Tôi biết giá trị của thành công: cống hiến, làm việc chăm chỉ, và sự hy sinh không cần bù đắp cho những việc bạn muốn nó xảy ra.

Frank Lloyd Wright

 
 
 
 
 
Tác giả: Eiji Yoshikawa
Thể loại: Kiếm Hiệp
Số chương: 85
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1874 / 17
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 63 - Đĩa Cá Nướng
ỏ ý định đi Mitsu gặp Liêu Chính Mộ Đức, Thạch Đạt Lang phiêu bạc khắp miền trung nước Nhật gần hai năm. Cuộc sống khổ hạnh, bất trắc đã tôi luyện chí khí hắn, cho hắn nhiều dịp giúp đỡ đồng loại và những kinh nghiệm quý báu về kiếm thuật. Say mê nếp sống hải hồ, phóng dật, Thạch Đạt Lang không để ý đến bề ngoài. Quần áo lôi thôi lếch thếch, râu ria lởm chởm, hắn mặc kệ, đói thì đào củ, hái trái cây rừng mà ăn, lạnh thì hiên chùa, cùng lắm bụi cây, hốc đá chố nào cũng là chỗ trú.
Sau khi thoát hiểm trên đồi Hòa Đa, hắn đến Edo lưu lại vài ngày rồi lại hướng về phía Thiên Đài mà đi. Hắn không muốn sự ràng buộc nào nên đã quyết định không lên phương bắc phục thị Liêu gia nữa. Số tiền Mạc Khải Kỳ tặng chưa trả được, Thạch Đạt Lang vẫn còn áy náy.
Cuộc sống phiêu bồng đưa đẩy hắn đến bình nguyên Hotengahara, nơi đây năm trăm năm trước, Nasakado đã khởi loạn. Bình nguyên này cho đến ngày nay vẫn thế:
một vùng hoang vu đầy lau thưa với cỏ dại. Đây đó, vài gốc sồi ngả nghiêng bên những thân cây mục nát đổ dài trên đất sỏi như xác những kẻ chiến bại bị đốn ngã từ nhiều thế kỷ trước.
Mặt trời xế về tây. Ráng chiều nhuộm hồng mặt nước đầm cỏ lác gần đó khiến bóng những ngọn cói đen, cao, rõ rệt như cắt trên nền nước sáng.
Nhìn quanh không hy vọng gì có chỗ trú ngụ qua đêm, Thạch Đạt Lang ngồi nghỉ chân bên một gốc cây mục. Hắn cảm thấy mệt mỏi. Sau trận bão vừa qua trên đồi Tochigi, khí trời ẩm thấp lùa vào lần áo trong làm hắn rùng mình ớn lạnh. Đã mấy hôm nay chỉ ăn hạt giẻ với rễ cây, hắn ao ước một bếp lửa ấm, một bát cháo nóng hay một thứ gì ăn cho chắc bụng.
Cơn gió thoảng mang đến vị mằn mặn của muối. Tiếng ếch kêu lúc xa lúc gần.
Thạch Đạt Lang đoán chừng sắp hết bình nguyên. Cứ đi nữa chắc sẽ ra bờ biển, có thể gặp xóm chài nào đó xin tá túc. Nếu không lại phải ngủ qua một đêm ngoài trời nữa.
Những lúc khác, có lẽ Thạch Đạt Lang đã tận hưởng cái thú được một mình trong cảnh tịch mịch như thế này. Nhưng sau nhiều ngày thiếu thốn, hắn chỉ thấy một cảm giác đau thương đến buốt nhói trong lòng và muốn xua đuổi cái cảm giác ấy đi. Trớ trêu thay, tiếng muỗi vo ve cùng những tiếng côn trùng ri rỉ xung quanh lại như đồng lòng lôi kéo, bao vây hắn trong niềm cô quạnh mà hắn không sao dứt ra được.
Thạch Đạt Lang đứng lên men theo con lạch nhỏ. Đến bờ đầm, bỗng nghe bì bõm trong đám cỏ lác, rõ là tiếng chân người hoặc tiếng rái cá bắt mồi. Đầm này sâu, mặt nước cao, chắc rái cá tụ vào đây không phải là ít! Trong bóng tối chập choạng, hắn mở to mắt nhìn. Quả có bóng người đang lúi húi. Trông kỹ thì ra một đứa trẻ.
