Fear keeps us focused on the past or worried about the future. If we can acknowledge our fear, we can realize that right now we are okay. Right now, today, we are still alive, and our bodies are working marvelously. Our eyes can still see the beautiful sky. Our ears can still hear the voices of our loved ones.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 11
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1859 / 68
Cập nhật: 2015-08-24 10:56:43 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 7
om, 14 tháng Năm 1904
Ông Kappus thân mến,
Từ hôm nhận được thư ông đến nay đã lâu, mong ông đừng trách; đầu tiên là công việc, rồi phiền nhiễu và rốt cuộc lại đau ốm nữa cứ thay nhau cản trở, mà ý tôi là muốn phúc đáp thư ông vào lúc yên tĩnh và tốt lành. Hiện giờ tôi đã thấy dễ chịu hơn (tiết lập xuân vừa rồi ở đây cũng thấu cảnh trời đất chuyển mùa thất thường ác nghiệt) và có dịp viết thư thăm ông, ông Kappus thân mến, và (tôi nhiệt thành mong muốn) nói về điều này điều kia trong thư ông theo chỗ tôi còn nhớ.
Ông thấy đấy: tôi đã chép lại bài sonnet của ông vì thấy nó hay và giản dị và đi bằng bút pháp thật lặng lẽ trong thể loại sinh ra nó. Ðấy là những vần thơ hay nhất tôi được đọc của ông. Và bây giờ xin gửi lại ông bản chép tay đó, vì tôi biết, xem lại tác phẩm của mình viết bằng chữ của người khác là rất quan trọng và đầy kinh nghiệm mới. Ông hãy đọc, như thể đấy là thơ người khác, và trong thâm tâm ông sẽ cảm thấy rõ đấy là thơ mình. Ðọc bài sonnet ấy và thư ông nhiều lần là một niềm vui đối với tôi, xin cảm ơn ông về cả hai thứ.
Trong cô đơn, ông đừng để mình bị lung lạc bởi một chút gì đó nơi ông đang muốn bứt khỏi cô đơn. Nếu ông biết dùng cái nguyện vọng ấy, bình thản và đầy ưu thế như sử dụng một công cụ, thì chính nó sẽ giúp ông trải rộng niềm cô đơn trên địa dư bao la. Người đời (nhờ những khuôn mẫu) nhắm vào cái dễ nhất của dễ mà giải quyết mọi sự; nhưng chúng ta hiển nhiên là phải bám vào cái khó; mọi sự sống đều bám vào đó, vạn vật trong thiên nhiên sinh sôi và tự vệ theo từng cách riêng và thành ra một thể riêng, tìm cách khẳng định mình bằng mọi giá và đương đầu với tất cả. Chúng ta chẳng biết nhiều cho lắm, nhưng điều chắc chắn là phải bám vào cái khó, nó sẽ không bỏ rơi ta; cô đơn được là tốt, vì cô đơn khó; khó, nên ta được thêm một cớ để cô đơn.
Yêu được cũng là tốt: bởi yêu là khó. Người yêu người, có lẽ đấy là điều khó nhất mà ta được giao phó, là tột cùng, là cuộc thử thách và kỳ sát hạch cuối cùng, là công việc mà mọi công việc khác chỉ chuẩn bị cho nó mà thôi. Vì lẽ đó mà lớp trẻ, là những người mới vào nghề trong mọi lĩnh vực, chưa thể biết yêu: họ phải học yêu. Học yêu bằng toàn bộ con người mình, bằng toàn bộ sức lực tề tựu quanh trái tim cô đơn, phấp phỏng và nhảy thót. Nhưng khoá học yêu là cả một thời gian dài khép kín, cho nên yêu là cô đơn dài lâu và cô đơn lút đời, là đơn độc tăng tiến và đào sâu cho kẻ nào yêu. Yêu thoạt tiên không hề là vong thân, dâng hiến và hoà cùng ai đó (vì như vậy hoá ra là một sự hòa hợp của cái chưa sáng tỏ, chưa hoàn thành, chưa điều chỉnh ư?), yêu là một duyên cớ cao thượng để mỗi người tự chín, trở thành một cái gì đó trong chính mình, trở thành thế giới, vì một ai đó mà trở thành thế giới cho bản thân mình; yêu là một đòi hỏi lớn, một đòi hỏi không khiêm nhượng, chọn mặt mà gửi sứ mệnh của tầm xa. Lớp trẻ chỉ nên sử dụng tình yêu ban cho mình theo nghĩa đó, như nhiệm vụ tự tu dưỡng ("ngày đêm gõ búa và nghe ngóng"). Vong thân, dâng hiến, và mọi hình thức chung sống không phải là những thứ dành cho họ (họ còn phảichắt chiu, nhặt nhạnh lâu, rất lâu nữa), mà là cái chung cuộc, có lẽ là cái mà kiếp người hiện tại hầu như còn bất cập.
