Fiction reveals truths that reality obscures.

Jessamyn West

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年 Shikisai Wo Motanai Tazaki Tsukuru To, Kare No Junrei No Toshi
Dịch giả: Uyên Thiểm
Biên tập: Nhật Trường
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2233 / 237
Cập nhật: 2021-09-28 03:26:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ồi còn trẻ, bố em từng sống phiêu bạt trong khoảng một năm trời.” Haida bắt đầu kể. “Vào khoảng cuối những năm 1960. Đó là thời kỳ mà cơn lốc đấu tranh sinh viên cuốn phăng mọi thứ và là giai đoạn thịnh hành nhất của phong trào phản văn hoá. Em không được nghe kể tường tận về lý do, nhưng hình như trong khi đang theo học tại một trường đại học ở Tokyo, bố em đã tận mắt chứng kiến một vài sự kiện ngu ngốc không thể chấp nhận nổi nên đã mất hẳn cảm tình với phong trào đấu tranh chính trị và rút lui khỏi các hoạt động. Sau đó, ông nộp đơn xin bảo lưu ở trường rồi một mình lang thang, phiêu bạt khắp đất nước. Vừa làm những công việc chân tay để kiếm tiền trang trải sinh hoạt, vừa đọc sách, tiếp xúc với mọi người mỗi khi rảnh rỗi nhằm tích luỹ vốn sống thực tiễn. Bố em vẫn thường bảo, xét theo một khía cạnh nào đó, có khi đấy lại là thời kỳ hạnh phúc nhất đối với ông. Cuộc sống ấy đã dạy ông nhiều điều quý giá. Hồi còn nhỏ em thường được nghe kể về vô vàn những chuyện mà ông từng trải qua trong những ngày tháng đó, giống như là các giai thoại, về các cuộc chiến, ở những miền đất xa xôi, thời xa xưa, do các chiến binh kể lại. Sau quãng thời gian phiêu bạt, ông quay về trường đai học, giấu mình vào cuộc sống học tập và nghiên cứu thầm lặng. Kể từ đó ông không bao giờ đi xa thêm một lần nào nữa. Theo những gì em biết, nhìn chung ông chỉ đi đi về về giữa nhà và nơi làm việc. Thật kỳ lạ phải không. Có vẻ như một cuộc đời tưởng chừng vô cùng bình ổn và nhất quán, thì đâu đó vẫn tồn tại một khoảng đứt gãy. Cũng có thể gọi đó là quãng thời gian để điên. Một thứ mang tính dấu mốc như thế có lẽ luôn cần thiết cho cuộc đời con người.”
Mùa đông ấy, cha Haida làm chân tạp dịch cho một suối nước nóng nhỏ nằm trong vùng núi thuộc tỉnh Oita. Chàng thanh niên Haida thật sự mê nơi này nên quyết định trú chân ở đó ít lâu. Sau khi làm hết các công việc chân tay được giao hằng ngày, giải quyết xong mấy việc sai vặt, cậu có quyền tự do sử dụng khoảng thời gian còn lại. Tiền công không cần nói cũng biết là chẳng nhiều nhặn gì, nhưng được kèm ba bữa cơm cùng phòng trọ, tắm suối nước nóng thoả thích, lại được nằm khểnh trong căn phòng nhỏ hẹp của riêng mình và đọc bao nhiêu sách tuỳ ý vào những lúc rỗi rãi. Mọi người ở đó rất tốt bụng với “cậu sinh viên Tokyo” kiệm lời và dị thường ấy, bữa cơm chu cấp tuy đơn sơ, nhưng toàn món ngon được làm từ các loại thực phẩm tươi mới trong vùng. Và nhất là, nơi đó hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Sóng vô tuyến quá yếu nên không thể xem được truyền hình, báo giấy thì luôn chậm mất một ngày. Phải đi theo đường núi xuống phía dưới ba cây số mới tới được trạm dừng xe buýet gần nhất, chiếc Jeep già nua, rệu rã thuộc sở hữu của quán trọ là thứ duy nhất có thể qua lại trên con đường tồi tệ đó một cách nhọc nhằn. Điện lưới cũng mới được kéo về dạo gần đây.
Chảy qua trước quán trọ là một con suối rất đẹp, ở đó người ta có thể đánh bắt đủ loại cá sông, những con cá sặc sỡ và săn chắc. Lũ chim cất tiếng hót lảnh lót lúc nào cũng ríu rít chao lượn trên mặt suối, và không khó để bắt gặp đám lợn rừng hay khỉ. Núi là một kho báu rau rừng. Trong một khung cảnh cô tuyệt như thế, chàng thanh niên Haida được thoả sức đắm mình vào những cuốn sách và suy tưởng. Những sự kiện hỗn tạp của thế giới hiện thực hoàn toàn không thu hút được mối quan tâm của cậu.
Sau khi sống ở quán trọ ấy được chừng hai tháng, lần đầu tiên cậu trò chuyện với một vị khách trọ. Đó là một người đàn ông khoảng trên bốn mươi tuối, vóc người cao, chân tay dài lòng thòng, tóc ngắn, trán đã bắt đầu hói nhiều. Ông ta đeo cặp kính gọng kim loại, đầu tròn nhẵn như một quả trứng mới đẻ. Ông ta một mình lên tới đây theo đường núi, với chiếc túi du lịch bằng nhựa trên vai, và đã ở quán trọ này được một tuần. Khi đi ra ngoài, ông ta lúc nào cũng đóng bộ áo da, quần bò xanh và giày bảo hộ. Ông ta sẽ đội thêm mũ len, quàng quanh cổ chiếc khăn màu tím than vào những ngày trời rét. Tên ông ta là Midorikawa, it nhất thì ông ta cũng để lại cái tên đó cùng với địa chỉ ở thành phố Koganei, thủ đô Tokyo trong sổ đăng ký của quán trọ. Có vẻ là một người kỹ lưỡng và tỉ mỉ, ông ta luôn trả tiền trọ của ngày hôm trước bằng tiền mặt vào cuối mỗi buổi sáng.
