Being deeply loved by someone gives you strength, while loving someone deeply gives you courage.

Lao Tzu

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年 Shikisai Wo Motanai Tazaki Tsukuru To, Kare No Junrei No Toshi
Dịch giả: Uyên Thiểm
Biên tập: Nhật Trường
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2233 / 236
Cập nhật: 2021-09-28 03:26:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
ã quen anh chàng này ở bể bơi của trường.
Giống như Tsukuru, sáng nào cậu ta cũng tới đó bơi một mình từ sớm. Hai người quen nhau rất tự nhiên. Ít lâu sau họ bắt đầu trao đổi với nhau dăm ba câu ngắn ngủi. Có lần, sau khi từ bể lên, thay quần áo xong đâu đấy, họ cùng nhau ăn một bữa sáng đơn giản trong căng tin. Cậu ta học khoa Vật lý, sau Tsukuru hai khóa. Sinh viên khoa Vật lý và sinh viên khoa Xây dựng công trình, mặc dù cùng là trường công nghệ, song gần như những giống người khác nhau.
“Anh học cái gì ở khoa Xây dựng công trình?” Cậu sinh viên đó hỏi Tsukuru.
“Làm ga.”
“Ga?”
“Ga đường sắt ấy. Chứ không phải ga khí đốt.”
“Tại sao lại là ga đường sắt?”
“Thì bởi ga cần cho thế gian này.” Tsukuru nói như một sự hiển nhiên.
“Hay thật.” Cậu sinh viên tỏ ra rất thú vị. “Thế mà từ trước tới nay em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện cần thiết phải có nhà ga đâu đấy.”
“Nhưng chính cậu cũng sử dụng nhà ga đấy thôi. Muốn đi tàu mà không có nó thì gay.”
“Tất nhiên em có sử dụng, và đúng là không có nó thì gay… Nhưng mà, ừm…, em chưa bao giờ tưởng tượng ra trên đời này lại có người đốt cháy nhiệt huyết cho việc xây dựng nhà ga đến như thế.”
“Trên đời này, có những người sáng tác nhạc cho tứ tấu đàn dây, cũng có những kẻ trồng rau diếp và cà chua. Xây dựng nhà ga cũng vậy, cần phải có vài người chứ.” Tsukuru nói. “Vả lại trong trường hợp của tớ, không hẳn là tớ đốt cháy nhiệt huyết đến như thế cho việc ấy đâu. Chỉ đơn giản là tớ có hứng thú với một đối tượng hạn hẹp mà thôi.”
“Nói ra điều này có thể làm anh phật ý, nhưng trong đời người, chỉ cần tìm thấy một đối tượng mà mình quan tâm dù rằng hạn hẹp, thì đã là một thành tựu to lớn rồi còn gì.”
Nghĩ mình bị chơi khăm, Tsukuru nhòm thẳng vào khuôn mặt thanh tú của cậu sinh viên kém mình hai tuổi. Nhưng hình như trong lòng cậu ta nghĩ thế thật. Ánh nhìn của cậu ta ngay thẳng, không chút vẩn đục.
“Anh Tsukuru thích làm ra các đồ vật đúng không? Giống như tên anh4.”
“Từ ngày xưa tớ đã thích tạo ra những thứ có hình thù.” Tsukuru thừa nhận.
“Em thì khác. Không hiểu sao từ khi sinh ra em đã không giỏi làm đồ vật. Từ hồi tiểu học, em chưa khi nào làm được một bài thủ công cho ra hồn. Ngay cả một bộ mô hình nhựa em cũng không biết lắp sao cho khéo. Em thích tư duy những thứ trừu tượng trong đầu, nghĩ bao nhiêu cũng không chán, nhưng không sao có thể sai khiến đôi bàn tay để tạo ra những thứ có hình thù. Em thích nấu ăn, vì nấu ăn là một công việc mà ngay từ đầu đã làm mất đi hình thù của mọi thứ… Tuy vậy, một kẻ không giỏi làm đồ vật mà vào học ở một trường công nghệ thì chênh vênh quá anh nhỉ.”
