We have to continue to learn. We have to be open. And we have to be ready to release our knowledge in order to come to a higher understanding of reality.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Duyên Anh
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Bach Ly Bang
Upload bìa: Minh Khoa
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2006 / 46
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
i tìm gặp chính ủy Kỳ Bá thật khó. Phải đợi đêm rằm, trăng thật sáng, nếu trời không mưa, mới biết rõ dung nhan chính ủy. Còn mươi hôm nữa sẽ đến rằm, chắc chính ủy ở Tường An lâu, sẽ có dịp cho Khoa đối diện.
Từ ngày Pháp về làng, phong trào thiếu niên nhi đồng đã tự nhiên dẹp bỏ. Ở thôn dưới, Khoa chỉ còn chơi với Đường thôi. Tường An vào tề, rồi bộ đội về Tường An, cũng Đường thông báo Khoa những tin tức xẩy ra. Lần này, bộ đội dùng danh từ khó khăn như lời bài hát nên Đường nhớ không kịp. Trưa hôm qua, Đường lần sang nhà Khoa, nói lại chuyện chính ủy Kỳ Bá tuyên bố trước dân làng. Khoa hiểu Quân đội nhân dân ra đời, Vệ quốc quân bị giải tán. Nhân dân không được gọi Chính phủ. Mà phải kêu là Nhà nước. Bây giờ, câu nói thiêng liêng Bác, Đảng và Nhà nước phải nằm lòng. Và phải nói nghiêm túc. Chữ nghĩa có dâu biển của chữ nghĩa. Cái mới thay thế cái cũ. Nhóc con thở toàn danh từ của người lớn. Nói nghiêm túc. Nghe nghiêm túc! Phổ biến và báo cáo. Phát động và đấu tố. Mới đấy.
Nói đến mới, Khoa tiếc cũ vô vàn. Vệ quốc quân bỏ đi. Bài hát bốn năm trước bỏ đi. Quân đội nhân dân đâu có hay hơn Vệ quốc quân, bài hát mới quá dở. Bác, Đảng và Nhà nước tiêu diệt Vệ quốc quân và bài hát mới nhằm mục đích gì, Khoa chẳng cần biết. Chỉ biết cái để thay thế nó tệ mạt hơn cái bị thay thế. Bữa nay, Khoa buồn chán và tức tối, hát thầm nhạc cũ cho đỡ nhớ:
Vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi vì nhân dân quên mình
Đoàn Vệ quốc chúng ta
ở nhân dân mà ra
được dân mến
được dân thương
dân ủng hộ
Thề vì dân suốt đời
Thề tranh đấu không ngừng
Vì đất nước thân yêu mà hy sinh...
Vì nhân dân quên mình
Ừ, đâu có cần làm Quân đội nhân dân đâu. Mà cũng được dân mến, dân thương. Vệ quốc quân từ nhân dân mà ra. Nó không được chết cho nhân dân. Nó bị đâm sau lưng, bởi những con người phản bội.
Đoàn quân chiến thắng đi suốt đêm ngày
Mẹ ơi con đã về đây
Cha già chót vót giơ tay đón mừng
Anh ơi anh tỉnh lại
Nước mắt tôi rưng rưng
Hình như tôi đã mơ màng
Phải rồi anh Vệ quốc đoàn
Đêm nay say tiệc liên hoan
Ngày mai xé xác moi gan quân thù
Bao giờ thu lại tới thu
Liên hoan bừng nở bốn mùa non sông
Rõ ràng thay, oai hùng như Vệ quốc quân! Lấy máu giặc Pháp bằng sự ngang tàng của mình. Chỉ có Vệ quốc quân.