(Midorikawa10? Lại thêm một kẻ có màu sắc. Nhưng Tsukuru không ngắt lời, mà tiếp tục lắng nghe câu chuyện.)
Người đàn ông tự xưng là Midorikawa khá rỗi rãi, hễ không có việc gì là lại ngâm mình trong bể nước nóng ngoài trời. Rồi đi dạo ở khu rừng kế bên, lần lượt nhấm nháp đám sách bỏ túi mang theo bên bàn sưởi (quá nửa trong số đó là tiểu thuyết huyền bí vô hại), uống đúng hai hộc 11 rượu hâm nóng vào buổi tối, không nhiều hơn, không ít hơn. Ông ta cũng kiệm lời chẳng kém gì cha Haida, ngoại trừ trường hợp bất đắc dĩ, còn thì tuyệt đối không mở miệng với ai. Tuy nhiên, những người làm ở quán trọ chẳng thèm đếm xỉa đến ông ta. Vì họ đã quá quen với loại khách này rồi. Cất công lặn lội tới tận cái suối nước nóng heo hút nằm tít sâu trong núi này ít nhiều đều là những kẻ khác người, mà càng ở lại lâu thì khuynh hướng đó càng mạnh.
Một lần, khi trời còn chưa hửng, chàng thanh niên Haida đang ngâm mình trong bể suối nước nóng lộ thiên bên bờ suối thì tình cờ Midorikawa cũng tới, ông ta chủ động bắt chuyện với cậu. Không hiểu sao ngay từ cái nhìn đầu tiên, có vẻ như Midorikawa đã tỏ ra rất quan tâm tới chàng thanh niên làm chân tạp dịch này. Có lẽ việc bắt gặp Haida đang lật giở tuyển tập của Georges Bataille trong giờ nghỉ cũng là một trong những nguyên nhân thu hút sự chú ý của Midorikawa.
“Tớ là tay chơi piano nhạc Jazz ở Tokyo, Midorikawa giới thiệu. Tớ có mấy chuyện cá nhân chẳng thú vị gì, rồi thì mệt mỏi với công việc thường nhật, muốn nghỉ ngơi ít lâu trong môi trường yên tĩnh nên mới một mình lần mò đến vùng núi heo hút này. Mà không hẳn vậy, nói đúng hơn, tớ đang đi lang thang vô định thì tình cờ tới nơi này. Ở đây hoàn toàn chẳng có một cái gì hết nên tớ thấy rất ưng ý. Hình như cậu cũng từ Tokyo tới phải không?”
Haida giải thích một cách kiệm lời về trường hợp của mình trong khi vẫn ngâm người dưới làn nước nóng trong bóng tối lờ mờ, rằng mình đang trong một chuyến đi không mục đích sau khi xin nghỉ ở trường đại học. Bởi vì đằng nào thì người cũng đã bị phong toả, nên có ở lại Tokyo cũng chẳng để làm gì.
Các sự kiện dậy sóng ở Tokyo không khiến cậu quan tâm ư, Midorikawa hỏi. Chẳng phải có một vài thứ để xem sao? Ngày nào cũng đầy những vụ ồn ào nổ ra khắp nơi. Cứ như thể thế giới đang lộn tùng phèo vậy. Không thấy tiếc khi bỏ qua cơ hội được chứng kiến tận mắt những chuyện đó à?
Thế giới đâu có lộn tùng phèo đơn giản như vậy, Haida đáp. Con người mới là thứ bị lộn tùng phèo. Chả có gì tiếc khi bỏ qua những chuyện kiểu ấy. Midorikawa xem ra rất thích thú với cách nói chuyện dửng dưng, cộc lốc đó.
Quanh đây có chỗ nào chơi được piano không? Ông ta hỏi Haida.
Qua khỏi bên kia quả núi là đến một ngôi trường cấp hai, có thể đề nghị họ cho chơi đàn trong phòng học nhạc sau giờ tan lớp, Haida trả lời. Midorikawa tỏ ra vui mừng khi biết điều này. Phiền cậu đưa tôi tới đó được không? Midorikawa ướm thử. Haida thuật lại với chủ quán trọ, người này bảo cậu nếu khách muốn thế thì cứ việc đưa đi. Chủ quán trọ gọi điện thoại cho trường học, thương lượng giúp việc mượn đàn. Sau bữa trưa, hai người vượt núi sáng ngôi trường cấp hai. Đường núi sau cơn mưa trơn tuồn tuột, Midorikawa buộc phải quàng chéo chiếc túi ra sau lưng, rảo những bước nhỏ chắc chắn. Mặc dù nhìn bề ngoài, Midorikawa có cái vẻ của một người lớn lên ở thành phố, song đôi chân lại rắn rỏi ngoài sức tưởng tượng.
Trong phòng học nhạc là cây dương cầm đứng đã cũ. Độ nặng của các phím không đều nhau, chất lượng chỉnh âm cũng chẳng có gì đáng khen, song về tổng thể thì vẫn chấp nhận được. Nghệ sĩ piano ngồi lên chiếc ghế kẽo kẹt, xoè bàn tay, thử qua một lượt tất cả tám mươi tám phím đàn và kiếm tra độ ngân của một vài hợp âm. Quãng năm, quãng bảy, quãng chín, quãng mười một. Xem ra ông ta không thật ưng ý với độ ngân của đàn, nhưng chỉ cần bấm các phím theo cách đó mà không kiểm tra gì thêm, có vẻ như ông ta đã cảm thấy một sự hài lòng nhất định trên phương diện cơ học. Nhìn động tác nhanh nhẹn, mạnh mẽ và dẻo dai của những ngón tay, Haida đoán chắc ông ta là một nghệ sĩ piano tương đối có tiếng tăm.
Sau khi đã nắm rõ tình trạng cơ bản của cây đàn, Midorikawa lấy từ trong túi đeo chéo ra một túi vải nhỏ, cẩn thận đặt lên trên mặt đàn. Một cái túi làm bằng chất vải thượng hạng, miệng túi được thắt bằng dây. Chắc là di cốt của ai đó, chàng thanh niên Haida trộm nghĩ. Đặt cái túi ấy lên trên mặt đàn khi chơi piano hình như là thói quen của ông ta, cử chỉ của ông ta tạo cho cậu ấn tượng như vậy.
