Until I feared I would lose it, I never loved to read. One does not love breathing.

Harper Lee

 
 
 
 
 
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 904 / 2
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 51:
0. Nơi miếu vắng, bất ngờ gập Phụng,
Cùng Đinh nương đến Cát Điền Gia.
Từ biệt Cúc Xuyên, trên đường trở lại Điền Sơn, con người hành động thức dậy. Chàng cảm thấy chán ghét nhà Lê. Nhà Lê luôn luôn cõng rắn cắn gà nhà, nhờ ngoại bang để khôi phục các ngai vàng nát mục, dân chúng lầm than khổ ải. Binh lực Mãn Thanh hùng mạnh. Vua Càn Long vi hành ở Giang Nam vừa đi chơi vừa quan sát dân tình, chắc có lần đến gần bên giới nước ta. Cách đây mấy năm, Mãn Thanh đã chinh phục nước Diến Điện rồi hiện nay sửa soạn Nam tiến. An Nam Quốc là một chướng ngại vật trên đường chinh nam cho nên sửa soạn quân nhu, chỉ nhờ một duyên cớ « chính đáng ». Duyên cớ « chính đáng » ấy là nhà Lê dâng lên từ lâu rồi. Việc thành lập các tổ chức quân lương là một phần quan trọng trong chương trình can thiệp.
Về Điền Sơn, về thẳng Điền Sơn vì không tin phân khu Đoàn Trạch, nơi đã xảy ra vụ bắt cóc dân lành.
Chiều ngày thứ ba của lộ trình, trời bỗng đổi thời tiết. Mây đen che kín trời xanh...rồi những cơn gió lốc thay nhay thổi liên hồi. Nguyên Thái giục ngựa qua mau dòng suối. Vùng này mưa nguồn thác đổ bất ngờ. Chỉ còn khoảng mươi dặn đến Điền Sơn, nhưng người ngựa mỏi mệt, không thể cướp đường đêm nay. Lại thêm mây đen xuống tới ngọn cây, mới đầu giờ Dậu mà ở nơi hoang vu này tối đen như mực. Tiếp theo ánh chớp thỉnh thoảng soi đường đi, thoáng thấy một ngôi miếu cổ ven rừng.
Nguyên Thái lẩm bẩm:
- Miếu cổ, miếu hoang là lữ quán của hiệp khách muôn đời! -
Rẽ cương, tới miếu. Đúng như dự đoán. Một miếu hoang từ lâu lạnh lẽo khói hương. Vị thần nào được thờ nơi đây, chắc hẳn không ích lợi gì cho dân chúng, nên họ đã bỏ việc cúng lễ. Cười thầm thích thú, tiếp tục lẩm bẩm:
- Tẩy chay các vị thần này là phải...ở nước mình thần thánh cũng ăn hối lộ như bọn quan liêu Lê Trịnh...-
Bắt đầu mưa to nặng hột, rồi bỗng đổ trên mái ngói. Xa xa dòng suối vừa qua biến thành thác lũ. Tiếng nước xối chảy ào ào. Nguyên Thái kéo ngựa vào miếu. Chợt nhìn thấy mái tường xiêu vẹo rêu phong, chàng cho là miếu sẽ không chịu nổi trận mưa này. Kéo ngựa ra phía sau, chọn nơi an toàn nhất. Nơi này trông xuống con đường Điền Sơn lượn vòng qua một thung lũng nhỏ. Mỗi khi ánh chớp, hiện ra con đường đất đỏ, tưởng như con hồng xà uốn khúc trên đồng xanh.
Nguyên Thái giật mình, chợt thấy một đôi kỵ mã phi bay trên đường đất đỏ. Chắc đôi kỵ mã này cố giục cương về phía miếu hoang. Chàng nghĩ đến đôi Phi Thúy Song Hiệp đã hạnh ngộ một lần cũng ở một miếu hoang. Chàng vội giấu ngựa vào nơi an toàn ven rừng, rồi trở lại miếu hoang nấp chờ. Tự nhủ, kỳ này nhất định đấu kiếm hay đấu quyền, sẽ làm rơi mảnh lụa che mặt một người để nhận diện. Chàng hồi hộp đợi chờ...
