A friend is someone who knows all about you and still loves you.

Elbert Hubbard

 
 
 
 
 
Tác giả: Huyền Sắc
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Hân Vũ/huy Hoàng
Biên tập: Nguyen
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 89 / 4
Cập nhật: 2019-12-06 08:49:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3: Vô Tự Bi
Lục Tử Cương đứng trước cửa Á Xá, ngây người một lúc nhìn tấm biển cổ kính treo trên đầu, chần chừ một hồi mới đẩy cánh cửa khắc hoa nặng trịch.
Thực ra mới chỉ hai năm trước, khi đi chơi ở Hàng Châu, anh mới phát hiện ra hàng đồ cổ này. Mới nhìn qua, anh đã thấy hình như quen quen, nhưng anh có thể thề rằng trước giờ chưa hề tới đây bao giờ.
Nhưng mỗi khi gặp vấn đề gì về cổ vật khó giải quyết, thì đều nghĩ đến nơi này. Lần này cũng vậy, sau chuyến công tác Tây An, về Bắc Kinh không ai giải đáp nổi những nghi ngờ, liền lập tức đáp máy bay bay tới thành phố này.
Cánh cửa gỗ khắc hoa mở ra, Lục Tử Cương lại hơi ngây người ra trước bài trí nội thất trong tiệm, mỗi lần đến đây, đều cảm thấy cách bài trí có chút vấn đề. Ví dụ như chiếc đĩa men xanh trắng thời Tống không nên để ở đây, mà nên để ở chỗ khác. Đèn cung Trường Tín cũng không phải có hai cây, anh nhớ không chỉ ở ngoài cửa mà bên trong tiệm cũng phải còn hai cây nữa. Đấy, còn cái lư hương Bác Sơn hình rồng nạm vàng tại sao lại có một vết nứt? Lại còn bức tượng đồng trông có vẻ giống tượng binh mã Tần Thủy Hoàng nhưng thực ra lại hoàn toàn khác, ở đâu ra đây?
Những ý nghĩ lộn xộn như nổ tung trong đầu Lục Tử Cương, khiến anh thất thần một lúc, rồi bất ngờ bật ra một câu: "Sao tiệm bây giờ lại bé thế này?". Nói xong thì hối hận, tiệm đồ cổ này rõ ràng không hề chuyển đi, vì sao anh cứ cảm thấy nó bé nhỉ?
"Vì tiền phòng đắt quá...". Một tiếng cười nhàn nhạt cất lên.
"Cũng phải, tiền phòng mấy năm nay đúng là chết người! Lương cả tháng trời không ăn không uống cũng chẳng mua nổi một mét vuông!". Cái tính hung hăng ghét nhà giàu của Lục Tử Cương lập tức trỗi dậy, gật đầu tỏ ra rất đồng cảm, nhưng lại dừng lại luôn. Gã chủ tiệm này lừa ai vậy? Với con mắt một nghiên cứu viên thực tập tại bảo tàng quốc gia, anh biết tiệm này cứ lấy bừa một món đồ cổ ra, là có thể mua được cửa hàng xa hoa nhất ở khu đất đẹp nhất Hàng Châu rồi. Cho nên tiệm đồ cổ nằm lọt thỏm trong một khu phố buôn bán bé xíu này chỉ vì một nguyên nhân, đó là gã chủ tiệm không muốn bán đồ cổ.
Lục Tử Cương quay đầu nhìn, phát hiện ra gã chủ tiệm không còn mặc chiếc áo Trung Sơn cũ nữa, mà thay bằng một chiếc sơ mi đen thời thượng. Trên tay áo và vạt áo đều thêu hình mây màu đỏ thẫm, vừa cổ điển vừa hiện đại, trông rất đặc sắc. Hơn nữa cũng như chiếc áo Trung Sơn cũ, cũng thêu một con rồng đỏ rất sống động, đầu rồng ghếch lên vai phải của chủ tiệm, thân rồng uốn khúc đằng sau lưng, khiến chiếc áo trở nên quý phái.
"Sao lại đổi phong cách rồi? Chiếc áo Trung Sơn cũ rất đẹp mà!". Lục Tử Cương nhăn mày, lời nói chưa đi qua não đã ra đằng mồm: "Áo Trung Sơn kết hợp giữa những nguyên tố cổ điển và hiện đại, và còn mang rất nhiều ý nghĩa nữa! Ví dụ như bốn túi may đằng trước đại diện cho lễ, nghĩa liêm, sỉ... À, phải rồi, tôi nhớ là cái áo của anh không may túi. Nhưng không sao, năm chiếc cúc trên áo là thể hiện ngũ quyền phân lập, đại diện cho hành chính, lập pháp, tư pháp, kiểm tra, giám sát, phân biệt với tam quyền phân lập của phương Tây. Ba cúc trên tay áo đại diện cho chủ nghĩa tam dân: dân tộc, dân quyền, dân sinh. Sau lưng không có đường may, biểu thị quốc gia hòa bình thống nhất... Truyền thống và giàu ý nghĩa lắm đấy! Áo Trung Sơn còn hay hơn nhiều với những thứ bây giờ gọi là Hán phục Đường trang gì đó! Để tôi nói cho anh biết, Hán phục mặc dù hoa mỹ, nhưng lại là ống tay lớn, không tiện vận động. Đường trang tuy có chữ Đường, nhưng lại là áo cưỡi ngựa của triều Thanh, không thể đại diện cho dân tộc Hoa Hạ...". Lục Tử Cương đột nhiên ngừng lời, vì anh phát hiện ra mình lại mắc chứng nói nhiều, gãi đầu ngượng nghịu: "Xin lỗi nhé, tôi cứ thấy cái gì hiện đại là lại phải so sánh nổ với đồ cổ, chắc là bệnh nghề nghiệp".
Gã chủ tiệm cười khoan dung, lấy trong quầy ra hai chiếc chén tống Ca Dao xanh pha hồng, đun một ấm nước sôi, pha hai chén trà.
(Chén tống là chén lớn có nắp, Ca Dao là một trong năm lò gốm nổi tiếng của Trung Quốc cổ đại)
"Anh Lục hình như đã tới mấy lần, bài thi năm ngoái đã qua chưa?"
Lục Tử Cương thấy gã chủ tiệm còn nhớ tới anh ta, vui mừng hẳn lên, cười đáp: "Qua rồi, bây giờ tôi vào bảo tàng quốc gia làm nghiên cứu viên thực tập". Anh cầm chiếc chén xanh pha hồng lên, tò mò nghiên cứu một lúc, sau khi xác nhận chiếc chén đúng là đồ cổ Ca Dao cuối thời Tống, anh cũng không nói thêm câu nào. Lục Tử Cương lấy tay trái kéo khay trà lại, rồi khẽ nhấc nắp lên, ngửi hương thơm nồng của trà, sau đó khẽ nhấp một ngụm trà, lim dim mắt thỏa mãn nói: "Búp trà vừa kịp mở, nước trà trơn nhuận, là trà Long Tỉnh Minh Tiền loại thượng hạng, hôm nay tôi có phúc rồi".
Gã chủ tiệm cười, cũng uống theo một ngụm. Thực ra trong số mấy người này, có Lục Tử Cương là hợp với gã nhất, có thể do kiếp trước nữa, người này lớn lên ở trong Á Xá, nên rất có duyên với gã. Bây giờ những người xung quanh gã không có ai có được tính thoải mái như Lục Tử Cương nữa. Bác sĩ thì không hiểu những thứ này, chỉ uống giải khát. Ông giám đốc thì hiểu trà, tiếc là lại quá cẩn thận với cổ vật, bắt ông ta cầm chén Ca Dao đời Tống để uống trà, chỉ sợ là còn khó chịu hơn việc bóp cổ ông ta rồi cho uống. Còn tay họa sĩ kia thì chỉ biết đến mỗi vẽ tranh, còn lại đều không có hứng thú. Đại sư thì chắc là hứng thú hơn với việc xem chiếc chén bán được bao nhiêu tiền...
Hai người mỗi người cầm chén trà của mình uống chậm rãi, trong Á Xá tràn ngập một hương vị u tịch mà dễ khiến người ta say.