Sau đó, Midorikawa bắt đầu chơi bản “Round Midnight” với vẻ e dè. Giống như một người thò chân xuống suối để kiểm tra tốc độ dòng chảy và tìm chỗ đặt chân, ông ta đánh các hợp âm một cách chỉn chu, thận trọng. Tiếp nối bản nhạc chính là một đoạn ngẫu hứng dài. Theo thời gian, các ngón tay ông ta bắt đầu uyển chuyển và khoáng đạt hơn, giống như đàn cá đã quen với làn nước. Tay trái cổ vũ tay phải, tay phải kích thích tay trái. Haida không phải người am hiệu nhạc Jazz, nhưng cậu biết bản nhạc này của Thelonious Monk, nên có thể cảm nhận được sự xuyên suốt và hoàn hảo trong phần thể hiện của Midorikawa. Ở đó ẩn chứa một linh hồn sâu thẳm, tới nỗi sự bất toàn trong quãng nhạc của cây đàn không còn là mối bận tâm. Lắng tai nghe bản nhạc ấy ở địa vị không gì hơn là một thính giả trong phòng học nhạc của ngôi trường cấp hai, cậu có cảm giác như thể mọi dơ bẩn trong thân xác mình đang được gột rửa. Vẻ đẹp ngay thẳng toát ra từ đó khi thì quyện vào, khi thì cộng hưởng với bầu không khí mát lành đầy ắp ozon và dòng suối trong suốt, điềm nhiên. Midorikawa cũng đang chuyên tâm chơi nhạc, tựa như mọi hỗn tạp của hiện thực đã hoàn toàn được giũ sạch khỏi bầu không khí quanh người ông ta. Trước đây Haida chưa từng thấy ai rơi vào trạng thái nhập tâm đến thế. Và cậu cũng không sao có thể rời mắt dù chỉ một giây khỏi mười ngón tay Midorikawa đang chuyển động như những sinh vật tách rời khỏi cơ thể ông ta.
Mất chừng mười lăm phút để chơi hết bản nhạc, sau đó Midorikawa lấy một chiếc khăn dày từ trong túi ra, lau sạch chỗ mồ hôi trên trán. Thế rồi, ông ta nhắm nghiền mắt hồi lâu như mặc tưởng. Cuối cùng, ông ta cất tiếng: “Vậy là đủ rồi. Vậy thôi.” Ông ta với tay lấy cái túi vải nhỏ trên mặt đàn, cẩn thận cất trở lại vào trong túi.
“Cái túi đó là gì thế?” Cha của Haida quyết định hỏi Midorikawa.
“Bùa đấy.” Midorikawa đáp gọn lỏn.
“Giống như thần hộ mệnh của đàn piano?”
“Không, có thể gọi đó là một phân thân của tớ.” Midorikawa vừa nở một nụ cười mệt nhọc nơi khoé miệng vừa đáp. “Cái này liên quan đến một chuyện hơi thần bí. Nhưng, chuyện rất dài, mà tớ lại quá mệt rồi, không còn đủ sức để kể ngay bây giờ.”
Haida tạm ngừng câu chuyện, đưa mắt nhìn lên đồng hồ treo tường. Sau đó quay sang nhìn Tsukuru. Tất nhiên, ở trước mặt Tsukuru lúc này là Haida con. Nhưng vì ở vào cùng một độ tuổi, nên trong ý thức của Tsukuru, vóc dáng, gương mặt hai cha con họ cứ tự nhiên quyện lẫn vào nhau. Một cảm giác khó tả như thể hai chiều thời gian khác nhau đang hoà trộn làm một. Hoặc có thể, kẻ thật sự trải qua chuyện đó không phải là người cha, mà chính là người con đang ngồi ở đây. Có thể cậu ta đang mượn hình ảnh người cha để kể lại trải nghiệm của mình. Đột nhiên gã bị xâm chiếm bởi một ảo giác như vậy.
“Đã khuya quá rồi, nếu anh buồn ngủ thì em sẽ kể tiếp vào lúc khác.”
Không sao, tớ chẳng buồn ngủ chút nào, Tsukuru đáp. Thực tế thì gã đang tỉnh như sáo. Gã muốn nghe phần tiếp theo của câu chuyện.
“Vậy thì em kể tiếp. Vì em cũng chưa buồn ngủ.” Haida nói.
o O o
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng Midorikawa chơi dương cầm trước mặt Haida. Dường như sau khi đánh bản “Round Midnight” trong vòng mười lăm phút ở lớp học nhạc của ngôi trường cấp hai ấy, ông ta đã hoàn toàn mất hứng với piano. “Ông không chơi piano nữa sao?” Dù cho chàng thanh niên Haida có dụ khị thế nào, ông ta cũng chỉ im lặng lắc đầu. Thế nên Haida cũng đành bỏ cuộc, Midorikawa chẳng còn có ý định chơi piano nữa rồi. Dù sao cậu vẫn muốn được nghe kỹ lại bài diễn tấu của Midorikawa một lần nữa.
Ở Midorikawa có một tài năng thật sự, điều đó thì không có gì phải nghi ngờ. Âm nhạc của ông ta chứa đựng thứ sức mạnh sai khiến người nghe về mặt cơ học và thể xác. Khi tập trung lắng nghe âm nhạc của ông ta, người nghe có một cảm nhận rõ rệt rằng mình đang được mang đến một nơi nào đó hoàn toàn xa lạ. Đó không phải một dạng cảm xúc có thể dễ dàng nảy sinh.
Việc sở hữu một tư chất khác thường như vậy có ý nghĩa thế nào với chủ nhân của nó là điều mà chàng thanh niên Haida không thể hiểu được bằng cảm giác. Đó là hồng phúc hay gánh nặng? Là ân sủng hay bùa ám? Hay nó đồng thời bao hàm tất cả những ý nghĩa đó? Nhưng nói gì thì nói, Midorikawa không mấy gây cho người khác cái ấn tượng rằng ông ta hạnh phúc về điều này. Những biểu hiện trên gương mặt ông ta thường chỉ ở giữa hai trạng thái: u uất và dửng dưng. Nụ cười hiếm hoi nơi khoé miệng luôn rất tiết chế và hàm chứa sự mỉa mai thông minh.