Quân dân nhất trí tiếng kèn kết đoàn
Người Việt Nam mau vai sát kề vai
Quyết đem tâm trí giết loài tham tàn
Cùng Vệ quốc quân kết liên muôn đời
Ngoài tiền phương da ngựa bọc thây chiến sĩ
Sĩ nông công thương hợp lực xây nước nhà
Nào cùng đi ta đừng nề chi
Vai sánh vai trên đường vinh quang
Phá tan xích xiềng
Bấy lâu gông cùm
Đòi hạnh phúc xây nền tự do
Quân dân nhất trí tiếng kèn kết đoàn
Quân dân nhất trí xây tình đoàn kết
Cố sao nước Nam danh lừng bốn phương
Ở đâu cũng có Vệ quốc quân. Như thể Vệ quốc quân là tay vịn của nhân dân. Tại sao Bác, Đảng và Nhà nước lại giải tán Vệ quốc quân?
- Khoa ơi!
Đường lại mon men sang chơi.
- Ơi.
- Mày ở đâu?
- Trên cây sung.
Đường ra bờ ao, trèo lên cây sung.
- Năm ngoái, giờ này đang vui nhỉ.
Khoa đáp:
- Ừa.
- Tao ngỡ năm ngoái phải mất nhiều năm mới tới năm nay. Năm nay, buồn ghê thật. Thiếu nhi... thất nghiệp! Thì giờ rảnh rỗi chả biết làm gì.
- Học tập!
- Học tập cái gì?
- Bác, Đảng và Nhà nước!
- À, tao với mày đùa tí chơi.
- Gì?
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước cho đỡ buồn.
- Dạo này anh Đường khá không?
- Báo cáo, nhờ ơn Bác, Đảng và Nhà nước cháu vẫn no nê.
- Đồng chí học hát ra sao?
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước, bài ca khó nuốt như cá rô sống ấy, lời ca thì rắc rối cuộc đời. Báo cáo cháu vẫn chẳng hiểu thằng Kồng sô môn là thằng nào, dòng Von ga là ký gì, cờ Ma lén cốp có đỏ sao vàng không?
- Sao không hỏi?
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước, bố cháu nhân dân i tờ biết cái gì mà hỏi!
- Hỏi chính ủy tiểu đội.
- Báo cáo Bác, Đảng và Nhà nước, chính ủy còn nói ngọng, biết cái đíu gì!
Khoa cười sằng sặc. Cười thích thú. Hai tay nó bám vào cành sung, sợ ngã xuống ao, ướt như lột, phải mất công thay quần ao. Đường cũng phá ra cười.
- Mày khôi hài tuỵêt.
- Như cú chó hay cú mèo?
- Tuyệt cú mèo! Mày khôi hài tự bao giờ đấy?
- Từ hôm Quân đội nhân dân chê Vệ quốc quân và bài hát cũ lạc hậu!
- Mày nghĩ sao?
- Tao không chê Vệ quốc quân. Vẫn nhớ Vệ quốc quân và bài hát cũ như thường. Mình học thuộc từ hồi bé nhỏ, khó lòng quên lắm. Nếu người ta không cho hát lớn, tao hát bé; cấm hát, tao lén lút hát thầm.
Khoa bảo Đường:
- Mình ra tha ma Ông Cả đi.
Khoa xuống khỏi cây sung trước. Đường xuống sau. Hai đứa bá vai nhau bước.
- Tao hỏi bố tao rồi. Kồng sô môn là Komsomol, thanh niên bên Liên xô, tương tự Thanh niên Hồ Chí Minh ấy; Von ga là con sông Volga, Đông là con sông Don ở bên Liên xô; Liên xô là nước Liên bang xã hội cộng hòa xô viết; Triều tiên là nước Cao ly đang đánh nhau; Ma lén cốp là Malenkov, tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô.
- Mẹ, rắc rối quá nhỉ!
- Ừa.
- Mình là Việt Nam, liên quan gì tới cộng sản bên Liên xô, bên Tầu phù, mà phải hát. Đúng là rắc rối tơ vò.
- Bố tao bảo cộng sản là vô sản.
- Cộng sản là củ đàn ông hay cái đàn bà?
- Mày thích cho nó làm củ hay làm cái?
- Một thứ à?
- Cả hai.
- Tao cho cộng sản và vô sản là cái đàn bà!
