The act of love . . . is a confession. Selfishness screams aloud, vanity shows off, or else true generosity reveals itself.

Albert Camus

 
 
 
 
 
Tác giả: Jostein Gaarder
Thể loại: Giáo Dục
Nguyên tác: Sofies Verden (Tiếng Na Uy)
Dịch giả: Trần Minh Châu
Số chương: 2
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2555 / 208
Cập nhật: 2016-07-21 11:54:02 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 2
ái Mũ Cao Vành
…phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên…
Sophie tin chắc người viết thư nặc danh sẽ lại liên lạc với cô. Cô quyết định chưa nên kể cho ai biết. Ở trường, cô không thể tập trung vào những gì thầy cô giáo giảng. Dường như họ chỉ nói về những điều không quan trọng. Tại sao thầy cô không nói về con người là gì, hoặc nói về bản chất và nguồn gốc của thế giới?
Cô bắt đầu cảm thấy ở trường và mọi nơi khác, mọi người chỉ quan tâm đến những vấn đề nhỏ mọn. Trong khi có những vấn đề quan trọng cần được giải quyết.
Đã ai có câu trả lời cho các câu hỏi đó chưa? Suy nghĩ về chúng quan trọng hơn là ngồi học thuộc các động từ bất quy tắc.
Khi chuông reo báo hết giờ, cô ra khỏi trường nhanh đến mức Joanna phải chạy theo mới kịp.
“Cậu có muốn chơi bài tối nay không?” Joanna hỏi.
Sophie nhún vai.
“Tớ hết hứng chơi bài rồi.”
Joanna lộ vẻ ngạc nhiên.
“Thế à? Vậy thì đánh cầu lông nhé!”
Sophie nhìn xuống vỉa hè, rồi ngước lên cô bạn.
“Tớ không nghĩ là tớ thích đánh cầu.”
“Cậu không đùa đấy chứ?”
Sophie nhận thấy một chút hờn dỗi trong giọng nói của cô bạn.
“Cậu không muốn kể xem tự dưng lại có chuyện gì nghiêm trọng vậy à?”
Sophie chỉ lắc đầu. “Chuyện đó… chuyện đó bí mật”
“Êu! Chắc là đang cảm ai rồi!”
Hai cô bé yên lặng hồi lâu. Đến sân bóng, Joanna nói “Tớ sẽ đi ngang qua sân vận động.”
Ngang qua sân vận động? Đó là đường ngắn nhất của Joanna, nhưng cô chỉ đi đường này nếu phải vội về nhà để kịp đón khách hay kịp cuộc hẹn chữa răng.
Sophie hối hận vì đã làm bạn dỗi. Nhưng cô có thể nói gì khác được? Nói rằng cô bỗng dưng bị thu hút bởi chuyện mình là ai và thế giới từ đâu ra, đến nỗi không có thời gian chơi cầu lông ư? Joanna liệu có hiểu không?
Tại sao việc quan tâm đến câu hỏi sống còn nhất và cũng tự nhiên nhất trong các câu hỏi lại rắc rối đến vậy?
Cô cảm thấy thật hồi hộp khi mở hộp thư. Đầu tiên, cô chỉ tìm thấy một bức thư từ ngân hàng và một vài phong bì to màu nâu gửi cho mẹ. Khỉ thật! Sophie mong nhận được một lá thư nữa của người không quen biết.
Khi đóng cổng, cô nhận ra tên mình trên một trong những chiếc phong bì khổ lớn. Mặt sau phong bì ghi: “Giáo trình Triết học. Cần giữ gìn cẩn thận.”
Sophie chạy ngược con đường rải sỏi, quăng cặp lên bậc thềm. Cô nhét các lá thư khác dưới đệm chùi chân rồi chạy vòng ra khu vườn sau nhà đến ẩn mình trong cái hốc. Đấy là nơi duy nhất để mở cái phong bì to.
Sherekan tới, nó nhảy theo cô, nhưng chẳng sao. Sophie biết con mèo sẽ không làm lộ bí mật.
