Ta có thể vượt qua những khó khăn có thật, chứ không thể vượt qua những khó khăn tưởng tượng.

Theodore N. Vail

 
 
 
 
 
Tác giả: Bùi Văn Nhẫm
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 64
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1211 / 3
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4. -
ƯỜNG ĐI QUỐC ĐỨC
4- Vùng Kinh Bắc, danh gia họ Ðặng,
Chàng Quốc Ðức theo phái Hư Không
Bố-Y Quái Khách quê Kinh Bắc, con thứ Đặng Quang Anh và Bùi thị Xuân Thảo. Đặng công và phu nhân đều là dòng dõi thế phiệt, từ đời Lê Thái Tổ, tổ tiên nhiều quân công và bảng danh khoa cử. Họ Đặng giầu nhất vùng, mấy đời kinh doanh với ngoại quốc, có hai xưởng kỹ nghệ quan trọng, ép dầu thảo mộc và dệt lụa vải. …
Đặng Quang Anh, thân phụ Quốc Đức cũng thuộc vào đám người trí thức cởi mở tân tiến đương thời. Vì doanh thương, Quang Anh liên lạc thường xuyên với các người thái Tây đến Phố Hiến lập hội buôn, biết nói qua mấy thứ tiếng ngoại quốc đông tây, nhưng sống với tâm trạng nghịch lý, trước nghiêng về phe chính thống, chỉ để ý đến bọn Cần Vương phù Lê. nhưng gặp bọn hoàng thân Lê Duy Mật thì ông thất vọng: mấy ông này chỉ nói tranh đấu để lập người này người nọ, tuyệt nhiên không đả động đến tương lai của con dân từ mấy trăm năm nay sống trong tranh giành tao loạn khổ đau.
Tuy vậy, Quang Anh vẫn muốn các con theo đường sĩ hoạn cổ điển, lều chõng trường thi rồi ra làm quan, mộng tưởng của mọi người đương thời. Người anh cả của Quốc Đức, Đặng Bùi Quốc Tuấn, 19 tuổi đậu cử nhân, vì thế lực của cha ở kinh kỳ, được bổ ngay tri huyện Băng Châu… Tân tri huyện đại đăng khoa với một người họ Trịnh, thế là tương lai quan trường bảo đảm. Cô dâu ấy là họ gần của chúa Trịnh Sâm. Còn cô em Quốc Đức đã về nhà chồng họ Lê. Chồng là con trai của một vị Đài tỉnh (1) quyền thế không những ở cung vua mà còn ở bên phủ chúa. Của hồi môn là một toà nhà gần phường Đông Các (2), một toà nhà ở Tây Hồ, gần các ly cung của chúa Trịnh Sâm và mấy trăm lượng vàng cùng tư trang quí giá cho nên nhà chồng cũng nể vì. Quang Anh hân hoan sung sướng, nhưng Xuân Thảo tần ngần nghĩ ngợi khi con gái, XuânXuân, ra cửa lên kiệu hoa.
Năm 18 tuổi, Quốc Đức nghe lời cha, lều chõng đi thi. Quyển nộp hạng ưu nhưng bị đánh hỏng vì phạm húy… Quang Anh dùng thế lực của mình nhưng không xong vì quan giám khảo họ Đỗ này ra mặt thù ông vì lẽ đã khước từ không gả Xuân Xuân cho con trai hắn.
Sau cùng, Quang Anh cũng nhận ra tính cách chẳng quan trọng của vụ này, nên bỏ qua, chì khuyên con từ nay nên để ý.
