Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Azazel123
Upload bìa: Azazel123
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 7
Cập nhật: 2021-09-02 21:36:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
ự kiện đèo Dyatlov là tên gọi của một vụ án, trong đó những người đi bộ leo núi đã chết một cách bí ẩn vào năm 1959 ở bắc dãy núi Ural.
Sự kiện đèo Dyatlov (thuộc dãy núi Ural thuộc Liên Xô cũ) là một vụ tai nạn leo núi xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, vì quá trình và kết quả của vụ việc chứa đầy những yếu tố bí ẩn nên hàng chục năm qua, người ta vẫn muốn tìm hiểu sự thật của vụ tai nạn này. Ngoài ra, đây cũng là nguồn cảm hứng để nhiều bộ tiểu thuyết, phim ảnh ra đời.
Nhưng càng có nhiều cuộc tìm kiếm đáp án thì sự kiện này lại càng trở nên bí ẩn và có lẽ sẽ chẳng ai có thể làm sáng tỏ bí ẩn này và sự thật sẽ vĩnh viễn ẩn mình dưới lớp tuyết trắng.
Cho đến ngày nay, sự kiện đèo Dyatlov vẫn là tai nạn leo núi bí ẩn và kỳ lạ nhất trong lịch sử loài người.
Igor Dyatlov là một sinh viên đang theo học khoa kỹ thuật vô tuyến tại Học viện Công nghệ Ural. Là một vận động viên leo núi nghiệp dư, anh có một niềm đam mê gần như điên cuồng với các môn thể thao ngoài trời. Chỉ trong vòng vài năm, anh chàng này đã leo qua rất nhiều ngọn núi tuyết ở Liên Xô và đạt chứng chỉ leo núi cấp quốc gia cấp II, và mục tiêu lần này của Igor Dyatlov là giấy chứng chỉ cấp III - cấp độ cao nhất của những người leo núi vào thời điểm bấy giờ.
Năm 1959, câu lạc bộ leo núi trượt tuyết của Học viện Công nghệ Ural đã tổ chức một cuộc leo núi đầy gay cấn, có tổng cộng 10 người đến tham gia, hơn một nửa trong số họ là sinh viên của Học viện Công nghệ Ural, số còn lại là nhân viên làm việc trong viện.
Và hiển nhiên trong số đó, chắc chắn có Igor Dyatlov và anh cũng được bầu làm trưởng nhóm, cung đường leo núi kéo dài 14 ngày và điểm đến là ngọn núi Otorten ở vùng North Ural Mountains. Trước chuyến đi này, Dyatlov đã khảo sát chi tiết các ngọn núi trong khu vực.
Núi Ural là dãy núi chạy qua biên giới Liên Xô, dù không nổi tiếng như dãy Alps hay Himalayas nhưng nó vẫn là thánh địa trong lòng những tay leo núi nghiệp dư của Liên Xô. Ngọn núi này được coi là ngọn núi của ma quỷ, cái tên "Ottorten" xuất phát từ tiếng bản địa Mansi, có nghĩa là "đừng đến đó", nhưng đối với chàng trai trẻ và tràn đầy năng lượng Dyatlov (sắp 23 tuổi) thì đó là một cuộc phiêu lưu đầy thử thách.
Igor Dyatlov.
Các thành viên trong nhóm đều là những người có kinh nghiệm dày dặn, và họ đều có mục tiêu đoạt được giấy chứng chỉ cấp III để trở thành những người leo núi sở hữu cấp cao nhất.
Như thường lệ, các thành viên trong đoàn mang theo đủ thiết bị, máy ảnh, bản đồ và nhật ký - không ai nhận ra rằng đây sẽ là chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của họ.
Ngày 23 tháng 1 năm 1959, một đội 10 người do Igor Dyatlov dẫn đầu đã thu dọn hành lý vào phòng sinh hoạt của câu lạc bộ. Đa số họ là những thanh niên trẻ khỏe, người trẻ nhất mới 21 tuổi, người lớn tuổi cũng mới 37 tuổi.
Vào ngày 25 tháng 1, đoàn leo núi đi tàu đến thị trấn Ivdel (Ивдель), sau đó họ đã đi nhờ trên một chiếc xe chở cỏ khô của một ông lão người địa phương đến Serov, một ngôi làng gần đèo và cũng được coi là điểm xuất phát đầu tiên của hành trình.
Vào ngày 27 tháng 1, sau hai ngày nghỉ ngơi và thích nghi với thời tiết ở nơi đây, đoàn leo núi chính thức bắt đầu chuyến đi của mình.
Đêm đó, họ tạm thời ngủ trong một ngôi làng bỏ hoang. Sau một đêm nghỉ ngơi, một thành viên của đội - Yuri Yudin, người có tiền sử bệnh tim đã cảm thấy sức khỏe không được ổn định và quyết định bỏ cuộc, nên lúc này cả đội chỉ còn lại 9 người.
Trước khi khởi hành, Igor Dyatlov đã thỏa thuận câu lạc bộ leo núi của trường rằng khi đội hoàn thành chuyến leo núi, anh ta sẽ gửi một bức điện tín để thông báo với mọi người. Theo ước tính ban đầu, đội leo núi sẽ hoàn thành hành trình muộn nhất vào ngày 12 tháng 2.
Và ngay cả khi Yudin rời đội để quay về, anh cũng nói rằng sẽ gửi cho Yudin một bức điện tín tương tự và sẽ trở về để thăm anh ta. Theo như ghi chép trong nhật ký của một thành viên trong đoàn leo núi, Dyatlov nói rằng nếu chuyến leo núi lần này suôn sẻ, anh sẽ dẫn mọi người đi theo một con đường hoàn toàn mới.
Những dự đoán lạc quan này khiến mọi người đánh giá thấp sự nguy hiểm của cuộc hành trình. Hai ngày tiếp theo, đoàn tiến hành theo kế hoạch đã định trước, mọi việc diễn ra suôn sẻ ngay cả trong màn đêm lạnh giá.
Ngày 31 tháng 1, đoàn đi đến một bờ vực cao, lên trên có một ngọn núi dốc hơn và những cánh rừng thưa dần và cả đội quyết định dựng trại dưới chân núi và cất tạm những vật dụng không cần dùng tới nữa tại đây.
Ngày hôm sau, 9 người tiếp tục hành trang đến hướng đến điểm đến cuối cùng của chuyến đi. Nhưng ngay lúc này họ vẫn đánh giá thấp sức mạnh tiềm ẩn của những ngọn núi. Nhật ký của một thành viên trong đoàn có ghi lại: "Đó là một ngày rất vất vả, mọi người chỉ có thể di chuyển với tốc độ khoảng 1,5 km mỗi giờ. Trời gần tối, chúng tôi cố gắng để di chuyển tới bìa rừng, dựng lều một cách vội vàng rồi ngủ thiếp đi trong cơn mệt mỏi".
Vào ngày 1 tháng 2, họ khởi hành rất muộn, có lẽ vì họ đã quá mệt vào ngày hôm trước. Hôm đó, họ chỉ đi chưa đầy 4 cây số, đến khoảng 5 giờ chiều, họ chọn một con dốc để hạ trại.
Khoảng 6 hoặc 7 giờ tối, các thành viên trong nhóm ăn tối cùng nhau, khi đó có một sự cố đã xảy ra, và sau đó một hoặc hai thành viên trong đội rời lều để đi tiểu bên ngoài. Và tới đây, nhật ký của người thành viên kia cũng kết thúc.
Ngày 12 tháng 2, thời gian đã thỏa thuận đã đến, trường học vẫn chưa nhận được điện báo của đoàn leo núi, nhưng cho rằng có thể thời tiết xấu đã khiến đoàn leo núi bị chậm kế hoạch mấy ngày, và đây cũng là điều hết sức bình thường vào mùa đông. Cho đến tận ngày 16 tháng 2 vẫn chưa có tin tức gì từ đội leo núi, lúc này người nhà của các thành viên trong đội mới bắt đầu liên lạc với nhà trường.
