If you have never said "Excuse me" to a parking meter or bashed your shins on a fireplug, you are probably wasting too much valuable reading time.

Sherri Chasin Calvo

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年 Shikisai Wo Motanai Tazaki Tsukuru To, Kare No Junrei No Toshi
Dịch giả: Uyên Thiểm
Biên tập: Nhật Trường
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2233 / 237
Cập nhật: 2021-09-28 03:26:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 19
hinjuku là một ga đường sắt khổng lồ. Mỗi ngày có gần ba triệu năm trăm nghìn lượt người qua lại nơi đây. Sách Guiness đã chính thức công nhận ga JR Shinjuku là “Nhà ga có lượng khách lên xuống đông nhất thế giới”. Có trùng trùng những tuyến đường giao nhau trong ga, chỉ riêng các tuyến chính đã bao gồm Chuo, Sobu, Yamanote, Saikyo, Shonan, Tốc hành Narita. Đường ray của chúng vắt chéo nhau, đan vào nhau phức tạp đến đáng sợ. Có tất cả mười sáu ke tàu. Thêm vào đó có hai tuyến tư nhân là Odakyu và Keio, rồi ba tuyến tàu điện ngầm kết nối theo một hình dáng như những cái phích cắm vào từ hai bên mạng sườn. Đúng là một mê cung. Vào giờ cao điểm, cái mê cung ấy sẽ biến thành một biển người. Biển sủi bọt, cuộn xoáy, gầm thét, cứ nhắm đến lối vào và lối ra mà ập tới. Ở khắp nơi, dòng người di chuyển để đổi tàu trộn lẫn vào nhau, tạo thành những vòng xoáy nguy hiểm. Dù là một đấng tiên tri vĩ đại đến đâu cũng không thể rẽ nổi cái vùng biển đang cuộn xoáy lồng lộn ấy.
Thật khó mà tin được rằng, những con người với số lượng áp đảo như vậy, cứ năm ngày một tuần, hai lần một ngày vào các buổi sáng và chiều, lại có thể được lèo lái trơn tru và tài tình đến thế bởi một số lượng nhân viên nhà ga không thể nói là tương xướng. Giờ cao điểm của buổi sáng mới thật sự là vấn đề. Mọi người ai cũng gấp gáp hướng tới những đích đến riêng. Họ phải bấm máy chấm công trước giờ quy định. Tinh thần lấy đâu ra mà phấn chấn. Cơn ngái ngủ vẫn còn chưa tan hết, và những toa tàu chật ních gần như không một kẽ hở đang hành hạ thân thể và thần kinh họ. Chỉ những kẻ thậm may mắn mới được ngồi xuống ghế. Vậy mà chẳng bao giờ diễn ra xô xát, cũng chưa từng xảy đến một thảm họa thịt rơi máu chảy vì tai nạn, Tsukuru không khi nào ngừng thán phục về điều này. Giả sử những nhà ga và những toa tàu đông đúc đến vô độ ấy trở thành mục tiêu tấn công của bọn khủng bố điên cuồng và có tổ chức, thì không nghi ngờ gì nữa, nó sẽ gây ra một tình trạng chí tử. Thiệt hại hẳn sẽ vô cùng khủng khiếp. Đó sẽ là một cơn ác mộng vượt trên mọi tưởng tượng của những người làm trong công ty đường sắt, của cả cảnh sát và các hành khách. Mặc dầu vậy, cho đến lúc này hầu như vẫn chưa có một biện pháp nào nhằm ngăn chặn những thảm họa như thế. Và cơn ác mộng ấy đã thực sự xảy ra ở Tokyo vào mùa xuân năm 1995(25).
Nhân viên nhà ga liên tục hét lên và khấn nguyện bằng chiếc loa cầm tay, chuông báo khởi hành đổ liên hồi và gần như không nghỉ, máy soát vé không ngừng đọc các thông tin ghi trên thẻ, vé ngày và vé tháng với một khối lượng khổng lồ. Một cách có hệ thống, những đoàn tàu dài đi và đến theo đơn vị giây hệt như những con gia súc đầy cam chịu được huấn luyện tốt, vừa nhả ra, nuốt vào hàng đống người, đã cuống cuồng đóng cửa để hướng tới trạm dừng tiếp theo. Trong khi đi lên hoặc đi xuống cầu thang trong dòng người hỗn độn, nếu không may bị ai đó đằng sau giẫm phải chân làm tuột mất một bên giày, thì việc lấy lại là bất khả. Chiếc giày sẽ bị nuốt chửng và mất hút vào trong hố cát lún hung dữ có tên giờ cao điểm. Anh ta hoặc chị ta sẽ phải sống nốt ngày dài mà không có một bên giày.
Vào đầu những năm 1990, khi mà bong bóng kinh tế Nhật Bản vẫn đang phình lên, một tờ báo uy tín của Mỹ đã đăng bức ảnh cỡ lớn chụp cảnh dòng người đang đi xuống cầu thang ở ga Shinjuku vào giờ cao điểm một buổi sáng mùa đông (hoặc có thể là ga Tokyo, nhưng đằng nào thì cũng vậy). Không ai bảo ai, những hành khách đi làm trong bức ảnh thảy đều nhìn xuống đất và mang một bộ mặt u ám, không sinh khí như lũ cá đóng hộp. Bài báo viết: “Nhật Bản có thể rất giàu có. Nhưng nhiều người Nhật luôn cúi gằm với vẻ bất hạnh thế này.” Và nó đã trở thành một bức ảnh nổi tiếng.
Có thật là phần lớn người Nhật Bản bất hạnh hay không thì Tsukuru không rõ. Nhưng lý do thật sự mà những hành khách đang bước xuống cầu thang ở ga Shinjuku trong một buổi sáng đông đúc đều nhất mực cúi gằm là vì họ đang phải chú ý đến đôi chân, hơn là vì bất hạnh. Để không bước trượt hoặc đừng đánh mất giày -– ở những ga tàu khổng lồ trong giờ cao điểm – là một vấn đề vô cùng quan trọng. Bức ảnh đã không đề cập tới cái bối cảnh có tính thực tiễn ấy. Và những người đang cúi mặt bước đi trong tấm áo choàng với tông màu tối thường không bao giờ có vẻ hạnh phúc. Tất nhiên, vì về mặt logic, hoàn toàn có thể gọi một xã hội mà ở đó người ta không thể đi làm nếu không lo mất giày mỗi sáng là một xã hội bất hạnh.
