Khi những suy nghĩ của bạn có mục đích, bạn đã được xếp vào nhóm người mạnh mẽ. Những người này xem thất bại là một trong những con đường dẫn đến thành công.

James Allen

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Tiến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 52
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 35
Cập nhật: 2014-11-22 19:20:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
Đêm hôm ấy, sau bữa cơm, cả gia đình quây quần tại phòng ông bà ngoại tôi để nghe chị Loan kể về những chuyện đã xaỷ ra với chị trong thời gian gần đây. Mặc dầu đoàn thanh niên xung phong không phải là một ngành trong quân đội, nhưng chị Loan cũng được huấn luyện như kiểu nhà binh, từ cách tháo ráp súng ống đến các ứng dụng những chiến thuật và ngay cả học cách giết kẻ địch khi cần thiết. Tuy nhiên nhiệm vụ của chị là thanh lọc đất nước, từ bài trừ những tên cực đoan đến việc chống chủ nghĩa tư bản và trừng trị những kẻ bất hợp tác với chế độ mới.
Ba năm trời phục vụ, chị cho rằng mình đã chứng kiến những vụ việc hỗn độn. Đến kỳ triển han. công tác, chị đã từ chối đăng ký. Thời gian phục vụ của chị cũng đã khá dài, đủ để đảm bảo cho chị có được một vị trí tương đối dễ chịu. Khi chị kể xong, tôi lên tiếng hỏi:
- Chị sẽ ở lại với chúng em chứ ?
Chị trả lời, nét mặt buồn bã:
- Không đâu, Kiên. Hôm nay chị tới là để từ giã mọi người.
Không ai có vẻ ngạc nhiên về điều này cả. Với sự " tiến bộ cách mạng " của chị, việc liên hệ với những thành phần phản động như gia đình chúng tôi chỉ kéo trì chị xuống. Ông tôi hỏi:
- Vậy con sẽ đi đâu ?
Chị thở hắt ra:
- Con sắp lấy chồng, bác Oai ạ.
Chị tránh ánh mắt của ông tôi và tiếp:
- Tuần sau là đám cưới rồi.
Ông tôi kêu lên:
- Con quyết định thế là hay lắm rôì. Bác rất vui mừng. Mà đứa nào có may mắn thế ? Có phải con gặp nó trong đoàn Thanh Niên Xung Phong không ?
Chị Loan trả lời, giọng yếu ớt:
- Thưa bác, không phải ạ.
Chị thở dài, ngực ưỡn lên sau lớp đồng phục đã bạc mầu:
- Người ấy thì bác cũng đã biết rồi. Hồi trước anh làm vườn cho nhà ta.
Nụ cười tắt ngóm trên môi ông ngoại và ông chớp lia mắt như thể không tin ở tai mình:
- Là cái ông Trần ấy à ?
- Dạ vâng !
Ông tôi quay đi hai tay bưng lấy mặt. Chị Loan cố nói cho hết cái tin lấy chồng của mình:
- Anh ấy bốn mươi và chưa lập gia đình bao giờ. Theo tiêu chuẩn của xã hội mới thì anh ấy khá lắm đấy. Trong mấy năm vừa qua, ảnh đã tận tình săn sóc con. Khi con vào thanh niên xung phong, xa nhà, chính anh ấy đã tới thăm con thường xuyên, dù con di chuyển tới chỗ này chỗ kia. Ảnh đã chia sẻ với con những lúc con gặp khó khăn nhất. Và điều quan trọng nhất là anh đã hưá rằng không còn gây khó dễ gì đến bất cứ ai trong gia đình nhà ta nữa. Như thế, con đã cảm thấy con nợ ảnh bằng cả một cuộc đời của con rồi.
Ông tôi xuống giọng:
- Con đừng vì gia đình bác mà hủy hoại cuộc đời mình. Hắn ta không thể làm khó gia đình này được nữa đâu.
- Dĩ nhiên là không rồi, thưa bác. Nhưng con chọn anh ấy cũng là vì tương lai của con. Con muốn tìm một nơi an toàn và yên ổn để nương tựa. Nếu có vì sự an toàn của bác cũng chỉ là thêm thắt vào mà thôi. Con mong bác, cũng như tất cả mọi người hiểu được điều đó.
