The mere brute pleasure of reading - the sort of pleasure a cow must have in grazing.

Lord Chesterfield

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2006 / 46
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
ã bảy giờ sáng. Các sắc chim đang đua nhau hót trên cành cây, báo hiệu một ngày mới. Kỳ Bá đứng dậy, anh mỉm cười. Cười cho mình. một chút ít tình cảm tiểu tư sản đã làm anh suy nghĩ suốt đêm về lãnh đạo và thần tượng. Anh có dịp trở ngược dĩ vãng, nhìn lại đời mình. Nhìn lại đời mình, Kỳ Bá chỉ thấy rong rêu phủ kín. Thần tượng, theo nhóc Khoa suy tôn mình, là thần tượng của tuổi thơ. Thần tượng ấy bừng sáng chốc lát, không lấp nổi những cái hố thẳm đầy oan khiên, nghèo đói bủa quanh mình.
Kỳ Bá sắp chết đói. Lúc anh gặm củ chuối, có ai tôn vinh anh là thần tượng, cứu rỗi anh? Vũ được, Côn được. Luyến được. Khoa được. Chúng nó không thể giúp anh lớn lên huy hoàng, như còn bé anh đã sút những đường bóng ngả bàn đèn, trồng cây chuối, xuyên chỉ qua kim nổi. Thời đó, anh coi như kỷ niệm, như ánh nắng chiếu xuống trưa mùa đông. Ngắn ngủi. Chóng tàn. Cái phải nhớ, suốt đời phải nhớ, là nỗi thống khổ, niềm oan khiên. Cha anh sống nheo nhóc bằng thống khổ, oan khiên. Mẹ anh sống lây lất bằng oan khiên, thống khổ. Và chết, cũng bằng oan khiên, thống khổ. Từ niềm oan khiên, nỗi thống khổ, thầy Nguyễn Công Hoan và chú Nam Anh đã dắt anh vào cuộc đời. Cuộc đời cách mạng. Ý nghĩa và sâu sắc hơn cuộc đời thần tượng bóng tròn, nghìn vạn lần. Thần tượng bóng tròn tuổi thơ không đáng nhắc tới.
Bây giờ, Kỳ Bá làm chính ủy, có những kỷ luật vây hãm anh. Như trên sân cỏ, đấu thủ phải chịu trọng tài phạt, dù oan ức hay hợp lý. Đấy mới đích thị cuộc đời. Làm người không vâng lời người trên, giống hệt ngựa hoang cầy phá tất cả. Người mà Kỳ Bá kính trọng nhất là thầy Hoan và chú Nam Anh. Người mà thầy Hoan và chú Nam Anh kính trọng tuyệt đối, nghe lời tuyệt đối, là lãnh tụ tối cao Hồ Chí Minh, một Hồ Chí Minh có cái bóng huyền diệu bao phủ dân nghèo. Nồng nàn. Mát rượi. Bác là Đảng. Trung thành với Đảng là trung thành với Bác, với lãnh tụ của Đảng. Kỳ Bá đã tuyên thệ như vậy. Trước thế nào, sau thế ấy. Không có gì ngăn nổi bước anh đi.
Ký Bá nổi hứng, vững niềm tin, hát hơi lớn:
-... Đi lên thanh niên
Làm theo lời Bác
Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí cũng làm nên
Có tiếng Thi:
- Sao đêm qua anh không ngủ, sáng nay hát hay thế?
Kỳ Bá giật mình, quay người lại:
- Cô cũng không ngủ à?
Thi đáp:
- Không ạ! Không ngủ, em mới thấy anh thức.
Kỳ Bá lắc đầu, cười:
- Cũng may mắn cho tôi. Nếu cô là thằng địch, tôi đã chết rồi.
Và hỏi:
- Cô ngồi ở đâu nhìn tôi?
Thi đáp:
- Em ngồi đằng kia.
- Đằng kia là đâu?
- Em... em, chả biết nữa!
Hôm nay mới có dịp, Kỳ Bá ngắm kỹ Thi. Cô 18 tuổi. Mặc chiếc áo nâu ngắn, quần đen, tóc chải gọn, Thi đẹp lắm. Nếu là con nhà giầu, sống trong thị xã, Thi còn đẹp hơn con Thúy của Vũ, con Ngọc của Côn. Từ ngày đến đây cư ngụ, Ký Bá đi thật sớm, về thật trễ, ít khi ăn uống ở nhà, nên không có dịp gần gũi Thi. Riêng Thi, cô biết Kỳ Bá nhiều. Cô dậy trước cả Kỳ Bá dậy. Cô ngủ sau cả Kỳ Bá ngủ. Kỳ Bá chẳng hiểu cô Thi đã đợi mình về quá nửa đêm. Mà chả nói năng gì!
