Love is always bestowed as a gift – freely, willingly and without expectation. We don’t love to be loved; we love to love.

Leo Buscaglia

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Sắc
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hân Vũ/huy Hoàng
Biên tập: Nguyen
Upload bìa: Long Le
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 187 / 2
Cập nhật: 2020-05-12 23:58:32 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7: Xúc Xắc Ngà
Năm 422, đô thành Kiến Khang.
Lưu Dụ khó khăn lắm mới mở được mắt, đôi mắt hoa lên khiến ông ta mất một lúc lâu mới nhìn rõ mình hiện đang ở trong tẩm cung, chứ không phải giữa đám loạn quân trong cơn ác mộng.
Là hoàng đế khai quốc của triều Lưu Tống Nam Triều, Lưu Dụ đã ngoài sáu mươi tuổi, nổi tiếng vì tiết kiệm, không thích yến ẩm du ngoạn, cũng không trang trí cho cung điện ngựa xe của mình, tất cả gấm vóc vàng bạc đều đưa về kho tàng cả. Tẩm cung của ông, trên tường chỉ treo bức trướng bằng vải thô, đèn lồng bằng vải sợi và cây phất trần làm từ dây gai, trông giống như nhà dân bình thường, chẳng qua là phòng rộng hơn nhiều lần thôi.
Giờ đây Lưu Dụ cảm thấy tẩm cung như vậy quá trống trải, đến việc gọi người hầu cũng khó khăn.
Gọi một lúc, cổ họng ông khô rát không nói được tiếng nào nữa. Lưu Dụ muốn cáu mà không có sức để cáu, mà trước lúc ngủ ông ta đuổi hết thái giám cung nữ hầu hạ ra ngoài rồi, giờ còn biết trách ai?
Có lẽ, thời giờ của ông đã sắp hết rồi?
Lưu Dụ thở dốc, nhắm mắt lại.
Có lẽ ai khi sắp rời khỏi thế giới này, trong đầu cũng sẽ hiện ra những việc diễn ra trước kia trong cuộc đời, ông cũng không ngoại lệ.
Khi ông mới đến cõi đời này, mẹ ông đã mất vì khó đẻ. Ông sinh ra đã khắc mẹ, bị thầy bói nói là cao số, Lưu Kiều cha ông thậm chí còn định chôn sống ông. May mà Lưu Vạn chú ông thấy ông đáng thương, mới đưa về nhà, người thím nuôi nấng ông đến lớn, ông cũng có tên hồi bé, gọi là Ký Nô.
Ký Nô Ký Nô, chỉ là một tên nô bộc được gửi nuôi, ai ngờ được một tên nô bộc như thế, mà giờ đây trở thành hoàng đế đứng trên muôn người?
Lưu Dụ chầm chậm mở đôi mắt đã mờ đục, cố gắng nắm chặt tay phải. Trong lòng bàn tay của ông, là con xúc xắc đã theo ông nhiều năm.
Sau khi trưởng thành, cuộc sống của ông càng khó khăn, lại còn phải nuôi hai đứa em, cuộc sống quẫn bách khiến ông ham mê cờ bạc, con xúc xắc này ông tìm được ở một tiệm đồ cổ, lại đảm bảo cho ông hễ đánh là thắng! Một lần thua duy nhất là thua một tay cường hào ở địa phương, cũng là do trúng phải kế của người khác, nhưng ông cũng nhớ lại lời gã chủ tiệm đồ cổ nói lúc mua con xúc xắc này.
"Cuộc đời chính là một canh bạc, anh có muốn chơi không?"
Lưu Dụ run run đưa tay lên, viên xúc xắc được đưa ra trước mắt.
Đây là một viên xúc xắc bằng ngà voi, đã bắt đầu ngả màu vàng, bóng loáng lên. Trên mặt xúc xắc còn có từng vệt dài như sợi tóc, đó là vân ngà có trên đồ làm bằng ngà voi, thớ vân ngà dài, có thể đoán rằng viên xúc xắc này khá lâu năm rồi. Viên xúc xắc này là xúc xắc sáu mặt, hình lập phương, mỗi mặt có số lỗ từ một đến sáu, hai mặt "đối nhau cộng lại đều bằng bảy.
Lưu Dụ say sưa ngắm nhìn viên xúc xắc trong tay, dường như cả linh hồn ông đều đang quỳ dưới con xúc xắc ấy.
Cả đời Lưu Dụ chinh chiến, từ ngày tham gia khởi nghĩa vào năm Long An thứ ba, bên trong thì dẹp yên chiến loạn, tiêu diệt những thế lực cát cứ, khiến cho phương Nam kết thúc cuộc biến loạn kéo dài hơn trăm năm, quy về một mối; bên ngoài thì dồn sức Bắc phạt, thôn tính các nước Hoàn Sở, Tây Thục, Nam Yên, Hậu Tần... Nhưng không ai biết, những chiến công hiển hách ấy, thực ra phần lớn quyết sách quan trọng đều nhờ vào con xúc xắc này.
Mỗi khi không thể quyết định được, Lưu Dụ đều ném xúc xắc trong tay, dùng điểm số trên xúc xắc để đưa ra quyết sách. Hơn ba mươi năm nay, không có ngoại lệ.
Đúng vậy, từ sau vụ thua bạc thảm hại ấy, ông đã sửa chữa lỗi lầm. Cứ đánh bạc là thắng, vậy thì mỗi một ngã rẽ trong cuộc đời, mỗi một quyết định được đưa ra, chẳng phải đều là đánh bạc sao?
Không sai, đó mới là chân lý mà gã chủ tiệm nói! Cuộc đời chính là một canh bạc! Ông ta dùng con xúc xắc này, để trở thành con bạc lớn nhất, thành công nhất. Ông ta giành được cả thiên hạ!
Lưu Dụ cười không ra tiếng, ý thức bắt đầu mất dần. Không! Không thể được! Thái tử Lưu Nghĩa Phù vẫn còn nhỏ! Còn chưa thể trấn áp được triều thần!
Lưu Dụ cố gắng ngồi dậy, con xúc xắc trượt khỏi tay rơi xuống đất, lăn đi lốc cốc.
Thái giám đứng ngoài nghe thấy tiếng động, vội đẩy cửa vào, thì lập tức kinh sợ thất sắc.
"Bệ hạ!"
Không lâu sau, trong hoàng cung vang lên tiếng chuông Lục Cung, Nam Triều Tống Vũ đế Lưu Dụ băng hà.
2
Lưu Dụ lặng lẽ đứng trong một góc tẩm cung, nhìn thi thể của mình được khoác lên bộ áo mũ hoàng đế đã được chuẩn bị sẵn.
Những kẻ ra người vào trên mặt đầy ưu tư, các đại thần quỳ rạp xuống đất dập đầu khóc lóc, mấy đứa con trai của ông chạy đến bên giường nước mắt lã chã.
Ông... chết rồi sao?
Lưu Dụ là người theo chủ nghĩa vô thần, nhưng ngay tại lúc này, không thể không tin chuyện hồn ma luân hồi như luận điệu của đám nhà sư đạo sĩ.
Bâygiờ ông là ma sao? Có phải lát nữa sẽ có Hắc Bạch Vô Thường đến lôi hồn ông xuống địa phủ không? Nghĩ thôi cũng biết, kẻ trực tiếp hoặc gián tiếp chết dưới tay ông nhiều vô số kể, cho dù ông là hoàng đế cũng chẳng thể lên cõi Tây phương cực lạc được.
Lưu Dụ lại thấy tâm trạng rất thoải mái, bởi ông cảm nhận được một sự giải thoát. Giờ đây ông không còn cảm giác bị cơ thể già cỗi giam cầm nữa, cơ thể đã nhẹ nhàng hơn hẳn, mắt nhìn đã rõ hơn hẳn. À, ông còn nhìn thấy ở một góc xa xa, con xúc xắc ngà voi của ông nằm yên trên đất, có lẽ là những người đi ra đi vào vô tình đá nó ra đó, không ai để ý đến nó nữa.
Nhìn một hồi, Lưu Dụ không nỡ để con xúc xắc yêu quý của mình bị vứt lăn lóc một chỗ như thế, ông bước tới, tuy biết rằng hồn ma không thể chạm được vào vật thể, nhưng vẫn cúi người xuống.
Trong khoảnh khắc ngón tay chạm vào con xúc xắc ngà, Lưu Dụ giật mình, rồi cầm con xúc xắc kẹp trên ngón tay.
Thật kỳ lạ, chẳng phải linh hồn đều là hư ảnh, không thể tiếp xúc với đồ vật sao? Lưu Dụ cúi đầu nhìn lại mình, đầu tiên là thấy đôi tay dài trắng.
