We are too civil to books. For a few golden sentences we will turn over and actually read a volume of four or five hundred pages.

Ralph Waldo Emerson

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Tiến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 52
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 35
Cập nhật: 2014-11-22 19:20:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37
ên trong căn hầm giam ẩm mốc, khoảng hơn nửa thước nước rỉ từ dưới đất lên tạo thành một cái giếng cạn. Lòng đất cực kỳ lạnh gía mặc dù nhiệt độ nóng bức ở bên ngoài. Trong khoảng tối tăm bùn lầy, có bóng dáng tù nhân lép nhép xê dịch chậm chap. để chưà chỗ cho tôi. Khi tôi đã chui vào hầm, ngươì cai ngục rút cái thang lên và hạ cánh cửa sập xuống. Đâu đó trong bóng tối, có tiếng đứa trẻ khóc. Rồi tiếng phụ nữ laỵ lục van xin. Giọng của bà ta dội vào bức tường gạch rồi tan biến đi. Dần dần, mắt tôi quen với bóng tối, tôi nhận ra hình dáng của hàng vài chục người tù đang ngồi chen chúc, sát cánh nhau. Chưa bao giờ tôi lại trông thấy một nỗi tuyệt vọng cùng cực đến như thế.
Bỗng nhiên tấm ván cửa ở tầng trên lại bật mở và có tiếng động cơ nổ ầm ĩ. Mọi người đứng thót dậy và lao xao rên rỉ với nỗi lo sợ. Mặc dầu tôi không biết tiếng ồn ào đó có ý nghĩa gì nhưng tôi cũng trở nên hốt hoảng.
Hai cái vòi nước to và chắc chắn xuất hiện, tuồn qua cách cửa rồi chĩa xuống chúng tôi. Trước khi tôi kịp chuẩn bị để thích ứng thì một tia nước lạnh buốt đã xịt vô tất cả mọi người trong hầm. Trẻ em khóc ré lên, bám cứng lấy mẹ của chúng. Đám người lớn thì ép sát vào thành tường, ưỡn ngực ra để chống lại sự tấn công dữ dội. Mặc dù trong cơn hoảng hốt, tôi vẫn cảm thấy luồng nước lạnh quét đi cái khô khốc đắng nghét trong miệng, khiến cho cơn khát trong cổ tôi dịu đi. Mấy cái vòi tiếp tục xịt nước trong mấy tiếng đồng hồ sau đó. Bên trong gian hầm này, mực nước đã dâng cao tới bụng của tôi. Dưới chân chúng tôi, nền đất trở nên mềm nhũn và trơn trượt. Sau cùng động cơ máy bơm được tắt đi, mấy cái vòi cũng được rút lên. Bóng tối một lần nữa bao trùm lên khoảng không gian đầy bất hạnh này.
Tôi mất hẳn ý niệm về thời gian. Trong bóng tối bưng bít, ngày và đêm chẳng có ý nghĩa gì. Tôi ép mặt lên tường, thích hít thở cái mùi ẩm ướt của nó để tránh cái hôi hám bốc ra của hơn ba chục con người tuyệt vọng ở đây. Vài con bọ nhỏ xíu trườn trên khắp người tôi. Có con đậu ngay cách mũi của tôi nhưng tôi cũng không thèm đuổi chúng nó đi. Lạ thay, tôi càng chú ý đến sự hiện diện của chúng thì đầu óc tôi càng ít chú ý tới cái đau đớn của xác thịt. Điều ấy giữ cho tâm trí của tôi khỏi phát điên lên.
Trước mặt tôi, cách vài bước, là một phụ nữ. Ngực áo bà ta mở banh ra. Bà ta đang ghì chặt đứa con chừng sáu, bẩy tuổi vào tấm ngực trần của mình. Đầu đứa trẻ ngả trên vai gầy trơ xương của mẹ nó. Đôi môi bà run rẩy vì lạnh đang lắp bắp nói điều gì tôi nghe không rõ. Tôi xích lại gần bà hơn và nói :
- Thím nói gì, cháu nghe không rõ?
Bà ta quẹt mớ tóc ướt khỏi mặt. Rồi cũng bàn tay ấy, bà rờ lên đầu đứa trẻ, chớp chớp mắt. Mấy lời từ miệng bà thốt ra tôi nghe không mạch lạc. Tôi lắc đầu:
- Cháu vẫn không hiểu.
Bà đẩy đứa con của mình về phía tôi. Trong bóng tối, tôi thấy thân hình bất động của nó được bọc bằng một cái chăn len. Bà mẹ nói, lần này nghe rõ hơn:
- Ẵm nó giùm thím chút đi cháu.
Tôi nhận đứa bé nặng nề trên tay của mẹ nó. Trong cánh tay tôi, đầu nó rũ lả về phía sau như con búp bê bị gẫy cổ. Cái chăn ướt rớt ra khỏi mặt con bé và mấy ngón tay của tôi chạm phải làn da nhăn nhúm và xù xì như một miếng da thuộc. Đôi môi của nó sưng phồng lên như hai con điả no căng trên khuôn mặt nhỏ bé và không còn sự sống.
Tôi thẩy cái xác của con bé trở lại vòng tay của mẹ nó và rú lên. Đầu óc tôi choáng váng. Người đàn bà nhận lại đứa con, lại ôm vào bộ ngực để trần của mình. Mặt bà vẫn giữ vẻ lạnh lẽo, không cảm giác. Tôi lùi lại cho xa hai mẹ con bà, tiếp tục kêu rú lên cho đến khi tôi mất thăng bằng và ngã xuống cái hầm phân bẩn thỉu.