Nhưng những người trẻ tuổi lại nhầm lẫn liên tục và nghiêm trọng ở chỗ: họ (với bản tính thiếu kiên nhẫn) lao vào lòng nhau khi tình yêu ập đến, họ vung vãi bản thân, hệt như toàn bộ những cung cách lộn xộn, bừa bãi, thiếu ngăn nắp của họ... Nhưng liệu sau đó thì thế nào? Ðời sống biết làm gì với cái đống tan tành quá nửa mà họ gọi là chung sống ấy, mà họ ưa gọi là hạnh phúc, nếu có thể, và là tương lai ấy? Ở đó người này chỉ tự đánh mất mình vì người kia, và đánh mất nốt người kia cùng bao nhiêu người khác còn muốn đến. Và đánh mất tầm xa cùng những triển vọng, đánh đổi những điều khẽ khàng, đến rồi lại đi, đầy tiên cảm, lấy một sự túng chí cằn cỗi, tuyệt không sinh hạ gì được nữa ngoài một chút ghê tởm, thất vọng và nghèo hèn, và lối thoát là rúc vào một trong vô vàn những khuôn mẫu xã hội như những trú quán công cộng rải khắp ngả đường nguy hiểm nhất này. Không một lĩnh vực nào trong cõi nhân sinh được trang bị nhiều khuôn mẫu đến thế: dây đai bảo hiểm đủ mọi kiểu sáng chế, thuyền và phao sẵn sàng; quan điểm xã hội đã biết đường tạo chốn nương thân đủ loại, bởi lẽ, vốn đã coi tình ái là giải trí thì cũng phải thu xếp sao cho tình ái được dễ, rẻ, vô hại và an toàn như mọi trò giải trí công cộng.
Nhiều người trẻ tuổi tuy nhận ra sức ép của sai lầm, họ yêu sai, nghĩa là cứ yêu dâng hiến và thiếu cô đơn (đám trung bình sẽ mãi mãi là như vậy), và cũng muốn vực dậy cái tình cảnh mình mắc phải, tiếp thêm sức sống cho nó theo cách hoàn toàn cá nhân của riêng mình; bởi lẽ bản năng mách họ rằng những vấn đề của tình yêu, hơn mọi điều quan trọng khác, là thứ không thể đem ra ra giải quyết công khai và chiếu theo khuôn mẫu này nọ; rằng đó là những vấn đề mật thiết giữa người với người, mỗi trường hợp đòi hỏi một giải đáp mới, riêng biệt, và chỉ mang tính cá nhân mà thôi -: nhưng họ, những kẻ đã lao vào nhau, không còn rào biên giới cho riêng mình, không còn phân biệt cái tôi của mình, nghĩa là chẳng sở hữu một chút riêng nào nữa, họ làm sao tìm nổi một lối thoát từ chính mình, từ chốn sâu thẳm của sự cô đơn đã rơi vãi?
Họ hành động trên cơ sở cùng bất lực, và khi họ, đầy thiện ý, muốn trốn tránh khuôn mẫu mà họ nhìn thấu (hôn nhân chẳng hạn), thì lại rơi tõm vào vòng trói của một giải pháp ít ồn ào hơn, nhưng cũng rập khuôn chết người như vậy; bởi quanh họ khi đó - hết thảy là khuôn mẫu; thay vì hành động trên cơ sở một cuộc chung sống non nớt và u ám thì nay mỗi hành động đều theo khuôn mẫu: mỗi quan hệ nảy sinh từ chỗ rắc rối ấy đều có khuôn của nó dù khác thường đến mấy (tức là dù vô luân theo nghĩa thông thường đến mấy); thậm chí ly hôn cũng là một hành động theo khuôn mẫu, một quyết định ngẫu nhiên, không của riêng ai, vô sinh và vô lực.