- Cô không biết chỗ đằng kia ở đâu à?
Thi khép nép:
- Em nói dối, có sao không anh?
Kỳ Bá vui vẻ:
- Không sao. Tôi muốn cô nói thật.
- Em nói thật nhé!
- Ừ.
- Thầy mẹ em đi làm đồng. Sắp tới vụ chiêm rồi. Hai đứa em của em cũng ra đồng.
- Cô không đi bán bánh cuốn ư?
- Thầy em bắt em phải ở nhà.
- Ở nhà làm gì?
- Em... em... chả nói nữa!
- Cô bảo cô nói thật mà?
- Em xấu hổ lắm.
Thi xoăn mép áo, nhìn xuống nền nhà. Kỳ Bá xôn xao trong lòng. Hai mươi hai tuổi, từ bé đến lớn, Kỳ Bá chưa được tiếp xúc với một cô gái nào hiền hậu và ngây thơ như Thi. Làng Tường An của thằng Vũ, thằng Khoa tuyệt vời. Tuyệt vời như cô gái đang nói chuyện với chính ủy. Trong căn nhà lá, qua ánh sáng của ngày chưa tỏ, lờ mờ, Kỳ Bá nhìn Thi thật lâu. Tâm hồn chính ủy Kỳ Bá dậy lên những tình cảm không biết định nghĩa như thế nào. Tự lúc sinh ra, lên 17 tuổi, Kỳ Bá không dám nghĩ chuyện mộng mơ. Sự nghèo khổ đánh đai lấy cuộc đời anh. Rồi tự 17 đến 22 tuổi, công tác cách mạng chằng lên cổ Kỳ Bá những sâu chuỗi ngặt nghèo. Anh không đủ thì giờ làm việc khác. Cơ hồ một cái máy, anh làm việc tối ngày.
- Xấu hổ đáng chê lắm, phải không anh?
- Không, đáng khen chứ.
- Sao mà khen được?
- Người ta bảo con gái mà xấu hổ, đôi má nóng ran, ửng đỏ trông xinh đẹp vô cùng.
- Người ta là ai?
- Là người ta!
- Người ta là người ta, em không nói thật đâu.
- Thế, người ta là ai?
- Tùy ý anh.
- Thí dụ là tôi nhé!
- Không thí dụ.
- Là tôi...
Thi sung sướng. Cô cảm thấy người ấm lên. Trời đầu mùa đông mà. Cô không nhìn thấy cô, đôi má nóng ran, ửng đỏ trông xinh đẹp vô cùng.
- Em nói thật nhé!
- Ừ.
- Không xấu hổ nữa, nhé!
- Ừ.
- Thầy em dặn ở nhà trông chừng anh. Vì anh không ngủ đêm qua, sáng nay có ngủ thiếp đi, cũng đừng đánh thức anh dậy.
- Cô phải ngồi ở đằng kia, trông chừng tôi?
- Không, em cảnh giác cao, đề phòng địch đến, canh gác anh, đấy ạ!
Ký Bá cười. Thi cũng bịt miệng cười. Hồn nhiên không tả nổi.
Thi hỏi:
- Em đi kín nước vào thau nhôm cho anh rửa mặt nhé!
Ký Bá xua tay:
- Đừng làm thế phiền cô. Để tôi ra cầu bắc trên con ngòi được rồi. Mà...
- Gì ạ?
- Cô nói chuyện với tôi nữa, được không?
- Anh bỏ công tác?
- Công tác đâu bằng nói chuyện với cô!
Kỳ Bá đã ngồi xuống giường. Thi ngồi xuống ngưỡng cửa.
- Cô Thi có đi học không nhỉ?
- Có ạ!
- Lớp mấy?
- Lớp nhất. Làng hết lớp, em nghỉ học, anh ạ!
- Thế là hơn tôi rồi. Tôi học chưa hết lớp nhất.
- Lớp nhất của anh ngày xưa giỏi hơn cả đệ tứ trung học ngày nay. Em đâu dám đem ra so sánh.
- Cô thông minh lắm.
Thi ngượng ngùng. Ký Bá đăm đăm nhìn Thi.