Vào ngày 20 tháng 2, vẫn không có tin tức gì về đoàn leo núi, người nhà của đoàn đã lo lắng và hối thúc nhà trường triển khai công tác tìm kiếm cứu nạn. Cùng ngày, nhà trường đã cử chủ nhiệm câu lạc bộ dẫn đầu đội tìm kiếm cứu nạn tinh nhuệ ra quân.
Ngày hôm sau, đội tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp khu vực miền núi và cảnh sát địa phương cũng tham gia vào việc tìm kiếm.
Với việc mở rộng phạm vi tìm kiếm liên tục, số người tham gia tìm kiếm cứu nạn thậm chí còn vượt quá 2.000 người, chính phủ cũng đã điều động trực thăng và máy bay trinh sát tiến hành một cuộc tìm kiếm quy mô lớn khu vực này.
Cuối cùng vào ngày 26 tháng 2, đội tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy khu trại bỏ hoang của nhóm leo núi trên sườn núi Kholat Syakhl (cao 1.097 mét so với mực nước biển), cách đỉnh Otorten 5 km. Khi xem xét kỹ lưỡng, đoàn cứu hộ phát hiện ra rằng trong lều bị thủng một lỗ lớn.
Căn lều đã bị đổ một nửa, một phần bị tuyết bao phủ và không có ai bên trong, nhưng đồ đạc và quần áo của đội đều ở đó, và một bên của lều bị cắt bằng dao. Có vẻ như nó được cắt từ bên trong lều. Có điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra trong này.
Điều đáng chú ý là cái lỗ trong căn lều này được khoét bằng dao từ bên trong, bên ngoài lều để lại một chuỗi dấu chân rõ ràng, một số dấu chân này đi giày, một số chỉ đi tất, và một số thậm chí còn đi chân trần trên tuyết. Ở vùng núi phủ đầy tuyết vào mùa đông, hành vi như vậy không khác gì tự sát.
Các dấu chân kéo dài 500 mét trong suốt quãng đường, sau đó bị tuyết dày bao phủ và không để lại thêm dấu vết gì. Dựa trên các manh mối đó, đội tìm kiếm và cứu hộ xác định điểm đến của họ là một khu rừng ở phía bên kia sườn núi. Vì vậy, họ bắt đầu một cuộc tìm kiếm trên khu rừng này.
Dấu chân trên tuyết.
Đội tìm kiếm cứu nạn đã nhận định sơ bộ về những dấu vết này do đội leo núi để lại: Dấu chân kéo dài đến khu rừng ở phía bên kia của ngọn núi thay vì đi xuống núi. Đây là cách thông thường để các đội leo núi đối phó với tuyết lở
Căn lều bị khoét từ bên trong cho thấy tình hình lúc đó rất khẩn cấp, đây cũng là phương pháp sinh tồn khẩn cấp khi đối mặt với tuyết lở. Các thiết bị trong lều và dấu chân của các thành viên trong nhóm đã xác nhận quan điểm này, bởi vì một số thành viên trong nhóm đã bỏ đi trong tình trạng chưa kịp mang giày.
Tuy nhiên lại có một điều kỳ lạ, đó là không có bất cứ dấu vết nào của việc tuyết lở được tìm thấy tại hiện trường và thậm chí chiếc lều bị hư hỏng và dấu chân của các thành viên trong đội vẫn còn để lại trên tuyết.
Nếu không phải là do tuyết lở thì điều gì đã khiến những thành viên của đoàn leo núi cảm thấy sợ hãi? Điều gì đã khiến họ chọn cách bỏ trốn một cách vội vàng, thậm chí tới mức không kịp để xỏ giày?
Bản sao lưu chính thức của nhật ký đội leo núi trong hồ sơ. Bản ghi cuối cùng là đến ngày 1 tháng 2. Đây cũng là lý do tại sao đội leo núi chính thức bị phán xét thiệt mạng vào sáng sớm ngày 2 tháng 2.
Sau khi nắm được tình hình chung, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tiến hành khảo sát xung quanh khu rừng. Lần theo hướng của những dấu chân, đến ngày 2/3, họ đã tìm thấy thi thể của hai nạn nhân nam dưới gốc cây tuyết tùng lớn ở bìa rừng. Hai nạn nhân đó là Yuri Krivonischenko, 24 tuổi và Yuri Doroshenko, 22 tuổi. Cả hai đều đi chân trần và chỉ mặc đồ lót mỏng, theo lẽ thường, mọi người không thể chỉ mặc những thứ này ở nơi hoang dã và đặc biệt là nhiệt độ ngoài trời đang ở mức dưới âm 20 độ.
Trong thực tế, nếu tình trạng hạ thân nhiệt trở nên nghiêm trọng thì hô hấp và nhịp tim có thể giảm đến mức nguy hiểm. Người bị hạ thân nhiệt có thể mất ý thức và thậm chí tử vong. Nhưng trước khi mất hoàn toàn ý thức, nạn nhân sẽ thể hiện một số hành vi kỳ quái như tự cởi bỏ quần áo. Hiện tượng này được gọi là cởi quần áo bất thường trong giám định pháp y.
Tuy nhiên, khi tìm kiếm xung quanh thì không hề phát hiện ra quần áo của hai nạn nhân. Ngoài ra, dưới gốc cây tuyết tùng có dấu vết của một đống lửa đang cháy, nhiều cành cây trên cây đã bị gãy và có dấu hiệu leo trèo, rất có thể hai thành viên này của đoàn leo núi đã trèo lên cây để dò tìm phương hướng để quay lại lều.
Từ ngày 3/3 đến ngày 5/3, đội tìm kiếm cứu nạn liên tiếp tìm thấy thi thể của đội trưởng Dyatlov, 23 tuổi, thành viên nữ của đoàn leo núi, Zinaida Kolmogorova 22 tuổi và Rustem Slobodin 23 tuổi. Khoảng các giữ họ lần lượt là 300 mét, 630 mét và 480 mét. Ba nạn nhân lần lượt ngã xuống đất theo hướng quay về phía của lều. Có vẻ như họ đã xác định được phương hướng và lần lượt bỏ mạng trên quãng đường về.
Thi thể của 5 nạn nhân nhanh chóng được đưa đến bệnh viện, theo nhận định của các bác sĩ pháp y, 5 nạn nhân đã chết cóng. Điều đáng nói là cả 5 thi thể đều không có dấu hiệu của việc đánh nhau hay bị giết, nhưng hai bên hộp sọ của Rustem Slobodin lại bị tổn thương ở các mức độ khác nhau. Người ta suy ra rằng đây có thể là hậu quả của vụ va chạm giữa anh ta với mặt đất/đá khi anh ta bất tỉnh trong thời tiết cực lạnh. Do không tìm thấy dấu vết hoạt động của những người ngoài tại hiện trường nên cảnh sát loại trừ khả năng họ bị sát hại và xác định rằng cả 5 nạn nhân đều đã chết vì giảm thân nhiệt. Trên thực tế, họ cho rằng những gì đã xảy ra đêm đó:
Vì một lý do nào đó (có thể là một trận tuyết lở nhỏ), đội leo núi đã tự ứng cứu khẩn cấp bằng cách bỏ chạy về phía sườn núi, lệch với hướng đi của trận tuyết lở. Khi trận tuyết lở nhỏ kết thúc và trước khi một trận lở tuyết trên quy mô lớn xảy ra, họ quyết định quay trở lại lều.
Tuy nhiên đêm mùa đông tại môi trường hoang dã đã vượt quá sức chịu đựng của họ. Cơ thể của những thành viên trong đội leo núi dần mất nhiệt với tốc độ nhanh chóng mặt và khiến cho hai thành viên đầu tiên trong đoàn phải bỏ mạng và chết cóng dưới gốc cây. Để đảm bảo tính mạng của mình, những thành viên khác trong đoàn đã quyết định mặc lại quần áo của hai nạn nhân và tiếp tục di chuyển về hướng lều. Có lẽ việc mặc thêm quần áo lúc này dường như đã là quá muộn và những thành viên khác cũng lần lượt bỏ mạng trên quãng đường trở về lều.
Leo núi luôn tiềm ẩn những rủi ro và thử thách, đây cũng chính là phần hấp dẫn của môn thể thao này, vượt qua bao gian nan thử thách để đến được đỉnh núi, cảm giác thỏa mãn khó tả là điều không thể thay đổi trong lòng mỗi người đam mê leo núi. Chính vì lẽ đó mà dù có gặp tai nạn kiểu này hay kiểu khác, con người ta vẫn không lùi bước, đây là một câu chuyện buồn.