Lục Tử Cương thưởng thức hương trà trong miệng cảm thấy bình an lạ lùng, như thể cảnh tượng này đã diễn ra cả trăm ngàn lần trong đời, quen thuộc đến ngạc nhiên. Con người ở trước mặt kia, Lục Tử Cương hoàn toàn không dò đoán nổi, nhìn lần đầu thì là một nam thanh niên tướng mạo bình thường, nhưng càng nhìn càng giống những món cổ vật phủ bụi dưới đất, chỉ cần phủ sạch bụi bặm, tẩy sạch gỉ sét, là sẽ lại tỏa sáng rực rỡ. Nghĩ rồi lại nhìn con người ấy, phát hiện ra đằng sau làn khói mờ ảo của chén trà, dù là đôi mắt hay gương mặt, cũng đều thấm đẫm màu tuế nguyệt, khiến người ta nhìn mãi không thôi.
Đến lúc uống hết chén trà, gã chủ tiệm tiếp thêm nước cho anh, Lục Tử Cương mới định thần, nhớ ra ý định của mình, vội vàng mở ba lô đeo sau lưng ra.
"Chủ tiệm này, hồi trước tôi đi Tây An, có người đưa cho thứ này, anh học rộng hiểu nhiều, xem thử lai lịch của nó thế. nào?" Lục Tử Cương vừa nói vừa đưa một miếng ngọc lớn cỡ bàn tay ra.
Đây là một viên đá vàng bóng loáng, bên trong thấp thoáng đường vân như vân trên củ cải, màu sắc đậm bên ngoài và nhạt dần vào bên trong. Viên đá được điêu khắc thành hình chiếc bia đá thu nhỏ, trên trán bia không đề chữ, chỉ thấy trên đầu khắc tám con si long, quần tụ một chỗ rất khéo, từng chiếc vảy rõ ràng, gân cốt mạnh mẽ, sống động như thật. Hai bên tấm bia là hình rồng bay lên, mỗi bên là một con rồng lớn múa lượn, nghệ thuật khắc rất tinh xảo. Chỉ tiếc rằng đây là nửa trên của tấm bia, ở giữa bị đao sắc chặt đứt, lộ ra mặt cắt trên đá.
(Có thuyết kể rằng si long là con thứ hai củarồng (rồng sinh chín con), hình dáng ngắn hơn rồng, thường dùng làm hình trangtrí trên mái nhà, người Trung Quốc quan niệm si long có thể phòng hỏa hoạn)
"Đây chắc là đá Điền Hoàng "mỗi lạng Điền Hoàng hai lạng vàng", nhưng "hoàng kim dễ kiếm, Điền Hoàng khó tìm", nên theo giá cả thị trường bây giờ, phải là một lạng Điền Hoàng đổi ba cân vàng, một cái giá trên trời không thể nghi ngờ". Lục Tử Cương ngừng một lát, rồi nói: "Nhưng sự đặc biệt của tấm bia này không phải ở chất liệu, mà là hình điêu khắc...".
Gã chủ tiệm ngẩng đầu, nhìn thẳng vào mắt Lục Tử Cương, hai người đều tìm thấy đáp án trong mắt người kia, đồng thanh nói: "Vô Tự Bi".
Trong lịch sử Trung Quốc có rất nhiều Vô Tự Bi, nhưng nổi tiếng nhất phải kể tới tấm ở Càn lăng, Ly Sơn. Đó là tấm bia được nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Hoa - Võ Tắc Thiên dựng lên, hình trang trí đặc biệt trên đầu tấm bia và trên mặt bia không có một chữ nào, chỉ nhìn là lập tức nhận ra ngay.
Gã chủ tiệm cũng không hỏi Lục Tử Cương lấy tấm bia này từ tay ai, mà trả lại tấm bia trong tay cho Lục Tử Cương, quay người đi vào nhà trong.
Lúc này dù Lục Tử Cương đang uống trà Long Tỉnh Minh Tiền thượng hạng, cũng không thấy mùi vị gì nữa.
Đợi khoảng một tuần trà, gã chủ tiệm bước ra, trong tay cầm một chiếc hộp gấm to cỡ bàn tay. "Đây là một tấm đá tôi có được nhiều năm trước, mãi không rõ lai lịch của nó ra sao."
Tim Lục Tử Cương đập thình thịch, hồi hộp nhìn vào trong chiếc hộp gấm. Chỉ thấy một miếng đá có chất giống hệt miếng trong tay anh nằm trong đó, hình khắc rồng bay bên cạnh cũng như từ một khuôn đúc ra.
"Có vẻ đúng là khắc theo hình Vô Tự Bi trong Càn lăng, nhưng thứ này xem ra không phải là mới khắc, niên đại cũng rất xa xôi rồi". Đá khắc Thọ Sơn là khó giám định niên đại nhất, bởi vì C14 chỉ có thể giám đinh chất hữu cơ, nên chỉ có thể phán đoán dựa trên phong cách điêu khắc. So với nó thì việc kiểm tra niên đại của đồ ngọc đơn giản hơn đôi chút, không chỉ là phong cách điêu khắc, mà đồ ngọc còn hình thành các loại vân tâm ngọc khác nhau do những vật chất khác thẩm thấu, đá Thọ Sơn thì rất ít khi có sự biến đổi đó. Vậy nên sau khi Lục Tử Cương mang nửa tấm bia về Bắc Kinh, đã mời rất nhiều người xem, đều nhất trí cho rằng chất đá rất quý, nhưng là đồ giai đoạn cận đại thôi.
(Một chất đồng vị phóng xạ của Carbon, người ta dùng chu kì bán rã của C14để xác định niên đại sinh vật)
Điều này cũng có thể hiểu được, đá Thọ Sơn chỉ nổi lên từ thời Tống trở về sau, và được sưu tập thì càng muộn, thời kỳ Minh Thanh là thời kỳ đỉnh cao. Nhưng Lục Tử Cương lại cảm thấy có vấn đề, ai rảnh rỗi đến mức dùng loại đá quý như đá Điền Hoàng để khắc Vô Tự Bi! Nên mới đến Á Xá một chuyến.
Gã chủ tiệm nhắm mắt nghĩ ngợi một hồi, mở mắt ra, buông một câu bình thản: "Đồ khắc đá Thọ Sơn xuất hiện sớm nhất là tượng đá Nam Triều, nhưng kỹ thuật thô sơ, sau này ngoài việc làm đồ tang lễ, thì chưa thấy trường hợp nào sưu tầm cả".
(Thời kỳ Nam Bắc Triều (420 - 589 CN), trong đó Nam Triều là chỉ bốn triều đại đóng đô ở phía Nam Trung Hoa bao gồm Tống, Tề, Lương, Trần)
Lục Tử Cương giật giật mí mắt, hỏi tiếp: "Ý của anh là, tấm Vô Tự Bi này, thực ra là đồ tùy táng?".
Gã chủ tiệm thở dài: "Năm xưa tôi kiếm được nửa dưới của tấm bia này, luôn cảm thấy rất giống như cái bài vị..."
Lục Tử Cương thấy lạnh sống lưng, phàm là đá có khắc chữ, đều gọi là bia được. Thực ra Vô Tự Bi vốn là một sự tồn tại vô lý, nhưng lại rất hợp với vị nữ hoàng độc nhất trong lịch sử Trung Quốc là Võ Tắc Thiên.
Có điều miếng đá Điền Hoàng trong tay anh thì rất thú vị, nếu đúng là đồ tuẫn táng, thì có nghĩa đây là đồ tuẫn táng được trộm ra từ Càn lăng... Nhưng nếu phán đoán từ ghi chép lịch sử và kết quả thám trắc, thì rõ ràng Càn lăng không hề bị trộm... Lục Tử Cương nghĩ mãi không ra, lại lôi nửa miếng đá trong hộp gấm ra cầm bên tay trái, rồi khớp hai miếng đá trên hai tay lại với nhau, mặt cắt ghép khít với nhau, như chưa từng bị cắt.
Lục Tử cương ghé mắt lại gần quan sát kỹ, chợt nhận ra mắt mình không nhìn ra được chỗ khác, ánh sáng vàng như phóng lên mấy lần trong mắt, còn cơ thể thì không tài nào cử động nổi, như bị thứ ánh sáng vàng bóng đó nuốt chửng...
2
"Tri Thông! Tri Thông! Tri Thông chàng đừng chết..."