Thấy động, thằng bé ngẩng lên. Nó cũng chẳng khác gì con rái cá, quần áo đầy bùn đất nhưng hai mắt long lanh, đen, tròn nhìn Thạch Đạt Lang dò xét.
Mừng được gặp đồng chủng, Thạch Đạt Lang cười vui vẻ:
- Chú bé làm gì đó?
- Bắt cá!
Thằng bé đáp gọn lỏn, đồng thời giơ cho hắn xem chiếc rổ tre đựng chừng chục con cá to bằng ba ngón tay, vẩy trắng bạc đang quẫy lẫn trong những cọng rong và lá cỏ phủ trên mặt.
- Nhiều cá nhỉ!
Thằng bé lắc đầu:
- Cũng chẳng nhiều. Bắt từ trưa đến giờ mới được chừng ấy. Mùa thu rồi, cá trốn xuống bùn hết.
- Bán cho ta được không?
- Bán chỗ cá này ấy à?
- Ừ, cho ta mua, ta sẽ trả tiền.
- Không được. Cá này tôi bắt về cho cha tôi.
Dứt lời nó ôm rổ cá nhảy lên bờ. Một loáng đã mất dạng trong đám cỏ tranh cao bằng đầu người, không để lại dấu vết.
- Thằng này nhanh nhẹn quá!
Thạch Đạt Lang bất giác hồi tưởng lại những kỷ niệm cũ thuở thiếu thời và nghĩ đến Giang, đứa học trò nhỏ bây giờ chẳng biết trôi giạt nơi đâu. Lần cuối gặp Giang ở trấn Kiso, gần biên giới tỉnh, bấy giờ nó mới mười lăm. “Nay chắc đã lớn, gần mười bảy tuổi rồi còn gì! Tội nghiệp! Nó gọi mình là sư phụ, tôn kính phục thị mình mà mình đã làm được gì cho nó đâu!”.
Nhớ đến những lúc đi với Giang và Oa Tử, hắn phiền muộn khôn cùng, tự trách mình đã không làm tròn bổn phận bảo vệ hai người trong cơn hoạn nạn. Trăng lên từ bao giờ hắn không biết. Mãi khi nhìn thấy bóng mình kéo dài trên nền cỏ ướt sương, hắn mới sực tỉnh. Vầng trăng đầy, tròn vành vạnh tỏa ánh sáng lung linh lên cánh đồng mênh mông càng làm tăng nỗi hiu quạnh trong lòng hắn. Nhớ lại những đêm trăng sáng như đêm nay, Oa Tử thường mang sáo ra thổi. Qua nhạc dế nỉ non, Thạch Đạt Lang nghe văng vẳng tiếng sáo của Oa Tử xen lẫn với những tiếng cười trong như thủy tinh của nàng và Giang. Thạch Đạt Lang lẳng lặng đi như kẻ mộng du. Vầng trăng chênh chếch ngang vai, biểu tượng mối tình son sắt của nàng, theo hắn từng bước, trung thành và im lặng.
Đi như thế chẳng biết bao lâu, bỗng xa xa thấy thấp thoáng có ánh đèn. Mừng được chỗ nghỉ chân và biết đâu chẳng có cái gì ăn lót dạ, Thạch Đạt Lang rảo bước về phía ấy.
Nhưng đến nơi, căn lều gỗ trơ trọi đen ngòm sau rặng lau cao khiến hắn e ngại.
Cửa đã đóng kín. Một tiếng ngựa hí vang. Hắn giật mình nắm đốc kiếm.
- Ai đó?
Hắn nhận ngay ra giọng thằng bé bắt cá hồi chiều.
- Ta là khách lỡ đường, muốn ngủ nhờ một đêm, sáng mai đi sớm.
Tấm ván cũ dùng làm cửa được kéo sang bên, đứa trẻ thò đầu ra dò xét.
- À! Ông khách!
Đoạn bước hẳn ra ngoài, nhìn Thạch Đạt Lang một lúc, nó nói:
- Được, mời ông vào.