“Cậu định học chuyên ngành gì?”
Cậu ta suy nghĩ hơi có phần nghiêm túc. “Em không biết. Khác với anh Tsukuru, em không có ý định gì rõ nét. Nhưng mặc kệ mọi chuyện, em chỉ muốn được chìm sâu trong những suy tưởng, càng sâu càng tốt. Em chỉ muốn không ngừng tư duy, một cách thuần túy và tự do. Chỉ thế thôi. Song xét cho cùng, tư duy thuần túy có lẽ cũng giống như việc tạo ra chân không anh nhỉ.”
“Những người tạo ra chân không có lẽ ít nhiều cũng cần cho thế gian này.”
Thấy Tsukuru nói vậy, cậu sinh viên bật cười vui vẻ. “Nhưng khác với rau diếp và cà chua, nếu ai trên thế gian này cũng miệt mài tạo ra chân không thì mọi chuyện hẳn sẽ có đôi chút rắc rối.”
“Tư duy là thứ giống như râu cằm. Chúng sẽ không mọc chừng nào ta chưa trưởng thành. Hình như ai đó đã từng nói thế.” Tsukuru nói. “Tớ chẳng còn nhớ là ai nói nữa.”
“Voltaire đấy.” Cậu sinh viên kém hai tuổi nói. Rồi lấy lòng bàn tay xoa xoa cằm và cười. Nụ cười của cậu ta tạng rỡ, hồn nhiên. “Nhưng e rằng câu nói đó trật lất. Vì em hầu như chưa mọc râu, nhưng lại thích suy nghĩ từ nhỏ.”
Quả thật khuôn mặt cậu ta nhẵn thín, chẳng có bóng dáng của sợi râu nào. Lông mày mỏng và đậm, đôi tai mang những đường nét sắc cạnh tựa như hai vỏ sò đẹp đẽ.
“Điều mà Voltaire muốn nói, phải chăng là về sự phản tỉnh hơn là về tư duy.” Tsukuru nói.
Cậu sinh viên hơi nghiêng đầu. “Khởi sinh của phản tỉnh là nỗi đau. Không phải tuổi tác, và càng không phải râu cằm.”
Tên cậu ta là Haida5. Haida Fumiaki. Khi nghe cái tên ấy, Tsukuru trộm nghĩ: “Ở đây lại thêm một kẻ có màu sắc.” Mr. Grey. Tuy rằng màu xám, lẽ dĩ nhiên, là một màu vô cùng giản dị.
Cả hai đều là những tính cách khó có thể nói là xởi lởi, song qua nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện, họ bắt đầu dành cho nhau mối thiện cảm tự nhiên, không còn giữ kẽ. Sáng sáng, họ hẹn bơi cùng nhau vào một giờ cố định. Cả hai đểu bơi sải cự ly dài, nhưng Haida có phần nhanh hơn. Vốn từng theo học ở trung tâm bơi lội từ nhỏ nên cậu ta có lối bơi đẹp mà không hề tốn sức. Xương vai chuyển động sát mặt nước đẹp như cánh bướm. Còn Tsukuru, nhờ được Haida sửa cho từng động tác, bản thân lại rất chú tâm vào việc rèn luyện cơ bắp, nên chẳng mấy chốc đã bắt kịp tốc độ của Haida. Thoạt tiên, chủ đề câu chuyện của họ chỉ tập trung quanh kỹ thuật bơi. Rồi dần dà chuyển sang cả những vấn đề ở phạm vi rộng lớn hơn.