Lục Tử Cương tỉnh dậy trong bóng tối bởi tiếng khóc than của một cô gái. Anh lơ ngơ mở mắt, thì phát hiện ra một cô bé đang gụclên người anh khóc lóc. Cô bé này xem chừng mới chỉ mười ba mười bốn tuổi, mithanh mục tú, da trắng như tuyết, tuy tuổi còn nhỏ, nhưng cũng thấy lớn lên ắt là mỹ nữ. Nhưng điều khiến Lục Tử Cương kinh ngạc không phải là dung mạo của cô gái nhỏ, mà là trang phục của cô.
Áo tay hẹp, là loại phục sức phổ biến cuối Tùy đầu Đường. Thời kỳ Tùy Đường thịnh hành kiểu áo nhỏ tay hẹp, không phải vì tiết kiệm vải vóc mà là kiểu áo tay hẹp tiện cho việc cưỡi ngựa du ngoạn của người Hồ trở thành loại trang phục được phụ nữ yêu thích. Lục Tử Cương biết rất tường tận về vật phẩm cổ đại, nên chỉ cần nhìn áo trên người là đoán được ngay ra tình hình, anh nhìn một lượt các loại phục sức trên người và trang điểm trên mặt cô hé, trong lòng không khỏi tán thán.
Trên mặt cô bé này không phải kiểu trang điểm giống hệt nhau như trong phim truyền hình, mà là vẽ mày kiểu "mày ngài" rất thịnh hành thời Sơ Đường. Hai hàng lông mày tô rộng mà ngắn, hình giống như con ngài, mà dùng gỉ đồng đen để vẽ, là loại nguyên liệu vẽ mày của nhà thường dân, nên lông mày cô gái có màu xanh đen rất nổi bật, nếu nhìn theo con mắt hiện đại thì là kỳ quặc, nhưng đúng là kiểu trang điểm thời thượng thời Sơ Đường. Lục Tử Cương thậm chí chỉ cần nhìn lông mày là có thể phân tích ra, xuất thân của cô bé này không có gì đặc biệt, nhưng áo mặc trên người thì có vẻ quý phái, gia đình thường dân không dùng được, nên có vẻ rất kỳ lạ.
Đây là phim truyền hình ở đâu quay đây? Đạo cụ cũng cẩn thận gớm! Đến hóa trang cũng rất giống, dù quần áo hơi sang trọng quá, không hợp lắm với trang điểm đơn giản, nhưng cũng là rất khéo rồi.
Nhưng ý nghĩ đó vừa vụt qua trí óc Lục Tử Cương thì đã bị chính anh dập tắt. Vì bây giờ không phải lúc anh xem phim, mà là đang đóng phim. Có điều anh không thể nhớ nổi tại sao mình ở đây, không phải là anh đang uống trà với gã chủ tiệm Á Xá hay sao? Sau đó họ đã xác nhận, miếng đá Điền Hoàng này là một tấm Vô Tự Bi thu nhỏ...
Lục Tử Cương định quay đầu một chút, thì sợ hãi nhận ra mình không thể cử động nổi, không chỉ là không động đậy được, mà thậm chí không còn cảm giác gì, chỉ có thể mở trừng trừng đôi mắt, nghe cô gái vừa khóc lóc vừa nói: "Tri Thông, thiếp biết chàng muốn lấy thiếp, nhưng sau khi cha thiếp ra đi hai năm trước, thì hai anh trai khác mẹ trong nhà lại càng hay chê bai chế giễu bốn mẹ con thiếp, dù thiếp có thể lấy chàng để ra khỏi tù ngục này, nhưng còn mẹ thiếp thì phải làm sao? Thiếp chỉ có thể vào cung để tìm chút vận may thôi...".
Từ tiếng khóc than của cô bé gái, Lục Tử Cương chắp nối được một câu chuyện: Người cha qua đời, vì vấn đề gia sản mà bị ghẻ lạnh. Đây đúng là một phiên bản của cô bé Lọ Lem, CÓ điều không có bà tiên và chiếc xe bí ngô nào, cũng không có giày pha lê và phép thuật, cô bé này vẫn nhất quyết vào cung để thực hiện giấc mơ. Thì ra y phục và trang điểm đều là thật. Cô bé hồi xưa được cha yêu thương, đương nhiên là có đồ sang trọng để mặc, nhưng son phấn đắt đỏ của Giang Nam bây giờ không mua được rồi, đành phải học con gái nhà thường dân, cạo gỉ đằng sau gương đồng để vẽ.
Quả là chân thực, không tìm nổi một kẽ hở nào trong từng chi tiết.
Lục Tử Cương nhìn tay của "mình" run run nhấc lên, bàn tay gầy gò dính đầy máu, đó không phải cơ thể của anh.
Đầu óc Lục Tử Cương trấn tĩnh lại sau một hồi hoang mang, đoán rằng mình đã gặp phải hiện tượng nào đó không giải thích được, nhìn thấy sự việc cách đây hơn ngàn năm.
Ảo ảnh trên biển cũng thế còn gì? Nhưng hiện tượng anh gặp phải rõ ràng là kỳ lạ hơn cả ảo ảnh trên biển, không chỉ thấy hình ảnh rất rõ ràng, mà còn nghe được cuộc đối thoại.
Anh nghe thấy cơ thể "mình" đang nói thều thào gì đó, thì mới hiểu sự tình này nguyên do thế nào.
Thì ra chàng Tri Thông này hẹn cô gái ra gặp mặt trong núi, muốn cô gái bỏ ý định vào cung hầu hạ hoàng thượng đi. Nhưng hai người cãi nhau, và không rõ là cô gái lỡ tay đẩy chàng trai xuống vực, hay anh ta tự trượt chân ngã, dù gì thì ở chỗ đó có kêu cứu cũng không ai nghe được, mong đợi một cô gái chỉ lớn bằng học sinh cấp hai cõng chàng ra ngoài là việc không thể xảy ra.
Lục Tử Cương thầm nghĩ, khoa học kỹ thuật hiện đại vẫn hơn, lúc đó lấy điện thoại ra gọi 110 hoặc 120, sóng di động phủ toàn cầu, tuyệt đối không thể có tình trạng gọi trời trời không đáp, gọi đất đất không thưa.
(Số cảnh sát và số cấp cứu)
Lục Tử Cương chỉ có thể nhìn thấy những gì Tri Thông nhìn thấy, nghe được những gì Tri Thông nghe được, ngoài ra thì không thể làm gì. Nên khi anh thấy hình ảnh trước mắt ngày càng mờ dần, là biết tình trạng của Tri Thông không ổn, sợ là đã cận kề cái chết.
Anh cố nghĩ xem trong lịch sử có ai tên là Tri Thông hay không, sau một hồi không kết quả, Lục Tử Cương bất giác tự cười mình. Anh con trai này chẳng qua cũng mới mười lăm mười sáu tuổi, chỉ là con một nhà buôn bình thường, hơn nữa lại sắp chết đến nơi, thì làm sao có thể có tên tuổi gì ghi trong sử sách?
Trong lúc mắt ngày càng mờ ảo dần, Lục Tử Cương bỗng nghe cô bé nói câu cuối cùng.
"Gặp thiên tử biết đâu là phúc hay không...".
Lục Tử Cương giật mình, câu nói nổi tiếng này, thân thế của cô gái này, tuổi này... Chẳng lẽ, cô bé gái anh vừa thấy, chính là Võ Tắc Thiên trước khi vào cung?
Nhưng thời gian không cho anh nghĩ nhiều, tâm trí lại lần nữa bị dòng xoáy ánh sáng vàng nuốt mất, hình ảnh cuối cùng nhìn thấy, là Võ Tắc Thiên vị thành niên đưa tay về phía anh, chầm chậm vuốt mắt cho người con trai tên Tri Thông...
3
Lần này bóng tối không kéo dài quá lâu, khi Lục Tử Cương mở mắt ra lần nữa, phát hiện ra mình không còn ở vực núi hoang dại đó nữa, mà ở trong một căn phòng xa hoa trầm mặc vô cùng.
Thế nào là xa hoa mà trầm mặc, tức là nhìn qua thì đồ đạc chẳng có gì nổi bật, nhưng để ý kỹ mới thấy vô cùng tinh xảo, mỗi thứ đồ đặt ở đâu đều mang rất nhiều tâm huyết, cảm giác tao nhã vô cùng.
Vừa mở mắt ra, phản ứng đầu tiên của Lục Tử Cương vẫn là mình ở một trường quay nào đó, nhưng rồi anh nhìn thấy một gương mặt quen thuộc.