Căn lều đổ nát quá đỗi. Mái tranh nhiều lỗ hổng, ánh trăng xuyên qua vẽ lên vách lá những vệt sáng tròn loang lổ. Cuối lều sát với một căn phòng, tạm gọi là phòng vì được ngăn ra bằng mấy tấm ván cũ, là một chỗ lõm xuống dùng làm bếp. Trong bếp than, sậy đã tàn nhưng mùi khét của những thân sậy chưa cháy hết vẫn còn phảng phất.
Đứa bé khêu to ngọn đèn dầu thông đặt trên bệ đất, mời Thạch Đạt Lang ngồi vào chiếc chiếu độc nhất trải trên nền nhà rồi quỳ xuống trước mặt hắn, trang trọng nói:
- Xin tha lỗi, nhà nghèo không có gì đãi khách. Lúc nãy ở ngoài đầm, ông ngỏ ý muốn ăn cá, bây giờ còn ý muốn ấy không?
Trong căn lều nát, dáng trịnh trọng của thằng bé khiến Thạch Đạt Lang ngạc nhiên. Hắn không nói mà chỉ nhìn nó chăm chú. Thấy khách nhìn, thằng bé cũng nhìn lại, chờ câu trả lời.
- Ngươi bao nhiêu tuổi?
- Mười hai.
Đứa trẻ đáp buông sõng. Nhìn khuôn mặt nó, Thạch Đạt Lang phân vân vì nó hao hao giống một khuôn mặt nào đó hắn không nhớ. Tuy thằng bé nhem nhuốc đen đủi như củ sen vừa móc dưới bùn lên, nhưng khuôn mặt ấy có nhiều nét thanh tú. Đặc biệt là đôi mắt sắc sảo vô cùng, vừa thông minh vừa cương nghị khiến hắn có cảm tình ngay.
Không thấy khách nói gì, đứa trẻ lại tiếp:
- Trong nhà cũng còn cháo kê nấu đậu. Cá nướng phần cha tôi rồi, ông có thể dùng chỗ còn lại.
Thạch Đạt Lang mỉm cười nghe câu nói thật thà ấy. Hắn gật:
- Tốt lắm. Vậy mang ra đây cho ta.
- Ông dùng trà không?
- Nếu có trà thì còn gì bằng!
- Vậy ông chờ đấy.
Thạch Đạt Lang nghe tiếng đứa nhỏ bẻ những thân sậy ở phòng trong rồi tiếng thổi lửa phù phù. Chắc nó đang đun nước.
Qua khe vách, khói cuồn cuồn tuôn ra, xua hàng đàn muỗi với bọ mát bay tứ tung khắp chỗ.
Lát sau thằng bé bưng ra một cái khay gỗ trên bày lộn xộn những thứ thực phẩm vừa kể, kèm theo một ấm trà, đôi đũa và cái bát sành, để tất cả lên chiếu trước mặt khách.
Đang đói bụng, Thạch Đạt Lang không nề hà, ăn một loáng đã hết cả món cá nướng và bát kê nấu đậu. Hắn chép miệng ra vẻ còn thòm thèm, gật đầu cám ơn thằng bé.
- Ngon lắm! Cho ta gửi lời cảm ơn chủ nhà nữa. Chủ nhà đâu? Chắc ngủ rồi!
Đứa trẻ cười hì hì, lấy tay chỉ vào mũi mình:
- Chủ nhà đây!
Thạch Đạt Lang trố mắt:
- Ngươi là chủ nhà?
Đứa trẻ gật. Yên lặng ngượng nghịu một lát, Thạch Đạt Lang lại hỏi:
- Ngươi ở một mình thì làm gì mà sống?
- Bắt cá, trồng rau, cho thuê ngựa. Con ngựa buộc đằng trước ông thấy đó. Tôi cho thuê và làm nài giữ ngựa luôn.
Thằng bé vừa nói vừa thu xếp khay mang vào.
- Khuya rồi, ông đi nghỉ thôi! Nằm ngay trên chiếu ấy. Nhà chỉ có thế!
Thạch Đạt Lang cảm ơn, cởi áo ngoài ra làm gối, dựa song kiếm vào vách cạnh túi hành trang rồi nằm nghỉ. Giấc ngủ đến chập chờn. Qua tiếng muỗi vo ve, hắn nghe đâu đây tiếng mưa rơi trên mái tranh và tiếng rin rít của sắt đá cọ vào nhau. Tỉnh dậy, mồ hôi toát ra như tắm ướt cả lần áo lót.
