Love is the only satisfactory answer to the problem of human existence.

Erich Fromm

 
 
 
 
 
Tác giả: Dazai Osamu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Đỗ Quốc Dũng
Upload bìa: Đỗ Quốc Dũng
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4433 / 330
Cập nhật: 2016-11-21 03:58:23 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Truyện Ngắn
êm tuyết
Tuyết đã rơi từ sáng ngày hôm đó.Cuối cùng tôi đã may xong chiếc quần monpe(8)cho đứa cháu gái và mang đến nhà cô tôi ở Nakako trên đường đi học về. Cô cho tôi hai con khô mực mang về nhà và khi đến ga Kichijòji thì trời đã tối. Tuyết vẫn rơi dịu dàng, đọng trên mặt đất dày cả thước. Vui mừng thấy tuyết rơi dày như thế, với chân mang ủng, tôi thận trọng bước đi, chân dẫm sâu vào tuyết. Tôi kẹp hai con khô mực được gói bằng giấy báo dưới nách và đi mãi tới khi đến hộp thư gần nhà tôi mới phát hiện chúng đã không cánh mà bay. Tôi vốn là một cô gái e thẹn và hay lỡ đễnh nhưng rất ít khi tôi làm rơi mất đồ đạc. Có lẽ đêm nay do chơi đùa với tuyết quá kích động nên tôi đã đánh rơi. Thật là khủng khiếp. Tôi là loại dân thường biết cảm thấy tội lỗi khi đánh mất hai con khô mực và cảm thấy xấu hổ với chính bản thân mình. Tôi tính mang chúng tặng cho Kimiko, chị dâu của tôi. Chị đang mang thai và sẽ sinh em bé vào giữa mùa hè này. Người ta nói rằng khi mang thai, bạn sẽ rất đói và bạn phải ăn đủ phần cho hai người cả bạn và em bé nữa. Không giống như tôi, chị Kimiko là người rất tinh tế và thanh lịch, biết chăm chút vẻ ngoài của mình. Và cho đến giờ chị cũng chỉ ăn "ít như chim bạch yến", thường chỉ qua loa cho xong bữa mà thôi. Nhưng gần đây chị nói với tôi với vẻ lúng túng chị thường hay đói và thèm ăn những thứ lạ đời. Tôi nhớ một ngày khi tôi và chị đang dọn bàn sau bữa cơm tối, chị thở dài và than muốn có một cái gì như khô mực để nhai cho khỏi đắng miệng. Và trùng hợp khi được người cô cho hai con khô mực, tôi lập tức nghĩ đến việc cho chị Kimiko. Bởi vậy nên khi nhận thấy mình đã đánh rơi chúng, tôi cảm thấy tội lỗi biết chừng nào.
Như bạn biết đấy, gia đình tôi chỉ có anh hai, chị Kimiko và tôi mà thôi. Đã thế anh hai tôi còn là kẻ lạ đời. Anh là tiểu thuyết gia nhưng đã hơn bốn mấy tuổi rồi mà chẳng ai thèm biết đến. Anh chẳng khi nào có tiền. Đã thế anh còn nói mình sức khỏe kém nên chỉ quanh quẩn trong nhà mà thôi. Nhưng cái miệng anh thì đủ khỏe nên suốt ngày cứ oang oang chửi mắng hai chị em tôi hết chuyện này đến chuyện khác dù anh chẳng động tay động chân vào việc gì trong nhà cả. Vì vậy mà chị Kimiko phải cáng đáng hết thảy những công việc nặng nhọc trong nhà và người ta chẳng biết làm gì hơn là cảm thấy thương cho chị. Có lần tôi đã phẫn uất nói với anh tôi "sao anh không vác balô ra ngoài và mang về nhà chút gì như rau dưa chẳng hạn. Em tin là những người đàn ông khác đều làm như thế?".
Anh tôi lập tức phát khùng lên.
"Ngu ngốc. Tao không phải là loại người dòi bọ như chúng nó hiểu không? Nghe đây và cả em cũng phải nghe nữa Kimiko. Ngay cả khi chúng ta đói chết trong căn nhà này đi nữa, không ai có thể bắt anh làm những việc tầm thường hèn kém như thế được, anh không bao giờ gia nhập vào cái lũ kiếm miếng cơm manh áo đó đâu nên tụi em hãy im miệng đi là vừa. Có những chuyện anh không bao giờ hạ mình xuống mà làm đâu nhá".
Chắc chắn đó là những lời nói đáng khâm phục nhưng trong trường hợp của anh tôi không biết đó xuất phát từ lòng yêu nước hay chỉ là tính lười biếng đơn thuần đã xui anh căm ghét mấy hạng người kiếm miếng cơm manh áo như thế. Cha mẹ tôi đều sinh ra ở Tokyo và cha tôi làm việc cho chính phủ nhưng ở mãi miền Bắc Yamagata trong nhiều năm trời. Cả anh trai tôi và tôi đều được sinh ra ở đó. Cha tôi mất ở Yamagata. Lúc đó anh trai tôi được hai mươi tuổi còn tôi mới còn ẵm ngửa thì mẹ đưa chúng tôi trở về Tokyo. Mẹ tôi cũng mất đi vài năm sau đó và giờ đây chỉ còn lại tôi, anh trai và chị Kimiko và cả ba chúng tôi đều không có một quê nhà nào để tưởng nhớ và chẳng bao giờ được họ hàng gửi thức ăn cho như các gia đình khác. Hơn nữa, vì anh tôi quá đỗi lập dị nên chẳng có lấy một người bạn nào. Thành ra chẳng có ai bất chợt đến nhà ghé thăm chúng tôi để giúp đỡ một tay cả. Điều đó khiến tôi không ngừng nghĩ đến niềm vui của chị Kimiko khi nhận được hai con khô mực và mặc dù chỉ là mất một thứ tầm thường như vậy thôi nhưng tôi cảm thấy rất buồn và quay ngược trở lại lần theo dấu chân mình.
Dù vậy cũng chỉ là vô vọng thôi. Trong tình cảnh tuyết không ngừng rơi chất chồng như vậy, tìm một vật được gói trong tờ báo màu trắng trên những con đường phủ đầy tuyết trắng là một việc cực kỳ khó khăn. Và tôi quay trở về nhà ga Kichijoji mà không tìm thấy chút manh mối nào cả. Tôi thở dài, lật chiếc dù ra sau và ngước mặt nhìn lên bầu trời đêm đầy sao. Những bông tuyết bay cuồng loạn trên không như hàng vạn con đom đóm. Thật là quá đẹp. Hàng cây hai bên đường bị bao phủ trong tuyết, cành cây trĩu nặng xuống và rung rinh nhè nhẹ như đang thở dài. Quang cảnh như ở trên thiên đường và tôi hoàn toàn quên mất chuyện những con khô mực. Và đột nhiên một ý nghĩ tuyệt vời lóe lên trong tôi "Sao mình không mang cảnh đêm tuyết rơi này về cho chị Kimiko nhỉ? Chẳng phải tốt hơn nhiều so với mang hai con khô mực cũ mèm đó hay sao?". Nếu suốt ngày ta chỉ nghĩ đến thức ăn thì chỉ là một kẻ ti tiện mà thôi. Điều đó thật sự là đáng hổ thẹn.
Anh tôi có lần giải thích cho tôi nghe rằng mắt người có thể lưu giữ được những điều mà nó nhìn thấy. Anh nói bằng chứng là khi ta nhìn vào bóng đèn một lúc rồi nhắm mắt lại ta vẫn thấy cái bóng đèn hiện diện sau mí mắt. Rồi anh kể cho tôi nghe câu chuyện có lần đã xảy ra bên Đan Mạch. Những câu truyện mà anh kể toàn là chuyện trên trời và bạn chẳng thể tin lời nào trong đó cả. Nhưng tôi nghĩ câu chuyện mà anh kể cho tôi nghe lúc đó cho dù anh có bịa ra đi nữa thì cũng thật tuyệt vời.
Anh kể, vào lâu lắm rồi, có một bác sĩ bên Đan Mạch khám nghiệm tử thi một người thủy thủ chết vì đắm tàu. Khi ông ta quan sát nhãn cầu người thủy thủ dưới kính hiển vi, vị bác sĩ phát hiện ra cảnh một gia đình nhỏ đáng yêu in hằn trên võng mạc. Vị bác sĩ pháp y ngay lập tức báo cho người bạn mình là một nhà văn về hiện tượng dị thường này. Và người bạn nhà văn đó ngay lập tức giải thích như sau. Người thủy thủ đã bị một cơn sóng lớn dữ dội cuốn đi và quăng đập vào bờ đá. Trong cơn u mê choáng váng, anh đã bám chặt vào một tảng đá nhưng rồi lại phát hiện đó là một cái gờ cửa sổ của một ngọn hải đăng. Vui mừng, người thủy thủ nhìn qua cửa sổ tính kêu cứu và thấy người giữ đèn cùng với gia đình đang ăn một bữa tối ngon lành ấm cúng. Người thủy thủ nghĩ rằng nếu mình la lên cho người ta biết mà cứu giúp thì sẽ phá hủy đi bản hòa âm hạnh phúc mà gia đình này đang tận hưởng. Và ngay khi những ngón tay anh rời khỏi gờ cửa sổ, một ngọn sóng lớn khác chụp đến là cuốn anh ra lại biển khơi. Người bạn nhà văn của bác sĩ nói chuyện đó chắc chắn đã xảy ra và người thủy thủ là người nhân từ và cao thượng nhất trên trần gian này. Vị bác sĩ cũng đồng ý như thế và cả hai người đem người thủy thủ đi chôn cất tử tế và trang trọng.
Câu chuyện đó là như vậy và đây là một trong những câu chuyện mà tôi tin và muốn tin cho dù nếu xét về mặt khoa học là hoang đường đi chăng nữa. Và khi chợt nhớ ra câu chuyện này, tôi quyết định sẽ lưu giữ cảnh tuyết rơi tuyệt vời đêm nay vào trong võng mạc của mình và khi về đến nhà tôi sẽ bảo chị Kimiko nhìn vào mắt tôi rồi chị sẽ sinh một đứa bé vô cùng xinh đẹp.
Vài ngày trước đây, chị Kimiko bảo anh tôi treo những bức hình của những con người đẹp đẽ trong phòng của mình. "Em sẽ nhìn những bức tranh hàng ngày", chị mỉm cười nói " và con chúng ta sinh ra cũng sẽ xinh đẹp như thế".
Anh tôi gật đầu một cách rất nghiêm túc và nói "một sự ám thị trước khi sinh à? Em nói đúng đấy. Điều này rất quan trọng".
Sau đó, anh treo hai chiếc mặt nạ
Sau đó, anh treo hai chiếc mặt nạ tuồng Nou lên tường, một cái mặt nạ Magojiro thật sự rất đẹp và cái kia là Yuki no Ko-omote, một chiếc mặt nạ của cô gái nhỏ xinh xắn. Nhưng anh lại làm hỏng đi sự tuyệt vời khi treo chình ình tấm hình chân dung cau có của mình vào chính giữa. Hiền lành và cam chịu như chị tôi là thế mà cũng không chịu nổi điều đó.
"Thôi mà anh", chị tôi gần như van nài "đừng treo tấm hình của anh lên. Em cảm thấy buồn nôn lắm".
Dù sao thì anh cũng để cho chị tháo tấm hình chân dung xuống. Thật tạ ơn trời Phật. Nếu chị tôi mà phải nhìn tấm hình của anh tôi hàng ngày chắc đứa bé sinh ra sẽ giống như một con khỉ nhỏ hay gần như vậy. Thật không thể hiểu nổi anh tôi, một người có gương mặt lạ lùng nhất mà bạn từng thấy, lại nghĩ là mình đẹp trai cơ chứ? Đối với con người lập dị như vậy, ta còn biết làm gì hơn? Dù sao, tất cả những gì chị Kimiko muốn làm cho đứa bé là nhìn tất cả những thứ gì đẹp đẽ nhất trên đời. Đó là lý do tại sao tôi muốn in dấu cảnh tuyết rơi đêm nay vào trong mắt mình để mang về cho chị tôi xem. Tôi chắc rằng điều này sẽ làm chị vui mừng hạnh phúc hơn nhiều hơn là mang về mấy con mực khô đó.
Vì thế, tôi từ bỏ mấy con khô mực, và hướng về nhà. Trên đường về, tôi mở to mắt để thu nhiếp cho hết quang cảnh tuyết rơi tinh khiết và đáng yêu xung quanh. Đến khi tới nhà, tôi cảm giác như cảnh tuyết rơi không chỉ in dấu trong mắt tôi mà còn khắc sâu vào tim tôi nữa.
"Chị Kimiko", tôi cất tiếng gọi ngay khi vừa vào nhà. "Đến đây mà nhìn mắt em này. Mắt em đầy một trời tuyết bay kiều diễm đấy"
"Cái gì? Em nói cái gì thế?", chị Kimiko đứng dậy mỉm cười và đặt tay lên vai tôi. "Mắt em bị làm sao à?"
"Chị không nhớ câu chuyện anh hai kể cho chúng ta sao? Về cái mà ta nhìn có thể được lưu giữ lại trong mắt ấy?"
"Anh hai của em ấy à? Chị đã quên mất rồi. Với lại hầu hết những chuyện của anh em toàn là chuyện nhảm thôi".
"Đúng vậy, nhưng chuyện này là thật đấy. Ít nhất thì em cũng muốn tin như vậy. Nên hãy nhìn vào mắt em đi. Em đã thấy một đêm tuyết rơi tuyệt vời nhất. Nhìn đi. Điều này sẽ giúp chị sinh ra một em bé đáng yêu có làn da trắng như tuyết ấy".
Khi chị Kimiko đang chăm chú nhìn tôi với một vẻ buồn và trầm ngâm thì anh tôi từ phòng bên bước qua. "Này", anh nói, "nhìn vào cặp mắt chán chường của Shunko (tên tôi) chẳng được tích sự gì đâu. Nhìn vào mắt anh đây mới hiệu nghiệm hơn nhiều chứ".
"Tại sao?", tôi la lên. Tôi nghĩ ông anh mình lúc này thật đáng ghét và tôi muốn thụi cho anh một quả. "Chị Kimiko nói nhìn vào mắt anh là chị ấy buồn nôn lắm đấy".
"Không phải vậy đâu. Mắt anh mày đây đã nhìn cảnh tuyết rơi hơn hai mươi năm có lẻ rồi đấy. Anh đã sống ở Yamagata cho đến tuổi hai mươi đấy em ạ. Shunko này, em không thể biết cảnh tuyết rơi lạ thường ở Yamagata đâu nhỉ. Chúng ta về Tokyo khi em còn quá nhỏ chẳng biết gì. Cảnh tuyết rơi ở Tokyo này quá tầm thường... Mắt anh đây đã thấy hàng trăm, không hàng ngàn lần cảnh tuyết rơi nhiều hơn em thấy và cũng đẹp hơn nữa chứ. Đẳng cấp của anh hơn em nhiều, em gái ạ".
Tôi quá nhục nhã đến mức sắp sửa ra khỏi nhà và bật khóc thì chị Kimiko đã giúp tôi. Chỉ mỉm cười và nói nhẹ nhàng:
"Có thể mắt anh đã thấy hàng trăm hay hàng ngàn lần những thứ đẹp hơn Shunko đã thấy nhưng anh cũng đã thấy hàng trăm hay hàng ngàn lần những thứ xấu xa và kinh tởm hơn".
"Đúng đấy. Chị nói đúng đấy. Và nếu trừ qua sớt lại thì chẳng còn gì. Vậy nên giờ mắt anh mới và vàng khè và đùng đục như vậy đấy".
"Đúng là mấy đứa vô sỉ", anh tôi nói rồi giận dữ bỏ sang phòng bên.
MỘT TRĂM CẢNH NÚI PHÚ SĨ
Độ nghiêng của núi Phú Sĩ trong tranh của Hiroshige(9)hội tụ trong một góc 85 độ, trong tranh của Buncho(10)thì khoảng 84 độ, nhưng nếu như làm một mặt cắt đứng như trong bản đồ địa hình của quân đội thì chúng ta sẽ nhận thấy rằng độ nghiêng của sườn đông và tây là 124 độ, độ nghiêng sườn nam bắc là 117 độ. Và không chỉ trong tranh của Hiroshige và Buncho, những họa gia vẽ núi Phú Sĩ tài ba nhất, mà người ta thường hay miêu tả đỉnh núi như một góc nhọn cao ngất, thanh tú lẻ loi. Một vài tác phẩm vẽ núi Phú Sĩ của Hokusai(11)còn có thể so sánh với tháp Eiffel, với chiều cao dựng đứng gần 30 độ. Nhưng núi Phú Sĩ thực sự rõ ràng là một góc tù, với độ nghiêng dài thoai thoải. Và người ta đã vẽ phóng đại độ dốc lên bất chấp sự thực là núi Phú Sĩ có độ nghiêng đông tây là 124 độ và độ nghiêng nam bắc là 117 độ. Nếu giả sử tôi sống ở Ấn độ, và thình lình bị một con đại bàng quắp đi rồi thả xuống bãi biển Numazu Nhật Bản, liệu tôi có bị ấn tượng mạnh về quang cảnh ngọn núi này đến như thế hay không? "Núi Phú Sĩ" là "tuyệt vời" đối với người ngoại quốc có lẽ vì họ đã nghe quá nhiều về nó và hằng khao khát được trông thấy tận mắt ngọn núi kia. Nhưng đối với một người chưa bao giờ biết đến danh tiếng của nó, núi Phú Sĩ sẽ được nhìn nhận như thế nào? Có lẽ, đập vào mắt người ấy chỉ là một nỗi cảm động như khi nhìn nhưng ngọn núi khác vậy thôi. Và thấp nữa. So với chiều rộng nền đáy thì chiều cao như vậy là khá thấp. Bất kỳ ngọn núi nào có nền đáy và kích cỡ như thế đáng lẽ phải cao hơn gấp rưỡi núi Phú Sĩ chứ.
