If you have love in your life it can make up for a great many things you lack. If you don’t have it, no matter what else there is, it’s not enough.

Ann Landers

 
 
 
 
 
Tác giả: Viên Linh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 9
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1069 / 9
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Tập 5
rong ngôi biệt thự chỉ còn bốn anh em nhà Thịnh Phước. Họ đều ngồi trong bộ ghế bành nơi phòng khách. Mấy người đàn ông trầm ngâm hút thuốc, hầu như không muốn đả động đến những gì sắp phải làm.
Sau một lát do dự, Liên lên tiếng:
"Thực ra không nên đào mộ mẹ, việc đó không phải vì mẹ mà vì chúng ta".
"Tôi cũng nghĩ như chị. Mẹ nằm ở nghĩa địa Suối Cá Thần hay ở ngọn đồi Lương Sơn thì cũng thế. Nó chỉ khác nhau khi mẹ còn sống".
"Tuy vậy, di chúc là lời người sống. Nên ta cứ phải theo".
"Bây giờ vấn đề đã đổi khác. Căn phần của mẹ chính là thái độ của gia đình chúng ta đối với quê hương. Thái độ đó không được suy suyển. Phải cho chúng thấy sự hiện diện của chúng ta ở đây. Nếu không còn trong tương lai thì cũng phải còn trong quá khứ. Không thể và không bao giờ xoá nhoà được".
"Tôi không nghĩ như anh, anh Học. Tây Phố chẳng là cái gì. Nó chỉ là một xó đổ nát, điêu tàn, nhỏ nhoi không đáng thương tiếc chút nào".
"Đó là quê hương, cô Liên".
"Đó là dĩ vãng, anh Học".
"Vậy cô không muốn cải táng?"
"Tôi có nói thế đâu. Tôi chỉ bảo là không nên".
Sĩ ngắt lời:
"Như thế cô vẫn có thể nghỉ ngơi cho khỏe. Cô không cần phải để ý đến nữa".
"Tôi bắt buộc phải để ý đến. Tôi muốn chi gia tài cho sớm".
"Đồ trơ trẽn!"
Liên bất thần ném cái xắc vào mặt Sĩ như chờ đợi làm thế từ lâu. Ông ta giật mình đứng vụt lên, một tay ôm lấy má. Thần sắc của người đàn ông biến đổi, tái xanh, chân tay rung động quờ quạng trong một giây, rồi ông xáng mạnh một cái tát xuống, hụt. Ông buông mình xuống ghế, thở hào hển. Người anh cả bất động trước cảnh ấy. Duy người em út lơ là thản nhiên.
"Tôi không muốn trông thấy cô ngồi trong ngôi nhà này nữa".
"Anh đã hết chịu đựng nổi. Song rất tiếc, anh không có quyền. Không ai có quyền, trừ mẹ. Đây là ngôi nhà chung của chúng ta".
"Đây không ai chứa chấp cô".
"Đây không ai là chủ nhà. Tôi không biết dùng chữ gì hơn để chỉ sự tự do của chúng ta hôm nay".
"Nghề tôi không nói văn hoa như cô được. Đây là một gia đình, có trên, có dưới. Và cô phải tuân theo".
"Anh câm miệng. Tôi không muốn nhận anh là anh nữa".
Ông ta nín thinh, bất lực hoàn toàn; vẻ mỏi mệt và muốn bỏ cuộc.
Thình lình lão gia nhân bước vào sân ngôi biệt thự. Từ cửa sổ nhìn ra, Liên thấy nét mặt ông có vẻ thất sắc. Ông vác trên vai ba, bốn đồ dùng đào đất như cuốc, xẻng, mai, v.v. còn mới. Dưới tay kia ông xách một cái làn trong chứa thực phẩm làm sẵn. Liên mở cửa cho ông vào rồi đóng lại.
Ông Học ngó ra cửa sổ rồi quay lại hỏi:
"Già Năm, chuyện gì thế?"
"Thưa cậu, ở Hợp tác xã Ngư Nghiệp và ở Trụ sở Hội đồng tỉnh người ta đang họp, hình như về chuyện nhà.
"Đông lắm không?"
"Mỗi nơi chừng chục người. Có cả thanh niên tự vệ".
"Mặc xác chúng!"
"Có lẽ họ sẽ kéo đến?"
"Chính khẩu súng của chị Liên. Phải thủ tiêu khẩu súng đó".