Đây là ông? Lưu Dụ lặng người nhìn đôi cánh tay trẻ trung của mình, cánh tay tràn đầy sức sống dưới ánh nắng mặt trời.
Không phải hồn ma thì sợ ánh nắng chiếu vào sao?
Lưu Dụ liền đi thẳng ra khỏi tẩm cung, cả người như ngập trong ánh nắng, cảm nhận sự ấm áp nơi ánh dương chiếu tới, thư thái đến mức muốn cảm thán đôi câu.
"Ngươi là ai? Tại sao lại ở đây?"
Một giọng nói lúc thì thô ráp lúc thì lanh lảnh, đặc trưng của thời kỳ vỡ tiếng cất lên. Lưu Dụ quay đầu nhìn, thì nhận ra người đi tới là Lưu Nghĩa Long, đứa con trai thứ ba của ông.
Tuy tuổi ông đã sắp tròn hoa giáp, nhưng các con trai thì đều còn rất trẻ. Thời tráng niên Lưu Dụ đi chinh chiến khắp nơi, đến khi tương đối yên ổn rồi mới quan tâm tới vấn đề người nối dõi. Vì vậy con trai lớn nhất của ông là thái tử Lưu Nghĩa Phù cũng mới mười bảy tuổi, đó chính là nguyên nhân vì sao trước khi chết Lưu Dụ không yên tâm.
Còn Lưu Nghĩa Long đang đứng trước mặt ông hiện nay, thì chỉ nhỏ hơn anh trai mình một tuổi, mới tròn mười sáu. Đôi mắt thiếu niên đã khóc đến sưng đỏ, Lưu Dụ vẫn còn lờ mờ nhớ rằng đứa con thứ ba của mình sức khỏe không tốt lắm, chắc là ra ngoài cho thoáng. Nghĩ đến đó, trên gương mặt liền nở một nụ cười hiền từ, điều này là rất hiếm hoi đối với một người tính tình nóng nảy như Lưu Dụ.
Lưu Nghĩa Long thì lại cảm thấy nụ cười này cực kỳ nhức mắt, tiếp tục nghiêm giọng nói: "Ngươi là tiểu thái giám ở đâu? Vì sao lại ngây người ra ở đây?"
Tiểu thái giám? Lưu Dụ sững người, lập tức nhớ ra vấn đề nằm ở đâu.
Ông ta đã chết! Là ma rồi! Vì sao vẫn có người nhìn thấy?
Lưu Dụ bất giác cúi đầu nhìn xuống, lúc này ông đang đứng bên hồ sen phía sau tẩm cung, trên mặt nước biếc gợn sóng dập dờn, ông nhìn thấy một thiếu niên.
Dung mạo này, hình như rất quen thuộc.
Đó chính là ông hồi mười bốn tuổi.
Lưu Nghĩa Long nhíu chặt mày, nhìn chằm chằm vào cậu thiếu niên kỳ lạ.
Trông kỳ lạ, không phải vì chiếc áo vải thô của ông đang mặc. Lưu Dụ rất tiết kiệm, đường đường là hoàng cung của một nước mà ông làm cho không khác gì một cái nhà dưới quê, chứ đừng nói đến đám bề tôi. Lưu Nghĩa Long vẫn nhớ trước khi cậu rời khỏi đô thành để nhận đất phong Kinh Châu, hàng ngày cùng các anh em đến thỉnh an phụ hoàng, đều chỉ được mặc trang phục thường, không ai dám mặc lễ phục trang trọng.
Đến tận bây giờ, Lưu Nghĩa Long vẫn rất chú ý phép tắc, trang phục trên người hết sức bình thường, không ai tìm được chỗ nào đặc biệt cả. Vậy nên cậu thiếu niên kia cho dù ăn mặc quá đỗi giản dị, thì Lưu Nghĩa Long cũng hoàn toàn không cảm thấy có gì không ổn.
Kỳ lạ là ở chỗ, tướng mạo của cậu thiếu niên kia.
Lưu Nghĩa Long ít khi soi gương, nhưng cậu có hai anh trai và bốn em trai, cậu thiếu niên này khoảng tầm tuổi tứ đệ Lưu Nghĩa Khang của cậu, tướng mạo cũng giống đến năm, sáu phần. Nếu không phải vì cậu chắc chắn tứ đệ mình đang ở bên giường phụ hoàng, thì có khi cậu đã nghĩ rằng thiếu niên trước mặt mình là tứ đệ mặc bộ đồ khác.
Nên sau khi nhìn rõ tướng mạo của cậu thiếu niên kia, Lưu Nghĩa Long không còn cho rằng đó là tiểu thái giám ở cung nào nữa, thậm chí trong lòng cậu còn hiện ra một suy đoán cực kỳ hoang đường nhưng lại hợp lý.
Cậu bé này, chẳng lẽ là con riêng của phụ hoàng? Bởi vì thân phận của mẫu phi không thể công khai, nên mới nuôi trong hậu cung? Trí nhớ của Lưu Nghĩa Long rất tốt, khi cậu vừa bước vào tẩm cung là đã thấy cậu thiếu niên kia đứng ngây người ở góc nhà, nhưng cách khá xa nên không để ý.
Đến trước cả các hoàng tử trực canh bên ngoài điện, nếu không phải là thái giám thì phải là người luôn luôn ở trong này. Không ngờ lúc lâm chung phụ hoàng còn cho gọi cậu thiếu niên này tới bên mình...
Lưu Nghĩa Long càng nghĩ càng thấy suy đoán của mình chính xác, ánh mắt cũng trở nên hết sức phức tạp.
Bản thân Lưu Nghĩa Long đối với phụ hoàng, thực sự là oán hận nhiều hơn sùng kính. Hai năm trước, cậu mới mười bốn tuổi đã được phong làm Nghi Đô vương, nhậm chức Trấn Tây tướng quân, Kinh Châu thứ sử, phải rời khỏi đô thành Kiến Khang. Cũng không chỉ mỗi mình cậu, trừ đại ca làm thái tử, thì nhị ca Lưu Nghĩa Chân hồi mười hai tuổi đã được phong làm Quế Dương huyện công, đóng ở Quan Trung Trường An, các em trai khác cũng được phong đất. Mục đích chẳng phải để cho các hoàng tử sàn sàn tuổi nhau không uy hiếp đến địa vị của thái tử hay sao?
Phụ hoàng nghĩ cho thái tử đại ca, vậy ai nghĩ cho bọn họ? Tuổi còn nhỏ mà đã bị phái đi đến nơi xa lạ, đám quan viên bên dưới, bề ngoài thì vô cùng cung kính, nhưng thực tế thì các quý tộc lớn có ai coi những hoàng tử xuất thân nghèo hèn ra gì, họ ngấm ngầm không tuân lệnh. Cảm giác đó, thực sự khó nói thành lời.
Lưu Nghĩa Long nghĩ rằng người được phụ hoàng đặc biệt ưu đãi chỉ có một mình thái tử. Tuy cậu bất bình, nhưng dù sao cũng là huynh trưởng, cậu có thể nuốt nỗi tức giận này được, chỉ không ngờ rằng, vẫn còn có một người khác nữa!
"Khốn thật! Chuyện gì thế này?" Cậu thiếu niên từ nãy vẫn ngơ ngác ở bên bờ ao, cuối cùng cũng bật ra một câu quát lớn, mà có vẻ hoàn toàn chẳng hợp gì với vóc dáng của cậu.
Lưu Nghĩa Long vừa nghe xong, tự nhiên chân mềm nhũn, suýt chút nữa thì quỳ mọp xuống đất. Bởi vì câu cửa miệng đó, cái ngữ khí đó, giống y hệt với phụ hoàng của cậu!
Dù từ bé đã sợ phụ hoàng, nhưng Lưu Nghĩa Long cũng chỉ nhũn chân một tẹo rồi lập tức đứng vững. Chẳng phải vì gì khác, bởi vì giọng nói rõ ràng còn trẻ con kia. Hơn nữa, phụ hoàng của cậu đã băng hà rồi. Lưu Nghĩa Long hít một hơi thật sâu, cố gắng làm cho tâm trạng của mình được bình tĩnh, hỏi nhẹ nhàng: "Cậu là ai?"
Bởi vì xét về tuổi, Lưu Nghĩa Long xác định cậu kia là em mình, nên giọng nói có phần hơi kẻ cả. Nhưng cậu thiếu niên kia quay đầu lại, nhìn cậu với vẻ mặt kỳ dị, thời gian lâu đến mức Lưu Nghĩa Long còn nghĩ xem liệu mặt cậu ta có nở ra bông hoa nào được không.