Tsukuru thử nhẩm tính xem mỗi ngày người ta phải tốn bao nhiêu thời gian cho việc di chuyển để đi làm. Trung bình là một tiếng đến một tiếng rưỡi cho mỗi chiều đi, có lẽ vào khoảng đó. Một người làm công ăn lương bình thường đã lập gia đình, có một hoặc hai đứa con, đang làm việc tại trung tâm thành phố nếu như muốn sở hữu một căn nhà riêng thì chỉ có cách chuyển ra “vùng ngoại ô” cần ít nhất là một khoảng thời gian như thế để đi làm. Vậy là, trong hai mươi tư tiếng của một ngày, người ta sẽ tiêu tốn từ hai đến ba giờ đồng hồ chỉ dành cho cái hành vi di chuyển để đi làm. Trong một toa tàu chật kín, nếu khéo ra người ta có thể đọc được báo hoặc sách loại bỏ túi, hoặc cũng có thể nghe nhạc giao hưởng của Haydn, hay học hội thoại tiếng Tây Ban Nha bằng Ipod, hoặc có người sẽ nhắm mắt, đắm chìm vào những tư duy siêu hình miên man. Những xét theo ý nghĩa thông thường, thì khó có thể coi hai hay ba tiếng trong một ngày đó là khoảng thời gian hữu ích, khoảng thời gian có chất lượng nhất của cuộc đời. Có cả thảy bao nhiêu thời gian trong cuộc đời một con người bị tước đoạt và tiêu tan vào cái việc di chuyển (có lẽ là) vô nghĩa này? Nó đã làm kiệt quệ, bào mòn con người ta tới mức nào?
Tuy nhiên, đó không phải vấn đề mà một kẻ đang làm việc cho công ty đường sắt và chủ yếu phụ trách thiết kế nhà ga như Tazaki Tsukuru cần phải để tâm. Cuộc đời của mọi người nên để mặc mọi người. Đó là cuộc đời của họ, không phải cuộc đời của Tazaki Tsukuru. Cái xã hội mà chúng ta đang sống bất hạnh đến mức nào, hay không bất hạnh, là câu hỏi nên để mỗi người tự phán xét. Điều mà gã cần phải suy nghĩ là làm thế nào để dẫn lối một cách hợp lý, an toàn cho dòng người đông khủng khiếp ấy. Ở đó không yêu cầu sự phản tỉnh. Yêu cầu duy nhất là tính hiệu quả đã được kiểm chứng một cách đúng đắn. Gã không phải là nhà tư tưởng, cũng không phải nhà xã hội học, mà chỉ là một kỹ sư quèn.
Tazaki Tsukuru thích ngắm nhìn nhà ga Shinjuku của JR.
Mỗi lần đến ga Shinjuku, gã sẽ mua vé tiễn ở máy bán vé, rồi thường thì lúc nào cũng leo lên ke số 9, 10. Đoàn tàu tốc hành đặc biệt tuyến Chuo sẽ dừng ở dây. Đó là chuyến tàu cự ly dài chạy tới Matsumoto hoặc Kofu. So với các đường ke khác phục vụ chủ yếu cho người đi làm, số lượng hành khách lên xuống ở đây ít hơn, các chuyến tàu đi đến cũng không quá tấp nập. Gã có thể ngồi trên ghế và thong thả quan sát cảnh tượng của nhà ga.
Gã tìm đến ga đường sắt với cảm giác giống như người khác đi xem hòa nhạc, hoặc tới khiêu vũ ở câu lạc bộ, hoặc đi xem thể thao, hoặc đi mua sắm theo kiểu dán mũi vào tủ kính. Khi thừa thãi thời gian và không biết phải làm gì, gã thường tới ga một mình. Những khi tâm trạng bồn chồn hoặc có việc cần suy nghĩ, đôi chân gã cũng cứ nhằm thẳng ga mà bước. Thế rồi gã sẽ đặt người xuống băng ghế trên ke, uống cà phê mua ở cửa hàng, kiểm tra giờ tàu đi đến bằng bảng giờ tàu cỡ nhỏ (cái này cũng luôn nằm trong cặp của gã) và ngồi đó bất động. Bằng cách ấy, gã có thể giết thời gian trong nhiều giờ liền. Tất nhiên, gã không còn làm những việc giống như hồi sinh viên là quan sát hình dạng của nhà ga, luồng di chuyển của hành khách, các động tác của nhân viên nhà ga, rồi tỉ mỉ ghi chép lại những phát hiện vào trong vở nữa.
Đoàn tàu tốc hành đặc biệt giảm dần tốc độ trong lúc vào ga. Cửa mở, hành khách lần lượt xuống tàu. Chỉ cần trông thấy quang cảnh ấy, lòng gã đã cảm thấy mãn nguyện và yên ổn. Khi các chuyến tàu đi và đến đúng giờ mà không gặp trở ngại gì, thì mặc cho đó không phải nhà ga thuộc quyền quản lý của công ty mình, gã vẫn luôn cảm thấy tự hào, một nỗi tự hào âm thầm, giản dị. Tổ vệ sinh sẽ nhanh nhẹn leo lên những toa tàu vừa vào bến, thu lượm rác, lau dọn ghế. Các nhân viên phục vụ trên tàu đội mũ và mặc đồng phục tiến hành giao ban một cách nhịp nhàng, cứ như vậy, công việc chuẩn bị cho chu kỳ vận hành tiếp theo được thực hiện đâu ra đấy. Băng hiển thị bến cuối gần trên toa xe được thay thế, số hiệu mới sẽ được cấp cho đoàn tàu. Tất cả diễn ra một cách tuần tự, hợp lý và trơn tru với đơn vị được tính bằng giây. Đó là thế giới của Tazaki Tsukuru, gã thuộc về nó.
Gã cũng đã làm thế ở nhà ga trung tâm Helsinki. Xin lấy một bảng giờ tàu đơn giản, gã ngồi xuống ghế, vừa uống cà phê nóng trong cốc giấy vừa ngắm nhìn những đoàn tàu cự ly dài đi và đến. Gã kiểm tra bến cuối của mỗi đoàn tàu, hoặc xem chúng từ đâu đến bằng bản đồ. Gã ngắm nhìn bộ dạng của những hành khách đang xuống tàu, hết lượt này tới lượt khác, và những hành khách đang bước vội về phía đường ke cần đến. Gã dõi mắt theo từng động tác của nhân viên nhà ga và nhân viên phục vụ trên tàu. Bằng cách ấy, gã có được cảm giác yên ổn như mọi lần. Thời gian trôi đi đều đặn và mượt mà. Ngoại trừ việc không nghe thấy tiếng phát thanh trong ga, còn thì mọi thứ đều tương tự như khi ở ga Shinjuku. Có lẽ ở đâu trên thế giới này, quy trình vận hành ga đường sắt về cơ bản cũng giống nhau, một sự chuyên nghiệp đầy chính xác và thuần thục. Cảnh tượng ấy gợi lên trong gã một sự đồng cảm tự nhiên. Lúc đó, gã có cảm giác chắc chắn rằng mình đang ở đúng chỗ.