Lúc này Lục Tử Cương đã đoán ra cô gái kia là Võ Tắc Thiên, bèn bắt đầu dò xét thử. Người con gái dung mạo mê hồn, đôi mắt dài yêu kiều, da trắng như tuyết, người mặc cúc y, đầu chải búi phi thiên, tóc cài thoa đồi mồi, trang điểm tinh tế. Màu vẽ mày đã không còn là gỉ đồng cho nhà nghèo nữa, mà là màu Thanh Tước xanh thẫm của Tây Vực, vẽ mi "hàm yên" rất quý phái. Nhìn cô ta đã khoảng hơn hai mươi tuổi, không còn cảm giác cô thiếu nữ tuổi hoa ngày xưa nữa, đã hoàn toàn thay đổi, tràn đầy sự tự tin và kiêu ngạo, như một bông hồng có gai.
(Áo ống rộng màu đỏ thẫm mặc mùa xuân dành cho hoàng hậu và các quan lớn)
Hội họa cổ đại Trung Hoa chỉ trọng thần thái không trọng hình thức, không ai có thể thông qua tranh cổ trừu tượng mà hình dung được tướng mạo thực sự của các nhân vật lịch sử, nên Lục Tử Cương nhìn không chớp mắt, cố gắng ghi lại hình ảnh này trong trí não.
Ai ai cũng biết câu "Yến gầy Hoàn mập", "Yến" là chỉ nàng Triệu Phi Yến thời Hán Thành Đế, "Hoàn" là chỉ Dương Quý Phi thời Đường Huyền Tông, thời Hán coi gầy là đẹp, thời Thinh Đường coi béo là đẹp, đều là thẩm mỹ quan có phần cực đoan. May mà lúc này là thời Sơ Đường, còn chưa có quan niệm béo đẹp, Võ Tắc Thiên đúng là vẻ đẹp hơn người, tuyệt đối không thua kém bất cứ minh tinh nào Lục Tử Cương thấy trên huyền hình.
Không hổ là nữ hoàng Võ Tắc Thiên, tuổi của cô ta hiện giờ cũng tầm hai mươi lăm hai mươi sáu, chắc vẫn là tài nhân của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Lục Tử Cương nhớ rất rõ, Võ Tắc Thiên mười bốn tuổi vừa vào cung đã được phong làm tài nhân, ban cho tên gọi là Mị Nương. Vì từ nhỏ đã học rộng, thơ ca từ phú đều tinh thông, giỏi thư pháp, nên được ở ngự thư phòng hầu bút mực. Hầu hạ bút mực liền mười hai năm, chức vị tương đương với thư ký riêng của Đường Thái Tông. Ngày ngày nàng tiếp xúc với tấu chương công văn, đọc toàn điển chương sách vở dành riêng cho hoàng đế. Có thể nói, Đường Thái Tông là thầy giáo chính trị vỡ lòng của Võ Tắc Thiên, nếu như không có sự học tập và tích lũy mười hai năm đó, thì sẽ không có nữ hoàng Võ Tắc Thiên sau này.
Nhưng, hiện tại đang xảy ra chuyện gì?
Lục Tử Cương nhận ra Võ Tắc Thiên tương lai, Võ tài nhân của hiện tại, đang đứng dựa tường cách anh vài bước chân còn cơ thể hiện tại của anh thì đang mềm nhũn, ngồi dựa vào ghế. Cũng như lần trước, không có cách nào điều khiển nổi cơ thể này, chỉ có thể nhìn và nghe. Lục Tử Cương nhìn thấy một cánh tay ngọc ngà tô móng đỏ, mới biết lần này mình ở trong thân thể một cô gái.
Nhìn thấy cánh tay như đang cố nén đau, nắm chặt lấy vạt váy, Lục Tử Cương đang nghi hoặc thì nghe thấy Võ Tắc Thiên phía đối diện cất tiếng lạnh lùng: "Thục Liên, ngươi và ta tuy tình như chị em, ngươi luôn rất tốt với ta, nhưng ngươi không nên lấy việc đó ra để uy hiếp ta".
"Ơ... ơ...". Người được gọi là Thục Liên, cũng chính là người phụ nữ mà Lục Tử Cương đang nhập bên trong, từ cổ họng phát ra tiếng kêu yếu ớt, rõ ràng là đã bị ai đó đầu độc không nói được. Không thể cất tiếng, cũng không thể đứng dậy chạy.
Võ Tắc Thiên từng bước tiến lại phía anh, Lục Tử Cương thấy lạnh toát, nghĩ đến cái gã xui xẻo tên là Tri Thông kia, có vẻ cũng là vài phút cuối đời bị anh nhập vào, chẳng lẽ cô Thục Liên này cũng sắp tàn đời rồi?
Võ Tắc Thiên vốn không hề hay biết cơ thể kia đã bị đổi hồn. Cô ta đưa tay ra, nhẹ nhàng vuốt lên má Thục Liên, đôi môi cong mỹ miều lại thốt ra những lời khiến người khác phải run sợ: "Trong cung này muốn kẻ nào đó chết không dấu vết là quá dễ dàng. Ta không muốn bị biến mất như thế, cũng không muốn mòn mỏi chờ đợi không có tương lai, cho nên, đành phải có lỗi với Thục Liên nhà ngươi rồi..."
Lục Tử Cương nhìn Võ Tắc Thiên rất gần, càng thấy cô ta đẹp đến mê hồn.
Không hiểu cô Thục Liên này đã biết được chuyện bí mật gì? Mà phải để Võ Tắc Thiên quyết tâm đích thân ra tay hạ độc giết chết cô ta?
Lục Tử Cương đột nhiên nhớ ra một chuyện, năm Trinh Quán thứ hai mươi, Đường Thái Tông đã lâm bệnh nặng, quốc sự bèn giao cho thái tử Lý Trị xử lý. Sau này thái tử cách ngày lại lên triều, hết buổi chầu sáng thì hầu hạ thuốc thang ăn uống. Võ Tắc Thiên phụ trách văn thư triều đình qua lại bắt đầu tiếp xúc với Lý Trị, hai người cùng chăm bệnh bên Đường Thái Tông. Hai người tuổi tác gần nhau, lại ngày ngày gặp mặt, Lý Trị ngưỡng mộ kiến giải chính trị của Võ Tắc Thiên, Võ Tắc Thiên thì muốn gửi gắm nửa đời người cho Lý Trị, chàng có tình nàng có ý, nên có xảy ra chuyện gì thì cũng không kỳ lạ.
Nghĩ bụng cô Thục Liên này chắc cũng là cung nữ trong Ngự thư phòng, ngẫu nhiên bắt gặp gian tình giữa Lý Trị và Võ Tắc Thiên, nên khiến Võ Tắc Thiên phải ra tay.
Trong phút chốc Lục Tử Cương đã hiểu ra câu chuyện, bất giác cảm thán. Trong "Toàn Đường Thi" có bài "Như Ý Nương" của Võ Tắc Thiên viết:
"Khán chu thành bích tứ phân phân, Tiều tụy chi li vị ức quân. Bất tín tỉ lai trường hạ lệ, Khaitương nghiệm thủ thạch lựu quần."
(Nhìn đỏ thành xanh, dạ rối bời; Gầy hao tiều tụy nhớ chàng ơi. Nếu chàng chẳng tin đôi hàng lệ; Mở rương váy lựu lấy chàng coi.)
Cái tâm tình đến nỗi nhìn đỏ thành xanh, tất nhiên không phải viết cho Đường Thái Tông Lý Thế Dân đang nằm trên giường bệnh, chỉ có thể là viết cho thái tử hiện tại, sau này là Đường Cao Tông Lý Trị. Người đàn bà tài hoa đến thế, thủ đoạn đến thế, thì sao không đáng yêu, sao không đáng sợ? Cô ta rình rập ở ngự thư phòng mười hai năm, mới bắt được một tia hy vọng, đương nhiên không thể để bất cứ kẻ nào chặn đường mình.
Võ Tắc Thiên nhìn chằm chằm vào đôi mắt sắp chết của Thục Liên, bỗng trong một chớp mắt hình như nhìn thấy một ánh mắt khác lạ, đương kinh sợ muốn nhìn kỹ lại, thì con ngươi của Thục Liên đã vô hồn, không còn nhìn nữa, trở nên trống rỗng.