Một ngày nọ, Midorikawa cất tiếng gọi Haida đang chẻ và khuân củi ở vườn sau.
“Cậu có uống rượu không?” Ông ta hỏi.
“Một chút thì được.” Haida đáp.
“Một chút là được rồi. Tối nay sáng uống với tớ nhé? Tớ chán uống một mình rồi.” Midorikawa nói.
“Tôi có chút việc vặt vào cuối giờ chiều, chắc phải sau bảy rưỡi mới xong.”
“Không sao. Khoảng bảy rưỡi tới phòng tớ.”
Bảy rưỡi, chàng thanh niên Haida tìm đến phòng Midorikawa. Bữa tối đã bày ra cho hai người, rượu nóng cũng được sắp sẵn. Hai người ngồi đối diện nhau, uống rượu và dùng một nửa, ông ta chỉ toàn tự tay rót rượu và uống. Không kể gì về bản thân, Midorikawa hỏi hết chuyện này đến chuyện nọ về quê quán của Haida (ở Akita), và cuộc sống trong trường đại học ở Tokyo. Khi biết cậu là sinh viên khoa Triết, ông ta đặt một vài câu hỏi liên quan đến chuyên ngành, về thế giới quan của Hegel, về trước tác của Platon. Nói chuyện mới biết, hoá ra ông ta đọc rất sâu và có hệ thống các loại sách như vậy. Xem ra ông ta không chỉ đọc rặt một loại tiểu thuyết huyền bí vô hại.
“Vậy à, nghĩa là cậu tin vào Logic.” Midorikawa nói.
“Vâng. Về cơ bản tôi tin tưởng và trông cậy vào logic, bởi vì nó vốn là một môn học có vai trò như vậy.” Haida đáp.
“Cậu không thích những gì trái với logic?”
“Tôi không yêu hay ghét, và cũng không bao giờ loại bỏ mọi thứ trái với logic ra khỏi đầu mình. Bởi vì tôi không tin tưởng logic một cách mù quáng. Tôi cho rằng việc tìm ra giao điểm giữa những gì trái logic với tính logic cũng là một nhiệm vụ quan trọng.”
“Chẳng hạn, cậu có tin vào ác quỷ không?”
“Ác quỷ? Ông muốn nói đến con quỷ có sừng ấy hả?”
“Đúng vậy. Tất nhiên là không hiểu nó có sừng thật hay không.”
“Nếu đó là một con quỷ dưới dạng ẩn dụ của cái ác thì tất nhiên tôi có thể tin.”
“Thế còn lại ác quỷ là ẩn dụ của cái ác nhưng có hình dạng của hiện thực thì sao?”
“Cái đó thì tôi không biết nếu chưa trông thấy tận mắt.” Haida nói.
“Đến lúc trông thấy tận mắt thì e rằng quá muộn.”
“Dù sao, chúng ta cũng chỉ đang nói về giả thuyết. Để đi vào bản chất câu chuyện này, cần có những ví dụ cụ thể, rõ ràng hơn. Giống như để xây cầu thì cần phải có các cây dầm vậy. Giả thuyết là thứ càng khai triển càng thiếu vững chắc, và kết luận mà nó đưa ra chẳng dùng được vào việc gì.”
“Ví dụ cụ thể?” Midorikawa hỏi lại. Ông ta nhấp một hơi, rồi chau mày. “Nhưng đôi khi một ví dụ cụ thể như vậy, vào thời điểm nó xuất hiện, sẽ quy chiếu mọi thứ về một điểm duy nhất: chấp nhận hay không chấp nhận, tin hay không tin. Ở đó không có dạng trung gian. Lấy ví dụ như trạng thái thăng hoa tinh thần chẳng hạn. Logic hầu như không phát huy được sức mạnh nào ở đó cả.”
“Đúng là có thể nó không phát huy được sức mạnh vào thời điểm đó. Bởi vì logic không phải một cuốn cẩm nang cho mọi tình huống, nhưng có thể áp dụng logic sau khi thời điểm đó qua đi.”
“Nhưng nhiều khi để đến sau thời điểm đó thì quá muộn mất rồi.”
“Muộn hay chưa muộn lại là một vấn đề khác chẳng liên quan gì tới tính logic.”
Midorikawa cười. “Đúng như cậu nói. Dù biết rằng nếu để đến sau đó thì quá muộn, nhưng phải thừa nhận đó là vấn đề không liên quan gì đến logic. Một lập luận xác đáng, không thể phản bác được.”
“Ông Midorikawa đã từng có những trải nghiệm kiểu như vậy sao? Chấp nhận, tin và thăng hoa, vượt trên mọi logic?”
“Không.” Midorikawa đáp. “Tớ không tin bất cứ thứ gì. Không tin logic, cũng không tin phi logic. Không tin thần thánh, cũng không tin ma quỷ. Không có sự nối dài của giả thuyết, cũng không có gì giống như thăng hoa. Tớ chỉ biết thầm lặng chấp nhận rằng nó là nó. Nó là vấn đề có tính căn nguyên trong tớ. Tớ không thể dựng nổi một bức tường ngăn cách giữa chủ thể và khách thể.”
“Nhưng ông Midorikawa có tài năng âm nhạc.”
“Cậu nghĩ vậy sao?”
“Âm nhạc của ông rõ ràng chứa đựng một sức mạnh xuyên suốt, có thể sai khiến được người khác. Tôi không am hiểu nhạc Jazz, nhưng về chuyện ấy thì tôi dám chắc.”