Lưu Dụ thực sự muốn tìm một hòn đá để đập cho thằng ngốc kia một cái. Ông là ai? Là "ông già" của nó!
Nhưng rồi lập tức Lưu Dụ cũng nhớ ra, bộ dạng hiện tại của ông, đến bản thân ông còn không dám tin, nữa là người khác? Sợ rằng ông mà nói xong, thì sẽ bị con trai mình tống giam vì tội xúc phạm hoàng tộc.
Chẳng lẽ sau khi chết ông lại hồi phục cơ thể mình khi mười bốn tuổi? Vậy thì thi thể đang nằm trong tẩm cung kia là ai?
Lưu Nghĩa Long nhìn vẻ mặt rất phức tạp của cậu thiếu niên, nghĩ rằng chắc cậu ta khó nói thân phận của mình, bèn gật đầu tỏ vẻ cảm thông: "Tuy thân phận của cậu không tiện công khai, nhưng nếu cậu và ta đã là huynh đệ, thì cũng nên giúp đỡ nhau, ít ra cũng cho ta biết tên để xưng hô chứ".
Lưu Dụ nghe xong lập tức ngẩn người ra tại chỗ, thằng nhóc này, hiểu lầm gì đây?
Nhưng sau đó thì ông cũng hiểu ra, lập tức sa sầm mặt mày, nếu như theo tính cách trước kia của ông thì đã nổi cơn lôi đình rồi, nhưng hiện giờ nghĩ kỹ thì cũng đành phải nhẫn nhịn một chút vậy.
Nói ra, ban nãy khi quần thần tràn vào tẩm cung, cũng có mấy người len lén nhìn về phía ông, lúc ấy ông vừa trải qua sự sống cái chết, còn đang lơ mơ nên không để ý. Hiện giờ nhớ lại, Lưu Dụ liền hiểu tại sao không có ai đuổi ông ra ngoài, thì ra đều nghĩ rằng ông là con riêng của chính ông!
Lưu Nghĩa Long vẫn rất nhẫn nại chờ đợi, đôi mắt vẫn đang nhìn chằm chằm vào từng biểu hiện nhỏ trên gương mặt cậu thiếu niên.
Một lúc lâu sau, đôi môi cậu bé mới nở nụ cười đau khổ, chầm chậm nói: "Ký Nô, anh gọi tôi là Ký Nô là được rồi".
Ký Nô? Quả nhiên là họ Lưu?
Lưu Nghĩa Long lập tức khẳng định suy đoán của mình, sau đó lại chau mày vì cái tên của cậu bé.
Lại gọi là Ký Nô ư? Kẻ nô bộc được gửi nuôi? Không có chữ "Nghĩa" trong tên như anh em của cậu, tức là cậu thiếu niên này không có tư cách được đưa vào tộc phả. Hơn nữa cái tên đặt tùy tiện kia, có thể là vì mẫu phi của cậu ta có thân phận thấp kém.
Lưu Nhĩa Long hít một hơi sâu, lúc này cậu mới nhớ ra, mình đã rời tẩm cung hơi lâu quá, nếu vẫn còn ở đây, sợ có kẻ khác soi mói. Cậu cười đầy thiện ý với cậu thiếu niên: "Chắc cậu cũng biết lâu rồi, ta là tam ca của cậu, chỗ riêng tư thì cậu cứ gọi là tam ca thôi".
Lưu Dụ giật giật khóe miệng, không có cách nào đi gọi con trai mình là tam ca được, như thế thì quả thực là thách thức tính kiên nhẫn của ông. Thế là ông liền gắt: "Tam ca cái gì? Ta gọi ngươi là Xa Nhi là được".
Lưu Nghĩa Long sững sờ, cái tên Xa Nhi hồi nhỏ chỉ có phụ hoàng mới gọi cậu, bởi vì năm xưa khi cậu ra đời là lúc phụ hoàng đang đi chinh chiến, mẫu phi Hồ tiệp dư sinh ra cậu ở trên xe, nên cái tên Xa Nhi mới đi theo cậu. Phụ hoàng chỉ khi nào vui mới gọi tên hồi nhỏ của cậu, mọi ngày nếu gặp thì đều như các anh em khác, gọi theo số thứ tự là hết.
Lưu Nghĩa Long định cất lời từ chối cách xưng hô không có trên dưới đó, nhưng rồi lại cười cho qua. Cậu thiếu niên này tính tình ngay thẳng, chắc chắn là vì phụ hoàng không cho cậu tiếp xúc nhiều với những mặt tối, còn tên hồi nhỏ của cậu thì hẳn là cậu ta biết do phụ hoàng nói. Liệu có phải cậu bé này biết rằng, cậu là tam hoàng tử mà mẫu phi bị ban cho cái chết, là một người bị ruồng bỏ?
Lưu Nghĩa Long nắm chặt tay, nhưng rồi cũng không nói ra câu hỏi cậu day dứt bao lâu này. Cậu mỉm cười nhẹ nhàng: "Ký Nô, chúng ta hãy đi tiễn phụ hoàng đã".
Nghe tới cái tên từ xa xưa được chính con trai mình gọi ra, Lưu Dụ cũng cảm thấy rất bối rối. Hơn nữa ông không muốn đi vào cho lắm, nhìn thi thể của mình chẳng phải là trải nghiệm dễ chịu gì, nhưng quả thật ông cũng không thể cứ đứng đực ra đây được, biết đâu người tiếp theo phát hiện ra ông lại bắt ông vì nghĩ ông là thích khách thì sao? Dù sao hiện tại ông cũng không hề có thân phận gì cả.
Không suy nghĩ nữa, đi theo Lưu Nghĩa Long trở vào trong tẩm cung, lúc này Lưu Dụ mới có thời gian để quan sát thần thái của mọi người. Ban nãy tuy đã đứng ở đây khá lâu, nhưng vì mới trải qua chuyện sống chết, nên hoàn toàn chẳng có tâm trạng đi quan sát người khác. Nhưng hiện giờ thì đã khác, chắc rằng không có nhiều người có thể chứng kiến những chuyện xảy ra sau khi mình đã chết, Lưu Dụ không quỳ xuống, mà chọn một góc, đứng tò mò nhìn ra tứ phía.
Ô? Không ngờ tướng quân Tạ Hối bình thường hay bới lỗi của ông giờ lại đau lòng khóc lóc đến thế? Là con cháu họ Tạ, một trong hai dòng họ Vương và Tạ, là dòng sĩ nhân Đông Tấn, Tạ Hối trẻ tuổi anh tuấn, là khai quốc công thần của nhà Lưu Tống Nam Triều, tuy còn trẻ tuổi nhưng đã là mưu thần đệ nhất của Lưu Dụ. Cuối đời Đông Tấn, hắn từng theo Lưu Dụ đi Bắc phạt thu phục Trung Nguyên, mười kế sách thì có tới chín là của hắn, tầm quan họng của hắn đối với Lưu Dụ không thua gì Gia Cát Lượng đối với Lưu Bị. Giúp Lưu Dụ thu phục được quá nửa vùng Trung Nguyên, nhưng đến lúc Lưu Dụ lên ngôi, hắn cũng mới chỉ ngoài hai mươi tuổi, thật là bậc anh hùng trẻ tuổi. Hiện giờ hắn cai quản việc quân của bảy châu, một mình điều khiển cấm quân, quyền nghiêng triều dã, bởi vì tuổi tác thích hợp, nên Tạ Hối được Lưu Dụ cho làm cố mệnh đại thần của thái tử Lưu Nghĩa Phù.
(Chỉ vị đại thần mà hoàng đế trước khi băng hà gửi gắm việc sau này cho)
Nhưng Lưu Dụ nheo mắt lại, không bỏ qua việc Tạ Hối lấy ra một chiếc khăn để lau mắt từ trong tay áo, mà trong chiếc khăn đó thì rõ ràng có gói miếng gừng tươi...
Tâm trạng của Lưu Dụ lập tức đi xuống dữ dội, ông quan sát tỉ mỉ, phát hiện ra những người dùng cách này không hề ít, thậm chí có cả hoàng tử, đứa út Lưu Nghĩa Quý mới bảy tuổi đang được mẫu phi ôm trong lòng, đôi tay giấu trong tay áo của người đàn bà đó, đang lặng lẽ véo Lưu Nghĩa Quý, để bắt cậu bé phải khóc thành tiếng.
Lưu Dụ đờ đẫn nhìn mọi việc trước mắt, đến cả thái tử Lưu Nghĩa Phù, đứa con ông ta sủng ái nhất, truyền cho cả ngôi vua, mà cũng đang khóc suông, trên mặt chẳng có lấy một chút đau thương nào. Còn những đứa con khác, cho dù có đứa đang khóc, thì e rằng cũng khóc bởi chưa biết cuộc đời nó đi về đâu, chứ không phải khóc vì một phụ hoàng không thân thiết lắm như ông.