Ai nghiêm túc để ý sẽ thấy rằng tình yêu cũng gian nan như cái chết, chưa có một giải thích và giải pháp nào, chưa có biển chỉ đường và chưa có đường đi cho nó; và sẽ không có một quy tắc chung nào dựa trên thoả thuận cho hai thứ đó, tình yêu và cái chết, hai nhiệm vụ mà chúng ta gánh vác trong bọc kín và cứ để nguyên không mở như thế trao tiếp cho người khác. Nhưng chúng ta rồi sẽ giáp mặt những điều vĩ đại ấy ở khoảng cách gần hơn, tùy mức từng người bắt tay vào thử sống. Những đòi hỏi mà công việc vất vả của tình yêu đặt ra cho sự phát triển của chúng ta là khổng lồ, và chúng ta, những người mới vào nghề, không thể nào kham nổi. Nhưng nếu chúng ta ráng chịu, và gánh lấy tình yêu ấy như một khoá học, chứ không đánh mất mình vào mọi trò dễ dãi và nhẹ dạ, nơi người đời lẩn tránh cái nghiêm túc tuyệt đối của kiếp người, - nếu được như vậy thì mai sau hậu sinh của chúng ta có chăng sẽ thấy trong đó một tiến bộ nho nhỏ, một chút đỡ đần khuây khoả; thế cũng là nhiều lắm.
Thực ra chúng ta chỉ vừa kịp làm một việc là nhìn nhận khách quan và không định kiến quan hệ giữa cá nhân người này với cá nhân người kia, còn thử sống những quan hệ ấy thì không có tấm gương nào cho ta noi theo. Nhưng theo dòng thời gian, rồi sẽ có một chút gì đó dìu dắt ta trong bước chân chập chững ban đầu.
Người thiếu nữ và người phụ nữ trong bước phát triển mới của riêng mình sẽ chỉ bắt chước tính xấu của đàn ông, lặp lại những nghề nghiệp đàn ông nhất thời mà thôi. Khi cơn lúng túng của thời quá độ qua đi, ta sẽ thấy người đàn bà trải qua vô vàn những bộ lốt khác nhau (và thường là lố bịch) ấy, chỉ để rửa sạch bản chất của riêng mình khỏi ảnh hưởng bóp méo của phái kia. Người đàn bà được đời sống ghé thăm và trú lại một cách trực tiếp hơn, phồn thực hơn, và tin cậy hơn, hẳn phải trở nên chín chắn hơn, nhân bản hơn gã đàn ông nhẹ cân nổi trên bề mặt cuộc đời, chẳng hề được sức nặng của trái thai nào từ bên trong kéo xuống, gã đàn ông hấp tấp và tự phụ, coi thường cái mà gã tưởng mình yêu. Nhân cách ấy của phụ nữ từ đau thương và hạ nhục mà thành, và nó sẽ hiện ra, khi người đàn bà đã cởi bỏ những khuôn mẫu về nữ-tính-đơn-thuần trong mọi hóa thân của hình thức bên ngoài, và kẻ nam nhi nào hôm nay chưa nhìn ra điều đó thì sẽ bị bất ngờ và đánh gục. Một ngày nào đó (đặc biệt ở các nước phương bắc hiện nay đã lấp lánh những dấu hiệu đáng tin cậy), một ngày nào đó sẽ xuất hiện người thiếu nữ và người phụ nữ mà danh tính không chỉ nói lên sự tương phản với nam tính, mà nói lên một điều gì đó khiến người ta không nghĩ đến giới hạn và bổ sung, chỉ còn nghĩ đến cuộc sống và kiếp người: là người nữ.
Bước tiến đó sẽ biến đổi đời sống tình ái đầy nhầm lẫn hiện nay (trước hết là sẽ vô cùng trái ý đám đàn ông lỗi thời), đổi thay tận gốc và tạo thành một quan hệ theo nghĩa giữa người với người chứ không còn là giữa đàn ông và đàn bà. Và cái tình yêu nhân bản hơn hẳn ấy (là thứ sẽ diễn ra đầy tôn trọng và khẽ khàng, tốt đẹp và sáng tỏ trong buộc vào và cởi ra) sẽ gần giống như tình yêu chúng ta gắng công nhọc nhằn chuẩn bị, là tình yêu cho hai nỗi cô đơn bảo vệ lẫn nhau, tách nhau ra và ngả mũ chào nhau.
Còn điều này nữa: Ông đừng nghĩ rằng mối tình lớn ông phải hứng trọn ngày nào, khi còn là một cậu bé, nay đã mất; liệu ông có thể khẳng định rằng những ước vọng lớn và tốt lành đã chẳng chín dần trong ông từ ngày ấy, và biết bao dự định còn theo ông đến giờ? Tôi tin rằng, mối tình ấy đọng lại trong ký ức ông mạnh mẽ và đầy quyền năng như thế. Vì đó là nỗi cô đơn sâu sắc đầu tiên trong đời ông và là công tác nội tâm đầu tiên mà ông tiến hành cho cuộc đời mình.
Xin chúc ông, ông Kappus thân mến, mọi điều tốt lành.
Rainer Maria Rilke
Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi - Rainer Maria Rilke Thư Gửi Người Thi Sĩ Trẻ Tuổi