"Anh Học, anh tính sao?"
Người anh Cả nhìn xuống mặt bàn rồi lại nhìn lên:
"Có lẽ tôi phải lánh mặt".
"Như thế thì hơn. Nhưng anh cần có mặt ở đây, ít nhất là đến ngày mai".
"Tôi tưởng…" - ông ngập ngừng nhìn Liên.
Nàng mím mép cười, nói:
"Có lẽ như vậy tốt hơn. Anh Học, anh cho tôi xin lại khẩu súng".
"Cô định thế nào?"
"Tôi chưa biết. Song có lẽ tôi tạm ra khỏi cái nhà này".
"Chị Liên, chị phải ở lại".
"Chú nên sáng suốt".
"Chính anh, anh Sĩ, anh phải tỏ ra tốt hơn mới phải. Anh chỉ mong chị Liên ra khỏi nhà này vì lòng đố kỵ nhỏ nhen của anh. Tôi nói thực, anh tồi lắm!"
"Thằng chó! Câm mồm!"
"Anh không đủ tư cách để nói câu đó. Tôi cần phải cho anh hay rằng thái độ của anh không thể nào chịu được. Anh cũng từng bỏ ngôi nhà này, vậy mà hôm nay anh trở về đây để lên tiếng như một gã bảo hoàng lỗi thời được phục sinh. Cố hò hét để khơi dậy cái tính khí cục cằn của kẻ bất lực chán chường, của kẻ trưởng giả sót sổ được cứu vớt. Anh Sĩ, tôi như anh, tôi im lặng là hơn".
"Thằng chó! Thằng mất dạy!"
"Đồ khả ố".
"Chú Hiệp" – nàng gọi em và lấy bao thuốc đưa cho Hiệp.
Người anh kế trừng trừng nhìn họ.
"Đồ điếm! Đồ ma cô!"
Hiệp tiến lên một bước đấm Sĩ ngã sấp xuống mặt bàn làm vỡ tan tấm kính lồng ở khung ảnh bà Thịnh Phước. Anh ta gằn giọng:
"Vậy anh là một tay chơi bẩn thỉu".
Vầng trán Sĩ bị cứa sứt nhiều vết, máu ứa loang lổ. Ông run lật bật đứng vụt dậy. Biến cố đó hoàn toàn thay đổi cuộc hội ngộ của họ. Ông ta nhìn khắp lượt khuôn mặt anh em, đều bất động giả tạo, như khuôn mặt vô tri của viên quan toà sau khi tuyên bố một bản án tương tự những bản án từng xảy ra trước cho nhiều tội nhân khác nhau. Rồi ông vuốt mớ tóc xõa, cười nhạt.
Ông dỡ cái khung gỗ và những miếng kính vụn trên bức chân dung mẹ, cố gắng bình tĩnh để lột lấy tấm hình. Ông cuốn tròn tấm hình, cầm nơi tay và đi như chạy ra khỏi cửa. Ông dừng lại trên hiên, nhìn mọi người một lần điểm mặt rồi xốc áo bước xuống sân. Trong khi những người ở lại tưởng ông đi thẳng thì ông dừng lại lần thứ hai giữa lối đi lát gạch, gần cổng ngoài, cách hiên khoảng chục thước. Ông hét lớn làm ai nấy đều ngạc nhiên:
"Đồ chó! Tôi cóc cần! Mấy trăm ngàn đồng với tôi là cái chó gì? Thằng này không khốn khổ thế đâu. Đồ tồi! Tưởng cái số độc đắc là to lắm đấy hả? Hả? Từ giờ nhớ kiềng mặt tôi nghe".
Ông nói những lời cuối cùng và đi ra phố. Ở bến ông sẽ lấy xe đò rời Tây Phố ngay chiều hôm ấy. Khi xe chuyển bánh ông thấy nhẹ nhõm như đã xong mọi việc.
Không khí nặng nề bao phủ ngôi biệt thự cuối đường Ngô Thời Nhiệm. Sự bỏ cuộc của Nguyễn Văn Sĩ hình như làm một hai người bên cạnh chán chường hơn. Kể cả Liên. Nàng nhìn chiếc khung trống rỗng với một nỗi u mê vô cảm và thân thể không trọng lượng.
Lão gia nhân sau khi theo Sĩ ra đóng cổng đã trở vào. Lão ôm đầu ngồi trên chiếc ghế đôn. Ông Học lau mắt kiếng một cách trầm ngâm.