Có lẽ chỉ là ảo giác.
Võ Tắc Thiên xác định Thục Liên không còn thở, mới thở phào nhẹ nhõm. Chuẩn bị quay người bỏ đi như không có chuyện gì, thì lại cảm thấy đôi mắt nhìn chằm chằm vào cô ta rất khó chịu, lại phải đưa tay ra, lấy tay vuốt mắt cho Thục Liên.
Lục Tử Cương rất phấn khích, vì lúc anh tỉnh lại lần nữa thì phát hiện ra mình đang ở trong một cái nôi. Từ tiếng trẻ con ê a đến cánh tay mũm mĩm đưa vào miệng cắn cắn, và cả đồ đạc bày biện xung quanh, anh xác định lần này là mình nhập vào người đứa con gái của Võ Tắc Thiên mà nghe đồn là chết yểu từ khi mới sinh.
Anh nhận ra mình tổng cộng nhập vào ba người, hai người trước không nói đến trong sách sử, nhưng hiện tại người mà anh nhập vào, thì sách sử có ghi chép rõ ràng, và dã sử cũng có rất nhiều truyện. "Cựu Đường Thư" và "Tân Đường Thư" tuy đều không ghi chép chuyện tiểu công chúa chết yểu, nhưng trong "Tư Trị Thông Giám" của Tư Mã Quang thì chỉ rõ, Võ Tắc Thiên tự mình giết chết con gái, rồi giá họa cho Vương hoàng hậu.
Hổ dữ còn không ăn thịt con, chuyện mẹ giết chết con tuy rất kinh khủng, nhưng Võ Tắc Thiên sau này đâu chỉ có thế.
Huynh trưởng, con trai, con rể, cháu trai cháu gái đằng ngoại cháu nội... bà ta đều gián tiếp hoặc trực tiếp hạ lệnh giết. Nên đối với Võ Tắc Thiên, dùng một đứa bé gái mới sinh để đổi lấy ngôi hoàng hậu là cái giá hời.
Sau khi nghĩ ra hoàn cảnh của mình lúc này, Lục Tử Cương dần dần thôi không phấn khích nữa.
Sau khi Đường Thái Tông chết, Võ Tắc Thiên tới chùa Cảm Nghiệp làm ni cô, là một con rối được Vương hoàng hậu tìm để đối phó với Tiêu thục phi. Kết quả không ngờ một người đàn bà tưởng như vô hại, lại có thể khiến hậu cung dậy sóng to gió cả, thậm chí làm lung lay ngôi vị hoàng hậu của bà ta. Lục Tử Cương thậm chí có thể chắc chắn, lúc này Vương hoàng hậu đã tới thăm tiểu công chúa rồi, lát nữa Võ Tắc Thiên sẽ tới đây, làm một việc không dễ dàng gì.
Tính ra, Võ Tắc Thiên đã ba mươi hai tuổi, phụ nữ ở tuổi này mà vẫn được Lý Trị chuyên sủng trong khi hậu cung đầy mỹ nữ, cho thấy bà ta dùng những thủ đoạn cao minh mà người ngoài khó theo nổi.
Lục Tử Cương nghĩ, Võ Tắc Thiên trong hơn ba mươi năm qua, chỉ e số người bà ta hại chết là không ít, nhưng anh lại chỉ nhập vào ba người này, chứng tỏ bởi vì tấm Vô Tự Bi khắc đá kia, linh hồn của anh không hiểu sao lại tái hiện được cảnh tượng thời Sơ Đường. Mà mỗi người chỉ bị nhập vào khoảng năm phút, ba người này đều là những người tự tay Võ Tắc Thiên giết chết, còn lại gián tiếp bị chết thì không tính.
Gã chủ tiệm từng nói, đá Điền Hoàng vào thời Đường vẫn còn chưa được người ta sưu tầm nhiều, từ thời Nam Bắc Triều mới dùng nhiều trong tang lễ. Lẽ nào tấm Vô Tự Bi này chứa đựng sự oán giận của những linh hồn bị Võ Tắc Thiên hại chết, anh thì gặp đúng thời điểm, chỉ nhìn thấy hình nghe thấy tiếng, được trải nghiệm như xem ti vi?
Cho dù trải nghiệm này e rằng trên đời ngoài anh ra thì không còn ai có nữa, nhưng Lục Tử Cương vẫn có chút khó chịu. Dù hai người ban nãy anh nhập vào chẳng có liên quan gí tới anh, đều đã chết hơn ngàn năm nay rồi, nhưng anh vẫn phải giương mắt nhìn họ chết, nhập vào một cơ thể sắp chết, anh không thể không có cảm xúc gì trong lòng.
Đặc biệt là bây giờ anh đang trong một đứa bé còn chưa thể ngồi dậy. Đến một đứa trẻ mà Võ Tắc Thiên vẫn ra tay được sao?
Lục Tử Cương thực ra rất khâm phục Võ Tắc Thiên, có lẽ tâm lý sùng kính đó rất nhiều người đều có. Nhìn khắp năm ngàn năm lịch sử Trung Quốc, Võ Tắc Thiên là nữ hoàng chính thống duy nhất. Dù trước có Lã hậu, sau này có Từ Hi đều là những người đàn bà một tay che trời, nhưng đều chỉ vì quyền lợi riêng hoặc làm loạn triều chính. Còn Võ Tắc Thiên lại là một chính trị gia thành công, ổn định biên cương, phát triển kinh tế, đánh bại quân phiệt ngoại tộc... Cuộc trỗi dậy của Thịnh Đường có một phần công lao của bà, nếu không phải nhờ bà kế thừa quan niệm và thủ đoạn chính trị của Đường Thái Tông, chỉ dựa vào Đường Cao Tông yếu đuối, thì tuyệt đối không thể mở ra cơ nghiệp đó được. Cho dù là Đường Huyền Tông sau này, cũng thừa kế sự nghiệp của Võ Tắc Thiên, dù là nhà sử học khắt khe nhất cũng chỉ phê trong sử sách những tội danh chẳng đáng là bao của Võ Tắc Thiên như dâm loạn cung đình, chuyên quyền độc đoán...
Nhưng, vì mục tiêu cao cả, bà ta chấp nhận những thủ đoạn đê tiện sao?
Lục Tử Cương biết mình rất ngây thơ, người chơi cờ vây đều hiểu, thí quân là một chiến thuật rất cần thiết, không chỉ trong việc đánh cờ, mà trong chiến tranh, trong cung đình, trong ngoài triều đình, đều như vậy.
Không ai muốn làm con tốt thí.
Anh chàng Tri Thông đó, nếu không phải bị Võ Tắc Thiên vô tình đẩy xuống vực, không chừng đã trở thành thương nhân thành công, có sự nghiệp và gia đình của mình, sống một cuộc sống hạnh phúc. Cô Thục Liên kia, nếu không bị Võ Tắc Thiên đầu độc, có khi đã đến tuổi ra khỏi cái hoàng cung ăn thịt người đó, tìm được một nhà tử tế gả vào sống qua ngày. Còn cô công chúa nhỏ mà anh đang nhập vào bây giờ đây, nếu như được lớn lên yên ổn, thì có khi sẽ là Thái Bình công chúa, hoặc là một kỳ nữ không kém cạnh bà mẹ của cô.
Lục Tử Cương càng nghĩ càng thấy khó chịu, cảm giác bị giam cầm trong một cơ thể lạ ngày càng cổ quái, chỉ muốn giãy đạp thoát ra. Lúc đó, anh nghe loáng thoáng bên ngoài có tiếng nói chuyện, biết là Võ Tắc Thiên đã về.
Muốn giãy đạp thoát khỏi đây, thì Lục Tử Cương kinh ngạc nhận ra đứa trẻ anh nhập vào cũng khua tay theo ý muốn của anh. Lần này khác với hai lần trước chỉ nghe và nhìn được, có lẽ vì linh hồn trong cơ thể nhỏ bé còn chưa có được bao nhiêu ý thức, nên dễ dàng bị Lục Tử Cương điều khiển.
Nhưng Lục Tử Cương vẫn bất lực, dù sao thì một đứa trẻ sơ sinh tới quay người còn khó, anh có thể chạy nổi đi đâu?
