There is no such thing as a moral or immoral book; books are well written or badly written.

Oscar Wilde, Picture of Dorian Gray, 1891

 
 
 
 
 
Tác giả: Nhật Tiến
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Phạm Vân ANh
Số chương: 52
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1952 / 35
Cập nhật: 2014-11-22 19:20:41 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
au nửa tiếng đồng hồ gập ghềnh trên con đường mấp mô, chiếc xe vận tải ngừng lại. Đây là lần đầu tiên Jimmy và tôi trông thấy nơi cư trú mới của chúng tôi.
Nhà của bác tôi nhìn ra một con phố đầy bụi bậm phía bên kia một khu vườn rộng, được xây cất từ hai mươi năm trước, có mái đỏ và những cây cột mầu trắng, kiến trúc theo kiểu Âu Á một cách kỳ cục. Các cửa sổ đều có cánh cửa mầu xanh mở ra phía ngoài, nhưng lớp sơn quá cũ nên bị rạn nứt lung tung để lộ ra cả phần gỗ mục bên trong. Nhà chỉ có một tầng trệt, nhưng cao, gồm sáu phòng nhỏ, tường quét vôi trắng mốc meo nhiều chỗ.
Khởi sự, căn nhà được tính xây cho một gia đình ít người, nhưng rồi nhân số trong gia đình bác tôi cứ gia tăng mãi, thành ra phải chen chúc nhau. Đã có lần bác dượng tôi phải nhờ mẹ tôi trợ giúp để cất thêm một căn trệt nữa phía sau căn nhà chính. Cũng vì thấy bác tôi nghèo quá, mẹ tôi không đan tâm nên bà phải giúp thêm tiền.
Căn nhà gỗ mới cất sau này nằm ở giữa nhà bếp và buồng tắm, cũng thêm được ba buồng nữa. Hai người con gái lớn, Ánh Nguyệt và Tuyết, thì ở trong căn buồng sát với nhà bếp. Còn hai buồng kia thì dành cho lũ con trai gồm ba người lần lượt tên là Lễ, Thận và Nghĩa.
Nơi cư trú mới của gia đình tôi ở phía tay trái căn nhà của bác tôi.... Thoạt trông nó có vẻ hoang sơ và quá nhỏ hẹp. Nếu đem nhét toàn bộ khu này vào trong cái garage nơi nhà cũ của mẹ tôi, thì vẫn còn dư chỗ cho một cái xe nữa. Căn nhà này cũng quét vôi mầu trắng, nhưng nước vôi có vẻ mới hơn. Mới nhìn, nó trông giống như một cái hộp diêm khổng lồ hình chữ nhất, mái lợp tôn múi, không có cột. Phía sau nhà, bên kia giếng nước là căn bếp của bác tôi.
Bác tôi, bác dượng tôi và tất cả con cái trong nhà đều chạy ùa ra đón chúng tôi ở ngoài cổng. Ai nấy đều tươi cười chào hỏi và xăng xái giúp ông bà ngoại tôi khuân đồ đạc vào trong nhà. Chẳng có mấy món đồ tránh khỏi hư hại từ biệt thự họ Nguyễn, nhưng ông bà ngoại và mẹ tôi thì cứ gom được chừng nào hay chừng ấy. Trong những thứ vớt vát lại được, vật cực kỳ có giá trị là cái hương án để thờ ông cậu của tôi, làm bằng gỗ mun, chạm trổ tinh vi và cân nặng dễ có tới trên một trăm ký lô.
Hồi sinh thời, ông cậu trẻ tuổi của tôi là của quí của cả nhà vì cậu là người con trai duy nhất trong số mười bốn người con còn sống sót qua được cái tuổi mười tám. Đến đúng mười chín tuổi thì cậu gia nhập hải quân. Năm hai mươi mốt thì cậu chết đuối trong khi đang bơi vào một buổi sáng kia tại căn cứ. Cái tin cậu mất làm ông tôi muốn quỵ. Ấy thế mà trùng hợp thay, tôi lại được sinh ra trong thành phố vào đúng ngày hôm đó. Bị giằng xé giữa hung tin và hỉ tín, ông tôi coi ngày sinh của tôi như một cái điềm và ông tin là linh hồn của cậu tôi đã vào đầu thai thành ra tôi. Cũng vì thế mà tôi trở thành đứa cháu cưng của ông.