Sau khi tiếng rên rỉ của đám tù nhân nguôi bớt đi, nỗi tuyệt vọng vô tận, cơn đói cồn cào và cái gía lạnh không ngừng mang tới chặng thứ hai của sự đầy đoạ. Đầu óc tôi trống rỗng, không còn suy nghĩ nữa, thay vào đó, tôi thu mình lại, tự coi như rũ liệt cho đến khi cách cửa sập lại được mở lên. Tôi đã bị chôn vùi trong cái hầm dưới mặt đất này bao lâu rồi ? Tôi chẳng thể biết được.
Ánh sáng lùa vào làm chúng tôi lóa mắt. Giọng của người cai tù gầm gừ vang lên ở phía trên, báo tin thời hạn khổ hình đã chấm dứt. Vẫn cái thang lúc trước được thả xuống.
Chúng tôi trèo lên như những bộ xương người từ dưới mồ chui ra. Cẳng chân tôi tê cóng, bầm tím và mưng mủ, líu quíu không tuân từ trí óc tôi nữa. Dưới ánh sáng mặt trời, chúng tôi xếp một hàng ngang, níu chặt lấy cách tay nhau để nương dựa. Cái động cơ lại rú lên xình xịch và mấy người gác lại chĩa vòi vào cơ thể chúng tôi để rửa đi những chất bẩn. Sau cuộc tắm gội, chúng tôi được trao mỗi người một bộ đồng phục mới dành cho tù nhân gồm cái quần ka ki đen, cũ đã bạc mầu, loại " một khổ xài chung " và một cái áo thung có tay mầu đen.
Đứng trước chúng tôi, viên cai ngục khởi sự lên lớp. Mớ tóc rối beng của hắn trở thành mầu mực xanh dưới ánh nắng, To quá khổ với cái mặt nhỏ xíu. Hắn cố đọc một mảnh giấy nhầu nát qua đôi mắt kính râm. Sau vài lần cố gắng nhưng không thành công, hắn quẳng mảnh giấy qua một bên, rồi nói :
- Cái hầm mấy người mới chui ra, dân ở đây gọi là động Nước Đái Con Yêu. Trong đám các người, có kẻ bị ốm nặng, thậm chí có kẻ đã mất mạng rồi. Nhưng tôi đoán chắc là chẳng có ai trong đám mấy người bị điếc cả. Vậy hãy nghe cho kỹ. Ở đây là trại PK ba mươi bốn, nơi cư trú của tội phạm bằng thuyền từ ba tỉnh Nha Trang, Cam Ranh và Tuy Hoà. Một khi mấy người vô tới đây thì bắt buộc phải tuân theo một số luật lệ. Trại này đặc biệt dành cho phụ nữ và trẻ em. Tất cả mọi người sẽ sống, ngủ và hoạt đông theo một guồng máy. Một ngày ba bữa, cấm không được mang đồ ăn vào trong nhà trại. Không ai được phép đi lại tự do trong trại, có nghĩa là muốn đi đâu thì phải đi từng hàng một, ngoại trừ con nít và người ốm bệnh, mấy người đó lao động trong trại. Phụ nữ bắt đầu lao động từ sáu rưỡi sáng đến bốn giờ chiều ngoài ruộng khoai lang ở bên kia núi Mỗi tháng, các người được viết một lá thư cho gia đình. Tôi không đảm bảo là thư tới nơi nhưng ai muốn viết gì cứ việc viết. Vào lúc này thì gia đình mấy người đã được thông báo cho biết là mấy người đang ở đâu, vậy chừng tháng sau thì có thể trông đợi có người tới thăm. Bất cứ kẻ nào bất tuân luật lệ hay có ý định bỏ trốn sẽ bị nhốt lại trong động Nước Đái Con Yêu. Có ai thắc mắc gì không ?
Chẳng có ai lên tiếng. Người cai tù nhún vai :
- Tốt. Hãy đi theo cảnh vệ về trại.
Chúng tôi cùng nhau bước qua khu đất rộng, theo con đường về phía trại. Tôi đi ở cuối hàng. Người đàn bà có đứa con chết di chuyển trước tôi vài bước. Bà ta thì thầm một bài hát ru con và đu đưa cái xác trên tay.
Bỗng nhiên ở phía sau tôi, cách hai lớp hàng rào kẽm gai, một giọng quen thuộc, như vọng từ ký ức, gọi tên tôi lên. Tôi cảm thấy có một luồng điên chạy qua xương sống lưng của mình. Tôi quay lại. Một người đàn ông tì trên hàng rào ở trại giam phía bên kia. Tay của hắn níu lấy hàng rào kẽm gai. Tôi không nhận ra được mặt hắn ta, nhưng cái giọng thì vẫn y nguyên. Hắn nhe răng ra cười và vẫy tôi:
- Ê! Kiên! Kiên đó à? Dượng Lâm đây, còn nhớ không ?
Một người lính túm lấy hắn lôi ra khỏi hàng rào. Nhưng nụ cười trân tráo vẫn còn in trên khuôn mặt của hắn.
Tôi muốn bỏ chạy, nhưng đầu gối của tôi loạng choạng. Tôi muốn lên tiếng nhưng lời lẽ cứ mắc nghẽn trong cổ họng. Chung quanh tôi, mọi vật như tối sầm lại. Trong khi phấn đấu để giữ sự tỉnh táo, tôi tự hỏi tại sao hắn ta vẫn còn nhận ra tôi mặc dầu cách biệt đã gần sáu năm.
Thân Phận Dư Thừa Thân Phận Dư Thừa - Nhật Tiến Thân Phận Dư Thừa