Lưu Dụ tự cười mình, rồi ánh mắt dừng ở Lưu Nghĩa Long đang quỳ tại hàng thứ ba, tuy cậu không đến mức khóc nức nở thành tiếng, nhưng nỗi buồn trên gương mặt rất chân thành, mắt cậu đỏ hoe, không có chút nào là giả dối. Lưu Dụ bất giác nhớ lại Xa Nhi trong ký ức của mình, nhưng thực sự không có ấn tượng gì.
Cả đời ông ta chinh chiến, đi trên lưỡi đao lưỡi kiếm, vốn chẳng có mấy lúc rảnh rỗi, nếu không thì đã chẳng đến nỗi trên bốn mươi tuổi mới sinh con. Mà sau khi lên ngôi thì ông càng bận rộn, ông chỉ làm hoàng đế được có ba năm. Thời gian ở cùng con cái của ông ít ỏi đến đáng thương.
Cứ như thể mới chỉ chớp mắt một cái, chúng nó đã lớn, đã có suy nghĩ riêng, đã không còn dùng ánh mắt sùng bái để nhìn vị hoàng đế già yếu của chúng nữa.
Lưu Dụ nắm chặt con xúc xắc ngà trong tay, lẩm bẩm một mình: "Đây là cảnh tượng mà ngươi muốn ta thấy sao? Đây là việc mà ngươi muốn ta hối cải sao? Vì giang sơn này, ta đã phải bỏ đi bao nhiêu ư?"
3
Tang lễ của hoàng đế bao gồm một loạt các nghi thức phiền hà, phong tục thay đổi từ việc hậu táng thời Tần Hán cho đến thành mai táng đơn giản thời Ngụy Tấn, tang lễ của Lưu Dụ không làm quá rầm rộ. Nhưng dù sao vẫn là tang lễ của một đế vương, một số nghi lễ cổ kế thừa của chế độ nhà Hán, như chế độ ngũ phục, để tang ba năm, hội táng...
Những lễ nghi phức tạp rườm rà cùng những trật tự tang lễ rất nghiêm ngặt, nào là chiêu hồn, phát tang, đặt linh cữu, châm hương, khâm liệm, trị tang, cư tang... từng việc một phải làm, tuy có quan viên phụ trách riêng, mà cũng đủ khiến văn võ bá quan mệt thở không ra hơi. Nhưng bởi khi Lưu Dụ lên ngôi thì cũng đã gần sáu mươi tuổi, nên chế độ tang lễ, quan quách, phong thụ cho đến đồ tùy táng cũng đều được chuẩn bị rục rịch từ cách đây mấy năm, không đến nỗi phải gấp gáp quá.
"Thận chung truy viễn" là quan niệm sinh tử truyền thống của Nho gia, tuy Lưu Dụ không đọc nhiều sách vở, nhưng những đại thần của ông thì có rất nhiều người xuất thân thế gia đại tộc, nên tang lễ làm rất cẩn thận, tuy không đủ đau buồn, nhưng cũng đủ trang nghiêm.
((Lúc sống) phải cẩn thận chuyện sau khi chết, phải lo nghĩ xa)
Tham gia tang lễ của chính mình là một cảm giác rất đặc biệt, e là không nhiều người có cảm giác đó. Lưu Dụ mặc một bộ đồ tang, ẩn trong đoàn người, nhìn thần thái mọi người mà như có suy nghĩ gì đó. Đương nhiên, phần lớn sự chú ý của ông là dồn vào những đứa con trai mình.
Tất nhiên, "thân phận" của ông đã được Lưu Nghĩa Long giới thiệu rồi. Đám con trai nhiều lắm thì cũng mới mười mấy tuổi đầu của ông, không biết cách che giấu tình cảm thực sự của mình, trừ có Lưu Nghĩa Quý nhỏ tuổi nhất là tò mò giương đôi mắt to tròn ra nhìn ông rất lâu, còn lại đều lạnh lùng hoặc tỏ vẻ khinh bỉ.
Thôi được, mấy đứa con của ông vốn dĩ cũng chẳng thân thiết gì với ông, mà từ lúc còn nhỏ tuổi, ông đã phong vương cho đi các nơi, anh em ít khi gặp nhau, cũng chẳng thể bảo có nhiều tình cảm được, chẳng qua là gật đầu chào nhau một cái. Bỗng nhiên Lưu Dụ cảm thấy lạnh lẽo, cảnh tượng một gia đình quây quần ăn bữa cơm đoàn viên, đã là ký ức cũ kỹ của bao nhiêu năm trước rồi? Mười năm? Hai mươi năm? Hay ba mươi năm?
Thẫn thờ tham gia cho hết tang lễ của mình, rồi nhìn con cả Lưu Nghĩa Phù lên ngôi hoàng đế cũng bằng thái độ vô cảm, Lưu Dụ tạm ở trong vương phủ ở đô thành Kiến Khang của Lưu Nghĩa Lóng, hàng ngày có mỗi việc uống trà ngắm cảnh.
Bởi vì Lưu Dụ rất tiết kiệm, nên vương phủ của Lưu Nghĩa Long cũng chẳng có đồ đạc xa hoa gì, nhưng đây vốn là căn nhà của một gia đình quý tộc thời Ngụy Tấn, nên rất thanh nhã yên tĩnh, cũng là một nơi đặc biệt.
Lưu Dụ thảnh thơi ngồi trong lương đình, vắt vẻo trên lan can, chẳng chú ý đến hình tượng chút nào, nhìn mặt hồ gió thổi gợn sóng lăn tăn, có đôi chút biếng nhác.
Ông ta giống như chiếc bánh xe không ngừng chạy suốt mấy chục năm nay, cuối cùng cũng có thể dừng lại nghỉ ngơi, nên cho dù ông có một cơ thể trẻ trung, nhưng tâm hồn thì rất già cỗi.
Lúc này trời cũng đã vào mùa hạ, những bông hoa trong vườn đang đua nở, trên cành lá đã xanh mướt mắt. Lưu Dụ bao ngày phải nằm giường, đã lâu lắm rồi không được thấy cảnh đẹp như thế này, nên ông ngắm nhìn say sưa.
Lưu Nghĩa Long đứng từ xa nhìn thấy "cậu em" đang ngẩn người trước hồ nước, bất chợt mỉm cười. Cũng may mà mấy ngày này có người bầu bạn, cậu mới không đến nỗi quá buồn. Đô thành này thực sự chẳng để lại cho cậu chút ký ức đẹp đẽ nào, mẫu phi của cậu, tuổi thơ của cậu, phụ hoàng của cậu đều lần lượt ra đi ở nơi đây, còn hiện giờ thì cậu quyết định, sau chuyến trở về lần này, cậu sẽ không quay lại thêm lần nào nữa, có lẽ sống đến già ở Kinh Châu là một quyết định không tồi.
Nhưng trước khi đi, Lưu Nghĩa Long vẫn muốn hỏi cậu bé kia sau này dự định gì, trong mấy ngày nay, cậu cũng hiểu cậu bé kia không còn ai để dựa dẫm nữa ngoài cậu, điều đó khiến cậu rất không yên tâm nếu để cậu bé ở lại đô thành.
"Xa Nhi, cậu chuẩn bị về Kinh Châu à?" Lưu Dụ chỉ cần nhìn lướt qua con trai mình là đoán được cậu ta định nói gì. Dù tiếp xúc không nhiều, những đám nhóc này cũng mới chỉ mười mấy tuổi, số cơm chúng ăn còn chẳng nhiều bằng số muối ông đã ăn! Có điều, vẫn còn chưa qua bốn mươi chín ngày cơ mà, sao lại vội vã đi thế? Lưu Dụ hơi bực mình, trong giọng điệu có phần hơi cáu gắt, ông hỏi: "Luôn bây giờ?"
Lưu Nghĩa Long cười khổ, cậu biết mình đi quá vội vã, nhưng cậu phải nói sao đây? Nhớ lại cảnh tượng hôm nay nhìn thấy trong cung, lại nghĩ đến những lời đàm luận lén lút của đám triều thần, Lưu Nghĩa Long cảm thấy mặt nóng bừng, thực sự muốn lập tức rời khỏi đô thành, đi càng xa càng tốt.