Hương án được kê trang trọng nhất nơi căn phòng sinh hoạt gia đình mà bây giờ trở thành phòng của ông bà tôi, với cái giường ngủ được kê sát cửa sổ, cách chừng một mét là cái máy khâu. Buồng bên cạnh có ba giường ngủ dành cho ba người là chị Loan, Jimmy và tôi, ngay cạnh giường của tôi có một cái tủ đứng kê sát tường, lúc nào cũng khóa im ỉm. Mẹ tôi giữ chià khóa cái tủ ấy. Trong buồng cũng còn có một cái hộc có nhiều ngăn kéo đựng quần áo. Căn buồng cuối cùng thì ở phía sau nhà, rộng chừng hơn tám mét vuông vừa đủ kê cái giường của mẹ tôi và dượng Lâm và một cái bàn phấn nhỏ.
Trong khi chúng tôi kê dọn thì bác gái tôi ngồi trên một cái thùng các-tông phì phèo điếu thuốc cuộn bằng tay. Bác vừa đu đưa hai ống chân trong chiếc quần vải nylon mầu đen vừa ngó mẹ tôi soạn giường ngủ cho em Jimmy ở phía bên kia. Mấy đứa con của bác ngồi sát cạnh bên mẹ. Mặt chúng nhem nhuốc, mắt thao láo nhìn chúng tôi.
Vừa hắng giọng, bác vừa cất tiếng hỏi mẹ tôi:
- Đấy có phải là toàn bộ các thứ mà họ cho cô mang đi đó không ? Còn lại bao nhiêu thì mất hết hả ?
Mẹ tôi gật đầu trong khi bác tôi nhìn bà hậm hực. Bác nhắc lại:
- Mất tất cả ư ?
Mẹ tôi lại gật đầu. Bác tôi tiếp:
- Không thể tin nổi nhưng mà thật quá tệ... Giá cô nhờ tôi giữ cho vài thứ trước khi chạy vãi đái ra quần thì có hơn không? Nhưng bởi vì cô không làm như thế, chắc cô cũng không màng tới việc tôi lấy một vài món đồ khi cô đang còn ở Sài Gòn. Này nhé, tôi mà không lấy cũng có đứa khác nó hốt, vậy tại sao không thể là tôi, chị ruột cô, đúng không ? Chẳng biết là cô nghĩ gì nhưng chắc chắn không có chuyện tôi trả lại cô rồi đó !
Mẹ tôi hỏi:
- Chị lấy được những món gì ?
Bác tôi nhún vai:
- Chỉ bậy bạ vài thứ thôi.Phần lớn là cho lũ nhỏ. Tôi cũng chả nhớ đích xác là những món gì. Mà tại sao cô lại thắc mắc kia chứ ?
- Chị có tìm thấy món nữ trang nào của tôi không ?
Bác tôi cáu kỉnh:
- Dĩ nhiên là không rồi. Tôi còn chả biết cô dấu diếm những thứ gì trong nhà. Mà này, cô chớ vu cáo cho tôi cái tội lấy cắp những món nữ trang qúi giá của cô mà không xong với tôi bây giờ đâu.
- Tôi đâu có buộc tội chị. Tôi chỉ lịch sự hỏi thôi.
- Tôi chả cần lịch sự. Tôi cũng chả khuân tài sản của cô về nhà tôi. Có chăng là bây giờ tôi mang thêm cái xui xẻo vì phải sống ngay ở kế bên nhà cô nữa kià.
