Reading well is one of the great pleasures that solitude can afford you.

Harold Bloom

 
 
 
 
 
Tác giả: Lương Tố Nga
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2532 / 27
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tập 10
út cây roi tre từ trên chái nhà ra, ba tôi nhịp nhịp nó lên tấm phản, miệng ông không ngớt hỏi tội tôi:
- Hoàng, tại sao mày dám bỏ nhà đi chơi. Không lo dọn dẹp nhà cửa, không lo ôn tập hè, cũng không thèm nấu cơm? Trưa rồi mẹ mày và tao về ăn gì đây? Còn thằng Tý, mày rủ rê hắn chặt tre làm chi để hắn chặt vô chân hắn? Ba nó về đây bắt đền tao mày biết không? Sao mày ăn rồi chạy lông bông, phá làng, phá xóm vậy hả? Hả? Cái thằng trời đánh kia?
Tôi vòng tay, cúi đầu đứng trước ba tôi, nghĩ đến sự đau đớn khủng khiếp của ngọn roi sắp quất lên người mà rụng rời. Tuy thế, tôi vẫn không trả lời được những câu hỏi dồn dập của ba tôi.
Ông nhịp roi nhanh vun vút lên tấm phản:
- Mày điếc hả, hay mày lì, sao không nói? Tại sao mày cứ chạy ra chơi ngoài nghĩa địa hoài vậy? Ngoài đó có gì hấp dẫn mà mày mê dữ vậy?
Tôi vẫn câm như hến. Vút! Vút! Hai roi quất vào mông tôi mà không cần đợi tôi nằm dài ra phản. Tôi oằn người vì đau, nhưng tôi không van xin, cũng không nói lên những việc tôi định làm ngoài nghĩa địa. Tôi không muốn ba tôi chia xẻ với tôi những lo lắng, thương yêu mà tôi dành cho người mẹ đã chết. Tôi biết, ba tôi không còn nhớ thương gì đến mẹ tôi nữa.
Lại vút! Vút! Trót! Trót! Những ngọn roi quái ác, tàn nhẫn in tới tấp lên lưng, lên mông, lên hai bắp chân tôi. Tôi vẫn cắn răng chịu đựng. Ba tôi rít lên.
- Thật là một thằng ranh con lì lợm! Tao sẽ cho mày mềm xương ra.
Tôi biết, càng lì mặt đứng đó, càng bị đánh tới tấp. Nhưng mặc, tôi cứ cắn răng chịu trận.
Tiếng dì Xuân và nhiều người nữa đã bu đông lại trước cửa nhà tôi cùng la ó, can gián. Dì Xuân sấn tới giật cây roi, nói giọng căm tức:
- Chú Sơn! Răng chú ác rứa? Ðánh chi mà đánh dữ rứa? Con chú chớ bộ kẻ thù chi chú mà muốn giết hắn chết đi? Ác vừa vừa thôi chú ơi. Ai xui, ai biểu chú mà chú không biết thương con chớ.
Ngay tức khắc, tiếng dì ghẻ tôi ở gần đó, chua cay:
- Nì! Im cái họng nghe. Ðừng có nói xiên nói xỏ người ta nghe! Việc nhà người ta, để người ta lo. "Ðèn nhà ai, nhà nấy rãng." Xía vô rồi có người nói là định giựt chồng người ta đó.
Tiếng dì Xuân "hừ, hừ" trong họng. Tiếng nhiều người xì xà, đay nghiến. Tôi không chú ý lắm, chỉ chờ đợi những ngọn roi quất điếng lên người. Nhưng không, ba tôi không còn ở đó nữa. Ông theo tay kéo của một người hàng xóm đi ra khỏi ngõ.
Dì Xuân bẻ đánh "rốp" cây roi, quẳng vào góc nhà. Dì không thèm nói gì nữa, ôm lấy tôi dìu qua nhà dì. Ðặt tôi nằm lên chiếc chõng tre, dì xuýt xoa rờ rờ lên lưng tôi. Ðang nằm úp mặt xuống giường, tôi vẫn cảm thấy những giọt nước mắt nóng hổi nhiễu lên lưng tôi làm xót rát những vết roi có lẽ rướm đầy máu.
Dì Xuân hỏi vỗ về:
- Răng con dại rứa con? Ba con không ưng con bỏ nhà đi chơi, con đi chỉ để bị đánh thảm thương ri hè?
Tôi tấm tức khóc trước những lời nói nghẹn ngào của dì Xuân:
- Răng con cứ ưa ra nghĩa địa làm chi mà ra mãi rứa hả?
Nướcmắt chảy ròng ròng, tôi vẫn không nói.
- Rứa sáng ni con làm chi mà thằng Tý suýt gãy cẳng hả?
Thổn thức một hồi, tôi mới nói được:
- Con rủ thằng Tý chặt tre...
- Trời ơi, hết cách chơi răng con chơi dao, chơi rựa?
- Con không chơi đâu dì. Con biểu thằng Tý chặt tre làm nhà...
