The art of reading is in great part that of acquiring a better understanding of life from one's encounter with it in a book.

André Maurois

 
 
 
 
 
Tác giả: Thị Kim
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 56
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 512 / 2
Cập nhật: 2017-09-25 06:11:44 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1.2
hương 1.2
Edit: Ichikazumi
Sư phụ vốn là kẻ xa xỉ lãng phí tiêu tiền như nước, vậy mà quyển “Thập Châu ký” bị ta lật nát bét kia người lại không ném, còn dùng vải lụa bọc cẩn thận rồi đặt trên giá sách.
Tiểu hiên trước cửa sổ, cảnh sắc tháng ba tươi đẹp lộng lẫy, nắng xuân phủ kín bàn. Ta ngồi trước bàn, thờ ơ lật vài tờ, không chịu được gió xuân, chìm vào giấc mộng.
Trong mộng rất lắc lư, dường như đang đi thuyền ra biển. Mới thoáng chốc đã đi qua không biết bao đường, nước biển đột nhiên trở nên trong suốt không một gợn sóng, như một khối thủy tinh ngưng lại trời đất, tinh xảo đặc sắc, mênh mông bát ngát. Cùng lúc đó, phía trước xuất hiện một hòn đảo xanh biếc như phỉ thúy, trời quang mây tạnh, nhật nguyệt giao quang, rạn san hô xanh mọc đầy kỳ hoa dị thảo.
Trong lòng ta mừng thầm, vội xắn tay áo định mò lên đảo hái tiên thảo thì chợt liếc thấy có một người đứng trên dải đá ngầm ven bờ, trên vai đậu một con ưng.
Trong làn hơi mờ, tấm lưng kia khí khái ung dung, lẻ loi cô độc, đằng sau lưng là trời cao biển rộng, ráng mây biển núi, như đã đứng từ rất lâu rồi.
Ta giật mình mải miết nhìn bóng lưng kia, có một cảm giác rất đỗi quen thuộc xông thẳng lên đầu, lại không nhớ nổi người đó là ai.
Sóng biển dâng trào vỗ vào góc áo hắn, hắn rốt cuộc xoay người… Đúng lúc này, trên không đột nhiên vang lên mấy tiếng sấm đánh ta ngã nhào xuống đất…
Ta nhếch nhác mở mắt, chỉ thấy Mi Vũ đang quơ quơ ta, cười như tiên nữ.
“Ưng Nhi mang thư của sư phụ về này.”
“Khi nào người về?”
“Trong thư không viết. Người chỉ bảo có một vị bạn tốt muốn đến Già La, nhắc chúng ta dọn dẹp Phụ Tuyết lâu sạch sẽ tiếp đãi vị khách quý kia.”
Khách quý?
Ta thầm kinh ngạc.
Sư phụ vì duy trì hình tượng thần y thế ngoại cao nhân thần bí vĩ đại mà gần như chưa từng mời người ngoài đến đây. Già La lớn vậy lại không có ai khác ngoài ba thầy trò chúng ta, cộng thêm một con cắt Bắc Cực(1) Nã Vân và con hồ ly Vượng Tài. Sao nay người lại đột nhiên hứng thú mời khách tới? Ta ôm một bụng khó hiểu cùng Mi Vũ đến Phụ Tuyết lâu cẩn thận dọn phòng sạch sẽ, còn cắm thêm mấy cành đào chớm nở vào chiếc bình ngọc trên bàn.
Phòng ốc sáng sủa rực rỡ hẳn lên. Mi Vũ ngồi trước bàn gỗ tử đàn bưng mặt như có điều suy nghĩ, dáng vẻ rất trầm ngâm.
“Linh Lung, lần này sư phụ ra biển rất là thần bí, liệu có khi nào là người đi Doanh Châu không nhỉ? Theo truyền thuyết thì chỗ đó chính là nơi tiên nhân ở đấy. Tỷ nói xem, vị khách quý mà sư phụ bảo có khi nào là một vị tiên nhân không?”