Thứ Ba, khi Tazaki Tsukuru xong việc thì kim đồng hồ treo tường đã chỉ tám giờ. Ở lại văn phòng vào giờ ấy chỉ còn có gã. Công việc gã đang phụ trách không yêu cầu khẩn trương tới mức phải làm thêm giờ. Nhưng vì đã hẹn gặp với Sara vào tối thứ Tư nên trước đó gã muốn giải quyết gọn ghẽ mọi thứ còn tồn đọng.
Sau khi đã hòm hòm, gã ngắt nguồn máy vi tính, cất các đĩa CD và giấy tờ quan trọng vào trong ngăn kéo có khóa, tắt điện phòng. Rồi gã chào người bảo vệ quen mặt và rời khỏi công ty từ cửa sau.
“Công việc kết thúc muộn quá nhỉ.” Người bảo vệ chào lại.
Gã định bụng đi ăn ở đâu đó, nhưng không thấy đói, song lại chưa muốn về nhà ngay. Thế nên gã mới đi tới ga Shinjuku của JR. Hôm nay, gã cũng mua cà phê ở cửa hàng trong ga. Một đêm oi ả đặc trưng của mùa hè Tokyo, tuy mồ hôi ướt đẫm lưng áo, nhưng gã vẫn thích uống loại cà phê đen nóng hổi còn đang bốc hơi hơn là uống lạnh. Đó chỉ là vấn đề thói quen.
Ở ke số 9, như thường lệ, người ta đang làm nốt các khâu chuẩn bị để chuyến tàu tốc hành đặc biệt cuối cùng đi Matsumoro có thể khởi hành. Nhân viên phục vụ trên tàu đi xuyên qua các toa và kiểm tra xem còn có sơ suất gì không, với đôi mắt lành nghề nhưng không sao nhãng. Đó là loại tàu E257 quen thuộc. Tuy không sở hữu vẻ tráng lệ mê hoặc lòng người như ở tàu Shinkansen, nhưng gã lại rất có thiện cảm với kiểu thiết kế đứng đắn, ít màu mè này. Tàu sẽ chạu theo tuyến Chuo đến Shiojiri, rồi sau đó theo tuyến Shininoi đến Matsumoto. Nửa đêm kém năm phút thì cập ga Matsumoto. Từ đây đến Hachioji, tàu phải hạn chế tiếng ồn do đi qua khu vực đô thị, tiếp đó lại phải chạy trên các cung đường trong núi với nhiều khúc quanh, nên không thể đẩy tốc độ lên cao. Thành thử dù khoảng cách không xa, nhưng vẫn mất khá nhiều thời gian.
Còn ít phút nữa thì công việc chuẩn bị để đón khách hoàn tất, những người sẽ lên chuyến tàu này đang tất bật mua cơm hộp, đồ nhắm, bia ở cửa hàng, và thủ sẵn vài quyển tạp chí. Cũng có những người đã tìm thấy thế giới nhỏ của riêng mình, đang đi lại với tai nghe màu trắng của Ipod cắm trong tai. Chỗ này chỗ kia, mọi người đang sử dụng điện thoại thông mình bằng những đầu ngón tay khéo léo, hoặc nói oang oang vào điện thoại đến át cả tiếng phát thanh trong ga để liên lạc với ai đó. Có một cặp đôi trẻ hình như đang đi du lịch cùng nhau. Họ ngồi tựa vai nhau trên ghế, to nhỏ chuyện trò trông thật hạnh phúc. Hai bé trai sinh đôi độ năm, sáu tuổi chừng như buồn ngủ bị bố mẹ kéo tay líu ríu chạy cắt qua mặt Tsukuru, tay chúng nắm chặt những cái máy chơi game nhỏ. Có hai người nước ngoài trẻ tuổi khoác những chiếc ba lô xem chừng khá nặng. Có một cô gái trẻ đang ôm hộp đàn cello, cô gái có khuôn mặt nhìn nghiêng rất đẹp. Những con người sẽ lên chuyến tàu tốc hành ban đêm và hướng tới một miền đất xa xôi nào đó – Tsukuru cảm thấy thật ghen tỵ với họ. Dù sao thì họ cũng có nơi để hướng tới.
Còn Tazaki Tsukuru thì chẳng có nơi nào để hướng tới.
Ngẫm ra, gã chưa bao giờ tới Matsumoto hay Kofu hay Shirijio. Nói vậy thì thậm chí gã còn chưa từng tới Hachioji. Dù cho đã ngồi ngắm không biết bao nhiêu chuyến tàu tốc hành đi Matsumoto từ ke tàu này của ga Shinjuku, song trong đầu gã chưa một lần xuất hiện cái khả năng là chính mình sẽ leo lên đó. Gã không hề nghĩ đến chuyện đó. Tại sao thế nhỉ?
Tsukuru tưởng tượng ra việc mình sẽ lên tàu và đi tới Matsumoto ngay lúc này. Chẳng có gì là không thể. Gã cảm thấy đó không phải một ý tưởng tồi. Dù gì thì gã cũng từng nảy ra ý định và đã sang tận Phần Lan cơ mà. Nếu muốn đi Matsumoto thì không có gì không thể. Đó là một thành phố như thế nào? Con người ở đấy sinh sống ra sao? Nhưng gã lắc đầu, từ bỏ ý định ấy. Gã sẽ không kịp từ Matsumoto về Tokyo trước giờ làm việc ngày mai. Chẳng cần kiểm tra bảng giờ tàu gã cũng biết. Vả lại, gã đã hẹn gặp Sara tối ngày mai. Đó sẽ là một ngày trọng đại đối với gã. Gã không thể đi Matsumoto bây giờ.
Gã uống nốt chỗ cà phê đã nguội, bỏ cốc giấy vào thùng rác gần đó.
Tazaki Tsukuru chẳng có nơi nào để hướng tới. Nó như một chính đề đối với cuộc đời của gã. Gã không có nơi nào để đi, cũng chẳng có nơi nào để về. Trước đây chưa từng có, và hiện nay cũng không. Nơi chốn duy nhất đối với gã là “nơi gã đang hiện hữu”.