- Trời ơi, bày trò chơi làm nhà, làm cửa nữa?
- Không phải bày trò đâu dì. Con định chẻ tre, lợp cho mẹ con một mái nhà kẻo nắng rọi mẹ con nóng lắm dì. Mai mốt tới mùa mưa, mẹ con cũng khỏi bị ướt, bị lạnh đó dì.
Dì Xuân la trời một lần nữa rồi dì khóc kể:
- Sen ơi là Sen! Răng em chết chi sớm để con em tội tình dữ ri nè. Còn cha đó mà như mồ côi, mồ cút. Cha hắn giờ chỉ biết con ngựa Thượng tứ đó thôi, còn biết chi tới con với cái nữa. Hu hu...
Dì xịt mũi vào ống quần đen rồi dì lại khóc. Nước mắt của dì làm tôi thêm tủi thân. Tôi vùng dậy ôm chặt lấy dì, khóc oà. Con Kim Anh ngồi bên mẹ cũng ôm mẹ khóc.
Lát sau, khóc đã nư, dì Xuân tỉnh táo nói:
- Kim Anh, lui sau bếp bới tô cơm, bỏ vài con cá bống thệ kho ném, lựa con mô lớn nhất đó, đem lên cho thằng Hoàng ăn.
Kim Anh dạ nhưng vẫn đứng bên, hỏi rụt rè:
- Còn bác Sơn và dì Lan thì sao mẹ?
Dì Xuân trợn mắt lên:
- Sao là sao? Cho họ đói chớ sao. Bộ họ không biết đi ăn cơm tiệm à? Không lo được bữa cơm hay sao mà bắt thằng nhỏ 7,8 tuổi lo hầu hạ họ hả?
Ðược lời như cởi tấm lòng. Dì Xuân thiệt là hiểu bụng tôi. Ðã lâu, mỗi lần phải gò lưng chúi đầu vô ông bếp thổi lửa phù phù, khói mù cay mắt, tôi hay nhủ bụng: "Tự dưng mình phải hầu hạ, cơm nước mãi hai con người ác nhơn đó."
Những lúc ấy, tôi buồn rầu nghĩ mãi, không hiểu sao ba tôi lại ưa đánh đập tôi một cách dữ dội như thế. Vô lẽ ba tôi không còn thương tôi? Hay ba tôi điên? Hay tôi không phải là con ruột của ông? Nhưng ngày mẹ tôi chưa mất, ông cưng tôi lắm mà?!
Sau cái vụ làm nhà che nắng, che mưa cho mẹ không thành, lại bị một trận đòn nên thân, tôi càng đâm ra lì lợm, càng ghét mẹ kế và xa lánh ba tôi hơn.
Cũng vậy, ba tôi càng ham đánh đập tôi hơn. Cứ mỗi lần dì ghẻ tôi nói hờn mát bất cứ chuyện gì có dính dáng đến tôi, y như rằng ba tôi lại lôi tôi ra đánh. Gãy hết cây roi tre này thì vót cây roi khác. Sau, ba tôi kiếm đâu được cây roi mây già. Ông gác nó lên bàn thờ mẹ tôi. Tôi không hiểu vì sao ông để roi lên đó. Ý chừng ông muốn hăm he luôn mẹ tôi, đã không biết dạy con từ ngày còn bé để giờ ba tôi phải tốn nhiều công sức dạy tôi bằng roi chăng?
Tôi từng thầm van vái: "Mẹ ơi, mẹ linh thiêng thì ra phép cho cây roi mây đó gãy quách đi nghe mẹ, đừng cho nó đánh vào lưng con, đau lắm mẹ ơi!"
Ba tôi đánh riết, cái mông tôi cũng chai sạn và tôi càng bỏ nhà ra với mẹ tôi nhiều hơn. Có khi tôi rủ bạn bày trò chơi suốt buổi, sực nhớ, về nhà lãnh trận đòn rồi đi ngủ.
Tôi lớn dần theo với những trận đòn, những gnày tháng rong ruổi bên khu nghĩa địa. Tôi trở thành một đứa con trai khó trị ở nhà và học trò cá biệt ở lớp. Tôi cũng xa rời những người trước kia yêu thương tôi như dì Xuân, Kim Anh, bác Tâm. Ðương nhiên, tôi chẳng hiểu lý do vì sao tánh tình tôi lại kỳ cục như thế.
Chỉ biết rằng, có một buổi tối trước Tết khoảng hai tuần, tôi ngồi ở tấm phản ngắm em gái cùng cha khác mẹ lên hai tuổi, đang được mẹ mặc cho chiếc áo đầm mới rất lộng lẩy. Con bé cười hinh hích một cách thích chí rồi xoay qua xoay về, làm điệu, làm bộ, trông rất ngộ ngĩnh. Ba và dì ghẻ tôi cười khanh khách. Tôi không cười, vì có gì vui đâu mà cười kia chớ? Bỗng ba tôi nhìn qua. Thấy vẻ mặt tôi, ông nói với dì ghẻ:
- Mình đã sắm cho thằng Hoàng bộ đồ Tết nào chưa?