Ta cười cười không đáp. Thật ra thì ta cũng rất tò mò về thân phận của vị khách quý kia, bởi vì xưa nay ngay cả Sưởng đế sư phụ cũng không thèm để vào mắt, vậy nên đến tột cùng đó là người thế nào mà lại lọt vào mắt người, còn nhận được chữ “quý” kia?
Ba ngày sau là mồng Một tháng Tư. Trời chưa sáng ta đã phải bò dậy khỏi giường.
Già La nằm ở ven bờ Đông Hải, nước biển xanh biếc, sương khói yên ả, trên đảo sinh trưởng một loài hoa tên là triêu nhan, có công hiệu cầm máu. Loài hoa này chỉ tỏa hương nở rộ vào lúc bình minh lên trong tháng tư, loáng cái rồi tàn, ngắn như ánh sáng lấp lánh. Trước khi ra biển sư phụ đã dặn ta nhất định không được quên hái. Vì vậy mới sáng sớm ta đã phải chạy ngay tới bãi đá bên bờ biển, cả thế gian chỉ có nơi này sinh trưởng triêu nhan.
Mặt trời đằng đông chưa ló, mặt biển xanh thẳm vô biên như thuở sơ khai hỗn độn. Dần dần, nắng mai hơi hé ra, màn trời cũng giãn rộng. Không lâu sau, nắng mai ồ ạt ló khỏi chân trời, ánh sáng phủ kín khắp bầu trời mặt biển.
Trong ánh nắng rực rỡ, triêu nhan bừng bừng nở rộ, đóa đóa xanh biếc ướt át như ngọc, tỏa mùi hương đặc biệt thấm vào ruột gan. Ta nhanh tay hái từng bông xuống, để chúng nở rộ trên khay vàng. Loại kỳ hoa hiếm có này một tháng cùng lắm hái được khoảng trăm bông, chỉ tạm chế được một hộp dược cao nhỏ, có thể coi là vô giá.
Bỗng nhiên, dưới vách đá vang lên tiếng ưng quen thuộc, chính là con cắt Bắc Cực Nã Vân của sư phụ.
Ta lấy tay che nắng nhìn xuống dưới, qua bãi đá, chỉ thấy một chiếc thuyền đang lại gần bờ, cánh buồm đón nắng mai tỏa sáng rực rỡ, bên trên thêu một chữ “Mạc” rất to. Lẽ nào sư phụ đã trở về?
Ta lập tức nâng váy chạy xuống bờ cát.
Gió biển táp vào mặt, cát trắng tràn đầy giầy, hơi xước chân.
Ta dừng bước.
Một nam tử xa lạ đứng trên mạn thuyền. Hắn mặc một bộ áo đỏ hừng hực khí thế trong ánh hào quang, sau lưng là cả trời biển bao la vô cực. Ánh nắng sớm như gom hết lên người hắn, thân áo đỏ sáng rực như ngọn lửa bừng cháy nổi trên nền trời mây.
Hắn đứng ngược sáng, trên tay nâng một con ưng, không nhìn rõ dung mạo. Màu đỏ kia như đoạt lòng đoạt phách, thần thái kia lại như người duy nhất giữa biển trời.
Trong lòng ta giật nảy, khung cảnh này sao lại giống giấc mộng kia đến vậy? Nhất thời, ta thậm chí còn nghi mình vẫn đang ở trong mộng. Một thứ cảm giác như xa cách một đời gặp lại tràn đến, như là cố nhân kiếp trước vượt biển tới kiếp này để ước hẹn.
Con ưng vỗ cánh muốn bay, tay hắn phất một cái, Nã Vân bay thẳng lên trời, kêu một tiếng lanh lảnh rồi vút vào mây xanh.
Hắn chậm rãi bước xuống thuyền, như là trên mây bước xuống.
Cát trắng như tuyết, áo đỏ như lửa, ta chưa từng gặp người nào có thể bước đi nhàn nhã ung dung đến vậy. Gió biển thổi bay tà áo hắn, bóng mây như đang nhảy múa sau lưng.
Hắn không chút để ý, phảng phất mọi chuyện trên thế gian này đều không nằm trong mắt hắn.