Ông tôi gật đầu:
- Con nghĩ cũng phải, bác hiểu, và bác nghĩ là con quyết định đúng. Bác mừng cho con, Loan ạ. Nếu con đến đây chỉ báo tin đó thì bác xin cầu chúc cho con được hạnh phúc. Còn nếu con tới đây vì những chuyện khác nữa, thì bác xin kiếu, vì bác thấy mệt rồi, tuổi già nó thế đấy.
Chị Loan nói với vẻ ngần ngại:
- Đúng ra thì cũng có chuyên khác nữa. Đây là vấn đề của chị Khuôn. Sau đám cưới, con sẽ dọn vô ở chung với anh Trần trong biệt thự họ Nguyễn. Anh ấy nghĩ rằng muốn được làm chủ căn nhà ấy phải lập gia đình và có con cái. Hy vọng một ngày nào đó hai bác và chị sẽ hiểu và tha thứ cho con. Nay thì mọi người đã biết chỗ ở của con, vậy bất cứ lúc nào có ai cần bất cứ điều gì, xin cứ tới tìm con. Đó là con nói ra tự đáy lòng, xin đừng từ chối.
Rồi chị quay sang tôi:
- Nhất là em đó, Kiên. Thỉnh thoảng em tới thăm chị nhé.
Cuối cùng thì mẹ tôi cũng lên tiếng:
- Chuyện giữa em và ông Trần chẳng phải là cái tin sửng sốt gì. Tôi đã thấy cái cách ông ta lăm le em từ nhiều năm nay rồi. Tôi biết là trước sau gì em cũng thuộc về ông ta, vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi.
Chị Loan kiếu từ và đi ra khỏi nhà. Đứng tựa vào khung cửa sổ, tôi nhìn chị trong bộ quân phục mầu xanh lao động. Chị vác chiếc ba lô lên vai rồi rẽ xuống đường phố.
Vài ngày sau đó, bà ngoại tôi phát hiện ra một vết sước ở bên gót chân bên phải. Bà tôi không biết tại sao lại có vết ấy. Mẹ tôi thì cho là bà bị cái cạnh sắc của đôi dép mà bà vẫn dùng đi trong nhà cứa phải. Vết sước không lành mà càng ngày càng lở loét to hơn.
Một buổi sáng sớm, tiếng ngoai rền rĩ đánh thức tôi dậy. Ngoại nằm trên giường, quây chung quanh là ông ngoại tôi, mẹ tôi và hai người anh chị họ. Tất cả đang quan sát chân của bà, bây giờ sưng vù lên nom như một con heo sữa quay và cũng bóng nhẫy như vậy. Lớp da chân bị phồng lên, căng quá mức, nom đỏ au và như muốn vỡ toang ra. Mẹ tôi dùng mũi dao chọc vào đó, hy vọng làm mủ chảy ra. Nhưng thay vì mủ lại có cả máu bầm lẫn lộn những sợi thịt rữa rỉ ra, giỏ từng giọt xuống cái khay bằng đồng để ở dưới giường. Mùi hôi thối xông lên tràn ngập không khí.
Chúng tôi đưa bà vào nhà thương lớn ở Nha Trang, tại đó, các bác sĩ cột chân bà bất động trên một cái băng ca đặc biệt có bánh xe trong lúc tiến hành thử nghiệm. Được vài ngày, vì gia đình tôi không có tiền trả phí tổn nhà thương, và cũng vì các bác sĩ không thể đồng ý với nhau về lý do đã khiến cho bà tôi đến nông nỗi này, bà tôi được cho về nhà với lời chẩn bệnh là bị ung thư.
Tại nhà, mẹ tôi đã nhờ tới một ông lang có tiếng trong thành phố. Sau một vài lần chữa trị, cơn sốt có dịu đi nhưng chỗ chân sưng vẫn chẳng thuyên giảm.
Trong khi đó, việc mua bán của mẹ tôi đã trở nên khó khăn hơn. Chiến thuật mới nhất của nhà nước để triệt tiêu việc tư nhân buôn bán ở miền nam là bằng cách ban giấy phép buôn bán, nhưng lại chỉ cấp cho một vài tổ hợp được lựa chọn. Còn những ai chưa được cấp giấy thì được khuyến khích " tình nguyện " bỏ nghề buôn bán. Để đảm bảo việc thực thi chính sách cho có hiệu lực, hằng ngày công an sục sạo khắp chợ để hỏi giấy phép của ban. hàng. Kẻ nào bị bắt gặp buôn bán mà không có giấy phép thì đều bị coi là bất hợp pháp và bị bắt lao động cải tạo trong vài tuần lễ.