Không, không phải vậy, gã tự nhủ.
Nghĩ kỹ ra thì trong đời mình, duy nhất một lần gã từng có nơi để hướng tới. Thời cấp ba, Tsukuru luôn mơ ước được vào trường Đại học Công nghệ Tokyo và học chuyên ngành thiết kế ga đường sắt. Đó đã từng là nơi để gã hướng tới. Và gã đã học cật lực vì điều này. Với kết quả của cậu, thì đến tám mươi phần trăm là không thể thi đỗ vào ngôi trường đó được đâu, thầy chủ nhiệm lạnh lùng thông báo với gã. Nhưng gã đã cố gắng và lách được qua khe cửa hẹp. Đấy là lần đầu tiên gã học xả thân đến thế. Mặc dù ngại phải tranh đua với người khác về ngôi thứ hay thành tích, nhưng chỉ cần được đưa cho một mục tiêu cụ thể mà gã thấy là xứng đáng, thì gã sẵn sàng dồn mọi tâm huyết, và có thể bộc lộ những khả năng tương ứng. Đó là một phát hiện mới mẻ đối với gã.
Và kết quả là, Tsukuru đã rời Nagoya và tới sống một mình ở Tokyo. Trong thời gian ở Tokyo, gã chỉ muốn mau chóng trở về thành phố quê hương để gặp lại và được ở thật lâu bên những người bạn. Đó đã từng là nơi để gã trở về. Cuộc sống đi đi về về giữa hai nơi khác nhau như thế diễn ra trong vòng hơn một năm. Nhưng bỗng đến mộc lúc, cái chu trình ấy đột nhiên đứt đoạn.
Thế rồi sau đó, gã chẳng còn nơi để đến, cũng chẳng còn nơi để về. Nhà gã vẫn ở Nagoya, căn phòng của gã vẫn được giữ nguyên, mẹ và chị gái lớn đang sống ở đó. Người chị sau cũng sống trong thành phố. Mỗi năm về quê một hoặc hai bận cho phải phép, lần nào gã cũng được chào đón nồng nhiệt, tuy nhiên về phần mình, gã không có gì để nói với mẹ và chị, cũng chẳng còn cái cảm giác thân thuộc khi ở cùng họ. Điều họ cần ở gã là cái hình bóng xa xưa mà gã đã bỏ lại như một thứ đồ vứt đi. Để tái hiện và cung cấp nó cho họ, gã buộc phải thể hiện một vai diễn gượng gạo. Những con phố của Nagoya đã trở thành lạ lẫm, vô vị. Ở đó, Tsukuru chẳng còn tìm thấy bất cứ điều gì mà gã cần, hay cảm thấy thân thuộc.
Mặt khác, Tokyo là nơi mà gã được ban tặng một cách tình cờ. Trước đây đó là nơi có trường học, còn bây giờ đó là nơi có chỗ làm việc của gã. Trên phương diện chức năng, gã thuộc về nơi ấy. Nhưng chỉ trên phương diện chức năng, Tsukuru sống một cuộc sống quy củ, thầm lặng ở Tokyo. Tựa như một kẻ lưu vong bị trục xuất khỏi tổ quốc, ở xứ người phải sống thật cẩn trọng sao cho đừng gây sóng gió, đừng gây rắc rối với xung quanh, để không bị tước mất giấy phép lưu trú. Có thể nói, gã đang sống ở đó giống như một kẻ lưu vong khỏi chính cuộc đời mình. Và một thành phố lớn như Tokyo là nơi nương náu lý tưởng dành cho những người muốn được sống ẩn danh như thế.
Gã không có ai đáng gọi là bạn thân. Có một vài người bạn gái, rồi chẳng mấy chốc lại chia tay, yêu đương hiền hòa và chia tay êm thấm. Chưa có một cô gái nào đi được vào bên trong trái tim gã. Phần vì gã không đòi hỏi một mối quan hệ kiểu ấy, và có lẽ phần vì các cô gái cũng không thèm muốn gã sâu sắc đến vậy. Có lẽ là năm mươi năm mươi.
Về thực chất, cuộc đời mình dường như đã dừng lại ở thời điểm khi mình hai mươi tuổi, Tazaki Tsukuru suy nghĩ trên băng ghế trong ga Shinjuku. Những chuỗi ngày trôi qua sau đó hầu như chẳng mang một sức nặng nào. Năm tháng lướt đi nhẹ nhàng xung quanh gã, tựa như cơn gió hiền hòa. Không để lại vết thương, không để lại cay đắng, không làm dậy lên những tình cảm mãnh liệt, cũng không để lại niềm vui hay kỷ niệm nào cụ thể. Và gã đang chuẩn bị bước chân vào lãnh địa của tuổi trung niên. Không, vẫn còn một ít thời gian nữa trước khi sang tuổi trung niên. Nhưng dù thế nào cũng khó mà nói rằng gã vẫn còn trẻ.
Ngẫm ra thì ở góc độ nào đó, có khi chính Eri cũng là một kẻ lưu vong cuộc đời. Bản thân cô cũng mang trong lòng những vết thương, điều đó buộc cô phải để lại nhiều thứ và rũ bỏ quê hương. Mặc dầu vậy, cô vẫn tìm kiếm và lựa chọn cho mình một chân trời mới ở Phần Lan. Và giờ đây, cô đã có chồng, đã có những đứa con. Cô còn có một công việc đáng để dồn tâm huyết là làm gốm, có một ngôi nhà mùa hè bên hồ, và một con chó khỏe mạnh. Cô cũng hiểu được tiếng Phần Lan. Cô đang từng bước vững chắc xây nên một tiểu vũ trụ ở nơi ấy, khác hẳn với trường hợp của mình.
Tsukuru đưa mắt nhìn chiếc TAG Heuer đeo trên cổ tay trái. Đang là tám giờ năm mươi phút. Chuyến tàu tốc hành đã bắt đầu đón khách. Những người mang theo hành lý đang lần lượt lên tàu và ngồi vào chỗ. Họ để túi lên giá hành lý, thở phào một tiếng trong toa tàu chạy máy lạnh và thưởng thức đồ uống mát. Gã có thể quan sát cảnh tượng đó qua ô cửa kính.