Haida là một thanh niên thấp bé, đẹp trai. Khuôn mặt nhỏ và thon như tượng điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Song, có thể nói điểm khá nhất của khuôn mặt ấy chính là nét cổ điển, trí tuệ và khiêm nhường. Vẻ đẹp góc cạnh ấy qua nhiều lần gặp mặt và phải quan sát thật kỹ mới thấy toát lên một cách tự nhiên. Chứ không phải kiểu thiếu niên mặt hoa da phấn ngay lập tức thu hút mọi ánh nhìn của xung quanh.
Cậu ta có mái tóc ngắn, hơi xoăn, ăn vận thì đến là dễ dãi, cùng một cái áo sơ mi nhạt màu lúc nào cũng đi thành bộ với cùng một chiếc quần kaki. Tuy nhiên, dù là một bộ đồ giản dị, bình thường đến đầu, cậu ta cũng luôn biết cách mặc sao cho dễ coi nhất. Cậu ta thích đọc sách hơn cả, nhưng cũng giống như Tsukuru, hầu như chẳng mấy khi đọc tiểu thuyết. Thể loại ưa thích của cậu ta là triết học và kinh điển. Ngoài ra, cậu ta còn thích các tác phẩm kịch, nên thường hay đọc bi kịch Hy Lạp và Shakespeare. Cậu ta cũng rất am tường kịch Nô và kịch rối Bunraku. Sinh ra ở tỉnh Akita, da trắng, ngón tay dài. Cậu ta không giỏi uống rượu (cái này thì giống Tsukuru), và có thể phân biêt được nhạc của Mendelssohn với nhạc của Schumann (cái này thì Tsukuru không thể). Bởi cái tính cách hay bẽn lẽn, nên ở những chỗ có nhiều hơn hai người, cậu ta thích được coi như không tồn tại. Sau gáy có một vết sẹo sâu, dài chừng 4cm, như bị rạch bằng dao, vết sẹo tạo cho dáng vẻ hiền hòa của cậu ta một điểm nhấn kỳ lạ.
Mùa xuân đó, Haida từ Akita xuống Tokyo và sống trong một ký túc xá sinh viên gần trường, nhưng vẫn chưa có bạn thân. Hai người dành nhiều thời gian ờ bên nhau hơn sau khi nhận ra rằng họ rất hợp chuyện, rồi chẳng bao lâu, Haida bắt đầu thường xuyên đến chơi ở căn hộ của Tsukuru.
“Bằng cách nào mà một sinh viên có thể được sống trong một căn hộ oách thế này?” Haida đã thốt lên đầy cảm thán như vậy trong lần đầu tiên đến chơi.
“Ba tớ điều hành một công ty bất động sản ở Nagoya, trên Tokyo này ông cũng nắm trong tay một vài căn hộ.” Tsukuru giải thích. “Tình cờ có căn này còn trống, nên tớ xin ông cho ở nhờ. Trước tớ, có bà chị thứ hai cũng từng ở đây, Bà ấy tốt nghiệp đại học xong thì đến lượt tớ. Về danh nghĩa, đây là tài sản của công ty.”
“Nhà anh rất giàu có phải không?”
“Biết nói thế nào nhỉ. Thú thực, tớ hoàn toàn không biết nhà mình giàu, hay không giàu. Nếu không triệu tập đủ người phụ trách kế toán, luật sư, đại lý thuế, tư vấn đầu tư thì có khi đến ông già tớ cũng chẳng biết thực tế là như thế nào ấy chứ. Tất nhiên, hiện tại thì chắc là không có gì khó khăn. Thế nên tớ mới có thể sống ở đây như thế này. Rất may là như vậy.”
“Nhưng anh Tsukuru lại không quan tâm đến công việc kinh doanh ấy.”
“Đúng vậy. Đó là kiểu công việc mà lúc thì điều động rất nhiều vốn từ bên phải sang bên trái, lúc thì từ bên trái sang bên phải, nói chung luôn luôn phải điều động cái gì đó. Tớ không hợp với những thứ nhức đầu ấy. Khí chất tớ khác với ông già. Tuy không ra tiền, nhưng tớ thấy dễ chịu với việc cần mẫn làm ra những nhà ga.”