Chỉ nghe thấy tiếng ngọc bội vang lên leng keng, một người đàn bà quý phái sang trọng xuất hiện trước mặt Lục Tử Cương, bà ta khoác một chiếc áo "phi vân" màu vàng nhạt lấp lánh, bên trên có hoa văn ngũ sắc, bên trong mặc lễ phục "quyết trạch" xanh thẫm có đường đỏ trên cánh tay, chải tóc "vọng tiên", đầu gài trâm Cửu Ngọc, tô mày kiểu "phất yên", dùng màu vỏ ốc của Ba Tư, đó là màu vẽ mày loại cao cấp nhất thời bấy giờ.
Võ Tắc Thiên trông sang trọng hơn lần trước một chút nữa, vẻ mặt thì rất nghiêm trọng, Lục Tử Cương bắt gặp ánh mắt cảm xúc lẫn lộn của Võ Tắc Thiên, biết là bà ta đang đấu tranh tư tưởng rất kịch liệt, có nên dùng con gái để đổi lấy tiền đồ hay không.
Nhưng rõ ràng thời gian cho Võ Tắc Thiên do dự là không nhiều, Lục Tử Cương nhìn thấy bàn tay bà ta đang đưa về phía cổ mình, cảnh tượng này như bộ phim kinh dị cố ý quay chậm, khiến anh thét lên theo phản xạ, tất nhiên, anh mở miệng thì cũng chỉ là tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh, trước khi âm thanh ra khỏi cổ họng thì đã bị Võ Tắc Thiên bóp nghẹt.
Lần đầu tiên Lục Tử Cương có cảm giác đang bị giết chết dù nói theo cách nào đó thì anh đã chết hai lần, nhưng hai lần trước đều tỉnh dậy trong trạng thái sắp chết, lần này thì rõ ràng đang mục kích cảnh tượng "chính mình" bị giết.
Nhưng dù anh giãy giụa thế nào, cũng không thể thay đổi sự thật, ánh mắt dần dần mờ đi, Lục Tử Cương nhìn trân trân vào Võ Tắc Thiên ở ngay sát mặt mình, muốn khắc ghi hình ảnh bà ta lúc này vào tâm trí. Bao gồm cả những giọt nước mắt đang chảy ra.
"Người đâu! Mau truyền ngự y!"
Lục Tử Cương vẫn chưa định thần lại được, cảm giác đó quá chân thực, chân thực đến mức anh nghi ngờ có phải mình đúng là đã bị Võ Tắc Thiên giết rồi không. Nhưng khi anh mở mắt ra, phía trước lờ mờ, lát sau mới phát hiện ra mình đang cúi đầu ăn một chiếc bánh nhân thịt, nước mắt lã chã rơi xuống chiếc đĩa. Anh nhìn một lát mới nhận ra cô gái mà mình nhập vào đang vừa ăn vừa khóc.
Ngẩng đầu lên, Lục Tử Cương nhìn hình bóng mờ mờ trong chiếc gương đồng đặt trên bàn trang điểm cạnh tường, cô gái mới được mười mấy tuổi, tướng mạo rất giống Võ Tắc Thiên hồi trẻ, đặc biệt là khí chất nơi gương mặt thì cực giống.
Lục Tử Cương đã đoán ra thân phận cô gái này, đây là cháu gái đằng ngoại của Võ Tắc Thiên, tên là Hạ Lan. Vì được Đường Cao Tông Lý Trị đặc biệt chú ý, nên bị Võ Tắc Thiên coi như một mối nguy tiềm ẩn trong hậu cung, vì thế trong một bữa tiệc, đã dùng một chiếc bánh nhân thịt có độc để kết thúc sinh mệnh mong manh như đóa hoa của cô. Mà rõ ràng chiếc bánh thịt đó là Võ Tắc Thiên tận tay đưa cho cô, nên bây giờ anh mới nhập vào cô nương này.
Lục Tử Cương muốn bí mật tìm Võ Tắc Thiên trong căn phòng kín này, nhưng không tìm thấy.
Chẳng lẽ Võ Tắc Thiên không có đây? Lục Tử Cương thất vọng.
Hạ Lan cô nương chỉ ăn được hai miếng bánh, bèn bỏ xuống, rõ ràng với sự thông minh của mình, cô gái phải biết hôm nay mình không còn đường sống. Võ Tắc Thiên đã là hoàng hậu đương triều, không chỉ một tay che trời trong hậu cung, mà còn có ảnh hưởng nhất định với triều chính, có thể nói bà ta muốn ai chết, thì người đó phải chết, đến quyền được giãy chết cũng không có.
"Cuối cùng Hạ Lan có mấy câu này, không biết dì có muốn nghe không". Hạ Lan cô nương cúi đầu lau nước mắt trên mặt, mở miệng nói bình thản.
"Con cứ nói đi". Một giọng nói quen thuộc cất lên, ở ngay sau lưng Hạ Lan, Lục Tử Cương mới biết Võ Tắc Thiên vẫn ở đó, không hiểu có phải vì thấy tội lỗi mà không dám đứng trước mặt đứa cháu của mình không.
"Vì sao..." Hạ Lan cô nương nói được một nửa thì không biết vì sao không nói tiếp nữa. Lục Tử Cương bỗng cảm thấy mình điều khiển được ngón tay của cô gái, đã có kinh nghiệm lần trước nhập vào đứa trẻ kia, Lục Tử Cương thử tiếp lời Hạ Lan cô nương: "Vì sao... lại giết cháu?".
Vỏ Tắc Thiên không hề chú ý đến đoạn ngắt giữa khả nghi đó, đối với người sắp chết, bà ta luôn luôn có sự nhẫn nại cao nhất. "Con à, con vô tội. Muốn oán, thì hãy oán trách vì sao con lại xinh đẹp như vậy, xinh đẹp đến nỗi chú của con cũng thèm muốn con. Có thể con cho rằng dì quá nhẫn tâm, nhưng con không hiểu. Đàn ông ai chẳng có mới nới cũ, những thứ không có được họ lại càng muốn có. Dù bản cung đã là bậc quốc mẫu tôn quý, nhưng lại hoàn toàn dựa dẫm vào chú của con, chỉ cần một câu nói của ông ta là có thể cho bản cung vào nơi muôn kiếp không thể siêu sinh. Nên bản cung đành phải tiễn con về nơi Phật tổ Tây Thiên, sớm lên miền cực lạc".
Lục Tử Cương im lặng, anh biết Võ Tắc Thiên nói không sai, năm xưa Vương hoàng hậu oai phong thế nào, thế lực ngoại thích lớn mạnh đến đâu, chẳng phải vẫn bị Võ Tắc Thiên thay thế hay sao? Lục Tử Cương sợ hãi chờ đợi chốc lát, phát hiện thấy Hạ Lan cô nương đã mất hẳn ý thức trên cơ thể này, không thể nói được nữa, bèn thử to gan mượn lời Hạ Lan cô nương, nói ra nghi vấn của mình: "Thứ dì mong muốn là cái gì? Đến người thân yêu nhất của mình cũng tự tay giết chết".
Võ Tắc Thiên đã nhận thấy Hạ Lan cô nương xưng hô với mình hơi ngắn đi rồi, nhưng cũng không so đo gì thêm. Bà ta đứng sau lưng Hạ Lan cô nương, nhìn đằng lưng cô thiếu nữ, bất giác rối bời. Đứa con ấy của bà ta, nếu năm xưa được sống, chắc cũng lớn từng này rồi...
"Thứ bản cung muốn... Thuở còn trẻ, là muốn để mẫu thân bản cung không còn bị ai bắt nạt. Khi lớn lên một chút, thì là vì không thể chết một mình đơn độc trong cung điện này được. Sau đó nữa, là vì muốn làm vợ, làm hoàng hậu của ông ta. Nhưng bây giờ, bản cung đã có tuổi, ông ta thì đang khỏe mạnh, cổ nhân có câu "Thê giả, tề dã" (vợ ngang bằng với chồng). Bản cung có thể có quyền lực vô hạn, quản lý hậu cung giúp hoàng thượng, thậm chí xử lý triều chính. Trông thì có vẻ oai phong, nhưng cũng chỉ là công cụ trong tay hoàng thượng mà thôi. Khi nào chán rồi là sẽ dễ dàng bị vứt bỏ. Bản cung chỉ có thể dùng nhiều quyền lực hơn nữa, đảm bảo cho ngôi hậu của mình được vững vàng".