Chiếc đồng hồ này là một đồ vật hữu hình mà gã thừa hưởng từ cha mình. Một chiếc theo phong cách nghệ thuật cổ tuyệt đẹp được làm vào đầu những năm 1960. Nếu ba ngày liền không đeo, dây cót sẽ lỏng ra, kim đồng hồ sẽ dừng lại. Tuy nhiên, Tsukuru lại khoái cái điểm bất tiện ấy. Một sản phẩm cơ khí thuần túy và hoàn hảo. Mà không, có khi gọi là đồ mỹ nghệ cũng được. Không có bất kỳ một mẩu quartz hay vi mạch nào trong đó. Tất cả đều hoạt động răm rắp nhờ những cái lò xo và bánh răng tinh xảo. Và ngay cả hiện tại, sau gần nửa thế kỷ hoạt động không ngừng nghỉ, nó vẫn chạy chính xác đến kinh ngạc.
Tsukuru chưa bao giờ mua đồng hồ kể từ lúc sinh ra. Gã luôn dùng những chiếc đồng hồ rẻ tiền nhận được từ ai đó mà chẳng có chút cảm hứng nào. Chỉ cần biết chính xác giờ giấc là được, đó là cách nghĩ của gã về đồng hồ. Một chiếc đồng hồ điện tử tối giản của Casio để sử dụng hằng ngày là đủ. Vì thế khi cha mất, nhận được chiếc đồng hồ đắt tiền này như một kỷ vật, gã cũng chẳng buồn cảm khái. Gã bắt đầu đeo nó hằng ngày giống như một thứ nghĩa vụ, chỉ đơn giản là vì nó cần được lên dây. Nhưng sau một lần dùng thử, gã liền mê tít chiếc đồng hồ này. Gã thích cái cảm giác khi chạm vào, độ nặng vừa phải và tiếng máy chạy nho nhỏ của nó. Gã bắt đầu thường xuyên xem giờ hơn trước. Và mỗi lần như thế, hình ảnh người cha lại thoáng hiện về trong tâm trí gã.
Thật tình mà nói, gã không nhớ rõ lắm về cha mình, cũng chẳng bao giờ dậy lên cái cảm xúc nhớ thương. Kể cả hồi nhỏ lẫn khi đã lớn, gã không hề có kỷ niệm nào về việc cùng cha đi đâu đó hoặc hai người tâm sự riêng với nhau. Cha gã vốn dĩ là người trầm tính (ít ra thì ở nhà ông hầu như không mở miệng), và dù cho không phải vậy thì công việc hằng ngày của ông cũng đã quá bận rộn đến nỗi chẳng mấy khi về nhà. Bây giờ nghĩ lại, có lẽ ông đã cặp bồ ở đâu đó cũng nên.
Đối với Tsukuru, ông là cái gì đó giống như một người họ hàng rất oách thường hay đến chơi, hơn là một người cha máu mủ ruột rà. Thực chất, Tsukuru hầu như được nuôi nấng bởi mẹ và hai người chị gái. Gã gần như không biết chút gì về việc cha mình đã sống một cuộc đời như thế nào, có suy nghĩ và giá trị quan ra sao, hằng ngày làm những việc cụ thể gì. Một vài điều ít ỏi mà gã biết được về cha mình là ông sinh ra ở tỉnh Gifu, mất cha mẹ từ nhỏ, sau đó được người chú làm thầy tăng nhận về nuôi, rồi bằng cách nào đó ông tốt nghiệp cấp ba, gây dựng công ty từ con số không, thu lượm những thành công đáng kể và vun đắp được khối tài sản như ngày nay. Có một điều hiếm thấy là mặc dù là một người phải chịu nhiều gian khó, song ông không muốn kể về gian khó, có lẽ ông không muốn nhớ lại. Dù sao có một điều chắc chắn, ấy là cha gã có tài buôn bán hơn người, một kiểu tài năng có thể lập tức lấy được thứ mình muốn và sẵn sàng vứt bỏ mọi thứ không còn cần thiết. Người chị cả phần nào được thừa hưởng cái tài năng về mặt kinh doanh đó của ông. Người chị thứ lại được thừa hưởng một phần tính cách thiên về xã giao của mẹ. Tsukuru thì chẳng thừa hưởng bất kỳ một tư chất nào trong số đó.
Cha gã mỗi ngày hút liên tục hơn năm mươi điếu thuốc, rồi mắc ung thư phổi mà chết. Lúc Tsukuru đến thăm ông ở bệnh viện đại học(26) trong thành phố Nagoya thì ông đã không còn cất được tiếng. Khi ấy, cha gã dường như muốn nói điều gì với gã, nhưng mọi cố gắng đều bất thành. Sau đó một tháng, ông trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh. Tài sản mà ông để lại cho Tsukuru bao gồm căn hộ một phòng ngủ ở Jiyugaoka, một món tiền gửi ngân hàng kha khá mang tên gã và chiếc đồng hồ tự động hiệu TAG Heuer.
Không phải, ông còn để lại cho gã một thứ khác nữa, đó là cái tên Tazaki Tsukuru.
Lúc Tsukuru nói rằng gã muốn vào trường Đại học Công nghệ Tokyo và theo học một chuyên ngành, ông có vẻ khá thất vọng vì thằng con trai duy nhất đã chẳng tỏ ra hứng thú chút nào tới việc thừa kế công việc kinh doanh bất động sản mà mình gây dựng bấy lâu nay. Nhưng mặt khác, ông lại hết sức tán đồng với ý định trở thành kỹ sư của gã. Nếu con đã nghĩ vậy thì nên vào một trường đại học trên Tokyo, với tầm tiền ấy thì ta sẵn sàng chu cấp cho con, cha gã nói. Dù thế nào thì việc học lấy một kỹ thuật nào đó và tạo ra những thứ hữu hình đều tốt cả vì nó có ích cho xã hội. Chỉ cần học hành chăm chỉ và làm ra những nhà ga con thấy thích. Cha gã có vẻ vui sướng vì cái tên “Tsukuru” mà mình chọn đã không vô ích. Có thể đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng gã làm cha mình vui sướng, hoặc cha gã bày tỏ sự vui sướng ra mặt như thế.
Chín giờ, chuyến tàu tốc hành đặc biệt đi Matsumoto rời ga theo đúng kế hoạch. Gã vẫn ngồi nguyên trên ghế, dõi theo ánh đèn đang xe dần khỏi đường ray cho đến khi nó tăng tốc và biến mất hẳn vào tận cùng đêm hè. Chuyến tàu cuối ngày vừa khuất dạng, xung quanh bỗng chốc vắng hoe, nom như thể chính thành phố cũng bớt hẳn đi vẻ rực rỡ. Và giống như một sân khấu sau khi vở kịch kết thúc và ánh đèn đã tắt, gã đứng lên khỏi ghế, chậm rãi đi xuống cầu thang.