Bên ngoài, ánh trăng vẫn vằng vặc. Từ hiên vọng vào nhiều tiếng xoèn xoẹt, dường như có người đang mài dao trên đá. Một con dao hay một lưỡi kiếm? Thạch Đạt Lang nhẹ nhàng ngồi dậy, đưa tay với thanh trường kiếm kéo lại gần mình. Tiếng mài dao dừng lại, tiếp theo giọng đứa trẻ hỏi:
- Ông tỉnh rồi à?
Hắn cau mày. “Sao nó biết mình đã tỉnh?” và hết sức ngạc nhiên về sự linh mẫn của thằng bé.
Ghé mắt qua khe vách, hắn thấy thằng bé bắt cá đang ngồi mài một lưỡi dao, loại dao dùng để phát cỏ của nhà nông, dài đến hơn thước. Bên cạnh nó là cái hũ sành đựng nước.
- Ban đêm mài dao làm gì vậy?
- Ông sợ hả?
Câu hỏi như nhát kiếm đâm vào tâm thức Thạch Đạt Lang. Hắn yên lặng, tự hỏi hay thằng bé này là một con rái cá thành tinh ở dưới đầm hiện lên trêu chọc hắn. Ở những chốn đầm lầy, thiếu gì chuyện chồn, cáo, rái cá sống lâu năm thành tinh có thể đọc được những ý tưởng thầm kín của người ta rồi đội lốt người, hiện lên quấy phá.
Thạch Đạt Lang đứng dậy bước ra hiên đến bên thằng bé:
- Ngươi mài dao làm gì thế? Hắn hỏi lại.
Đứa trẻ chùi lưỡi dao và quần rồi giơ lên cao. Lưỡi dao loáng dưới ánh trăng. Nó đưa hai ngón tay sờ thử xem sắc hay nhụt, đoạn nói:
- Ông nghĩ dao này chặt người làm đôi được không?
Thạch Đạt Lang cau mặt:
- Còn tùy...
Thằng bé ngẩng nhìn Thạch Đạt Lang ra ý hỏi.
- Còn tùy cách sử dụng. Ngươi biết cách dùng nó không?
- Biết chứ!
- Định chặt ai thế?
- Cha tôi!
Câu trả lời khiến Thạch Đạt Lang giật mình sửng sốt. Từ khi bước vào lều, hắn không ngờ đứa trẻ lại có ý tưởng ghê gớm đến thế!
- Chặt cha ngươi ra làm đôi? Ngươi nói đùa không đấy?
- Thật mà!
Thạch Đạt Lang phẫn nộ kêu lớn:
- Ngươi có ý định giết cha? Ngươi có biết thế là vô luân hay không? Đến lang sói ở đồng hoang này cũng không thế!
- Tôi đâu có giết. Tôi chỉ cắt đôi ra thôi mà...
- Thằng này điên rồi!
Thạch Đạt Lang nhảy lại định giật con dao. Nhưng thằng bé kêu lên:
- Không! Không! Nếu không chặt ra thì làm sao tôi mang đi chôn được!
Thạch Đạt Lang khựng lại:
- Thế cha ngươi chết rồi à?
- Phải. Chết rồi! Lúc sáng.
Thạch Đạt Lang thở phào tựa người vừa trút được một gánh nặng. Nhìn ra xa, đồng cỏ hun hút dưới ánh trăng mơ hồ như trong truyện liêu trai. Hắn lắc đầu, không ngờ cuộc đời lại có những chuyện bi hài đến thế được!
- Thi thể để đâu?
- Ở phòng trong, ông vào mà coi!
Thạch Đạt Lang theo thằng bé vào phòng. Nó mang theo cái đèn đã khêu to ngọn đặt lên chiếu. Trên chiếu, xác một ông già mặt kimono mới, nằm ngay ngắn, tay để lên ngực, mái tóc bạc phơ cuốn gọn gàng trong chiếc mũ vải nông dân. Đầu chiếu, trên một cái kệ thấp bày bát cơm, bát nước và một đĩa gỗ đựng mấy con cá nướng, một cái lọ nhỏ cắm vài bông hoa dại còn tươi.