Chưa đầy vài phút, hai kỵ mã đã tới miếu. Họ kéo cả ngựa vào, buộc dây cương vào cột miếu. Nguyên Thái ngạc nhiên. Thì ra chẳng phải Phi Thúy Song Hiệp mà chỉ là nàng Đinh Bạch Phụng và một thanh niên, trước ánh sáng của ngọn nến họ vừa đốt lên.
Nguyên Thái cười thầm hai người này thiếu óc quan sát. Buộc ngựa vào cột miếu xiêu vẹo, thì nếu ngựa kéo mạnh dây cương, miếu sẽ đổ như thành giấy gặp gió. Định ra mặt nhưng lại thôi, vì tự nhiên xuất hiện thì hai con ngựa sẽ sợ hãi, kéo đổ miếu hoang. Nghĩ vậy nên chàng ở nguyên vị thế. Lại đoán là Đinh Bạch Phụng đi chơi với người tình, chàng cũng tò mò muốn biết người đó là ai. Nghi ngờ nàng Bạch Phụng thành thạo « việc đời » như chàng nghĩ khi còn ở Điền Sơn, Nguyên Thái yên trí mà đôi nhân tình này sẽ có những chuyện phòng khuê như những minh họa trong cuốn sách ở nhà Thành Hồ và Tuyết Tâm, chàng định rút lui. Người đàng hoàng minh chính không được phép tò mò chuyện riêng người khác nhất là những chuyện này. Bỗng nghe thấy tiếng khóc của Bạch Phụng, Nguyên Thái lắng tai, thoạt đầu ngạc nhiên, một nữ tướng vẫn « nhi nữ thường tình », sau nghĩ lại cho là Bạch Phụng chẳng là một siêu nhân trong đời sống tâm tình. Bởi vì siêu nhân chẳng có đời sống tâm tình, chàng nghĩ vậy. Rồi tơ lòng rung động, nghĩ đến những giọt lệ của Cúc Xuyên.
Hai người lễ độ. Thanh niên cầm đôi tay Bạch Phụng, giọng Đàng Trong rất nặng, Nguyên Thái chú ý mới hiểu:
- Bạch Phụng em, qua xin lỗi làm em đau khổ, nhưng qua không có quyền, mà cũng không thể tiếp tục nói dối...qua thương em quá, không tìm thấy lời để tả tình thương em. Thú thực đã có vợ con ở Đàng Trong và tiếc rằng, tiếc rằng không gặp em từ trước...-
Bạch Phụng:
- Em không trách anh đâu...không giữ được nước mắt chỉ vì thương thân...đôi chút, tiếc là không gặp anh sớm trên đường số mệnh...tiếc là không sinh ra trong thái bình hạnh phúc, lại làm phận gái trong thời loạn lạc đau thương...Cả hai chúng ta đều có nhiệm vụ đối với sơn hà xã tắc...xong bổn phận này..xin theo anh vào Đàng Trong...nếu chị chấp nhận em...nếu anh không ở lại Bắc Hà...sắp chia tay, em thương nhớ anh nên em khóc..yêu anh, em sẽ hy sinh dù nhiều lúc em cứ tưởng em đang ở trong truyện Trọng Thủy Mị Nương?-
Chàng trai:
- Anh tuy dòng dõi Hán tộc. Thế là năm đời ở Đàng Trong rồi. Thân mẫu anh là người Việt. Anh cũng là người Việt không phải là Hán nữa. Gia đình anh tự coi như con cháu nước Nam này từ bao nhiêu đời rồi, từ ngày trốn tránh Mãn Thanh..kể ra cũng gần hai trăm năm. Anh không phải là Trọng Thủy..vì thế, anh tình nguyện giúp người anh hùng Tây Sơn là Huệ, không phải là Nhạc hay là Lữ đâu...Rồi đây chỉ có người anh hùng Tây Sơn này mới chống chọi nổi bọn Mãn Thanh, kẻ thù của gia đình anh từ hơn hai thế kỷ...Đã nói với em nhiều lần sao em hỏi lại? -
