He fed his spirit with the bread of books.

Edwin Markham

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2006 / 46
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
iên học 1944-1945, Vọng lên lớp nhất. Giấc mơ thành chung đỗ đít lôm gần kề. Chỉ còn chín tháng nữa thôi, Vọng giã từ tiểu học, giã từ hồn nhiên, giã từ tuổi ngọc đôn hậu. Vọng cố níu lại, theo chân thằng Côn mà hưởng mật ngọt ấu thơ. Vọng đã hết ghẻ. Nhờ thằng Côn chữa chạy. Vọng cảm thấy bình đẳng giữa đám trẻ bằng tuổi nó hay kém tuổi nó.
Quân đội Nhật đã đến Thái Bình, đóng ở ngã ba Vũ Tiên, ở bên kia cầu Bo, ở sân bóng. Câu lạc bộ thể thao nhường cho sĩ quan Nhật. Quân Nhật vui vẻ với dân thị xã lắm, không tỏ một thái độ nào mất cảm tình. Mặt họ tươi tỉnh, chẳng lầm lì tí nào. Người Pháp sợ họ. Dinh công sứ và các dinh thự khác ở chân cầu Bo bên này, đóng im thin thít, không làm việc gì hết. Phú lít và sen đầm vẫn canh gác, nhưng hết đi tuần tiễu. Mỗi ngày, sĩ quan Nhật vào dinh công sứ mấy lần để thảo luận chi đó. Lính Nhật đã mon men xuống Vũ Tiên nghe hát cô đầu và chơi gái. Người Pháp đóng cửa, ở yên trong nhà. Người Tầu cũng sợ Nhật. Vì Nhật đã chiếm gần hết nước Tầu.
Thời gian này, thầy Hoan đến tìm Vọng, cho nó cuốn sách David Copperfield của Charles Dickens, với dòng đề tặng nồng nhiệt. Thầy bảo:
- Sách của Anh, dịch tiếng Pháp. Con gặp những chữ khó, đến trường tra tự điển. Con đã lên lớp nhất, tiếng Pháp khá rồi.
Rồi thầy hỏi:
- Mẹ con có nhà không?
Vọng đáp:
- Thưa thầy, có ạ!
Vọng xuống bếp, gọi mẹ lên hầu chuyện thầy Hoan.
- Tôi có chuyện này thưa với bà. Nếu nay mai tôi dẫn thằng Vọng đi nuôi nấng cho nó học đến nơi đến chốn, làm đúng như lời giăng giối của ông ấy, bà có bằng lòng không?
Mẹ Vọng òa lên khóc:
- Thưa thầy, Vọng là con thầy, thầy muốn sao chả được.
Thầy Hoan nói:
- Tôi phải hỏi bà trước chứ. Nếu bà không muốn cho Vọng đi, bà cứ từ chối.
Mẹ Vọng trả lời:
- Thưa thầy, cháu Vọng có phúc lắm. Xin để thầy quyết định.
Thầy Hoan gật đầu. Thầy kéo Vọng ra ngoài sân:
- Thầy sắp trốn khỏi thị xã.
- Thưa thầy, sao thế?
- Thầy Đàn bị Nhật lùng bắt. Thầy ấy đã trốn thoát, con biết chứ?
- Thưa thầy, con biết.
- Sắp đến lượt thầy. Sáng mai hoặc đêm nay, thầy sẽ trốn. Dặn con nhớ, hễ thầy sai người tới đón, con phải đi theo người ấy, nhé!
- Thưa thầy, con nhớ.
- Vài tháng nữa, con sẽ gặp thầy.
- Thưa thầy, vâng ạ!
- Thôi, thầy về.
