy. Tao không bán. Heo tuyền sắc hơn năm mươi ký, mà họ trả có mười hai đồng. Để má làm thịt cho con ăn rồi đi. Má chẳng có tiền bạc gì để lại cho con". Tôi buồn lắm, chỉ ăn có vài miếng gan luộc. Bụng dạ nào mà ăn nữa. Chỉ có thằng Ba Hành hớt tóc và dì Tám Đơn là hai người láng giềng tin cẩn nhất, sang phụ giúp làm heo. Nó chạy về nhà lấy dao kéo, tông đơ qua cạo râu, hớt tóc cho tôi. Râu tóc tôi mọc dài thượt, mật thám làng lính thấy biết ngay tôi là thằng trốn trong bưng mới mò ra. Chuyện quan trọng vậy mà tôi quên lững.
- Cúp kiểu nào đây, chú Tư? Gáo dừa ma- ninh phật hay bom- bê chấn bát lưỡi câu?
Nó bô lô ba la, vừa cười vừa nén giọng kể cho tôi nghe chuyện làng lính bắt nó đi ruồng cộng sản. "Cộng sản đây rồi. Vô bưng kiếm chi cho mất công! Đéo hỏa, thằng nào cũng hùng hùng hổ hổ, gặp lùm bụi cứ đẩy tụi này đi trước. Nó sợ mấy chú phóng tên sắt ra mà. Hò hét rum, chớ nó sợ thọt dái lên cổ!". Ba Hành là một cậu trai mới lớn, làm thợ hớt tóc vườn. Mồm miệng nó như tép lặn tép lội. Chuyện gì nó cũng cười đùa được. Nhờ vậy, tôi thấy có phần nào nguôi ngoai. Một giờ khuya, tôi đi. Trong túi còn bốn đồng rưỡi bạc, má tôi móc hết trao cho tôi.
- Chị đừng lo, chừng nào tôi chết, thằng Tư mới chết! - Dì Tám Đơn chỉ nói có vậy với má tôi, rồi giục tôi lên đường.
Chúng tôi tránh xa các trạm canh, không dám men gần xóm, sợ chó sủa. Dì quảy giống như bạn hàng bông, đi trước tôi khoảng mươi thước. Tôi lò dò theo sau, có động thì dì báo hiệu bằng tiếng tằng hắng. Hễ đi nhanh, gần quá thì tôi lùi lại, xa quá thì tôi vụt lên. Sương xuống trắng đồng cùng với hơi nước dưới kênh mương, hơi đất ruộng chưa khô bốc lên mù mịt. Lần dò trong sương, đi như vậy hơn tám cây số, lúc nào cũng giữ khoảng cách vừa trông rõ dông nhau. Bây giờ thì tôi đã sang địa giới một làng, huyện khác rồi. Chuyện vừa mới chiều hôm qua, vừa mới trong đêm sao tôi có cảm giác như xa lắc xa lơ. Duy chỉ có dì Tám Đơn còn ngồi đây, trong gian bếp của ông già đánh xe ngựa khó hiểu này, nhắc nhở tôi phải cảnh giác, chuẩn bị đối phó với những tình huống nguy hiểm mới, biết đâu chẳng xảy ra từ giờ phút này.
- Chú đi đâu... mà gấp vậy? Đợi lát nữa trời sáng ra bến... xe lôi, xe ngựa khác thiếu gì?
- Dạ... cũng có chuyện... gấp.
- Con vợ nó mần mướn cho người ta. Bệnh nặng lắm đang nằm dưới nhà thương thí. Nghe nhắn, không biết đến có kịp thấy mặt không! - Dì Tám Đơn nói xong, thở ra một hơi dài đánh thượt.
- Ai mà khỏi chết? Sống chết đều có số mông. Nhưng tôi nghĩ sống chết... ờ, sống hay chết cũng do mình! - Ông nhếch ria, dưới chòm ria đen nhánh lấp ló một nụ cười hết sức lạ lùng.