Bạch Phụng:
- Em thấy hiện nay Mãn Thanh chưa là kẻ thù của em. Mãn Thanh sẽ thành kẻ thù từ lúc Mãn Thanh đặt chân xâm chiếm đất Nam này. Em không tin anh chỉ hy vọng vào người anh hùng Tây Sơn để trả thù xưa? Bởi vì mục đích sau cùng của chúng ta là cùng người anh hùng Tây Sơn xây dựng một nước Nam hùng mạnh, một nước dân chúng ấm no thanh bình...-
Chàng trai:
- Đúng vậy, mục đích chung của chúng ta là vì dân không phải vì chúa, vì vua như anh đã có dịp trình bày trước Đinh soái chủ -
Bạch Phụng:
- Mưa đã tạnh, sắp đến giờ chia thay, thương anh, thương anh nhiều quá, thân em lúc này, trí óc em lúc này thuộc về người yêu dấu. Hiến dâng anh tất cả những gì quý giá nhất trong đời em, để anh đừng quên em ở Đàng Trong -
Dứt lời, Bạch Phụng nép vào ngực chàng trai, đôi mắt long lanh, giọt lệ rơi trên má. Nguyên Thái định rút lui, bỗng nghe thấy chàng trai:
- Anh biết lắm, anh biết em yêu anh, em muốn cho anh tất cả nhưng anh chưa có quyền đón nhận, anh kính trọng cái trong trắng của em. Anh về Đàng Trong thu xếp chuyện vợ con, sẽ trở lại đây...anh sẽ là của em, của em thôi, không chia sẻ với ai nữa...Bây giờ anh phải khởi hành, như em đã biết. Liên lạc viên quan trọng ở tiệm Bảo Cốc đang chờ anh, mà không thể ở lại chờ anh tới chiều mai. Anh ta phải khởi hành vào giờ Tuất.-
Dứt lời, chàng kéo đôi tay Bạch Phụng lên môi, kính cẩn từ biệt. Bạch Phụng chùi nước mắt:
Chàng trai xuống dốc, giục ngựa phi bay trên đường đất đỏ.
Nguyên Thái giật mình. Tên tiệm Bảo Cốc khỏi Toàn Trạch chừng năm sáu dặm, trong danh sách trạm lương thực Mãn Thanh.
Thấy Bạch Phụng ở lại, mang một bản đồ trải trên bục đá, soi nến, suy nghĩ, Nguyên Thái nhẹ nhàng rút lui, ra tới nơi giấu ngựa, dắt xuống đồi lên yên, phi về miếu cổ, cố tình cho vó ngựa rền vang.
Bạch Phụng ở cửa miếu ngạc nhiên nhìn thấy Nguyên Thái.
- Chào Trần công tử, sao lại đơn thương độc mã ở đây? Các em Thạch Đào đâu rồi! -
Dứt lời, xuống ngựa, buộc vào gốc cây lê sau miếu.
- Công tử có gặp ai trên đường vừa đây không? - nàng hỏi.
Nguyên Thái hơi ngập ngừng, sau cùng trả lời:
- Có gặp một người lạ phi ngựa như bay, nhưng vì chuyện bí mật, tôi không muốn ra mặt, tôi né tránh bên rừng...-
Liếc trông con ngựa buộc cột miếu, Nguyên Thái nói:
- Cột này không vững đâu, ngựa có thể bất ngờ kéo đổ -...
