From my point of view, a book is a literary prescription put up for the benefit of someone who needs it.

S.M. Crothers

 
 
 
 
 
Tác giả: Trần Lạc Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 115 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 595 / 0
Cập nhật: 2017-09-25 02:19:05 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 65 (2)
a muốn giữ Bạch Diệu Hoa ở lại dùng ngọ thiện nhưng nàng lại cáo lỗi xin về sớm. Thế là ta đành ăn trưa một mình.
Ngọc Nga đang đứng một bên gắp thức ăn cho ta, đột nhiên nói:
- Chiếc gối của Liên quý nhân tặng chủ nhân thật là đẹp. Người khác trông thấy đều phải trầm trồ.
Ta biết nàng đang thăm dò ý tứ mình, bèn cười nói:
- Đồ đẹp như vậy đem ra dùng thì thực là uổng phí. Khi nào Lâm Giang đến bắt mạch bình an, ngươi đưa cho hắn xem qua một chút rồi cất đi là được.
Ngọc Nga mỉm cười hài lòng, làm như vô tình tán gẫu:
- Nô tỳ chưa dùng gối thảo mộc bao giờ nên mới đi hỏi Vãn Tịch cách bảo quản. Nàng ấy dặn nô tỳ cứ mười ngày lại lấy thảo mộc trong ruột gối ra phơi nắng một lần, còn vỏ gối thì giặt bằng nước ấm. Ở chỗ Liên quý nhân có một chiếc gối uyên ương y hệt thế này, cứ bảo quản như vậy suốt một năm nay mà vẫn đẹp đẽ như mới.
- Ồ, thực thế sao?
- Bẩm chủ nhân, Vãn Tịch là cung nữ thân cận của Liên quý nhân, nàng ấy nói có lẽ không sai đâu.
- Liên Nhạc thực ưu ái bản cung quá. Chịu bỏ công làm một cái gối giống hệt của mình để tặng bản cung, xem như vất vả rồi.
- Liên quý nhân đúng là có lòng với chủ nhân hơn cả. Trịnh phi nương nương thân thiết với nàng ấy như vậy mà chỉ được tặng một đóa sen đơn giản. Thế mà chủ nhân lại được cả hình thêu uyên ương phức tạp thế này.
Xem ra lúc đó ta chẳng hề nhìn nhầm. Tia hi vọng lóe lên trong mắt Liên Nhạc quả nhiên là ý nghĩa này.
Muốn dùng một cái gối uyên ương để gợi nhắc tình xưa nghĩa cũ với hoàng đế?
Có ai lại hớ hênh bày đồ của nữ nhân khác trên giường để trượng phu nhìn thấy không? Liên Nhạc thực sự cho rằng ta ngốc đến thế sao?
Thực ra, ta không hề ghét bỏ Liên Nhạc. Hành động này của nàng cũng không tính là xấu xa gì. Nhưng dù có cảm thông với nàng thế nào đi nữa, ta vẫn không thể để nàng lợi dụng mình như vậy. Điều duy nhất ta hi vọng là nàng thật lòng đối tốt với Trịnh Vân Anh chứ không phải làm thân chỉ vì muốn tiếp cận ta.
Lần này Liên Nhạc muốn lợi dụng ta, ta có thể nghĩ đến tấm lòng nhi nữ thường tình mà không so đo với nàng. Nhưng nếu nàng dám làm tổn thương Trịnh Vân Anh, ta tuyệt đối không để nàng được yên thân.
Nghĩ đến đây, ta bèn bảo Ngọc Nga:
- Bản cung nhớ trong kho có một cây trâm dương chi bạch ngọc hình hoa sen. Ngươi đem nó đến tặng cho Liên quý nhân, xem như quà đáp lễ của bản cung.
Ta chỉ nói như vậy, Ngọc Nga đã hiểu ngay. Nàng cười cười đáp:
- Chủ nhân yên tâm, nô tỳ sẽ dặn dò Vãn Tịch cẩn thận. Đóa sen ngọc này chủ nhân rất yêu quý, mong nàng ấy giúp Liên quý nhân bảo quản cẩn thận chớ để nó bị tổn hại gì.
Ta mỉm cười gật đầu. Cho Liên Nhạc một lời cảnh cáo nhẹ nhàng là đủ. Thực ra chưa chắc nàng đã có ý đồ gì, có thể do bản thân ta đa nghi mà thôi.
Ta cũng chẳng có thời gian băn khoăn về Liên Nhạc, vì chuyện trước mắt cần tính toán là thọ yến của thái hậu. Đối với việc biểu diễn giúp vui này, không ngờ hoàng hậu lại tỏ ra vô cùng nghiêm túc. Nàng đã hào phóng tuyên bố: lục cung cần thứ gì cho tiết mục thì cứ nói một tiếng, nàng sẽ lo liệu chu toàn. Ta không sợ bêu xấu nhưng phượng ý quá rõ ràng, nếu ta làm ra trò ngớ ngẩn gì đó thì chẳng khác nào mạo phạm thái hậu, trái lệnh hoàng hậu. Suy đi nghĩ lại đủ đường, cuối cùng ta quyết định gọi đám người Phong Thể Minh, Bạch Diệu Hoa và Tô Nhược đến bàn bạc. Dù sao hoàng hậu cũng không chính miệng bảo cung chủ phải biểu diễn. Nếu ba người kia có thể nghĩ ra biện pháp gì, ta không ngại nhường đường cho bọn họ tỏa sáng.