Đặng phu nhân, đối với đương thời quả là hiếm có. Từ khi về nhà chồng, trí óc quan sát đặc biệt của bà đã đưa xưởng dầu và xưởng dệt tiến triển khuếch trương mọi mặt. Xuân Thảo cùng mấy người tin cẩn chọn lọc trong đám công nhân, luôn luôn hoàn bị, cải thiện máy lọc, và khung cửi. Những tấm lụa, tấm vải dệt ra, được người Phố Hiến xuất cảng, còn ở quốc nội, người người ưa chuộng. Cửa hàng ở Kẻ Chợ luôn luôn thiếu vải lụa, sản xuất không kịp, cho nên Xuân Thảo bận công việc tối ngày. Tuy nhiên vẫn dành thì giờ học hỏi thêm. Vì vậy, học vấn Xuân Thảo hơn Quang Anh. Xuân Thảo biết ba thứ tiếng thái Tây: Pháp, Anh và Iphanho, cho nên trong các buổi tiếp tân các thương gia Thái Tây, Trung quốc và Nhật Bản, Xuân Thảo đáng vì chủ nhân, lộng lẫy, quyền quý, cử chỉ ân cần, hiền hoà, cởi mở, nụ cười quyến dụ.
Tủ sách họ Đặng có đủ loại văn chương kỹ thuật ngoại quốc, những tác phẩm này ảnh hưởng rất nhiều trí óc Quốc Đức.
Gia đình Xuân Thảo theo đạo Gia-tô. Khi đàm luận với một cha đạo ở Phố Hiến, nàng cực lực phản đối việc Đạo Gia-tô cấm đoán thờ cúng tổ tiên. Thậm chí có Cha đạo lại bắt con chiên đập phá bàn thờ làm cho nhiều người phẫn nộ.
Quang Anh không theo đạo Gia-tô, nhưng ngày thành hôn với Xuân Thảo, lễ này được cử hành ở thánh đường Phố Hiến. Cha đạo hôm ấy đã nghe nàng, vượt đạo lệ.
Họ Ðặng có biệt thự riêng tên Chiêu vân các, ở Tây hồ, trông ngang núi Tử Trầm và núi Dũng Thúy.
Cho nên Quang Anh và Xuân Thảo càng thêm quảng giao mà Quốc Đức cũng quen đời sống kinh kỳ. Sau này Quốc Đức ( Bố Y Quái Khách ), hiệp sĩ nhiều công lao nhất trong các anh hùng Trấn Bắc, tất cả hoạt động của hiệp khách Song Lưu ở các tình thành đều do chàng tổ chức.
Chúng ta trở lại Kinh Bắc… Đường từ Kinh Bắc lên thượng du, đi chéo phía đông thì đến một vùng núi non hiểm trở khác, cách Trấn Bắc Trường chừng vài trăm dặm.
Lên núi cao, đường đi khó khăn, nhưng ở giữa có một nơi đồng nương trù phú, phong cảnh ngoạn mục, có hồ sen, có vườn đào, vườn lê, các giống tre trúc, chim muông đủ loại. Vườn nhãn, vườn vải có phần đẹp hơn vườn vải Đông Triều, Lệ Chi Viên, nơi xảy ra nghi án Lê Thái Tông – Nguyễn thị Lộ làm hại toàn gia Ức Trai Nguyễn Trãi (1442), nghi án xẩy ra vì tranh chấp chính trị nội triều như chúng ta đã biết.
Trung Vân Xã, tên của nơi thiên đường ấy, có ngôi chùa rất đẹp. Chùa xây từ đời Lý nhưng luôn luôn trùng tu nên lúc nào cũng như mới cất. Nhà sư trụ trì là Quý Đắc Thiền sư từ Đàng Trong ra..
Tiên phong đạo cốt, áo cà sa vàng nghệ như quá rộng với thân hình, cây thiền trượng sơ sài bằng trúc hoá long, chân mang giầy vải, đế dừa bện… Chúng ta nhìn kỹ cây thiền trượng thì không sơ sài đâu. Sau này có dịp chúng ta chứng kiến ích lợi của cây thiền trượng ấy.
Chủ đích của Quý Đắc môn phái không xa lý tưởng của Song Lưu Giang..
Quốc Đức hạnh ngộ thiền sư thực bất ngờ.
Thị Cầu ( nay là Đáp Cầu ) là thị trấn phồn hoa. Trên bến dưới thuyền cũng như bến Thương giang.
Thuyền bè ngược xuôi không ngớt. Đặc biệt, bè gỗ, bè nứa, đến bến này đều được tiêu thụ ngay. Lái buôn các vùng chờ đợi rất đông, cho nên cao lâu tửu quán như nấm mọc.