Chỉ có một lần duy nhất mà tôi nhận thấy núi Phú Sĩ thật cao là khi nhìn từ ngọn đèo Jukkoku (Thập Quốc). Thật tuyệt. Bởi vì trời nhiều mây nên tôi không thấy ngay đỉnh núi. Nhưng từ sườn núi giăng mây tôi đưa mắt lần tìm dần lên nơi đáng lẽ tôi cho rằng đó là đỉnh núi và tôi đã nhầm. Đỉnh núi xanh nhạt hiện ra lờ mờ cao gấp đôi so với những gì tôi tưởng tượng. Cảm thấy buồn cười hơn là kinh ngạc và tôi phá ra cười. Khi đối diện với thực tại tuyệt đối lần đầu tiên, ta thường bật cười ngớ ngẩn. Bạn như một con ốc vít được tháo lỏng ra. Nói theo cách khôi hài, là như thể bạn tháo dây thắt lưng ra để chuẩn bị bật cười lên ha hả. Này các bạn trẻ, nếu có lần người con gái bạn yêu rũ ra cười khi thấy bạn thì bạn nên vui mừng mới phải. Bạn không phải quở trách nàng làm gì. Bởi nàng đơn thuần chỉ bị ngập tràn trong thực tại tuyệt đối nàng cảm thấy nơi bạn mà thôi.
Núi Phú Sĩ nhìn từ cửa kính căn phòng chung cư ở Tokyo là một cảnh tượng bi thương. Vào mùa đông, núi Phú Sĩ hiện ra khá rõ ràng và tách biệt. Một hình tam giác nhỏ màu trắng chọc thẳng lên nền trời. Đó là núi Phú Sĩ. Chỉ thế thôi. Như một chiếc kẹo Giáng Sinh vậy. Hơn nữa nó đang nghiêng về bên trái một cách thảm não như một con tàu chiến bắt đầu chìm xuống biển từ phần đuôi tàu. Đó là vào một mùa đông ba năm trước đây khi có một người nào đó lén đến gặp tôi để thú nhận một sự thực kinh hoàng. Tôi thấy đời mình như chấm dứt. Đêm đó ngồi một mình trong phòng, tôi nốc sake. Tôi đã uống thâu đêm, không hề chợp mắt một chút nào cả. Đến bình minh, khi tôi đi rửa mặt cho tỉnh táo thì qua tấm lướt mắt cáo nơi cửa sổ phòng vệ sinh, tôi đã nhìn thấy núi Phú Sĩ. Nhỏ bé, trắng tinh khiết và hơi nghiêng về bên trái. Đó là quang cảnh núi Phú Sĩ mà tôi không bao giờ quên. Nơi con đường nhựa dưới cửa sổ chung cư, có một người bán cá đang đạp xe đạp và lẩm bẩm "Trời, núi Phú Sĩ sáng nay nhìn rõ quá nhưng mẹ kiếp lạnh ơi là lạnh...". Còn tôi cứ đứng trong căn phòng nhỏ, dán mắt ra ngoài cửa sổ mà nghẹn ngào tuyệt vọng. Đó là một trải nghiệm mà tôi không bao giờ muốn lặp lại lần thứ hai.
Vào đầu mùa thu năm 1938, với quyết định suy ngẫm về cuộc đời mình, tôi vác một túi hành lý trên vai là làm một chuyến du ngoạn.
Koshuu. Tôi nhận ra rằng những ngọn núi ở đây có vẻ dịu dàng thoai thoải với vẻ nhô lên lặn xuống rất khác thường. Kojima Usui trong quyển "Phong cảnh Nhật Bản" có lần đã viết "những ngọn núi đó có vẻ bướng bỉnh và khó tính những những tay phù thủy vậy". Đúng là những ngọn núi đó có vẻ gì quái dị đồng bóng. Tôi đón một chuyến xe buýt ở thành phố Kofu và sau một hành trình "vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh", chừng 1 tiếng đồng hồ, tôi đã đến được đèo Misaka.
Đèo Misaka nằm ở độ cao một ngàn ba trăm mét so với mặt nước biển. Trên đỉnh đèo có một quán trà nhỏ tên là Tenka. Tầng hai của quán này là nơi thầy tôi Ibuse Matsuji(12)đến ẩn dật để viết lách từ đầu mùa hè. Tôi đến với niềm hy vọng được gặp thầy. Để không làm gián đoạn công việc sáng tác của ân sư, tôi dự định cũng thuê một căn phòng ở trà quán và ngao du một vòng quanh những ngọn núi ở đây.
Ân sư Ibuse sáng tác rất chăm chỉ. Được sự cho phép của thầy, tôi bình tâm ở lại và mỗi ngày dù muốn hay không, tôi đều phải đối diện núi Phú Sĩ trước mặt mình. Con đèo này nằm ở một vị trí chiến lược trên đường đến Kamakura, nối liền Kofu với đường cao tốc Tokaido và nơi sườn phía bắc từ xa xưa đã được xem là một trong ba điểm tuyệt vời nhất để ngắm núi Phú Sĩ. Đã không cảm thấy thích thú với cảnh sắc đó thì thôi, tôi lại còn cảm thấy khinh bỉ nữa chứ. Bởi nó quá hoàn hảo. Núi Phú Sĩ ngay trước mặt, nằm dưới chân là mặt hồ Kawaguchi lạnh giá trải rộng, vậy xung quanh là những ngọn núi khác nhấp nhô. Mới nhìn thoáng qua, tôi đã hoảng loạn đỏ bừng mặt mũi. Nó như một bức tranh tường trong nhà tắm công cộng vậy. Đúng là một cảnh nền sân khấu. Chính xác thì nó được sắp như thể người ta đặt một món hàng khiến ta nhìn mà cảm thấy xấu hổ.
Một buổi trưa nóng vào khoảng hai ba ngày sau khi tôi đến, ân sư Isbuse tạm gác công việc qua một bên và cùng tôi leo lên đỉnh Mitsutoge, nằm ở độ cao một ngàn bảy trăm mét so với mực nước biển. Đỉnh này cao hơn đỉnh đèo Misaka một chút. Mất chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi lên tới đỉnh sau khi vượt qua một con đường mòn, nếu có thể nói như vậy. Đưa tay vén những bụi dây leo và dây thường xuân, dáng vẻ tôi gần như bò lên đỉnh núi trông chẳng đẹp mắt gì cho lắm. Tiên sinh Ibuse mặc một bộ quần áo leo núi rất hợp thời và điệu bộ rất nhàn nhã ung dung. Còn tôi không có được trang phục như thế. Chỉ mặc bộ dotera - một dạng áo kimono độn bông được cắt may vuông vắn mà trà quán đã chuẩn bị cho tôi. Nó ngắn chỉ ngang đầu gối và vì thế mà tôi phải bày ra hai cẳng chân bờm xờm lông lá. Tôi cũng mang đôi vớ tabi dày có đế bằng cao su mà người đàn ông già ở trà quán đã cho mượn. Trông điệu bộ của tôi thật tàn tạ và tôi biết rõ điều đó. Tôi chỉnh trang lại quần áo của mình, siết lại cái áo dotera chặt bằng một cái khăn lớn, đội lên đầu một cái mũ rơm treo trên tường căn phòng trọ. Nhưng điều đó càng làm tôi trở nên trông quái dị. Tôi sẽ không quên tiên sinh Ibuse, người chẳng bao giờ khinh miệt vẻ bề ngoài của người khác, lúc đó nhìn tôi với vẻ thông cảm và lẩm bẩm một mình để cốt cho tôi nghe thấy "đàn ông không nên quan trọng quá vẻ bề ngoài của mình làm gì".
Cuối cùng chúng tôi cũng leo lên tới đỉnh nhưng ngay khi đó một đám sương mù dày đặc buông xuống và cho dù đứng nơi đài quan sát nhưng chúng tôi cũng chẳng thể nào nhìn thấy toàn cảnh. Chẳng nhìn thấy gì hết. Trong làn sương dày, Tiên sinh Ibuse ngồi xuống mỏm đá, vừa thong thả hút thuốc vừa đánh rắm. Trông tiên sinh có vẻ chán nản. Trên chỗ đài quan sát này, có ba quán trà nhỏ. Chúng tôi chọn một quán giản dị chỉ có hai ông bà già phục vụ và ngồi nhâm nhi một tách trà nóng. Bà già có vẻ ái ngại cho chúng tôi, nói rằng trận sương mù này chỉ là không may thôi, chỉ một lát nữa sương mù tan và chúng tôi có thể nhìn thấy ngay núi Phú Sĩ trước mặt. Rồi bà mang ra một bức hình chụp núi Phú Sĩ từ trong góc quán. Đứng ngay đầu mỏm đá, bà dùng cả hai tay giơ cao bức hình và ra sức giải thích cho chúng tôi là sẽ thấy núi Phú Sĩ gần như thế đó, với hình dáng như vậy, lớn và rõ ràng như thế kia...Chúng tôi vừa nhấp ngụm trà thô, vừa ngắm tấm hình núi Phú Sĩ và phá ra cười. Thực sự là rất đẹp. Và chúng tôi không còn cảm thấy tiếc vì làn sương mù nữa.
Khoảng vài ngày sau, ân sư Ibuse rời khỏi đỉnh Misaka, và tôi cũng theo thầy đến Kofu. Ở Kofu tôi được thầy Ibuse dẫn đến nhà một cô gái trẻ để làm lễ xem mắt. Thầy vẫn mặc bộ đồ leo núi. Còn tôi vẫn mặc bộ đồ mùa hạ với chiếc khăn làm dây thắt lưng. Vườn nhà cô gái trồng rất nhiều hoa hồng. Mẹ cô gái ra đón chúng tôi, mời vào phòng khách. Chào hỏi xong xuôi, cô con gái bước ra nhưng tôi không thấy được mặt nàng. Tiên sinh Ibuse và mẹ nàng đang nói chuyện trăng gió mây trời thì bỗng nhiên tiên sinh nhìn lên bức tường phía sau lưng tôi và lẩm bẩm "A, núi Phú Sĩ à?". Tôi cũng quay mình lại và ngước nhìn lên. Đó là tấm hình chụp miệng núi Phú Sĩ từ trên cao nhìn xuống, thấy cả đường viền miệng núi. Trông thật giống như một đóa thủy liên vậy. Sau khi chiêm ngưỡng tấm hình, tôi từ từ quay người lại và bất chợt thấy được gương mặt nàng. Tôi quyết định luôn. Dù có phần nào khó khăn nhưng dù sao tôi cũng muốn cưới nàng. Thật là cám ơn núi Phú Sĩ quá.
Ân sư Ibuse trở về Tokyo ngày hôm đó, còn tôi quay lại đèo Misaka. Trong suốt tháng chín, tháng mười và đến ngày mười lăm tháng mười một, nơi tầng hai của trà quán Tenka, tôi tiến hành công việc viết lách từng chút một và đều đặn ngắm núi Phú Sĩ từ một "trong ba điểm ngắm đẹp nhất" cho đến chán thì thôi.
Tại đây, tôi cũng đã có ngày cười vui vẻ. Một người bạn tôi, thuộc "phái văn chương lãng mạn", hiện đang làm giảng viên đại học hay gì đó, trên đường du lịch, ghé qua chỗ tôi chơi. Hai chúng tôi ra ngoài hành lang tầng hai của trà quán, vừa ngắm núi Phú Sĩ vừa nói chuyện.
"Núi Phú Sĩ này có vẻ gì đó thô tục ấy nhỉ"
'Nhìn cho kỹ thì còn cảm thấy nhục nhã nữa đấy".
Chúng tôi vừa hút thuốc vừa nói đùa như thế thì bỗng nhiên anh bạn tôi nói:
"Nhìn kìa, chẳng phải đó là một nhà sư hay sao?", cằm anh giật giật.
Đó là một vị sư khoảng năm mươi tuổi, mặc bộ quần áo đen, chống một cây gậy dài, đang leo lên đèo, chốc chốc lại ngước mắt nhìn về núi Phú Sĩ.
"Hình dáng sư gợi cho tôi nhớ đến bức tranh "Sư Saigyo ngắm núi Phú Sĩ" quá. Có lẽ là một vị thánh tăng cũng nên", tôi nói.
"Đừng nói ngớ ngẩn. Chỉ là một vị sư hành khất mà thôi", bạn tôi lãnh đạm nói.
"Không, không. Vị sư này có cái gì đó thoát tục lắm. Cứ nhìn cái dáng đi kia kìa. Nghe nói ngày xưa pháp sư Noin cũng đã làm một bài thơ ca ngợi núi Phú Sĩ nơi ngọn đèo này đấy".
Anh bạn tôi phá ra cười. "Nhìn kìa, phong cách đấy sao?"
Pháp sư Noin bị con chó tên Hachi của trà quán sủa gâu gâu, sợ rúm người lại. Điệu bộ pháp sư thật thảm hại.
"Quả thật không ổn chút nào", tôi chán nản.
Vị sư hành khất sợ quá, loạng chà loạng choạng, quẳng cả gậy, chạy bay chạy biến như ma đuổi. Chẳng có phong cách gì cả. Thật là núi cũng tục mà tăng cũng tục. Bây giờ mỗi lần nhớ lại quang cảnh đó, tôi đều thấy buồn cười.
Có một thanh niên hai mươi lăm tuổi, dáng người hiền hậu tên là Nitsuta, đang làm việc ở một bưu điện nhỏ ở khu phố dài và hẹp Yoshida dưới chân đèo, biết được chỗ tôi ở qua bưu phẩm mà người ta gửi đến, nên đã tìm đến trà quán ghé thăm tôi. Sau một lúc hàn huyên nơi gác trọ tầng hai, và cảm thấy đã quen nhau một chút, anh ta mới cười và nói "Thật ra tôi cũng muốn dẫn theo hai ba người bạn nữa nhưng họ còn đang ngần ngại. Với lại, tôi đọc thấy trong tiểu thuyết của tiên sinh Sato Haruo nói rằng "Dazai là nhà văn suy đồi và chơi bời phóng đãng lắm" nên họ không nghĩ tiên sinh là người đàng hoàng và nghiêm túc như thề này đâu. Để lần tới tôi sẽ dẫn họ ghé thăm tiên sinh, tất nhiên nếu không phiền"
"Không phiền gì đâu", tôi cười khổ sở. "Nhưng như vậy có nghĩa cậu đã dùng hết can đảm, đại diện cho đám bạn đến quan sát tôi xem như thế nào chứ gì"
"Đúng là cảm tử đấy", Nitsuta thật thà đáp.
"Tối qua, tôi đã đọc lại quyển tiểu thuyết của tiên sinh Sato một lần nữa, đề ra nhiều phương án ứng phó khác nhau"
Tôi ngắm nhìn núi Phú Sĩ qua khung cửa cửa kính. Ngọn núi vẫn đứng lạnh lùng và trầm mặc. "Thật siêu phàm", tôi nghĩ.
"Đẹp quá, quả thật là quá đẹp. Núi thật biết cách thể hiện mình ", và tôi thấy mình chẳng thể đáp lại được lời nào trước ngọn núi. Tôi thấy xấu hổ cho cái cảm giác yêu ghét của mình. Cuối cùng tôi đã thấy vẻ đẹp siêu phàm của núi Phú Sĩ.
"Biết cách thể hiện mình à". Nitsuta dường như làm lạ vì lời nói của tôi. Anh mỉm cười thật ý nhị.
Từ đó, mỗi lần ghé thăm tôi, Nitsuta lại dẫn theo mấy người bạn. Mọi người đều trầm mặc. Bọn họ gọi tôi là "tiên sinh" và tôi làm mặt nghiêm nghị nhận lấy danh hiệu đó. Tôi chẳng có gì để mà tự hào cả. Học vấn không có, tài năng cũng không. Cơ thể yếu ớt, tâm hồn nghèo nàn. Chỉ duy có nỗi phiền muộn và nỗi phiền này nhẹ bớt đi khi được đám thanh niên này gọi tôi là "tiên sinh". Tôi chỉ còn có thế. Cho dù niềm tự phụ này có nhỏ bé như cọng rơm thì tôi cũng muốn mình bám víu lấy. Bao nhiêu người đã viết về tôi như một kẻ ích kỷ và hư hỏng nhưng biết được nỗi sầu khổ muộn phiền sâu thẳm trong tôi, thế gian này được có mấy người?
Nitsuta và một thanh niên nữa rất giỏi về thơ tanka là Tanabe đều là độc giả trung thành của tiên sinh Ibuse, vì thế mà tôi cảm thấy an tâm và thân thiết hơn cả. Bọn họ cũng đã một lần dẫn tôi đến khu phố Yoshida. Đó là một khu phố thật nhỏ và dài. Có cảm giác như nó bị ép sát vào chân núi. Đó là một khu phố cho ta cảm giác lạnh nhạt và tối tăm như một thân cây mọc trong chỗ khuất thiếu ánh sáng trời. Có một con suối nhỏ chảy dọc ven đường. Đây có lẽ là đặc trưng của thành phố nằm dưới chân núi chăng? Ở Mishima cũng có những dòng nước nhỏ chảy quanh thành phố. Và người dân địa phương thực sự tin rằng đó là nước tan chảy ra từ tuyết của núi Phú Sĩ. Nước ở Yoshida này thì chảy yếu và bẩn hơn so với Mishima. Tôi vừa nhìn dòng nước chảy vừa nói.
"Trong truyện của Maupassant có một chi tiết ở đâu đó rằng một thiếu nữ mỗi đêm đều bơi qua sông để gặp một chàng công tử mà nàng yêu, nhưng tôi tự hỏi là quần áo của nàng thì thế nào? Không lẽ nàng ta khỏa thân?"
"Ừ nhỉ" cả đám thanh niên suy nghĩ. "Hay là nàng mặc đồ bơi?"
"Hay là nàng gói quần áo lại đội lên đầu rồi bới qua sông nhỉ?"
Cả đám thanh niên phá ra cười.
"Hay là nàng cứ để nguyên quần áo mà bơi qua gặp chàng công tử. Rồi hai người ngồi bên lò sưởi cho đến khi quần áo nàng khô? Nhưng như vậy khi nàng quay về thì thế nào? Lại phải làm ướt bộ quần áo mới mất công hong khô xong hả? Thật là ái ngại quá. Nhưng tại sao chàng công tử lại không bơi qua chỗ nàng nhỉ? Đàn ông con trai mặc một bộ quần áo ướt thì cũng chẳng sao mà. Hay là chàng ta không biết bơi?"
"Không đâu, có lẽ tại vì nàng thiếu nữ kia yêu chàng công tử hơn tình yêu mà chàng dành cho nàng thôi", Nitsuta nghiêm túc.