Nghe ta trình bày xong, Phong Thể Minh là người đầu tiên lên tiếng:
- Thể Minh biết một bộ kiếm pháp rất đẹp mắt. Nếu nương nương có thể xin hoàng hậu cho Thể Minh một thanh kiếm thì không thành vấn đề.
Phong Thể Minh vừa dứt lời, Bạch Diệu Hoa đã lắc đầu:
- Kiếm thuật của Phong tiệp dư thiên hạ vô song, chỉ tiếc Lão Phật Gia thích thanh tịnh... Múa kiếm xem chừng không phù hợp.
Phong Thể Minh tiu nghỉu nhún vai:
- Như vậy thì Thể Minh không giúp được nương nương rồi. Nhưng... nghe nói Liễu thục phi rất thích nghe hiền phi nương nương đánh đàn. Hay là nương nương...
Lần này nàng còn chưa kịp nói xong, cả ta lẫn Bạch Diệu Hoa đã đồng loạt phản đối:
- Không thể được!
Chuyện Liễu Yến Yến thích nghe ta đánh đàn chẳng qua là lời mỉa mai của đám người thích ngồi lê đôi mách. Chỉ có Phong Thể Minh tính tình quá mức ngay thẳng mới xem là thật.
Phong Thể Minh bị gạt đi hai lần, liền khoanh tay không tham gia nữa.
Bấy giờ, Tô Nhược mới thỏ thẻ nói:
- Thần thiếp từng học qua vũ đạo, để thần thiếp thay mặt nương nương giúp vui cho thái hậu.
Sau sự việc vừa rồi, Tô Nhược vẫn giữ nguyên dáng vẻ ngây thơ vô tội. Nàng thấy ta không đả động đến chuyện xấu của mình thì lại càng tỏ ra thân thiết hơn.
Hậu cung biến hóa khôn lường, từ thuở bé ta đã hiểu rằng không được đánh giá thấp bất kì ai. Nhưng vũ đạo phải học từ lúc rất nhỏ mới thuần thục được. Dáng dấp Tô Nhược tuy nhìn cũng yểu điệu nhưng lại không đủ độ mềm mại của người học múa. Nàng ta múa liệu có ra thể thống gì không?
Ta nhìn sang Bạch Diệu Hoa và Phong Thể Minh, thấy nét mặt họ cũng không giấu nổi vẻ ngờ vực.
Tô Nhược thấy thế bèn rời ghế bước đến giữa phòng, khẽ nói:
- Chi bằng để thần thiếp múa thử một chút cho mọi người xem. Ngọc Lăng!
Cung nữ Ngọc Lăng mau chóng tiến vào. Nàng cúi đầu chào bọn ta rồi rút cây trường tiêu giắt ở thắt lưng ra, đưa lên miệng thổi. Một chuỗi âm thanh chua loét vang lên làm ngay cả Phong Thể Minh cũng giật bắn mình. Hơi của Ngọc Lăng không đủ mạnh nên khúc nhạc khi có khi không, giần giật đứt quãng chẳng thể nghe ra bài gì. Thế nhưng, điệu nhạc sật sượng ấy vẫn chẳng đáng sợ bằng những gì đang diễn ra trước mắt chúng ta.
Tô Nhược đứng xoay lưng về phía chúng ta, eo lưng thẳng đuột hết đong đưa sang trái lại lắc lư sang phải. Hai bàn tay nàng ta huơ lên cao, dường như muốn ấp lại thành hình búp sen dần dần bung cánh, chỉ tiếc xương cốt không đủ mềm dẻo nên nhìn thế nào cũng thấy giống đang khua khoắng đuổi ruồi. Khi điệu nhạc lên cao, Tô Nhược bèn quay ngoắt người lại, tay áo bồng bềnh che ngang mặt, chỉ lộ ra ánh mắt nhìn ta đắm đuối. Khí quản ta nghẽn cả lại. Mắt thấy Tô Nhược nhún nhảy tiến dần về phía mình mà ta dựng hết cả tóc gáy, chỉ muốn bỏ chạy ngay lập tức.
Ấy thế mà Tô Nhược chẳng thèm đếm xỉa đến vẻ mặt cứng đờ vì sợ của ta. Nàng ta cứ thế vặn vẹo thân hình, đi trên mũi chân mà tiến đến. Điệu nhảy này gọi là Bộ Bộ Liên Hoa, tức là mỗi bước chân từ lúc nhấc lên, xoay trở trên không trung rồi chạm đất đều đẹp đẽ như hoa sen nở rộ. Xưa kia mẫu thân ta lọt vào mắt xanh của phụ hoàng cũng vì Bộ Bộ Liên Hoa, sau khi thất sủng cũng dùng nó để níu kéo long tâm nên ta vừa nhìn đã nhận ra ngay. Mẫu thân ta mất mười năm ròng mới luyện thành chín bước của điệu nhảy này, khi nhảy bàn chân uyển chuyển tựa cánh hoa trước gió. Hình ảnh mẫu thân hân hoan nhảy múa dưới tán anh đào rực rỡ vốn là một trong những kí ức tươi đẹp nhất của ta, thế mà giờ đây bị Tô Nhược một nhát làm hoen ố hết cả. Chẳng biết nàng ta học lỏm ở đâu mà ngay cả cách giữ thăng bằng cũng không biết. Qua một bước thân thể lại nghiêng ngả muốn đổ rạp xuống sàn, tập tễnh mãi mới qua hết chín bước. Điệu nhạc chói tai của Ngọc Lăng bắt đầu chậm lại, có lẽ đã đến hồi kết. Tô Nhược cũng bắt đầu phất tay áo tứ tung, mắt đen ướt át đảo qua đảo lại cháy rực xuân tình. Khi nốt nhạc cuối cùng cất lên cũng là lúc nàng ta yểu điệu khum tay cúi chào, cổ áo vì vận động mà hở ra một mảng cảnh xuân phơi phới.
Nói "một ngày dài tựa thiên thu" thì ra chính là ý này. Ta chỉ xem Tô Nhược múa may chưa đến nửa khắc mà tưởng như bị tra tấn ròng rã mấy chục canh giờ. Phải chăng đây chính là quả báo cho việc khi xưa ta dùng tiếng đàn bật bông hành hạ lỗ tai của đám người kia?
Tô Nhược biểu diễn tài nghệ xong xuôi, hai má ửng đỏ nhẹ nhàng lùi về một bên chờ đợi. Khóe môi ta giật giật mấy cái, muốn nói mà chẳng thốt nên lời. Ta lén lút nhìn sang bên cạnh mới thấy hai người kia đều tái mặt cấm khẩu tự bao giờ.
Trải qua một khoảng yên lặng dài đằng đẵng, Tô Nhược đành ngẩng đầu bẽn lẽn hỏi dò:
- Có phải còn điểm nào sai sót không ạ? Xin mọi người cứ chỉ giáo, thần thiếp nhất định cố hết sức sửa chữa...
Còn điểm nào sai sót ư? Để nàng ta nhảy múa, ngay từ đầu đã là sai lầm tai hại rồi!
Đương lúc ta còn bối rối chưa biết nói sao thì Phong Thể Minh đã cất giọng nhát gừng:
- Tay chân Tô sung hoa thô cứng vụng về, không hợp nhảy múa đâu.
Phong Thể Minh lúc nào cũng thế, một lời đánh trúng trọng điểm, chẳng bao giờ rào đón dư thừa. Tô Nhược như bị vạn tiễn xuyên tâm, hai gò má thoáng chốc chẳng còn chút huyết sắc nào. Nàng ta ú ớ:
- Tiệp dư nói gì...
Phong Thể Minh đâu biết mình đã làm tan nát cõi lòng Tô Nhược, nàng thành thật nói tiếp:
- Thực ra Thể Minh thấy tướng bộ sung hoa vững chãi như tùng bách, nếu luyện chưởng thì vô cùng phù hợp.
Thường ngày Tô Nhược luôn cố tỏ ra yểu điệu, đi đứng cũng phải uốn mình cho thật uyển chuyển, y phục thì lúc nào cũng ba bốn lớp phất phơ cho ra dáng tiên tử. Nàng ta luôn tự mãn vì điều đó, vậy mà giờ đây lại bị Phong Thể Minh ví với cây tùng cây bách, thực chẳng khác nào sỉ nhục nàng ta. Gương mặt tái nhợt của Tô Nhược chợt đỏ gay, mơ hồ có thể nhìn thấy sát khí tỏa ra bốn phía.
Vào thời khắc nguy nan ấy, Bạch Diệu Hoa bỗng cất giọng mềm mại giải vây:
- Lão Phật Gia quanh năm tu hành, thiết nghĩ có lẽ sẽ không hợp với những vũ điệu quá mức... quá mức hoa mỹ...
Một từ "hoa mỹ" của Bạch Diệu Hoa quả nhiên điểm trúng lòng tự phụ của Tô Nhược. Nàng ta được khen một tiếng nên sắc mặt cũng dịu lại đôi chút:
- Thế Hoa muội có cao kiến gì chăng?
Bạch Diệu Hoa mỉm cười điềm đạm:
- Muội đúng là có một ý này...
Thâm Cung Thâm Cung - Trần Lạc Hoa