Trong phong bì có ba trang giấy đánh máy được kẹp lại. Sophie bắt đầu đọc:
Triết học là gì?
Sophie thân mến,
Mỗi người đều có sở thích riêng. Người sưu tầm tiền cổ hoặc tem nước ngoài, người đan lát, người thích chơi thể thao.
Nhiều người thích đọc sách báo. Nhưng thị hiếu về sách báo lại khác nhau rất nhiều. Một số chỉ thích đọc báo và truyện tranh, một số thích tiểu thuyết, trong khi những người khác lại thích sách về thiên văn học, động vật hoang dã, hay các khám phá khoa học.
Nếu tôi lỡ thích ngựa hoặc đá quý, tôi không thể trông đợi mọi người khác đều chia sẻ nhiệt huyết của tôi. Nếu tôi xem tất cả các chương trình thể thao trên truyền hình với một niềm say mê lớn, tôi phải chấp nhận thực tế rằng có những người thấy thể thao thật buồn tẻ.
Chẳng lẽ không có cái gì mà tất cả mọi người đều quan tâm, không có cái gì có liên quan đến tất cả mọi người, bất kể họ là ai và sống ở đâu? Có đấy, Sophie thân mến ạ. Có những câu hỏi mà ai cũng quan tâm. Đó chính là các câu hỏi làm chủ đề cho khoá học này.
Cái gì là quan trọng nhất trong cuộc đời? Nếu ta hỏi một người sắp chết đói, câu trả lời là thức ăn. Nếu ta hỏi một người sắp chết rét, câu trả lời là sự ấm áp. Nếu cùng câu hỏi ấy được đặt ra cho một người đang cảm thấy cô quạnh và đơn độc, câu trả lời có thể sẽ là sự bầu bạn.
Nhưng khi các nhu cầu cơ bản đã được thoả mãn, liệu sẽ có cái gì đó mà ai cũng cần không? Các triết gia cho là có. Họ tin rằng, con người không thể chỉ sống bằng bánh mì. Tất nhiên, ai cũng cần thức ăn. Ai cũng cần tình yêu và sự quan tâm. Nhưng ngoài ra, vẫn còn một thứ mà ai cũng cần, đó là tìm hiểu xem chúng ta là ai và tại sao chúng ta lại ở đây.
Mối quan tâm đến chuyện tại sao chúng ta tồn tại không phải là một sở thích “thông thường” như thú sưu tập tem. Những người đặt ra các câu hỏi đó đã tham gia một cuộc tranh luận kéo dài từ khi con người bắt đầu sống trên hành tinh này. Nguồn gốc của vũ trụ, Trái Đất và sự sống là câu hỏi lớn hơn và quan trọng hơn việc biết được ai là người giành được nhiều huy chương vàng nhất tại các kỳ Olympic gần đây.
Cách tốt nhất để tiếp cận triết học đó là hỏi một vài câu hỏi triết học:
Thế giới đã được tạo ra như thế nào? Có một ý chí hay ý nghĩa nào ẩn sau những gì đang xảy ra hay không? Có hay không cuộc sống sau khi chết? Làm sao để ta có thể trả lời những câu hỏi này? Và điều quan trọng nhất, ta nên sống như thế nào? Con người thời nào cũng đặt ra các câu hỏi đó. Ta không biết một nền văn hoá nào lại không quan tâm đến chuyện con người là gì và thế giới từ đâu ra.
Thực ra không có nhiều câu hỏi triết học. Ta mới chỉ hỏi một số câu trong các câu hỏi quan trọng nhất. Nhưng lịch sử đã cho ta nhiều câu trả lời khác nhau cho mỗi câu hỏi. Cho nên, hỏi còn dễ hơn là trả lời.
Ngày nay, mỗi cá nhân cũng đều phải tìm câu trả lời của chính mình cho chính những câu hỏi đó. Em không thể tra từ điển bách khoa xem Chúa Trời có tồn tại hay không, hoặc có cuộc sống sau cái chết hay không. Tự điển bách khoa cũng không thể bảo ta nên sống như thế nào. Tuy nhiên, đọc về những gì người khác đã tin có thể giúp ta định hình cách nhìn của bản thân về cuộc sống.