Mẹ tôi chẳng nói năng gì thêm nữa. Một sự im lặng nặng nề bao trùm cho đến khi bác tôi lại cất tiếng:
- Điều quan trọng hơn cả là bây giờ cô tính sẽ làm cái gì đây ?
- Tôi cũng chả biết nữa. Cứ bắt đầu bằng tay trắng thôi.
- Tôi e rằng cô cũng phải tính cái gì cho phù hợp chứ, cô em, cô đâu còn trẻ ở tuổi đôi mươi nữa, đã thế, tôi chẳng muốn làm buồn lòng cô, nhưng bây giờ lũ con pha giống của cô chắc chắn sẽ gây phiền cho cô đấy.
Mẹ tôi ngưng ngay cái việc làm giường cho em Jimmy và quay phắt về phía bác, hạ thấp giọng
- Xin chị giữ gìn lời noí khi đề cập đến lũ nhỏ nhà tôi. Hãy để tôi lo, đó không phải mối quan tâm của chị. Và cũng xin chị đừng bao giờ còn xài cái thứ ngôn ngữ ấy trước mặt con tôi.
Bác tôi lì lơm.
- Tại sao không ? Nếu cô không tập cho chúng nó đối diện với thực tế thì rồi cũng có lắm đứa sẽ vạch ra cho chúng nó thấy. Tới khi đó ấy à, úi dà, ở đó mà đòi họ nói năng ngọt ngào.
Chợt Jimmy lên tiếng hỏi:
- Pha giống là cái gì hở mẹ ?
Mẹ tôi chưa kịp trả lời thì một đứa anh họ của tôi trạc mười bẩy tuổi, mặt đầy mụn, đỏ rừ và đòng đòng mồ hôi vì nóng, đã nhanh nhẩu đáp:
- Thằng pha giống là một thằng con lang chạ, mẹ nó sinh ra sau khi ngủ với một người ngoại quốc như mày đó.
Hắn vừa nói vừa dí sát mặt vào thằng em tôi như thách đố. Mắt hắn lé, hai cái tròng đen long lên sòng sọc một cách giận dữ ở hai bên sống mũi.
Mẹ tôi quát:
- Đủ rồi ! Sao chị ngồi đực ra đấy để cho thằng con chị nói với tụi này bằng cái giọng đó !
Bác tôi lại nhún vai một lần nữa. Đôi mắt của bác lại hấp him qua làn khói thuốc:
- Thì tôi dạy con cái tôi tự do phát biểu ý kiến. Chúng nó đâu có ngu phải không ?
Rồi bác cau mày:
- Nhìn coi, ai mới là kẻ phải đáng kêu ca. Ngay cả cô, dì ruột của chúng nó, cô cũng quen thói đối xử với chúng nó như một lũ bẩn thỉu. Thành thực mà nói, tôi chả ưa gì cái giọng của cô. Cô chẳng còn có thể lên giọng với tụi này như là cô đang còn giầu có. Đổi đời rồi mà !
Mẹ tôi cắm cúi sắp xếp cái giường mà chẳng thể thốt thêm một lời. Bác tôi lại tiếp:
- Có thể cô đã quen cái thói hầm hè với tôi, nhưng tôi chẳng thể làm thế với cô. Bề gì cô cũng là người em độc nhất của tôi. Vì thế, tôi hoan nghênh cô tới đây ở. Dẫu vậy, tôi thực tình muốn nói thẳng với cô một điều. Có thể cô nghĩ rằng muốn sống thế nào thì sống, theo ý của mình. Nhưng thật sự là khi đã sống bên cạnh nhau thì chẳng có dễ dàng như thế đâu. Mọi chuyện mà cô sẽ làm thì đều liên hệ đến chúng tôi. À, còn thêm một điều nữa, là tôi yêu cầu cô phải hủy bỏ bất cứ cái gì của cô còn dính dáng tới quá khứ, bởi vì cô chẳng biết được rồi đây chuyện gì sẽ tới với cô ! Dĩ nhiên là những gì giống như hai cái ti vi tổ chảng này đây...