Midorikawa lắc đầu tỏ vẻ chẳng thú vị gì. “À, tài năng ấy à, nó đôi khi rất dễ chịu. Nó đem lại danh vọng, lôi cuốn sự chú ý, khéo ra thì cả tiền tài. Rồi còn thu hút được đám đàn bà nữa. Như vậy thì có hẳn là tốt hơn không rồi. Nhưng cậu Haida này, tài năng chỉ phát huy vai trò khi được nâng đỡ bởi sự tập trung mạnh mẽ, dẻo dai của thể xác và ý thức mà thôi. Chỉ cần một con vít nằm đâu đó trong óc rơi ra, hoặc một mạch nói nào đó trong cơ thể đứt cái phựt, thì sức tập trung hoặc bất cứ thứ gì cũng sẽ tiêu biến như làn sương sớm. Chẳng hạn, chỉ cần cái răng hàm bị nhức, hoặc đôi vai đau mỏi, thì cậu chẳng thể nào chơi piano cho ra hồn được đâu. Thật đấy. Cái đó thì tớ trải qua rồi. Chỉ một cái răng sâu, một bên vai nhức mỏi cũng khiến cho mọi cảnh tượng và âm hưởng đẹp đẽ phụt trở về hư vô. Thể xác con người yếu đuối như vậy đấy. Nó là một hệ thống có cấu tạo phức tạp và tinh vi khủng khiếp nên hỏng hóc là chuyện thường. Và trong phần lớn các trường hợp, một khi đã hỏng hóc thì khó lòng mà khôi phục được. Sâu răng hay mỏi vai có lẽ vẫn còn chữa được, chứ có nhiều thứ khác không chữa nổi đâu. Được xây dựng trên một nền móng bất trắc và thiếu tin cậy như thế thì thử hỏi tài năng có ý nghĩa đến mức độ nào?”
“Có thể tài năng đúng là thứ mong manh. Có thể chẳng mấy người duy trì được nó cho đến phút chót. Nhưng thứ mà nó sản sinh ra, đôi khi sẽ đem đến một sự thăng hoa tinh thần mãnh liệt. Như một hiện tượng có tính phổ biến vượt lên khỏi phạm vi cá nhân, và hầu như độc lập.”
Midorikawa ngồi im lặng, suy nghĩ trong chốc lát về điều đó. Rồi ông ta nói:
“Mozart và Schubert đều chết trẻ, song âm nhạc của họ thì sống mãi. Ý cậu giống như thế phải không?”
“Đại loại là như vậy.”
“Tài năng đến mức đó thì chỉ là ngoại lệ. Và trong hầu hết các trường hợp, họ phải trả một cái giá đắt cho việc trở thành thiên tài bằng cách bào mòn sinh lực, chấp nhận cái chết khi còn quá trẻ. Việc đó giống như một giao dịch được đặt cược bằng mạng sống. Tuy nhiên, không ai biết khách hàng giao dịch là thượng đế hay ác quỷ.” Midorikawa thở dài, im lặng một lát, sau đó nói như để bổ sung: “Nói sang chuyện khác một chút, kỳ thực thì tớ đang chờ chết. Số tớ chỉ còn đếm bằng một tháng.”
Đến lượt chàng thanh niên Haida căng óc suy nghĩ. Cậu không nghĩ được lời nào.
“Không phải tớ bị bệnh tật bệnh tiếc gì đâu.” Midorikawa cất tiếng. “Cơ thể tớ hoàn toàn khoẻ mạnh. Cũng không phải tớ mưu toan tự sát. Nếu cậu đang nghĩ đến điều đó thì khỏi phải lo lắng làm gì.”
“Vậy tại sao ông Midorikawa biết mình chỉ còn sống được một tháng?”
“Có người nói cho tớ biết. Người đó bảo, dương mệnh của cậu còn lại hai tháng. Chuyện đó xảy ra cách nay một tháng.”
“Đó rốt cục là người như thế nào?”
“Không phải bác sĩ, cũng không phải thầy bói. Mà là một người hết sức bình thường. Tuy nhiên, vào thời điểm ấy, anh ta cũng đang chết.”
Chàng thanh niên cố gắng tư duy về câu nói của người đàn ông, nhưng không sao nắm được đầu mối của logic. “Liệu có phải ông Midorikawa lặn lội đến đây để tìm chỗ chết?”
“Ừm, nói một cách ngắn gọn thì là như thế.”
“Tôi không thực sự hình dung được toàn bộ câu chuyện, nhưng chẳng lẽ không có cách nào tránh được cái chết đó sao?”
“Chỉ có duy nhất một cách.” Midorikawa nói. “Đó là trao vào tay người khác cái quyền ấy, hay là miếng tử bài theo cách nói ví von. Tóm lại là đi tìm kẻ chết thay cho mình. Kế đến là làm động tác chuyển gậy và bảo: “có gì anh làm nốt nhé”, rồi chuồn lẹ. Tuy nhiên, tớ không định làm thế. Từ lâu tớ đã muốn chết càng sớm càng tốt. Có khi lại là may.”
“Nghĩa là ông chấp nhận cái chết sắp đến.”
“Đúng, phải thú thật, sống là một việc quá ư phiền phức. Cứ thế này mà chết cũng chẳng sao. Tớ không đủ năng lượng để chủ động tìm đến cái chết, nhưng việc âm thầm chấp nhận cái chết đang tìm đến thì tớ làm được.”
“Nhưng cụ thể là phải làm thế nào để có thể trao vào tay người khác chiếc thẻ bài đó?”
Midorikawa khẽ nhún vai vẻ thờ ơ. “Đơn giản thôi. Nếu người đó đồng ý nhận lấy chiếc thẻ bài sau khi đã nắm rõ câu chuyện, chấp nhận lời đề nghị và thấu hiểu mọi nhẽ. Ngay tại thời điểm đó, việc chuyển nhượng coi như đã kết thúc viên mãn. Đồng ý bằng miệng cũng chẳng sao. Còn nếu được cái bắt tay thì thật là hết ý, vì nó không như cái lối quan liêu bàn giấy.”
Haida lắc đầu. “Nhưng để tìm được một người tự nguyện thay mình nhận lấy cái chết đang cận kề đâu có dễ.”