Dì ghẻ tôi quay mặt đi, khó chịu:
- Bộ áo quần năm ngoái còn mới lắm mà, mua bộ khác chi, tốn tiền!
Tôi không buồn vì câu nói của dì mà tôi ghét! Ðứng vụt lên, tôi lầm bầm khá to:
- Ðây cóc thèm áo quần Tết.
Ba tôi nghe được, vọt miệng chửi:
- Ðồ mất dạy!
Ông bước ba bước tới bên bàn thờ mẹ tôi. Tôi phóng chân chạy ra cửa. Lần này thiệt lạ, ba tôi để tôi chạy thẳng mà không réo tên, gọi vào lãnh trận đòn.
Tôi đứng lại ngoài vườn thêm một lúc rất lâu. Lát sau nghe tiếng em tôi cười ngặt nghẽo. Bất giác, tôi bước lên thềm nhà, ghé mắt vào khe cửa. Tôi thấy ba tôi ẵm con bé đặt lên lưng, làm ngựa cho con bé cưỡi. Miệng ông "hí, hí", mông ông nhoai nhoai. Ngày xưa, ba tôi cũng thường làm ngựa cho tôi cưỡi, hai cha con đùa với nhau rất vui. Giờ thì... Tôi cười khẩy mà nước mắt ứa ra.
Lủi thủi tôi quay ra, thơ thẩn qua vườn nhà dì Xuân chơi.
Bên dì Xuân không thấy cảnh thử áo, thử quần mới. Nhà dì nghèo lắm. Kim Anh đâu được như em gái tôi. Nhưng tôi cũng vậy, có gì mới đâu, mặc dù ba tôi kiếm ra tiền nhiều hơn dì gấp bội.
Ðịnh đẩy cửa vào, tôi bỗng nghe tiếng hai mẹ con rúc rích, rồi tiếng dì Xuân hò ru con:
-Ầu ơ, "Có vàng vàng nỏ hay phô. Có con, con nói trầm trồ mẹ nghe."
Tôi áp mặt vào khe cửa, nhìn vào. Kim Anh đang nằm cuộn tròn trong lòng dì Xuân, thỉnh thoảng cười rúc rích vì được mẽ vừa gãi lưng vừa hát ru ngủ. Một làn sóng ganh ghét, không kềm chế được dâng lên buồng ngực khiến tôi muốn khóc. Tôi bỗng căm tức, tại sao ai cũng còn mẹ mà tôi thì không? Con Kim Anh mất cha nhưng còn mẹ. Tuy chỉ có hai mẹ con thui thủi bên nhau, sao mà tôi vẫn thấy ấm áp, hạnh phúc? Tôi còn có cha và có mẹ kế, có cả em gái mà vẫn như không còn ai.
Giờ này, giữa đêm đông gió lạnh lùng và mưa phùn lất phất, tôi còn đứng đây, phân vân không muốn vào nhà nào. Còn mái nhà nào là chỗ ủ ấm cho trái tim non dại của tôi được nữa?
Buồn rầu, tôi cứ phơi người ngoài trời, mặc cho mưa nhẹ phủ đầy mái tóc và gió lạnh lùa vào chiếc áo len mỏng manh.
Ðứng như thế rất lâu, chợt tôi nghe mùi hoa lài dậy lên trong đêm. Ðã tới giờ hoa lài nở rộ. Ðến bên bụi hoa um tùm lá của mẹ trồng ngày trước, tôi đứng lặng yên ngắm những bông hoa nhỏ xíu để mường tượng lại khuôn mặt mẹ với búi tóc đen nhánh, gài bông hoa trắng ngày nào. Tôi thèm được hôn vào má mẹ để hít lấy mùi hoa thơm ngan ngát như những ngày còn dại khờ đó. Nhưng giờ đây, biết gặp mẹ nơi đâu?
Tối nay, hoa nở thật nhiều. Nghĩ đến mẹ, tôi tiếc cho hoa. Không còn ai trong nhà này ưa chuộng, vậy mà chúng cũng phải tỏa ngát hương. Lựa những bông hoa lớn tôi bẻ hơn chục nhánh nhỏ. Ðem vào nhà, cắm lên chiếc bình sứ nhỏ xíu, tôi đặt lên bàn thờ mẹ.
Bắt đầu từ tối hôm ấy, tôi nghiệm ra rằng mất mẹ là mất tất cả, không có thứ tình cảm nào trên đời có thể thay thế được tình mẹ con. Ngay cả tình thương của dì Xuân dành cho tôi, tôi cũng đâm ra nghi ngờ. Tôi cho rằng chỉ khi nào con Kim Anh nó thừa thãi cái tình đó, dì Xuân mới san bớt qua cho tôi. Chỉ vậy thôi.
Thung Lũng Tuổi Thơ Thung Lũng Tuổi Thơ - Lương Tố Nga