Trông đĩa cá, nhớ đến lúc hắn đòi mua những thứ ấy của thằng bé mang về làm lễ cúng cha, Thạch Đạt Lang cảm thấy bẽ bàng. Nghĩ rằng hắn cũng đã chia sẻ một phần những lễ vật kia, Thạch Đạt Lang chắp tay cúi đầu kính cẩn trước thi hài chủ nhân để tỏ lòng cám ơn và từ biệt.
Thằng bé mắt đỏ hoe. Nó không khóc, chỉ bậm môi. Thạch Đạt Lang khen cho lòng can đảm ấy và liên tưởng đến hành động thực tế của nó, mài dao định cắt thi thể cha ra để mang đi chôn cho dễ, hắn không biết phải nghĩ thế nào. Trong những tâm hồn hoang dã, ý niệm về luân lý có khác với ý niệm của mọi người. Một hành động khác thường trong một cảnh huống khác thường, âu đành coi như vậy!
- Ngươi định chôn cha ngươi ở đâu?
- Trên đồi. Chỗ ấy cao, không ngập nước.
- Không mướn được ai khiêng xác hay sao?
- Không có tiền.
- Ta tặng một số tiền làm ma.
Đứa trẻ lắc đầu:
- Cha tôi không muốn thế. Ông không nhận tiền tặng của ai bao giờ, mà cũng không muốn lễ lạc gì ở chùa nên không cần tiền.
Xem thái độ của thằng bé và nghe những lời nó nói thì gia đình này chắc không phải gia đình nông dân và có một quá khứ muốn giấu. Tôn trọng ý muốn ấy, Thạch Đạt Lang đề nghị giúp đứa nhỏ trong việc chôn cất.
Hôm sau, mới hửng sáng, thi thể ông lão đã được bó chặt lên lưng ngựa chở đi, đứa bé dẫn đường và Thạch Đạt Lang theo sau.
Đồng hoang khá rộng, nhiều chỗ lầy lội chỉ mọc toàn một thứ cỏ lác. Gặp những chỗ như thế, ngựa chở nặng không qua được, Thạch Đạt Lang phải vác thi thể ông lão lên vai, lựa chỗ đất rắn hoặc bước lên thân cây đổ mà đi. Xế trưa mới tới bãi tha ma trên một quả đồi trong một khu rừng thưa. Rải rác đây đó vài ngôi mộ, có ngôi chỉ còn là những nấm đất thấp lè tè, cỏ đã vàng cháy.
Tìm đến chỗ mấy ngôi mộ cũ có dựng bia, đứa bé ngỏ ý muốn an táng cha ở đấy.
Hai người hì hục đào huyệt xong, đặt thi thể ông lão xuống và lấp đất. Đứa bé cắm những bông hoa dại lên mồ rồi chắp tay cung kính vái. Nó nói:
- Ông bà và mẹ tôi chết đều chôn ở đây cả. Những mộ này là mộ các vị ấy.
- Sao không có danh tính gì khắc trên bia mộ?
- Ông tôi không cho! Cha tôi dựng những tấm bia đá này để đánh dấu. Theo lời kể lại thì lúc còn sống, ông tôi được nhiều nhà quyền quý đến thăm, mời giữ nhiều chức vụ.
Nhưng ông tôi không nhận, bảo rằng kiếm sĩ chỉ thờ một chủ. Nếu thất bại, không bảo vệ được chủ soái thì phải mai danh ẩn tích đi. Cho nên ông tôi về cày ruộng, không muốn lộ danh tính nữa.
- Ngươi biết tên tổ phụ ngươi là gì không?
- Không. Cha tôi không cho biết.
- Cha ngươi tên gì?
- Người ta thường gọi là Hạo ông.
- Thế còn ngươi?
- Tôi tên Hạo đồng.
- Có anh chị em gì không?
- Có. Có một người chị lớn nhưng không biết mặt vì khi tôi sinh ra thì chị tôi đã biệt tích rồi. Không biết giờ ở đâu!
- Bây giờ còn một mình, ngươi định làm gì?
- Không biết nữa. Chắc vẫn bắt cá, trồng rau, chăn nuôi như trước.