“Ồ, đó thật sự là một nghi vấn xác đáng.” Midorikawa nói. “Một câu chuyện khó hiểu như thế đâu có thể đem ra để nói với bất cứ ai. Chẳng nhẽ lại bảo: “xin lỗi, anh có thể chết thay tôi được không?” Nên tất nhiên phải lựa chọn đối tượng thật kỹ lưỡng. Và từ đây, câu chuyện bắt đầu phiền toái hơn một chút.”
Midorikawa chậm rãi nhìn xung quanh, rồi đằng hắng một cái. Sau đó cất tiếng:
“Con người ai cũng mang màu sắc, cậu có biết điều này không?”
“Không, tôi không biết.”
“Thế thì tớ nói cho cậu biết. Mỗi người đều có một màu sắc của riêng mình, màu sắc đó tạo thành một quầng sáng mờ dọc theo đường nét cơ thể. Kiểu như ánh hào quang, hay đèn nền vậy. Mắt tớ có thể thấy chúng rõ mồn một.”
Midorikawa tựu mình rót rượu vào chén, rồi nhấp một chút.
“Khả năng nhìn thấy màu sắc ấy là do bẩm sinh?” Haida bán tín bán nghi hỏi.
Midorikawa lắc đầu. “Không, không phải bấm sinh, đó chẳng qua chỉ là một quyền năng tạm thời mà thôi. Nó được ban tặng để bù đắp cho việc chấp nhận cái chết sắp đến. Sau đó sẽ được truyền từ tay người này sang tay người khác. Quyền năng ấy hiện đang được giao vào tay tớ.”
Haida lặng thinh hồi lâu. Cậu không tìm được lời nào thích hợp.
Midorikawa nói tiếp: “Có những màu được ưa thích, cũng có những màu gây cảm giác vô cùng khó chịu. Có những màu vui vẻ, cũng có những màu buồn bã. Có những người toả ra thứ ánh sáng đậm đặc, cũng có những người mờ nhạt. Nói chung là khá mệt mỏi đấy. Khi mà nó cứ lọt vào mắt trong khi cậu chẳng muốn nhìn. Tớ không khoái lắm những chốn đông người nên mới phiêu dạt tới tận vùng núi heo hút này.”
Cuối cùng thì chàng thanh niên Haida cũng bắt kịp câu chuyện của ông ta. “Nghĩa là, ông Midorikawa có thể nhìn thấy màu sắc phát ra từ tôi?”
“À, tất nhiên là tớ nhìn thấy. Nhưng tớ sẽ không bảo cho cậu biết nó là màu gì đâu đấy.” Midorikawa nói. “Và, việc tớ cần làm là, đi tìm những người mang một thứ màu sắc nào đó, phát ra một dạng ánh sáng nào đó. Trên thực tế, đối tượng để trao vào tay miếng tử bài chỉ có thể là những người này. Chứ không thể giao cho bất cứ ai.”
“Trên đời này có nhiều người phát ra những màu sắc và ánh sáng như thế không?”
“Không, không nhiều lắm. Như tớ thấy, để xem nào, cứ khoảng một nghìn hoặc hai nghìn người thì có một người. Không đơn giản, nhưng cũng không đến nỗi không thể tìm ra. Có một nhiệm vụ còn khó khăn hơn, ấy là tạo ra một không gian trò chuyện cởi mở và nghiêm túc với họ. Chắc cậu cũng hình dung ra, việc này không hề đơn giản chút nào.”
“Nhưng rốt cục, họ là những người như thế nào? Những kẻ sẵn sàng nhận lãnh cái chết thay cho người khác ấy?”
Midorikawa mỉm cười. “Họ là những người như thế nào ư? Cái đó thì tớ không biết. Tớ chỉ biết rằng, họ mang một thứ màu sắc như thế và phát ra một dạng ánh sáng như thế. Đó chẳng qua chỉ là một thuộc tính bề ngoài. Nhưng có thể nói rằng, tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân, đó là những kẻ không sợ sự thăng hoa. Tại sao không sợ ư? Hẳn là có muôn vàn lý do.”
“Cứ cho rằng họ không sợ sự thăng hoa, nhưng rốt cuộc họ thăng hoa vì điều gì?”
Midorikawa ngừng lời một lát. Trong im lặng, tiếng con suối như to hơn. Rồi ông ta cười đầy ẩn ý.
“Tiếp theo sẽ là thuật bán hàng.”
“Tôi xin nghe.” Haida tiếp lời.
Midorikawa nói: “Ngay tại thời điểm đồng ý nhận lãnh cái chết, cậu đã sở hữu một quyền năng khác thường. Cũng có thể gọi đó là một năng lực đặc biệt. Nhìn thấy được các màu sắc phát ra từ người khác chẳng qua chỉ là một trong số các chức năng của năng lực đó mà thôi. Điều cốt yếu hơn cả là cậu có thể mở mang tri giác của mình. Cậu sẽ đẩy toang “cánh cửa của tri giác” mà Aldous Huxley nói tới và tri giác của cậu sẽ trở nên thuần khiết, không một mảy may pha tạp. Mọi thứ đều trở nên sáng rõ, giống như trời quang mây tạnh. Thế rồi, cậu bắt đầu thấy được một cách bao quát những cảnh tượng mà bình thường cậu không thể thấy.”
“Bài diễn tấu của ông Midorikawa hôm trước cũng là một trong những kết quả của năng lực đó?”