"Có lẽ vậy nhỉ. Đàn bà trong văn học nước ngoài thật dũng cảm và đáng yêu. Chỉ cần tình yêu là có thể bơi ngay qua sông gặp gỡ. Nhật Bản thì không được như vậy. Hình như cũng có một vở kịch như thế. Vở kịch nói về một nàng vương phi và một chàng trai đứng hai bên bờ sông cùng thở than khóc lóc. Lúc đó than khóc mà làm gì không biết. Tại sao không bơi thẳng qua sông? Trong vở kịch, đó chỉ là một dòng sông hẹp, chỉ việc vén áo mà lội qua thôi. Vậy mà cứ đứng yên ca thán, thật không hiểu gì. Tôi chẳng thể nào đồng tình với điều đó. Chẳng hạn như nàng Asagao đứng trước con sông Oiigawa thì còn tạm được. Sông thì rộng mà nàng thì mù nên còn ít nhiều thông cảm cho dù nàng không phải là không thể bơi qua sông. Chống gậy đứng bên này sông Oiigawa mà nguyền rủa ông trời thì đúng chẳng có nghĩa lý gì. À, nhưng mà Nhật Bản cũng có một người con gái dũng cảm dám bơi qua sông đấy nhé"
"Có thật sao ạ?", đám thanh niên hỏi, mắt sáng lên.
"Công nương Kiyo đấy. Nàng đã bơi qua sông Hidaka để đuổi theo người tình là Anchin đấy. Bơi miệt mài chết bỏ. Nàng thật kinh người. Mà theo sách vở ghi lại, lúc ấy nàng mới chỉ có mười bốn tuổi thôi nhé".
Vừa đi bộ trên đường vừa tán chuyện nhảm như vậy cho đến khi chúng tôi đến một quán trọ khá cũ kỹ, nằm ở ngoại thành mà hình như là chỗ Tanabe quen biết.
Chúng tôi uống rượu ở đó và đêm ấy núi Phú Sĩ thật tuyệt. Khoảng mười giờ đêm, bọn thanh niên để tôi ngủ lại quán rồi ai về nhà nấy. Tôi không ngủ được, mặc bộ dotera, bước thử ra ngoài xem sao. Một đêm trăng sáng thật ma mị. Núi Phú Sĩ thật đẹp. Tắm mình trong ánh sáng trăng, núi Phú Sĩ gần như trở nên một màu xanh trong suốt, còn tôi cảm thấy mình như bị bùa phép của chồn tinh. Một màu xanh gần như tuyệt đối. Cảm giác giống như ánh lửa xanh cháy sáng của lân tinh vậy. Ánh sáng ma trơi. Ánh sáng hồ ly. Đom đóm. Hơi lau lách. Lá sắn dây. Tôi cứ trôi đi trên đường trăng, cảm thấy như mình không có chân vậy. Chỉ nghe mỗi thanh âm đôi guốc gỗ nhưng như không phải của tôi mà như của một sinh vật nào đó cứ lóc ca lóc cóc, nghe vang vọng rất rõ ràng. Tôi quay đầu nhìn lại. Núi Phú Sĩ còn nguyên đó. Màu xanh trong suốt, nổi bật giữa đất trời. Tôi thở dài. Một chí sĩ duy tân. Một con Thiên cẩu (Tengu) ở Kurama. Tôi nghĩ mình như thế. Cứ thọc tay vào túi áo mà đi. Tôi thấy mình thật là kiên cường. Cứ đi miệt mài. Rồi tôi đánh rơi chiếc ví. Vì tôi bỏ trong ví đến hai mươi đồng bạc 50 yên, nên sức nặng của nó làm rách chiếc túi nơi ngực và rơi xuống đường. Lúc đó tôi bình tĩnh một cách kỳ lạ. Nếu hết tiền thì cứ đi bộ lên đèo Misaka thôi. Và tôi cứ đi tiếp.
Nhưng tôi chợt nhận ra là mình đang quay trở lại tìm cái ví. Cứ đút tay vào túi áo ngực, tôi đi tới đi lui. Núi Phú Sĩ. Đêm trăng. Chí sĩ duy tân. Đánh rơi chiếc ví. Lãng mạn hứng khởi đêm thâu. Chiếc ví nằm giữa đường, sáng loáng. Tôi lượm lên, quay về nhà trọ và đi ngủ.
Tôi đã bị núi Phú Sĩ bỏ bùa mê. Đêm đó tôi như một thằng khờ. Hành động chẳng theo lý trí gì cả. Bây giờ mỗi lần nhớ lại đêm đó, tôi cứ thấy rã rời một cách kỳ lạ.
Tôi chỉ ở Yoshida có một đêm duy nhất đó. Hôm sau tôi quay về trà quán nơi đèo Misaka. Bà chủ quán mỉm cười đón tôi, còn cô con gái mười lăm tuổi thì lạnh lùng. Tôi muốn cho hai mẹ con biết ngày hôm qua tôi chẳng làm chuyện gì xấu xa cả nên cho dù họ không hỏi, tôi cũng kể lại trải nghiệm ngày hôm qua. Tôi kể từ tên quán trọ, hương vị rượu của Yoshida, núi Phú Sĩ đêm trăng cho đến chuyện đánh rơi ví, kể tất tần tận. Cô con gái dường như nguôi giận.
"Quý khách ơi, dậy thử mà xem này". Một buổi sáng, cô con gái đứng ngoài đứng ngoài trà quán, cất giọng lanh lảnh gọi tôi. Tôi bất đắc dĩ phải thức dậy, bước ra ngoài hành lang.
Cô gái nhỏ rất hưng phấn, hai má đỏ bừng. Nàng lẳng lặng chỉ tay lên trời. Tôi thử nhìn lên. Tuyết. Tuyết rơi trên núi Phú Sĩ. Đỉnh núi trở nên trắng tinh, sáng lấp lánh. Tôi mới nghĩ rằng núi Phú Sĩ nhìn từ đèo Misaka cũng đâu có tệ.
"Tuyệt quá", tôi nói.
"Chẳng phải rất tuyệt sao?", nàng có vẻ đắc ý, dùng ngôn từ rất chau truốt thế mà hỏi tôi. Ngồi xổm dưới đất, nàng tiếp tục nói "Không lẽ núi Phú Sĩ nhìn từ đèo Misaka, vậy mà còn chưa đẹp hay sao?"
Có lẽ tại tôi thường nói với nàng là núi Phú Sĩ nhìn từ đây trông có vẻ thô tục thế nào ấy và nàng cứ mãi ấm ức trong lòng.
Tôi liền nghiêm nghị nói chữa lại "đúng là núi Phú Sĩ mà không có tuyết rơi thì vẫn thô tục đấy".
Tôi mặc bộ dotera đi dạo quanh sườn núi, hái đầy hai nắm tay loài hoa nguyệt kiến thảo(13), đem về trồng ở khu vườn sau của trà quán.
"Bé này, đây là loài hoa nguyệt kiến thảo của tôi và năm sau tôi sẽ lại đến đây ngắm hoa nên đừng có xả nước giặt đồ vào chỗ này nhé", nàng gật đầu.
Sở dĩ tôi chọn loài hoa này vì nghe nói hoa nguyệt kiến thảo rất hợp với núi Phú Sĩ. Cái trà quán nơi đèo Misaka này nằm xa xôi hút nẻo nên thư từ bưu phẩm không đến được. Từ đỉnh đèo, lên xe buýt đi khoảng nửa tiếng sẽ đến một khu làng lạnh lẽo dưới chân đèo đúng như tên gọi của nó là Kawaguchi (Hà khẩu: cửa sông). Thư từ bưu phẩm gửi cho tôi nằm trong bưu điện của làng Kawaguchi này cho nên cứ khoảng ba ngày một lần, tôi lại phải xuống nhận lấy. Tôi thường chọn ngày đẹp trời mà đi. Người con gái soát vé xe buýt cũng không giới thiệu gì về phong cảnh nơi này. Tuy thế, đôi khi chợt nhớ ra, nàng cũng thuyết minh cho chúng tôi bằng một cái giọng đọc tản văn gần như thầm thì lơ đãng "đây là núi đỉnh đèo Mitsutoge, kia là hồ Kawaguchi, có loài cá tên gọi là Wakasagi..."
Sau khi nhận thư từ bưu phẩm nơi bưu điện Kawaguchi tôi lại lên xe buýt về trà quán. Trên đường về, tôi ngồi cạnh một người phụ nữ chừng sáu mươi tuổi. Bà mặc một chiếc áo màu nâu đậm khoác ngoài chiếc kimono. Gương mặt trắng xanh của bà giống hệt mẹ tôi. Người con gái soát vé xe chợt nói như thể nàng vừa mới nhớ ra "Mọi người có thấy hôm nay núi Phú Sĩ trông rất rõ không ạ?". Lời nói chẳng có vẻ gì là thuyết minh hay cảm thán gì cả. Mọi người khách từ người nhân viên công ty mang cặp táp đến cô gái geisha mặc áo lụa, tóc búi cao theo kiểu truyền thống, chiếc khăn tay điệu đàng đưa lên môi, đều khẽ xoay người nhìn ra ngoài cửa sổ, chăm chú vào đỉnh núi hình tam giác như thể mới thấy lần đầu, buông lời cảm thán "thế à", "đúng nhỉ", làm trong xe náo động cả lên. Tuy thế, người phụ nữ ngồi kế bên tôi, dường như đang che giấu nỗi khổ đau nào đó trong tim, không như những người khác, bà không hề nhìn núi Phú Sĩ mà ngược lại, nhìn chăm chú vào những tảng đá ven đường. Trông thấy bà lão như vậy, tôi cảm động muốn run lên và cũng muốn cho bà lão ấy biết rằng tôi cũng như bà, chẳng muốn nhìn ngọn núi Phú Sĩ thô tục ấy làm gì. Và cho dù bà không nói với tôi nhưng tôi cũng muốn thể hiện cho bà thấy sự thông cảm của mình với nỗi khổ đau và cô tịch của bà đang mang chịu. Và như thể muốn cho bà biết điều đó, tôi ngồi sát lại với bà và cùng nhìn vào những tảng đá bên đường.
Bà lão dường như cảm thấy an tâm về tôi phần nào đó, đưa ngón tay thanh mảnh chỉ vào một chỗ ven đường, và chợt nói bâng quơ:
"A, cỏ nguyệt kiến thảo"
Cho dù xe buýt đang chạy nhanh nhưng một vùng màu vàng rực của cỏ nguyệt kiến thảo vẫn cứ mãi in sâu trong mắt tôi cho đến bây giờ.
Đối mặt với núi Phú Sĩ với độ cao đáng nể 3778 mét, cỏ nguyệt kiến thảo đứng thẳng hiên ngang, không một chút nào dao động, có thể nói cỏ nguyệt kiến thảo có một sức mạnh phi thường. Quả thật, loài cỏ này rất hợp với núi Phú Sĩ.
Tháng mười đã trôi qua mà công việc của tôi hầu như không tiến triển được chút nào. Tôi nhớ con người. Đám mây đỏ rực buổi hoàng hôn trông như bụng một con chim nhạn, và tôi đứng nơi hành lang lầu hai hút thuốc một mình. Cố tình tránh nhìn núi Phú Sĩ, tôi ngưng thần nhìn chăm chú vào những chiếc lá đỏ rừng già, rơi như những giọt máu nào nhỏ xuống. Và tôi cất tiếng gọi bà chủ trà quán đang quét lá rụng trước sân:
"Này bà, ngày mai chắc đẹp trời đấy nhỉ"
Ngay cả tôi cũng lấy làm ngạc nhiên trước trước câu nói gần như tiếng reo vui của mình. Bà chủ ngừng tay chổi, ngước nhìn lên, chau đôi lông mày như lấy làm lạ, rồi hỏi tôi:
"Ngày mai quý khách không có dự định gì à?"
Nghe vậy tôi cứng lưỡi.
"Chẳng có gì cả"
Bà chủ phá ra cười:
"Ông có vẻ buồn đấy nhỉ. Sao không leo núi mà chơi?"
"Leo núi thì leo lên rồi phải leo xuống, chán chết. Với lại, dù leo lên núi nào đi nữa cũng thấy một quang cảnh núi Phú Sĩ giống như nhau. Chỉ nghĩ thế thôi là tôi đã chùn chân rồi"
Hình như lời tôi nói có vẻ kỳ lạ thì phải. Bà chủ nhà mơ hồ gật đầu rồi lại cúi xuống quét lá vàng rơi.
Trước khi đi, tôi kéo rèm, ngắm nhìn núi Phú Sĩ qua khung cửa kính. Trong đêmtrăng, núi Phú Sĩ trắng xanh như một tinh thể nước. Tôi thở dài. À, mình đã nhìn thấy núi Phú Sĩ. Những ngôi sao lớn lấp lánh. Ngày mai sẽ rất đẹp trời đây. Chỉ vậy cũng là niềm vui trong những ngày sống tăm tối. Tôi kéo rèm lại và đi ngủ. Nhưng tôi chợt thấy lạ và nghĩ rằng ngày mai đẹp trời thì có liên quan gì đến mình đâu chứ nhỉ và tự cười khổ sở trong chăn. Thật là khổ. Công việc của tôi thuần túy chỉ viết văn thôi. Và dù thỉnh thoảng cũng cảm thấy niềm vui những phần lớn tôi đều thấy chẳng sung sướng gì. Không chỉ có vậy, nói thật tình những cái gọi là thế giới quan của tôi hay quan điểm nghệ thuật hay văn học ngày mai hay cái mới mẻ tân kỳ đều làm tôi phân vân và rất mực khổ sở.
Tôi nghĩ mình chỉ nắm lấy cái đơn giản, tự nhiên và cố gắng viết ra một cách rõ ràng cô đọng ra trên mặt giấy. Chỉ có thế mà thôi. Khi nghĩ như thế, đôi khi hình dáng núi Phú Sĩ trước mắt tôi lại mang một ý nghĩ nào khác nữa. Hình dáng đó, biểu hiện đó có lẽ là cái đẹp "biểu hiện đơn nhất" theo như tôi thấy. Dù có đôi lần tôi cảm thấy mình có thể hiểu được một chút gì đó về núi Phú Sĩ nhưng có nhiều lần khi tôi lặng ngắm cái vẻ đơn giản vô song của cái hình trụ đứng, cảm thấy quả thật ngọn núi chắc chắn là tặng vật của Phật Di Lặc. Nhưng cái tặng vật này với vẻ biểu hiện vô song gần như không thể nào chịu nổi của nó lại khiến tôi nghĩ rằng có một cái gì sai lệch trong dáng vẻ núi Phú Sĩ. Và sự sai lệch này một lần nữa làm tôi lạc lối.
Hết sáng đến chiều, tôi ngồi ngắm núi Phú Sĩ và sống qua những tháng ngày u uất. Khoảng cuối tháng mười, một đoàn du nữ từ phố Yoshida (hình như một năm họ chỉ có một ngày tự do thoải mái thế này) kéo nhau lên đèo Misaka bằng năm chiếc xe hơi. Tôi ngắm họ từ căn gác lầu hai. Từ những chiếc xe hơi, những em gái đủ sắc màu túa ra như những chú chim bồ câu truyền thư tung bay khỏi tổ. Đầu tiên vì chưa biết rõ đường đi lối lại, các em nép sát nhau, chen lấn nhau trong im lặng rồi sau khi nỗi bất an về chỗ lạ biến mất đi, từng người dáo dác tản ra theo lối rẽ. Vài em thật dịu dàng chọn những bức tranh bưu thiếp nơi đầu trà quán, vài người chăm chú ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Thật là một quang cảnh tăm tối u buồn không thể nào chịu nổi. Tôi, một người đàn ông u buồn nơi căn gác tầng hai, đồng cảm với đoàn du nữ đến mức không tiếc thân mình lại không thể làm gì hơn cho sự sung sướng hạnh phúc đó của họ. Tôi chỉ còn biết cách ngắm nhìn mà thôi. Đau khổ thì vẫn cứ khổ đau, cái gì rơi rụng tàn tạ thì cũng phải tàn tạ rụng rơi. Điều đó chẳng liên quan gì đến tôi cả. Đó là cách cách mà thế giới này vận hành. Và việc cứ nhìn ngắm cái dáng vẻ của đoàn du nữ một cách lạnh lùng thờ ơ như thế càng làm tôi cảm thấy khổ đau.
Đành phải tựa nương vào núi Phú Sĩ thôi. Đột nhiên tôi chợt nghĩ ra điều đó. Này, phải chăng núi cũng chăm lo cho đoàn du nữ? Với tâm trạng đó, tôi ngước mắt nhìn lên ngọn núi đang đứng thẳng giữa trời lạnh giá như một ông chủ đút tay vào túi áo dotera với dáng vẻ hiên ngang, đang cai quản thế giới này. Khi nương tựa vào ngọn núi, tôi cảm thấy yên tâm và nhẹ lòng hơn nhiều. Từ bỏ việc ngắm đoàn du nữ, tôi dẫn đứa bé trai mới sáu tuổi của trà quán cùng với con chó có bộ lông mượt mà tên là Hachi đi dạo chơi về phía đường hầm gần đèo. Nơi cửa hầm, tôi bắt gặp một du nữ thon thả, tuổi chừng ba mươi đang mải mê hái hoa không biết chán. Khi chúng tôi đi ngang qua, nàng vẫn mải mê hái hoa, không liếc nhìn chúng tôi lấy một cái nào. Hãy chăm lo cho cô gái này nữa nhé, tôi ngoái lại nhìn núi Phú Sĩ, rồi kéo tay đứa bé, đi sâu vào trong hầm. Không biết phải làm gì, tôi cố bước những bước dài và để cho từng giọt nước lạnh trên nóc hầm rơi xuống trên đầu trên cổ.
Vào thời điểm đó, chuyện kết hôn của tôi bỗng nhiên bị ngưng trệ. Phía gia đình tôi ở quê hoàn toàn không ủng hộ gì chuyện cưới xin của tôi thành ra tôi cảm thấy rất khó khăn. Nhưng tôi cũng cứ hy vọng rằng ít ra nhà cũng gửi cho tôi khoảng 100 yên gọi là để có thể tổ chức một đám cưới tuy nhỏ nhưng cũng đàng hoàng rồi sau đó chuyện sinh kế gia đình thì dựa vào công việc viết lách của tôi cũng được. Nhưng sau vài lá thư gửi gia đình, tôi biết chắc rằng sẽ không có bất kỳ một khoản viện trợ nào cả. Và điều này làm tôi vô cùng khó xử. Nếu vì vậy mà nhà gái cự tuyệt thông gia thì cũng đành chịu thôi, nhưng ít nhất mình cũng phải nói rõ ràng mọi chuyện mới được. Tôi nghĩ vậy và một mình xuống đèo, đi thăm nhà gái ở Kofu. Tôi ngồi đối diện với bà mẹ và cô con gái nơi phòng khách và nói với họ tất cả. Đôi khi tôi nói với hai mẹ con như thể đọc diễn văn vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng mình đã nói cạn lời, và rõ ràng minh bạch. Người con gái rất bình tĩnh:
"Như vậy là nhà anh phản đối đám cưới của chúng ta phải không ạ?", nàng nghiêng đầu hỏi.
"Không, nhà anh đâu có phản đối", tôi nói và ấn mạnh lòng bàn tay phải xuống bàn. "Anh nghĩ là nhà anh nói anh phải tự lo liệu mà thôi".
"Dạ, vậy cũng đủ rồi ạ", mẹ nàng mỉm cười rất cao quý. "Như cậu thấy đấy, nhà chúng tôi cũng chẳng giàu có gì. Việc tổ chức một đám cưới xa xỉ cũng sẽ là một điều khó xử đối với gia cảnh nhà chúng tôi. Nhưng chỉ cần cậu thật lòng thương yêu con gái chúng tôi và nghiêm túc với nghề nghiệp của mình, đối với chúng tôi thế là quá đủ".
Tôi quên cả việc cúi đầu đáp lễ, cứ thừ người nhìn bâng khuâng ra ngoài vườn một lúc lâu. Tôi thấy mắt mình cứ cay cay. Mình phải thật hiếu hạnh với bà mẹ này mới được.
Trên đường về, người con gái đưa tôi ra tận bến xe buýt. Vừa đi, tôi vừa chợt hỏi một câu nghe kỳ kỳ:
"Sao em, chúng mình cần thời gian tìm hiểu nhau thêm không?"
"Dạ không đâu, với em như thế đã nhiều rồi ạ", nàng cười.
"Em không có câu gì hỏi anh sao?", tôi lại ngớ ngẩn nói.
"À, có đấy".
Tôi nghĩ mình sẽ thành thật trả lời tất cả những câu hỏi của nàng.
"Trên núi Phú Sĩ giờ này, tuyết đã rơi chưa anh?"
Tôi hơi bất ngờ trước câu hỏi của nàng.
"À, rơi rồi, trên đỉnh ấy...", tôi đáp lời và ngước mắt nhìn núi Phú Sĩ trước mặt. Tôi cảm thấy kỳ lạ.
"Chẳng phải ở Kofu này cũng nhìn thấy núi Phú Sĩ hay sao? Em đùa anh đấy à?", rồi bỗng lỡ lời "câu hỏi gì ngu ngốc vậy. Em mang anh làm trò cười sao?"
Nàng cúi đầu rồi cười thầm.
"Dạ, tại vì anh ở Misaka mà. Nếu không hỏi về núi Phú Sĩ em nghĩ mình sẽ thất lễ"
Thật là một cô gái kỳ lạ, tôi nghĩ.
Từ Kofu trở về, tôi bị đau vai đến mức thở không nổi nữa. "Tuyệt thật đấy, bà chủ à. Misaka này thật tuyệt đấy. Tôi cảm giác như mình trở về nhà vậy"
Sau bữa tối, bà chủ nhà và cô con gái thay phiên nhau đấm bóp lưng cho tôi. Tay bà chủ thì cứng và ấn mạnh, còn tay cô gái thì mềm, ấn chẳng cảm thấy hiệu quả gì cả. Cứ bị tôi nói mạnh nữa lên, ấn mạnh vào, nàng bèn lấy một thanh củi rồi cứ thế đánh thùm thụp vào vai tôi. Đúng là nếu không làm như thế thì cơn đau sẽ không thuyên giảm, và tôi chợt quyết tâm vào chuyện cưới xin ở Kofu.
Sau khi từ Kofu trở về, hai ba ngày sau tôi cứ thẫn thờ, chẳng muốn làm việc, chỉ ngồi nơi bàn, viết lảm nhảm, hút bảy tám gói Batto rồi nằm lăn ra, hát đi hát lại bài "Kim cương cũng mài mới sáng", cứ vạ vật như vậy, không viết được một trang tiểu thuyết nào cả.
"Quý khách chắc có chuyện gì không vui ở Kofu à?"
Một buổi sáng, tôi đang ngồi nơi bàn, tay chống cằm, mắt nhắm lơ mơ, đầu nghĩ lan man thì cô con gái mười lăm tuổi, vừa lau cái tokonoma(14)nơi góc phòng, vừa hỏi tôi với vẻ gì cay đắng chua chát.
"Đúng vậy, thật là tệ", tôi đáp lời mà không ngoảnh lại.
Cô gái vẫn không ngừng tay, nói tiếp "Chà, tệ quá. Hai ba ngày nay, quý khách như không viết được gì đúng không? Mỗi sáng cháu hay gom lại những trang bản thảo của chú lại rồi đánh số thứ tự. Công việc đó thật vui. Chú càng viết nhiều cháu càng vui. Chú có biết tối qua cháu lén lên gác nhìn chú đấy không? Lúc đó chú đã trùm chăn mà ngủ mất rồi".
Tôi thật vui khi nghe những lời nói đó. Có lẽ nói hơi khoa trương chứ đó thật là những lời động viên trong sáng làm cho con người ta muốn sống hơn. Cô bé không đòi hỏi nhận lại điều gì cả. Tôi nghĩ nàng thật đẹp.
Vào cuối tháng mười, lá cây đều đen thẫm lại, và sau một đêm bão núi rừng đã khoác một chiếc áo tăm tối mùa đông. Những khách tham quan chỉ lác đác vài người. Trà quán cũng hoang vu. Đôi khi bà chủ quán dắt đứa con trai sáu tuổi đi mua sắm đồ ở thị trấn Funatsu dưới chân đèo hay ở phố Yoshida. Và ngày đó trên trà quán tịch liêu trên đèo này chỉ còn mình tôi với cô gái nhỏ. Tôi ngồi thẫn thờ trên lầu hai, xuống dạo loanh quanh nơi trà quán, rồi đến chỗ sân sau nơi cô bé đang giặt đồ mà nói lớn tiếng:
"Thật chán quá nhỉ", rồi cười xòa. Nàng vẫn cúi đầu. Khi thử nhìn vào gương mặt ấy, tôi giật mình. Cô bé đang khóc. Thật là một tình cảm đáng sợ. Tôi chợt cảm thấy đau khổ, vội đưa mắt nhìn ra con đường nhỏ ven núi phủ đầy lá rơi và hấp tấp bước nhanh về phía ấy.
Từ ngày đó, tôi bắt đầu cảnh giác. Hễ khi chỉ còn lại hai người trên trà quán, tôi cố gắng ngồi yên trong phòng mình nơi lầu hai, không bước chân ra ngoài. Khi có khách lên trà quán, tôi mới bước xuống nhà, ngồi ở một góc quán, nhâm nhi tách trà để có thể bảo vệ cô bé. Có lần có một cô dâu, được hai ông già mặc áo thêu tháp tùng, đi xe hơi ghé trà quán nghỉ chân. Lúc đó, trong trà quán chỉ còn có mình cô bé. Tôi từ tầng hai bước xuống, ngồi nơi góc trà quán, phì phèo thuốc lá. Cô dâu mặc áo kimono kiểu susomoyou, thắt lưng obi thêu kim tuyến, thật đúng là một bộ lễ phục chính thức đường hoàng. Không biết phải tiếp mấy vị khách kỳ lạ này như thế nào nên cô bé sau khi châm trà cho cô dâu và hai ông già xong, đến đứng nấp phía sau tôi mà quan sát cô dâu. Vào ngày chỉ có một lần trong đời này, từ phía đèo này nàng về làm dâu nhà nào ở Funazu hay Yoshida. Và trên đường đi nàng ghé vào đây nghỉ chân và ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Thật lãng mạn đến mức buồn cười. Lúc đó, cô dâu bước ra khỏi trà quán, tiến đến mỏm đá phía trước quán lặng ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Nàng đứng bắt chéo hai chân. Thật là một tư thế can đảm. Tôi đang ngắm nhìn cô dâu và núi Phú Sĩ với vẻ khâm phục thì bỗng nàng hướng về đỉnh núi và hét lớn.
Sau lưng tôi bỗng có tiếng than khe khẽ "aya". Cô bé ngay lập tức nhận ra tiếng hét đó. Khi cô dâu đã chiếc xe mọi người đang chờ và đi xuống núi, tôi mới mỉa mai.
"Nàng đã từng kết hôn. Đây chắc là lần thứ hai hay thứ ba gì đó. Chắc hẳn chú rể đang chờ nàng dưới chân núi. Vậy mà nàng lại cho dừng xe nơi đây và ngắm nhìn núi Phú Sĩ. Nếu là cô gái mới làm dâu lần đầu tiên thì mặt đâu có dày quá thế"
Cô bé cũng tán đồng. "Nàng ta đã hét lớn đấy. Miệng mở rộng như thế kia mà hét lớn như vậy thì đúng là mặt dày. Chú đừng bao giờ lấy người con gái như thế làm vợ nhé"
Lời nói của cô bé làm tôi đỏ mặt. Quả thật thấy mình có lớn mà chẳng có khôn. Nhưng chuyện cưới xin của tôi cũng dần dần trở nên tốt đẹp. Tôi đã nhờ một vị đàn anh lo liệu giùm. Lễ cưới tổ chức tuy đơn giản mà nghiêm túc, chỉ gồm hai ba người bà con thân cận, được tiến hành nơi nhà vị đàn anh này. Tôi cảm thấy mình hứng khởi như tuổi thiếu niên.
Mới vào tháng 11 mà trên Misaka tiết trời đã lạnh khó mà chịu nổi. Trong trà quán đã phải dùng lò sưởi.
"Qúy khách à, trên tầng hai lạnh lắm. Mỗi khi làm việc xin quý khách cứ xuống làm việc bên lò sưởi này đi ạ", bà chủ quán nói. Nhưng vì tôi không thể viết trước mặt người lạ nên đành từ chối. Bà chủ lo lắng cho tôi nên mới xuống thị trấn Yoshida dưới chân đèo mua thêm một cái bàn sưởi kotatsu(15)nữa. Tôi vùi mình vào trong kotatsu nơi tầng hai, thật sự cảm động trước tình người nơi trà quán này. Nhưng rồi tôi chợt thấy việc suốt ngày ngắm núi Phú Sĩ đã hai phần ba tuyết phủ với những cây khô mùa đông nơi núi đồi gần đó và chịu đựng cái lạnh cắt da cắt thịt nơi đỉnh đèo Misaka này chẳng có ý nghĩa gì nữa và tôi quyết định hạ sơn. Trước ngày rời đi, tôi mặc hai lớp áo dotera, ngồi nơi góc trà quán nhâm nhi một tách trà nóng thì thấy hai người con gái mặc áo lạnh mùa đông, dường như nhân viên đánh máy thì phải, từ phía đường hầm tiến lại. Hai người đang cười nói thì nhìn thấy núi Phú Sĩ phủ tuyết trước mặt và họ đứng sững lại như trời trồng. Rồi sau khi thì thầm to nhỏ với nhau điều gì đó, cô gái đeo kính, có làn da trắng chạy đến chỗ tôi và mỉm cười.
"Xin lỗi, nhưng anh có thể chụp cho hai đứa một tấm hình không ạ?"
Tôi không biết phải trả lời sao. Tôi không rành lắm về máy móc, lại không có sở thích chụp hình gì cả. Mang hai lớp áo dotera, với điệu bộ lôi thôi lếch thếch mà ngay cả người trong trà quán cũng thấy tôi có vẻ giống sơn tặc mà lại được hai em gái xinh như mộng, chắc hẳn đến từ Tokyo nhờ vả chuyện này thật tình tôi khổ sở phát điên. Nhưng rồi nghĩ lại, thấy hai người này thấy bộ dạng của tôi có vẻ gì đó là chụp hình được nên mới nhờ chăng. Vì thế, tôi làm bộ thản nhiên, đưa tay nhận lấy chiếc máy ảnh từ tay cô gái đưa cho lại hỏi nàng về cách chụp như thế nào rồi run run nhìn vào ống ngắm. Núi Phú Sĩ to lớn nằm giữa khung hình, dưới chân núi là hai bông hoa nhỏ xíu thắm tươi. Hai em gái đều mặc áo choàng màu đỏ. Họ đứng khoác tay nhau với vẻ mặt rất nghiêm trang. Tôi buồn cười quá, tay cầm máy cứ rung rung. Cố nén cười, tôi lại nhìn vào ống ngắm. Hai bông hoa đỏ lại càng e lệ nghiêm trang hơn. Thấy khó lấy cảnh này quá, tôi cứ bỏ mặc họ, hướng máy về núi Phú Sĩ mà chụp. Tạm biệt nhé, núi Phú Sĩ, Người đã chở che tôi rất nhiều. Và tôi ấn nút.
"Đã chụp rồi đấy"
"Cám ơn anh nhiều ạ"
Hai cô gái đồng thanh nói. Khi về đến nhà rửa hình ra chắc hai nàng sẽ ngả ngửa người kinh ngạc. Vì trong hình chỉ thấy núi Phú Sĩ mà thôi, chứ chẳng thấy bóng dáng mình đâu cả.
Ngày hôm sau, tôi rời đèo Misaka. Tôi trọ lại một đêm nơi quán trọ rẻ tiền ở Kofu. Sáng hôm sau, khi đứng ở lan can cáu bẩn nơi phòng trọ, tôi nhìn lên núi Phú Sĩ. Bị núi non trập trùng che khuất, núi Phú Sĩ chỉ còn thấy được khoảng một phần ba, trông như thể một cây lồng đèn Trung Hoa(16)vậy.
Tám cảnh sắc Tokyo
Tặng một người một đau khổ
Đó là một ngôi làng chán ngắt nằm ở phía Nam xứ Izu, chẳng một cái gì đặc biệt trừ suối nước nóng. Có thưa thớt chừng khoảng ba mươi nóc nhà. Tôi chọn sơn thôn này chỉ vì một lý do duy nhất là một nơi như thế thì chắc giá thuê nhà sẽ rẻ chăng. Lúc ấy là ngày ba tháng bảy năm Chiêu Hòa thứ mười lăm. Thời gian này tôi vẫn còn chút ít dư dả về tiền bạc. Tuy nhiên từ đó trở đi thì thật sự là tăm tối. Có lẽ là vì tôi không viết được một trang tiểu thuyết nào cả. Trong vòng hai tháng, nếu như tôi không viết được một tác phẩm nào thì chắc chắn tôi sẽ quay trở về cảnh không xu dính túi như trước kia. Sự dư dả đáng thương hại này tuy vậy đối với tôi mà nói đó là lần đầu tiên trong mười năm qua. Tôi bắt đầu cuộc sống của mình ở Tokyo vào mùa xuân năm Chiêu Hòa thứ năm (1930). Không lâu sau đó tôi đã sống chung với một người đàn bà tên là H. Dù hàng tháng tôi đều nhận được tiền trợ cấp của người anh cả từ quê gửi ra, và hai đứa chúng tôi đều bảo ban nhau tằn tiện thế mà không có tháng nào là không phải mang một hai món trong nhà ra tiệm cầm đồ. Cuối cùng sau sáu năm chung sống, chúng tôi đã chia tay nhau. Tôi chỉ còn lại một mớ hành lý với một cái chăn, cái bàn và cây đèn điện cùng một món nợ lớn không biết bao giờ mới trả xong. Sau đó hai năm, nhờ sự giúp đỡ của một vị tiền bối(17)tôi đã làm đám cưới xuềnh xoàng với một người con gái thông qua mai mối. Hai năm sau đó nữa, lần đầu tiên tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm. Tuyển tập các sáng tác nghèo nàn của tôi được gom in lại thành tuyển tập gần mười quyển. Và tôi thấy rằng từ đó trở đi nếu tôi vẫn cố gắng viết thì dù không có sự đặt hàng sáng tác đi nữa chắc tôi cũng sẽ bán được hai trong số ba bản thảo hoàn thành. Từ đó trở đi, viết văn đối với tôi đã trở thành một nghề nghiêm túc chứ không còn là một thú vui nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn chỉ viết những gì tôi muốn viết.
Tuy còn nhiều lo lắng bất an, nhưng với chút tiền dư dả đó, thật sự trong thâm tâm tôi thấy rất vui mừng. Bởi ít nhất thì trong vòng một tháng, tôi có thể viết bất cứ gì mình thích mà không phải bận tâm lo lắng gì đến vấn đề tiền bạc. Nhưng ngược lại, tôi cảm thấy tình cảnh thoải mái của mình lúc này dường như không thực và nỗi bâng khuâng trộn lẫn giữa niềm hưng phấn và sự bất an đã vượt quá sức chịu đựng của tôi khiến tôi không thể nào tập trung vào công việc được.
Tám cảnh sắc Tokyo. Lúc đó, tôi nghĩ mình sẽ thong thả viết một truyện ngắn nhan đề như vậy. Tôi muốn gửi gắm tâm tình mình trong mười năm trời cư ngụ ở thành phố này vào những cảnh sắc Đông Kinh. Năm nay tôi ba mươi hai tuổi. Theo như cách quan niệm ở Nhật Bản, độ tuổi này là có nghĩa bắt đầu bước vào tuổi trung niên. Và từ thể trạng, đến tâm tình tôi biết mình không thể nào chối bỏ được sự thật buồn này. Hãy nhớ cho kỹ. Mi đã qua mất tuổi thanh xuân. Là một thằng đàn ông trang nghiêm ba mươi tuổi. Tám cảnh sắc Tokyo. Và tôi muốn viết thiên truyện này để tiễn biệt tuổi trẻ của riêng mình chứ không chiều theo thị hiếu của ai cả.
Hắn đã dần dần trở nên lưu manh đê tiện thì phải. Câu nói bất giác ấy thường văng vẳng bên tai tôi như một cơn gió nhẹ. Mỗi lần như thế trong tâm tư tôi lại vọng lên câu trả lời rất rõ ràng. Mình ngay từ đâu đã là một thằng đê tiện lưu manh. Mọi người không nhận ra điều đó à? Ngược lại là khác. Khi đã chọn văn chương làm nghề nghiệp của đời thì ngay cả thằng ngu cũng nhận ra rằng tôi sẽ kẻ dễ thỏa hiệp. Tôi chỉ còn biết cười khổ. Tuổi xuân vĩnh cửu chỉ có trong phim ảnh mà thôi chứ trong văn chương làm gì có.
Chính trong thời gian này tôi muốn viết về tám cảnh sắc Tokyo. Lúc này không phải vướng víu công chuyện gì cả lại sẵn dư dả trên khoảng một trăm yên. Không thể cứ đi lại quanh quẩn trong căn phòng chật hẹp với nỗi bâng khuâng phức tạp giữa hưng phấn và bất an nữa, mình phải bắt tay vào công việc thôi.
Tôi mua một tấm bản đồ thành phố Tokyo, rồi từ nhà ga Tokyo đáp xe điện đi về hướng Maibara. Chắc chắn đây không phải là một chuyến đi chơi rồi. Tôi tự dặn mình bao nhiêu lần là đây là chuyến đi nghiêm túc để viết một tấm bia kỷ niệm trang trọng cho cuộc đời mình. Đến Atami, tôi đổi tàu đi Ito. Từ Ito, tôi lại lên xe buýt đi về Shimoda. Và sau ba tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc xe dằn xóc chạy dọc theo bờ biển bán đảo Ito, cuối cùng tôi cũng dừng chân tại một ngôi làng tồi tàn lưa thưa chừng ba chục nóc nhà nơi góc nam bán đảo. Ở một nơi như thế này, tiền trọ một đêm chắc khoảng dưới ba yên là cùng, tôi thầm nghĩ. Có bốn căn nhà trọ tồi tàn, u uất đến mức khó má chịu đựng nổi nằm kế bên nhau. Tôi chọn một căn tên là F vì căn nhà này cho tôi cảm giác sáng sủa hơn một chút so với mấy căn khác. Một người nữ phục vụ lôi thôi lếch thếch, có vẻ khó ưa dẫn tôi lên tầng hai. và sau khi xem qua căn phòng, tự dưng tôi muốn khóc dù đã già đời. Bởi nó gợi nhớ đến căn phòng trọ ở Ogikubo mà tôi đã thuê ba năm về trước. Căn phòng trọ mà tôi thuê đó thuộc loại rẻ nhất ở Ogikubo nhưng căn phòng sáu chiếu kế bên phòng ngủ còn cóvẻ đỡ rách rưới và rẻ tiền hơn căn phòng này.
"Không còn căn phòng nào khác nữa sao?"
"Dạ, các phòng khác đều được cho thuê hết rồi ạ. Nhưng phòng này cũng mát mẻ đấy ạ".
"Vậy sao?"
Tôi cảm thấy như mình vừa bị chơi khăm vậy. Chắc có lẽ vì y phục của tôi tồi tàn quá chăng.
"Dạ, tiền thuê thì có hai loại là ba yên năm mươi xu với loại bốn yên. Tiền ăn thì tính riêng ạ. Ý quý khách ra sao?"
"Ba mươi yên năm mươi xu đi. Còn ăn uống thì khi nào muốn ăn tôi sẽ gọi. Tôi đến đây vì muốn yên tĩnh để tập trung học tập trong khoảng mười ngày".
"Xin quý khách đợi chút ạ". Người hầu gái chạy xuống cầu thang, lát sau quay trở lên và nói.
"Dạ nếu quý khách ở lâu thì chúng tôi sẽ phải thu tiền trước ạ".
"Vậy tôi phải đưa trước bao nhiêu?"
"Dạ, bao nhiêu cũng được ạ". người hầu gái ngập ngừng nói.
"Vậy tôi đưa trước năm mươi yên nhé".
"Hừm".
Tôi sắp tiền giấy ra trên bàn. Thật cáu tiết.
"Đây tất cả có chín mươi yên. Cầm lấy hết đi. Tôi chỉ còn để một ít tiền lẻ trong ví này để mua thuốc lá thôi".
Tại sao mình lại đến một nơi như thế này chứ, tôi thầm nghĩ.
"Dạ, vậy xin cảm phiền ạ".
Người hầu gái biến mất. Không được giận dữ, mình có việc quan trọng phải làm. Với thân phận mình hiện giờ bị đối xử như thế cũng là phải lắm. Tôi ép mình nghĩ như thế rồi lấy từ đáy va li ra bút mực và giấy viết.
Đây là khoảng thời gian thư thả đầu tiên trong vòng mười năm qua. Nhưng nỗi muộn phiềm mà định mệnh đã gieo rắc vào tôi nhắc nhở tôi phải nghiêm túc bắt đầu khởi thảo công việc của mình.
Mình không phải đi chơi. Mình đến đây là để làm việc. Tối hôm đó, dưới ánh đèn điện tù mù, tôi trải rộng cái bản đồ thành phố Tokyo lên bàn. Mười năm trước, khi lần đầu tiên đến Tokyo, ngay cả việc hỏi mua một tấm bản đồ thành phố cũng khiến tôi xấu hổ. Sau nhiều lần do dự không biết là người ta có cười mình là đồ nhà quê hay không tôi cũng quyết ý hỏi mua một tấm bản đồ với giọng tự trào và thô tục. Mua xong, tôi nhét vào túi và chạy như bay như biến về nhà. Đêm đó, khóa kín cửa phòng, tôi len lét giở tấm bản đồ ra. Một bức tranh thật đẹp với những màu vàng xanh đỏ. Tôi ngưng thần nhìn và nín thở. Dòng sông Sumida, khu Asakusa, Ushigome, Akasaka. Hay quá, nơi nào cũng có. Chỉ cần muốn đi, bất cứ khi nào mình cũng có thể đến đó ngay được. Tôi thậm chí còn cảm thấy đúng là kỳ tích.
Bây giờ đây, nhìn toàn thể thành phố Tokyo như một lá dâu bị tằm ăn nham nhở, tôi nhớ lại những con người sống nơi đó, những lề thói sinh hoạt của kinh đô. Trên cái dải đất chán ngắt đó, người tứ xứ từ khắp nơi đổ về, chen lấn nhau toát mồ hôi; phản kháng, ganh tỵ nhau tranh giành từng tấc đất; con mái vẫy gọi con đực, còn con đực chỉ biết cắm cúi bước đi như điên. Tự nhiên chẳng đâu vào đâu, tôi lại nhớ đến một câu nói u buồn trong quyển tiểu thuyết "Umoregi".
"Tình yêu ư?"
"Hãy mơ đến những điều đẹp đẽ và hành xử như một tên ma cô."
Rõ ràng câu nói này chẳng ăn nhập gì với Tokyo cả.
Totsuka ư? Lúc mới đến Tokyo lần đầu tiên tôi đã ở chỗ này. Người anh kế ngay trước tôi đã thuê một căn nhà ở khu này để học nghề điêu khắc. Vào năm Chiêu Hòa thứ năm, tôi tốt nghiệp trường cao đẳng Hirosaki, và nhập học khoa văn học Pháp tại trường Đại học Đế quốc Đông Kinh. Dù không biết một chữ tiếng Pháp nào, tôi vẫn muốn đến nghe những buổi giảng về văn học Pháp. Và thầm kính phục tiên sinh Tatsunoyutaka. Lúc đó, tôi thuê căn nhà phía trong cùng của một dãy nhà trọ mới xây cách nhà anh tôi ba khu phố. Mặc dù là anh em ruột thịt với nhau nhưng nếu sống chung một mái nhà e rằng sẽ có điều bất tiện. Hai chúng tôi không ai nói ra nhưng đều ngầm hiểu điều đó. Vì thế mặc dù sống trong một thành phố nhưng chúng tôi vẫn quyết định ở cách xa nhau. Ba tháng sau đó, người anh này qua đời vì bạo bệnh, chỉ mới hai bảy tuổi đầu. Sau cái chết của anh, tôi vẫn ở trong căn nhà thuê khu Totsuka đó. Từ học kỳ hai trở đi, tôi hầu như không đến trường nữa. Tôi thản nhiên tham gia vào những hoạt động ngầm. Tôi khinh miệt cái văn học với điệu bộ khoa trương tự xưng là nghề nghiệp ấy. Thời kỳ đó, tôi là một chính trị gia thuần túy. Mùa thu năm đó, có một người phụ nữ từ quê lên theo lời yêu cầu của tôi. Đó là H. Tôi quen nàng vào dịp đầu thu năm mới nhập học trường cao đẳng, sau đó cùng nàng chơi bời ba năm. H là một nữ ca kỹ trong sáng vô tư. Vì người đàn bà này mà tôi đã thuê một căn nhà ở Higashikomagata, quận Honjo. Nó nằm trên tầng hai của một tiệm đồ gỗ. Cho đến lúc đó, tôi chưa quan hệ thân xác với H một lần nào cả. Vì chuyện của H mà anh cả tôi phải lặn lội từ quê lên Tokyo. Anh em tôi sau bảy năm kể từ khi cha mất mới gặp mặt nhau trong căn phòng mờ tối ở khu nhà trọ Totsuka. Anh tôi chỉ còn biết khóc khi thấy thái độ hung hãn của thằng em nay đã thay đổi quá nhiều. Tôi đồng ý giao H cho anh tôi với điều kiện sau này hai chúng tôi phải được cưới nhau. Chắc chắn là anh tôi đau khổ hơn nhiều so với thằng em ngỗ nghịch đã buông tay từ bỏ nàng ta. Vào đêm trước khi chia tay, lần đầu tiên tôi đã ôm một người con gái. Anh tôi đưa nàng quay quả trở về quê. Còn H thì trước sau vẫn xem như chẳng có gì xảy ra cả. Tôi chỉ nhận được một bức thư với lời lẽ cứng nhắc báo là nàng đã về nhà bình an vô sự rồi thôi sau đó không có bất cứ thư từ liên lạc gì nữa. Nàng ta dường như rất an tâm yên ổn. Còn tôi thì bất bình về điều đó. Mình đây vì nàng mà ráng hết sức đấu tranh, gây sốc nặng cho tất cả thân bằng quyến thuộc, khiến mẹ phải nếm mùi khổ đau địa ngục. Còn nàng thì cứ đủng đà đủng đỉnh, với sự tự tin vô tri như vậy. Thật là nhục nhã. Tôi nghĩ ít ra mỗi ngày nàng phải gửi cho tôi một lá thư chứ. Tôi nghĩ nàng yêu tôi nhất đời. Nhưng nàng có vẻ là người không thích viết thư. Tôi tuyệt vọng. Thế là từ sáng đến tối tôi bôn tẩu ngoài đường tham gia các hoạt động ngầm. Tôi không nề hà bất cứ việc gì người ta giao cho. Và dần dần tôi nhận ra được những giới hạn của khả năng mình và tôi lại tuyệt vọng gấp bội.
Có một người con gái làm ở quán bar sau khu Ginza đã đem lòng yêu thương tôi. Ai trong đời cũng có một thời kỳ được yêu thương. Đó là thời gian bất tịnh. Tôi rủ nàng cùng trầm mình ở biển Kamakura. Tôi nghĩ khi thất bại sẽ là khi mình chết. Tôi cũng sắp thất bại trong việc buôn thần bán thánh của hoạt động ngầm rồi. Vì không muốn bị chê là nhút nhát, tôi đã nhận làm những việc nặng vượt quá sức mình. H chỉ nghĩ đến hạnh phúc cho riêng mình thôi. Em đâu phải là người đàn bà duy nhất trên đời này. Em đâu có biết tôi đã phải chịu đựng khổ sở như thế nào. Đây là đòn báo thù cho em đó. Đáng đời em chưa.
Nhưng đau khổ nhất cho tôi là bị toàn thể gia đình xa lánh hắt hủi. Tự biết là vì chuyện của H mà cả mẹ tôi, anh tôi đến cô tôi đều choáng váng là nguyên nhân trực tiếp nhất khiến tôi muốn tự tử. Nhưng người con gái thì chết còn tôi lại sống. Về chuyện người con gái đã chết, trước đây tôi đã viết mấy lần rồi. Đó là điểm đen tối trong cuộc đời tôi. Tôi bị tống vào phòng tạm giam. Sau khi người ta điều tra đầy đủ, tôi sẽ bị khởi tố. Chuyện xảy ra vào cuối năm Chiêu Hòa thứ năm (1930).
Các ông anh tôi đã thật chu đáo với thằng em nguy nan sắp chết. Anh cả tôi đã chuộc cho H khỏi nghề ca kỹ, và tháng 2 năm sau đó đã gửi nàng lên cho tôi. Anh tôi đã giữ đúng lời giao ước. H đến gặp tôi với vẻ mặt vô tư hớn hở. Tôi thuê một căn nhà ở khu Gotanda giá ba mươi yên một tháng, nằm kế bên khu đất vốn thuộc về công ty bất động sản Shimazu. H bắt đầu làm việc rất chăm chỉ. Lúc đó, tôi hai mươi ba tuổi còn nàng thì hai mươi.
Giai đoạn ở Gotanda là giai đoạn ngu ngốc của đời tôi. Tôi hoàn toàn tiêu ma hết ý chí. Không còn chút hy vọng nào về việc làm lại cuộc đời. Tôi gắng pha trò và cười đùa mỗi lần bạn bè đến chơi. Những lầm lỗi về cách cư xử ngạo ngược của mình trước đây tôi chắng lấy làm nhục thì chớ lại còn vênh váo khoe khoang. Thực sự đó là giai đoạn ngu độn và vô liêm sỉ. Tôi cũng hầu như chẳng đi đến trường nữa. Tôi chán ghét mọi nỗ lực, sống qua ngày với cái mặt nhơn nhơn mà nhìn ngắm H. Đúng là ngu. Chảng chịu làm một thứ gì cả. Rồi thì một cách chậm chạp tôi cũng khởi sự lại làm công việc như đã nói trên kia. Nhưng lần này làm mà chẳng có nhiệt tình gì cả. Như thể đó là một thứ hư vô của kẻ chơi bời. Đó là dáng vẻ cuộc đời tôikhi lần đầu tiên thuê nhà ở một góc Tokyo.
Sang mùa hè năm đó, chúng tôi chuyển nhà đến khu phố Dobocho ở Kanda. Rồi cuối thu năm đó, chuyển sang khu Izumi cũng ở Kanda. Vào đầu xuân năm sau, là ở Kashiwagi khu Yodobashi. Chẳng có chuyện gì đáng nói ngoài chuyện tôi thỉnh thoảng tập trung vào chuyện sáng tác thơ haiku với bút hiệu Chu Lân Đường (Shurindou). Tôi đã già. Vì tham gia giúp các hoạt động ngầm như trên đã nói mà tôi hai lần bị bắt giam. Mỗi lần được thả ra, tôi lại theo chỉ thị của những người bạn chuyển đến một chỗ ở mới. Tôi chẳng cảm kích hay ghét bỏ gì chuyện mình làm. Đó là một thái độ yếu ớt theo kiểu nếu điều đó tốt cho mọi người thì mình làm thôi. Tôi với H hai đứa như hai con chim trong tổ cứ sống mơ màng theo ngày qua. H thì vui vẻ lắm. Nàng một ngày lớn tiếng chửi tôi hai ba bận sau đó chăm chỉ học tiếng Anh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Tôi cũng bắt H học để cho khỏi phí thời gian nhưng hình như nàng không nhớ được nhiều. Đến chừng khi đọc được tiếng Anh qua các mẫu tự La Tinh rồi thì nàng ngưng hẳn. H viết thư cũng dở. Mà hình như nàng không muốn viết. Tôi phải viết mẫu cho nàng. H hình như rất thích làm chị tôi thì phải. Thậm chí khi tôi bị cảnh sát đến áp giải đi thì nàng cũng chẳng tỏ vẻ gì là hốt hoảng cả. Có ngày nàng còn khoái chí xem cái tư tưởng của phong trào tôi đang hoạt động như là biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng nữa kia. Giai đoạn chuyển từ Dobocho sang Izumicho rồi Kashiwagi là tôi hai mươi bốn tuổi.
Cuối xuân năm đó, cứ tôi lại phải chuyển nhà một lần nữa. Do cảm thấy cảnh sát có vẻ sắp sửa đến áp giải mình nên tôi bỏ trốn. Lần này vấn đề hơi phức tạp một chút. Tôi bịa chuyện nói với anh cả ở quê để nhận một lúc hai tháng tiền trợ cấp rồi cầm số tiền đó mà chạy trốn. Đồ đạc trong nhà tôi phân phát cho bạn bè nhờ giữ giùm, hai đứa chúng tôi chỉ mang theo những vật cần thiết dọn đến một căn phòng tám chiếu nằm trên tầng hai một công ty đồ gỗ ở Hacchobori, Nihonbashi. Tôi đổi tên thành Ochiai Kazuo, sinh quán tại Hokkaido. Thật sự là khổ sở. Tôi rất cẩn trọng với số tiền của mình. Tự an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa cả thôi nhưng tôi chẳng chuẩn bị gì cho ngày mai cả. Tôi cũng chẳng thể làm gì khác được. Thỉnh thoảng tôi đến trường, nằm dài nơi bãi cỏ trước giảng đường ngủ vài tiếng đồng hồ. Rồi có một ngày, tôi nghe được một câu chuyện cay đắng từ một sinh viên ngành kinh tế vốn học chung trường cao đẳng với tôi xưa kia. Nghe xong tôi muốn uống luôn một ngụm nước sôi. Không lẽ nào lại như thế. Ngược lại tôi còn ghét cay ghét đắng cậu sinh viên đã báo tin đó cho tôi. Tôi nghĩ nếu mình về hỏi thử H thì chắc sẽ biết rõ ngay thôi. Tôi vội vàng chạy về căn phòng mình ở Hacchobori, Hokkaido nhưng sau khi gặp H thấy sao khó mà mở lời. Đó là một buổi chiều ngày đầu hạ. Ánh mặt trời phía tây chiếu rọi vào phòng nóng bức. Tôi bảo H đi mua một chai bia Oraga. Lúc đó giá một chai bia Oraga là hai mươi lăm xu. Uống xong chai bia, tôi bảo H đi mua chai nữa, thế là nàng nổi giận. Tôi bị nàng mắng cũng nổi khí xung thiên, cố giữ giọng thật bình tĩnh vặc lại H chuyện mà người sinh viên đó kể cho tôi nghe hôm nay. H nhíu đôi lông mày lại như giận dữ, lầm bầm bằng ngôn ngữ quê mùa ngớ ngẩn rồi sau đó im lặng đan len. Chẳng có thấy vẻ gì là tôi lỗi cả. Vì thế mà tôi tin H.
Tối đó, tôi đã đọc một quyển sách tệ hại. Quyển "Thú tội" của Rousseau. Khi đọc đến đoạn Rousseau khổ đau dằn vặt về quá khứ của vợ, thật tình tôi chịu không nổi. Và tôi cảm thấy không thể nào mà tin H được nữa. Đêm đó, tôi lại khơi chuyện ra hỏi nàng một lần nữa. Và tôi mới hay câu chuyện mà cậu sinh viên đó kể cho tôi nghe hoàn toàn là sự thực. Thậm chí sự thực còn cay đắng hơn. Tôi có cảm giác rằng nếu mình tiếp tục đào bới lên thì câu chuyện này sẽ là một hố sâu không đáy. Vì thế tôi bỏ cuộc nửa chừng.
Thực ra về phương diện này, tôi đâu có tư cách đổ lỗi cho ai. Vụ tự sát đôi ở biển Kamakura vẫn còn đó. Tuy nhiên đêm đó tôi lại nóng máu ngủ không yên. Tôi nhận ra là cho đến giờ mình đã đối xử với H thật là chu đáo, lo cho nàng thật thiết tha. Và tôi đã sống vì điều đó. Tôi cứ nghĩ mình đã cứu vớt nàng lúc nàng còn trong trắng. Từ những điều H nói, tôi chỉ hiểu đơn thuần rằng nàng là một con người mạnh mẽ. Đối với bạn bè, tôi cũng thường tự hào mà khoe như vậy. Bởi vì tính cách đó nên nàng mới có thể giữ mình trong trắng cho tận khi đến với tôi. Không từ nào có thể hình dung được sự vui sướng hạnh phúc đó. Tôi thật là một thằng con trai ngu ngốc. Chẳng hiểu chút gì về đàn bà cả. Nhưng tôi không căm ghét H chút nào về tội lừa dối tôi. Thậm chí tôi còn thấy lời tự thú của H thật đáng yêu làm sao. Tôi còn muốn chà lưng cho nàng nữa chứ. Chỉ là một việc đáng tiếc mà thôi. Tôi cảm thấy chán nản rã rời. Tôi muốn dùng gậy đập tan cuộc sống riêng của mình. Tóm lại là tôi thấy mình không thể nào tiếp tục được nữa. Vì thể tôi đến sở cảnh sát đầu thú.
Sau khi đã điều tra xong xuôi, tôi vẫn sống sót và được thả ra ở một con phố Tokyo. Tôi chẳng còn chỗ nào để quay về ngoài chỗ của H. Vì thế tôi vội phóng ngay đến chỗ nàng. Một cuộc gặp gỡ buồn. Chúng tôi cùng mỉm cười e thẹn rồi nhè nhẹ nắm lấy tay nhau. Chúng tôi dọn nhà khỏi Hacchobori và chuyển đến Shirogane Sankocho, quận Shiba. Chúng tôi thuê một phòng riêng cách xa của một căn nhà bỏkhông rộng lớn. Mấy người anh ở quê tuy đã từ tôi nhưng vẫn gửi tiền cho tôi đều đặn. H vẫn khỏe mạnh như chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Còn tôi thì dần dần từng chút một thấy ra được sự ngu ngốc của mình. Tôi viết di chúc. Một trăm trang "kỷ niệm". Bây giờ tác phẩm "Kỷ niệm" ấy đã trở thành tác phẩm đầu tay của tôi. Tôi nghĩ mình đã viết ra một cách trần trụi những việc xấu xa mà tôi đã làm từ thuở thiếu thời cho đến nay. Đó là vào mùa thu năm hai mươi bốn tuổi. Ngồi trong căn phòng xa khuất nẻo, nhìn ra khu vườn rộng lớn hoang phế cỏ dại mọc đầy, tôi đánh mất nụ cười thường trực trên môi. Tôi dự định chết một lần nữa. Nếu nói là giả vờ màu mè thì cũng được. Với tôi, điều đó cũng tốt. Tôi thấy cuộc đời này như một vở kịch vậy thôi. Không đúng, phải xem vở kịch như cuộc đời. Tôi bây giờ chẳng còn hữu ích với ai nữa cả. Ngay cả H là duy nhất của tôi cũng đã dính dáng vào tay của người khác. Tôi chẳng còn một điều gì để dựa vào mà sống cả. Tôi quyết định chấm dứt cuộc đời mình như con người ngu ngốc. Tôi dự định diễn cho trung thực vai trò của một con người bị con sóng thời đại đẩy đưa. Đó là vai diễn cay đắng buồn bã của con người thua cuộc.
Tuy nhiên cuộc đời lại không phải là một vở kịch. Không ai biết được trong màn tiếp theo sẽ xảy ra chuyện gì. Cũng coi vai diễn là "sẽ chết" nhưng cho đến cuối cùng vẫn chưa chịu rời sân khấu. Tôi chỉ định viết một di ngôn nhỏ, tự thuật về thiếu thời và thanh niên của tôi để người ta biết rằng có một con người hèn hạ như thế này này. Nhưng ngược lại cái di chúc này lại trở thành một ngọn đèn hiu hắt chiếu sáng cái tăm tối hư vô của tôi, tác động đến tôi mãnh liệt. Mình chưa thể nào chết được. Chỉ một đoản thiên "kỷ niệm" này thôi thì chưa đủ. Đằng nào cũng đã viết đến đây rồi thì phải viết ra cho hết. Tôi muốn trút ra hết cuộc sống của mình cho đến tận ngày hôm nay. Tất cả. Rồi thì ham muốn viết dâng đầy trong tôi. Đầu tiên tôi viết về sự kiện Kamakura. Nhưng vẫn thấy chưa được. Vẫn còn có thiếu sót ở đâu đó. Vẫn chưa hài lòng. Vừa thở dài, tôi lao đầu vào viết tiếp. Cứ liên tục những điểm như vậy kéo dài mà chưa có kết thúc. Tôi cứ bị con quỷ vĩnh cửu đó hút tủy từ từ. Đúng là nhọc công vô ích như dã tràng xe cát biển đông vậy.
Tôi đã hai mươi lăm tuổi rồi. Bây giờ là năm Chiêu Hòa thứ tám. Vào tháng 3 năm nay tôi phải tốt nghiệp đại học. Thế nhưng đừng nói là tốt nghiệp, ngay cả các kỳ thi học kỳ tôi cũng còn không tham dự nữa là. Các anh tôi ở quê không hề biết điều đó. Thôi thì nó tuy làm toàn chuyện ngu ngốc nhưng để chuộc tội thì chỉ cần tốt nghiệp đại học là được rồi. Đó là điều mà các anh tôi thầm hy vọng. Vậy mà tôi phản bội lại sạch trơn. Tôi chẳng muốn ra trường chút nào cả. Nhưng đúng là lừa dối người tin tưởng mình thì thật khổ sở phát điên. Trong vòng hai năm qua tôi thực sự sống trong địa ngục. Năm sau mình nhất định phải tốt nghiệp mới được. Tôi thở than khóc lóc với anh tôi, cho em thêm một năm thôi rồi lại phản bội. Năm sau rồi cũng vậy, năm sau đó cũng thế. Trong nỗi sợ hãi và tự trào cùng với ý muốn tự sát mạnh liệt, tôi đã tùy tiện viết ra một loạt tác phẩm mà tôi gọi là di chúc của đời mình.
Nếu như có thể chăng? Có lẽ những đoản thiên đó chỉ là một mớ những cảm xúc còn non nớt mà thôi. Tuy nhiên tôi đã trút vào những cảm xúc đó cả cuộc đời mình. Ba bốn xấp tác phẩm viết xong tôi bỏ vào trong cái túi giấy lớn cất đi. Dần dần số lượng tác phẩm ngày một nhiều lên. Tôi lấy bút lông viết lên cái túi giấy đó chữ "Vãn niên". Tôi định xem chúng như là một loạt di chúc của tôi vậy. Nó có ý nghĩa là mọi chuyện sắp chấm dứt.
Do có người mua lại căn nhà bỏ hoang ở Shiba này nên đầu xuân năm đó chúng tôi phải dọn nhà đi. Bởi vì tôi không tốt nghiệp được nên số tiền trợ cấp từ quê nhà cũng vì thế mà bị giảm đi. Vậy thì phải chi tiêu tằn tiện hơn nữa mới được. Khu phố Amanuma 3 chome thuộc quận Suginami. Tôi thuê một căn phòng của người quen. Người này vốn làm trong một tòa soạn báo, là công dân thành phố phong nhã hào hoa. Trong suốt hai năm sống ở đây, thực sự tôi đã gây ra không ít phiền phức. Tôi lại càng chẳng muốn tốt nghiệp gì nữa. Đúng là ngu ngốc nhưng sau khi hoàn thành tập tác phẩm kia thì tôi chẳng còn muốn làm gì cả. Sợ người ta bàn tán vào ra, tôi nói dối với người quen và ngay cả H nữa là năm sau tôi sẽ tốt nghiệp đấy. Cứ khoảng một tuần một lần, tôi lại mặc đồng phục nghiêm chỉnh và rời khỏi nhà. Tôi ghé thư viện trường, chọn đại vài cuốn sách đọc qua loa rồi ngủ gà ngủ gật, đôi khi viết nháp mấy trang bản thảo rồi đến tối rời thư viện về lại ngôi nhà ở Amanuma. H và cả người quen đó đều không mảy may nghi ngờ gì. Ngoài mặt thì tôi thản nhiên nhưng trong lòng tôi thì sợ hãi. Thời gian càng trôi qua, tôi càng cuống. Tôi muốn viết cho xong hết trước khi bị cắt hết số tiền trợ cấp từ quê nhà. Nhưng thật là khó khăn. Viết xong lại xé. Tôi đã bị con quỷ bất tử đó hút sạch cả tủy não rồi.
Một năm đã trôi qua. Tôi vẫn chưa tốt nghiệp được. Các anh tôi thì giận dữ còn tôi tiếp tục khóc lóc thở than. Tôi nói dối trắng trợn là năm sau chắc chắn em sẽ tốt nghiệp được đấy. Ngoài lý do đó thì chẳng có cớ gì để mà nhận tiền được nữa. Sự tình tôi chẳng thể nào nói rõ cho ai. Bởi tôi không muốn ai đó phải làm kẻ tòng phạm với mình. Tôi muốn xem mình như đứa con đi hoang, hoàn toàn cô độc. Làm như vậy, tôi tin rằng những người xung quanh sẽ không bị cuốn vào chuyện của tôi một chút nào. Cái việc cần thêm một năm nữa để viết đi chúc thật khó mà nói ra được. Theo ý riêng của tôi thì tôi ghét nhất trên đời việc bị gọi là một kẻ thi sĩ mơ ngày. Ngay cả nếu như tôi nói ra những điều phi hiện thực như vậy thì cho dù những người anh tôi có muốn gửi tiền cho tôi cũng không thể gửi nữa. Vì sau khi đã biết rõ sự tình mà vẫn tiếp tục gửi tiền cho tôi sẽ bị người ta xem như là kẻ tòng phạm với tôi rồi. Điều đó tôi thực tình không hề muốn. Phải làm một thằng em xảo trá ngụy biện, lừa dối anh mình. Điều này giống như lý thuyết của bọn đạo tặc vậy nhưng lại là điều tôi suy nghĩ rất nghiêm túc. Tôi quả thật mỗi tuần một lần đều mặc đồng phục đi đến trường. Cả H cả người quen đều tin tưởng vào điều tươi đẹp là tôi sẽ tốt nghiệp vào năm sau. Tôi cùng quẫn tuyệt vọng. Ngày qua ngày đều thấy tối đen. Tôi đâu phải là kẻ xấu xa gì cho nên việc lừa dối người thật là địa ngục. Chẳng bao lâu sau, tôi chuyển đến Amanuma Icchome. Lấy lý do ở Sanchome đi làm bất tiện nên người bạn quen vào mùa xuân năm đó chuyển đến một ngôi nhà sau chợ ở khu Icchome. Chỗ này gần ga Ogikubo. Tôi cũng được mời đi cùng và sống trên một căn phòng ở tầng hai căn nhà đó. Tôi mất ngủ hàng đêm, nốc rượu rẻ tiền, khạc nhổ tứ tung. Mặc dù tôi nghĩ có lẽ mình bệnh nhưng chắc không đến nỗi nào đâu. Tôi muốn nhanh chóng hoàn tất xấp bản thảo còn dở dnag trong túi giấy. Có thể đó là những suy nghĩ dễ dãi và tùy tiện nhưng tôi muốn để lại nó như là một lời tạ lỗi đến với mọi người. Đây là chuyện mà tôi đã cố gắng hết sức. Cuối thu năm đó, tôi đã cố gắng viết xong. Trong số hai mươi thiên, tôi chỉ chọn ra mười bốn thiên. Số còn lại tôi tính đem đốt cùng với những bản viết nháp khác. Nhét vừa vặn trong một cái túi hành lý, tôi mang chúng ra vườn, châm lửa cho cháy lên rực rỡ rồi hóa thành tro.
"Này, tại sao anh đốt bản thảo vậy?", tối đó H bất thần hỏi tôi
"À, bởi vì không cần nữa mà", tôi mỉm cười đáp.
"Tại sao anh lại đốt đi chứ?", nàng lặp lại câu hỏi rồi bật khóc.
Tôi bắt đầu thu dọn đồ đạc quanh mình. Những sách vở mượn của bạn bè đem trả hết, thư từ và tập vở thì bán cho cửa hàng ve chai. Trong bao giấy "Vãn niên" đựng bản thảo, tôi lén nhét thêm vào hai phong thư. Mọi chuẩn bị đã hoàn tất. Tôi mỗi đêm đi ra ngoài uống mấy thứ rượu rẻ tiền. Mỗi lần giáp mặt H ở nhà, tôi đều cảm thấy sợ.
Vào thời gian đó, tôi được một người bạn mời tham gia vào việc phát hành tạp chí văn chương của nhóm. Tôi thì cũng ừ hử cho qua. Khi được hỏi về cái tên "Hoa xanh" cho tạp chí, tôi trả lời ừ được, làm thử xem sao. Nói chơi vậy mà hóa ra thật. Cũng tụ tập được khá đông bạn cùng chí hướng. Tôi trở nên thân thiết với hai người trong số đó. Tôi đốt cháy hết nhiệt tình tuổi thanh xuân vào tờ tạp chí này. Như một đêm múa may quay cuồng trước khi chết. Đám chúng tôi cùng say túy lúy rồi ẩu đả với đám học sinh ngu độn. Cùng yêu đương mấy ả đàn bà dơ dáy như yêu người thân của mình vậy. Tủ quần áo của H trống rỗng trước khi nàng kịp nhận ra. Tháng 12 năm đó, tạp chí văn chương "Hoa xanh" ra đời. Chỉ ra được một số duy nhất rồi bạn bè tứ tán bốn phương. Mọi người đều chán nản với cái thứ nhiệt cuồng dị dạng vô mục đích này. Cuối cùng chỉ còn lại ba chúng tôi. Bị nói là ba thằng ngu. Tuy nhiên ba thằng này lại là bạn thân thiết suốt cả một đời. Tôi đã học được rất nhiều điều từ hai người bọn họ.
Vào tháng ba năm sau đó lại sắp sửa đến mùa thi tốt nghiệp. Tôi cũng tham dự vào kỳ thi tuyển nhân viên của một tòa soạn báo. Tôi muốn chứng tỏ cho người quen cùng nhà và H rằng là tôi cũng sắp sửa chuẩn bị tốt nghiệp rồi đây. Tôi làm cho cả nhà tươi sáng hơn khi cười mà nói rằng sắp trở thành ký giả và sống một đời bình thường rồi đây. Tôi biết thế nào chuyện này rồi cũng sẽ lộ ra nhưng cho một ngày một khắc tôi cũng muốn giữ sự bình yên này, tôi sợ sẽ lại làm cho mọi người kinh ngạc nữa thế nên tôi phải gắng mà nói dối mà lấp liếm cho qua. Tôi lúc nào cũng vậy. Tuyệt vọng, tôi bắt đầu suy nghĩ đến cái chết. Biết là khi mọi chuyện vỡ lở mọi người sẽ càng kinh ngạc hơn, càng nổi giận hơn nhưng tôi không thể nào mà can đảm nói ra sự thật và từng giờ từng giờ tôi càng chìm sâu vào cái địa ngục lừa dối hư ngụy này. Dĩ nhiên tôi chẳng có ý định vào làm ở tòa soạn báo và chắc chắn cũng không thể nào qua được kỳ thị tốt nghiệp. Trận địa lừa dối hoàn mỹ mà tôi đựng lên giờ bị phá tan tành. Tôi nghĩ đã đến lúc chết rồi đây. Vào giữa tháng ba tôi một mình đi Kamakura. Đó là năm Chiêu hòa thứ mười. Tôi định sẽ treo cổ tự tử ở núi Kamakura.
Sau cái chuyến gây kinh hoàng cho mọi người bằng việc trầm mình tự sát ở biển Kamakura đến giờ đã được năm năm rồi. Vì tôi biết bơi nên khó mà chết ở ngoài biển được. Vì thế nếu như chết treo cổ thì có vẻ chắc chắn hơn. Thế nhưng lần này tôi cũng thất bại nhục nhã. Tôi vẫn thấy mình sống nhăn. Có lẽ tại cổ tôi to hơn người thường thì phải. Tôi thất thểu lê lết về nhà với cái cổ sưng tấy lên.
Vậy là tôi lại thất bại trong việc làm chủ vận mệnh của mình. Khi về đến nhà,một thế giới xa lạ kỳ bí mở ra trước mắt tôi. H đứng ngoài hành lang nhẹ nhàng xoa lưng cho tôi. Tất cả những người khác thì an ủi "vậy là tốt rồi, tốt quá rồi". Tôi thẫn thờ trước lòng tốt của mọi người. Anh cả tôi cũng hộc tốc từ quê chạy lên. Dù bị anh mắng chửi thậm tệ nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự nhớ thương và yêu mến mà anh dành cho mình. Tôi có cảm giác kỳ lạ như thể mình mới được sinh ra thêm lần nữa vậy.
Vận mệnh không thể ngờ vẫn tiếp tục khai mở ra. Sau đó mấy ngày tôi bị đau bụng kịch liệt. Tôi quằn quại ngày đêm không thể nào ngủ được. Tôi phải chườm nước nóng lên bụng. Khi đau đớn như ngất đi thì người nhà gọi bác sĩ đến. Tôi cứ trùm chăn như vậy mà được nhấc thẳng lên xe cứu thương đến bệnh viện ngoại khoa Asagaya. Và được cấp tốc phẫu thuật. Tôi bị viêm ruột thừa. Cứ chườm nước nóng, không chịu đến bác sĩ sớm nên bệnh tình nặng hơn. Màng ruột bị chảy mủ, phẫu thuật thật khó khăn. Khoảng hai ngày sau khi phẫu thuật, trong họng tôi chảy ra từng cục máu. Bệnh đau ngực của tôi từ trước nay đột nhiên trở chứng tái phát. Tôi thở yếu ớt như tơ. Ngay cả bác sĩ còn bỏ mặc tình trạng của tôi nhưng vì nghiệp căn còn chưa dứt nên tôi đã từ từ hồi phục. Sau một tháng, vết thương ở bụng đã liền da. Tuy nhiên tôi lại bị chuyển sang bệnh viện nội khoa Kyodo ở quận Setayaka như một bệnh nhân truyền nhiễm. H túc trực bên tôi không lúc nào rời. Nàng cười nói với tôi rằng bác sĩ bảo nàng ngay cả hôn tôi cũng không được nữa. Viện trưởng bệnh viện này là bạn của anh cả tôi. Vì vậy mà tôi được chăm sóc đặc biệt. Tôi được cho mượn hai phòng bệnh rộng rãi và di chuyển toàn bộ gia tài đồ đạc vào ở trong bệnh viện. Hết tháng năm, tháng sáu rồi tháng bảy khi muỗi vằn xuất hiện và phòng bệnh phải giăng màn. Theo chỉ thị của Viện trưởng, tôi chuyển đến khu Funabashi tỉnh Chiba. Đây là vùng ven biển. Tôi thuê một căn nhà mới xây, sống xa thành thị. Với ý nghĩa là để nghỉ dưỡng nhưng đối với tôi thì lại càng tệ. Tôi lại chìm trong thống khổ địa ngục.Từ khi vào bệnh viện ngoại khoa Asagaya, tôi đã bị nhiễm một thói quen xấu. Đó là sử dụng thuốc giảm đau. Đầu tiên là bác sĩ cho dùng để giảm đau mỗi lần thay băng vào buổi sáng và tối. Nhưng rồi tôi không uống thuốc là không ngủ được. Tôi rất đau khổ với chứng mất ngủ của mình. Vì thế hàng đêm tôi lại nhờ đến bác sĩ. Các bác sĩ ở đây đều bỏ mặc xác tôi nên lần nào tôi hỏi xin thuốc đều vui vẻ đáp ứng. Sau khi được chuyển đến bệnh viện nội khoa, tôi vẫn tiếp tục hỏi xin dai dẳng bác sĩ Viện trưởng. Cứ nài xin ba lần thì bác sĩ miễn cưỡng cho thuốc một lần. Đã đến mức không còn vì làm dịu cơn đau thể xác nữa mà uống thuốc để quên đi nỗi hổ thẹn nhục nhã và bực bội của tôi đi rồi. Tôi không đủ sức chịu đựng nỗi buồn. Sau khi chuyển đến Funabashi, tôi đến bệnh viện của khu phố than vãn về chứng mất ngủ và nghiện thuốc của mình để cưỡng bách đòi thuốc. Sau đó còn vô lối bắt ép bác sĩ vốn dịu hiền này phải viết giấy chứng minh để tôi có thể trực tiếp mua thuốc ở tiệm thuốc khu phố. Đến khi nhận ra thì tôi đã nghiện nặng lắm rồi. Tiền bạc cũng hết sạch. Lúc đó hàng tháng tôi đều nhận được 90 yên tiền sinh hoạt phí của anh cả từ quê gửi lên. Khi tôi đòi thêm thì quả nhiên bị anh tôi từ chối thẳng. Đó là chuyện đương nhiên thôi. Tôi chẳng có lấy một chút nỗ lực nào để báo đáp lại lòng yêu thương của anh tôi cả. Toàn làm những chuyện ích kỷ, đùa chơi với mạng sống của mình. Sau mùa thu năm đó, khi thỉnh thoảng xuất hiện trên đường phố Tokyo, tôi đã là một thằng cha bẩn thỉu, dơ dáy, dở điên dở dại. Mọi người đều biết cái dáng vẻ rách rưới vô vọng của tôi vào lúc đó. Tôi cũng chẳng thể nào quên được. Tôi đã trở thành niên bần tiện nhất Nhật Bản rồi. Chạy đôn đáo khắp Tokyo chỉ để mượn tiền. Mười yên, hai mươi yên. Có lần tôi đã khóc trước mặt biên tập viên của tòa soạn báo. Trước sự van nài đeo bám dai dẳng của tôi có lần biên tập viên ấy đã nổi giận lôi đình. Dạo đó, tất cả bản thảo của tôi đều có khả năng bán được kiếm tiền. Khi tôi còn nằm ở bệnh viện Asagaya rồi sau này là Kyodo, nhờ sự bôn tẩu của bạn bè khắp nơi nên hai ba xấp bản thảo "di thư" của tôi được in trên các tạp chí có tiếng tăm, được nhiều lời bình phẩm. Phê phán cũng có mà động viên cũng nhiều làm tôi càng làm tôi căng thẳng bất an, chứng nghiện thuốc an thần càng nặng hơn một bậc, khiến tôi đôi khi cứ mặt dày tìm đến biên tập viên và chủ tòa soạn van nài tạm ứng trước tiền nhuận bút. Quá cuồng điên với nỗi thống khổ của mình tôi không nhận ra được rằng người khác cũng đang cố gắng sống cuộc đời của họ. Những tác phẩm "di thư" tôi đã bán hết sạch, không còn sót lại một thiên nào. Chẳng còn gì đển mà bán nữa. Tôi cũng không viết thêm được gì. Vì tôi đã khô kiệt vốn sống, chẳng thể viết thêm gì nữa. Văn đàn ngày đó chỉ trích tôi rằng "tài thì có mà đức thì không", nhưng bản thân tôi thì tin rằng mình "có hạt mầm đức hạnh nhưng không có tài". Tôi thấy mình chẳng có văn tài gì cả. Tôi chẳng biết một kỹ thuật nào ngoài việc cứ viết trực tiếp ra những điều mà mình trải nghiệm. Một kẻ quê mùa chất phác. Tôi là loại người mà bị câu thúc bởi thứ đạo đức cứng nhắc, lưu tâm ngay cả đến những ân huệ nhỏ nhặt và cuối cùng không thể nào chịu nổi điều đó rồi ngược lại toàn làm những thứ chuyện tuyệt vọng vô liêm sĩ. Tôi được nuôi dạy trong một gia đình bảo thủ nghiêm khắc. Mắc nợ tiền bạc là tội lỗi xấu xa nhất. Để thoát nợ ta lại phải chìm vào một món vợ khác lớn hơn. Để quên nỗi hổ thẹn vay mượn tiền bạc đó, tôi lại càng sử dụng thuốc an thần nhiều hơn. Tiền trả cho nhà thuốc càng ngày càng nhiều. Có lần tôi vừa đi bộ vừa khóc nức nở ở khu Ginza giữa ban ngày. Tôi muốn tiền. Tôi đã hỏi mượn tiền như là ăn cướp gần hai chục người rồi. Tôi không thể chết. Cho đến khi trả sạch sẽ xong món nợ tiền này tôi mới chếtđược.
Người đời đã tuyệt giao với tôi. Sau khi chuyển đến Funabashi được một năm, vào mùa thu năm Chiêu Hòa thứ mười một, tôi bị tống cổ lên xe hơi, đưa đến một bệnh viện ở quận Itabashi, Tokyo. Nhắm mắt ngủ một đêm, sáng hôm sau mở mắt ra, tôi đã thấy mình nằm trong phòng bệnh tâm thần.
Sống ở đó hơn một tháng, rồi vào một chiều thu nắng đẹp, tôi cũng được phép xuất viện. H đến đón tôi rồi cả hai chúng tôi lên xe tắc xi.
Mặc dù cả một tháng trời không gặp nhau, nhưng hai người đều im lặng. Sau khi xe chạy, một lúc lâu sau H mới mở lời:
"Anh sẽ bỏ thuốc chứ nhỉ?", nàng hỏi với vẻ giận dỗi.
"từ bây giờ anh chẳng tin điều gì nữa cả", tôi nói điều duy nhất mà tôi học được khi còn trong bệnh viện.
"Đúng vậy", một người thực tế như H nghe thấy dường như trong lời nói của tôi có chút gì ám chỉ đến giải quyết vấn đề tài chính nên nàng gật đầu rất quả quyết.
"Anh không được dựa dẫm vào người khác nữa"
"Anh cũng chẳng tin em nữa đâu"
H xụ mặt nhìn tôi.
Căn nhà ở Funabashi từ khi tôi nhập viện đã bị hoang phế. H sống ở một căn hộ chung cư ở khu Amanuma 3 chome, quận Suginami. Tôi cũng đến định cư ở đó. Có hai tờ tạp chí đã đặt hàng tôi viết bài. Lập tức ngay trong đêm sau khi xuất viện, tôi bắt tay vào viết ngay. Sau khi viết xong hai truyện ngắn, tôi lĩnh tiền nhuận bút, dọn đến Atami và uống rượu thả cửa trong suốt một tháng liền. Tôi chẳng biết sau này đời mình sẽ ra sao. Mặc dù hàng tháng tôi đều nhận được tiền trợ cấp từ anh tôi trong suốt ba năm trời nhưng món nợ lớn cao như núi từ trước khi tôi nhập viện vẫn còn nguyên đó. Ở Atami tôi cũng lên kế hoạch là viết một quyển tiểu thuyết hay bán lấy tiền để trả phần nào món nợ đeo đẳng. Nhưng đừng nói tới viết tiểu thuyết ngay cả cái vẻ thê lương của phong cảnh nơi đây đã làm tôi không thể nào chịu đựng nổi và tôi uống rượu tối ngày. Tôi nghĩ mình là một thằng vô dụng mất rồi. Ở Atami tôi lại càng chìm sâu hơn vào nợ nần. Chẳng thể nào làm gì được nữa. Tôi là kẻ thảm bại toàn phần.
Tôi quay về căn hộ chung cư ở Amanuma, với thân hình rách rưới tiều tụy, vứt bỏ mọi hy vọng, thả mình nằm dài trên giường. Tôi đã hai mươi chín tuổi. Hoàn toàn trắng tay. Chỉ còn một manh áo Dotera. H cũng chỉ đủ quần áo mặc. Tôi thấy mình đã rơi xuống tận đáy. Hoàn toàn dựa vào số tiền trợ cấp anh cả gửi lên hàng tháng, chúng tôi sống lặng lẽ như kiến như sâu.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa xuống tận đáy. Vào đầu xuân năm đó, tôi có một cuộc trao đổi không ngờ đến với một họa sĩ chuyên vẽ tranh kiểu Tây Phương. Và dần dần trở thành bạn bè chí thiết. Khi biết chuyện đã xảy ra tôi thiếu điều muốn đứng tim. H đã phạm một sai lầm buồn. Tôi chợt nghĩ đến dáng vẻ của H khi tôi rời khỏi cái bệnh viện không may đó, ngồi trong xe hơi, H có vẻ buồn vô hạn trước câu nói tàn nhẫn của tôi. Tôi đã gây cho H quá nhiều nỗi buồn phiền, nhưng tôi vẫn muốn chung sống với H đến khi nào tôi chết. Tôi rất dở trong cách biểu hiện tình cảm nhưng cả H cả người họa sĩ đó không hiểu được điều đó. Cho dù nghe chuyện nhưng tôi cũng chẳng thể làm được gì. Tôi không muốn gây thương tổn cho ai cả. Trong ba người thì tôi là người lớn tuổi nhất. Tôi nghĩ chỉ có tôi là bình tĩnh để đưa ra những quyết định sáng suốt nhưng quả thật tôi đã suy sụp trước chuyện này, đã hớt hải, đã đầm đìa nước mắt khiến cho bọn H càng khinh miệt tôi hơn. Tôi chẳng thể làm được gì. Tôi dần xa lánh người họa sĩ trong thời gian đó. Cho dù đau khổ nhưng tôi vẫn thấy tội nghiệp và lấy làm tiếc cho H. Hình như nàng đang muốn chết. Dù gì thì trong những lúc không thể nào chịu đựng nổi, tôi cũng nghĩ đến cái chết. Thôi thì cả hai cùng chết vậy. Chắc thần linh cũng sẽ tha thứ cho chúng tôi thôi. Hai chúng tôi cùng đi du lịch như hai anh em đến suối nước nóng Minakami. Đêm đó, hai chúng tôi tự sát trên núi. Tôi nghĩ mình không thể làm H chết được. Tôi cố gắng làm vậy. H đã sống. Tôi cũng thất bại ngoạn mục. Chúng tôi đã uống thuốc ngủ.
Cuối cùng chúng tôi chia tay nhau. Tôi không đủ can đảm để níu kéo nàng lại thêm nữa. Nói là tôi bỏ rơi nàng cũng được. Mặc dù cố thử chịu đựng bằng cái từ chủ nghĩa nhân đạo trống rỗng nhưng tôi đã cảm nhận được rõ ràng cái địa ngục xấu ác cũa những ngày tiếp theo sau đó. H một mình quay về sống với mẹ già ở quê.Còn người họa sĩ kia thì tôi không biết tung tích thế nào. Tôi ở lại một mình trong căn phòng chung cư, bắt đầu cuộc sống tự nấu nướng lấy. Tôi bắt đầu uống rượu Sochu. Răng tôi lung lay rồi dần rơi rụng. Mặt tôi trở nên đê tiện. Tôi chuyển sang một căn phòng trọ gần khu chung cư. Đó là phòng trọ tồi tàn giá rẻ nhất. Tôi nghĩ nó hợp với tình cảnh của mình.Dựa cửa nhìn trăng sáng, đêm cuối nhìn thế gian, đồng khô dài trước mặt, tùng đứng lặng trầm ngâm. Tôi nhiều lần uống rượu một mình trong căn phòng bốn chiếu rưỡi, say cuồng ra khỏi nhà, đứng dựa cột ngâm ư ử một bài ca bất chợt. Trừ hai ba người bạn thân thiết khó rời còn lại con người đều tạ tuyệt với tôi. Dần dần tôi cũng hiểu được cái thế giới này nhìn tôi như thế nào. Tôi là một tên vô lại kiêu mạn ngu si, một thằng cha hiếu sắc giảo quyệt hạ đẳng, một kẻ lừa đảo thiên tài, sống xỉ xỉ bê tha, đến khi túng tiền thì cuồng ngôn đòi tự sát nhằm uy hiếp cha mẹ anh chị nơi quê nhà. Đã ngược đãi người vợ trinh thục như mèo như chó rồi cuối cùng tống cổ nàng ra khỏi cửa. Ngoài ra còn nhiều thêu dệt trào tiếu, hiềm ác phẫn nộ khác mà thế gian nói về bản thân tôi, bị thế gian chối bỏ, tôi bị đối xử như là một phế nhân. Từ khi nhận ra điều đó, tôi không còn muốn ra khỏi phòng trọ tồi tàn của mình dù chỉ một bước. Những đêm không có rượu tôi vừa gặm bánh senbei muối vừa đọc truyện trinh thám, tự mình vui trong nỗi lặng thầm. Các tạp chí và tòa soạn báo cũng không đặt hàng tôi viết truyện nữa. Hơn thế tôi không còn muốn viết gì cả. Tôi không thể viết được. Tuy món tiền nợ trong khi nhập viện không bị ai thôi thúc trả nhưng tôi vẫn khổ sở với chúng thậm chí trong những giấc mơ hàng đêm. Tôi đã ba mươi tuổi đầu.
Liệu sẽ có một sự chuyển hóa nào chăng? Tôi nghĩ mình phải sống. Những bất hạnh của gia đình tôi ở quê nhà đã cho tôi sức lực đó. Anh cả tôi sau khi trúng cử đại nghị sĩ đã bị khởi tố vì tôi gian lận tuyển cử. Tôi vô cùng tôn kính nhân cách nghiêm túc của người anh cả nên vụ này chắc chắn là có kẻ xấu nào đó ra tay. Chị tôi mất. Cháu trai tôi chết. Người em họ cũng qua đời. Những việc này tôi đều nghe người ta nói lại mà biết. Vì từ lâu tôi đã không còn liên lạc thư từ gì với những người trong gia tộc ở quê nhà. Những bất hạnh này dần dần từng chút một đã nâng tôi dậy. Tôi rất hổ thẹn vì căn nhà to lớn ở quê của mình. Cái danh con nhà giàu đã làm tôi tuyệt vọng. Cái cảm giác nản lòng là những ân huệ ấy không xứng với mình đã làm tôi trở nên hèn nhát và yếm thế bi quan. Tôi tin rằng trẻ con nhà giàu sẽ phải rơi vào đại địa ngục khủng khiếp cho xứng đáng với kẻ nhà giàu. Trốn chạy là hèn nhát. Tôi muốn chết một cách đàng hoàng với tư cách một đứa trẻ đầy ác nghiệp. Nhưng rồi một đêm tôi nhận thấy mình đừng nói là một đứa trẻ con nhà giàu mà chỉ còn là một tên tiện dân đến ngay cả một tấm áo mặc còn không có. Tiền trợ cấp từ quê nhà gửi lên chắc chắn trong năm nay sẽ bị cắt. Tôi cũng bị chuyển hộ khẩu rồi. Nhưng ngôi nhà tôi đã sinh ra và lớn lên ở quê giờ lại chìm vào đáy của sự bất hạnh. Tôi không còn một thứ đặc quyền nào nữa để có thể đe dọa người ta. Ngược lại chỉ có nợ nần. Cùng với sự ý thức này còn có thêm một điều nữa. Đó là trong khi nằm dài trong căn phòng trọ, không còn muốn chết nữa thì tự nhiên cơ thể tôi lại hồi phục sức khỏe một ca1hc lạ thường. Đây là một nguyên nhân tôi cho là rất quan trọng. Mặc dù có thể liệt kê ra nhiều nguyên nhân khác nữa như tuổi tác, chiến tranh, dao động của lịch sử quan, sự căm ghét thói lười biếng, sự thấp hèn của văn học hay là do thần linh nhưng khi giải thích về sự chuyển hướng của con người tôi đều thấy có gì đó trống rỗng. Bởi cứ cho là sự giải thích đó là đúng đến đâu đi nữa thì bao giờ tôi cũng nhìn thấy ra được kẽ hở của sự dối trá ở đâu đó. Không thể nào có chuyện con người lúc nào cũng suy nghĩ như thế này, cân nhắc như thế kia rồi mới chọn con đường đi được. Trong nhiều trường hợp, vào một lúc nào đó, anh ta chợt thấy mình đang đi trên một cánh đồng xa lạ.
Vào mùa hè năm ba mươi tuổi, lần đầu tiên tôi mới nghiêm túc quyết ý đi theo con đường văn chương. Nghĩ lại thì đó là một ý nguyện muộn màng. Tôi đã ráng hết sức viết văn trong căn phòng bốn chiếu rưỡi không có lấy một đồ đạc gì cho ra hồn. Cơm tối của nhà trọ tôi để lại một phần trong hộp cơm, lén nắm lại thành cơm nắm để lót dạ khi làm việc khuya. Lần này tôi không viết di thư di chúc gì cả. Mà là viết để sống. Có một vị tiền bối đã khích lệ tôi. Cho dù thế gian khinh ghét cười nhạo tôi thì chỉ có vị tác gia tiền bối đó trước sau vẫn đối xử với tôi thân thiết. Tôi phải báo đáp lại sự tin tưởng đáng quý ấy. Cuối cùng tôi cũng viết xong tác phẩm "Vứt bỏ" (Ubasute). Truyện này tôi viết lại thành thực việc tôi và H dự tính tự sát tại suối nước nóng Minakami. Tác phẩm này tôi bán được ngay. Có một biên tập viên vẫn không quên chờ đợi tác phẩm của tôi. Tiền nhuận bút đó tôi không dám phung phí, đầu tiên tôi đến tiệm cầm đồ chuộc lại một cái áo dạ mặc ngoài và đi du lịch. Tôi đến vùng núi Koshu. Cũng là để đổi mới suy nghĩ và dự định viết một tiểu thuyết dài. Tôi ở Koshu đúng một năm tròn. Tuy không viết được tiểu thuyết dài nhưng lại viết và xuất bản được hơn mười truyện ngắn. Cũng nhận được nhiều lời khen ngợi từ bốn phương. Tôi nghĩ mình phải cảm tạ chốn văn đàn. Tôi nghĩ người nào sống được ở đó cả đời thì thật là may mắn. Năm sau, vào tết năm Chiêu Hòa 14, nhờ sự giúp đỡ của vị ân sư mà tôi đã tổ chức được một đám cưới giản dị với một người con gái qua mai mối. Không, cũng chẳng phải là đám cưới giản dị gì nữa. Tôi cử hành hôn lễ mà không một xu dính túi. Rồi chúng tôi thuê một căn nhà nhỏ chỉ có hai phòng ở xa Koshu mà chung sống với nhau. Tiền thuê nhà một tháng là sáu yên năm mươi xu.Tôi gom lại những truyện đã viết và in được thành hai quyển. Cũng dư dả được một chút xíu. Tôi cũng từng chút một trả được món nợ canh cánh trong lòng nhưng trả hoài mà không thấy hết. Vào đầu thu năm đó, chúng tôi chuyển đến khu phố Mitaka, ngoại thành Tokyo. Nơi này không còn là thành phố Tokyo nữa. Kể từ khi tôi mang một chiếc cặp rời nhà trọ ở khu Ogikubo đi đến Koshu thì cuộc sống của tôi ở Tokyo đã bị cắt đứt hoàn toàn.
Tôi giờ chỉ có mỗi việc tập trung viết văn. Trong sổ đăng ký khách trọ mỗi lần du lịch, tôi không ngần ngại đề tên "nhà văn" vào mục nghề nghiệp. Cho dù có khổ não nhưng tôi ít khi nói ra. Những nỗi khổ nhiều hơn trước đây nữa tôi cũng mỉm cười mà đón nhận. Mấy kẻ ngu ngốc nói tôi đã trở nên tầm thường. Mỗi ngày mặt trời lặn trên Musashino thật lớn với ánh sáng rực rỡ thiêu đốt chói chang. Mỗi ngày tôi ngồi trong căn phòng ba chiếu ngắm mặt trời lặn, ăn bữa cơm tối buồn thảm rồi nói với vợ mình. "Anh là một thằng đàn ông như thế đấy nên không thể thành công, không thể giàu có nhưng dù sao đi nữa anh vẫn muốn giữ gìn và bảo vệ cái gia đình này". Lúc đó đột nhiên tôi nhớ đến tám cảnh sắc Tokyo. Quá khứ bỗng trở về và lướt qua tôi như hình ảnh của chiếc đèn kéo quân.
Nơi này tuy là ngoại thành Tokyo nhưng công viên Inokashira gần ngay đây vẫn được xem là một trong những điểm danh thắng của thành phố này, nên tôi thấy việc cho thêm cảnh mặt trời lặn ở Musashino vào "tám cảnh sắc Tokyo" thì cũng chẳng sao. Tôi thử lật lại quyển album quá khứ để quyết định bảy cảnh sắc còn lại. Tuy nhiên trogn trường hợp này, cái trở thành nghệ thuật không phải là phong cảnh Tokyo mà là "tôi" ở trong phong cảnh đó. Như vậy nghệ thuật đã lừa tôi chăng? Hay tôi đã lừa nghệ thuật? Kết luận. Nghệ thuật chính là tôi.
Mùa mưa ở Totsuka. Hoàng hôn ở Hongo. Lễ hội ở Kanda. Tuyết đầu mùa ở Kashiwagi. Pháo hoa ở Hacchobori. Trăng tròn ở Shiba. Ve sầu ở Amanuma. Chớp lóe ở Ginza. Hoa cosmos ở bệnh viện thần kinh Itabashi. Sương sớm ở Ogikubo. Mặt trời lặn ở Musashino. Đóa hoa tăm tối của ký ức đã rụng rơi lả tả khiến việc sắp xếp lại thật khó khăn. Hơn nữa tôi nghĩ việc cố gắng gom góp lại thành tám cảnh cũng đã hạ đẳng và vô lý rồi. Trong đó tôi đã thêm vào hai cảnh nữa của mùa xuân và mùa hạ.
Vào ngày mùng bốn tháng bốn năm nay, tôi đã đi thăm một bậc tiền bối S ở Koishikawa. Vị tiên sinh S này đã lo lắng cho tôi rất nhiều khi tôi nhập viện năm năm trước. Cuối cùng tôi bị la mắng rất dữ và bị xem như kẻ phá sư môn. Thành ra vào Tết năm nay, tôi đã đến xin lỗi và tạ lễ. Sau đó thì im bặt trong một thời gian dài cho đến ngày vị tiên sinh đó được mời làm người tổ chức một buổi lễ ra mắt sách mới xuất bản của bạn tôi thì tôi mới có dịp đến thăm. Vị tiền bối đã nhận lời và chúng tôi ngồi nói chuyện về hội họa và về những tác phẩm của Akutagawa Ryunosuke. "Tôi biết mình đã làm khó cho cậu nhưng nhìn thấy kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay, tôi nghĩ mình cũng nên lấy làm vui mừng". Tiên sinh nói với tôi bằng giọng cân nhắc chậm rãi. Chúng tôi cùng đón xe đi Ueno. Và đã cùng xem một cuộc triển lãm về tranh họa Tây Phương ở bảo tàng mỹ thuật. Có nhiều bức tranh chán ngắt. Nhưng tôi dừng lại trước một bức tranh. Tiên sinh S cũng đến gần tôi, nhìn sát mặt vào bức tranh đó rồi nói bất chợt.
"Nhạt nhẽo quá nhỉ".
"Không được chút nào", tôi cũng nói thẳng.
Đó là bức tranh của người họa sĩ kia, của H.
Chúng tôi rời bảo tàng mỹ thuật và đến Kayabacho xem duyệt trước bộ phim "Cuộc tranh đấu đẹp" rồi ghé Ginza uống trà kết thúc một ngày vui chơi. Đến chiều tối vị tiền bối S bảo sẽ đón xe buýt về nhà từ nhà ga Shinbashi nên tôi cũng theo chân vị S cùng đi bộ đến nhà ga Shinbashi. Dọc đường tôi kể cho vị tiên sinh S đó nghe kế hoạch viết về Tokyo tám cảnh của mình.
"Quả thật mặt trời lặn ở Musashino trông lớn lắm đấy"
Vị S dừng lại trên chiếc cầu trước nhà ga Shinbashi.
"Một bức tranh đẹp đấy chứ?", vị S trầm giọng nói và đưa tay chỉ về chiếc cầu khu vực Ginza.
"Ah", tôi cũng đứng sững lại và ngắm nhìn.
"Một bức tranh đẹp", vị S lặp lại như độc thoại với chính mình.
Và tôi quyết định sẽ đưa hình dáng của tên đệ tử phá sư môn, dáng vẻ ngắm nhìn phong cảnh của vị S vào một trong những cảnh sắc Tokyo hơn chính là những phong cảnh được ngắm nhìn.
Sau đó chừng khoảng hai tháng, tôi lại bắt được một cảnh sắc sáng sủa khác. Vào một ngày kia, tôi nhận được một lời nhắn từ người em vợ. "Ngày mai T sẽ khởi hành. Chúng ta có thể gặp mặt anh ấy ở công viên Shiba. Hãy đến đó vào chính giờ sáng mai nhé. Và nhờ anh hãy truyền đạt lại tình cảm của em với anh ấy nhé. Vì em ngu ngốc chẳng biết nói với T cả". Tuy em vợ tôi đã hai mươi hai tuổi rồi nhưng vì dáng người nhỏ bé nên trông cứ như trẻ con. Năm ngoái đã được sắp xếp gặp mặt cậu T và đính hôn ước rồi đấy nhưng ngay sau khi hứa hôn cậu T lên đường nhập ngũ, đồn trú ở một đơn vị thuộc Tokyo này. Tôi cũng đã từng một lần gặp mặt cậu T khi cậu đang mặc đồ quân phục và nói chuyện cùng nhau chừng nửa tiếng. Đó là một thanh niên sáng sủa, quý phái. Và ngày mai cậu ta phải đi vào chiến địa. Sau khi nhận được lời nhắn đó trong vòng chưa tới hai giờ đồng hồ tôi lại nhận được một bức điện khác từ cô em. "Sau khi suy nghĩ kỹ, em thấy lời yêu cầu trước với anh thật là nhẹ dạ phù phiếm. Anh không cần nói gì với T cả. Chỉ cần anh đến đó tiễn anh ấy vậy là được rồi".
Cả tôi và vợ đọc xong thì phá ra cười. Tôi cũng rất hiểu sự gấp gáp lật đật của cô em vợ. Từ hai ba ngày trước nàng đã đến nhà giúp việc cho cha mẹ cậu T rồi.
Sáng hôm sau chúng tôi thức dậy sớm đi đến công viên Shiba. Trong khuôn viên chùa Zojoji, rất nhiều người đến tập trung đưa tiễn. Tôi nắm lấy một ông già mặc bộ quần áo kaki, đang vội vã chen lấn đám đông để hỏi thăm thì ông cụ trả lời đơn vị của cậu T sẽ dừng lại ở ngoài sơn môn nghỉ chân chừng năm phút rồi lại xuất phát ngay. Chúng tôi từ trong khuôn viên chùa đi ra ngoài cổng sơn môn chờ đơn vị của cậu T đến. Cô em vợ của tôi tay cầm lá cờ nhỏ cùng với cha mẹ cậu T đã đến đó từ trước. Đây là lần đầu tiên tôi được gặp song thân của cậu T. Vì cũng chưa quen thân nhiều lắm với lại tôi cũng kém xã giao nên cũng chẳng hỏi thăm gì. Tôi chỉ gật đầu chào nhẹ rồi bắt chuyện với cô em.
"Đã bình tĩnh lại chưa em?"
"Dạ, không có gì đâu ạ", nàng đáp và cười rất tươi.
"Có chuyện gì với em thế?", vợ tôi cau mặt lại hỏi. "Sao lại cười rúc rích thế kia?"
Người đến đưa tiễn cậu T đông ơi là đông. Có đến sáu cây cờ lớn viết tên cậu T dựng ngoài sơn môn. Các công nhân trong xưởng nhà cậu T, các nhân viên nữ cũng nghỉ làm để lên đây đưa tiễn. Tôi tách khỏi mọi người, đứng riêng ở ngoài rìa góc sơn môn. Tôi cảm thấy tự ti và ghen tỵ. Nhà cậu T thì giàu. Tôi thì bị sún răng và không có chiếc áo lành mà mặc. Tôi không mặc áo khoác hakama cũng không đội nón. Tôi là một nhà văn nghèo. Chắc chắn bố mẹ cậu T sẽ nghĩ rằng bọn người thân rách rưới bẩn thỉu của con dâu mình đã đến đây mà. Cô em vợ chạy đến nói chuyện với tôi nhưng tôi đuổi đi và nói rằng "hôm nay em đóng một vai trò rất quan trọng đấy. Quay trở lại chỗ bố mẹ chồng đi". Đơn vị của cậu T mãi mà không thấy đến. Mười giờ, mười một giờ rồi mười hai giờ cũng chẳng thấy đâu. Mấy chiếc xe buýt chở đoàn học sinh nữ đi tham quan đã đi qua trước mặt tôi. Trên cửa xe buýt có dán tờ giấy ghi tên trường. Đó là tên trường trung học nữ ở quê tôi. Cháu gái con anh cả tôi chắc chắn cũng học ở trường này. Có lẽ đang ở trên xe cũng nên. Tôi nghĩ cô cháu chắc cũng nhìn dòng người đang đứng thẫn thờ trước cổng sơn môn của chùa Zojoji danh tiếng ở Tokyo mà không biết có ông chú ngu ngốc của mình trong đó. Có đến khoảng chừng hai mươi chiếc xe nối tiếp đi qua sơn môn và mỗi lần như thế cô hướng dẫn viên trên xe lại chỉ tay đúng vào chỗ tôi và thuyết minh điều gì đó. Đầu tiên thì tôi thản nhiên nhưng sau đó tôi cũng làm dáng vài điệu bộ. Tôi khoanh tay lại đứng như bức tượng Balzac. Và ngay lập tức tôi có cảm tưởng mình đã trở thành một phần của danh thắng Tokyo. Đến gần một giờ chiều bỗng nghe có tiếng la hét "đến rồi đến rồi" và một lúc sau chiếc xe tải chở đầy lính tráng đã đến trước sơn môn. Vì cậu T đã học lái xe nên lần này cậu được làm tài xế. Tôi đứng nhìn mơ màng từ sau lưng đám đông. "Anh này" cô em vợ từ lúc nào đã đến sau lưng tôi thì thầm và đẩy vai tôi thật mạnh. Chợt bừng tỉnh tôi thấy cậu T đã bước xuống xe vẫy tao chào thằng tôi đang đứng cuối đám đông này. Tôi cũng hơi nghi ngờ, do dự nhìn quanh quẩn nhưng đúng rõ ràng là cậu ấy vẫy tay chào tôi. Tôi quyết ý chen vào đám đông cùng cô em tiến đến chỗ cậu T đứng. "Đừng lo gì chuyện nhà nhé. Tuy cô em tôi ngu ngốc thế này nhưng chắc chắn nó biết cách vun vén chu toàn đấy. Đừng lo gì cả. Chúng tôi sẽ chăm lo cho cô bé". Thật là hiếm khi tôi nói mà không cười một chút nào như thế này. Tôi nhìn cô em, thấy mặt nàng đang ngước nhìn lên đầy căng thẳng. Mặt cậu T thoáng ửng đỏ nhưng rồi cậu im lặng và giơ lại tay chào.
"Em không còn điều gì nói nữa hay sao?" Lần này tôi cười và hỏi cô em vợ.
"Dạ, đủ rồi ạ", nàng cúi mặt nói.
Hiệu lệnh xuất phát đã ban ra. Lần này tôi lại muốn âm thầm lẻn vào đám đông người nhưng bị cô em đẩy vai đi đến tận buồng lái xe. Chỗ đó chỉ thấy cha mẹ cậu T đang đứng chờ.
"Hãy yên tâm mà đi nhé", tôi hét lớn. Người cha nghiêm nghị của cậu T chợt quay lại nhìn tôi. Ánh mắt của cụ như muốn nói "thằng ngu nào vừa mới la làng vậy?". Nhưng lúc đó tôi không sợ. Phải chăng tôi nhận ra mình đã nói một lời cuối từ niềm tự hào vô cùng của con người rằng có những điều khổ đau đến chết mà con người phải mang theo. Tôi không vào được quân ngũ và tôi nghèo nhưng tôi không bận tâm nữa. Danh thắng Tokyo này lại hét lớn:
"Đừng lo lắng gì nữa cả".
Từ giờ trở đi vạn nhất chuyện hôn sự của cậu T và em vợ tôi có gì bất trắc thì thằng tôi vô pháp vô thiên không biết thể diện này sẽ trở thành điểm tựa cuối cùng cho cả hai người.
Lấy được cảnh sơn môn chùa Zojoji, tôi cảm thấy tác phẩm của mình đã hoàn chỉnh như thể dây cung đã được kéo căng hết sức giống như mặt trăng tròn vậy. Vài ngày sau đó tôi mang một tấm bản đồ Tokyo, bút, mực và giấy viết hăng hái lên đường đi du lịch Izu. Sau khi đến nhà nghỉ suối nước nóng Izu sẽ có chuyện gì nữa đây? Tôi đã đến nhà nghỉ này được mười ngày rồi và vẫn còn tiếp tục ở đây. Phải viết một cái gì đó mới được.
Thất Lạc Cõi Người Thất Lạc Cõi Người - Dazai Osamu Thất Lạc Cõi Người