Bạch Phụng chợt nhận thấy khuyết điểm quan sát của mình, vột dắt ngựa buộc gốc lê cùng ngựa Nguyên Thái. Nàng sờ bờm ngựa Nguyên Thái, không thấy ướt mưa, mà ngựa cũng không đổ mồ hôi. Rồi ở cương ngựa của Nguyên Thái có mắc mấy lá tre, lá tre chỉ có ở sau miếu. Nàng bắt đầu nghi ngờ, nhưng vẫn bình tĩnh, đột nhiên:
- Trần công tử, công tử nghĩ thế nào về câu chuyện của tôi với anh Hàn Đình Quý? -
Nguyên Thái:
- Đinh cô nương nói gì? Ai là Hàn Đình Quý? Tôi có biết chuyện gì đâu? Đình Quý ở trận « bún chả » nào thế?-
Đinh Bạch Phụng:
- Thôi đi Nguyên Thái ơi! Bạch Phụng tôi nghĩ rằng đường đường anh hùng nam nhi, hay nữ nhi cũng vậy, không bao giờ nói dối! sao vẫn giận Phụng việc cũ? -
Nguyên Thái đành nói thật:
- Nguyên Thái xin thành thục xin lỗi cô nương, Nguyên Thái đến miếu trước hai anh chị, cũng định ra mắt..chỉ vì e ngại đề phòng. -
- Sao không ra mắt ngay, có nghĩ là chúng tôi có chuyện gì, công tử chứng kiến phải không? -
Nguyên Thái:
- Đinh cô nương nhầm rồi, tôi đang sửa soạn rút lui thì anh ấy từ biệt Đinh cô nương. Thì ra anh ấy tên là Đình Quý họ Hàn, người Minh Hương Đàng Trong. Người của Tây Sơn? -
Bạch Phụng:
- Người của ...Tây Sơn, chưa chắc hẳn, người của Mãn Thanh cũng có thể...Bạch Phụng này chưa biết rõ... -
Nguyên Thái ngạc nhiên, định hỏi rõ thì nghe Bạch Phụng lẩm bẩm:
- Ðịa điểm liên lạc ở tiệm Bảo Cốc, tổ gián điệp Mãn Thanh, Anh Quý nói phải qua đấy làm nhiệm vụ cho Tây Sơn hay cho Mãn Thanh? Bạch Phụng này chưa biết! -
Nguyên Thái:
- Sao có thể thế, anh Hàn Đình Quý là người yêu của Đinh cô nương mà? Xin cứ nói thẳng với người em này...!-
Bạch Phụng cười:
- Bạch Phụng này không dám nhận làm chị đâu...Bạch Phụng chỉ hơn Thái có mấy tháng thôi..nếu chúng ta lấy nhau thì tốt lắm, đúng như các cụ nói: trai hơn hai, gái hơn một! Đùa thôi, Bạch Phụng không quên Cúc Xuyên đâu! Cúc Xuyên của Thái đâu! -
Thái;
- Vừa rồi tôi thấy Bạch Phụng sắp sửa hy sinh cho tình ái?-
Phụng:
- Thái nhầm rồi, anh Ðình Quý không phải là người yêu của Phụng Anh ta chỉ là "người yêu" trong hoạt động...Phụng đóng kịch đấy. Nếu anh ta đi quá, Phụng có cách khước từ. Nhưng có lẽ anh ta yêu thương thực sự nên đã kính trọng Phụng. Dầu sao trong việc này, Phụng đã ra lệnh bố trí theo quân lệnh, chưa thể nói ra. Còn Thái về đây có việc gì?-
Thái trả miếng:
-Thế thì cũng là bí mật quân sự, Thái cũng chưa được nói ra. Tôi chỉ được quyền báo cáo thẳng với Ô Mã thiền sư và Ðinh soái Chủ.!-
Vùng này thực lạ lùng. Mây đen chóng đến, chóng đi. Trời trở lại trong như pha lê.
Ðến lúc rời miếu. Bạch Phụng không về Ðiền Sơn mà lại giục cương đi về Toàn Trạch. Thấy Thái ngạc nhiên, Phụng nhắc Thái về trước, hai ngày nữa Phụng mới về. Phụng phải hoàn tất việc anh Quý, Phụng nhắc lại.
Thái lo ngại, nhưng biết làm gì hơn, đành từ biệt. Dọc đường về Ðiền Sơn Thái nghĩ đến câu nói của Phụng - Phụng đóng kịch đấy!-Thì ra phải đóng kịch trong trìu mến yêu thương. Không biết Cúc Xuyên có đóng kịch với mình không? Nhưng Thái thì chưa đóng kịch với ai.
Tới Ðiền Sơn sáng sauThái trình bày kế hoạch.... Ðược Ô Mã thiền Sư và Ðinh Soái Chủ chuẩn định, nhưng phải chờ Bạch Phụng về mới tiến hành.