Midorikawa lắc đầu một cách dứt khoát. “Không, tôi nghĩ đó là khả năng vốn có của mình. Tôi vẫn làm được thế từ lâu rồi. Tri giác là thứ được gói gọn trong chính nó, chứ không biểu hiện ra bên ngoài dưới dạng một kết quả cụ thể. Không có cái gì giống như là lợi ích, giải thích bằng lời rằng nó là cái gì là điều bất khả. Chỉ còn cách phải tự mình trải nghiệm bằng thực tế. Điều duy nhất tớ có thể nói, đó là một khi đã nhìn thấy cảnh tượng chân thực ấy, thì cái thế giới mà cậu từng sống cho tới lúc này chỉ còn trông như một mặt phẳng bẹt dí. Trong cảnh tượng ấy, chẳng có logic lẫn phi logic. Không có ác, cũng không có thiện. Tất cả đều dung hợp làm một. Và chính cậu cũng trở thành một phần của sự dung hợp ấy. Cậu sẽ thoát ra khỏi khuôn khổ của thân xác để trở thành một dạng tồn tại có tính siêu hình. Cậu sẽ trở nên đầy trực giác. Đó là một cảm giác tuyệt vời, nhưng ở một nghĩa nào đó, cũng đầy tuyệt vọng. Bởi vì phải đến cái thời khắc gần như cuối cùng của cuộc đời, cậu mới lần đầu tiên giác ngộ ra rằng, cuộc đời mình cho tới lúc này sao mà nông cạn và thiếu chiều sâu đến vậy. Cậu rùng mình tự hỏi, tại sao mình lại có thể chịu đựng được một cuộc đời như thế.”
“Ông Midorikawa cho rằng, để có thể nhìn thấy cảnh tượng ấy thì dù phải đánh đổi lấy cái chết, và dù quyền năng ấy chỉ là tạm thời, cũng đáng để trải nghiệm?”
Midorikawa gật đầu. “Tất nhiên. Nó hoàn toàn đáng giá. Tớ dám đảm bảo về điều này.”
Chàng thanh niên Haida trầm tư hồi lâu.
“Sao rồi?” Midorikawa nở một nụ cười và hỏi. “Cậu cũng bắt đầu quan tâm tới việc nhận lấy chiếc thẻ bài đó rồi phải không?”
“Tôi muốn hỏi một chuyện.”
“Chuyện gì nào?”
“Có lẽ nào, tôi cũng là kẻ phát ra thứ màu sắc và ánh sáng như thế? Cũng thuộc vào số một phần một nghìn hoặc một phần hai nghìn ấy?”
“Đúng vậy. Tớ lập tức nhận ra ngay khi nhìn thấy cậu lần đầu tiên.”
“Nghĩa là tôi cũng thuộc một trong số những kẻ đang đi tìm sự thăng hoa.”
“Ồ, phải nói thế nào nhỉ. Câu hỏi đó thì tớ chịu thua. Tớ tưởng đấy là câu hỏi mà cậu phải đặt ra cho chính mình chứ?”
“Nhưng đằng nào thì ông Midorikawa cũng không có ý định trao vào tay ai chiếc thẻ bài ấy mà.”
“Xin lỗi cậu.” Nghệ sẽ piano nói. “Tớ sẽ chết. Tớ không định nhường cái quyền đó cho ai. Tớ giống như một nhân viên bán hàng không nghĩ đến việc bán sản phẩm.”
“Nếu ông Midorikawa chết, chiếc thẻ bài ấy sẽ ra sao?”
“Ồ. Điều đó thì tớ cũng không biết. Sẽ ra sao nhỉ? Có thể nó sẽ biến mất cùng với tớ. Hoặc, có thể vẫn tồn tại dưới hình thức nào đó. Và rồi có thể lại được chuyền từ tay người này sang tay người khác. Giống như chiếc nhẫn của Wagner vậy. Điều đó thì tớ không biết, mà thú thực cũng chẳng quan tâm. Bởi lẽ những gì xảy ra sau khi tớ chết không thuộc phần trách nhiệm của tớ.”
Haida đang cố gắng sắp xếp lại trình tự của các vấn đề trong đầu. Nhưng không thể nào sắp xếp nổi.
“Sao nào, đó hoàn toàn không phải một câu chuyện có tính logic phải không?” Midorikawa nói.
“Một câu chuyện rất thú vị, nhưng cũng không dễ dàng mà tin được ngay.” Haida trả lời một cách thẳng thắn.
“Bởi vì ở đó không có một sự giải thích mang tính logic?”
“Đúng vậy.”
“Nhưng cũng chẳng có cách nào chứng minh được.”
“Chỉ có một cách duy nhất để kiểm chứng xem đó có phải sự thật hay không, đó là thực hiện giao dịch. Ý ông là như vậy chứ gì?”
Midorikawa gật đầu. “Đúng thế. Đúng như cậu nói. Nếu không thử thăng hoa thì không thể kiểm chứng được. Và nếu đã thật sự thăng hoa thì không cần thiết phải kiểm chứng nữa. Ở đó không có sự trung dung. Chỉ có một trong hai: thăng hoa, hoặc là không.”
“Ông Midorikawa không sợ chết sao?”
“Chết thì tớ không sợ. Tớ nói thật. Tớ từng chứng kiến hàng mớ những kẻ vô giá trị, tẻ nhạt dám chết. Đến bọn đó còn làm được, thì không lẽ gì mà tớ không làm được.”
“Mọi thứ sau cái chết thì sao?”
“Thế giới sau cái chết, sinh mệnh sau cái chết. Cậu muốn hỏi về những thứ đó?”
Haida gật đầu.
“Tớ đã quyết định là không nghĩ tới chuyện đó.”
Midorikawa vừa vuốt chòm râu dài, vừa nói. “Đối với những chuyện nghĩ thế nào cũng không biết được, hoặc biết nhưng không kiểm chứng được, thì nghĩ, chỉ vô ích. Những chuyện như thế rốt cục chỉ là sự nối dài nguy hiểm của giả thuyết như cậu đã nói.”
Chàng thanh niên Haida hít một hơi sâu. “Tại sao ông lại nói chuyện này với tôi?”
“Từ trước tới nay tớ chưa từng nói chuyện này với ai, và cũng không định làm việc đó.” Midorikawa nói, rồi nốc một hơi cạn ly rượu. “Tớ định sẽ một mình âm thầm biến mất. Nhưng khi nhìn thấy cậu, tớ chợt nảy ra ý nghĩ rằng chàng trai này đáng để cho mình nói chuyện.”
“Không cần quan tâm tới việc tôi sẽ tin hay không tin câu chuyện của ông?”
Midorikawa khẽ ngáp với đôi mắt buồn ngủ. Sau đó cất tiếng.