Trên đường về, Thạch Đạt Lang nhìn cảnh bình nguyên trải dài trước mặt. Hắn lấy làm lạ tuy ở đây không có cây to, nhưng đất đai chẳng phải không màu mỡ. Xem những bụi lau, bụi cói thì biết. Xanh biếc tốt tươi. Chỉ những chỗ nào xa bờ đầm thì cỏ mới úa vàng cằn cỗi. Vấn đề có lẽ là nước. Hoặc trời ít mưa hoặc không giữ được nước lâu.
Nếu biết chế ngự thiên nhiên, con người sẽ giàu mạnh. Không hiểu vì sao vùng bình nguyên này lại không được khai phá. Cư dân ở đây quá nghèo. Đất rộng dân thưa mà phải chịu cảnh cơ cực thì cũng lạ. Nhìn Hạo đồng đi bên cạnh dắt ngựa, hắn tự nhủ:
“Như thằng bé này can đảm và tháo vát, nếu chưa khá được, chắc cũng vì còn nhỏ tuổi quá mà thôi!”.
- Hạo đồng! Ngươi muốn ở đây cả đời trồng rau, bắt cá không?
Nó lắc đầu:
- Không!
- Ngươi ước muốn làm gì?
- Làm kiếm sĩ. Tôi muốn được như cha tôi.
- Cha ngươi là nhà nông, đâu phải kiếm sĩ!
- Vừa là nhà nông, vừa là kiếm sĩ. Tôi vẫn thường xem ông luyện kiếm ở sau nhà.
Thạch Đạt Lang không hỏi nữa, lẳng lặng đi bên Hạo đồng. Những lời hắn dự đoán quả không sai. Hắn thấy thương thằng bé.
Lát sau, Hạo đồng ngập ngừng hỏi:
- Ông khách! Ông cũng là kiếm sĩ phải không?
Thạch Đạt Lang gật:
- Ngươi hỏi làm gì?
- Cha tôi chết rồi, không còn ai thân. Ông cho tôi theo được không?
Thạch Đạt Lang không đáp, cứ lẳng lặng đi. Hắn đã đoán trước ý thằng bé nhưng phân vân quá. Giang là đồ đệ mà hắn cũng chưa làm được gì cho nó, lại không biết hiện giờ Giang ở đâu; nay nhận thêm Hạo đồng nữa, trách nhiệm càng nặng, biết có chu toàn được không hay chỉ làm nó khổ! Nhưng thấy thằng bé nhỏ tuổi mà can đảm, trong tình trạng tứ cố vô thân khẩn cầu mình, nếu không giúp, nó sẽ trông vào ai? Nếu cứ sợ trách nhiệm thì không làm được gì. Cha mẹ sinh con, chưa chắc đã bảo đảm được đường đi của con mình...Vả lại ai có thể khách quan để cả quyết được đường này đối với nó là tốt, đường kia đối với nó là xấu? Hạo đồng muốn trở thành kiếm sĩ? Được! Nếu ước vọng của nó chỉ có thế, ta có thể dẫn dắt nó và trong cảnh ngộ này, có lẽ ta chỉ làm được vậy thôi.
Mải suy nghĩ và bị giằng co bởi lòng thương người và trách nhiệm, Thạch Đạt Lang vẫn chưa trả lời đứa bé.
- Nếu ông thuận, tôi sẽ dẫn ngựa và hầu hạ Ông. Ông chỉ phải dạy tôi cách đánh kiếm.
Thạch Đạt Lang bật cười:
- Không phải chỉ có thế. Muốn trở thành kiếm sĩ, ngươi phải nhẫn nhục và chịu nhiều gian khổ.
Cho là Thạch Đạt Lang không chịu thu mình làm đồ đệ, Hạo đồng quỳ ngay xuống trước mặt hắn, khẩn khoản:
- Xin ông giúp tôi thành kiếm sĩ. Lúc còn sống, cha tôi vẫn ước mong như thế nhưng chẳng tìm được ai để nhờ cậy.
- Hừ! Thôi đứng lên! Trước khi quyết định, ngươi hãy cho ta biết ngươi có đủ ý chí và khả năng không đã!
Hạo đồng mừng cuống quít:
- Dạ đủ! Đủ!
- Khoan, để xem.
Rồi nhìn quanh, Thạch Đạt Lang tìm được một cành cây gãy, nhặt đưa cho đứa bé:
- Cầm cành này đánh ta. Xem ngươi dùng gậy ra sao.
- Nếu đánh trúng, ông cho tôi theo chứ?