Tổng thành viên của đoàn leo núi là 9 người, nhưng tới thời điểm đó đội cứu hộ mới chỉ phát hiện được 5 thi thể nạn nhân và nếu không tìm thấy 4 người còn lại thì có lẽ đây chỉ là một vụ tai nạn kinh hoàng. Nhưng chính 4 nạn nhân cuối cùng sau khi được phát hiện đã khiến sự kiện đèo Dyatlov trở thành một bí ẩn chưa được giải đáp trong lịch sử nhân loại.
Với việc xác định nguyên nhân tử vong của 5 nạn nhân đầu tiên, công tác tìm kiếm cứu nạn tạm thời đi vào hồi kết. Đội tìm kiếm cứu nạn quyết định tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân còn lại sau khi thời tiết ấm dần lên. Sự tập trung của mọi người đã dần thay đổi từ việc tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn sang thương tiếc những người trẻ tuổi này. Và ngay cả người nhà của 4 nạn nhân vẫn chưa tìm thấy thi thể, lúc này có lẽ họ cũng không còn hi vọng gì nữa mà chỉ mong tìm được hài cốt của người thân càng sớm càng tốt để họ được yên nghỉ.
Hai tháng sau vụ tai nạn, khi tuyết dần tan, đội tìm kiếm cứu nạn đã phải mất cả tháng trời mới tìm thấy 4 thi thể cách cây tuyết tùng 75 m. Ban đầu, đội cứu hộ tìm thấy một chiếc quần thể thao cotton màu đen và một chiếc áo len màu nâu nhạt gần cây tuyết tùng. Họ tin rằng những nạn nhân còn lại có thể ở gần khu vực này. Sau khi đào sâu 3,5 mét, đội cứu hộ đã tìm thấy một đống quần áo và một số cành cây bị cắt. Theo điều tra của đội tìm kiếm và cứu hộ, những bộ quần áo này thuộc về hai nạn nhân đầu tiên chết cóng dưới gốc cây tuyết tùng.
Sau đó, tại một con lạch cách hố tuyết khoảng 20m, các nhà điều tra đã cảm nhận được các thi thể bị chôn vùi dưới lớp tuyết thông qua các thiết bị tìm kiếm cứu nạn, và cuối cùng đội tìm kiến cứu nạn đã khai quật được thi thể của 4 nạn nhân cuối cùng cách hố tuyết 4m.
Bốn nạn nhân là: Lyudmila Dubinina, nữ 21 tuổi, Aleksander Kolevatov 25 tuổi, Nikolay Thibeaux-Brignolles 24 tuổi và Semyon Zolotaryov 38 tuổi. Căn cứ vào bề ngoài của thi thể có thể phán đoán bốn người này không bị chấn thương gì, từ đánh giá sơ bộ có thể suy ra nguyên nhân tử vong cũng giống như năm người trước.
Dựa vào vị trí của hố tuyết, có thể phỏng đoán rằng bốn người họ đang trốn và hướng về phía dưới chân núi và sau đó họ vô tình rơi xuống khe núi cạnh con lạch và chết hoặc bị chết cóng trong khi tiếp tục đi xuống. Hơn nữa, dựa vào quần áo của họ, người ta thậm chí có thể suy ra thứ tự chết của cả đội, vì Lyudmila Dubinina mặc một chiếc áo len màu nâu của Yuri Krivonischenko - bị chết cóng dưới gốc cây tuyết tùng. Có thể suy đoán rằng, sau cái chết của hai thành viên đầu tiên thì đoàn leo núi được tách ra thành hai nhóm nhỏ, một nhóm chạy về hướng lều trong khi nhóm còn lại thì cố gắng đi về phía chân núi để cầu cứu những người dân tại đó, nhưng không may cả hai nhóm đều không thể sống sót trong cái giá lạnh khắc nghiệt.
Hình ảnh phục dựng 3D hiện trường của nhóm 4 người.
Tuy nhiên, sau khi đưa 4 thi thể về bệnh viện và khám nghiệm tử thi, những sự rùng rợn và kỳ dị bắt đầu hiển hiện, khiến mọi phân tích và lý giải trước đó về vụ tai nạn đều trở nên vô nghĩa. Cái chết của họ hoàn toàn không giống như năm nạn nhân đầu tiên, đồng thời có những điểm rất bất thường tồn tại trong thi thể của 4 nạn nhân:
1) Không ai trong số bốn người này chết vì đóng băng, họ đều chết vì "vết thương chí mạng".
2) Toàn bộ xương sườn của Lyudmila Dubinina và Semyon Zolotaryov bị gãy, xương gãy chèn vào tim và phổi. Một vết thương nghiêm trọng như vậy tương đương với một vụ va chạm trực diện với một chiếc ô tô đang di chuyển với tốc độ 80km/h.
3) Hộp sọ của Nikolay Thibeaux-Brignolles bị vỡ hoàn toàn và biến dạng nghiêm trọng
4) Cổ của Aleksander Kolevatov bị gãy
5) Nhưng vết thương như vậy có thể giải thích bằng lý do họ đã bị 1 ngã và va đập mạnh, hoặc chịu tác động của một trận tuyết lở. Nhưng hốc mặt và mô mềm ở sống mũi, môi là lưỡi của Lyudmila Dubinina đã bị biến mất, trong khi đó Semyon Zolotaryov thì bị mất hai nhãn cầu. Và những phần còn thiếu này vẫn chưa được tìm thấy.
6) Các thành viên trong nhóm này mặc nhiều quần áo hơn 5 người, nhưng điều bí ẩn hơn là quần áo của họ chứa hàm lượng phóng xạ cao.
Sở đồ vị trí của 9 thi thể nạn nhân.
Với những điểm bất thường tồn tại trên thi thể của 4 nạn nhân cuối cùng thì nguyên nhân cái chết của họ chắc chắn không hề đơn giản như những suy đoán ban đầu. Và hiển nhiên những điều bí ẩn này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý lớn, cảnh sát bắt đầu can thiệp vào cuộc điều tra vụ tai nạn leo núi này. Đầu tiên họ kiểm tra thi thể và quần áo của những nạn nhân, kết quả cho thấy không có dấu vết của các cuộc tấn công của động vật. Cảnh sát cũng nghi ngờ những người dân tộc Mansi địa phương với sự xuất hiện bất thường của các xác chết. Những người Mansi vẫn giữ phụng tục lấy đi một phần cơ thể của các xác chết, con mồi. Tuy nhiên nghi ngờ này đã nhanh chóng bị dập tắt bởi phía cảnh sát không tìm được bất cứ manh mối nào để củng cố tính chính xác cho sự nghi ngờ nói trên.
Những người Mansi bị cảnh sát triệu tập, cuộc điều tra khẳng định họ không liên quan gì đến vụ việc.
Ngày 28/5/1959, các chuyên gia điều tra của đội pháp y đã đưa ra kết luận chuyên môn về những bất thường trên thi thể của Lyudmila Dubinina và Semyon Zolotaryov:
"Các đặc điểm của vết thương trên thi thể của Lyudmila Dubinina và Semyon Zolotaryov - gãy nhiều xương sườn, đối với thi thể của Dobinina là cả hai bên và đối xứng, trong khi trên thi thể của Zolotaryov là ở một phía. Cả hai đều bị chảy máu trong cơ tim và khoang ngực, đây là bằng chứng cho thấy họ đã bị thương khi còn sống, và đó cũng là kết quả khi phải chịu tác động từ một lực cực lớn, tương tự như tình trạng trên thi thể của Nikolay Thibeaux-Brignolles. Những vết thương này không hề có tổn thương nào đối với các mô mềm của lồng ngực, rất giống với loại chấn thương do sóng xung kích từ bom gây ra".
Khi cơ thể con người chịu sóng xung kích, các mô cơ và mô mềm có độ đàn hồi nên sẽ không bị tổn thương quá nhiều, trong khi xương cứng rất dễ bị gãy, điều này cũng giải thích rằng bốn người họ có khả năng đã gặp phải sóng xung kích. Và khi chiếc máy ảnh mang theo của đội leo núi được phát hiện, sự bí ẩn và rùng rợn của vụ việc này lại đi lên một tầm cao mới.