Lưu Dụ chau mày, đứa con thứ ba của ông sức khỏe hơi kém, đang vào tuổi ăn tuổi lớn, thân hình cao lêu đêu, gầy guộc như thể trên người chẳng được mấy lạng thịt. Hiện giờ cậu còn mặc bộ đồ tang trắng toát, càng khiến cho gương mặt trắng bệch đến tiều tụy. Trong lòng Lưu Dụ trào dâng nỗi thương con, ông chỉ vào chiếc đôn gỗ bên cạnh nói: "Ngồi đi, uống trà". Người tì nữ vẫn đứng chờ hầu hạ từ nãy lập tức đi vào trong lương đình, nhanh nhẹn pha trà.
Lưu Nghĩa Long mấy hôm nay cũng quen với bộ dạng chỉ trỏ ra lệnh của cậu thiếu niên rồi, tuy trong lòng không khỏi có chút bực mình vì cậu ta chẳng có tôn ti lớn bé gì, nhưng cậu lại không khỏi cảm thấy hình như có cảm giác rất quen thuộc. Dù lúc này cậu bé kia ngồi vắt vẻo trên lan can để chỉ tay năm ngón, nhưng rất có khí thế, khiến người khác phải làm theo mệnh lệnh của cậu. Khi Lưu Nghĩa Long đã ngồi lên chiếc ghế đôn gỗ, cậu mới nhận ra chính mình cũng lại tuân theo mệnh lệnh rồi, cậu đành nhăn nhó cười không biết làm thế nào.
"Nào, uống chén trà nóng đi, tuy trời đã nóng, nhưng không được coi thường sức khỏe đâu". Lưu Dụ rất tự nhiên dùng lời lẽ của bề trên để dạy dỗ.
"Được". Lưu Nghĩa Long cũng rất tự nhiên cầm lấy chén trà trước mặt, tuy trong lòng không phục, nhưng thực ra cậu cũng đã quen ứng xử như vậy với cậu bé.
Thật đúng là quái dị, ai mới là anh đây? Hơn nữa vì sao cậu lại có cảm giác sợ sệt như khi đang đứng trước phụ hoàng vậy?
Lưu Nghĩa Long uống một ngụm trà, nước trà ấm nóng chảy qua cổ họng, hơỉ ấm thoáng chốc đã lan ra toàn thân, lập tức khiến cậu thư thái hẳn.
"Rồi, bây giờ thì, nói đi". Lưu Dụ gõ gõ tay lên miệng chén, khẽ hừ lên một tiếng: "Vậy là đã xảy ra chuyện gì?"
Lưu Nghĩa Long cầm chén trà trong tay, ngửi hương trà vẫn còn chưa tan hết, biết rằng cho dù cậu không nói, thì cậu thiếu niên kia cũng sẽ biết.
Bởi vì chắc là chẳng bao lâu sau, việc này sẽ lan truyền khắp đô thành...
Lưu Dụ nheo mắt, ở cách rất xa cũng có thể nghe thấy tiếng đàn hát cười đùa vọng lại từ phía ngự hoa viên, đến khi ông nhìn thấy người đứng giữa đám đông là ai, liền không nén nổi cơn giận, nắm chặt bàn tay, chỉ hận không thể lập tức xông tới đánh cho thằng con bất hiếu một trận.
Ông mới chết được bao lâu? Chưa đến một tháng! Thằng con bất hiếu đã lập tức đàn hát chơi bời trong ngự hoa viên! Ông còn nhớ mang máng, khi ông lâm trọng bệnh, từng có người đến can gián, nói rằng thái tử thường xuyên đi ra ngoài chơi, ngồi thuyền rồng đem quân đến hồ Thiên Uyên, ngồi trên hồ vui chơi, đàn ca nhảy múa, cho tới tận gần sáng, cũng chưa thấy về cung nghỉ ngơi, qua đêm luôn trên thuyền rồng.
Khi ấy ông còn cho rằng có kẻ muốn gièm pha thái tử, trong ấn tượng của ông, đứa con trai cả là người thông minh tài giỏi, giỏi cưỡi ngựa bắn cung, thông hiểu âm nhạc, tuy không phải người kế thừa thực sự lý tưởng, nhưng cũng có thể trở thành một vị vua trung hưng.
Kết quả lại là ông vẫn luôn nhìn nhầm người!
Trong thời gian để tang mà vô lễ đến vậy, thật đúng là trò cười!
Nhìn kìa! Thằng ranh kia đã nhìn thấy họ, vẫn không thấy xấu hổ mà che giấu đi! Đã thế lại còn đứng đó sung sướng vẫy tay với họ, gọi họ cùng tham gia!
Lưu Dụ không kìm nén được bắt đầu mắng chửi, Lưu Nghĩa Long đứng bên cạnh thấy không hay, liền ôm lấy ông để ngăn ông xông vào gây chuyện.
Dù đại ca của cậu có thất đức, thì bây giờ cũng là vua của một nước, có quyền sinh sát trong tay, tin chắc rằng đại ca cậu cũng không ngại ngần mà mượn cơ hội này để trấn áp mấy thằng em trai. Hơn nữa cậu bé này lại chẳng có thân phận địa vị gì, rất có thể sẽ trở thành con gà đáng thương trong câu "giết gà dọa khỉ".
Lưu Dụ giãy giụa một hồi lâu, phát hiện ra đứa con thứ ba của mình tuy trông thì gầy gò nhưng quả thật là khỏe. Không, có lẽ là do cơ thể hiện giờ của ông quá nhỏ.
Vừa thở dốc, Lưu Dụ vừa gạt mạnh tay của Lưu Nghĩa Long ra, rồi hùng hổ đi ra ngoài hoàng cung, chẳng thèm để ý xem Lưu Nghĩa Long giải thích thế nào với đứa con bất hiếu kia.
Một hoàng đế như vậy, sớm muộn gì cũng bị người ta lôi xuống, thì chẳng thà để tự tay ông lôi xuống!
Lưu Dụ bỗng dưng hiểu ra vì sao đến giờ ông vẫn còn sống, là bởi vì ông cần phải sửa chữa một sai lầm của bản thân, cần một lần đánh bạc cuối cùng.
Bỗng nhiên ông dừng bước, thò tay lấy ra con xúc xắc chưa bao giờ rời khỏi người mình. Xúc xắc có sáu mặt tất cả, ngoài thái tử bỏ đi không tính, thì ông cũng có sáu đứa con trai.
Nếu ông đã không thể lựa chọn, thì hãy để xúc xắc ngà lựa chọn, ném ra được số nào thì cộng thêm một, đó sẽ là quyết định cuối cùng của ông.
Lẩm nhẩm nói vấn đề mình cần quyết định, rồi Lưu Dụ ném con xúc xắc ngà xuống đất.
Xúc xắc lăn lốc cốc một hồi, rồi cũng dừng lại.
Lưu Dụ ngồi xuống, nhìn con số trên mặt xúc xắc, nhìn mãi không nói tiếng nào.
"Ký Nô? Thì ra cậu ở đây à? Ơ? Con xúc xắc ngà voi này quen quá, có phải là con xúc xắc mà phụ hoàng rất yêu thích không?" Lưu Nghĩa Long đi qua những lùm cây lùm hoa, tới nơi tò mò cúi xuống hỏi.
Lưu Dụ ngẩng đầu, nhìn cậu mỉm cườỉ đầy ẩn ý.
"Có muốn làm vua không?"
Lưu Nghĩa Long sững sờ nhìn cậu thiếu niên đang chơi xúc xắc trước mặt, cậu không thể tin nổi mình vừa nghe thấy điều gì. Cậu bất chợt nhìn xung quanh một lượt, tuy đã về đến vương phủ của cậu, cũng đã ngăn hết tả hữu ở bên ngoài, nhưng câu nói vừa rồi của cậu thiếu niên kia mà truyền ra ngoài, thì e rằng cậu lập tức sẽ bị tống vào đại lao, chết không cổ chỗ chôn.
"Yên tâm, không ai nghe thấy đâu". Lưu Dụ hơi bĩu môi, nhìn đứa con thứ ba của mình một cách đắn đo. Tuy xúc xắc ngà đã chọn cậu bé này làm người kế thừa của ông, nhưng Lưu Dụ vẫn không hài lòng lắm. Có điều khi nghĩ đến đứa con ông hài lòng nhất là thái tử, thì cũng đành thở dài chịu thua. Thực ra ngoài thái tử Lưu Nghĩa Phù ra, thì ông ưng nhất là con thứ hai Lưu Nghĩa Chân, nhưng cậu ta hình như lại càng thích cầm kỳ thi họa hơn... Thôi được, xúc xắc ngà chưa bao giờ chọn sai... Lưu Dụ chuyển con xúc xắc sang bên tay kia, uể oải nói: "Thằng ranh Lưu Nghĩa Phù làm như vậy, chắc chắn sẽ gây ra sự bất mãn cho các đại thần, ngôi vua của nó không ngồi được lâu nữa đâu. Chẳng lẽ cậu giương mắt nhìn những kẻ khác thừa cơ soán đoạt ngôi vua ư?"