Công cuộc tìm kiếm sự thật của các nhà triết học cũng giống như truyện trinh thám. Có người nghỉ Andersen là tên giết người, người khác lại cho rằng thủ phạm phải là Nielsen hoặc Jensen. Đôi khi, cảnh sát phá được một vụ án. Nhưng khả năng họ không bao giờ phá được vụ án đó cũng tương đương, mặc dù có một lời giải đáp ở đâu đó. Vậy, ngay cả khi câu hỏi khó trả lời, vẫn có một - và chỉ một - câu trả lời đúng. Hoặc có một dạng tồn tại sau cái chết, hoặc không.
Khoa học ngày nay đã giải thích được rất nhiều bí ẩn cổ xưa. Chuyện phần tối của Mặt Trăng trông như thế nào đã từng được phủ một tấm màn huyền bí. Đó không phải là cái có thể được giải quyết bằng tranh luận, nó đã được dành cho trí tưởng tượng của mỗi người. Nhưng ngày nay, chúng ta đã biết chính xác nửa tối của Mặt Trăng trông như thế nào, không ai còn có thể “tin” rằng có người Mặt Trăng, hoặc rằng Mặt Trăng được làm bằng pho mát xanh.
Một triết gia Hy Lạp sống cách đây hơn hai nghìn năm đã tin rằng triết học bắt nguồn từ khả năng ngạc nhiên của con người. Con người đã cảm thấy ngạc nhiên về sự sống của mình đến mức đã tự đưa ra các câu hỏi triết học đó.
Nó giống như xem một trò ảo thuật. Chúng ta không hiểu trò ảo thuật được thực hiện như thế nào, và ta hỏi: nhà ảo thuật làm thế nào để biến một đôi khăn lụa trắng thành một con thỏ sống?
Nhiều người nhìn thế giới với sự hoài nghi y như khi thấy nhà ảo thuật bất ngờ lôi ra một con thỏ từ trong một cái mũ mà trước đó người ta đã thấy nó trống rỗng.
Về chuyện con thỏ, ta biết nhà ảo thuật đã lừa chúng ta. Nhưng ta muốn biết ông ta đã làm như thế nào. Đối với thế giới thì khác. Ta biết rằng thế giới không phải một trò nhanh tay nhanh mắt, vì ta đang sống trong đó, ta là một phần của nó. Thực ra, ta là con thỏ trắng được kéo ra khỏi chiếc mũ. Điều khác biệt duy nhất giữa ta và con thỏ đó là con thỏ không ý thức được chuyện nó đang tham gia trò ảo thuật. Còn ta, ta cảm thấy mình là một phần của cái gì đó huyền bí, và ta muốn hiểu điều huyền bí đó.
T.B.: Về chuyện con thỏ, có lẽ nên so sánh nó với vũ trụ thì hơn. Ta ở đây chỉ là những con bọ cực nhỏ ở sâu trong đám lông thỏ. Còn các nhà triết học luôn cố leo lên đỉnh những sợi lông mảnh để nhìn thẳng vào mắt nhà ảo thuật.
Em vẫn nghe tôi đấy chứ, Sophie? Còn nữa…
Sophie hoàn toàn kiệt sức. Vẫn nghe? Cô hầu như quên thở trong khi đọc.
Ai đã đem lá thư này đến? Không thể là người đã gửi thiệp sinh nhật cho Hilde Moller Knag, bởi trên tấm thiệp có cả tem và dấu bưu điện. Còn chiếc phong bì nâu đã được trực tiếp mang đến hộp thư, giống như hai chiếc phong bì trắng.
Sophie nhìn đồng hồ, mới ba giờ kém mười lăm. Hơn hai tiếng nữa mẹ mới về.
Sophie bỏ vào vườn và chạy tới hộp thư. Biết đâu có một lá thư nữa.