Ra khỏi ga Shinjuku, gã bước vào một nhà hàng nhỏ gần đó, ngồi xuống cạnh quầy bar, gọi một ổ thịt nghiền và sa lát khoai cây. Thế rồi món nào gã cũng bỏ lại một nửa. Không phải do vị dở. Cửa hàng đó nổi tiếng vì món thịt nghiền rất ngon. Chẳng qua tại gã không thấy đói. Cốc bia gã cũng chỉ uống hết một nửa rồi lại bỏ dở như mọi lần.
Sau đó gã lên tàu điện, trở về nhà, tắm gội. Gã kỳ cọ thật kỹ bằng xà phòng để tẩy hết mồ hôi trên cơ thể. Rồi gã mặc áo choàng tím màu ô liu (là món quà do bạn gái cũ tặng gã hồi sinh nhật thứ ba mươi), ngồì xuống chiếc ghế ngoài ban công, vừa hóng gió đêm vừa lắng tai nghe những tạp âm trầm đục và tắc nghẹt của thành phố. Đã sắp mười một giờ, nhưng gã chưa buồn ngủ.
Tsukuru nhớ đến những ngày tháng chỉ màng tới cái chết hồi sinh viên. Đã mười sáu năm. Hồi ấy, gã tin rằng chỉ cần nhìn thật sâu vào bên trong mình thì tim gã sẽ tự nhiên ngừng đập. Rằng nếu tập trung tinh thần và biến nó thành thứ sắc nhọn, chú mục vào một điểm thì trái tim sẽ lĩnh một vết thương chí mạng, tựa như chiếc kính lúp hội tụ các tia nắng và đốt cháy tờ giấy. Tự trong lòng, gã mong chờ điều ấy. Nhưng trái với ý muốn của bản thân, tim gã không ngừng đập dù nhiều tháng trôi qua. Tim không ngừng đập đơn giản đến thế.
Có tiếng máy bay trực thăng ở đằng xa. Hình như nó đang tiến lại gần, âm thanh mỗi lúc một lớn hơn. Gã ngước nhìn bầu trời hòng tìm kiếm cái bóng dáng ấy. Gã cảm thấy nó giống như sự xuất hiện của một sứ giả mang theo thông điệp quan trọng nào đó. Nhưng cuối cùng nó đã không xuất hiện, tiếng cánh quạt xa dần rồi mất hẳn về phía Tây, chỉ còn lại những tạp âm mềm nhũn khó nắm bắt của thành phố trong đêm.
Có thể điều mà Trắng mong muốn khi ấy là việc giải tán nhóm năm người. Khả năng ấy đột nhiên nảy đến trong đầu Tsukuru. Ngồi trên chiếc ghế ngoài ban công, gã từng bước tạo cho cái khả năng ấy một hình thù cụ thể.
Năm người bạn thời cấp ba thật hài hòa, khăng khít, hầu như không có khoảng cách. Họ chấp nhận, thấu hiểu nhau như những gì vốn có. Người nào cũng cảm thấy ở đó một niềm hạnh phúc sâu xa. Nhưng niềm hạnh phúc tột cùng ấy không kéo dài mãi, đến một ngày thiên đường sẽ phải mất đi. Con người trưởng thành theo những vận tốc riêng, vả chăng hướng đi cũng không đồng nhất. Cùng với thời gian, việc xảy ra những khập khiễng là khó tránh khỏi. Những vết nứt li ti cũng sẽ xuất hiện., và chắc chắn chúng sẽ không chỉ dừng lại ở mức độ li ti.
Hẳn là tinh thần của Trắng đã không thể chịu nổi cái điều sẽ phải đến ấy. Có thể cô cảm thấy rằng, nếu không sớm tháo bỏ sợi dây liên kết tinh thần với nhóm thì sự tan rã của nó sẽ cuốn theo bản thân cô, gây cho cô những tổn thương chí mạng. Giống như một kẻ nổi trên mặt nước bị hút vào vòng xoáy của con tàu đang chìm, và sau đó bị kéo xuống đáy biển.
Bản thân Tsukuru cũng phần nào hiểu được cảm giác đó. Nói đúng hơn là bây giờ thì gã hiểu. Chắc chắn là khi đó sự căng thẳng gây ra bởi những ức chế tính dục đã bắt đầu có một ý nghĩa không hề nhỏ. Tsukuru hình dung ra như vậy. Cái đã đem đến cho gã những lần mộng tinh sống động về sau có lẽ cũng là một thứ hệ quả của sự căng thẳng ấy. Có thể nó cũng đã gây ra một cái gì đó – tuy không thể biết là cái gì – ở bốn người kia.
Có lẽ Trắng muốn thoát ra khỏi tình trạng đó. Có thể cô đã không thể chịu đựng hơn nữa cái mối quan hệ con người quá ư mật thiết không ngừng đòi hỏi phải kiểm soát cảm xúc. Không nghi ngờ gì, so với cả nhóm thì Trắng là người có giác quan nhạy bén nhất. Và có lẽ cô đã nghe thấy tiếng kẽo kẹt ấy sớm hơn bất cứ ai. Nhưng cô không thể tự thoát ra khỏi cái vòng tròn kia bằng sức lực của mình. Cô không có được cái sức mạnh ấy. Vì thế mà Trắng đã dựng chuyện để biến Tsukuru thành kẻ bội giáo. Vào thời điểm đó, Tsukuru đã trở thành mắt xích yếu nhất trong cộng đồng vì là thành viên đầu tiên bước ra khỏi cái vòng tròn ấy. Nói cách khác, gã có đủ điều kiện để bị trừng phạt. Và trong cơn hoảng loạn đầy kích động gây ra bởi cú sốc khi bị cưỡng hiếp (kẻ nào đó đã hãm hiếp cô trong hoàn cảnh như thế nào và khiến cô có mang, có lẽ vĩnh viễn là một bí ẩn), cô đã dồn toàn bộ sức lực để kéo đứt cái mắt xích yếu nhất ấy, tựa như kéo cái cần hãm khẩn cấp trên tàu.
Phải lập luận như thế thì nhiều chuyện mới trở nên hợp lý. Có lẽ khi đó cô đã làm theo mệnh lệnh của bản năng là lấy Tsukuru làm bệ đỡ để trèo qua bức tường vây kín. Nếu là Tazaki Tsukuru thì dù bị đặt trong hoàn cảnh nào, cậu ta cũng có thể xoay xở để sống sót. Có lẽ Trắng đã cảm nhận được điều ấy bằng trực giác, cũng giống như cái cách Eri đã lạnh lùng đi đến một kết luận tương tự.