Lưu Dụ quả nhiên cảm thấy mình đã đến tuổi "nhi nhĩ thuận", tính cách đã ôn hòa hơn nhiều rồi. Nếu cứ như tính cách của ông hồi trẻ, thì chắc đã xách đao tới chém thằng con bất hiếu kia làm đôi rồi. Nhưng ông cũng phải nghĩ cho cơ nghiệp mình một tay xây dựng, Tạ Hối vốn là nhân vật ông lựa chọn ra trong ngàn vạn người, muốn để cho thái tử dùng làm tể tướng, nhưng Lưu Nghĩa Phù quá vô dụng, không thể áp chế được Tạ Hối, vậy thì Tạ Hối sẽ trở thành kẻ nguy hiểm nhất.
(Cách nói của Khổng Tử, "lục thập nhi nhĩ thuận", tức là đến sáu mươi tuổi thì lời nói đều xuôi tai, tính cách đã ôn hòa)
Muốn khống chế mãnh hổ, thì phải có khí thế cao hơn mãnh hổ, nếu không con hổ dữ đó sẽ quay lại cắn, đặc biệt là trong lúc chiến loạn vừa mới được bình định có vài năm.
Lưu Nghĩa Long tất nhiên cũng hiểu ẩn ý mà cậu bé kia chưa nói ra, mấy hôm nay cậu cũng gặp Tạ Hối vài lần, nhìn thấy gương mặt tuấn tú của hắn không còn sự cung kính ôn hòa như ngày xưa nữa, thay vào đó là một phong thái rất khó hình dung. Lưu Nghĩa Long trầm ngâm một hồi, rồi cẩn trọng nói: "Tình hình không đến nỗi tệ như thế chứ?"
Hai nhà Vương Tạ quyền nghiêng triều đình, những vương hầu khanh tướng nổi tiếng một thời như Tạ An, Vương Đạo đều từ hai nhà này ra cả, nhưng đều giữ phép tắc của sĩ tộc, không bao giờ có hành động soán đoạt ngôi báu, dù rằng nói theo cách nào đó, thì họ còn có quyền thế và danh vọng hơn cả hoàng đế.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến Lưu Dụ yên tâm giao binh quyền cho Tạ Hối, tộc quy của những danh môn vọng tộc là rất nghiêm ngặt, thậm chí lớn hơn cả sức cuốn hút của ngôi vua. Nhưng Lưu Dụ cảm thấy con người cao ngạo như Tạ Hối, chí hướng cao xa, không phải là kẻ an lòng ở một xó, tuyệt đối không chấp nhận một hoàng đế chỉ biết ăn chơi nhảy múa cưỡi lên đầu mình, nếu tự mình không soán đoạt ngôi vua, thì cũng hoàn toàn có thể đưa người khác lên ngôi.
Thấy Lưu Nghĩa Long chần chừ không quyết, Lưu Dụ mỉm cười nói một cách rất nhẫn nại: "Đây là một canh bạc cậu lấy phần đời còn lại của mình để cá cược vào khả năng lên ngôi vua, cậu có chơi canh bạc này không?" Lưu Dụ cười rất tự tin, bởi vì đối với một con bạc như ông, đây là một sự hấp dẫn không thể chối từ.
Nhưng ông lại thấy Lưu Nghĩa Long chầm chậm lắc đầu, nói: "Không, ta không chơi".
"Sao cơ?" Lưu Dụ đứng bật dậy, đập bàn một cách nóng nảy, chén trà trên bàn rung lên. Lưu Dụ kìm nén để không chửi thằng con thứ ba của mình một trận, nói liên hồi như bắn pháo: "Ta... không, ám bộ của phụ hoàng để lại, ta có thể đưa cho cậu nắm giữ! Cậu nên biết đó là một lực lượng đáng sợ thế nào! Chắc chắn có thể tăng thêm cơ hội cho cậu!"
"Không, ta không muốn". Lưu Nghĩa Long tiếp tục từ chối, lần này giọng cậu đã kiên quyết hơn.
"Vì sao? Nếu cậu làm hoàng đế, đại ca và nhị ca cậu có thể được sống sót!" Lưu Dụ tức mình không thể đập nát luôn cái bàn, nếu như mọi việc theo kế hoạch của ông, nếu được sắp xếp cẩn thận, thì Lưu Nghĩa Long có thể thuận lợi lên ngôi, còn phế đế Lưu Nghĩa Phù và Lưu Nghĩa Chân thì có thể yên ổn sống nốt phần đời còn lại.
"Việc đó có liên quan gì đến ta?" Lưu Nghĩa Long bình thản nhìn cậu thiếu niên đang kích động trước mắt, không hiểu tại sao cậu ta lại phản ứng dữ dội đến vậy. Anh em của cậu ư? Vớ vẩn, cậu vốn chẳng hề coi hai người kia là anh em, và chắc rằng họ cũng chẳng coi cậu là em trai. Lưu Nghĩa Long cảm thấy mình đã ở đô thành quá lâu, lâu đến mức có những việc đang phát triển theo hướng không bình thường. Cậu đứng dậy, bình tĩnh tuyên bố: "Ngày mai khởi hành về Kinh Châu, nếu cậu muốn đi theo ta thì đi".
Lưu Dụ ngây người nhìn theo bóng dáng gầy gò của Lưu Nghĩa Long đang rời khỏi phòng, không dám tin, ngồi sụp xuống.
Ông hoàn toàn không nghĩ được là sẽ có tình huống này xảy ra, ông là một con bạc, nên không thể ngờ được có người lại khác mình, không muốn đánh bạc.
Con xúc xắc ngà nằm lặng lẽ trên bàn, dưới ánh đèn dầu phản chiếu ánh sáng dịu nhẹ.
Nó thật là hấp dẫn, thậm chí có thể nắm giữ số mệnh của rất nhiều người.
Nhưng... nếu như có người không muốn động vào nó thì sao...
4
Lưu Dụ không ở lại đô thành, mà theo Lưu Nghĩa Long về Kinh Châu. Ông vẫn liên tục nghĩ ngợi, chẳng nhẽ mình thực sự đã sai rồi sao?
Ám bộ chỉ nhận thủ lệnh và tín vật, nên Lưu Dụ vẫn có thể điều khiển, thông qua ám bộ, cho dù ông ở tận Kình Châu, cũng có thể kịp thời tìm hiểu được những việc ông ta cần biết.
Bởi vì ông đã băng hà, bốn trấn ở Hà Nam đang rục rịch định nổi dậy, sau một thời gian trấn áp, đám Tạ Hối cũng đã làm xong việc quân binh, có thể rảnh tay để xử lý tên hôn quân chỉ biết ăn chơi nhảy múa kia rồi. Lưu Dụ phân tích tin tình báo các nơi, liền nhận ra đám Tạ Hối cũng có mắt nhìn như ông, cũng nhắm tới Lưu Nghĩa Long, còn hoàng tử thứ hai là Lưu Nghĩa Chân thì là người bị loại ra đầu tiên.
Nghe đâu có một hôm khi Lưu Nghĩa Chân đang uống rượu cùng mấy viên quan khác, từng hứa rằng sau này cậu ta lên ngôi vua sẽ phong hai người Tạ Linh Vận và Nhan Diên Chi làm tể tướng, Thích Tuệ Lâm làm đô đốc Tây Dự Châu.
Rất mau chóng, đám Tạ Hối liền dâng biểu tấu Lưu Nghĩa Chân tội kích động chia rẽ, phỉ báng chính trị.
Lưu Nghĩa Phù tức giận, tất nhiên là không có chút cảm tình gì với thằng em thứ hai có thể dòm ngó ngôi báu của mình, liền giáng chức cho đi Lịch Dương, ba quan viên kia thì bị điều đi các nơi khác. Có lẽ như vậy vẫn chưa khiến Lưu Nghĩa Phù yên tâm, không lâu sau giáng Lưu Nghĩa Chân xuống làm thường dân, đưa đến giam cầm ở Tân An.
Còn Lưu Dụ khi nhận được tin tức liền hiểu, bọn Tạ Hối sắp sửa ra tay với Lưu Nghĩa Phù rồi.
Hoàng đế thì sao? Đứng ở đỉnh núi cao nhất dốc nhất, nếu đứng không vững thì đến lúc ngã xuống, bởi vì đứng quá cao, nên sẽ thê thảm hơn bất cứ ai khác, thậm chí chết không có chỗ chôn.