“Mối quan tâm hạn hẹp,” Haida nói. Rồi nhoẻn miệng cười.
o O o
Rốt cuộc, Tazaki Tsukuru đã không chuyển ra khỏi căn hộ một phòng ngủ ở khu Jiyugaoka đó. Sau khi tốt nghiệp đại học, rồi vào làm trong công ty đường sắt có trụ sở tại Shinjuku, gã vẫn tiếp tục sống ở đây. Năm ba mươi tuổi, cha gã mất, căn hộ chính thức trở thành của gã. Dường như ngay từ đầu cha gã đã có ý định để lại khối tài sản đó cho con trai, thành thử không biết tự lúc nào, tên người sở hữu đã được chuyển thành tên Tsukuru. Công ty của cha gã do chồng người chị cả nối nghiệp, Tsukuru tiếp tục công việc thiết kế nhà ga ở Tokyo mà chẳng còn giữ mối dây liên hệ nào với gia đình nữa. Gã vẫn hầu như không về lại Nagoya.
Ngày về quê dự dám tang cha, Tsukuru nghĩ bụng nhỡ đâu bọn người trong nhóm biết chuyện sẽ đến viếng. Nếu như thế thật thì phải chào hỏi nhau ra sao? Song rốt cuộc chẳng ai xuất hiện. Tsukuru như trút được gánh nặng, nhưng một mặt cũng cảm thấy thoáng chút buồn lòng. Vậy là điều đó đã thực sự kết thúc, gã một lần nữa chạm vào cái cảm giác ấy. Sẽ không bao giờ còn trở lại như cũ. Dù sao, khi ấy, bọn họ đều đã ba mươi tuổi. Đâu còn cái tuổi để mà mộng mơ về một cộng đồng thống nhất, hài hòa.
Có lần Tsukuru đọc được một thống kê trên một tờ tạp chí hoặc tờ báo nào đó nói rằng, cỡ chừng một nửa số người trên thế giới không hài lòng với tên gọi của mình. Nhưng gã thì thuộc về một nửa may mắn còn lại. Ít ra, gã chưa bao giờ thấy bất mãn với cái tên mình được đặt cho. Hay nói đúng hơn, gã không thể hình dung nổi bản thân sẽ như thế nào nếu mang một cái tên khác, hoặc cuộc đời gã sẽ ra sao nếu mình mang cái tên khác ấy.
“Tsukuru” trong tên gã nghĩa là “Tác”6 nếu viết bằng chữ Hán, nhưng ngoài các giấy tờ chính thức, gã thường chỉ viết theo âm Nhật là “Tsukuru”, bởi thế bạn bè ai cũng đinh ninh cái tên “Tsukuru” của gã không có chữ Hán. Chỉ có mẹ và hai chị gái gọi gã là Saku7 hoặc Saku-chan. Vì hằng ngày gọi như thế thì thuận miệng hơn.
Người đặt cho gã cái tên này là cha gã. Hình như ông đưa ra quyết định đặt tên cho đứa con trai đầu tiên là “Tsukuru” từ khá lâu trước khi gã chào đời. Gã không biết vì sao. Bởi lẽ, cuộc đời của cha gã thuộc về một nơi rất xa cái hành vi tạo ra những đồ vật. Hay là cha gã đã nhận được một sự mặc khải nào đó, vào một thời điểm nào đó. Một tia sét vô hình kèm theo một tiếng rền vô thanh đã khắc sâu vào vỏ não ông dòng chữ “Tsukuru”. Song, cha gã chưa một lần nói về nguồn gốc của cái tên này với Tsukuru, hay với bất cứ ai.