Nã Vân bay đến trước mặt ta, cúi đầu hót vang lên, vòng hai vòng rồi bay thẳng về phía Hàm Yên các.
Ta nhìn hắn đi thẳng đến trước mặt mình.
Ta không tài nào miêu tả tướng mạo hắn, chẳng qua cảm thấy trên thế gian này cũng chỉ có dung mạo như vậy mới xứng với nhịp bước dáng vẻ đó của hắn. Khoảnh khắc kia, ta như quên hô hấp.
Một đời, gặp vô số lần, cùng vô số người. Có người chỉ là gặp gỡ thoáng qua, ngay cả dung mạo cũng không thấy rõ; có người từng có duyên phận ngắn ngủi, sau rồi lại quên xa khắp chốn. Nhưng có người, ngươi chỉ vô ý nhìn một lần, sẽ nhớ cả đời.
Hắn chính là người sau cùng.
Ta chưa từng thấy đôi mắt nào như vậy, chỉ cần nhìn vào là như bị lạc vào cảnh hoa xuân tháng ba.
Hắn đón nắng nên hơi nheo mắt, nhẹ nhàng cười với ta, ý cười phảng phất một luồng gió dịu dàng ấm áp thổi sâu vào lòng người, khiến người ta thoải mái.
“Huynh chính là vị khách quý sư phụ ta nhắc đến trong thư?” Ta như bị thôi miên, giọng nói mềm mại khác thường.
“Ừ. Ta là Dung Sâm. Cô chắc là Linh Lung?”
Hắn tuy dùng câu hỏi, nhưng giọng nói lại vô cùng chắc chắn. Ta không khỏi tò mò: “Sao huynh biết?”
“Sư phụ cô nói huynh ấy có hai đồ đệ, một người là Linh Lung, một người là Mi Vũ.”
“Vậy sao huynh biết ta là Linh Lung?”
Hắn cười cười: “Sư phụ cô nói, cô gái xinh đẹp là Mi Vũ”.
Ta day day trán.
Hắn cười: “Ta không có ý nói cô xấu”.
Ta tiếp tục day trán.
Hắn lại cười: “À đúng rồi, sư phụ cô còn nói, một là nha đầu chết tiệt, một là nha đầu điên”.
Trong lòng ta lệ rơi ầm ầm…
Sư phụ, người thật sự là sư phụ của bọn con à?
Ánh mắt trong suốt dịu dàng lướt qua đầu ta, hắn nâng tay áo, mỉm cười hỏi: “Cô chính là nha đầu điên?”
.
Chú thích:
(1) Cắt Bắc Cực (Còn gọi là cắt kên kên): Hán Việt ghi là hải đông thanh. Tên khoa học là Falco rusticolus.
Là loài lớn nhất trong Chi Cắt. Trong Chi Cắt, Tùy theo kích thước của từng loài cụ thể mà lúc thì gọi là ưng, lúc thì gọi là cắt.
Loài cắt này sinh sản ở trên bờ biển Bắc Cực và các đảo ở Bắc Mỹ, châu Âu, và châu Á. Đặc biệt, bộ lông của nó thay đổi theo vị trí, với màu sắc từ trắng toàn thân cho đến nâu sẫm. (Theo vi.wiki)
Nói chung cách gọi tên hay mối quan hệ về chi, họ, bộ,… của ưng và cắt rất lằng nhằng. Nếu mọi người muốn tìm hiểu có thể tham khảo ở đây. [Nếu sâu hơn nữa thì nên gõ tên khoa học của nó, vì tài liệu liên quan bằng tiếng việt khá ít]
Cắt Bắc Cực: vi.wikipedia.org/wiki/Cắt_Bắc_Cực
Chi Cắt: vi.wikipedia.org/wiki/Chi_Cắt
Bộ Cắt: vi.wikipedia.org/wiki/Bộ_Cắt
Bộ Ưng: vi.wikipedia.org/wiki/Bộ_Ưng
Thượng Tiên Thượng Tiên - Thị Kim