Đêm ấy, Vọng hồi hộp đứng tim. Nó không ngủ, chỉ sợ thầy Hoan bị Nhật bắt. Nhật là loài phát xít như Đức. Chúng nó tra tấn đến chết thì thôi. Thầy Hoan yếu đuối, chịu sao nổi đòn phát xít Nhật. Vọng thức cả đêm chờ sáng. Nó đến trường thật sớm hóng tin tức. Mười giờ, thầy Hoan vẫn không đến. Vọng tin rằng thầy nó trốn thoát rồi. Hôm sau, lính sen đầm theo lệnh Nhật đến trường bắt ba thầy giáo. Thế là hai người Vọng thân yêu đã xa Vọng rồi. Vũ vẫn chưa về, dù tình hình thị xã bất ổn. Thầy Hoan chẳng biết đi đâu.
Rồi, rất mau lẹ, Nhật đảo chính Pháp, cho Việt Nam một chính phủ bù nhìn! Vọng lên cầu Bo xem cách đối xử của Nhật với Pháp nó như thế nào. Côn không đồng ý với Vọng về việc Vọng từ chối lấy nước cho Pháp, còn đòi đi tố cáo Pháp trốn tránh Nhật.
Vì vậy, sau ngày đảo chính, Vọng không đi chơi với Côn nữa. Nó nằm nhà nhớ thầy Hoan, nhớ Vũ và đọc David Copperfield. Ai có ngờ đâu, nạn đói đã xẩy ra ở Thái Bình. Nạn đói truyền đi rất nhanh. Chết đói ngay tại nhà mình. Vọng nhìn rõ ràng mẹ nó chết đói, trong khi nó đang đói. Vọng phải đào củ chuối gặm. Lúc nó sắp lả đi, người ta đến cứu sống nó. Vọng thoát chết đói. Khi nó khỏe mạnh, tỉnh táo, một nhân vật tới nói chuyện với nó.
- Vọng, cháu biết đang ở đâu không?
- Thưa chú, không.
- Đông Cao của Ngô Duy Phớn, làng cách mạng cộng sản đầu tiên ở miền Bắc, xa bãi biển Đồng Châu, huyện Tiền Hải.
Trong cơn chết đói hụt, Vọng đã đi xa quá.
- Chở cháu bằng đường sông từ Kiến Xương xuống Cổ Rồng. Rồi từ Cổ Rồng, chở cháu bằng đường biển đến Đông Cao.
Nhân vật ầy cười rất tươi:
- Cháu không nguy hiểm bằng chú. Chú đề phòng sự nguy hiểm xẩy ra cho chú, nên đi đường sông biển.
Vọng lễ phép:
- Cám ơn chú.
- Đừng cám ơn. Chú tự giới thệu: Chú là Nam Anh, đàn em và đồng chí của Nguyễn Công Hoan [1].
Trời ơi, thầy Hoan đã cứu sống Vọng, đã không quên Vọng.
- Chú xin lỗi cháu, vì chú đến muộn ba ngày, nên mẹ cháu bị chết và cháu bị đói.
Vọng thương mẹ, mẹ nó đã chết rồi, thương bao nhiêu mẹ cũng không sống lại được. Vọng nói:
- Chú quên vụ ấy đi.
- Cám ơn cháu.
- Thưa chú, thầy Hoan đâu ạ?
- Anh Hoan về Hà Nội. Hà Nội cần thiết anh có mặt trong những ngày sắp tới.
- Là gì?
- Nhật đang bị Mỹ đánh thua liểng xiểng ở Đông Nam Á. Ở Việt Nam, Mỹ đã tham chiến bằng không quân. Đánh nhau giữa máy bay Nhật và máy bay Mỹ. Cách đây bốn hôm, Nhật đã bắn rơi một chiếc máy bay ở Quỳnh Côi. Mỹ thả nhiều võ khí xuống Lạng Sơn giúp Việt Nam chống Nhật. Phe Trần Trung Lập tan nát, vì Trần Trung Lập bị Nhật giết [2]. Bây giờ, Lạng Sơn còn phe ta chiến đấu tiêu diệt phát xít Nhật. Anh Hoan về Hà Nội chờ đợi Nhật đầu hàng Mỹ là cướp chính quyền, tuyên bố dộc lập.
- Thế cháu làm gì?
- Cháu hả?
- Vâng.