Một hôm, ngay sau khi ông lang ra về và mẹ tôi đang thay băng cho chỗ đau của bà thì dì Đặng đến thăm. Giống như hoàn cảnh mẹ tôi, dì bị chính phủ ngược đãi cũng vì có lý lịch xấu.Gia tài dì chẳng còn gì ngoại trừ một vài bộ quần áo, một chỗ ở thuê chật hẹp đối diện với khu chợ và cái quá khứ vàng son của mình. Dì đi thẳng đến chỗ mẹ tôi mà không màng đến mùi hôi thối quá sức bay ra từ vết thương, nói:
- Khuôn à, nghe mình nói cái này nhé. Mình có cách cho chị và mình kiếm sống rồi.
Mẹ tôi trả lời:
- Nói đi, tôi đang nghe đây.
- Chị cũng biết là chúng mình không thể buôn bán chui. Sớm muộn rồi cũng bị công an nó tóm thôi. Tôi có giao thiệp với một vài người đã có giấy phép đàng hoàng. Họ cần có mối để Sài Gòn chuyển vải vóc và hàng hoá ra cho họ.
Mẹ tôi ngừng cuốn cái băng chung quanh mắt cá chân của bà tôi rồi hỏi:
- Nghĩa là sao ?
- Thì chúng mình vô Sài Gòn lấy hàng hóa chứ sao.
Mẹ tôi quay đi.
- Mình làm được mà, Khuôn. Bây giờ hết chiến tranh rồi, đâu còn luật nào cấm mình đi đây đi đó nữa. Mình lại có thẻ chứng minh nhân dân. Chúng nó không còn bắt mình bê sổ hộ khẩu đi từ thành phố này qua thành phố kia nữa.
Dì Đặng ngừng một lúc để cho lời lẽ mình thêm thấm thía rồi tiếp:
- Vậy chị tính sao ? có đi Sài Gòn với tôi không ?
Mẹ tôi lắc đầu. Dì tiếp:
- Thôi nào, Khuôn. Chị nghĩ tôi tính có đúng không ?
- Tôi cũng chả biết nữa. Nhưng sao nghe phức tạp quá. Ngoài ra, mẹ tôi đang ở trong tình trạng như thế này, chưa nói gì đến lũ nhỏ, chị thấy tôi đi làm sao được ? Rồi, còn ở phường, nếu họ không cho mình giấy thông hành thì mình đi làm sao đây ?
Dì Đặng nắm lấy cổ tay mẹ tôi:
- Chị còn con đường nào khác không ? Nếu chị không làm vụ này thì chẳng lẽ cứ tiếp tục sống cuộc sống bấp bênh theo kiểu buôn bán chui hoài này sao ? Hay là cứ ru rú trong nhà để cho chết đói cả đám hay sao ?
Mẹ tôi biết là mình đuối lý, nên hỏi:
- Vậy thì đi trong bao lâu ? Và mình cần vốn khởi đầu là bao nhiêu ?
- Tôi tính rằng vốn liếng cả hai chắc phải cần khoảng hai ngàn đồng, còn đi thì cũng mất năm ngày. Trừ tất cả chi phí, mỗi đứa cũng kiếm được ít nhất vài trăm đồng mỗi chuyến đi.
Mẹ tôi kêu lên nho nhỏ:
- Mỗi người phải cần tới một ngàn đồng kia à ? Tôi làm gì ra có nhiều như vậy. Tôi biết đào ở đâu ra ?
Dì Đặng trả lời thản nhiên:
- Hãy làm như tôi, bán đồ đạc đi. Ngày mốt mình nên khởi hành. Tôi muốn chị hứa một tiếng là sẽ đi cùng với tôi.
Ở phòng kế bên, em bé gái của tôi thức dậy từ giấc ngủ trưa và cất tiếng khóc. Đã hai tuổi rưỡi rồi mà cả thể xác cũng như tinh thần, nó chỉ như đứa bé lên một, mắc miú trong một thân hình bạc nhược và nhăn nhúm mà lúc nào cũng mọc đầy mụn đau đớn, nhất là ở đầu và cổ. Nó tập đi và tập nói cực kỳ khó khăn. Đa phần, nó chỉ muốn bò trên sàn nhà thay vì đi và khóc thay vì xin đồ ăn. Mặt nó nom già khằn mà giọng thì lại nhỏ xíu y như một con mèo con mới đẻ.