Theo lời khai của người sống sót duy nhất, người đã bỏ về trước ngay sau ngày khởi hành đầu tiên -Yuri Yudin, đội leo núi có tổng cộng 5 camera, và đội tìm kiếm và cứu hộ đã tìm thấy 4 chiếc máy ảnh đó ở bên trong lều, sau đó là thiết bị chụp ảnh nữa trên thi thể của Semyon Zolotaryov. Theo ký ức của Yuri Yudin, nhưng người mang máy chụp hình chỉ có Nikolay Thibeaux-Brignolles, Semyon Zolotaryov, Yuri Krivonischenko và Rustem Slobodin, Yudin không nhớ rõ người còn lại là ai. Điều này có nghĩa là không ai tới hiện trường để lấy đi những chiếc máy ảnh của các nạn nhân.
So với số lượng camera, cảnh sát quan tâm nhiều hơn đến những thứ thu được trong camera, đặc biệt là camera của Semyon Zolotaryov, đây là chiếc máy ảnh duy nhất mà nạn nhân đã mang bên mình lúc hoảng loạn. Anh ấy vẫn không quên mang theo máy ảnh khi bỏ chạy, liệu điều này có nghĩa là anh ta có linh cảm rằng một điều gì đó không ổn sắp xảy ra?
Đáng tiếc, sau khi điều tra những chiếc máy quay, cảnh sát cho rằng cuộn phim đã bị hỏng, theo lời khai của điều tra viên lần đầu tiên nhìn thấy thi thể, anh ta thấy Zolotaryov một tay cầm máy ảnh, một tay thì cầm cuốn sổ ghi chú, nhưng nó lại trống trơn. Điều này khiến mọi người thắc mắc không biết anh ta đã nhìn thấy gì trước khi chết.
Ngoài chiếc máy ảnh của Zolotaryov, một chiếc máy ảnh khác được để trong lều cũng thu hút sự chú ý của nhiều người - đó là chiếc máy ảnh mà Yuri Krivonischenko để lại trong lều. Tổng cộng có 34 bức ảnh được chụp trong đó. Trong số đó, 33 bức ảnh đầu tiên đều là ảnh của đội, có thể thấy thời tiết lúc đó quả thực rất xấu, đó là lý do khiến cả đội phải đi chệch lộ trình ban đầu và dựng trại trên sườn núi "Tử thần".
Và điều khiến mọi người thực sự chú ý đó là tấm ảnh số 34, nó khác hoàn toàn so với những tấm ảnh trước đó.Vào đêm xảy ra vụ việc, các đội leo núi khác cũng ở dãy núi Ural báo cáo rằng họ đã nhìn thấy ngọn lửa màu cam bí ẩn trên bầu trời. Cư dân địa phương cũng xác nhận hiện tượng này không phải là lần đầu tiên.
Một số người cho rằng đó là UFO, một số người cho rằng đó là một loại vũ khí bí ẩn nào đó, thậm chí có người cho rằng đó là khuôn mặt của người ngoài hành tinh. Tóm lại, bức ảnh số 34 này là bằng chứng về sức mạnh "siêu nhiên" nào đó trong mắt nhiều người.
Thật không may, bức ảnh này không thực sự được chụp vì nó là "tai nạn" trong phòng thí nghiệm của nhóm điều tra. Thực tế là Yuri Krivonischenko đã mở màn trập trong khi cầm máy ảnh - máy ảnh của những năm 1950 khác với ngày nay. Cửa trập phải được đóng vào lúc bình thường. Nó chỉ mở khi chụp ảnh. Nói cách khác, ai đó đã định chụp thứ gì đó bằng máy ảnh này, nhưng nó đã không thành công. Nếu không, Chúng ta có thể trực tiếp biết được thủ phạm của thảm kịch này là ai.
Mãi cho đến những năm 1990, một nhà văn người Anh lần đầu tiên công bố một vài chi tiết trong tác phẩm "dyatlov pass", trong đó cho rằng manh mối thực sự đến từ camera trên thi thể của Semyon Zolotaryov. Nguồn của bức ảnh đến từ một thành viên của đội tìm kiếm cứu nạn năm đó. Theo thành viên này, nhóm điều tra buộc phải công bố rằng cuộn phim trong chiếc máy ảnh đó đã hoàn toàn bị hỏng vì giới chức lãnh đạo tin rằng cuộn phim này chứ những "nội dung đáng lo ngại" và không giúp ích được gì trong việc điều tra sự thật. Nhưng điều này có đúng không?
Những tấm ảnh cuối cùng được Semyon Zolotaryov chụp lại trong đêm xảy ra án mạng.
Có thể thấy, do thời điểm chụp là đêm khuya nên hầu hết các bức ảnh chỉ chụp được những vật thể kỳ dị không rõ hình dạng, chỉ có ba bức ảnh số 1, số 8 và số 11 là chụp được rõ nét hơn. Trong bức ảnh số 1, có thể mơ hồ thấy bức ảnh là một vật thể sáng tròn khổng lồ ở góc trên bên trái của ba đầu người. Ảnh số 8 chụp một vật thể phát sáng bí ẩn trên cây, trông giống như một vật thể bay không xác định. Sau đó, nhóm điều tra phát hiện ra rằng khu rừng mà họ đang ở thực sự có dấu vết của sự cháy trên ngọn cây của nhiều cây; Ảnh số 11 trông giống như một chiếc máy bay đang bốc cháy.
Những tấm hình này tưởng như không liên quan, nhưng chắc chắn rằng có điều gì đó đặc biệt trên bầu trời và vật thể này có thể phát ra ánh sáng, nhưng độ cao của nó liên tục được thay đổi. Nhìn lần lượt từ bức ảnh đầu tiên có thể thấy nó chỉ cách vị trí chụp ảnh khoảng 10 mét và từ hai bức ảnh cuối cùng, nó đã bay lên không trung và các xa hàng chục mét.
Khi những bức ảnh này được phát hiện, cảnh sát dần bắt đầu nhận thấy một số điều bất thường...
Vào đêm ngày 1 tháng 2, bên ngoài một trang trại tên Wells, cách núi Ottorten 50 km về phía nam, cũng có một đội leo núi khác gồm 7 người đã tiến vào ngọn núi vào ngày hôm đó. Tuy nhiên, vào đêm đó khi họ cắm trại trên một bãi đất trống dưới chân núi ở phía tây của Kholat Syakhl. Đoàn leo núi này phát hiện một quả cầu màu cam phát ra ánh sáng như ngọn lửa xuất hiện trên bầu trời phía bắc lúc gần 0 giờ.
Đồng thời, cảnh sát dần biết được rằng trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3, nhiều người dân ở khu vực này cũng chứng kiến những hiện tượng tương tự, thậm chí hồ sơ thời tiết của một số trang trại còn lưu lại những thông tin liên quan.
Tuy nhiên, khi cảnh sát báo cáo về vật thể bí ẩn màu cam với cấp trên, họ ngay lập tức nhận được chỉ thị "dừng điều tra vụ án." Tháng 8/1959, quan chức Liên Xô tuyên bố khép lại vụ án với lý do đoàn leo núi gặp phải là "trường hợp bất khả kháng". Vụ việc được xếp vào loại tai nạn leo núi. Gia đình và bạn bè của các nạn nhân cảm thấy không hài lòng với kết luận cuối cùng này và họ đã chủ động liên hệ với giới truyền thông và học giả từ nhiều bên khác nhau. Và điều này đã khiến cho ảnh hưởng và sức lan tỏa vụ việc tại đèo Dyatlov ngày càng được mở rộng và khiến cho nhiều người muốn khám phá ra sự thật của sự cố này.
Giản đồ thể hiện vị trí của "vật thể màu cam".
Đã 60 năm kể từ khi sự kiện đèo Dyatlov xảy ra, nhưng vẫn chưa có lời giải thích nào có thể thuyết phục được hầu hết mọi người. Thứ nhất, do vụ việc diễn ra trên núi tuyết là khu vực không có người ở và thi thể của tất cả những nạn nhân được tìm thấy quá muộn. Bởi vậy vụ việc không chỉ thiếu nhân chứng chủ chốt, mà còn không xác định được dấu vết tại hiện trường. Thứ hai, các bằng chứng của sự kiện này dường như còn thiếu và quá mơ hồ bởi vậy việc tái tạo lại chuỗi sự kiện gặp rất nhiều khó khăn.
Kho lưu trữ chính thức những thông tin và manh mối của vụ án này có thể đã chôn vùi và sự thật có thể cũng đã biến mất cùng với sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, và điều này cũng đã khiến cho nhiều thuyết âm mưu dẫn đến cái chết của họ được ra đời. Các quan điểm chính hiện nay như sau:
1) Bị sát hại
Theo lập luận này, đội leo núi đã bị những kẻ bí ẩn đã truy đuổi và sau đó bị giết các thành viên của đội leo núi trong rừng, hố tuyết, v.v. Về động cơ của vụ giết người, có người cho rằng đó là bàn tay tàn nhẫn của các đặc vụ KGB/CIA, có người cho rằng những thợ săn Mansi đã giết họ vì đoàn leo núi đã đột nhập vào khu vực cấm trong văn hóa của dân tộc này, và một số người cho rằng có thể những thành viên trong đội đã tự giết lẫn nhau rồi sau đó thành viên cuối cùng đã tự tử và Semyon Zolotaryov trở thành kẻ bị nghi ngờ nhiều nhất.
2) Động vật hoang dã /sinh vật bí ẩn chưa biết
Lập luận này cho rằng việc phá hủy khu trại là do sói hoặc gấu hoang dã gây ra, và một số người thậm chí còn tin rằng một sinh vật địa phương chưa được biết đến tên là Yeti (tương tự như Bigfoot) mới là kẻ giết các thành viên trong nhóm.
3) UFO, người ngoài hành tinh
Sự xuất hiện của những nhân vật này là điều không thể thiếu đối với bất kỳ bí ẩn nào chưa được giải đáp, và sự kiện đèo Dyatlov chắc chắn cũng không ngoại lệ, vật thể bí ẩn màu cam đã trở thành bằng chứng rõ nhất cho những tuyên bố về người ngoài hành tinh.
4) Tai nạn
Một số người không tin vào sức mạnh bí ẩn đã cho rằng đội có thể đã gặp phải một trận tuyết lở nhỏ hoặc một đám cháy bên trong lều, khiến các thành viên trong đội trốn và cuối cùng chết trong giá lạnh.
Cũng có thông tin cho rằng những quan chức của Liên Xô đã phóng thử nghiệm một loại vũ khí bí mật tại khu vực này khiến những người leo núi không may thiệt mạng do sóng xung kích gây ra.
5) Các hiện tượng tự nhiên đặc biệt
Giả thuyết này tin rằng một số hiện tượng tự nhiên cực kỳ hiếm gặp đã xảy ra ở khu vực miền núi này, chẳng hạn như sét hòn, sóng hạ âm và thậm chí dao động trường hấp dẫn, đã mang mang đến cái chết cho đội leo núi.
Tuy nhiên tất cả chỉ là phán đoán và vẫn còn đó những câu hỏi chưa được giải đáp cho sự kiện đèo Dyatlov. Để thuận tiện cho quá trình khám phá bí ẩn của sự kiện đèo Dyatlov, các địa điểm xảy ra vụ việc đầu tiên có thể chia thành 3 địa điểm chính là khu lều trại, cây tuyết tùng và hố tuyết.
Các nạn nhân được chia thành ba nhóm: nhóm hai người (chết cóng dưới gốc cây tuyết tùng), nhóm ba người (chết cóng trên đường trở về lều với vết thương trên cơ thể) và nhóm bốn người (chết gần hố tuyết với những vết thương nghiêm trọng trên cơ thể).
Những câu hỏi chúng ta cần phải phân tích và giải đáp để có thể tìm ra sự thật của sự cố đèo Dyatlov có thể liệt kê như sau:
1) Tại sao cả đội vội vàng rời lều?
2) Tại sao nhóm phải chia nhỏ các thành viên của đội để di chuyển?
3) Những vết thương trên cơ thể của nhóm ba người và nhóm bốn người là do đâu?
Tại sao họ rời khỏi lều?
Trên thực tế, đội điều tra đã suy đoán vấn đề này ngay từ đầu, họ cho rằng đội gặp phải trận tuyết lở nên phải nhanh chóng rạch lều để chạy trốn, thậm chí họ vội vàng tới mức không đủ thời gian mặc lại quần áo, giày dép, mũ nón. Nhưng điều đó có đúng không? Chúng ta có thể so sánh hai bức ảnh sau
Ảnh trên được chụp tại địa điểm cắm trại của đội leo núi lúc 15h chiều 1/2, còn ảnh dưới là hiện trường ban đầu do đội tìm kiếm cứu nạn chụp vào ngày 26/2.
Có thể thấy, độ cao của các cọc trekking trên mặt đất gần như tương đương nhau ở cả hai bức ảnh, điều này có nghĩa là hơn 20 ngày sau khi đoàn leo núi gặp nạn vẫn không hề có một trận tuyết rơi dày đặc nào diễn ra, trên lều chỉ có một lượng nhỏ tuyết, ngoài ra trong đêm diễn ra sự kiện hoàn toàn không hề có bất kỳ trận tuyết lở nào và lượng băng tuyết tại lều là minh chứng rõ nhất cho điều này.
Sơ đồ căn lều trong sự kiện đèo Dyatlov
Có thể thấy rằng ngoài những vết cắt dọc được đánh dấu bằng màu xanh, cũng có một số vết cắt ngang được đánh dấu bằng màu đỏ. Thực tế, hai loại vết rạch khác nhau này có thể xuất hiện trong các tình huống sau: một thành viên trong nhóm đang ngủ bị đánh thức bởi một thứ gì đó bên ngoài lều và rạch lều với độ cao ngang tầm mắt ở tư thế ngồi để quan sát những gì đang diễn ra ở bên ngoài, sau khi xác định được mức độ nguy cấp của hình huống, các thành viên của đội leo núi đã nhanh chóng đưa ra quyết định rạch lều theo chiều dọc để cho thể nhanh chóng rời khỏi lều.
Vậy, họ đã thấy gì?
Trước khi trả lời câu trả lời này, chúng ta có thể loại trừ việc họ đã nhìn thấy những kẻ săn mồi như gấu hay chó sói hoang dã bởi khi mọi người nhìn thấy những loài động vật ăn thịt đang đói khát ở bên ngoài lều, tâm lý của con người phản ứng đầu tiên chắc chắn là không sốt ruột để dẫn đến hành động cắt mở lều và lao ra ngoài, thay vào đó là nghĩ cách để phản kháng lại. Nhưng có một sinh vật nguy hiểm có thể không cho chúng ta thời gian để phản ứng và suy nghĩ, đó chính là con người.
Với cách phân tích như vậy thì đây là giả thuyết giết người - giả thuyết này cho rằng đoàn leo núi nghe thấy tiếng nói bên ngoài lều, sau đó mở cửa lều và phát hiện ra rằng mình đang bị bao vây, và sau đó phải nhanh chóng cắt lều bỏ chạy dưới sự truy đuổi gay gắt của đối phương. Sự vội vàng này được thể hiện qua cách mà những thành viên trong đoàn leo núi không kịp mặc đủ quần áo ấm trên người. Nhưng có một thực tế là hiện trường của vụ án không hề xuất hiện dấu vết của những người khác ngoài thành viên trong đoàn leo núi, điều này có thể giải thích rằng kẻ sát nhân sau khi hành động đã cố tình phá hủy hiện trường để ngụy trang cho bản thân.
Ngoài việc đẩy tất cả sự phi lý của vụ án cho kẻ sát nhân không rõ danh tính thì vẫn còn có một cách giải thích khác, đó là thứ họ nhìn thấy không phải là một sinh vật mà là một hiện tượng bí ẩn. Rất có thể đó chính là vật thể màu cam. Vì vậy, vật thể này phải rất nguy hiểm và tiềm ẩn nguy cơ gây chết người, nếu không thành viên của đoàn leo núi đã không vội vàng chạy trốn như vậy. Vậy vật thể màu cam này là gì? Một vũ khí bí ẩn nào đó của quân đội Liên Xô hay sét hòn?
Một sơ đồ đơn giản cho thấy khoảng cách gần đúng từ hiện trường vụ án.
Cho dù đó là vũ khí bí mật của Liên Xô hay một vụ nổ sét hòn thì vẫn có một nghi ngờ không thể giải thích được: đoàn leo núi đã di chuyển với khoảng cách quá xa. Nhưng khi đội tìm kiếm cứu nạn tìm thấy căn lều, các thiết bị và thực phẩm bên trong đều được đặt cẩn thận, không có dấu vết hư hỏng, rõ ràng khu vực này không có vụ nổ vũ khí hay sét đánh đồng thời cũng không có khả năng xảy ra hỏa hoạn.
Với cự ly 2.000 mét, một người phải mất tới 30 phút để đi bộ với tốc độ của người bình thường khi đi trên phố. Nhưng đối với đoàn leo núi, họ không mang đủ giày cũng như quần áo ấm, đồng thời họ phải di chuyển trên tuyết dưới bóng tối và cái lạnh ấm 20-30 độ, chắc chắn thời gian di chuyển của họ sẽ lâu hơn rất nhiều. Và lý do tại sao họ phải đi một quãng đường xa dưới cái lạnh khắc nghiệt chỉ vì có một mối đe dọa chết chóc nào đó trong trại. Trong khi đó các khu vực lân cận hoàn toàn có thể trở thành những khu vực nguy hiểm.
Sơ đồ căn lều tại thời điểm xảy ra sự cố: A: những đôi giày của đoàn leo núi, B: rìu, nồi, cồn và các dụng cụ khác, C: hai đôi giày khác, D: đồ ăn.
Hãy thử tưởng tượng, điều gì đã xảy ra và khiến cho cả đoàn leo núi trở nên hoảng loạn mà không hề ảnh hưởng đến các thiết bị và các vật dụng ở trong lều? Rõ ràng câu trả lời được nhiều người nghĩ tới nhất đó là sóng âm hoặc một loại khí độc nào đó. Nếu đó là sóng âm, một học giả nghiên cứu người Anh từng chỉ ra rằng sóng hạ âm chính là thủ phạm gây ra vụ việc này. Sóng hạ âm là sóng âm tần số rất thấp, nguyên nhân hình thành rất phức tạp, có thể gây hoảng sợ, buồn nôn, tắc thở và các phản ứng có hại khác. Nhưng sóng hạ âm không phải là mối đe dọa chết người đối với con người, và những người khác nhau sẽ có khả năng chịu đựng sóng hạ âm khác nhau. Về cơ bản, không thể có chín người bị ảnh hưởng bởi sóng hạ âm cùng một lúc và có những phản ứng tương tự như nhau tại cùng thời điểm đó.
Có một khả năng khác: khí độc, và có lẽ đây mới là nguyên nhân dẫn tới vụ việc. Nhưng trước khi phân tích điều này thì chúng ta cũng giải đáp những câu hỏi tiếp theo tại kỳ sau của sự cố này.
Cùng đến với câu hỏi thứ hai, tại sao đoàn leo núi lại phải chia ra thành các nhóm nhỏ? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xác định quá trình di chuyển của đoàn leo núi tại sự kiện đèo Dyatlov. Xét theo dấu chân trên mặt đất, cả chín người của đoàn leo núi đều rời khỏi lều cùng một thời điểm. Những dấu chân rất đều và vững vàng, từ đó có thể suy đoán được rằng không ai trong số họ bị thương. Dựa trên suy luận này, tất cả thành viên của đoàn leo núi đã đi bộ vào rừng cùng nhau. Ở thời điểm đi tới gốc cây tuyết tùng, cả chín người của đoàn leo núi vẫn ở cạnh nhau và họ đốt lửa để tránh rét, cho đến khi hai người đầu tiên trong đoàn leo núi bị chết cóng.
Từ những bằng chứng tại hiện trường cũng cho thấy bộ đôi này phải bỏ mạng đầu tiên vì xác của họ được xếp thành một hàng, đồng thời quần áo cũng gần như bị lột sạch và được tìm thấy ở trên thi thể của nhóm 4 người dưới hố tuyết. Điều này cũng trực tiếp chứng minh rằng việc chia nhỏ ra để di chuyển của đoàn leo núi được diễn ra sau cái chết của hai thành viên Yuri Krivonischenko, 24 tuổi và Yuri Doroshenko, 22 tuổi.
Sau khi cởi quần áo của hai nạn nhân đầu tiên, đoàn leo núi quyết định tìm một nơi trú ẩn mới an toàn hơn, và họ tiếp tục di chuyển cho tới khi tìm được hố tuyết. Đây là một không gian kín, có thể chống chọi tốt với gió lạnh và mạng sống của họ tại thời điểm đó. Nhưng lúc này các thành viên đoàn gặp phải tình trạng thiếu đồ ăn, quần áo giữ ấm.
Cành cây và quần áo được tìm thấy trong hố tuyết.
Bởi vậy những thành viên còn lại của đoàn leo núi quyết định tách nhau ra. Ba người quyết định quay lại khu rừng và có vẻ như họ đang cố gắng quay lại lều, trong khi đó nhóm 4 người vẫn quyết định ở lại và cuối cùng họ chết dưới suối bên ngoài hố tuyết. Trêm thực tế, ý kiến này gặp phải rất nhiều sự phản bác của mọi người. Trong đêm lạnh giá (đài thời tiết địa phương ghi nhận nhiệt độ ban đêm lên đến âm 30 độ), tại sao họ không chọn đốt lửa và tiết kiệm năng lượng trong hố tuyết và chờ trời sáng thay vì tìm đến cái chết ngay trong đêm?
Có một ý kiến khác thì cho rằng ngay sau khi hai thành viên đầu tiên thiệt mang, nhóm 7 người đã thảo luận và chia nhau ra hành động. Nhóm ba người quyết định trở về lều, trong khi nhóm bốn người tính chuyện xuống núi cầu cứu.
Trên thực tế, theo báo cáo điều tra, bảy người này sau khi lấy được quần áo của của nhóm hai người chết dưới gốc cây tuyết tùng đều đã sở hữu khả năng kháng lạnh nhất định. Nếu không phải vì những tai nạn nào đó thì bọn họ sẽ không dễ dàng rơi vào tình trạng cảm lạnh. Và trong số bảy người còn lại, chỉ có Nikolay Thibeaux-Brignolles và Semyon Zolotaryov đi giày, còn lại những người khác chỉ mang tất trên chân. Trong trường hợp này, họ cần phải tản ra và yêu cầu sự giúp đỡ. Nhưng chính điều này cũng làm giảm khả năng sinh tồn của các thành viên trong đoàn leo núi.
Vậy tình hình thực tế vào thời điểm nó là như thế nào? Đây cũng là điểm mù của sự kiện đèo Dyatlov. Khi phân tích vụ án này có rất nhiều người cho rằng chỉ có một sự kiện duy nhất khiến cả đội rời lều, các thành viên trong đội thoát ra ngoài cùng với những vết thương nhỏ trên cơ thể và sau đó sự kiện thứ hai xảy ra và đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho những người còn lại phải tách nhau ra và bị thương. Vậy sự kiện thứ hai này là gì? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải tập trung vào câu hỏi tiếp theo.
Những vết thương của các thành viên của lại của đoàn leo núi đến từ đâu? Ngoại trừ hai người đầu tiên chết cóng, bảy người còn lại đều bị chấn thương ở các mức độ khác nhau. Nhóm ba bị thương nhẹ, trong khi nhóm bốn người bị thương nặng và rất nặng. Sự khác biệt này gần như có thể loại trừ khả năng họ bị những người bên ngoài đoàn leo núi tấn công vì sau khi giết hại 4 người, kẻ sát nhân sẽ chẳng có lý do gì để buông tha ba người còn lại (bộ ba không có giày và di chuyển trong tuyết kém linh hoạt).
Tất nhiên, điều này lại dẫn tới một khả năng khác đó là nhóm 7 người này đã nảy sinh mẫu thuẫn và họ đã đánh giết lẫn nhau, kết quả là bộ ba đã thắng nên thương tích nhẹ hơn. Tuy nhiên, trên cơ sở là không có mâu thuẫn rõ ràng giữa chín nạn nhân, thì việc phân tích họ đánh và giết nhau là hoàn toàn vô nghĩa.
Trên thực tế, báo cáo chính thức của Liên Xô đã ám chỉ sự thật - Liên Xô tuyên bố khép lại vụ án với lý do đoàn leo núi gặp phải là "trường hợp bất khả kháng". Điều này có nghĩa là họ chết dưới một tác động lớn và hoàn toàn phù hợp với kết quả khám nghiệm tử thi. Về nguyên nhân "bất khả kháng" này, nhiều người đã suy đoán từ thái độ không rõ ràng của quan chức Liên Xô rằng rất có thể có liên quan đến vũ khí bí mật. Tất nhiên, nếu bạn tưởng tượng thêm một chút thì có thể toàn bộ sự kiện đèo Dyatlov là một sự cố nhân tạo, nhằm che giấu bí mật gì đó...
Bức ảnh trong đêm cuối cùng của đoàn leo núi, mọi người trông có vẻ rất nghiêm túc, và dường như có ai đó đang nấp sau bàn.
Khi không thể tìm bằng chứng trong lớp tuyết, người ta đánh sự chú ý sang những đốm sáng trên bầu trời...
Với sự tan rã của Liên Xô năm 1991, truyền thông phương Tây cuối cùng cũng có cơ hội phỏng vấn Ivanov, khi đó là điều tra viên chính của cảnh sát Liên Xô. Vị cảnh sát trưởng già đã lặp lại bảy là về "fire orbs - quả cầu lửa" khi mô tả vụ việc với một phóng viên người Anh, đồng thời ông cũng đề cập đến "direct heat rays - tia nhiệt trực tiếp", dường như những điều này đang ám chỉ một loại sát thương nào đó.
Liệu đây có phải là sự hiện diện của một loại vũ khí mới? Tuy nhiên tác giả của bài báo lại cho rằng Ivanov đang miêu tả một thứ khác. Suy cho cùng, nếu đó là vũ khí thì nhất định vị cảnh sát già đã không cần phải sử dụng lối miêu tả mơ hồ như vậy.
Tiếp tục ý tưởng của câu hỏi 1, chúng ta tiếp tục bắt đầu từ "quả cầu màu cam" - xét cho cùng, đây là bằng chứng quan trọng nhất của sự việc này. Câu hỏi của chúng ta bây giờ đó là rốt cuộc "quả cầu màu cam" là gì? Tác giả cho rằng đó là sét hòn - một hiện tượng tự nhiên vẫn chưa được khoa học giải thích đầy đủ và cực kỳ hiếm xảy ra.
Đã có những ghi nhận về sét hòn sớm nhất là vào năm 1810. Theo ghi chép, thảm họa thiên nhiên này xảy ra ở Shahabad, Ấn Độ. Hiện tượng này đã trực tiếp phá hủy 5 ngôi làng và cướp đi sinh mạng của hàng trăm dân làng.
Trước hết, sét hòn là tia sét hình cầu có màu cam, đường kính vài mét hoặc thậm chí hàng chục mét, rất phù hợp với lời khai của những người chứng kiến. Khả năng gây chết người trực tiếp của nó thực sự không mạnh, và nó sẽ không gây ra nhiều sát thương tầm xa, nhưng nó tấn công vào các vật thể ở giữa rừng cây, tuyết, băng. Nhiệt độ cực cao tức thời sẽ khiến vật thể nổ tung, tạo thành hiệu ứng sóng xung kích quy mô nhỏ, điều này cũng phù hợp với các dấu vết thương tích nghiêm trọng của nhóm bốn người. Điều này khác hẳn với những tia sét thông thường.
Ngoài ra sét hòn không chỉ gây ra hiệu ứng sóng xung kích, khi hiện tượng này bay lơ lửng trên mặt đất thì nó cũng có thể gây ra các vết bỏng cho những người ở gần đó - điều này cũng khớp với những vết bỏng nhỏ được tìm thấy trong báo cáo khám nghiệm tử thi.
Quan trọng hơn, tia sét hình cầu có thể giải thích suy đoán về khí độc ở câu hỏi 1. Theo lời khai của các nhân chứng tham dự lễ tang, họ nhận thấy da của cơ thể nạn nhân có màu vàng cam không tự nhiên, rất giống với dấu vết tiếp xúc trực tiếp giữa Nitơ điôxít (NO2) và da - Nitơ điôxít là chất gây kích ứng màu nâu đỏ.
Sét hòn là một hiện tượng điện trong khí quyển chưa được giải thích. Thuật ngữ này đề cập tới những vật thể sáng chói, thường có hình cầu. Nhiều báo cáo trong quá khứ nói rằng sét hòn sẽ nổ trước khi biến mất, đôi khi gây ra tử vong, để lại trong không khí mùi của khí sulfur. Các thí nghiệm đã tạo ra được những hiệu ứng tương tự với những báo cáo về sét hòn, nhưng hiện tại người ta vẫn không biết liệu những hiện tượng này có thật sự liên hệ với bất kì hiện tượng tự nhiên nào xảy ra hay không. Các dữ liệu khoa học về sét hòn rất ít ỏi vì tính thất thường và không dự báo trước được của nó. Những chứng cứ về nó hiện nay chỉ là những chứng kiến của dân thường và do đó đã tạo ra những quan điểm không thống nhất. Do những mâu thuẫn và thiếu dữ liệu tin cậy, bản chất của sét hòn cho tới nay vẫn chưa được khám phá.
Trên thực thế khi khí Nitơ điôxít hòa tan trong nước sẽ tạo ra axit nitric (HNO3), khi trực tiếp hít phải khí này nạn nhân có thể bị phù phổi. Từ đó có thể đặt ra giả thuyết khi sét hòn phản ứng với Nitơ trong không khí với nhiệt độ cao đã tạo ra một lượng lớn Nitơ điôxít. Khi các thành viên của đoàn leo núi ngủ trong lều họ đã nghe hoặc ngửi thấy mùi được tạo ra từ sét hòn khi phản ứng. Khi ngửi thấy mùi, rất có thể khu vực xung quanh trại đã bị bao phủ bởi loại khí chết người này. Điều đó cũng có thể lý giải cho nguyên nhân vì sao các thành viên của đoàn đã chọn cách bỏ chạy. Trọng lượng của khí nitơ điôxít lớn không khí, vì vậy nó sẽ di chuyển từ nơi cao hơn xuống nơi thấp hơn và lúc này lựa chọn ẩn nấp ở những vị trí cao trong khu rừng là điều hoàn toàn hợp lý - như đã nhắc ở những phần trước, tổ điều tra phát hiện ra những cành cây bị đứt gãy và có dấu vết của việc những thành viên đoàn leo núi đã trèo lên cây tuyết tùng.
Vì vậy, tác giả bài báo - phóng viên người Anh đã phỏng vấn Ivanov tin rằng những thành viên của đoàn leo núi trong sự kiện đèo Dyatlov đã kém may mắn, những gì họ gặp phải chính là hiện tượng tự nhiên chưa từng có - sét hòn. "Tia" sét này đã hoành hành trong khu vực cắm trại của đoàn leo núi nhiều lần, đầu tiên là phá hủy trại của họ và sau đó trực tiếp gây ra những vụ nổ và sóng xung kích giết chết nhóm 4 người tại con suối cạnh hố tuyết. Nhóm ba người thì may mắn bi thương nhẹ hơn và cố gắng chạy về nơi cắm trại, nhưng đây cũng là những giây phút cuối cùng của cuộc đời họ.
Ngoài những điều trên, vẫn còn có rất nhiều nghi vấn cần được giải đáp trong sự kiện đèo Dyatlov. Và những nghi vấn này sẽ được nói tới trong phần tiếp theo và cũng là phần cuối của sự kiện đèo Dyatlov.
Trong phần cuối cùng này của sự kiện đèo Dyatlov, chúng ta hãy cùng giải đáp những thắc mắc và những bí ẩn vẫn chưa có lời giải đối với nhóm 4 người được phát hiện ở gần hố tuyết.
1) Tại sao lưỡi của Lyudmila Dubinina đã bị biến mất, trong khi đó Semyon Zolotaryov thì bị mất hai nhãn cầu. Và những phần còn thiếu này vẫn chưa được tìm thấy?
Câu hỏi này dễ khiến cho nhiều người hình dung tới những điều đáng sợ, nhưng trên thực tế, đây lại là câu hỏi có thể dễ dàng giải thích nhất. Trước khi trả lời câu hỏi này, trước tiên chúng ta phải bỏ qua cụm từ "cái lưỡi bị xé ra" được nhắc đến trong rất nhiều bài viết về sự kiện đèo Dyatlov trên Internet. Xét cho cùng, trong báo cáo khám nghiệm tử thi ban đầu của Dubinina, chỉ có duy nhất mọt cụm từ đề cập đến cái lưỡi: "the tongue is absent" (lưỡi đã biến mất). Trong khi đó, các vết thương khác trên cơ thể của nạn nhân được đánh dấu và giải thích một cách rất chi tiết, điều đó cho thấy các bác sĩ pháp y không ngạc nhiên vì thi thể bị chôn vùi trong tuyết suốt ba tháng thiếu một số bộ phận cơ thể.
Có thể giải thích rằng, cái xác đã bị ngâm trong dòng nước chảy trong ba tháng, lưỡi của nạn nhân bị đóng băng trong môi trường cực kì lạnh và sau đó nó vỡ ra rồi bị cuốn trôi theo dòng nước, khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra. Và điều này cũng có thể lý giải được cho việc tại sao Semyon Zolotaryov bị mất hai nhãn cầu.
2) Tại sao quần áo của nhóm 4 người lại chứa hàm lượng phóng xạ cao?
Tổng cộng ba mẫu vật được phát hiện có thành phần phóng xạ bất thường tại hiện trường:
1. Chiếc áo len màu nâu trên thi thể của Dubinina: 9900 decays/min 150 cm2.
2. Quần của Aleksander Kolevatov: 5000 decays/min 150 cm2.
3. Thắt lưng áo len của Aleksander Kolevatov: 5600 decays/min 150 cm2.
Giá trị phóng xạ của ba mẫu vật này cao hơn giá trị bất thường từ hai đến ba lần. Chiếc áo len trên thi thể của Dubinina trên thực tế lại thuộc về Yuri Krivonischenko trong nhóm hai người thiệt mạng đầu tiên. Dãy núi Bắc Ural từng xảy ra tai nạn nổ chất thải hạt nhân - thảm họa Kyshtym (tai nạn rò rỉ nhà máy điện hạt nhân ở Liên Xô vào cuối những năm 1950, đây là tai nạn rò rỉ hạt nhân nghiêm trọng thứ ba trong lịch sử nhân loại, chỉ đứng sau sự cố nhà máy điện Fukushima Icủa Nhật Bản và thảm họa Chernobyl ở Pripyat, Ukraina). Xem xét sự phát tán và rơi của bụi hạt nhân, không thể không gây ra ô nhiễm hạt nhân cho xác chết của các nạn nhân.
Trên thực tế trong quá trình điều tra, tổ điều tra phát hiện ra rằng Yuri Krivonischenko và Aleksander Kolevatov đều tình cờ làm trong nhà máy điện hạt nhân. Nên rất có thể lượng phóng xạ tồn tại nói trên đến từ hai thành viên này.
Ngoài ra, ngay từ phần đầu tiên khi giới thiệu các thành viên của đoàn leo núi, đã có xuất hiện một người hoàn toàn khác so với 9 thành viên còn lại, đó chính là Semyon Zolotaryov. Trong khi tất cả các thành viên khác của đoàn leo núi đều là sinh viên đại học của Học viện Công nghệ Ural, ở độ tuổi 20, nhưng Zolotaryov lại là một cử nhân 38 tuổi, và đang là giảng viên cho một trung tâm du lịch.
Hơn thế nữa, còn có rất nhiều chi tiết kỳ lạ về Zolotaryov:
1. Khi tham gia đội leo núi, anh ta không nói tên thật của mình mà dùng bút danh là "sasha".
2. Anh ta có rất nhiều tiền mặt và tài liệu trong ba lô.
3. Anh ấy có những hình xăm trên cơ thể (điều này rất hiếm ở Liên Xô vào thời điểm đó). Trong số đó có từ DAERMMUZAUAYA (bảng chữ cái Cyrill là ДАЕРММУАЗУАЯ, không có trong bất kỳ ngôn ngữ tự nhiên nào được biết đến bao gồm từ này).
4. Anh ấy đã tham gia Mặt trận phía Đông (Chiến tranh Xô - Đức) và sống sót, nhưng những người đồng đội cùng lứa của Zolotaryov chỉ có tỷ lệ sống sót là 3%.
Chính vì những lý do này mà sự thật về người đàn ông 38 tuổi nói trên trở thành một bí ẩn mà nhiều đồn đoán về anh ta đã lan truyền một cách hết sức nhanh chóng. Nổi tiếng nhất là những đồn đoán trong cuốn sách "Dyatlov Pass" do nhà văn người Nga - Alexei Rakitan viết. Trong đó có đề cập đến việc ba điệp viên của KGB thực sự đã cải trang thành những thành viên của đoàn leo núi và mục đích của họ khi đến dãy núi Ural là để liên lạc với các nhân viên CIA, còn leo núi chỉ là phương tiện để họ che giấu danh tính.
Tuy nhiên, việc liên lạc với người Mỹ gặp trục trặc, do đó CIA đã sử dụng các biện pháp bạo lực để giết toàn bộ đội leo núi, và Liên Xô đã thực hiện rất nhiều "chiêu" tại hiện trường vụ án để che dấu các hoạt động của KGB và CIA, chẳng hạn như làm giả quần áo phóng xạ. Một số vật chứng quan trọng bị mất tại hiện trường, mục đích là để biến sự kiện này thành một vụ án bí ẩn xoa dịu dư luận cũng như ngăn cản những người tò mò phát hiện ra sự thật. Và hiển nhiên với những lời đồn đoán này trong cuốn sách của ông, nó đã gây ra những hậu quả lớn ở Nga, bởi vì nó hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng của công chúng về sự kiện này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng sự suy đoán này cũng hoàn toàn vô căn cứ giống như việc đổ lỗi cho UFO trong sự kiện đèo Dyatlov.
Trên thực tế, đến thời điểm này, tác giả của cuốn sách "Dyatlov Pass" cũng phải thừa nhận rằng sự kiện đèo Dyatlov là vụ án bí ẩn nhất, kỳ lạ nhất mà ông từng được biết. Trong quá trình viết cuốn sách, Alexei Rakitan đã lật lại hoàn toàn những kết luận mà ông đã suy luận cẩn thận vài lần. Bởi nhà văn người Nga này nhận thấy rằng dù có suy luận như thế nào đi nữa thì cuối cùng sẽ luôn có một hoặc hai bí ẩn không thể giải thích được. Cuối cùng, sau khi trao đổi rất nhiều thông tin và lý thuyết, Alexei Rakitan đã cố gắng hết sức mình để đưa ra một lời giải thích mà bản thân nghĩ là hợp lý hơn, mặc dù ông nghĩ rằng những giải thích này có thể là sai lệch so với những gì thực sự xảy ra rất nhiều.
Nhưng bất kể sự thật ra sao, thì đây vẫn là một vụ án bí ẩn vẫn chưa có lời giải. Những gì có thể xác nhận chắc chắn chỉ là 9 cái tên của thành viên đoàn leo núi. Sự kiện đèo Dyatlov sẽ còn mãi trong dòng sông dài của lịch sử, nhắc nhở thế hệ mai sau không quên bi kịch bí ẩn này.
Hết.
https://genk.vn/
Đức Khương (Theo Trí Thức Trẻ)
Azazel biên tập.
Thảm Kịch Đèo Dyatlov Thảm Kịch Đèo Dyatlov - Đức Khương/ Azazel Biên Tập Thảm Kịch Đèo Dyatlov