Quốc Đức thường được mẹ giao nhiệm vụ thương dịch ở nơi này. Một hôm, như thường lệ, trọ ở Hồng Kiều Tửu Quán, có phòng ngủ khang trang. Buổi chiều, xong việc chàng cùng gia nhân xuống phòng ăn. Nơi này đông nghẹt, có người phải ngồi chờ ở sảnh đường.Tửu bảo xin lỗi, người khách ngồi bàn chàng chưa ăn xong. Chàng ra hiệu cho tửu bảo biết chàng không quan tâm, sẵn sàng chờ lượt mình. Rồi cùng gia nhân ra hàng hiên trông xuống đường.
Ba người trò chuyện hồi lâu, không ai nóng ruột, ngoài trời gió mát hiu hiu. Cũng chẳng ai để ý đến một bọn bốn người từ thuyền lên bờ, tiến vào sảnh đường.
Vài phút sau, tiếng ầm ầm phá đổ bát đĩa, quát tháo om sòm. Thì ra bốn người kia đang gây chuyện.Một người ra vẻ con nhà quyền thế, còn ba người kia, mỗi người đeo một đoản kiếm, đã tuốt ra khỏi vỏ. Người đầu bọn sang trọng thì trong tay một khẩu súng ngắn, loại mổ cò đã thịnh hành thời đó. Bốn người này đến trước một bàn ăn trong góc phòng. Các bàn ăn chung quanh, mọi người tránh xa.
Một hoà thượng tuổi cao, áo dài nâu, gậy trúc gác tường, đang thưởng thức món ăn chay đặc biệt ở tửu lâu này.
- Bớ tu hành hổ mang kia - - chàng ấy quát tháo – nơi đây không phải dành cho hạng ngươi, lập tức đứng dậy trả bàn cho ta!-
Xưa nay, vùng này người ta kính trọng nể vì các tu sĩ bất cứ đạo giáo nào mà nay có một chàng trai bất chấp tập quán muốn ra tay, còn chờ xem sự thể.
Nhà sư đứng dậy, lễ phép:
- Xin lỗi quí hảo hán, bần tăng vừa ngồi đây vài phút nên chưa xong bữa ăn.
Tức thì một người trong bọn, múa gươm chặt tan một đĩa đậu rán, mọi người tránh né còn hai người kia tiến đến, mỗi người xách một bên tay hoà thượng định kéo ra ngoài.
Quốc Đức thấy cảnh tượng đáng ghét ấy, đưa mắt cho gia nhân tung cho chàng cây roi da sở trường nhanh như ánh chớp, roi da chàng đánh trúng khẩu súng của chàng trai. Khẩu súng rơi xuống đất. Mọi người còn sửng sốt thì hai tiếng âm vang như xé lụa, súng nổ vì cò bấm đã lên nòng, hai người đang uy hiếp nhà sư đều bị thương ở tay. Quốc Đức rất mừng, thấy thực khách trong lữ quán không ai bị thương lây, ném trả gia nhân cây roi da, rồi quay lại đương đầu với người thứ tư, đang múa đoản kiếm xông vào trợ chiến.
Người này võ nghệ cao cường. Quốc Đức coi thường chống chọi tay không, nên nhiều lúc khó khăn ở nơi chật hẹp ấy. Sau cùng cũng cướp được đoản kiếm, địch thủ ngã dài xuống đất. Chàng giơ gươm lên cao, giả vờ đâm thẳng xuống, nhưng thật ra chỉ để thị uy thôi Chàng ném đoản kiếm cắm vào một cột nhà, chuôi rung động thành tiếng gió, rồi bỏ đi ra ngoài. Người thua trận chồm dậy, rút kiếm ở cột ra, ném theo lưng chàng. Quốc Đức nghe tiếng gió sau lưng, đang định đối phó, thì một tiếng keng, đoản kiếm rơi xuống đất. Thì ra hoà thượng ném gậy trúc, cản đường « ám khí ».
Chàng bước lại cám ơn.
- Nam Vô A di Đà, bần tăng cám ơn tráng sĩ mới phải! -
Sáng hôm sau, tiểu đồng mang lên phòng chàng một lá thư, tăng lữ hẹn muốn gập chàng ở Trung Vân Tự..