Nhưng nghe đâu ông đã phải phân vân không ít trong việc chọn chữ “Sáng” hay chữ “Tác”8 cho cái tên “Tsukuru”. Cùng một âm đọc, song đường đời người ta sẽ khác đi rất nhiều tùy vào con chữ. Mẹ gã khuyên ông dùng chữ “Sáng”, nhưng sau nhiều ngày nghiền ngẫm, ông đã chọn đằng thô kệch hơn, ấy là chữ “Tác”.
Sau tang lễ, mẹ gã nhớ ra và kể lại cho gã nghe đoạn bàn bạc giữa hai người khi ấy: “Cha mày bảo, tôi sợ nếu được đặt tên là ‘Sáng’, cuộc đời nó sẽ thêm gánh nặng. ‘Tác’, cũng vẫn là Tsukuru, nhưng sẽ nhẹ nhàng và tốt hơn cho nó. Đấy, dù sao ông ấy cũng nặng lòng với cái tên của mày lắm đó con. Tất nhiên cũng vì mày là thằng con trai đầu.”
Từ hồi biết nhận thức, Tsukuru hầu như không có ký ức thân mật nào với cha, song gã không thể không tán đồng với cách nhìn nhận đó của ông. Không nghi ngờ gì, so với “Sáng”, “Tác” là cái tên hợp với mình hơn. Bởi lẽ gã hầu như không thể tìm thấy ở đâu trong mình một yếu tố có tính sáng tạo. Tuy nhiên, liệu cái tên ấy có làm vơi đi chút nào “gánh nặng cuộc đời” gã hay không? Tsukuru không đủ khả năng phán đoán điều này. Có thể vì nó mà hình dạng của gánh nặng trên vai gã đã thay đổi ít nhiều. Song về sức nặng thì sao nhỉ?
Dù chế nào, bằng vào cách đó, gã đã mang một nhân cách có tên gọi “Ta-za-ki Tsu-ku-ru”. Còn trước kia, gã chẳng qua chỉ là hư vô, là sự hỗn độn không tên trước thời khắc bình minh. Một cục thịt hồng chưa đầy ba ki lô khó nhọc hít thở và cất tiếng khóc trong bóng tối. Đầu tiên, được đặt tên. Sau đó, ý thức và ký ức sinh ra, tiếp đến tự ngã hình thành. Tên chính là xuất phát điểm của tất cả.
Tên của cha gã là Tazaki Toshio. Một cái tên đích thị để dành cho ông. Tazaki Toshio9, nghĩa là người đàn ông kiếm lời ở nhiều chỗ. Nổi lên từ một kẻ không xu dính túi, ông dấn thân vào ngành bất động sản, thu được những thành công to lớn cùng với sự phát triển của nền kinh tế Nhật Bản và cuối cùng chết trong sự hành hạ của bệnh ung thư phổi ở tuổi sáu mươi tư. Nhưng đó là chuyện mãi về sau này. Dạo Tsukuru mới gặp Haida, cha gã vẫn khỏe, mỗi ngày hút năm mươi điếu thuốc lá không đầu lọc, hăm hở, xông xáo mua đi bán lại những ngôi nhà, căn hộ cao cấp trong thành phố. Bong bóng bất động sản đã vỡ trên thực tế, song ở một mức độ nhất định, ông đã thấy trước rủi ro này và triển khai các hoạt động kinh doanh theo hướng phân tán để bảo toàn lợi nhuận, do vậy mà vào thời điểm đó, ông hầu như không phải chịu đòn đau. Và cũng chưa phát hiện ra cái bóng đen chẳng lành trên phổi.
“Bố em là giảng viên khoa Triết ở một trường đại học công lập của tỉnh Akita.” Haida nói. “Ông cũng là người thích khai triển các mệnh đề trừu tượng trong đầu giống em. Ông chỉ nghe nhạc cổ điển, say sưa đọc những sách không ai đọc. Một người hoàn toàn không có năng lực kiếm tiền, phần lớn số tiền có được đều nướng vào sách vở hoặc đĩa than. Ông hầu như không nghĩ gì cho gia đình hay đến việc tiết kiệm. Đầu óc luôn ở một nơi nào đó cách xa hiện thực. Chật vật lắm em mới trụ lại được Tokyo như thế này, cũng vì may mà vào được một trường có mức học phí không cao và sống trong ký túc xá với các khoản chi tiêu sinh hoạt vừa phải.”