- Bố cháu, hồi còn sống, đã khuyên cháu học hành đỗ đít lôm, cảnh nghèo khổ của già đình cháu chấm dứt. Đấy là học thông thường, cái lối học cổ lỗ xĩ ấy đã hủy hoại tinh thần của bao nhiêu người. Đồng ý, đỗ đít lôm, ra đi làm, cả nhà hết nghèo khổ. Có tâm hồn, đâu chỉ nghĩ gia đình mình hết nghèo khồ, mà nhiều gia đình nghèo khổ, cả nước nghèo khổ. Cái học cao quý nhất là học làm cách mạng cháu ạ!
Bố mẹ Vọng đã chết rồi. Thầy Đàn, thầy Hoan đang làm cách mạng. Bây giờ, Vọng mới hiểu ý nghĩa của những câu thơ:
Ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi
Anh cứ nghĩ mà càng thêm hổ tủi
Cảnh cơ hàn khốn nạn của chúng ta
Nuôi đi em cho đến lớn đến già
Mầm hận ấy trong lóng xương ống máu
Để mai mốt thêm hăng hồn chiến đấu
Mà hôm nay em đã nhóm trong lòng
Thầy Nguyễn Công Hoan viết ở trang đầu cuốn truyện David Copperfield. Mầm hận ấy, thực dân Pháp đã làm cha Vọng ho ra những vũng máu mà chết. Mầm hận ấy, phát xít Nhật đã làm mẹ Vọng đói rụng rời mà chết. Mầm hận ấy đã nhóm trong lòng Vọng.
- Thưa chú, thầy Hoan bảo thế?
- Ừ.
- Thầy Hoan bảo chết, cháu sẽ chết, đền công lao thầy dạy dỗ cháu. Vâng, cháu sẽ học làm cách mạng.
- Cháu xứng đáng người cách mạng.
- Cháu sẽ cố gắng.
- Anh Hoan nói cháu có tâm hồn, nhờ chú huấn luyện cháu để cháu không mất tâm hồn. Cháu còn trẻ, rèn luyện từ nhỏ, cháu sẽ là người lãnh đạo cách mạng sau này. Cách mạng học ngoài đời, giúp cuộc đời. Cháu phải kiên nhẫn học tập, luôn luôn kiên nhẫn và học hỏi mọi người.
- Vâng.
- Ngày mai, ta bắt đầu.
Hôm sau, chú Nam Anh dạy Vọng bài học đầu: Chính trị nhập môn. Vọng cũng học chú tiếng Pháp và sử, địa, khoa học, những lúc rảnh rang. Nó học lao động ở nghề đi biển, với dân thuyền chài đánh cá. Vọng sống một cuộc đời khác lạ ở làng Đông Cao, cách xa bãi biển Đồng Châu, nơi Pháp cất nhiều nhà nghỉ mát sang trọng. Nó học vài tháng, chính trị làm đầu óc nó mở mang. Và hiểu thấu âm mưu thâm độc của thực dân và phát xít. Phát xít thì mới, chứ thực dân đô hộ dân Việt Nam 80 năm, mà tại sao ta đành chịu nhục nhã? Chú Nam Anh giải nghĩa: Luôn luôn, dân tộc ta vùng lên làm cách mạng, chống đối thực dân Pháp. Cách mạng không có thời và thế nên bị thất bại. Nếu cách mạng gặp đúng thời, cái thế của cách mạng như nước lũ chẩy cuồn cuộn, cách mạng phải thành công. Bây giờ, đã mọc lên cả thời lẫn thế, chỉ còn đợi thời gian ngắn. Là cách mạng vươn mình.
Chờ cách mạng vươn mình, Vọng cứ ở Đông Cao, học tập chính trị.
