A book is like a garden carried in the pocket.

Chinese Proverb

 
 
 
 
 
Thể loại: Tùy Bút
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 24434 / 955
Cập nhật: 2015-09-12 12:48:55 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
1. Khi tôi còn nhỏ, ba tôi là công chức. Như mọi gia đình công chức đông con khác ở miền Nam trước năm 1975, trong nhà chỉ có ba tôi đi làm, mẹ tôi lo quán xuyến chuyện nhà cửa, bếp núc và trông nom con cái. Mẹ tôi chăn bầy con tám đứa như chăn một bầy quỷ con, vừa lo ăn, lo mặc, lo giục ôn bài làm bài, đầu óc đã quay tít mù; lại phải làm trọng tài phân xử những vụ giành giật, so bì, cấu véo, hết chạy tới cặp này can gián những tiếng cãi cọ lại chạy tới cặp kia dập tắt những tiếng khóc lóc, kêu ca, đến cuối ngày là mẹ tôi đã muốn đứt hơi.
Nhà nhiều miệng ăn, mỗi lần mua gạo ba tôi phải mua gạo tạ (bao gạo trăm ký hồi đó gọi là “bao sọc xanh”), vì đong gạo từng ký thế nào cũng thiếu trước hụt sau. Các anh em tôi lại đang vào tuổi lớn, vừa ăn xong đã đói. Mẹ tôi bảo “Tụi bay ăn như tằm ăn rỗi”. Lúc đó, tôi chưa rõ thế nào là “tằm ăn rỗi”, chỉ biết mang máng là “ăn nhiều”. Sau này, gia đình tôi đi kinh tế mới ở Lâm Đồng, trồng dâu nuôi tằm, tôi mới tận mắt chứng kiến cảnh tằm ăn rỗi: vào thời kỳ chuẩn bị nhả tơ làm kén để chuyển sang giai đoạn nhộng, tằm ăn rất khiếp, tiếng ăn nghe rào rào như mưa rơi trên nong tằm.
2. Tháng nào nhà hết gạo mà chưa kịp lãnh lương, ba tôi lại vào nhà dì tôi. Dì tôi làm ruộng, nhà ở làng Trà Long, cách chợ Kế Xuyên ba cây số về phía biển. Vào nhà dì, thế nào lúc ra về ba tôi cũng được dì tặng vài chục ký gạo “đem về cho sắp nhỏ”. Chẳng biết dì tôi sai đám con xúc gạo trong bồ từ lúc nào mà khi ba tôi bước ra sân đã thấy một bao gạo to tướng cột sẵn phía sau xe, lần nào cũng thế.
“Đứa nào đi Trà Long không, bay?”, mỗi lần ba tôi dắt xe ra vừa hắng giọng hỏi to, bao giờ mấy anh em tôi cũng nhao nhao giành đi theo.
Kế Xuyên nối Trà Long bằng một con đường đất, hai bên là ruộng đồng. Rất nhiều lần, tôi ngồi sau lưng ba tôi chạy mới nửa đường đã nghe tiếng reo mừng rỡ vọng lên từ những vạt ruộng: “Ánh! Ánh! Ê, thằng Ánh về chơi kìa!”. Tôi quay mặt nhìn, thấy trong vô số bóng người đang lom khom cấy lúa có hai cô gái đứng thẳng lưng lên, quay về phía tôi và toét miệng ra cười. Đó là chị Nhí lớn và chị Nhí nhỏ, con của dì tôi.
Dì tôi theo nghề nông. Con cái của dì học nửa chừng đều bỏ ngang, ở nhà phụ ba mẹ công việc đồng áng. Suốt tuổi ấu thơ của tôi, không biết bao nhiêu lần tôi nghe tiếng reo của các người chị họ vọng lên từ bùn lầy - vất vả, cực nhọc nhưng đầy yêu thương.
Khi tôi lớn lên, chị Nhí lớn đã mất. Chị Nhí nhỏ bây giờ loay hoay nuôi người chồng bị bệnh, đã già sọm đi. Khi tôi về thăm, chị vẫn cười với tôi nhưng khuôn mặt không còn tỏa nắng như những gì tôi còn nhớ được khi tôi còn bé nhỏ.
3. Khi tôi còn bé nhỏ, Trà Long là một thiên đường.
Mỗi lần về chơi nhà dì, tôi luôn được các anh chị đùm bọc, yêu thương, có thức gì ngon cũng dành cho tôi. Với những người nông dân không có điều kiện tiếp tục tới lớp thì một đứa em họ được học hành tới nơi tới chốn là niềm tự hào với chòm xóm láng giềng.
Những buổi trưa hè, chúng tôi thường trải chiếu sau vườn, dưới tàng khế lúc lỉu trái mọc cạnh chiếc giếng đá mượt rêu xanh, chơi đủ thứ trò chơi con nít. Xa xa là hàng giậu um tùm hoa dại chạy dọc bờ mương. Bên ngoài hàng giậu là ruộng lúa, ruộng khoai mì dẫn tới dòng suối chạy ngang qua làng. Đó là dòng suối tôi đã lặn hụp suốt một thời thơ dại mỗi độ hè về.