Hiệp lên tiếng:
"Tôi rất tiếc về việc vừa xảy ra. Nhưng anh Sĩ vẫn làm tôi nhớ đến chúng ta hơn. Chúng ta, một gia đình tai mắt của Tây Phố trong lúc đổi thay bộ mặt thế hệ. Thế hệ mẹ và thế hệ mỗi chúng ta" – chàng châm thuốc – "nhưng theo tôi tất cả đã được giải quyết". Ngừng một lát, chàng quay sang anh cả – "Anh giải quyết sao về khẩu súng không giấy phép đó?"
"Tôi đã nghĩ kỹ. Tôi không tha tụi này đâu. Tôi sẽ cho chúng tan xác, nhưng tình thế không cho tôi lộ diện. Khẩu súng này sẽ làm chấn động bọn Hội đồng Tây Phố. Nên tôi phải đi".
Không ai hỏi một lời nào. Liên lặng lẽ ngả đầu trên vai ghế, như buồn ngủ.
"Anh có phải dặn lại không?"
"Không. Tôi rời đây mà vẫn ở đây. Chính câu hỏi đó phải để cho chú trả lời".
"Tôi chẳng có gì để dặn lại. Nếu tôi ra đi, tức là người cuối cùng ra đi. Căn nhà này khi đó sẽ bỏ trống".
"Chú đã nghĩ sai. Chú không phải là người cuối cùng".
"Chắc là anh?"
"Chú không cần phải hỏi cũng biết".
"Tôi không còn tin anh nữa. Anh không phải là kẻ thay mẹ ở đây. Thứ nhất vì anh vắng mặt, dù vắng mặt có người đại diện. Thứ hai, không ai thế cho mẹ được ở Tây Phố này: Mẹ là người chót. Mẹ chết, Tây Phố chết".
"Chú lầm. Người nào chết đi cũng phải chọn một người thừa tự để thay thế. Gã ăn mày trên hè đường Tây Phố cũng có người thừa tự".
"Đường sá Tây Phố không có hè. Đó là những con đường nghèo nàn trần trụi. Kẻ thừa tự tôi, ví dụ thế, chính là tôi. Cho nên tôi vừa sống sớm vừa sống muộn, để thanh toán tài sản và cùng một lúc thừa tự chỗ còn lại. Bởi thế tôi thường nghĩ, điều này hơi lãng mạn, là tôi chết mang cả con số không của đời tôi".
"Có lẽ đấy. Nhưng tôi phải đi thôi. Tôi không có gì để dặn lại cô, chú nữa. Tôi biết hai chị em rất hiểu nhau. Nên không có gì đáng ngại lắm. Có khi đêm nay đêm mai tôi lại trở về, dĩ nhiên sau khi đã có thể lộ diện thì tôi vĩnh viễn ở lại ngôi nhà này. Tôi không thể xa nó được lâu, dù nơi đây chẳng vinh hạnh gì cho chúng ta là bao nhiêu". Ông ta ngừng nói, đứng dậy, lặng lẽ nhìn ngắm bên trong ngôi nhà mà ông ta sắp rời, một lát ông ta nói tiếp. Tôi mong ngôi nhà này còn mãi. Chúng ta đều sinh ra ở đây.
Ông vuốt ve chiếc ghế bành một cách lưu luyến. Rồi ông ta nói với em gái:
"Cô Liên, tôi có thể cầm khẩu súng của cô theo?"
"Vâng, dù tôi không muốn trao anh giữ".
"Tôi chỉ tạm lánh mặt. Tôi sẽ gặp lại các người trong ít tuần nữa. Các người phải đem di hài mẹ về đồi Lương Sơn và phải lo xong vụ này cho đến khi tôi trở lại. Già Năm sẽ thường xuyên liên lạc với tôi".
Nói xong, ông móc túi ngực lấy chiếc kính lớn gọng đồi mồi đeo vào. Lúc ấy lão gia nhân bước vội lại. Lão và cậu chủ lớn trao đổi vài câu nói nhỏ không ai nghe tiếng. Ông Học nói vội: "Thôi, chào chú Hiệp, cô Liên, tôi đi". Xong ông bước ra khỏi gian phòng, không quên ngậm cái tẩu thuốc lên miệng. Ông đi vòng qua khoảng sân trải sỏi, ra đường bằng cửa sau. Ngôi biệt thự ở cuối con dốc Ngô Thời Nhiệm vắng mặt hàng nhiều năm nay. Từ sau nhà, ông đi bộ xuống thung lũng Suối Cá Thần. Rồi sau khi vượt qua khoảng thung lũng hẹp đó, ông có thể quá giang xe đò rời Tây Phố.