- Malenkov?
- Củ đàn ông.
- Mao Trạch Đông?
- Củ lõ thái tuế!
Hai thằng lại cười rộ. Sung sướng. Chúng nó đã rẽ vào con hẻm dẫn đến bãi tha ma Ông Cả. Hai đứa ngồi trên một ngôi mộ. Tường An vắng lặng. Ít ai ra đây. Ngày xưa, những cặp trai gái thường dẫn nhau tới bãi tha ma tình tự. Bây giờ, loạn ly, chẳng ai thiết chuyện tình mây mưa.
- Mày rủ tao ra đây làm cái gì?
- Hát thi.
- Thi đua theo lời Bác dạy, hả?
- Xem thằng nào nhớ kỹ.
- Hát cho ma nó nghe?
- Mày giỏi ghê. Ừ, người không nghe nữa thì ma nghe!
- Hát to hay bé?
- To.
- Tao hát trước nhé!
Đường hắng giọng, rồi lên tiếng:
- Vượt sông Đà tiến sâu vào Tây Bắc đây.
Sông Đà cùng với sông Thao
chẩy về xuôi
Nước sông Thao thắm hồng
hừng hực chẩy về xuôi
Nước sông Đà băng băng trôi
giữa đôi bờ xứ Lạng
Bên kia sông Đà
giặc còn chiếm đóng
Bên kia sông Đà
dân còn tủi nhục lầm than
Có ruộng không được cầy
có nhà không được ở
Con trai phải đi phu đi lính
con gái đêm đêm phải đi ngủ rừng
Khoa bắt chước Đường nói:
- Du kích sông Thao đây.
Hồng Hà
mênh mông
trôi cát tới chân làng quê
Cuối sông
Ngoài bến ai về
có những đồng lúa xanh rì
bát ngát đồng mía
ven bờ đê
Hồng Hà
trôi xuôi
dòng nước trên ngàn về xuôi
Sông Thao
Ngoài bến Việt Trì
có những chàng áo nâu về
say sưa dòng nước
vui tràn trề
Bên sông
đoàn quân du kích ẩn từng lều
Nơi đây
người không tới họp chợ chiều
Sông Hồng Hà réo
Ú u u ù
Chiến binh
về đây đứng rợp một trời
Vui lên
lời ca sống ngập lòng người
Sông Hồng Hà réo
Sông Hồng Hà reo...
- Phiên tao này: Quê hương người bộ đội
- Phiên tao đây: Người lính bên kia...
Mỗi đứa hát hàng chục bài. Cho ma ở nghĩa địa nghe. Cho người đã nằm yên ở dưới mồ nghe. Có lẽ, ở nước Việt Nam, thời kháng chiến chống Pháp, chỉ hai thằng nhóc làng Tường An đã làm buổi tiễn đưa sự vĩnh biệt của chu kỳ rực rỡ âm nhạc. Hai thằng nhóc chưa dám nghĩ đến thế, không dám nghĩ đến thế. Vô tình, nó đã xảy ra như thế. Hai thằng nhóc đưa nhau ra bãi tha ma vắng lặng, hát những bài ca lạc hậu cho đỡ tức, cho bớt nhớ; ai dè đâu, chúng đã tạo nên cảnh tượng cảm động vô cùng.
Mọi người sẽ nhớ, cuối tháng 9 năm 1950, hai thằng nhóc Tường An, huyện Vũ Tiên, tỉnh Thái Bình, Đường và Khoa, đã rung một hồi chuông cáo phó nền âm nhạc lãng mạn kháng chiến tại bãi tha ma Ông Cả. Chúng rung chuông cho ma quỷ nghe, cho người đã chết hay vừa chết nghe, cho lũ phản bội nghe. Cho cả những kẻ đang lập công ta dâng lên Bác nghe...
Khoa và Đường còn muốn hát nữa. Bóng tối sắp trùm tha ma. Hai đứa phải về nhà.
Thằng Vọng Thằng Vọng - Duyên Anh Thằng Vọng