Lưu Dụ không nói gì nhiều, mà đem hết tin tình báo ông ta nhận được bày cả lên bàn của Lưu Nghĩa Long.
Nhìn nét mặt trấn tĩnh của con trai thứ ba nhà mình, Lưu Dụ bỗng nhiên nhận ra, không phải cậu ta không biết gì.
Có thể mọi việc này, đều nằm trong tầm kiểm soát của cậu ta, bề ngoài không tranh giành gì, nhưng những thứ thuộc về cậu ta, cuối cùng cũng sẽ về tay cậu ta.
Lưu Dụ hơi nheo mắt lại, có chút hoang mang.
"Ta như thế này khiến cậu thất vọng?" Lưu Nghĩa Long bỏ cây bút trong tay xuống, ngẩng đầu nhìn cậu thiếu niên đang thất thần, về Kinh Châu đã hơn hai năm, có thể lúc đầu cậu kiên quyết từ chối là thật lòng, nhưng theo thời gian, cậu cũng khó tránh khỏi việc nảy ra những suy nghĩ không thể kiềm chế.
Phải, vì sao cậu không thể ngồi lên ngôi cao đó? Vì sao cậu lại bị phụ hoàng ghét bỏ? Vì sao cậu nhất định phải làm một vương gia nhàn tản?
Một khi đã xác định được mục tiêu, cậu sẽ không lùi bước.
Ám bộ phụ hoàng để lại cho ư? Vì sao cậu phải dùng họ? Chỉ cần bày vài thủ đoạn, là cậu có thể ngồi yên chờ đợi quả chín rơi vào túi áo mình.
"Khốn thật! Vì sao lại làm vậy? Chẳng lẽ cậu không biết kết cục của đại ca, nhị ca cậu sẽ rất thê thảm ư?" Bỗng nhiên Lưu Dụ hiểu được nét mặt của Lưu Nghĩa Long là có ý gì, lập tức phát cáu, nếu làm theo sắp xếp của ông, thì đã không mất kiểm soát như thế này rồi!
Lưu Nghĩa Long, người ngồi sau án thư kia, cũng đã mười tám tuổi, đã hết những ngây thơ của hai năm trước, đôi mắt sáng như sao kia, trải qua hai năm rèn luyện, đã rất có khí thế. Cậu nhìn thiếu niên trước mặt, như nghĩ điều gì, cậu thiếu niên tự gọi mình là Lưu Ký Nô kia, gương mặt vẫn như hai năm trước, không có chút thay đổi nào. Hơn nữa khi cậu có ý điều tra, thì tra ra rằng trong hậu cung của phụ hoàng trước kia, hoàn toàn không có bất cứ dấu hiệu nào về sự tồn tại của cậu thiếu niên đó.
Mà điều khiến cậu kinh hãi nhất, là cậu hỏi được ở dưới quê, thì ra tên hồi nhỏ của phụ hoàng, chính là Lưu Ký Nô...
Cậu thiếu niên này, dù từ thần thái giọng điệu cho đến cử chỉ, càng nhìn càng thấy giống phụ hoàng, đến cả câu cửa miệng lúc cáu giận và hành động đập bàn cũng không thể lẫn vào đâu được. Liên tưởng tới việc cậu thiếu niên này xuất hiện đúng lúc phụ hoàng băng hà, vậy thì cậu có thể cho rằng, cậu thiếu niên tên là Lưu Ký Nô này, chính là phụ hoàng?
Không, suy đoán đó buồn cười quá.
Lưu Nghĩa Long cố kìm nén sự hoang mang trong lòng mình, nhưng khi bắt gặp ánh mắt chứa đầy sự uất ức và thất vọng của cậu bé kia, quả tim của cậu cũng không khỏi đập mạnh một cái, cậu hít một hơi thật sâu, nhẹ nhàng nói: "Chẳng phải cậu muốn ta ngồi lên ngai vàng sao? Chẳng phải hiện giờ ta đang làm rất tốt sao?"
"Nhưng vì sao cậu không quan tâm đến sự an nguy của anh em?" Lưu Dụ lửa giận bừng bừng, nghĩ tới việc đứa con thứ ba yêu quý của mình đã làm những gì, ông như sắp phát điên. Ông hiểu quá rõ đám quyền thần Tạ Hối sẽ làm gì ở bước tiếp theo, đám người đó chắc chắn sẽ ra tay trừ bỏ mọi mối nguy cơ.
Ánh mắt Lưu Nghĩa Long rất bình tĩnh, trên gương mặt là vẻ kiên định, cậu chậm rãi nói từng chữ: "Đợi khi ta lên ngôi, ta sẽ bắt chúng phải trả giá".
Lưu Dụ nhìn đứa con thứ ba đã trưởng thành, bỗng nhiên cảm thấy sự mệt mỏi ập tới.
Phải rồi, vì sao ông lại không biết, mọi việc đó đều là do sắp xếp của Lưu Nghĩa Long. Vì ngại dư luận, cậu ta không thể tự mình ra tay đối phó với anh trai, bèn dùng kế mượn dao giết người, đợi bọn Tạ Hối phế vua giết chúa, cậu sẽ lên ngôi một cách danh chính ngôn thuận. Lưu Dụ hoàn toàn có thể tưởng tượng ra, vài năm sau khi Lưu Nghĩa Long lên ngôi, khi đã hoàn toàn nắm được quyền bính, cậu sẽ viện lý do báo thù cho anh em, để chém giết đám quyền thần Tạ Hối, để đưa bè phái của mình vào thay.
Quả không hổ là người được xúc xắc ngà lựa chọn...
Lưu Dụ nhắm mắt, ánh nắng bên ngoài rọi qua cửa sổ chiếu lên người ông, nhưng ông chẳng cảm thấy chút ấm áp nào, chỉ thấy toàn thân lạnh ngắt.
Con người ta từ khi sinh ra, mỗi một lựa chọn đều là một canh bạc.
Khác nhau ở chỗ, có người thắng nhiều, có người thua nhiều.
Như thế chính là khác biệt, có người trở thành kẻ thất bại, có người trở thành kẻ thắng cuộc.
Nhìn bề ngoài, có vẻ Lưu Dụ chính là kẻ thắng cuộc điển hình, nhưng thực ra có những lúc, đến chính Lưu Dụ cũng không hiểu nổi mình đã thắng hay đã thua.
Nếu ông không làm hoàng đế, bây giờ có lẽ đã có một gia đình đầy đủ, con cháu đầy nhà, chứ không phải cảnh đám con cái cầm đao ghè nhau như bây giờ...
Thư phòng yên lặng chết chóc, Lưu Nghĩa Long bỗng giật mình kinh sợ, bởi vì cậu nhìn thấy cậu thiếu niên trước mặt mình đang dần trở nên trong suốt, chầm chậm tan dần vào ánh nắng.
Lưu Nghĩa Long lập tức bật dậy đưa tay ra tóm lấy cậu bé, nhưng ngón tay xuyên qua cơ thể cậu ta, không cầm vào được.
"Phụ... phụ hoàng!" Lúc này Lưu Nghĩa Long không còn nghi ngờ gì nữa, cậu thiếu niên cổ quái kia chính là phụ hoàng của cậu! Cậu nghĩ đến chuyện mình giở thủ đoạn ngay dưới mắt phụ hoàng, liền sợ đến mức toàn thân run rẩy.
Trong thư phòng, giọng nói lành lạnh của Lưu Dụ vang lên, hình bóng của cậu thiếu niên biến thành những đốm sáng, chậm rãi tan vào không trung.
"Đời người chính là một canh bạc, vậy nên chẳng có ai thắng mãi mà không thua...".
"Đã là đánh bạc, thì phải chuẩn bị tâm lý, sẽ mất đi những thứ vốn thuộc về mình".
"Ta đã thắng được một số thứ, nhưng ta cũng thua mất rất nhiều..."
"Mong rằng... con đừng hối hận...".
"Cạch!" Lưu Nghĩa Long định thần trở lại, phát hiện ra trong thư phòng chỉ có một mình cậu, một viên xúc xắc ngà đã ngả vàng rơi trên đất, nảy lên mấy cái, lăn lốc cốc trên nền nhà...
Năm 424, bọn Tạ Hối, Từ Tiện Chi sai trung thư xá nhân là Hình An Thái giết vua ở đình Kim Xương, Thiếu đế chết năm mười chín tuổi. Bọn Tạ, Từ lại sai người đi giết Lưu Nghĩa Chân ở Tân An, dẫn theo trăm quan tới Giang Lăng, nghênh đón Nghi Đô vương Lưu Nghĩa Long về kinh lên ngôi, chính là Tống Văn đế.