Cô tìm thấy một chiếc phong bì nâu nữa với tên mình trên đó. Lần này, cô nhìn quanh nhưng không thấy ai. Sophie chạy tới bìa rừng và nhìn xuống con đường mòn.
Chẳng có ai. Bỗng cô nghe như có tiếng một cành cây gãy ở sâu trong rừng. Nhưng cô không dám chắc, và dù sao thì cũng chẳng nên đuổi theo một người cố tình trốn làm gì.
Sophie về nhà, lên phòng mình và lấy ra một chiếc hộp đựng bánh to bằng thiếc đựng đầy những viên đá đẹp mắt. Cô trút hết đá ra sân và đặt hai chiếc phong bì lớn vào trong hộp. Rồi cô lại vội vã ra vườn, hai tay ôm chặt chiếc hộp thiếc. Trước khi đi, cô cho Sherekan một chút thức ăn.
“Miu miu, miu miu!”
Quay lại hốc, cô mở chiếc phong bì nâu thứ hai, lôi ra những trang giấy đánh máy mới. Cô bắt đầu đọc.
Một sinh vật kì lạ
Chúng ta lại gặp nhau! Như em thấy, giáo trình triết học nhỏ này sẽ đến dần từng ít một. Sau đây là một số lưu ý nhập môn khác:
Tôi đã nói rằng phẩm chất duy nhất cần thiết để trở thành một triết gia tốt là khả năng ngạc nhiên, phải không? Nếu chưa, tôi sẽ nói bây giờ đây: PHẨM CHẤT DUY NHẤT MÀ TA CẦN ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ TRIẾT HỌC TỐT LÀ KHẢ NĂNG NGẠC NHIÊN.
Trẻ con có khả năng này. Điều đó chẳng có gì lạ. Sau vài tháng trong bụng mẹ, chúng rơi tuột vào một thực tại hoàn toàn mới mẻ. Nhưng khi lớn lên, tài ngạc nhiên dường như mất dần. Tại sao vậy? Em có biết không?
Nếu một đứa trẻ sơ sinh có thể nói, có lẽ nó sẽ nói gì đó rằng nó đã đến một thế giới thật phi thường. Ta có thể thấy nó nhìn quanh và tò mò cố với lấy mọi thứ mà nó nhìn thấy.
Khi dần dần học nói, đứa trẻ ngẩng lên và bi bô “Bâu-uâu” mỗi khi nó nhìn thấy một con chó. Nó nhấp nhổm trong xe đẩy và vẫy tay: “Bâu-uâu! Bâu-uâu!”. Chúng ta, những người lớn tuổi hơn và từng trải hơn, có thể cảm thấy hơi mệt mỏi vì sự nhiệt tình của đứa trẻ. Ta nói một cách dửng dưng: “Được rồi, được rồi, đó là một con Bâu-uâu, con ngồi yên nào!” Chúng ta không cảm thấy ngạc nhiên sung sướng. Ta đã nhìn thấy con chó nhiều lần rồi.
Sự kiện sung sướng này có thể lặp lại hàng trăm lần trước khi đứa trẻ học được cách đi ngang qua một con chó, một con voi, hay một con hà mã mà không cuống cuồng lên. Nhưng rất lâu trước khi đứa trẻ có thể nói sõi, và rất lâu trước khi nó biết suy nghĩ một cách triết học, thế giới đã trở thành một thói quen.
Thật đáng tiếc, nếu em muốn biết tôi đang nghĩ gì!
Sophie thân mến, mối quan tâm của tôi là em sẽ không lớn lên thành một trong những người cho thế giới là điều hiển nhiên. Vậy để cho chắc chắn, ta sẽ làm một số thử nghiệm nhỏ trong suy nghĩ trước khi ta bắt đầu khoá học.
Hãy tưởng tượng một hôm em đi dạo trong rừng. Bất chợt em nhìn thấy một con tàu vũ trụ trên con đường trước mặt. Một người Sao Hoả nhỏ xíu trèo ra khỏi chiếc tàu và đứng nhìn em chăm chăm…
Em sẽ nghĩ gì? Chẳng sao, điều đó không quan trọng. Nhưng có bao giờ em nghĩ rằng chính em cũng là một người Sao Hoả không?