Cậu bạn Tazaki Tsukuru luôn bình tĩnh và duy trì được nhịp bước của mình một cách tỉnh táo.
Tsukuru đứng lên khỏi chiếc ghế ngoài ban công, trở vào phòng. Gã lấy chai Cutty Sark từ trên kệ, rót vào cốc, cầm nó lên tay rồi lại quay ra ban công. Gã đặt mình xuống ghế, đưa đầu ngón tay phải ấn thái dương hồi lâu.
Không, mình chẳng bình tĩnh, và chẳng phải lúc nào cũng duy trì được nhịp bước một cách tỉnh táo. Đó chẳng qua chỉ là vấn đề giữ thăng bằng. Gã chẳng làm gì khác ngoài việc lắc qua lắc lại quanh một điểm tựa cái quả nặng mà mình đang ôm trong lòng theo thói quen và sao cho thật khéo. Có thể nó rất nhẹ nhàng trong con mắt mọi người, nhưng đó hoàn toàn không phải một công việc đơn giản. Nó tốn công sức hơn những gì trông thấy. Và dù giữ được thăng bằng thì cũng không có nghĩa rằng tổng trọng lượng tác động lên điểm tựa sẽ nhẹ đi chút nào.
Dẫu vậy, gã có thể tha thứ cho Trắng, hay Yuzu. Cô chỉ đang ra sức bảo vệ chính mình, trong khi phải chịu một vết thương sâu sắc. Cô là con người yếu đuối. Cô không có khả năng tạo ra quanh mình một lớp vỏ đủ cứng để bảo vệ bản thân. Đứng trước cơn nguy ngập, việc tìm thấy dù chỉ một mảnh nhỏ cái nơi chốn an toàn cũng đã là quá sức với cô, nên cô không có đủ thời gian mà lựa chọn cách thức để làm chuyện đó. Ai có thể trách được cô? Nhưng rốt cuộc, cho dù chạy xa đến mất thì cũng không thể thoát. Cái bóng đen mang mầm mống bạo lực đã báo theo cô dai dẳng. Cái mà Eri gọi là “ác vong”. Và vào một đêm tháng Năm có cơn mưa âm thầm và lạnh lẽo, nó đã gõ cửa phòng cô, giết chết cô bằng cách siết một sợi dây quanh cái cổ họng mảnh mai và xinh đẹp ấy. Có lẽ ở một nơi đã được định trước, vào một thời khắc đã được định trước.
Tsukuru trở vào phòng, nhấc ống nghe, bấm phím tắt để gọi cho Sara mà chẳng suy nghĩ gì về ý nghĩa của hành động đó. Nhưng sau ba hồi chuông, gã bừng tỉnh, nghĩ lại rồi đặt ống nghe xuống. Đêm đã muộn, và ngày mai gã sẽ được gặp nàng. Gã có thể trực tiếp nói chuyện, trước đó thì không nên nói chuyện theo cái cách dở dang như thế này. Gã thừa hiểu điều đó, nhưng vẫn muốn được nghe thấy giọng Sara ngay lúc này. Đó là một cảm xúc trào ra tự nhiên từ bên trong gã, Tsukuru không sao có thể kiềm chế được xung động ấy.
Gã đặt chiếc đĩa “Những năm hành hương” do Lazar Berman biểu diễn lên mâm quay rồi hạ kim xuống. Gã định tâm, lắng tai nghe nhạc. Phong cảnh ven hồ vùng Hameenlinna hiện lên. Cánh rèm đăng ten màu trắng nơi cửa sổ lay động trong gió, con thuyền nhỏ dập dềnh trên sóng phát ra những tiếng lịch kịch. Trong cánh rừng, chim mẹ đang nhẫn nại dạy lũ chim con cách hót. Trên mái tóc Eri còn vương mùi dầu gội hương cam. Bầu vú cô mềm mại, nở nang, và mang một sức nặng đậm đặc của niềm ham sống. Cụ già có vẻ khó tính đã chỉ đường cho gã nhổ một bãi đờm cứng đanh vào trong bụi cỏ mùa hè. Con chó vẫy đuôi sung sướng và nhảy tót lên sàn để đồ của chiếc Renault. Trong lúc lần theo ký ức về những cảnh tượng ấy, cơn đau ngực gắn liến với chúng dần quay trở lại.
Tsukuru nghiêng ly Cutty Sark, thưởng thức hương vị của loại Scotch whiskey. Dạ dày gã bắt đầu nong nóng. Những ngày chỉ nghĩ tới cái chết suốt từ mùa hè cho đến mùa đông năm thứ hai đại học, đêm nào gã cũng uống một ly whiskey như thế này. Bằng không, gã không tài nào ngủ được.
Bất thình lình điện thoại đổ chuông. Gã rời xô pha, nhấc kim lên khỏi đĩa bằng cần nâng, rồi đến trước máy điện thoại. Chắc chắn đó là điện thoại của Sara, gọi vào giờ này chỉ có thể là nàng. Có lẽ nàng biết Tsukuru vừa gọi đến, nên mới gọi lại. Chuông đổ mười hai hồi liên tục, trong khi đó Tsukuru còn đang phân vân không biết có nên cầm máy hay không. Gã mím chặt môi, nín thở, trân trân nhìn vào điện thoại. Tựa như một người đứng hơi xa chiếc bảng đen đang rà soát từng chi tiết hòng tìm ra đầu mối của cái công thức toán dài dòng và hóc búa được ghi trên đó, nhưng chẳng rút ra được đầu mối nào. Cuối cùng tiếng chuông cũng tắt, sau đó là sự im lặng, sự im lặng thẳm sâu đầy hàm ý.
Để khỏa lấp sự im lặng ấy, Tsukuru lại hạ kim xuống mặt đĩa, quay về ghế xô pha, tiếp tục nghe nhạc. Lần này gã cố gắng không nghĩ đến bất cứ điều gì cụ thể. Gã nhắm mắt, để đầu óc trống rỗng, tập trung ý thức vào một thứ duy nhất là âm nhạc. Lát sau, như thể bị giai điệu ấy dẫn dụ, vô vàn những hình ảnh lần lượt hiện ra trước mắt gã, cứ hiện lên rồi lại biến mất. Đó là một chuỗi những hình tượng không có tính cụ thể hay ý nghĩa. Chúng lờ mờ hiện ra từ một cạnh tối tăm của ý thức, băng qua vùng khả kiến không một tiếng động, rồi bị hút mất vào một cạnh khác. Tựa như loài vi sinh vật mang một dáng đầy bí ẩn đang đi vắt ngang qua trường ảnh hình tròn của ống kính hiển vi.