Năm 426, Văn đế giết bọn Từ Tiện Chi, Phó Lượng, tự dẫn đại quân tới Giang Tây thảo phạt Tạ Hối. Tạ Hối bại trận, bị giết với tội giết vua mưu phản.
Lúc này, Tống Văn đế Lưu Nghĩa Long mới hai mươi tuổi đã nắm hết quyền hành, mở ra thời kỳ thế nước hùng mạnh nhất thời kỳ Đông Tấn Nam Bắc Triều, sử gọi là "Nguyên Gia chi trị".
5
Năm 2012.
Bác sĩ nằm dưới nắng, phơi cơ thể thỏ bông của mình, làm một món đồ chơi bằng vải, muốn sạch sẽ thì cũng phải tắm, có điều mỗi lần tắm xong là toàn thân ướt nhẹp khó chịu, cơ thể nặng nề hơn gấp mấy lần, khiến anh đứng lên cũng khó khăn.
Vì thế mỗi lần chủ tiệm tắm xong cho anh, anh liền nằm dưới nắng cho tới khi khô hẳn.
Bên này có vẻ như phơi đủ rồi, bác sĩ vất vả quay người lại, nằm sấp trên đất để ánh nắng chiếu vào phía lưng.
Cuộc sống thỏ bông rảnh rỗi quá mức này, bác sĩ cũng đã quen. Nhưng anh chép cái miệng thỏ, vốn là một người ham ăn, mấy tháng nay đều không ăn được chút gì, anh cảm thấy rất khó chịu.
Thật nhớ món bánh bao canh gạch cua của cửa tiệm bên kia đường! Nhớ bánh xốp Ngô Sơn đầu phố! Lại còn món súp ngô quế hoa Tây Hồ trước cổng viện nữa!
À, vừa nghe hình như thấy có chuyển phát nhanh gửi tới, kỳ lạ thật, chủ tiệm lại biết đi mua đồ à? Hoặc là, ai đã gửi đồ cho chủ tiệm?
Lòng hiếu kỳ của bác sĩ trỗi dậy, mặc kệ việc mình còn chưa phơi khô hẳn, bò bằng tứ chi từ ban công vào trong quầy, vừa hay bắt gặp chủ tiệm đang ngây người nhìn một chiếc hộp gấm.
"Đây là đồ của ai gửi tới? Ô? Là một con xúc xắc?" Chiếc hộp gấm không lớn, bác sĩ nhìn thấy ngay thứ đồ trong đó. Đó là một con xúc xắc rất bình thường, chất liệu có màu vàng nhạt, chắc là làm bằng ngà voi. Bác sĩ nghiêng đầu nhìn lên hóa đơn dán trên gói đồ, nhìn vào dòng địa chỉ người gửi, cảm thấy rất quen thuộc.
"Địa chỉ này... đây chẳng phải là bệnh viện chỗ tôi làm sao?" Bác sĩ thất thanh, trong bệnh viện này bây giờ có ai quen biết gã chủ tiệm? Câu trả lời chẳng phải quá rõ rồi sao? Bác sĩ lập tức đề cao cảnh giác, đi quanh chiếc hộp gấm trên mặt quầy, sợ bên trong có đồ nguy hiểm gì như lựu đạn chẳng hạn. "Con xúc xắc này là Phù Tô gửi tới? Hắn muốn gì đây?"
Chủ tiệm thấy bác sĩ đã làm cho mặt quầy ướt sũng, bèn phải kéo anh lên, dùng cặp để cặp đôi tai thỏ treo ra ngoài ban công phơi nắng và hong gió luôn. Vừa lau mặt quầy, chủ tiệm vừa kể lại câu chuyện của con xúc xắc ngà, sau đó than thở: "Con xúc xắc ngà này tôi vẫn cất ở trong quầy đánh dấu chữ "Thiên", đợt trước cứ tìm nó mãi, không ngờ lại được gửi về đây".
"Tên Phù Tô này hóa ra còn là một tên trộm!" Bác sĩ liền nổi cáu, nhưng bây giờ anh đang bị cặp trên dây phơi, chỉ có thể lắc qua lắc lại cái thân thỏ tròn ung ủng của mình.
"Chắc không phải Phù Tô lấy đi, có lẽ là con chim Minh Hồng khi đánh nhau với chim Tam Thanh đã tiện thể cắp đi". Gã chủ tiệm mím môi, hai con Minh Hồng và Tam Thanh đánh nhau không chỉ có một lần, sau khi Minh Hồng bị thua một lần, thỉnh thoảng lại tìm thời cơ đến để đánh nhau với Tam Thanh, tuy chúng cũng biết chú ý không phá hoại Á Xá, nhưng vẫn thường khiến mọi thứ rối tung lên. Chủ tiệm còn nghĩ có nên tìm cho Tam Thanh một phòng riêng để làm phòng đấu võ không.
Bác sĩ hừ một tiếng, cảm thấy khó hiểu: "Nghe anh vừa nói lai lịch của xúc xắc ngà, anh từng kể cho hắn rồi phải không? Con chim đỏ ấy chắc là không phải vì tức khí mà cắp viên xúc xắc đi, chắc chắn nó biết viên xúc xắc là món đồ cổ đế vương, nên muốn phá hoại kế hoạch của anh!" Bác sĩ càng nói càng cảm thấy mình phân tích đúng, anh khoanh tay trước ngực tỏ vẻ tức giận. Anh vẫn biết chủ tiệm tháng này chưa đi chôn đồ cổ để phá trận, bởi vì chưa tìm được thứ đồ cổ đế vương thích hợp. Nhưng bác sĩ bỗng đưa mắt nhìn hộp gấm trên mặt quầy, tò mò hỏi: "Kỳ lạ nhỉ, nếu như Phù Tô muốn ngăn cản anh phá trận, vì sao lại gửi trả lại con xúc xắc ngà này cho anh? Chẳng lẽ là đồ giả?"
"Không phải đồ giả". Đôi mắt chủ tiệm cụp xuống, hít thở sâu một hơi: "Hắn đang muốn hỏi tôi, có dám đánh cược không...".
"Đánh cược?" Bác sĩ nghe xong càng thấy khó hiểu, anh giãy giụa nhảy xuống khỏi dây phơi.
Chủ tiệm đưa tay với lấy viên xúc xắc ngà trong hộp gấm, cảm giác vẫn trơn bóng mịn màng như hơn ngàn năm về trước: "Thực ra khi đứng ở những ngã rẽ cuộc đời, mỗi người đều phải đưa ra lựa chọn quyết định. Bất kể là chọn con đường nào, nhiều năm sau nhìn lại cũng đều sẽ hối hận. Bởi vì không ai biết chọn con đường còn lại thì sẽ có kết quả ra sao, và cũng không thể biết được".
"Sau đó thì lại tưởng tượng có lẽ lựa chọn còn lại của năm xưa tốt hơn thì sao? Đúng là lòng người tham lam không đáy!" Bác sĩ bĩu môi, không cảm thấy có gì lạ.
"Vì thế thực ra chẳng hề có chuyện đánh cược hay không đánh cược". Chủ tiệm vân vê viên xúc xắc đã lâu lắm mới thấy lại, rồi lại để trở lại hộp gấm, "Thế gian đâu thể tròn đôi ngả..."
(Trích thơ của Đạt Lai Lạt Ma đời thứ VI Tsangyang Gyatso: "Thế gian đâu thể tròn đôi ngả, không phụ Như Lai chẳng phụ nàng")
Bác sĩ lặng lẽ nhìn hành động của gã, trầm ngâm một hồi lâu, bỗng nhiên cất tiếng: "Tôi cảm thấy hắn không phải có ý đó đâu!"
Chủ tiệm đang định cất hộp gấm đi bỗng dừng tay, nhưng gã chưa quay đầu lại.
"Chắc hắn đang nhắc nhở anh, đừng nên hối hận với con đường hôm nay anh lựa chọn...". Đôi tai thỏ của bác sĩ rủ xuống, có phần chán nản. Chủ tiệm hiểu rõ Phù Tô, làm sao mà không nhìn ra ý của hắn. Chẳng qua gã không muốn nói, để anh khỏi lo mà thôi.
Chủ tiệm cất hộp gấm đi, quay lại cầm đôi tai thỏ của bác sĩ lên, tiếp tục lôi anh ra treo lên dây phơi cho khô.
"Nếu lựa chọn con đường nào cũng phải hối hận, vậy thì còn do dự làm gì? Chỉ cần không hổ với bản tâm là được".
Tiệm Đồ Cổ Á Xá- Quyền 3 Tiệm Đồ Cổ Á Xá- Quyền 3 - Huyền Sắc Tiệm Đồ Cổ Á Xá- Quyền 3