Ngựa dậm chân ngoài tàu lộp cộp, hí ran. Siêu nước cũng vừa sôi. ông lặng lẽ lấy bình, lấy tách pha trà, mời dì Tám Đơn và tôi uống một tách trà cho nó tỉnh.
- Thôi, bà con cứ ngồi đây nghỉ... Để tôi coi lại coi!
Ông với tay lấy con dao "Con chó" gấp lại. Nghe một tiếng rắc khô và lạnh sắc trong lòng bàn tay to lớn. Rồi ông đứng dậy, khoác áo bành tô lùi lũi bước ra, khuất mất trong tối. Tự nhiên, dì Tám Đơn và tôi cùng đưa mắt nhìn nhau. Thật, tiến thoái lưỡng nan. ở hay đi? Bỏ đi bây giờ chẳng khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Mà chắc gì đã thoát. Còn ở thì sao? Ngồi chờ làng lính tới bắt à? Mà chắc gì ổng đi báo? Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, tới đâu hay đó.
Tùy diễn biến cụ thể, sẽ liệu cách ứng phó. Tôi bước ra sân, tập trung hết nhỡn lực nhìn qua làn sương dày, lục lọi tìm xem có khúc cây hay vật gì bén nhọn, lúc khốn cùng, có thể dùng làm khí giới hộ thân không? Có lối nào chạy thoát ra vườn, ra đồng được không? Bóng hai người nào thấp thoáng đi vào ngõ. Họ vừa đi vừa nói chuyện thì thầm. Tôi nép vào đứng bên bụi dứa. à, ông già đã về đây.
- Sao? "Mối bự" lắm sao bác Hai? - Người kia dừng lại, hỏi.
- Ờ. Kiếm chút đỉnh tiền ăn Tết! Nhớ vậy, nghe mày!
Tôi đứng im lặng không nhúc nhích. Hai lỗ tai tôi lùng bùng. "Mối bự" hay "mồi bự"? ông già muốn nói gì đây? Báo bắt tôi để lãnh thưởng chăng? Người kia đã bỏ đi.
- Làm gì đứng đó, chú em? - Vừa bước vô sân, ông đã nhận được ngay ra tôi trong bóng tối.
- Dạ, đi tiểu. Bác đi đâu về đó, bác?
- Ờ... hồi chỗ đám cưới. Chịu mối người ta rồi, bây giờ mình không đi, phải hồi. Để người ta kiếm xe khác chớ!
- Mình đi liền bây giờ được chớ, bác?
- Ờ đi được. Mà giác này... còn khuya quá...
Ông vô nhà xách đèn lồng, ra tàu lấy thóc cho ngựa ăn. Hai con ngựa thấy chủ, phe phảy đuôi hí ran. Ngựa kéo xe mà đẹp như ngựa đua. Một con ô, một con kim. Quả là hai con ngựa đẹp. Con nào cũng to lớn, mảnh dẻ, bờm dày, đầu bé, sống lưng hơi lõm xuống, móng to khỏe. Thật là những con ngựa dùng để kéo, đảm đương công việc chuyên chở nặng nề trên đường, ngoài đồng áng tốt quá.
- Bác có hai con ngựa "chiếng" quá. Phần nhiều ngựa kéo xe của người ta là ngựa xá xíu, ốm giơ xương, mình dài lại thấp, lưng thì sệ phía sau...
- Chú cũng khoái ngựa à? Chắc có đánh xe? - Mặt ông già rông rỡ hẳn lên.
- Dạ hồi nhỏ cũng có chập chũm...
- Ờ...!
Ông thở ra một hơi dài, rồi đột nhiên mặt tối sầm lại, mắt đăm chiêu, lặng lẽ lấy bàn chải chải lông cho từng con một, lấy cám quậy cho ngựa uống, lầm lì cho tới lúc dắt một con ra chuồng bắt kế xong, tuyệt nhiên không nói tiếng gì nữa.
- Vái trời cho... cho con vợ con... nạn khỏi tai qua!