Mười lăm phút sau, chuông lại vang lên, song Tsukuru vẫn không nhấc máy. Lần này, gã còn không cả tắt nhạc, chỉ ngồi nguyên trên xô pha và chăm chú nhìn chiếc điện thoại màu đen. Gã cũng không đếm số hồi chuông. Lát sau thì chuông tắt, chỉ còn nghe thấy tiếng nhạc.
Đó là Sara, gã nghĩ. Tôi muốn được nghe thấy giọng em, hơn tất thảy mọi thứ khác. Nhưng tôi không thể nói chuyện vào lúc này.
Ngày mai, có thể Sara sẽ chọn người đàn ông kia, chứ không phải mình. Gã ngả người xuống ghế xô pha, nhắm mắt lại và nghĩ như vậy. Điều ấy hoàn toàn có thể xảy ra, và đối với nàng, biết đâu đó mới là lựa chọn đúng đắn.
Người đàn ông ấy như thế nào? Hai người có mối quan hệ ra sao? Họ đi lại với nhau bao lâu rồi? Tsukuru không thể biết được những điều như thế. Mà gã cũng chẳng muốn biết. Gã chỉ có thể nói rằng, tại thời điểm này, cái mà gã có thể chìa ra cho Sara là vô cùng ít ỏi. Chúng sơ sài cả về số lượng và chủng loại. Và nếu nhìn vào nội dung, sẽ thấy hầu hết chúng đều chẳng bõ bèn gì. Có ai thật lòng mong muốn những thứ như vậy chứ?
Sara bảo rằng quý mến mình. Đó chắc hẳn là lời nói thật. Nhưng trên đời này có rất nhiều thứ không thể khỏa lấp chỉ bằng sự quý mến. Đời người rất dài, và đôi khi khắc nghiệt. Cũng có lúc cần đến kẻ hy sinh. Ai đó sẽ phải gánh vác nhiệm vụ này. Và cơ thể con người được tạo ra mong manh, dễ tổn thương, hễ cứa vào là chảy máu.
Dù thế nào, nếu ngày mai Sara không chọn mình, có lẽ mình sẽ chết thật, gã nghĩ. Dẫu là chết trên thực tế, hay chết một cách tượng trưng, thì cũng chẳng khác nhau là mấy. Nhưng có lẽ lần này thì mình sẽ tắt thở hẳn. Tazaki Tsukuru không màu sẽ hoàn toàn mất màu, lặng lẽ thoái lui khỏi thế giới này. Có thể tất cả sẽ thành hư không, thứ duy nhất còn lại chỉ là một nắm đất cứng đanh, băng giá.
Chẳng phải điều gì ghê gớm cả, gã tự nhủ. Đó là điều đã nhiều lần suýt xảy ra, và cho dù thực tế đã xảy ra thì cũng không có gì khó hiểu. Chẳng qua chỉ là một hiện tượng vật lý mà thôi. Lò xo của chiếc đồng hồ được lên dây trước đó lỏng dần, mô men tiệm tiến về không, rồi cuối cùng bánh răng ngừng chạy, kim đứng yên ở một vị trí. Im lặng bao trùm. Chẳng phải tất cả chỉ có vậy?
Gã lên giường, tắt đèn ngủ trước khi sang ngày mới. Giá như có thể mơ thấy Sara, Tsukuru thầm nghĩ. Một giấc mơ tục tĩu cũng được, mà không cũng được. Nhưng mong sao đó là một giấc mơ đừng cay đắng quá. Nếu là một giấc mơ mà gã có thể chạm tay vào người nàng thì còn gì bằng. Vì suy cho cùng đó cũng chỉ là một giấc mơ.
Lòng gã muốn có Sara, cái cảm giác có thể thèm muốn một ai đó tự trong lòng mới tuyệt diệu làm sao. Tsukuru thực sự cảm thấy được điều này, đã từ lâu lắm rồi, mà cũng có thể mới là lần đầu tiên. Tất nhiên không phải mọi thứ đều tuyệt diệu, kèm theo đó còn có cơn đau ngực và khó thở. Có nỗi sợ và sự dao động tối tăm. Song ngay cả cái cảm giác khổ sở ấy giờ đây cũng đã trở thành một phần quan trọng của yêu thương. Gã không muốn đánh mất tâm trạng ấy, cái tâm trạng mà gã đang mang lúc này. Khi đã đánh mất rồi, dễ thường gã sẽ không tìm lại được hơi ấm ấy thêm một lần nào nữa. Gã thà đánh mất chính mình, còn hơn là mất nó.
“Tsukuru à, cậu phải giành được cô ấy. Dù trong tình huống nào. Nếu vuột mất cô ấy bây giờ, thì không chừng cậu sẽ chẳng có được ai sau này nữa đâu.”
Eri đã nói như vậy. Có lẽ đúng như cô nói, dù thế nào cũng phải giành được Sara. Bản thân gã cũng hiểu điều này. Nhưng hiển nhiên, đó không phải việc một mình gã có thể quyết định. Đó là vấn đề giữa trái tim một con người, với trái tim một con người, có cho và có nhận. Đằng nào thì cũng phải đợi đến ngày mai. Nếu Sara lựa chọn và chấp nhận mình, mình sẽ lập tức ngỏ lời cầu hôn, và mình sẽ chìa ra mọi thứ mà mình có vào lúc này, bất kể đó là thứ gì, trong lúc còn chưa lạc vào rừng sâu và bị lũ người lùn bắt mất.
“Không phải mọi thứ đều đã biến mất vào dòng chảy thời gian.” Đó là điều đáng lẽ ra Tsukuru phải nói với Eri lúc chia tay bên bờ hồ ở Phần Lan – nhưng khi ấy gã đã không làm được. “Hồi ấy, bọn mình đã tin tưởng mạnh mẽ vào một điều gì đó, bọn mình có cái tôi dám tin tưởng mạnh mẽ vào một điều gì đó. Những cảm xúc như thế không thể nào biến mất vào đâu đó trong hư vô.”
Gã yên lòng, nhắm mắt, chìm vào giấc ngủ. Ánh sáng sau chót của ý thức nhỏ dần trong lúc từ từ tăng tốc, rồi bị hút trọn vào tận cùng đêm tối, tựa như đoàn tàu tốc hành đặc biệt cuối ngày đang khuất xa. Thứ duy nhất còn lại là tiếng gió lướt qua hàng bạch dương.
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương - Haruki Murakami Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương