Sở dĩ bạn thất bại là do bạn dám tiên phong đi tìm vùng đất mới, phương pháp thực hiện mới, và những cách thức thể hiện mới.

Eric Hoffer

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2006 / 46
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
ột buổi tối mùa đông rét buốt. Bên ngoài, mưa dầm như cuộn theo gió bấc, vun vút qua cửa liếp. Bên trong, cả nhà quây quần trên ổ rơm gây chút ấm áp. Me Thi, Thi, thằng Pháng và con Lý ngồi chung một ổ. Không ai để ý cái lạnh giá nó ướp hồn mình. Cha Thi, ông Hanh, Kỳ Bá cũng ngồi ở ổ rơm kế cận. Tối nay, chẳng có công tác gì. Kỳ Bá muốn một đêm thật rảnh rỗi, thưa chuyện với cha mẹ Thi về chuyện anh và Thi yêu nhau. Đêm nay, cả nhà xum họp, đúng là ước nguyện của Kỳ Bá.
- Rét quá nhỉ, lập đông chắc.
Ông Hanh nói.
- Lập đông từ lâu rồi mà.
Bà Hanh nói.
- Ngày nào cũng lập đông vậy. Mùa đông mới sinh ra ổ rơm. No cơm tấm, ấm ổ rơm. Ngủ ở ổ rơm như có lửa sưởi quanh mình. Chỉ thương mấy anh chiến sĩ giết giặc ngoài biên cương, ai đã gửi áo trấn thủ ra tặng?
Ông Hanh vừa than thở vừa với tay ra ngoài ổ, kéo cái bình trà nóng, đựng trong cái ấm tích và cái điếu cầy lại gần. Ông rót nước vào hai cái chén tống:
- Uống nước đi anh, kẻo nguội.
Kỳ Bá nâng chén trà:
- Mời hai bác sơi nước, ạ!
Ông Hanh nhấp một ngụm, rồi lấy điếu vê thuốc bỏ vào cái nõ. Ông châm đóm ở cái đĩa đèn dầu lạc, thắp bằng bấc, do chỉ vải kết lại. Đưa ống điếu lên môi, ông Hanh rít một hơi hả hê. Ông nhả khói và đưa điếu cho Kỳ Bá:
- Làm một điếu cho ấm.
- Thưa bác, cháu không dám hút thuốc.
- Sợ gì?
- Sợ quen đi rồi nghiện.
- Nghiện đã sao?
- Người lính trong thời chiến bị cấm hút thuốc ban đêm. Hút thuốc lá, ánh lửa lóe lên trong đêm tối, là dịp tốt cho địch bắn mình. Hút thuốc lào còn nguy hiểm nữa. Có khi địch câu moóc chê, chết như sung rụng.
- À, ra thế. Tội nghiệp binh lính quá.
Kỳ Bá đợi hết tuần trà nước mới thưa chuyện. Anh đưa mắt nhìn Thi. Thấy đôi mắt Thi long lanh dưới ánh đèn dầu lạc. Như thầm bảo nói đi, đừng sợ. Tự ngày xuống Đông Cao, làm tổng khởi nghĩa ở Tiền Hải, vào lính đánh giặc Pháp tại Hưng Yên, Hải Dương, Kỳ Bá không nghe thấy hai tiếng sợ hãi bao giờ. Hôm nay, hỏi vợ cho mình, sao Kỳ Bá run run và sợ hãi thế!
- Thưa bác...
- Gì vậy anh?
- Cháu muốn thưa với hai bác chuyện em Thi...
- Em Thi nó hỗn với anh à?
- Không...
Thi mỉm cười, nhéo tay mẹ. Thằng Pháng, con Lý mải ăn ngô rang, không để ý gì. Thi bắt muốn phì cười, thấy chính ủy trung đội 23 giảng chính trị cho bộ đội nghe thì oai phong lẫm liệt lắm. Mà nói với ông dân Hanh chuyện hỏi vợ thì lính qua lính quýnh. Mới hay, đảng viên Đảng cộng sản Kỳ Bá vẫn là con người.
- Con Thi hay diễu cợt anh, hả?
- Không...
- Dạo này nó hư lắm. Cứ gọi chính ủy là anh không. Anh giận nó chứ gì?
- Không... cháu và Thi đã...
- Sao?
-... phải lòng nhau!...
Ông Hanh tủm tỉm cười. Ông lấy điếu hút một bi nữa. Và ông nhấp ngụm trà đầy mới nhả khói thuốc.
- Tưởng cái gì. Chứ phải lòng nhau thì tốt thôi...
Bà Hanh nói:
- Con Thi cho tôi biết rồi. Nó yêu anh Kỳ Bá, anh Kỳ Bá yêu nó.
Ông Hanh hỏi Thi:
- Con phải lòng anh Kỳ Bá?
Thi nũng nịu một lát, rồi cô ôm lấy mẹ:
- Vâng...
Và ông Hanh hỏi Kỳ Bá:
- Anh phải lòng con Thi không?
Kỳ Bá đáp:
- Vâng. Cháu yêu Thi, yêu tha thiết...
Ông Hanh khoan khoái:
- Thế thì được rồi. Hai đứa yêu nhau, trời có cấm, sợ chẳng nổi. Vợ chồng tôi bằng lòng cho con Thi lấy anh làm chồng. Đời này là đời sống mới, cái gì cũng mới, cũng nhanh. Anh nhắm cưới con Thi ngày nào?
Ông tiếp:
- Chả cần môn đăng hộ đối. Nhà tôi là nông dân nghèo. Được anh chiếu cố là may rồi.
Kỳ Bá ân cần thưa:
- Từ giờ, con gọi hai bác bằng thầy bu như em Thi con vẫn gọi. Thưa thầy bu, chính tên con là Vọng, sinh ở làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Bố con làm nghề thợ điện. Mẹ con làm nghề bán hàng rong. Bố mẹ con đều chết cả rồi. Thuở nhỏ, con được học đôi chút ở thị xã. Rồi con vào bộ đội, nay về đóng tại Tường An. Nhà con cũng nghèo khổ. Thầy bu thương con, gả em Thi cho con, con không bao giờ dám quên ơn đức của thầy bu...
Bà Hanh nói:
- Anh nghĩ phải đấy.
Ông Hanh trở về câu hỏi:
- Anh nhắm cưới con Thi ngày nào?
Kỳ Bá đáp:
- Con chờ thầy bu bằng lòng, sẽ viết thư trình lên cấp trên cho phép con lấy vợ. Thầy bu đã hiểu, thời chinh chiến, vợ không được theo chồng. Cấp trên có cho phép, con lấy Thi rồi đi. Có thể, ngày mai, ngày kia, hay ngày nào đó, con sẽ rời Tường An, đồn trú ở những nơi không ai biết. Thì cấp trên cho phép hay không cũng vậy thôi. Hôm nay, con thưa thầy bu về chuyện đám hỏi em Thi. Như em Thi đã lấy con rồi. Ngày mai, con đi, em Thi sẽ ở lại cùng thầy bu. Con sẽ về làm lễ cưới em Thi và sống suốt đời bên nhau ở làng Tường An, khi giặc Pháp tan rã và nước mình được giải phóng.
Câu chuyện đang vui, bỗng trở nên buồn bã. Thằng Pháng và con Lý ăn hết ngô rang, lăn ra ngủ trên ổ rơm. Bốn người vẫn còn thức, đăm đăm nhìn vào ngọn lửa của đèn dầu lạc hắt hiu cháy. Ông Hanh lặng lẽ hỏi vu vơ:
- Bao giờ giặc Pháp tan rã?
Kỳ Bá trả lời:
- Chúng ta đã đẩy cuộc trường kỳ kháng chiến lên cuộc phản công. Nghĩa là đánh chứ không nhịn nhục. Như thế mất năm năm. Từ phản công, chúng ta tiến lên tổng phản công. Giặc Pháp nhất định phải thua. Chỉ năm năm nữa, chúng ta tổng tấn công, giặc Pháp sẽ tan rã, hòa bình sẽ đâm chồi nẩy lộc trên quê hương chúng ta. Hòa bình sẽ rạng rỡ ở Tường An.
Nhìn ngọn đèn sắp sửa tàn, cái bấc đã cháy lụi dần, ông Hanh nói:
- Vậy là xong chuyện con Thi với anh Vọng. Tắt đèn, đi ngủ...
Thằng Vọng Thằng Vọng - Duyên Anh Thằng Vọng