Bác chỉ tay về phía hai anh em chúng tôi rồi tiếp:
- Cô không thể đem chúng nó dấu đi đâu được. Nhưng còn hình ảnh này, những điạ chỉ liên lạc, còn giữ là còn nguy hiểm đấy. Công an có thể ập vào ngay trong đêm tối, lục soát tất tần tật khắp cả khu. Nghĩ kỹ đi ! Thôi, tôi để cho cô thu dọn. Nào, mình về đi, tụi bay.
Bác đứng dậy, búng điếu thuốc lá còn cháy dở qua cửa sổ rồi khạc theo một bãi đờm. Lũ con của bác nối đuôi theo sau bác trên đường về. Chị Loan xin phép ra tiệm mua đồ. Ông bà ngoại tôi nghỉ ngơi ở trong buồng. Mẹ tôi thì kiệt quệ nằm sượt trên giường của em Jimmy.
Ngay lúc đó, dượng Lâm bước vào, với vẻ mát mẻ của người vừa mới tắm rửa thoải mái xong. Râu ria của dượng cạo nhẵn, da dẻ sạch sẽ. Tên vai còn khoác cái khăn tắm, dượng ném mớ quần áo dơ vào một góc, rồi lồm cồm bò lại gần chỗ mẹ tôi cười cầu tài. Mẹ tôi nhỏm phắt ngay dậy và nhìn dượng trừng trừng. Dượng nài nỉ:
- Tha lỗi cho anh đi. Anh xin em đấy.
Dương giơ tay lên sờ vào chân mẹ tôi và ép môi lên làn da của bà. Nhanh như một con mèo hoang, mẹ tôi nhảy dựng lên và đạp ngay vào giữa mặt của dượng. Dượng ngã bật ngửa, phải chống người lên hai cùi chỏ, rồi từ từ đứng dậy vừa sửa lại cái khăn tắm xô lệch trên vai trong lúc mẹ tôi ngồi lại trên giường em Jimmy. Hai bàn tay nắm chặt lại, miệng khạc xuống sàn mấy tia máu, dượng nói:
- Đồ ngựa hoang ! Không vì đứa con trong bụng thì tao đã đánh cho bỏ mẹ.
Mẹ tôi đứng ngay dậy, ưỡn bụng, kéo áo để chường cái bầu ra rồi rít lên:
- Muốn đánh hả ? Có giỏi thì đánh đi ! đánh ngay vào đây này. Giúp tôi dứt bỏ được cái của nợ này của anh.
Dượng xỉa tay về phía bà:
- Tao cóc cần mày. Nhưng tên tao đã có trong sổ đăng ký, tao sẽ cứ ở đây bất kể mày có muốn hay không muốn. Nhưng nói cho mày hay, khôn hồn thì tập sống chung với tao, cái thứ đàn bà thối tha.
Dượng đá cái ghế chắn lối đi rồi bước ra.
Đêm hôm đó, sau khi mẹ tôi khóa chặt cửa buồng lại, dượng trèo vào giường của chị Loan. Từ trong bóng tối chỗ tôi nằm, tôi có thể nghe thấy sự lặng lẽ chống cự của chị như muốn đẩy dượng ra. Sau một hồi thở dốc, họ trao đổi lời nói với nhau. Tôi nghe thấy giọng dượng to lên, giận dữ:
- Cô làm cái gì ? Tôi không thể tin được. Lại cái con gà mái mệ ấy nó xúi dục phải không ?
Chỉ có sự im lặng, dượng tiếp tục nói nhưng lần này giọng nói có vẻ diụ đi và đầy vẻ hối tiếc:
- Sao mà em lại có thể vứt bỏ đứa con trong bụng ấy của anh được
Chị Loan thì thầm:
- Buông tôi ra. Đây đâu có phải là quyết định của bà chủ. Có thể bà ấy gợi ý, nhưng chọn llựa là do tôi. Tôi làm thế vì chính tôi. Chỉ có như thế thì tôi mới dứt đươc anh ra mà thôi.