- Cứ thử đi đã.
Hạo đồng cầm cành cây múa tít xông vào. Thạch Đạt Lang né tránh rồi luồn ra phía sau phát vào lưng nó khiến nó ngã sấp. Lồm cồm bò dậy, thằng bé lại nhảy tới dùng cành cây đâm vào bụng Thạch Đạt Lang. Lần này nó chỉ đâm dứ. Cành cây chưa đến bụng, nó đã thu về phạt ngang chân địch thủ.
Thấy Hạo đồng cũng biết biến chiêu và cách cầm côn của nó tuy vụng về nhưng không đến nỗi tệ, Thạch Đạt Lang khen:
“Giỏi!”. Hắn đá cành cây bắn ra xa rồi thuận tay nắm thắt lưng thằng bé nhấc bổng lên. Hạo đồng dãy dụa, tức giận mặt đỏ bừng nhưng không thốt một lời nào.
- Ngươi đã chịu chưa? Có muốn học kiếm nữa không?
- Vẫn muốn học.
- Để làm gì?
- Để thắng địch thủ.
- Ngươi trong tay ta, thắng thế nào được!
- Ông khỏe và lớn hơn tôi nhưng tôi sẽ tập luyện để thắng.
Thạch Đạt Lang cười ha hả:
- Ngươi nên nhớ trong khi ngươi tập thì ta cũng tập...
- Nhưng ông nhiều tuổi hơn, ông già trước tôi. Tôi thắng ông được!
- Hừ! Nếu ta vất ngươi xuống phiến đá kia cho ngươi dập xương mà chết, ngươi có sợ không?
- Không sợ!
- Bướng thật!
Hắn ném Hạo đồng xuống cỏ. Thằng bé đau nhưng vùng trở dậy nhặt cành cây xông vào nữa, lần này dáng quyết liệt.
- Thôi!
Thạch Đạt Lang xua tay. Hắn nhìn Hạo đồng lăm lăm cây gậy, cười mà bảo nó:
- Được rồi. Ta thu ngươi làm đồ đệ.
Về đến lều, trời tối mịt. Trên quãng đường còn lại, Hạo đồng vui vẻ hết sức, nhất định mời Thạch Đạt Lang ngồi lên lưng ngựa để nó dẫn đi. Cách xưng hô của nó với Thạch Đạt Lang cũng đổi khác. Nó gọi Thạch Đạt Lang là thầy và xưng con.
Tuy không được học hành nhưng Hạo đồng tỏ ra lễ phép và cũng biết đôi chút đạo lý mà Thạch Đạt Lang đồ chừng đã được cha nó dạy cho. Ngoài ra, về gia thế, nó không rõ gì hơn ngoài họ nó là Hạo.
- Ông con trước khi chết đã đốt hết gia phả. Cha con lại không muốn tiết lộ lý lịch của tổ tiên nên đến đời con không còn biết gì nữa.
Thạch Đạt Lang thở dài:
- Thật đáng tiếc! Con là Hạo đồng, nhưng đồng không phải là tên riêng mà chỉ có nghĩa là thằng nhỏ. Từ nay ta gọi con là Hạo Nhiên, con có bằng lòng không?
- Hạo Nhiên là gì hả thầy?
- Hạo Nhiên là ngay thẳng. Ta muốn suốt đời con giữ cái chí khí ngay thẳng con vẫn có.
- Vậy con xin bái lĩnh.
Nói đoạn dập đầu xuống lạy tạ.
- Hạo Nhiên! Ngày mai chúng ta sẽ lên đường đi khỏi nơi đây. Đêm nay là đêm cuối cùng con sống dưới mái nhà này. Mười hai năm, chắc con có nhiều kỷ niệm. Hãy giữ những kỷ niệm ấy, đừng quên con thuộc dòng họ Hạo.
Mắt Hạo Nhiên mờ lệ.
- Thế con có được mang vật gì làm kỷ niệm trong nhà này không?
- Được! Con thích vật gì cứ mang, nhưng đừng cồng kềnh, cản trở bước đường phiêu lưu của con.
Hạo Nhiên vào phòng trong, lấy cái đĩa gỗ đựng cá cúng cha cất vào bọc.
Thạch Kiếm Thạch Kiếm - Eiji Yoshikawa