Đọc thư mới biết đó là vị thiền sư Trung Vân, mà danh vang tới trường Trấn Bắc.
Lên đường phiêu du, Quốc Ðức, tấm lòng phơi phới, đường xa giục giã dây cương.
Ðến Trung Vân xã hôm sau, chiều tà. Chẳng kịp ngắm hoàng hôn vàng nhuộm núi đồi, đến thẳng Trung Vân Tự. Quý Đắc Thiền Sư đích thân ra đón, vào phòng trai, phân ngôi chủ khách.
: - Không ngờ tráng sĩ lên đây sớm vậy. Đó là duyên may của bần đạo chăng?
Quốc Đức: - Ngu sinh nóng lòng bái kiến tôn sư nên đã cướp thời khắc và không gian. Song đường có món quà mọn đệ lên tôn sư.
Thiền sư: - Ta gốc ở Đàng Trong, ưu thích giản dị, không mặc thứ lụa Hoàng sa quí giá này, xin phép con đem tặng sư bà ở chùa Tịnh Đức, đông thôn. Còn chắc con không phản đối - một bình Ngọc hà tửu, và một cân trà Vĩnh Thái, ngày mai bần đạo sẽ sai tiểu mang biếu viên xã trưỏng. Cũng là một dịp để giới thiệu con với xã Trung Vân này.
Trung Vân có hai ngôi chùa, Chùa Tịnh Đúc ở chân núi, sư bà Trần thị Thủy trụ trì. Các nữ đồ đệ của Hư không môn phái ký túc chùa này.
Quý Đắc thiền sư trụ trì chùa Thiên Chi, cất từ thời Lý, luôn luôn được trùng tu như trên đã kể, cho nên ai cũng nói đến chùa này. Đưòng lên chùa trên dốc cao mấy trăm bực đá. Cuối bực là giếng Ngọc Trầm, trong vắt, ngọt ngào. Dân chúng giữ gìn, săn sóc cấm giặt giũ gây ô nhiễm.
Chung quanh giếng có đường đi chu vi dài mấy trăm thước, lát gạch Thị Cầu và Bát Tràng, nhiều cây bóng mát cho nên là nơi nhàn du của khách nam thanh nữ tú, người làng và khách thập phương.
Người ta để ý tới một thanh niên, nâu sống giản dị, nón lá tơi bời, chân không, quần xắn, từ ba hôm nay, suốt ngày chạy lên chạy xuống, không ngừng, mấy trăm bực đá, những bực đá thử thách kiên nhẫn đức tin của thiện nam tín nữ đến lễ Phật. Mỗi tay một thùng nước múc ở giếng Ngọc Trầm, mang lên chùa trên, đổ vào một bể cạn sau chùa. Bể cạn này chứa nước cho một hệ thống dẫn thủy, chia tưới khu trồng hoa và vườn rau đủ loại
Thì ra đó là người gánh nước mới tuyển dụng. Nhiệm vụ là mỗi ngày, hai trăm thùng nước, khi xong mới được nghĩ ngơi, ăn uống và nghĩ tới ban ngày đã làm trò cười cho bọn con nít mỗi khi không tránh kịp cánh cửa chạm đổ nước toé tung, những lúc không giữ nổi thăng bằng trên cầu tre kỳ khôi, ngã lăn xuống nước.
Ngày thứ mưới, ngày cuối nhiệm vụ gánh nước. Bắt đầu từ dần; giờ chưa đến ngọ, mà chỉ còn một lần « đi gặp Chức nữ » là tròn bổn phận. Chàng tự cho phép lần cuối này là dịp vui chơi đùa nghịch.Đi đi, lại lại nhiều lần trên cầu thân tre, múc lên đổ xuống liên hồi mà vẫn thăng bằng, như chim vẫy cánh vờn cành … nhẹ nhàng én đậu.Khi lên bớ, chạy dọc nhẩy ngang, trên bực đá thi chạy lên nhảy xuống như Tề Thiên trêu chọc chàng Trư …Đang sung sướng với cử chỉ kỳ khôi của mình, chợt nghe vòm cao, tiếng cười trong trẻo rồi, tiếp theo câu hát:
Hỡi chàng xách nước ngây ngô
Muốn vể cứ hỏi tiên cô chỉ đường.