Tiếng một cái tát vang lên trong bóng tối. Ngay sau đó tôi nghe thấy tiếng chị Loan nhẩy ra khỏi giường và giọng của chị xoáy vào trong bóng đêm:
- Nếu còn đánh tôi nữa, tôi sẽ đi báo cáo cho nhà nước biết. Còn dám theo vào giường tôi một lần nữa, thề có trời, tôi sẽ cắt tiết anh bằng cách nào để cho anh đau đớn nhất.
Tiếng bước chân của chị tiến về phía giường của tôi. Tôi cảm thấy khoảng mùng phía trên tôi được gạt ra và ngay sau đó là thân thể ấm áp của chị sà xuống bên tôi. Vừa run rẩy ôm ghì lấy tôi, chị vừa thút thít khóc. Còn dượng Lâm thì quay về phía giường của chị, nằm ườn cho tới sáng.
Sáng hôm sau, khi tôi thức dậy, thì chị Loan đã đi ra chợ một mình rồi. Chị đi miết đến độ cũng chẳng về ăn cơm chiều. Còn mẹ tôi và dượng Lâm thì cố tránh mặt nhau như tránh bệnh dịch. Nằm trên giường của chị Loan gần suốt cả ngày, dượng cuộn tròn trong tấm khăn trải giường đọc truyện kiếm hiệp. Mẹ tôi thì rút vào buồng, ngồi sắp xếp lại những lọ sơn móng tay của bà.
Jimmy và tôi thì thám hiểm ở bên ngoài và ngó lũ anh họ của tôi đang vầy trong đất cát. Mới đầu bọn con trai ấy giả bộ lờ chúng tôi đi, mhưng trong chốc lát chúng chạy lại sờ soạng chúng tôi, soi mói như là chúng đang quan sát một cặp đồ chơi treo trên cây giáng sinh.
Tôi biết được rằng người con trai lớn của bác tôi tên là Lễ, cỡ tuổi dượng Lâm. Anh ta đẹp trai và còn độc thân. Thú tiêu khiển của anh ta là ngồi chơi đàn guitare ở ngưỡng cửa trước nhà. Mấy cô gái trong xóm hay qua nhà chơi để nghe những bản nhạc tình của anh ta. Trong khi anh phập phừng với cây đàn, một vài cô trong đám còn hát theo. Mẹ anh thường ngồi ở gần đó ngó lại và biểu lộ ánh mắt hãnh diện.
Người con trai thứ nhì tên Thuận, là niềm vui và tự hào của bác tôi, vì anh ta đã tốt nghiệp chuyên viên ngành điện trường cao đẳng. Anh sống với cô vợ mới cưới tên Lan ở căn nhà gỗ phía xa nhất, cạnh nhà tắm. Mỗi lần tôi bước ngang qua buồng của anh, tôi đều thấy anh dí đôi mắt đeo kính thật dầy vào mấy dụng cụ trang bị về âm thanh to kềnh. Hiếm có khi nào thấy anh tỏ ra thích thú với cái gì khác hơn là lụi hụi làm việc trên bàn giấy. Sau ngày cưới, và cũng do ý kiến của bác tôi, chị Lan đã nghỉ dạy học để trở thành một cô vợ biết phục tùng.
Người con trai thứ ba, anh Nghĩa, là hình ảnh của ông bác tôi, y hệt như bố, anh ta dễ nóng nẩy và bề ngoài không có cái vẻ không thoải mái. Ngay cả má của anh cũng phải sợ anh. Sau hai năm nhì nhằng ở trường cao đẳng, anh bỏ học ở cái tuổi hai mươi bốn, chẳng có nghề ngỗng gì, cũng chẳng có tình yêu đành quay về nhà ăn bám. Nghĩa ở chung với người anh mình trong căn nhà thứ nhì.
Hai cô con gái kế tiếp tên là Ánh Nguyệt và Tuyết, cũng đeo đẳng đại học cho tới khi Sài Gòn sụp đổ vào mùa hè. Họ chui rúc trong một căn phòng mà trước đây là một phần phụ thuộc vào nhà bếp. Mặc dù hai cô chỉ mới chỉ ngoài hai mươi, nhưng cũng đã bị coi như là ế chồng, cam chiụ cuộc sống độc thân. Cái nghèo công với học lực cao là sự kết hợp lãng nhách cản đường các chàng trai theo đuổi để tiến tới hôn nhân với họ.
Đám con kế tiếp của bác tôi là một bầy năm đứa, tuổi từ mười mười bốn đến mười chín cứ quấn quít bên nhau như một bầy sáo. Chính họ là cái đám nhòm ngó anh em tôi đầy vẻ ngạc nhiên. Với những bàn tay sần sùi, móng tay thì cáu đất, họ vò lên tóc và véo vào má chúng tôi. Người con thứ sáu của bác tôi tên Trí, được biết như một người e dè và có lễ độ. Kế tới là Tín, người lùn nhất và chắc nịch nhất. Chính hắn là cái tên mắt lé mà trước đây đã nói em Jimmy là thứ pha giống. Hắn ta mới kiếm được việc làm ở xưởng sản xuất những bao đựng gạo, nhưng cái trách nhiệm mới đó cũng không giúp hắn tránh được cái thói cư sử như con nít.
Tín nhảy chồm lên lưng tôi, quả quyết rằng tôi phải cõng hắn như một phần của sự ra mắt với gia đình hắn. Sức nặng của hắn đè bẹp tôi xuống nền đất bẩn. Mỗi lần tôi cố gượng dậy thì hắn lại nhún người để xô chúi mặt tôi xuống đất. Lũ anh em nhà hắn cười phá lên, khoái chí, một lát sau, Tín nhận ra là tôi yếu quá không cõng nổi hắn, hắn liền ra một cái lệnh khác. Hắn bắt tôi phải bò từ dầu vườn này qua đầu kia, chui qua những cái chân dạng háng của ba đứa em hắn. Trong khi tôi phải bò thì bọn nó đứng lù lù trên tôi, khạc nhổ phun phì phì lên lưng tôi và chọc vào sườn tôi bằng que để thúc dục tôi phải bò nhanh hơn.
Em tôi cũng phải chiụ chung số phân như tôi ở gần đó. Nhưng ngay khi bị lãnh một roi, Jimmy oà lên khóc, kêu réo ông bà ngoại, sợ ông bà tôi, bọn kia đành phải buông tha nó ra.
Dưới tàng cây chôm chôm sum suê cành và những quả chĩu đỏ, thằng em tôi đứng với bốn đứa con gái nhỏ. Đứa lớn nhất trong bọn tên Hồng thì cũng trạc tuổi tôi. Cạnh Hồng là hai đứa sinh đôi tên Vân và Phong, còn đứa ít tuổi nhất tên Hào thì cùng tuổi với Jimmy. Đúng ra sinh nhật của hai đứa chỉ cách nhau có hai ngày.
Bên trong nhà, mẹ tôi không nhìn thấy chúng tôi chạy vào từ bên ngoài, trông như hai con búp bê rách mướp, quần áo tả tơi, người đầy vết bầm. Bà ngoại tôi phải lôi hai đứa ra rửa ráy ở ngoài giếng nước trong khi lũ anh họ tôi đứng bao quanh nhòm ngó mà không cất lên tiếng nào. Sau lần đó, Ông ngoại tôi dẫn hai đứa đi xin học lớp hè ở một ngôi trường cách nhà vài dẫy phố. Tôi được xếp vào lớp Ba C, cùng với Hồng và Hạnh. Còn em tôi thì học lớp Một A, cùng với hai đứa sinh đôi và chị Hào.
Thân Phận Dư Thừa Thân Phận Dư Thừa - Nhật Tiến Thân Phận Dư Thừa