Hiển nhiên, khó có chuyện em sẽ gặp người hành tinh khác. Chúng ta thậm chí không biết có cuộc sống trên hành tinh khác hay không. Nhưng một ngày nào đó, em có thể gặp chính mình. Trong một cuộc đi dạo trong rừng như vậy, em có thể bất ngờ dừng lại và nhìn thấy bản thân mình trong một ánh sáng hoàn toàn mới.
Em sẽ nghĩ: mình là một sinh vật lạ thường, một sinh vật bí ẩn.
Em cảm thấy như mình vừa tỉnh dậy từ một giấc ngủ bị phù phép. Mình là ai? Em tự hỏi. Em biết mình đang lang thang trên một hành tinh trong vũ trụ. Nhưng vũ trụ là cái gì?
Nếu em tìm hiểu bản thân theo kiểu này, em sẽ thấy một cái gì đó bí ẩn không kém người Sao Hoả mà ta vừa nói đến. Em sẽ không chỉ thấy một sinh vật từ vũ trụ, em sẽ cảm nhận từ trong tâm thức rằng mình chính là một sinh vật lạ thường.
Em có theo kịp không, Sophie? Ta hãy làm một thử nghiệm tưởng tượng khác.
Một buổi sáng. Bố, Mẹ và bé Thomas mới hai hoặc ba tuổi đang ăn sáng trong bếp. Một lát sau, Mẹ đứng dậy và đi về phía bồn rửa bát, còn Bố bay lên lơ lửng trên trần nhà trong khi Thomas ngồi nhìn chăm chú. Theo em, Thomas sẽ nói gì? Có lẽ, bé sẽ chỉ Bố và nói “Bố đang bay!” Chắc chắn Thomas sẽ ngạc nhiên, nhưng hàng ngày đã có rất nhiều điều lạ lẫm đối với bé. Bố đã làm bao nhiêu việc kỳ lạ nên chuyến bay trong bữa ăn sáng cũng không có gì đặc biệt lắm. Hàng ngày Bố cạo râu bằng một cái máy trông rất ngộ. Thỉnh thoảng, Bố lại leo lên mái nhà xoay ăng-ten, hoặc không thì chui đầu vào gầm ô tô rồi chui ra với bộ mặt đen xì.
Bây giờ đến lượt Mẹ. Mẹ nghe thấy Thomas nói và quay ngoắt lại. Theo em, ba sẽ phản ứng như thế nào trước cảnh Bố bồng bềnh trôi lững lờ phía trên bàn bếp?
Bà buông hũ mứt và thét lên vì hoảng sợ. Thậm chí Mẹ có thể cần được chăm sóc sức khoẻ một khi Bố đã quay xuống ngồi yên vị trên ghế. (Đáng ra đến giờ Bố đã phải học được cách cư xử tại bàn ăn rồi mới phải!) Theo em, tại sao Thomas và mẹ của bé lại phản ứng khác nhau đến vậy?
Tất cả là do thói quen. (Hãy nhớ nhé!) Mẹ đã biết rằng con người không thể bay. Thomas thì chưa. Bé vẫn chưa biết chắc những gì ta có thể và không thể làm được trên Trái Đất này.
Nhưng còn chính Trái Đất thì sao, Sophie? Em có cho rằng nó có thể làm được những gì nó đang làm không? Trái Đất cũng đang trôi trong vũ trụ.
Đáng buồn là trọng lực không phải cái duy nhất trở thành thói quen khi ta lớn lên. Chẳng bao lâu, chính thế giới cũng thành điều hiển nhiên. Có vẻ như khi lớn lên, ta mất dần khả năng ngạc nhiên về thế giới. Khi đó, ta đánh mất một cái gì đó rất trung tâm - cái mà các nhà triết học cố gắng khôi phục. Ở đâu đó trong chúng ta, cái gì đó bảo ta rằng cuộc sống là một bí ẩn lớn lao. Đó chính là điều ta đã từng trải qua, từ rất lâu trước khi ta học cách suy nghĩ này.