Ai đây? ăn nói chua ngoa, tự nhận mình « chức » tiên cô. Chàng đặt thùng nước, hai tay chống nạnh:
Đường về chẳng vị cô nương,
Tiên cô chính đạo, hay … thập phương, hỏi nàng?
Nghĩ rằng mình cũng đáo để như ai, cố ý ẩn nghĩa « thập phương », khách thập phương đến chùa, hay « gái thập phương? » chàng đang hối hận thì nghe tiếp:
Trách chàng ăn nói sỗ sàng, đây ta chỉ muốn cùng chàng đùa chơi.
« Thạch long thập nhật » thắng rồi,
Xin khen tráng sĩ ngày mai học quyền …
Thì ra cô nàng cũng biết là Thiền sư bắt chàng qua giai đoạn « mười ngày cưỡi rồng đá » khó nhọc ấy. Chàng trả lời
Anh hùng xin lỗi thuyền quyên,
Từ nay sám hối cửa thiền Thiên Chi!…
Giọng dịu dàng trong trẻo đáp:
Hẹn ngày gặp lại, có khi,
Xin chàng tạm biệt, nhưng ghi ngày này.
Mấy tiếng động nhỏ rung lá cành, nhưng không thấy dáng mỹ nhân nào. Chàng xách nước lên chùa, hai thùng cuối cùng của bài học võ đầu tiên.
Chàng trai ấy là Quốc Đức. Gánh nước là bài học đầu tiên diệt khinh chiến, ngạo kiêu. Hôm ấy, xong việc về phòng trai, mỉm cười nghĩ đến hứa hẹn của câu hát hẹn hò của nữ lang.... mình đã lọt vào mắt xanh nào đây? Suy nghĩ mông lung, trong khi chờ đợi cơm chiều, ra án thư, không đọc nổi một trang. Muốn xuống làng du ngoạn, nhưng không dám trái lời Thiền sư, mười ngày không được ra khỏi chùa.Vì thế, từ ngày đến Trung Vân, chưa tiếp xúc với ai, ngoài chú tiểu phục dịch. Buổi chiều chú tiểu bưng mâm cơm sang phòng trai. Chàng hỏi dò thì chú tiểu mách chắc đó là hai chị em họ Lâm, với lời phê bình tự do hài hước. Nghĩ rằng với cá tính ấy,chú tiểu này sẽ không bao giờ lên sư bác, cười thầm khoan khoái. Đêm đó giấc ngủ ngon lành. Sáng hôm sau, hết giờ Mão, thức dậy, võ y tề chỉnh, sang yết kiến Thiền sư.
Tính ra, Quốc Đức nhập môn Thiền sư Quới Đắc, vào năm Ất Mùi (1775), thời chúa Trịnh sâm Tĩnh Đô Vương, khi quyền hành cao độ, binh hùng tướng mạnh, ba dũng tướng họ Hoàng, Quận Việp, Quận Thạc, Quận Huy, thêm cống Chỉnh ( Nguyễn Hữu Chỉnh ), nhân tài nổi tiếng, vừa thành công năm trước, Giáp Ngọ (1774) trong cuộc Nam Chinh, chiếm đóng Thuận Hóa của Đàng Trong. Không còn ai nhắc đến Lê Triều … Kiêu binh bắt đầu lạm quyền hống hách … Chúa Trịnh Sâm cùng Đặng Phi thường hay mở hội vui chơi ở Tây Hồ (1), như ngày nay chúng ta tổ chúc chợ phiên (kermesses) …
Sự nghiệp kinh doanh của Đặng Quang Anh và Bùi Thị Xuân Thảo cũng vào thời cường thịnh, tuy nhiên không phải dòng họ Đặng phi Thị Huệ.
Quốc Đức là học trò ưu tú của Thiền sư. nhưng mới được sáu tháng, đã cáo từ về Kinh Bắc. Tại sao? sau này sẽ phân giải.
Thương Giang Diễm Sử Thương Giang Diễm Sử - Bùi Văn Nhẫm