Tiếng khóc của em tôi làm cho mẹ tôi giật mình, ngưng việc chăm sóc vết thương của bà tôi và quát lên giận dữ:
- Kiên, bắt nó nín đi. Tao còn đang bận với dì Đặng đây này.
Tôi bế em tôi lên và đung đưa nó trong khi nó cố bám chặt lấy cái gối rách ở trước ngực. Mặc dù đã gần mục và bốc mùi hôi thối vì rớt rãi của nó, nhưng cái gối vẫn là đồ chơi duy nhất của nó. Nằm trong lòng tôi, Bé Ti nhìn tôi ngây ngô với đôi mắt mầu nâu to, lồi, và cười với tôi bằng nụ cười chẳng có cái răng nào. Những răng sữa của nó đã rụng hết mà răng khôn thì chưa kịp mọc để thay thế.
Kế bên, mẹ tôi hỏi ý kiến bà Ngoại về đề nghị của dì Đặng. Tôi nghe thấy tiếng bà tôi yếu ớt góp ý:
- Mẹ nghĩ là con nên đi Sài Gòn. Đừng bận tâm gì đến cả nhà. Mẹ đã có ba trông nom, còn thằng Kiên sẽ săn sóc hai đứa nhỏ. Dù con có ở nhà thì cũng chẳng hơn được gì.
Hai ngày sau, với món tiền bán chiếc máy may, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi. Bà dúi vào tay tôi tờ giấy năm mươi đồng. Bà đoán chắc với tôi số tiền này sẽ đủ cho cả nhà trong năm ngày sắp tới, rồi bà từ biệt mọi người để lên đường.
Cùng ngày hôm đó, ở trường tôi có buổi diễn hành đánh dấu ngày cuối cùng của học kỳ. Dẫn đầu toán diễn hành là Đoàn Thiếu niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phân biệt với những học sinh khác bằng chiếc khăn quàng quanh cổ. Anh chàng phó trưởng lớp của tôi đã đi tiên phong, hãnh diện vói cây cờ đu đưa trên tay. Họ đi diễu qua các đường phố, hát bài quốc ca và hô những khẩu hiệu tuyên truyền Công sản trước đám đông nồng nhiệt.
Tôi ở lại trong lớp để tránh buổi hội lễ. Sợ tôi buồn, Duy ở lại với tôi. Nó đứng cạnh cửa sổ xem đoàn diễn hành từ xa. Lúc ấy vào khoảng mười hai rưỡi trưa, mùa hạ mới chớm mà đã nóng nực phát khiếp. Có mùi phân bò thoảng lại hoà lẫn với mùi ngọt ngào của lúa chín từ những cánh đồng gần đó. Tất cả tạo nên một sự êm dịu và tôi buồn ngủ đến riú cả mắt.
Duy hỏi tôi:
- Mày có nghe tin về cô San chưa ?
Tôi choàng tỉnh, sự tò mò thay thế cơn buồn ngủ:
- Không, mày biết tin gì thì nói đi.
Duy nói với giọng đôi chút xúc động:
- Tao nghe nói cô đã vượt biên từ mấy hôm trước đây, nhưng tầu của cô có kẻ phản bội. Cô đã bị bắn. Chẳng có ai là được coi biết rõ cả. Công an đã báo cáo với ông gíam hiệu. Họ nói là cô đã chết.
Như có tiếng bom nổ ngang tai, đầu óc tôi ù lên:
- Ôi trời ơi !...
- Vậy đó kinh khủng quá phải không ? mà cũng chả có đám ma nữa. Họ không cho tụi học trò tưởng niệm cô.
Nó nhìn tôi chăm chú rồi tiếp:
- Nếu còn cô San ở đây, chắc chắn cô sẽ đấu tranh để giữ mày trong cuộc diễn hành.
Ông giám hiệu nói là tao không xứng đáng được cái vinh dự ấy. Tao cũng không nghĩ rằng ông ta sẽ cho là cô San xứng đáng có một buổi tưởng niệm. Không phải là vấn đề cá nhân ở đây. Mà chỉ vì sự đời là thế !
Thân Phận Dư Thừa Thân Phận Dư Thừa - Nhật Tiến Thân Phận Dư Thừa