Bốn ngày sau, Phụng mới về, đôi mắt đỏ hoe, báo cáo công tác xong, chạy vào phòng riêng, cấm cung từ đấy. Thái muốn hỏi thăm an ủi, nhưng không dám đường đột. Vả lại việc quân bề bộn,
Khi được cấp phương tiện vận tải, quân nhu đầy đủ, Thái cùng Phụng lên đường. Thái và Phụng có tới ba đêm cùng chung lữ quán, nhưng Phụng vẫn âm thầm đau khổ, Thái chẳng dám đường đột hỏi han. Ngày thứ tư, Thái chia tay với Bạch Phụng thẳng tiền Bồ Danh. Bạch Phụng hẹn:
- Xong công việc Phụng sẽ gập Thái và đoàn Thạch Ðào. Có chuyện đau thương cần nói ra để vợi tấc lòng và Thái ghi nhật Ký Viễn trình. -
Nói xong khóc nức. Thái thương bạn cầm đôi tay Phụng, kéo nàng vào lòng. Cử chỉ bất ngờ của một người anh. Bạch Phụng không chống cự, trái lại, nép vào vai Thái. Thầm nghĩ thì ra Thái đã có những cử chỉ của kể thạo đời, dạn dày, không còn cảm tưởng nóng bỏng dầu sôi như khi lần đầu dang tay dón Cúc Xuyên....
Phụng chợt tỉnh đẩy Thái ra, đứng dạy. Thái nói:
-Thôi, xin chúc Phụng chiến thắng đấu tranh...hãy bảo trọng! bảo trọng! chúng ta còn nhiều nhịp cầu đường đời nữa.... nhớ đấy!-
Theo như chương trình tranh đấu, Bạch Phụng đã cướp được đồn lương thực lớn nhất của Mãn Thanh, mà Nguyên Thái cũng thành công trong địa điểm của mình. Xong công việc, Nguyên Thái đến Bồ Danh như hẹn, nhưng Cúc Xuyên đã rời quân từ mấy ngày trước. Thái không rượt theo, Thái ở lại Bồ Danh chờ Bạch Phụng.
Mấy hôm sau, Bạch Phụng tới trong khi Nguyên Thái tần ngần đứng trên đê cao, nhìn qua bờ sông bồi hồi thương nhớ Cúc Xuyên.
- Từ nay, - Phụng nói - tôi phải thương.... phải thương hại Thái rồi... Muốn chung sống với Cúc Xuyên, không phải dễ dàng đâu!, - Rồi Phụng buồn rầu thêm - Phụng này nhiều khi cũng quá khó khăn phức tạp với bạn trai...mà sao Phụng này, trong miếu cổ lại dễ dàng để Thái có cử chỉ thân thương với Phụng? Nhưng thôi, chả nên suy nghĩ, chúng ta sống trong loạn ly khói lửa, đau khổ với lẻ loi trên đường hành hiệp....chúng ta sẽ chẳng bao giờ là những lứa đôi yêu thương hạnh phúc bách niên, như người đời thường nói. Chúng ta chỉ có những chia tay, những chấm rứt bạo tàn? -
Nguyên Thái không trả lời, tầm mắt xa xa, tận chân trời vô định. Chàng bỗng nhận ra thế nào là yêu thương chờ đợi...Muốn thoát khỏi lưới tình ràng buộc chỉ có cách rẽ ngang, như nàng nào đã ca: Ðò nào đến trước là đò em sang...
Với ý nghĩ thầm kín tội lỗi ấy, Thái theo Bạch Phụng không mặc cảm....
Ðường đi hiểm trở cheo leo, có khi phải xuống ngựa len qua vách đá, có khi khó khăn, người ngựa qua suối sâu nước cuốn. Sau cùng đến quãng đường rất hẹp, đất đỏ lượn vòng uốn khúc giữa hai tường trúc ô long, ghép vòm che hết trời xanh. Phụng và hai nữ binh, thành thạo quen thuộc, Thái yên trí giục ngựa theo sau....thôi thì nhắm mắt đưa chân...Thái cười thầm. Thoáng chốc tới khu rừng toàn cổ thụ mà Thái ngạc nhiên: đường đi rộng rãi, hai xe ngựa có thể xuôi ngược tránh nhau. Mặt đường vẫn đất đỏ, nhưng phẳng lì...
Con đường đặc biệt ấy dẫn tới khu rừng thưa, ánh sáng lan tràn. Bỗng một bóng đen từ cành cây ven đường nhẩy xuống cản đường. Ðó là một võ sĩ Nhật Bản đôi tay nắm chuôi trường kiếm sáng ngời, tóc búi ngược, đôi mắt sếch đầy giữ tợn, quát to:
- Bớ Ðinh Nương, sao phản bội tình yêu muôn thủa của ta? nay lại dẫn người tình mới qua đây? Ta phải lấy tính mạng hai người để trả thù! -
Dứt lời, quay lại hai nữ vệ binh:
- hai mỹ nhân kia, không oán thù, hãy tránh xa...! -
Ðinh Bạch Phụng đã xuống ngựa, sẵn sàng ứng chiến. Một vệ binh tung tới nàng một gói gấm dài, mầu bồ quân. Phụng bắt lấy. Ðiềm tĩnh mở gói. Thì ra đó cũng là kiếm kiểu Nhật Bản. Thái ngạc nhiên, không thấy Phụng trả lời mà cũng chảng tỏ ra lo ngại. Vì võ sĩ kia ám chỉ cả chàng, Thái xuống ngựa, sẵn sàng trợ chiến, nhưng Bạch Phụng giơ tay cản. Sang thế thủ, nàng quát:
- Này Cát Ðiền Tùng Hạ đại huynh, tiện muội có hứa hẹn gì mà đại huynh nói mối tình muôn thủa... đại huynh đã uống mấy bình sa kê rồi?-
Võ sĩ quát:
- Không còn huynh muội gì với Ðinh nương.... để ta cho bài học!-
Dứt lời quay ngang mũi kiếm cúi chào... Ðinh nương đáp lễ cúi đầu. Hai nữ vệ binh tủm tỉm...
Cát Ðiền tấn công vũ bão, lưỡi kiếm ánh chớp tấn công rồi về thế thủ nguyên thủy. Ðinh nương chống đỡ, tiếng kiếm chạm nhau bật lửa...chống đỡ Cát điền tấn công rồi lại về thế thủ như Cát Ðiền. Cuộc đấu vừa tĩnh tại, vừa chuyển động vũ bão. Thái không ngờ kiếm thuật Nhật Bản của Ðinh cô nương lại cao độ bực ấy. Hồi lâu, hai người lui xa, cúi chào nhau.Thái tưởng cuộc đấu xong, nào ngờ Cát Ðiền quay lại phía Thái quát lớn:
- Ta, Cát điền Tùng Hạ, không thể để tình địch Trần Nguyên Thái ngang nhiên chiếm đoạt người tình....Xin mời vào trận!-
Thái định cải chính, khước từ nhưng tự ái đột khởi, nhận lời vào trận. Cát Ðiền tấn công ác liệt, nhưng Thái cảm nhận là địch thủ không cố tình sát hại, Thái dùng những thế né tránh của Trấn Bắc Ðào Hoa kiếm, nhẹ nhàng chống đỡ.
Sau cuộc đấu, Cát Ðiền nhắc cuộc đấu vừa qua chỉ là trò chơi thường lệ với Ðinh cô nương mỗi khi hạnh ngộ.Mọi người vui vẻ chuyện trò rồi theo Cát Diền qua một lùm cây, sang bìa rừng, tới một phong cảnh tuyệt vời mà nếu không được dẫn đường ít ai có thể tới nơi. Mấy nóc nhà kiểu Phù Tang, suối nhỏ róc rách uốn quanh. Có những viên đá sỏi lớn nhẵn bóng, có tùng, có liễu, có những cây xanh thẫm nhạt đủ mầu, và trước nhà Cát Ðiền một sân cát trắng tinh, không một thảo mộc nào, mà trên mặt, đó đây, ngự vì vài viên đá lên men xanh bóng. Thái tưởng mình lạc sang Phù Tang, còn Phụng và hai nữ vệ đều như quen lối thuộc đường. Những căn nhà bằng gỗ, lên nước bóng nâu, mái ngói cũng nâu đậm, những cửa ô vuông, giấy trắng, đóng mở đẩy theo dọc tường. Thái lúng túng khi nữ chủ nhân Na Ri Cơ ra tiếp. Mọi người vào nhà sau khi trút bỏ giày dép ngoài hành lang. Thái khó khăn ngồi kiểu Nhật trước bàn thấp tuy cũng đã quen ngồi chiếu chân xếp bằng tròn.