Đó cũng là dòng suối chảy qua những trang sách Hạ đỏ của tôi, nơi cậu học trò tên Chương đã cùng với Nhạn và Dế ngồi vắt vẻo trên cành ổi sát mép nước để “phục kích” thằng Dư lúc thằng này lùa trâu xuống suối dầm mình - chi tiết dẫn đến cuộc gặp gỡ thơ mộng và buồn bã với cô bé Út Thêm sau này.
4. Bối cảnh của truyện Hạ đỏ là làng Trà Long nguyên mẫu ngoài đời. Ngôi nhà của dì Sáu trong truyện chính là ngôi nhà của dì tôi mà tôi còn nhớ được. Ngõ trúc vào làng đã được tôi mô tả với tất cả lòng âu yếm: Dẫn vào làng là một ngõ trúc quanh co, sâu hút, đẹp như tranh vẽ. Trưa đứng bóng, luồn qua ngõ trúc vẫn mát rượi. Nắng bị chặn lại trên những ngọn tre trúc cong cong, chỉ rụng xuống con đường làng đầy lá khô và phân bò những giọt vàng lốm đốm. Không có nắng, nhưng ngõ trúc đầy tiếng chim. Từ sáng đến chiều, lũ chim sẻ, chim sâu, chách hoạch và chào mào đua nhau hót líu lo trên những cành nhánh lúc nào cũng đong đưa theo gió. Sau này, tôi đặc biệt yêu thích nhạc phẩm Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ chính vì hình ảnh trong ca khúc này bao giờ cũng khiến tôi bồi hồi nhớ lại ngõ trúc nên thơ dẫn vào làng Trà Long hiền hòa:Đường xưa lối cũ, có bóng tre, bóng tre che thôn nghèo/ Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi...
Tôi yêu Trà Long đến mức khi trở thành nhà văn tôi đã dùng cái tên này đặt tên cho một trong những nhân vật nữ mà tôi yêu nhất trong các tác phẩm của mình: Trà Long, cô bé trong sáng, hồn hậu trong truyện dài Mắt biếc.
5. Năm tôi tám tuổi, gia đình tôi rời làng Đo Đo xuống Cẩm Lũ, chỉ cách Trà Long dăm cây số. Nhưng chẳng bao lâu gia đình tôi dọn ra thị trấn Hà Lam, một thời gian sau lại dời vô thành phố Tam Kỳ. Rồi tôi ra Đà Nẵng học lớp mười hai, vào Sài Gòn học đại học. Thời gian càng trôi qua, tôi càng lớn lên, càng cách xa Trà Long tuổi nhỏ.
Sau năm 1975 cả nước khó khăn, tôi đi thanh niên xung phong đào kênh cuốc đất ở Củ Chi, gia đình tôi đi kinh tế mới Lâm Đồng, làng Trà Long trở thành tít tắp. Ngăn cách tôi và Trà Long trong thời kỳ đó không chỉ là không gian, thời gian mà cả những dâu bể đời người.
Mãi về sau này, khi cuộc sống đã bớt vất vả, tôi mới có dịp về thăm lại Trà Long để bùi ngùi chứng kiến mái tóc bạc trắng của dượng tôi và vô số vết nhăn được thời gian và bao nỗi lo toan chạm trổ trên mặt dì tôi. Các anh chị tôi người đi Đắc Lắc, kẻ vô Cà Mau, lưu lạc chân trời góc bể.
Hôm đó tôi ra sau vườn, ngồi một mình trên thềm giếng đá năm xưa, nhìn hoa khế tím rụng ngập ngừng trên tóc, bắt gặp mình rưng rưng buồn.
6. Tôi viết truyện cho trẻ em, thực ra cũng là cách để tôi đi tìm lại tuổi thơ - cái tuổi thơ xa xăm mà mỗi lần nhớ tới tôi vừa cảm thấy êm đềm lại vừa nhận ra mình thổn thức, biết rằng món quà tuyệt vời đó một khi thời gian đã đánh cắp sẽ không bao giờ trả lại cho ai.
Ngày mai, khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?, khi tôi viết những dòng cuối cùng trên trang cuối cùng của truyện dài Mắt biếc, thực lòng tôi cũng không rõ tôi muốn làm yên lòng cô bé Trà Long ngây thơ trong truyện hay tôi đang muốn sưởi ấm ngôi làng Trà Long xa vời trong ký ức tuổi thơ tôi?
Thương Nhớ Trà Long Thương Nhớ Trà Long - Nguyễn Nhật Ánh Thương Nhớ Trà Long