Chú thích của Dân Nam:
Xưa, đọc Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa, đến đoạn trận Xích Bích, chúng tôi thấy khó thể chấp nhận chuyện bất cứ một ông tướng nào dùng hoả công lại có thể ngu độn đến mức không tính đến chuyện gió máy, huống chi Chu Du, một quân sư, thủy sư đô đốc vùng Trường Giang tất nhiên phải nắm vấn đề này trong lòng bàn tay. Từ đó tìm hiểu và thấy tác giả La Quán Trung đã làm một công việc bất công khi gán cho Chu Du sự ngớ ngẩn đó cùng lòng nhỏ nhen đối với Gia Cát Lượng cũng như sự gian hùng đáng ghét của Tào Tháo - anh hùng số một của thời đại - tạo nên những định kiến hoàn toàn sai lầm về các nhân vật lịch sử. Và cho rằng không ai có quyền vu oan sai lạc về những nhân vật có thật. Vì ảnh hưởng của việc làm văn hóa vô cùng sâu xa, chúng tôi thiết nghĩ rất cần thận trọng.
Cho nên, với đoạn này, nói về bước ngoặt từ việc những người tiểu tư sản chống xâm lăng đến việc người cộng sản giành quyền để đưa đất nước vào thể chế cộng sản, hồi sinh thời, ông Duyên Anh tính tái bản cuốn Những Đứa Trẻ Thái Bình, chúng tôi có góp ý kiến, và ông nói trước khi mang in sẽ sửa. Nhưng việc chưa thành, ông đã ra đi. Nay lục đăng, chúng tôi mạn phép chú thích:
1/ Ông viết thày giáo Nguyễn Công Hoan, trước năm 1945, đã là đảng viên cộng sản, và cứu trò Vọng khỏi bị chết trong vụ đói Ất Dậu rồi đỡ đầu cho gia nhập Đảng. Điều này không đúng, vì Nguyễn Công Hoan chỉ gia nhập Đảng Cộng Sản vào năm 1947.
Việc gia nhập trước hay sau quan trọng, là vì tấm lòng nhân đạo của ông Hoan thể hiện cái tình người của Nguyễn Công Hoan con người xã hội hay Nguyễn Công Hoan con người cộng sản. Thực tế là Nguyễn Công Hoan khi còn là con người xã hội thì rất người. Nhưng khi thành cộng sản, Nguyễn Công Hoan trở thành một loại súc vật. Bằng chứng là việc Nguyễn Công Hoan đã đối xử với cụ Phan Khôi một cách vô cùng hạ cấp, vô giáo dục trong vụ Nhân văn-Giai phẩm, không còn một chút gì chứng tỏ một Nguyễn Công Hoan vốn con quan, làm nghề dạy học, viết văn trào phúng, xã hội tả chân, chống bất công thối nát; trái lại đã biến chất đến mức chính bọn cộng sản cũng còn liệt vào loại ba que, khi họ phê bình cuốn "Đống rác cũ" của ông ta.
Còn một số sự kiện sai lạc về danh xưng, thời điểm tương tự nữa. Chúng tôi mang thảo luận với ông. Ông trả lời rằng vì là tiểu thuyết hư cấu thì những dữ kiện không có gì là quan trọng. Chúng tôi thì thưa rằng mọi sự đều có thể hư cấu, nhưng nó cũng phải như thật, ngoại trừ chuyện giả tưởng. Hơn nữa, một khi liên quan đến những dữ kiện lịch sử thì càng nên sát với diễn biến, tác phẩm mới có giá trị. Mang lộn việc trước ra việc sau, việc sau ra việc trước, người biết, đọc sẽ đâm chán, người không biết, sẽ bị dẫn dắt sai lầm lẫn lộn. Nhất là nếu những sự sai lầm lẫn lộn đó đã không làm cho tác phẩm thêm một chút giá trị nào, mà trái lại còn hạ nó xuống. Tỉ như:
2/ Ông Trần Trung Lập, nếu chúng tôi không lầm, theo quân đội Nhật về tấn công Cao Bằng năm 1940, bị Nhật bỏ rơi, tiếp tục chống Pháp, bị bắt và bị xử tử, mà không phải bị Nhật giết năm 1945.
Thằng Vọng Thằng Vọng - Duyên Anh Thằng Vọng