“Cậu tin hay không, hoàn toàn không bận gì đến tớ. Bởi vì sớm hay muộn, cậu cũng sẽ phải tin câu chuyện này. Đằng nào thì chính cậu cũng sẽ chết. Và, trong lúc chờ cái chết – không rõ là bao giờ và như thế nào – chắc chắn cậu sẽ nhớ lại câu chuyện này. Khi đó, cậu sẽ hoàn toàn chấp nhận những gì tớ nói và hiểu được cặn kẽ mọi logic trong đó. Cái logic thật sự ấy. Còn giờ đây, tớ mới chỉ làm cái việc là gieo hạt mà thôi.”
Hình như ở bên ngoài, mưa lại bắt đầu rơi. Một cơn mưa mềm mại, khẽ khàng. Không thể nghe được tiếng mưa, vì tiếng suối đã át mất. Người ta chỉ có thể cảm nhận được rằng, hình như mưa đang rơi, nhờ vào sự biến đổi mơ hồ của bầu không khí đang tiếp xúc với làn da.
Bất chợt, Haida cảm thấy, việc cậu đang ngồi đối diện với Midorikawa trong căn phòng chật hẹp này bỗng nhiên có cái gì đó rất khó giải thích, trái với nguyên lý của tự nhiên và không thể nào có thật. Một cảm giác như choáng váng. Cậu tưởng mình vừa ngửi thấy mùi vị của cái chết thoang thoảng trong bầu không khí tù đọng. Thứ mùi toả ra khi thịt đang dần thối rữa. Nhưng có lẽ đó chỉ là ảo giác. Ở đây vẫn chưa ai chết cả.
“Rồi cậu sẽ sớm quay về với cuộc sống sinh viên ở Tokyo.” Midorikawa nói bằng một giọng khe khẽ. “Cậu sẽ trở lại với cuộc đời hiện thực. Sống gắn bó với nó. Dù có nông cạn và bằng phẳn đến đâu, cuộc đời này cũng đáng để sống. Tớ dám chắc về điều đó. Với điều kiện là bỏ qua những trớ trêu hay nghịch lý đấy nhé. Còn đối với tớ, những thứ đáng giá ấy chỉ đội thêm gánh nặng. Tớ không sao cáng đáng nổi. Có lẽ ngay từ giây phút chào đời, tớ đã không phù hợp với những điều như vậy. Vì thế, tớ muốn lủi vào trong bóng tối tĩnh lặng, như một con mèo sắp chết, âm thầm chờ đợi thời khắc ấy đến. Đối với tớ, như thế là không tồi. Nhưng cậu thì khác, cậu có thể cõng theo chúng đến cùng. Vì cậu biết cách đính sao cho thật khéo những thứ đáng sống ấy vào cơ thể mình, bằng sợi chỉ của logic.”
“Câu chuyện kết thúc ở đó.” Haida con nói. “Vào buổi sáng hai hôm sau cuộc trò chuyện ấy, trong lúc bố em có việc phải ra ngoài, Midorikawa đã rời khỏi quán trọ. Nghe nói ông ta chỉ khoác theo một chiếc túi đeo chéo, đi theo con đường núi để xuống trạm dừng xe buýt cách đó ba cây số, cũng giống như lúc đến. Không ai biết sau đó ông ta đi đâu. Ông ta chỉ lẳng lặng thanh toán khoảng tiền trọ hôm trước và rời đi không một lời nào, cũng không nhắn nhủ gì lại cho bố em. Thứ duy nhất ông ta bỏ lại là đống tiểu thuyết huyền bí đã đọc hết. Không lâu sau, bố em quay về Tokyo, trở lại trường, và chuyên chú vào cuộc sống học hành. Liệu cuộc hội ngộ với Midorikawa có phải là lý do để đặt dấu chấm hết cho quãng đời phiêu bạt của bố em hay không thì em không biết. Nhưng xem cách nói của ông, em có cảm giác sự kiện đó đã gây ra ảnh hưởng không nhỏ.”
Haida sửa lại tư thế ngồi trên xô pha, từ tốn xoa bóp đôi cổ chân bằng những ngón tay dài.
“Sau khi quay về Tokyo, bố em đã thử đi tìm nghệ sĩ piano nhạc Jazz mang cái tên Midorikawa, nhưng không tìm thấy nghệ sĩ piano nào có tên như thế cả. Hoặc là ông ấy đã dùng tên giả. Vì vậy, người đàn ông đó có thật sự chấm dứt cuộc đời sau một tháng không, hay vẫn còn sống là điều đến nay vẫn chưa sáng tỏ.”
“Nhưng bố cậu còn đang khoẻ mạnh đúng không?” Tsukuru hỏi.
Haida gật đầu. “Vâng, hiện giờ thì dương thọ vẫn chưa hết.”
“Liệu rằng bố cậu có thật sự tin vào câu chuyện kỳ lạ của Midorikawa không nhỉ? Ông không nghĩ rằng mình đã bị lừa bởi một câu chuyện được thêu dệt rất khéo ư?”
“Sao nhỉ? Em cũng không biết. Nhưng có lẽ khi ấy, đối với ông, vấn đề không phải là tin hay không tin. Em nghĩ ông đã nuốt chửng câu chuyện kỳ lạ đó theo đúng nghĩa là một câu chuyện kỳ lạ. Kiểu như một con rắn không nhai con mồi nó bắt được, mà nuốt chửng vào trong bụng rồi tiêu hoá từ từ.”
Haida dừng câu chuyện ở đó. Rồi buông một tiếng thở thật to.
“Thế mà cũng buồn ngủ rồi đấy. Đi nghỉ thôi anh.”
Đồng hồ đã sắp chỉ sang một giờ sáng. Tsukur rút về phòng mình, còn Haida thì dọn một chỗ ngủ trên xô pha, rồi tắt đèn. Sau khi đã thay sang quần áo ngủ và chui vào giường, bên tai Tsukuru vẫn văng vẳng tiếng nước suối. Nhưng tất nhiên, đó chỉ là ảo giác, bởi vì đây là trung tâm Tokyo. Tsukuru nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu.
Đêm đó xảy ra một vài chuyện lạ lùng.
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương - Haruki Murakami Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương