The more that you read, the more things you will know. The more that you learn, the more places you'll go.

Dr. Seuss

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Lạc Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 115 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 595 / 0
Cập nhật: 2017-09-25 02:19:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 71 (2)
rong phòng Tô Nhược, Lý Thọ tìm được vô số thoại bản viết lại chuyện trong hoàng cung. Những thoại bản này đa phần do đám thư sinh nghèo thi mãi chẳng đậu viết nhăng viết cuội kiếm tiền sống qua ngày. Mỗi quyển kể một chuyện khác nhau, nhưng tựu chung đều ca ngợi hoàng đế trẻ tuổi anh tuấn, tình thâm nghĩa trọng ra sao, rồi kể cả chuyện phi tần trong cung ăn sung mặc sướng thế nào. Không chỉ vậy, Tô Nhược còn dành dụm tiền tiêu vặt hàng tháng để thuê một lão bà từng làm cung nữ thời trước đến nhà kể chuyện trong cung, dạy dỗ nàng ta lễ nghi các thứ. Lão bà kia xuất cung từ thuở hoàng đế còn chưa ra đời, nhưng vì mê tiền nên vẫn tán dương hoàng đế như thật. Từ rất nhỏ, Tô Nhược đã đắm chìm trong giấc mộng đẹp rằng một ngày nào đó, nàng ta sẽ được tiến cung sống đời nhung lụa, cùng nam tử cao quý nhất thiên hạ trọn kiếp ái ân.
Đáng tiếc, dựa vào xuất thân của Tô Nhược, ngay cả tuyển tú nàng ta cũng không đủ điều kiện tham gia. Ở Bách Phượng, quy định tuyển chọn hậu cung rất nghiêm ngặt. Để giữ cho dòng máu hoàng gia được cao quý thuần khiết, phi tần đều phải có xuất thân từ dòng chính thất của các danh môn thế gia. Theo lệ cũ, đáng lẽ cứ mỗi ba năm lại tuyển tú một lần. Nhưng hoàng đế lên ngôi khi còn nhỏ nên đến năm hắn mười bốn tuổi mới tổ chức tuyển tú lần đầu. Sau đó, để bổ sung cho hậu cung khỏi trống trải thì thỉnh thoảng đến ngày lành tháng tốt, hoàng hậu lại giúp hắn tuyển thêm vài vị thiên kim. Năm nay vốn đã định là lần đại tuyển thứ hai, thế nhưng hoàng đế lại bị ám sát. Tuyển tú đành phải dời lại vô thời hạn, không biết đã làm lỡ dở nhân duyên của bao nhiêu kim chi ngọc diệp.
Về lý, con gái thiếp thất, chỉ cần thân mẫu không quá thấp kém, nếu từ lúc sinh ra được ghi tên trong gia phả dưới tên đại phu nhân thì cũng xem như dòng chính. Ví như Tạ Thu Dung chẳng hạn, trên danh nghĩa nàng là con của đại phu nhân, từ nhỏ đã được giáo dưỡng như những đứa con dòng chính thất. Nhà ngoại nàng không quyền quý, nhưng tính ra cũng là một dòng họ thanh bạch. Do đó, nàng vẫn có quyền tham gia tuyển tú, còn suýt chút là trở thành mẫu nghi thiên hạ. Chỉ tiếc cho Tô Nhược gặp phải một đại phu nhân hẹp hòi, không chịu ghi tên nàng ta dưới tên của bà. Tô Nhược vì vậy mà không thoát được thân phận thấp hèn. Lớn lên, nàng ta hiểu được mình sẽ không có cơ hội tiến cung nhưng tham vọng thì lại càng cháy bỏng. Hảo Nương đã lợi dụng điểm này, dùng lời ngon tiếng ngọt dụ dỗ Tô Nhược ra khỏi phủ, tạo tình huống giữa đường gặp nạn để gây sự chú ý với hoàng đế. Tô Nhược tin theo, không ngờ lại hóa thành gặp nạn thật. Hảo Nương lợi dụng Tô Nhược để báo thù, nhưng chí ít không hại đến mạng nàng ta, trước khi bị xử tử lại còn chỉ chỗ nhốt Tô Nhược. Nhờ chút nghĩa tình này của Hảo Nương mà Tô Nhược gặp được hoàng đế. Tô Nhược chịu khổ mấy ngày, không ngờ trong rủi có may, cuối cùng lại công thành danh toại được thánh giá rước thẳng về hoàng cung.
Lý Thọ kể xong, lại ấm ức nói thêm:
- Mấy ngày nay Tô tiểu chủ cầu kiến hoàng thượng năm lần bảy lượt đều bị người từ chối, chẳng nghĩ đến nàng ta lại có gan nửa đêm đập cửa đòi người. Nếu long thể mà bị kinh động, nô tài có chết cũng không đền nổi tội.
Ta nghe rồi cũng nghẹn lời, chỉ có thể vỗ vai Lý Thọ an ủi vài lời rồi quay trở vào.
Bên trong, hoàng đế đã quấn chăn ngồi thu lu một đống trên giường. Hắn nhìn ta, cười tủm tỉm:
- Trẫm còn tưởng nàng sẽ khuyên trẫm đi thăm Tô thị chứ.
Ta treo lại áo khoác lên giá, cười trêu lại:
- Hoàng thượng nghĩ đến người ta thì cứ đi, thiếp nào dám cản.
Hoàng đế trề môi:
- Có thể nhìn thấy bộ dạng chua ngoa của hiền phi, trẫm đã thỏa lòng rồi.
Hắn nói rồi lăn kềnh ra giường. Ta cũng leo trở về vị trí, thong thả nói:
- Vì nàng chọn sai thời điểm. Nếu là ban ngày, thiếp còn tự mình dắt hoàng thượng sang thăm nàng ta ấy chứ. Đằng này nàng ta lại lựa lúc nửa đêm. Hoàng thượng mệt mỏi quốc sự cả ngày, giờ mới có thể nghỉ ngơi một chút. Sao thiếp có thể để nàng ta quấy phá hoàng thượng?
Đây là lời thật lòng. Lần trước Tô Nhược dám chuốc hương mê hoàng đế, lần này lại đến đánh thức hắn lúc nửa đêm, có lẽ không còn chuyện gì là nàng ta không dám làm.
Hoàng đế phì cười, lại nắm lấy tay ta:
- Tô thị cũng không phải là bất khả xâm phạm. Nàng ta hết lần này tới lần khác phạm đến tôn nghiêm của nàng. Nàng phạt nàng ta cũng không sao.
Ta lắc đầu:
- Cũng không phải việc gì quan trọng. Thiếp chỉ không muốn nàng ta làm ảnh hưởng đến long thể mà thôi.
Hai mươi năm qua, ta không có chút tôn nghiêm nào nhưng vẫn sống tốt đấy thôi. Tô Nhược năm lần bảy lượt vì tranh sủng mà giở trò ngu xuẩn hại đến sức khỏe của hoàng đế. Hắn không lo cho bản thân thì thôi, lại đi nghĩ đến tôn nghiêm của ta.
Bàn tay hoàng đế đột ngột siết chặt tay ta. Hắn kéo ta vào lòng, nói khẽ:
- Trẫm biết nàng nghĩ cho trẫm. Nhưng trẫm cũng không thể để nàng chịu thiệt thòi mãi được. Chuyện của Tô thị nàng không cần quan tâm nữa. Ngày mai trẫm sẽ chấn chỉnh nàng ta một chút.
Hoàng đế tỏ vẻ sủng ái Tô Nhược chẳng qua cũng là để dễ dàng nâng đỡ Tô ngự sử mà không bị triều thần nghi ngờ. Dạo trước hắn vừa mới nâng Tô ngự sử từ chức ngũ phẩm thiêm đô lên thành tứ phẩm phó đô ngự sử. Nay nếu bỗng nhiên trừng phạt Tô Nhược, chẳng phải là tiền hậu bất nhất hay sao? Ta cứ cho rằng hắn chỉ nói vậy để dỗ dành ta, không nghĩ hắn lại làm thật, mà còn làm rất hả lòng hả dạ.
Sáng hôm sau, hoàng đế bãi triều xong liền truyền Tô Nhược đến điện Cát Tường tiếp kiến, sau đó còn giữ nàng ta lại cả một ngày. Hai ngày liên tục như thế, cứ sáng sớm Tô Nhược lại bị triệu đi, tối mịt mới thấy thờ thẫn trở về. Chúng phi chẳng hiểu chuyện gì đang diễn ra, chỉ thấy Tô Nhược được triệu kiến liền liền thì ghen tức lắm. Người trong Cẩm Tước cung cũng bắt đầu xôn xao. Tiểu Phúc Tử đứng ngồi không yên, luôn miệng nói:
- Hoàng thượng sao lại dung túng nàng ta thế nhỉ?!
Trong lòng ta cũng hơi tò mò, không biết hoàng đế toan tính những gì, nhưng ngoài mặt thì vẫn tỏ vẻ không mấy quan tâm.
Cũng may, hoàng đế không để cho chúng ta thấp thỏm quá lâu. Đến ngày thứ ba, Lý Thọ lại lù lù xuất hiện ở Cẩm Tước cung, nhưng không phải tới triệu Tô Nhược mà là mang quà đến cho ta. Đồ mang đến cũng chỉ là vài cuộn tơ lụa cùng một ít trang sức thông thường, còn món quà thực sự thì đang khoác trên người Lý Thọ.
Hôm nay, bên ngoài cung y thông thường, Lý Thọ còn mặc thêm một chiếc áo khoác lụa màu tím nhạt, trên ngực áo thêu hình một đôi chim uyên ương đang tình tứ quẫy nước. Lúc Lý Thọ bưng quà vào, ta còn đang ăn sáng, suýt chút bị bộ dạng của hắn làm cho nghẹn chết.
Ngọc Nga vừa xoa lưng cho ta, vừa lém lỉnh trêu:
- Trông Lý công công hôm nay thực là đặc biệt.
Lý Thọ nhăn mặt, gắt:
- Cô thì biết cái gì?!
Lý Thọ cau có như thế, có thể thấy chiếc áo kì quái này không phải hắn tự nguyện mặc lên người. Ta cố nén cười, hỏi hắn:
- Đúng là chúng ta không biết chuyện gì cả. Chi bằng công công ngồi xuống uống trà rồi kể cho chúng ta nghe.
Ngọc Nga nhanh nhẹn kéo ghế, rót trà phụ họa:
- Phải đấy, Lý công công uống trà cho mát dạ!
Lý Thọ nguýt Ngọc Nga một cái rồi mới ghé mông ngồi xuống, rầu rĩ nói:
- Mọi chuyện cũng là do vị Tô tiểu chủ đó mà ra cả...
Mấy hôm trước, hoàng đế triệu Tô Nhược đến điện Cát Tường trò chuyện hồi lâu, chẳng hiểu thế nào lại nói đến việc thêu thùa. Hoàng đế nhìn thấy mẫu thêu hoa lan trên áo Tô Nhược bèn khen ngợi hết lời. Tô Nhược được hoàng đế khen thì mừng quýnh, nhận vơ công sức của nữ quan ở Ti chế phòng thành của mình cả. Hoàng đế chỉ đợi có thế, nhanh chóng đánh tiếng rằng mình đang cần một chiếc áo khoác. Hoàng đế nói ngọt như đường, Tô Nhược chẳng kịp nghĩ ngợi thiệt hơn đã nhận lời ngay. Kết quả chính là hai ngày trước, nàng ta đều phải đến điện Cát Tường may may vá vá từ sáng đến tối. Đến khi Tô Nhược đại công cáo thành, hoàng đế liền cho nàng ta trở về, không triệu kiến nữa. Về phần chiếc áo uyên ương thấm đẫm chân tình của Tô Nhược, hoàng đế ban ngay cho Lý Thọ.
Lý Thọ nhìn xuống đôi uyên ương méo xẹo trước ngực, mếu máo nói:
- Hoàng thượng đã lệnh cho nô tài hễ ra ngoài là phải mặc cái áo này, hết tháng mới thôi.
Hoàng đế cao gầy, Lý Thọ thấp béo. Áo may cho hoàng đế, Lý Thọ mặc vào chiều ngang chật ních không cài nổi khuy, còn chiều dài thì lòng thòng phất phới. Đã vậy, trong bao nhiêu thứ mẫu thêu, Tô Nhược lại chọn thêu uyên ương hí thủy. (1)
Áo thêu uyên ương mặc lên người Lý Thọ chẳng khác nào một trò cười. Lý Thọ lấy làm buồn khổ lắm. Hắn nói:
- Tháng này, nô tài sẽ không đi đâu cả.
Lý Thọ về rồi, ta và Ngọc Nga ôm nhau cười ngặt nghẽo. Ngọc Nga cười chảy cả nước mắt, hổn hển nói:
- Không biết Tô tiểu chủ nhìn thấy Lý công công ăn vận như thế đi lại ngênh ngang thì sẽ cảm thấy thế nào...
Ta cũng đã cười đến hụt hơi, phải hít thở một hồi mới trả lời nàng được:
- Chỉ mong nàng ta đừng giận quá mà phóng hỏa đốt trụi nhà ta.
Ngọc Nga lau nước mắt, vui vẻ đáp:
- Tô tiểu chủ cũng không đến nỗi ngốc nghếch. Ý của hoàng thượng nàng ta không hiểu nhiều thì cũng phải hiểu ít. Sau này có lẽ không dám giở trò mạo phạm chủ nhân nữa đâu.
Ta gật đầu, chỉ vào chỗ quà Lý Thọ vừa mang đến:
- Chỗ này đưa đến Bắc viện cho Phong tiệp dư và Diệu Hoa. Còn phía Đông viện...
Ngọc Nga không cần nghe ta nói hết câu đã hiểu ngay, nàng cười híp mắt:
- Phía Đông viện cứ để nô tỳ sắp xếp. Trong kho còn một cái ghế quý phi làm từ gỗ đàn hương. Để nô tỳ sai bọn Tiểu Phúc Tử khiêng qua đó tặng cho Tô tiểu chủ. Về sau lỡ nàng lại bị thiếu dương khí thì còn có cái mà ra sân nằm phơi nắng. (2)
Lý Thọ thân là Phó tổng quản Nội Thị Giám, hắn muốn ở yên một chỗ cũng khó. Đã vậy, hoàng đế xấu tính còn liên tục sai hắn đi đây đi kia, khiến cho câu chuyện cười này chẳng mấy chốc đã lan khắp hậu cung. Nghe đám cung nữ bên Đông viện báo lại, Tô Nhược khóc sưng cả mắt. Những ngày sau, hoàng đế có đến Cẩm Tước cung, nàng ta cũng chẳng dám cầu kiến nữa. Như vậy mới thấy hoàng đế lợi hại đến mức nào. Chuyện ở hậu cung rõ ràng là hắn không thèm quản, chứ nếu quản thì không cần giương đao múa kiếm cũng đâu vào đấy ngay.
_____
Lời tác giả:
Lâu nay trong các bộ phim/tiểu thuyết cung đấu thường có một chi tiết là hoàng thượng và nữ chính đang ngủ thì có nữ phụ giả bệnh đến kéo hoàng thượng đi mất, nữ chính thì khuyên hoàng thượng đi đi, xong rồi ngồi một mình khóc lóc buồn khổ, qua ngày hôm sau thì lại phải hao tâm tổn trí nghĩ kế báo thù nữ phụ. Mỗi lần xem đến đoạn này mình đều thấy tức lắm =.=''
Điều mình trăn trở là vì sao nam chính lại để nữ phụ leo lên đầu người mình thương như vậy? Vì sao nam chính không ra mặt chỉnh đốn nữ phụ mà phải để cho nữ chính tự báo thù? Vì sao nữ chính không dám đấu tranh mà cứ phải tỏ ra hiền đức bằng cách khuyên nam chính đi qua chỗ người ta? Và một điều nữa là vì sao nữ chính chỉ giận nữ phụ dám hớt tay trên của mình, chứ không giận cô ta quấy rầy lúc người mình thương nghỉ ngơi?
Biết là mỗi truyện, tác giả sẽ có dụng ý khác nhau, hoàn cảnh nhân vật cũng khác nhau, nhưng tức thì mình vẫn tức:v Cho nên, bây giờ mình mượn tình tiết cũ này viết lại theo ý mình để giải tỏa bức xúc:v Bình cũ rượu mới, hi vọng không bị chê là đạo văn =))
Chú thích:
(1) Uyên ương hí thủy:
(2) Ghế quý phi:
Thâm Cung Thâm Cung - Trần Lạc Hoa