Dì Tám Đơn rơm rớm nước mắt móc túi lấy tờ giấy "ngẫu" giúi vào túi tôi: "Dì chỉ còn có bao nhiêu đó!". Tôi từ chối thế nào cũng không được. si, dì Tám Đơn và má tôi, hai bà già nông dân nghèo suốt đời còm cõi, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, đã vét cả "gia tài" đến đồng xu cuối cùng, đưa tôi lên đường bôn tẩu. Ngựa gõ móng lốc cốc, xe từ từ lăn bánh. Bóng dì Tám Đơn sững sờ như bức tượng đá nhạt nhòa, biến mất vào sương. Sương từ trên những cây còng cây tre gie ra đường rơi lộp độp trên nóc xe lợp thiếc hình vòm mui huyện, rỏ xuống hắt vào cổ tôi lạnh buốt.
- Sắp tới "nhà việc" rồi!
Ông nghiêng người với tay vặn cho đèn xe sáng to lên. Rồi chọc cán roi ngựa vào căm xe gỗ khua vang lách cách, báo hiệu xin đường. Tôi ngồi thụt vào trong giữa xe. Trong "nhà việc" một ánh đèn pin phóng ra luồng sáng bạc quét qua quét lại, chắn trước đầu xe.
- Xe ai đó? Đi đâu mà sớm vậy? - Một giọng ngái ngủ quát lên.
- Ông nội tụi mày đây! Hai Thìn đây! - Ông lão cũng quát lại, tay vẫn thúc cương cho ngựa bon đều.
- Trời, đi đâu sớm vậy bác Hai? Chắc lên rẫy dưa thăm bà nhỏ! Mà... Ai ngồi trong xe vậy, bác?
- Bạn hàng lên cắt dưa. Cháu tao.
- Chiều về cho tụi con vài trái, nghen bác.
- Ờ. Mà nè, tụi bây ăn "trái... dứng" không?
- Ông già mắc dịch!
Xe qua khỏi trạm canh "nhà việc". Ông cặp cương vào đùi, móc gói thuốc "Bao xanh" ra, bật lửa đốt một điếu và mời tôi. Tôi cám ơn, nói mình có thuốc đây và cũng lấy gói thuốc giồng ra, quấn hút. Sương vẫn rơi lộp bộp trên mui. Tiếng nhạc ngựa ron reng và vó ngựa vẫn băm đều. Chạy chừng vài cây số, qua cánh đồng trống ngang bãi tha ma, tới một chòm cây dầu, đột nhiên xe bỏ đường cái rẽ ngang, đỗ lại. ông nhảy xuống xe, buộc cương, tằng hắng lớn mấy tiếng:
- Nghỉ lại đây một chốc.
- Ngựa làm sao vậy bác? - Tôi cũng nhảy xuống xe, hỏi.
- Ờ không có gì. Chú chờ đây chốc nghe.
Ông thò tay nhấc một cuộn dây luộc to cỡ ngón chân cái máng bên hông xe. Rồi xăm đi hút vào chòm dầu. Ông già này cũng lạ. ông làm gì vậy? Nếu bắt mình thì qua ngang "nhà việc" ông đã la lên rồi. Mình có thù oán gì ổng đâu mà ổng đưa mình ra đây giết mình? Mặc kệ, tới đâu hay tới đó. Hơi đâu mà nghĩ ngợi cho rối... Dù nghĩ vậy, tôi cũng nhè nhẹ bước theo, coi ổng làm gì. Trời vừa đâm mây ngang. Chỉ thấy sương trắng là bay trên cánh đồng mông quạnh. Cây cối, bụi lùm mọc lúp xúp. Không có nhà cửa ai. Tôi ngồi thụp xuống đất quan sát. A, kia rồi. Trong kia có một mái chòi rơm thấp thoáng bên bờ ruộng. Một bóng người trong chòi chui ra, vác một đoạn tre dài cỡ khúc roi trường. Bóng ông già cúi cúi, khom khom lần tìm, hay đào bới gì. Đã trông rõ người kia là đàn bà. à, họ đang cắt dưa. Tôi thở phào, nhẹ nhõm. Chốc sau, hai người khệ nệ khiêng hai giỏ cần xé dưa hấu, được buộc bằng sợi dây luộc ban nãy, xâu vào một đoạn tầm vông...