Lão gia nhân đứng sau khung cửa sổ ở căn phòng cửa có quả nắm bằng đồng đặc. Từ đó lão thấy thấp thoáng cái bóng mảnh dẻ của ông Học. Lão ngậm ngùi trong giây lát đoạn đóng chặt hai cánh cửa màu gỗ cũ lại, quay ra. Lão nói với mọi người: "Trong ngày hôm nay thế nào họ cũng lại đây tìm cậu cả". Không ai hỏi lại một câu nào. Người ta có cảm tưởng cái nắng buổi trưa đang bốc lên mùi cá khô ngai ngái triền miên của khu thị trấn miền đông Trung Việt, trong hơi gió biển bát ngát thổi vào.
Một lát sau, khi hai chị em và lão gia nhân nhà Thịnh Phước vừa ăn qua loa xong thì ngoài cổng có tiếng người chộn rộn. Một toán chừng năm sáu người, trong đó có viên Chưởng khế, ông Hội đồng tỉnh, cậu thiếu niên mặc đồng phục xanh và mấy người thanh niên tự vệ đang lần lượt tiến vào sân. Một trong những người thanh niên tự vệ đi ra khoảng sân trải sỏi; số người còn lại bước lên hiên ngôi nhà. Vẻ mặt họ lạnh lùng nhưng chế nhạo. Dĩ nhiên cuộc lục xét tốn công. Chợt một thanh niên từ ngoài chạy vào, nói với ông Hội đồng "Thưa ông, có người trông thấy ông ta quá giang xe đò đi rồi". Họ rời ngôi nhà lòng đầy hoài nghi. Những người trong bọn đăm đăm nhìn xuống thung lũng Suối Cá Thần trước khi bước ra hẳn.
Liên nhìn dõi theo họ ra tới cổng. Ngoài đường, một số người tò mò im lặng ngó vào. Liên có cảm tưởng họ đều nhìn thấy nàng, đều biết mặt nàng.
Khi lão gia nhân đóng chặt cánh cửa sắt một lần nữa, lão cảm thấy tâm thần bải hoải rung động. Thay vì trở vào lão đi vòng phía sau, dọc lên trung tâm thị trấn. Bấy giờ trời đang ngả về chiều.
Trong gian phòng khách, hai chị em Liên ngồi ủ rũ chờ đợi. Ngôi nhà cũ bây giờ thật hoang vắng. Họ bồn chồn trong khoảng dao động bằn bặt cô đơn không thể ngờ. Họ thấy hỗng chân trên một nền sáng trưng không còn lấy một chỗ tối để nghỉ ngơi. Cả hai như không còn muốn nhắc đến người mẹ, đã trở thành một ám ảnh.
Chàng thanh niên cố tránh khung cửa mở ra vùng thung lũng Suối Cá Thần, nơi nhìn xuống khu nghĩa địa của thị trấn. Trong đôi mắt sâu u tối lấp loáng những ý nghĩ muốn trốn tránh. Bây giờ chàng chỉ còn mặc chiếc sơ-mi xám dài tay. Cái áo blouson đã được vắt trên vai ghế.
Người chị chững chạc, tuy mệt mỏi, trong bộ y phục mặc từ lúc đầu. Chiếc áo dài màu tím than sang trọng và may rất khéo. Những nếp nhàu nát lúc này phơi bày một tâm hồn thoải mái nhưng trong trạng thái mệt nhọc.
Một lúc sau, nàng nhìn em nói:
"Chú Hiệp, chú thấy thế nào?"
"Chị muốn nói gì?"
"Ngôi mộ của mẹ".
"Tôi đang nghĩ. Để chờ già Năm về đã. Lạ quá, ông lão đi đâu vậy?"
Anh ta nói rồi đứng dậy đi vào phòng trong, qua cánh cửa có quả nắm bằng đồng mở sẵn. Từ khung cửa sổ của văn phòng này, anh ta nhìn thấy Suối Cá Thần trong một lúc không định và dao động nhất.
Thị Trấn Miền Đông Thị Trấn Miền Đông - Viên Linh