Tiếp đãi của vợ chồng Cát Ðiền cũng đặc biệt, nồng nhiệt nhưng kín đáo lễ độ., trong những cử chỉ xã giao. Na Ri Cơ ít nói, đôi chân tất trắng, nhẹ đặt không một tiếng động nhỏ khi đi lại trên sàn gỗ. Có lúc cùng Phụng và hai nữ vệ sang phòng bên rất lâu. Thái, đối diện với Cát Ðiền, chuyện trò thân mật, nhưng vẫn lắng tai nghe phòng bên tiếng cười đùa của Narico và ba nữ khách. Ngạc nhiên thấy Narico nói tiếng Việt không âm thanh pha ngoại.
Sau cơm tối, Na Ri Cơ đưa mấy người qua nhà ngang dành cho tân khách. Phòng của Thái liền với phòng của hai vệ binh, chỉ phân cách bới tấm cửa giấy dầu mong manh. Thái vừa đặt mình trên tấm nệm mong manh đạt trên sàn gỗ thì Phụng kéo cửa sang. Thái vội ngồi dạy, khêu đèn sáng tỏ.
Trong vòng lễ độ chuyện tâm tình tới canh ba. Thái được biết thêm nhiều về vợ chồng Cát Ðiền. Na Ri Cơ chính tên là Ðinh Thanh Lệ, chị họ của Bạch Phụng, còn Cát Ðiền có bố mẹ ở Phố Hiến, từ nhật sang Việt Nam đã mấy chục năm. Cát Ðiền tiếng việt thành thạo, cách đây mấy năm đến Ðiền Sơn, gập Thanh Lệ, mê say xin cưới. Cát Ðiền giúp Ðiền Sơn về tình báo, phụ trách dây chuyền điệp viên từ biên giới. Thái hỏi Phụng mực độ tin cậy Cát Ðiền thì Phụng trả lời:
- Tin cẩn, hay không? không quan trọng. Ðó là vấn đề tương lai. Chỉ biết hiện tại người Nhật họ phụng sự tổ quốc họ ưu tiên. Họ cũng e ngại Trung Hoa Mãn Thanh bành trướng tới nước họ, mà họ cũng không muốn Trung Hoa Mãn Thanh quá hùng mạnh nếu nước ta bị thanh toán...vì vậy Cát Ðiền giúp ta, có thế thôi. Chúng ta không muốn có chiến tranh, nhưng nếu Mãn Thanh gây chiến mà chúng ta chống nổi thì cũng là một dịp để Mãn Thanh suy yếu quân lực... đằng nào cũng có lợi cho họ. -
Thái thấy Phụng lạnh lùng phân tích suy luận cho chàng một bài học chính trị quốc tế. Thái nhìn bạn thương vô cùng. Bạn gái Ðinh Bạch Phụng có những suy tư, những nhiệm vụ già trước tuổi. Cố tìm nơi bạn những nét dáng tình cảm thông thường của các thiếu nữ mười chín đôi mươi., nhưng chỉ tìm thấy đau thương thất vọng. Thâu đêm tới canh ba, Phụng đã kể lại quãng đời qua, mà Nguyên Thái đã ghi trong Viễn Trình Nhật ký dưới đầu đề Ðinh Nương tình hận.
Thương Giang Diễm Sử Thương Giang Diễm Sử - Tiêu Nương & Trúc Viên Lang & Bùi Văn Nhẫm