- Chú tên gì, thứ mấy, ở làng nào? - Khi xe còn cách đồn Cây Me chừng một cây số, ông quay lại cười, hỏi tôi.
- Dạ, cháu thứ Tư, tên Tích, ở Thạch Phú.
- Đúng như trong giấy thuế thân chứ?
- Dạ đúng. Giấy của cháu thiệt mà.
- Ờ hỏi vậy để có gì nói cho ăn khớp. Sao không kiếm một cái giấy khác có phải tiện hơn không!
Trời đã sáng, tỏ mặt người. Xe đạp kính coong. Xe lôi bóp kèn te te, tét tét, xe bò lụp cụp lạch cạch ngược hướng chúng tôi mỗi lúc một nhiều. Đồn Cây Me có thằng Đội Quờn ác khét tiếng. Nguy hiểm nhất là cái ải này. ông gò cương cho ngựa đi chậm từng bước một: "Chờ trời thiệt sáng đã...". ánh sáng sớm nhấp nháy xua lá cờ tam sắc bay bay trên nóc đồng. Chiếc thổ mộ bỗng ngoặt ngang, chạy thẳng vào cổng.
- Trời ơi, bác Hai!
- Đừng lo, nó đi Sài Gòn chưa về. Nói mày là em bạn dì với tao, nghe không?
- Xe bác Hai đó hả, đi đâu mà sớm vậy, bác? - Một thằng lính chạy ra hỏi.
- Ờ, có thầy đội ở nhà không? - ông gò cương nhảy xuống.
- Ổng đi Sài Gòn chiều hôm qua. Chuyện gì vậy bác?
- Đâu có chuyện gì. Sẵn đi chợ ghé biếu dì Ba nó, vài cặp dưa nhất. Tết chưng bàn thờ chơi.
Dì Ba, vợ bé Đội Quờn là chị em bạn dì với vợ bé ông, người đàn bà giúp ông cắt dưa, khiêng từ rẫy dưa ra ban nãy. Còn con mẹ này, coi bộ cũng hiền, nhưng mở miệng ra là khoe của. Trong buồng nó treo năm sáu cái đồng hồ chuông Vét- manh- te chắc là chồng nó đi ruồng bố, đốt nhà, cướp giật của ai về. Tay nó đeo vàng có khúc. Nó cứ cầm "ông anh rể" nó và tôi ở lại chơi, lại sai lính chạy ra quán mua cà- phê, hủ tiếu về đãi. Bụng tôi nóng như lửa đốt. Bọn lính trong đồn toàn là lính mới đổi về, tôi không sợ, ngại nhất là thằng đội Quờn. Biết đâu, nó có thể biết tên tuổi tôi. Biết đâu, nó chẳng về bất thình lình. Mấy lần tôi nháy mắt ra hiệu giục ông lão đi, nhưng ông cứ gật gù, điềm nhiên như không. Khoảng tám giờ, nghe con nít vỗ tay reo ngoài cổng: "A, đám cưới! A, đám cưới!" Bấy giờ, ông già mới đứng dậy từ giã. Con vợ bé thằng xếp đồn nhét vào túi chúng tôi, mỗi người một gói thuốc lá "Bao xanh". Nhân có người vào mang tới biếu xếp một cành mai, nó tiện tay biếu lại luôn cho "ông anh rể".
- Còn qua một ải dữ nữa. Mà không sợ!
Ông cười cười dắt xe ra trước đồn, chờ đám cưới tới. Một đoàn xe mười lăm chiếc thổ mộ, treo tòng kết tuội đỏ đỏ, xanh xanh, nối nhau lách cách leng keng vó ngựa phi rầm rập phóng qua.
- Sao bữa nay không đi, anh Hai?
- Ghé đám cưới nhậu với tụi tôi chơi!
Anh em phu đánh xe người nào chạy qua thấy ông già cũng gọi, cũng vẫy chào. Chú rể đi đón dâu, mặc áo thụng xanh ngồi xe đầu, vẫy vẫy ông lão, chỉ trỏ con ngựa kim của ông, ra bộ lấy làm tiếc về cái sự vắng mặt chiếc xe "chiếng" và con ngựa "bảnh" này lắm. Chiếc xe thổ mộ sau cùng chạy qua. Xe chở nặng gần muốn xệ bàn đạp.
- Thằng Bảy mày ghé lại, tao cho quá giang vài người! - Ông phẩy tay, gọi anh đánh xe.
Hai người mặc áo dài khăn đóng bước sang xe chúng tôi. Coi bộ "oách", mặt nghênh nghênh, có vẻ là hương chức hội tề. Tôi thụt vào trong, nhường chỗ cho họ ngồi ngoài. Đi xe thổ mộ, một là ngồi trước ngang người đánh xe, hai là ngồi sau, chân co chân thòng, lắc lắc đưa đưa, tha hồ ngắm nhìn phong cảnh, ai mà chẳng khoái. Vừa thoát khỏi cái nạn bị dồn chật như nêm cá mòi, lại được chỗ ngồi thoải mái, hai lão nói cười vui vẻ không ngớt lời cảm ơn tôi. Đâu biết vô tình họ lại là tấm lá chắn hết sức vững vàng cho một người mà bọn chúng đang ra sức truá lùng. Nửa giờ sau, đoàn thổ mộ chở đám rước dâu lộp cộp, lách cách rón rén chạy qua đồn Cầu Sắt, trước khi vào thành phố. Bọn lính trong đồn chạy ra đứng vàng chóe hai bên đường, cười đùa, nói tục tĩu, vỗ tay la hoan hô đám cưới vang dậy.... Tôi chia tay bác Hai Thìn chỗ một quãng thưa người, gần "cầu bắc". Chẳng những bác dứt khoát không lấy tiền chuyến xe bao mà còn tặng tôi cặp dưa, luôn cả cành mai vàng, bảo tôi chịu khó ôm đi đường cho "giống người đi sắm Tết".
Tôi đi chừng mươi bước bỗng nghe có tiếng chân chạy đuổi theo. ông già đánh xe ngựa mới quen biết lần đầu ấy, níu tay tôi rồi run run trao vào tay tôi con dao xếp:
- Chú cầm lấy mà đi đường... ít ra cũng để xe dưa, gọt xoài ăn chớ.
- Sẽ còn có ngày tôi gặp lại bác. Hết sức cám ơn bác...
- Tôi lắp bắp nói, cố nén xúc động.
- Chú đi bình an nhé! Hễ "anh em" còn sống là còn gặp nhau. Dù có chết, ít nhất cũng còn gặp lại nhau bên nấm mồ.
Bác cười hề hề, mắt nheo nheo ngó tôi. Cho đến bây giờ tôi mới nghe ông già cười thành tiếng. Nụ cười trông chất phác hiền lành như nụ cười ngây thơ của con trẻ, khác hẳn với đôi mắt long lanh và cặp chân mày rậm đen, biểu lộ một ý chí cương quyết dữ dội và dòng chữ xanh lè: "Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục" xăm giữa ngực ẩn ẩn hiện hiện sau lần vải áo lót mình trong hai ve áo bành- tô xám bạc kia.
- Chúc bác về bình yên!
- Ờ chú đi. Cho vạn sự lành! Bác Hai Thìn đi mấy bước, vụt ngoái lại vẫy vẫy: "Trường đồ tri mã lực nghe chú".
Cuối tháng 12/1977
Tiếng Gọi Ngàn Tiếng Gọi Ngàn - Đoàn Giỏi Tiếng Gọi Ngàn