Nói một cách chính xác hơn: tuy các vấn đề triết học có liên quan đến tất cả chúng ta, không phải ai trong chúng ta cũng trở thành triết gia. Do nhiều lý do mà hầu hết mọi người đều quá bận bịu với những chuyện thường ngày đến nỗi không còn tâm trí để thấy ngạc nhiên vê thế giới. (Họ chui sâu bên trong bộ lông thỏ, cảm thấy sự ấm cúng dưới đó thật dễ chịu và yên vị tại đó cho đến hết cuộc đời.)
Đối với trẻ con, thế giới và mọi thứ trong đó đều mới mẻ và đáng ngạc nhiên. Còn người lớn thì khác. Hầu hết người lớn thừa nhận thế giới như một chuyện hiển nhiên.
Đó chính là chỗ mà các triết gia là một ngoại lệ đáng trân trọng. Một triết gia không bao giờ thật sự quen với thế giới. Đối với họ, thế giới lúc nào cũng có vẻ hơi không hợp lý, khó hiểu, thậm chí kỳ bí. Do vậy, các triết gia và trẻ nhỏ có cùng một khả năng quan trọng. Ta có thể nói rằng nhà triết học suốt đời nhạy cảm như một đứa trẻ.
Sophie, bây giờ em hãy chọn lựa. Có phải em là một đứa trẻ chưa trở nên không còn hứng thú với thế giới? Hay em là một triết gia, người thề sẽ không bao giờ trở nên như vậy?
Nếu em chỉ lắc đầu, không nhận thấy mình là một đứa trẻ hay một triết gia, thì em đã quá quen với thế giới đến nỗi nó chẳng còn làm em ngạc nhiên nữa. Hãy cẩn thận! Em đang đứng trên băng mỏng. Đó chính là lý do em đang tiếp nhận khoá triết học này. Em là người mà tôi sẽ không cho phép ra nhập nhóm những người dửng dưng thờ ơ. Tôi muốn em có một cái đầu luôn tò mò.
Khoá học này miễn phí, nên em sẽ không được tiền bồi hoàn nếu bỏ dở. Nếu muốn, em có thể bỏ ngang bất cứ lúc nào. Trong trường hợp đó, em cần để lại một lời nhắn vào hộp thư cho tôi. Một con ếch thì tuyệt. Hoặc ít nhất một cái gì đó màu xanh để khỏi làm bác đưa thư phát hoảng.
Tóm lại, một chú thỏ được lôi ra từ một cái mũ cao vành. Vì đây là một con thỏ khổng lồ nên trò ảo thuật kéo dài nhiều tỷ năm. Mọi sinh vật đều được sinh ra ở đầu những sợi lông mịn của con thỏ, nơi có thể ngạc nhiên về sự không thể tin được của trò ảo thuật. Nhưng khi lớn lên, chúng chui sâu dần vào bộ lông thỏ. Và chúng ở lại đó. Chúng cảm thấy thoải mái đến mức không bao giờ dám bò lên sợi lông mảnh lần nữa. Chỉ có các triết gia bắt đầu chuyến du hành nguy hiểm về phía tận cùng của ngôn ngữ và sự tồn tại. Một số bị rơi, những người khác cố gắng bám trụ và hét gọi những người đang yên ổn trong sự mềm mại ấm cúng, no say với rượu và thức ăn ngon.
“Hỡi các quý bà và quý ông”, họ hét, “chúng ta đang trôi trong không gian!” Nhưng những người ở dưới chẳng ai buồn quan tâm.
“Thật là một lũ lắm chuyện!” họ nói, rồi lại tiếp tục tán chuyện: Bà làm ơn chuyển cho tôi đĩa bơ. Hôm nay chứng khoán của ta đã tăng bao nhiêu? Cà chua giá cả thế nào? Bà đã nghe tin công nương Di lại mới có bầu chưa?
Cuối buổi chiều, khi mẹ cô đi làm về, Sophie vẫn chưa hết sốc. Cô cẩn thận giấu chiếc hộp thiếc đựng các lá thư của triết gia bí hiểm trong hốc. Sophie cố gắng bắt tay vào làm bài tập nhưng tâm trí cô không thể thoát khỏi những điều vừa đọc.
Cô chưa bao giờ nghĩ nhiều đến vậy! Cô không còn là một đứa trẻ, nhưng cô cũng chưa phải là người lớn. Sophie nhận ra rằng mình đã bắt đầu bò xuống, về phía bộ lông ấm áp của con thỏ đã được lôi ra từ chiếc mũ cao vành của vũ trụ. Nhà triết học đã giữ cô lại. Ông ấy - hay bà ấy? - đã tóm gáy cô và kéo lên, đưa cô trở lại nơi cô đã đùa chơi khi còn bé. Và ở đó, nơi tận cùng của những sợi lông mịn, cô lại một lần nữa nhìn thế giới như mới lần đầu.
Nhà triết học đã cứu cô. Không nghi ngờ gì nữa. Người viết thư lạ mặt đã cứu cô khỏi sự tầm thường của cuộc sống hàng ngày.
Khi mẹ về nhà lúc năm giờ chiều, Sophie kéo bà vào phòng khách và ấn bà vào chiếc ghế bành.
“Mẹ, mẹ có thấy là cuộc sống thật lạ kỳ không?” cô bắt đầu.
Mẹ cô sửng sốt đến nỗi bà không thể nói gì. Thường ngày, khi bà về đến nhà thì Sophie đang học bài.
“Có lẽ là có,…thỉnh thoảng,” bà nói.
“Thỉnh thoảng ư?” ”Vâng, nhưng…mẹ có thấy thật đáng ngạc nhiên là thế giới đang tồn tại không?”
“Thôi nào, Sophie. Con sao vậy?”
“Sao ạ? Chắc mẹ cho rằng thế giới này rất bình thường?”
“Không phải thế à? Dù sao thì cũng không ít thì nhiều.”
Sophie nhận ra rằng nhà triết học đã nói đúng. Người lớn coi thế giới là chuyện hiển nhiên. Họ đã để mình bị ru vào giấc ngủ say của sự tồn tại nhàm chán của mình, thế là xong.
“Mẹ đã quá quen với thế giới đến nỗi chẳng có gì làm mẹ ngạc nhiên nữa.”
“Con đang nói về chuyện gì vậy?”
“Ý con là mẹ đã quá quen với tất cả mọi thứ. Nói cách khác, mẹ chẳng thấy cái gì hết.”
“Con không được nói với mẹ bằng cái giọng đó!”
“Thôi được, con sẽ nói lại theo kiểu khác. Mẹ đã tự tạo một chỗ ấm cúng ở dưới sâu trong bộ lông của con thỏ trắng - con thỏ đang được lôi ra từ trong chiếc mũ cao vành của vũ trụ. Một phút nữa mẹ sẽ đặt khoai tây lên bếp. Tiếp theo mẹ sẽ đọc báo. Sau nửa tiếng nằm nghĩ, mẹ sẽ xem chương trình tin tức trên TV!”
Mẹ cô lộ vẻ lo lắng. Quả thật, bà vào bếp đặt nồi khoai tây. Một lúc sau, bà quay lại phòng khách, và lần này bà là người ấn Sophie ngồi xuống ghế bành.
“Mẹ phải nói với con điều này”, bà bắt đầu. Sophie có thể nhận rõ sự nghiêm túc trong giọng nói của mẹ.
“Con chưa dính vào ma tuý đấy chứ, con gái?”
Sophie suýt thì bật cười, nhưng cô hiểu tại sao mẹ lại hỏi câu đó vào lúc này:
“Mẹ điên à?” Cô nói. “Chuyện này càng chứng tỏ mẹ chẳng hiểu gì.”
Chiều hôm đó, họ không nói gì thêm về thỏ hay ma tuý nữa.
Thế Giới Của Sophie Thế Giới Của Sophie - Jostein Gaarder Thế Giới Của Sophie