- Thưa anh, anh ở đâu ạ?
Kỳ Bá đùa:
- Ở nhà cô!
Thi nhéo khẽ tay mình.
- Thưa anh, anh sinh ở đâu ạ!
- Làng Kỳ Bá.
- Tên anh mà.
- Làng Kỳ Bá, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình. Như Tường An ấy. Cha mẹ tôi yêu làng tôi, lấy tên làng đặt cho tôi. Cô có biết thị xã Thái Bình không?
- Em Khoa con ông Hùng và anh Vũ ở thị xã. Anh Vũ đã đi làm liên lạc viên cho bộ đội. Em Khoa ở lại làng, chơi thân với con Liên tản cư. Bây giờ con Liên về Hà Nội rồi. Cả làng Tường An quý thằng Khoa và kính trọng ông bà Hùng.
- Sao dân làng kính trọng ông bà Hùng?
- Ông bà ấy giúp đỡ mọi người. Ai cần gì, ông bà ấy cho. Ông bà ấy cho tiền người nghèo, chứ không cho vay.
Kỳ Bá nhớ tới Vũ. Và tin rằng tình thương yêu của nó dành cho Kỳ Bá chân thật.
- Em không biết thị xã Thái Bình đâu, anh ạ!
- Thị xã nằm sát Kỳ Bá. Tôi đi học cùng trường với anh Vũ, em Khoa, chơi thân với Vũ. Hôm qua, Khoa đến thăm tôi ở nhà cô, cô đi làm nên không biết.
- Hèn chi anh giỏi thế. Anh như bộ đội năm xưa ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định về làng em, dạy chúng em học đủ điều. Bộ đội bây giờ nói mỗi câu đều có danh từ chính trị khó hiểu. Dân làng cũng yêu bộ đội, không yêu lắm. Dân làng yêu quý anh thật lòng. Anh không nói danh từ chính trị hiểm hóc mà chỉ đơn sơ, mộc mạc như dân làng nghĩ và hay nói, dân làng quý anh là đúng rồi.
- Cô thông minh do người phú, chẳng do trời phú.
Thi đứng dậy:
- Em đi lấy nước cho anh rửa mặt. Muộn rồi, anh phải đi công tác.
Kỳ Bá gạt đi:
- Không công tác công tung gì cả.
Và ra lệnh:
- Cô ngồi xuống.
Thi ngoan ngoãn vâng lời. Kỳ Bá bước khỏi giường, đến ngưỡng cửa, ngồi xuống cách xa Thi.
- Cô Thi!
- Dạ.
- Tôi có được phép gọi Thi trống không không?
- Dạ.
- Thi.
- Dạ
- Em Thi.
- Dạ.
- Em...
- Dạ.
Kỳ Bá ngồi xích lại, xích lại... Anh đưa tay bá vai Thi. Im lặng. Thi không nhúc nhích.
- Anh không thích đi làm sáng nay.
Thi nhỏ nhẹ:
- Thế ạ!
- Anh ở nhà với em.
- Dạ.
- Em có vui không?
- Dạ. Em đi lấy nước...
Thi đứng dậy, vụt chạy ra ngoài sân để giấu niềm cảm xúc dạt dào tự nhiên đến với mình. Kỳ Bá trông theo Thi. Trong đời anh, chưa có lần nào rung động như lần này.
Anh yêu Thi, cô gái làng Tường An muôn đời an phận. Kỳ Bá có tội lỗi gì với Đảng? Nếu đói khổ không phải là tội lỗi thì yêu nhau cũng không phải là tội lỗi. Chính ủy trung đoàn 84 đã nói Bác và Đảng dạy cần thận trọng luyến ái quan. Kỳ Bá yêu một người con gái nông dân, không cần gì phải thận trọng. Cái đáng thận trọng, là Kỳ Bá đang ở vào thời chiến. Trong thời chiến, Đảng có cấm. Cấm đảng viên lấy vợ, chẳng cấm đảng viên yêu đương. Yêu đương nhau, con trai mê con gái, Đảng đã khuyến khích và còn khuyến khích. Đảng tạo hạnh phúc cho con người. Kỳ Bá, như mọi người mới vào Đảng, anh phải tự kiểm chính bản thân về quan niệm luyến ái. Thấy không trái với đường lối của Đảng, anh vững vàng yêu Thi, không có gì cần sợ hãi. Cám ơn Đảng.
Thằng Vọng Thằng Vọng - Duyên Anh Thằng Vọng