Lục Tử Cương cảm nhận được bàn tay Võ Tắc Thiên đang chạm lên búi tóc của Hạ Lan cô nương, như đang tưởng nhớ điều gì. Thật lạ là anh cảm nhận được, Võ Tắc Thiên thực ra đang nhớ tới đứa trẻ sơ sinh năm xưa bà ta tự tay giết chết.
Đứa trẻ ấy đặc biệt, dù Võ Tắc Thiên sau này ép con ruột mình phải chết, nhưng đó là vì kẻ đó là chướng ngại trên con đường lên ngôi của bà ta. Lại thêm Lý Hoằng lớn lên không hợp với mẹ, tình cảm mẹ con lạnh nhạt, sau cùng Võ Tắc Thiên không thể coi ông ta là con mình nữa, mà là một đối thủ.
Nhưng đứa trẻ trong nôi năm xưa là vô tội, chẳng trách sau này Võ Tắc Thiên đặc biệt chiều chuộng Thái Bình công chúa, trên góc độ nào đó thì là vì bà ta mang tâm lý chuộc tội với đứa trẻ.
"Có đáng không?". Lục Tử Cương nghe thấy tiếng Hạ Lan cô nương khẽ cất lên, đó là câu mà chàng luôn muốn hỏi.
"Không được chăm sóc cho cha mẹ, bản cung không phải đứa con gái ngoan. Không thể bảo vệ con mình, bản cung không phải người mẹ tốt. Không nghe theo chồng giúp chồng lấy thêm thiếp, bản cung không phải là người vợ hiền... Bản cung... đúng là cô gia quả nhân thật rồi..." Bàn tay đang vuốt lên tóc dừng lại, tiếp theo là lời than thở dài, trong cung điện thâm u lại càng cô độc: "Nhưng, chỉ có người đứng trên vị trí cao nhất, mới được gọi là cô gia quả nhân".
Lục Tử Cương kinh ngạc, không ngờ Võ Tắc Thiên lúc này đã có ý định soán vị làm vua.
Võ Tắc Thiên tĩnh tâm lại, lim dim mắt, bắt đầu cảm thấy có gì đó không ổn. Cô cháu gái của bà ta vốn rất yếu đuối, tuyệt đối không hỏi những câu như thế, nếu cô nương ấy mà có chút chủ kiến thì bà ta không thể nào dễ dàng bắt cô ăn bánh độc được. Sự nghi hoặc lởn vởn trong lòng mấy năm nay càng khiến bà ta bất an, Võ Tắc Thiên đưa tay xuống, bám vào vai của Hạ Lan cô nương, giật mạnh người cô nương quay lại, gằn giọng: "Ngươi là ai?".
Nhưng tiếng nói lập tức dừng lại khi thấy gương mặt của Hạ Lan, đôi môi thiếu nữ gục vào lòng bà ta chảy ra máu đen, đã chết rồi, có điều đôi mắt vừa được rửa bằng hai hàng lệ trong vắt lạ thường, toát ra thứ ánh sáng khiến người nhìn vào lạnh gáy.
Võ Tắc Thiên cứng đờ người trong chốc lát, cho dù có quá nhiều nghi vấn, nhưng không biết nên đi hỏi ai, đành vội vã đưa tay ra, rồi từ từ vuốt lại đôi mắt như không cam tâm của Hạ Lan cô nương.
Trước đây có người nói, lịch sử là một cô gái nhỏ, mỗi người muốn tô điểm cho cô gái ấy theo một cách khác nhau.
Trong sách vở ghi chép lịch sử, từ lâu đã chứa đầy những sự sửa đổi của bàn tay quyền lực. Cho dù chữ Hán luôn ngang bằng sổ thẳng, nhưng lịch sử thì đã bị bẻ cong ngay trong những hàng chữ tưởng như chỉnh tề đó.
Nhưng có những thứ không thể thay đổi.
Lục Tử Cương vẫn nhớ, mấy năm trước anh từng tới chùa Phụng Tiên ở Lạc Dương, bức tượng Phật Lư Xá Na được làm dựa theo hình mẫu của Võ Tắc Thiên. Bức tượng được gọi là vị Phật quang minh phổ chiếu đó, không còn sự kiều diễm và uy nghiêm của Võ Tắc Thiên, tất cả đã biến thành trang nghiêm và từ bi, và hôm nay khi mở mắt ra, anh vẫn như hôm đó, mong muốn được cúi lạy sùng kính.
Nhưng không phải là cảm giác khi thấy bức tượng Phật cao mười bảy mét, mà là được đối diện với sự uy nghiêm và khí thế trong con người của nữ hoàng Võ Tắc Thiên.
Đồ trang sức và lễ phục trên người bà dù quý phái đến đâu, cũng không còn lọt vào mắt anh được nữa, trước mắt anh, Võ Tắc Thiên dù tóc đã bạc, nhưng lại chính là lúc đỉnh cao của cuộc đời bà ta.
Đầu óc Lục Tử Cương quay cuồng suy nghĩ, lần này anh lại nhập vào thân xác ai đây? Anh vẫn nghĩ rằng lần này mở mắt ra có lẽ là thằng cha xui xẻo Lý Hoằng. Nhưng nhìn Võ Tắc Thiên đã đến tuổi này rồi, có lẽ bà ta vì giữ gìn danh tiếng, mà không tự tay tiễn con trai cả của mình lên đường. Mà những năm này, cũng không hề tự tay giết ai.
Điều này thật ra cũng bình thường, bà ta bây giờ đã là người có quyền thế nhất thiên hạ, là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc xưa nay. Bà ta muốn ai phải chết, thì tự khắc có vô số người làm hộ, bà ta cần gì phải làm cho bẩn tay?
Vậy thì, bây giờ anh lại đang nhập vào kẻ xui xẻo nào đây?
Trước mắt ngoài Võ Tắc Thiên ra, không còn ai nữa, cung điện u ám như trong bụng một con quái thú ăn thịt người, bốc lên mùi máu tanh đến lợm mửa, ánh nến lay lắt khiến gương mặt Võ Tắc Thiên lúc tỏ lúc mờ, không nhìn ra được bà ta đang có biểu hiện gì trên mặt.
Lục Tử Cương lúc này mới phát hiện ra tay mình có cảm giác dính dính, mới biết người mà mình nhập vào bị ai đó đâm một dao vào bụng, máu chảy không ngừng, mùi máu tanh tràn ngập cung điện chính là xuất phát từ trên người này ra.
Là ai mà khiến bà nữ hoàng này phải tàn bạo đến vậy? Đang suy nghĩ nát óc thì Lục Tử Cương đột nhiên nghe thấy Võ Tắc Thiên lên tiếng trước.
"Tiết Hoài Nghĩa, đừng cho rằng trẫm cần nhà ngươi thật. Trẫm năm nay đã bảy mươi hai tuổi, chẳng lẽ lại còn cần người hầu ngủ hay sao? Ngươi chẳng qua là một tên nam sủng, lại coi mình như đại tổng quản đại tướng quân gì đó sao?". Dù tiếng nói của Võ Tắc Thiên dù đã già, nhưng vẫn uy nghiêm một cách rõ ràng.
Lục Tử Cương lúc này mới rõ người mình nhập vào là ai. Tiết Hoài Nghĩa, là gã nam sủng đầu tiên của Võ Tắc Thiên sau khi lên ngôi, nhưng rất nhiều nhà sử học cho rằng, khi đó Võ Tắc Thiên đã dư sáu chục, không thể có nhu cầu về chuyện đó nữa. Bà ta chỉ muốn chứng minh với thiên hạ, đàn ông làm hoàng đế có thể có tam cung lục viện, bảy mươi hai phi tần, vậy thì đàn bà làm hoàng đế cũng phải có.
Trên một ý nghĩa nào đó thì đây chỉlà một hình tượng, nhưng Tiết Hoài Nghĩa rõ ràng đã hiểu nhầm.
Hậu phi được sủng ái đến mấy, cũng chẳng qua là thưởng thêm nhiều vàng bạc châu báu lụa là gấm vóc, cùng lắm thì cả dòng họ được hưởng phúc. Còn đàn ông được sủng, thì sẽ thể hiện ở quan chức. Tiết Hoài Nghĩa bị vinh hoa phú quý làm mờ mắt, ăn rỗng quốc khố, đốt cháy Thiên Minh Đường, cuối cùng đến Võ Tắc Thiên vốn luôn dung túng cho hắn cũng không thể nhẫn nhịn được nữa.
Không như bốn lần trước, đây là lần đầu tiên Lục Tử Cương cảm thấy cái gã mình nhập vào này đáng chết. Nên anh không kìm chế được, nhếch mép khẽ cười.
Võ Tắc Thiên bỗng quắc mắt, nhìn trân trân vào anh, đôi môi mỏng cất lời: "Ngươi... là ai?".
Lục Tử Cương bất ngờ, anh không nghĩ rằng Võ Tắc Thiên có thể nhìn ra. Anh cũng nhất thời không biết mình nên trả lời ra sao, nói mình là người du hành vượt thời gian? Nói câu đó đến chính anh cũng chẳng tin!
"Trẫm... trước đây đã thấy ngươi". Võ Tắc Thiên nhắm mắt, như đang chìm vào ký ức xa xưa: "Trước khi Hạ Lan chết, có phải ngươi cũng ở đó?".
Lục Tử Cương cúi đầu nhìn máu trên bụng, nghĩ bụng may mà mình không thấy đau, nếu không thì sao có thể bình tĩnh mà nói chuyện với vị nữ hoàng này đây? "Trước đó nữa, ta cũng có mặt. Trước khi đứa trẻ đó bị bà bóp cổ chết, trước khi Thục Liên bị bà đầu độc chết... Trước khi tay Tri Thông kia bị bà đẩy ngã...".
Đôi tay Võ Tắc Thiên run lên, cả đời này cũng chỉ có từng đó người bà ta tự tay giết chết, những chuyện chỉ riêng bà ta biết thì nay lại bị kẻ kia kể ra rành rọt, khiến một người đã không còn sợ hãi trước điều gì như bà ta cũng phải hoang mang tột độ.
Nếu không phải thần linh, sao có thể biết rõ đến vậy?
"Ngươi đến để đánh giá trẫm sao?". Võ Tắc Thiên lại mở mắt ra, khóe mắt hơi xệ xuống lại phát ra ánh nhìn sắc bén: "Vậy ngươi nói xem, trẫm rốt cuộc là người tốt, hay là người xấu?".
Lục Tử Cương cười đau khổ, nếu như chỉ cần dùng những từ đơn giản như "người tốt" hoặc "người xấu" để đánh giá một con người thì tốt quá.
"Không ai được bình phẩm trẫm". Võ Tắc Thiên đứng dậy từ chiếc giường nệm, đi tới trước mặt Lục Tử Cương, cúi mắt nhìn xuống đầy kiêu ngạo: "Cho dù là thần linh cũng không được, đến chính trẫm cũng không được!".
Vì thế, sau khi bà ta chết, trước khi xây Càn lăng mới lập Vô Tự Bi?
Bởi vì, nữ hoàng cho rằng trên đời này không ai có tư cách được nhận xét bà ta sau khi chết sao?
Lục Tử Cương cảm thấy thân thể của Tiết Hoài Nghĩa chầm chậm đổ về phía sau, anh cố giương to đôi mắt, muốn ghi nhớ hình ảnh cuối cùng của nữ hoàng vào tâm trí.
Anh biết, sau lần này, e là không thể nhìn thấy bà ta nữa.
Trong ánh mắt dần mờ đi, hình ảnh uy nghi của nữ hoàng, dần dần hợp nhất với bức tượng Phật Lư Xá Na trong chùa Phụng Tiên...
4
Mở mắt ra lần nữa, Lục Tử Cương thất thần nhìn vào tấm Vô Tự Bi đã được ghép lại trên tay mình, một hồi lâu vẫn chưa định thần trở lại.
Đây là tay của anh, thân thể của anh. Nhưng linh hồn anh thì như vẫn còn lưu luyến thế giới ngàn năm trước, như một giấc mộng lớn, không muốn tỉnh dậy.
Hương trà trên quầy hàng vẫn như vậy, thậm chí trong chén trà vẫn còn hơi nóng bốc lên, đối với người khác thì chỉ là trong chớp mắt, còn anh thì đã đi hết cả cuộc đời của nữ hoàng.
Lục Tử Cương ngẩng đầu lên, nhìn thấy gã chủ tiệm ngồi trong quầy vẫn mỉm cười. Trong con mắt nhỏ dài sâu hút, hình như đã thấy rõ điều gì, nhưng không nói ra.
"Anh Lục, tấm Vô Tự Bi đá Điền Hoàng này, chắc là trong địa cung Càn lăng, là đồ thờ đặt trước bài vị của Võ Tắc Thiên". Gã chủ tiệm cầm chén trà nói bình thản: "Tuy rằng chính phủ nói Càn lăng chưa từng bị trộm, nhưng từ xưa tới nay rất nhiều người giỏi, chỉ sợ Càn lăng đã từng gặp phải độc thủ rồi".
Lục Tử Cương gật đầu một cách khó khăn, nếu không phải vì hiện tượng thần kỳ ban nãy, có lẽ anh sẽ phản đối suy nghĩ của gã chủ tiệm.
"Nếu đã là đồ thờ, mà để ở chỗ anh Lục, chỉ sợ sẽ có tai họa. Chi bằng nửa kia chuyển nốt cho tôi, để Vô Tự Bi được hoàn chỉnh". Gã chủ tiệm thành khẩn đề nghị.
Lục Tử Cương do dự một chút, với anh mà nói, ý nghĩa của Vô Tự Bi đúng là đặc biệt, nhưng lời gã chủ tiệm cũng không biết phải phản bác ra sao. Hai nửa của Vô Tự Bi được ghép vào nhau là tốt nhất, anh rất muốn đặt lời mua lại nửa kia của chủ tiệm, nhưng không hỏi cũng biết sẽ là cái giá trên trời, một nghiên cứu viên thực tập không thể mua được.
Có vẻ như gã chủ tiệm nhìn thấu tâm tư của anh, đặt chén trà trên tay xuống, lấy ra một chiếc hộp gấm từ dưới quầy. "Nói giá cả là tổn thương tình cảm lắm, tôi dùng món đồ cổ này để đổi với anh".
Lục Tử Cương không hề động lòng, nhìn vào trong hộp, nhưng vừa nhìn là đã không thể rời mắt. Trong chiếc hộp gấm, một con dao nhỏ dài màu đen nằm đó, trên thân đao có đường vân lượn sóng kỳ lạ.
Lục Tử Cương có một cảm giác thân quen khó diễn tả, nhưng anh có thể thề là chưa từng thấy loại dao này bao giờ.
"Ơ... đây là dao gọt hoa quả à?".
"..."
Ngoài cửa Á Xá, có một gã mặc một cái áo liền mũ đứng trong bóng tối trong con ngõ, trên vai là một con chim màu đỏ to cỡ bàn tay, đang dùng mỏ để rỉa lông một cách tỉ mỉ.
Gã đó thỉnh thoảng nhìn vào Á Xá, qua khung cửa sổ khắc hoa có thể nhìn thấy hai bóng người mờ mờ.
Không lâu sau, Lục Tử Cương đẩy cánh cửa khắc hoa của Á Xá đi ra ngoài, đứng dưới ánh nắng hít thở sâu một lúc, rồi mới cầm chiếc hộp gấm đi.
Gã mặc áo khoác liền mũ lập tức đi theo, động tác gấp gáp khiến con chim bị đẩy ra.
Đập cánh mấy cái, rồi con chim đỏ bấu móng chân vào mấy sợi tóc lòa xòa xuống dưới mũ của gã, sau đó coi như thoát hiểm, đậu lại lên vai gã. Con chim đỏ nghiêng đầu nhìn mấy sợi tóc trắng bạc lộ ra ngoài của chủ nhân, nó cố gắng nhét mấy sợi tóc trở lại bên trong mũ, rồi mới thỏa mãn kêu lích chích.
Chủ nhân! Khen tôi đi!
Tiếc là chủ nhân của nó không vỗ về nó như mọi ngày.
Từ khi chủ nhân nó chui ra từ ngôi mộ lấp lánh ánh bạc, có vẻ như đã thay đổi rất nhiều. Con chim đỏ lắc lắc đầu, cảm thấy mình thất sủng rồi.
Tiệm Đồ Cổ Á Xá Tiệm Đồ Cổ Á Xá - Huyền Sắc