“Về phương diện kinh tế, khoa Vật lý liệu có khấm khá hơn Triết học không?” Tsukuru hỏi.
“Đánh cược vào những thứ không ra tiền thì đằng nào cũng vậy cả thôi. Tất nhiên, nếu đoạt giải Nobel thì lại là chuyện khác.” Haida đáp, và nở một nụ cười cuốn hút như thường lệ.
Haida không có anh chị em. Từ nhỏ đã ít bạn, thích chó và nhạc cổ điển. Ký túc xá sinh viên cậu ta đang ở không phải môi trường có thể thưởng thức âm nhạc một cách thoải mái (tất nhiên cũng không nuôi được chó), nên cậu ta thường đem đĩa CD tới chỗ Tsukuru để nghe. Phần lớn là đĩa mượn ở thư viện trường. Cũng có lần cậu ta ôm đống đĩa than LP cũ kỹ của mình tới. Phòng Tsukuru có một máy quay đĩa hát stereo hạng xoàng, chị gái gã để lại nó cùng với một vài cái đĩa than của Barry Manilow và Pet Shop Boys, nên gã hầu như chẳng bao giờ sờ đến.
Haida chủ yếu thích nghe khí nhạc, nhạc thính phòng và thanh nhạc. Loại âm nhạc với cả dàn nhạc giao hưởng hoành tráng không phải thứ cậu ta thích. Tsukuru không đặc biệt hứng thú với nhạc cổ điển (hoặc ngay cả với những loại nhạc khác), nhưng gã thích được nghe chúng cùng Haida.
Trong lúc nghe một đĩa dương cầm, Tsukuru chợt nhận ra đó là bản nhạc mình đã được nghe đôi lần. Gã không biết tên bản nhạc. Cũng không biết tác giả. Nhưng đó là một bản nhạc chứa đầy nỗi bi ai lặng lẽ. Giai điệu chính đầy ấn tượng, chậm rãi được chơi với các đơn âm trong đoạn mở đầu. Một khúc biến tấu êm đềm. Tsukuru rời mắt khỏi cuốn sách đang đọc, hỏi Haida tên bản nhạc.
“ ‘Le Mal du Pays’ của Franz Liszt. Thuộc quyển ‘Năm thứ nhất: Thuỵ Sĩ’ nằm trong tập tác phẩm ‘Những năm hành hương’.”
“ ‘Le Mal du…’?”
“Le Mal du Pays, tiếng Pháp. Thường được dùng với nghĩa là hoài hương hoặc sầu muộn, nhưng nói cho rõ hơn thì là ‘nỗi ưu sầu vô cớ mà cảnh điền viên gợi lên trong lòng người’. Môt từ khó dịch cho chính xác.”
“Một cô gái mà tớ từng biết thường hay chơi bản nhạc này. Bạn cùng lớp hồi cấp ba.”
“Em cũng thích bản nhạc này từ xưa. Nhưng không phải một bản nhạc được biết đến rộng rãi lắm.” Haida nói. “Bạn anh chơi dương cầm rất giỏi phải không?”
“Tớ không am hiểu âm nhạc, nên không nhận xét được là giỏi hay kém. Nhưng lần nào được nghe, tớ cũng cảm thấy đó là một bản nhạc đẹp. Nói thế nào nhỉ? Nó chứa đầy nỗi ưu sầu dịu nhẹ, nhưng không hề sướt mướt.”
“Nếu có thể cảm nhận được như thế thì chắc chắn đó là một người chơi đàn rất giỏi.” Haida nói. “Bản nhạc này về mặt kỹ thuật thoạt nhìn có vẻ đơn giản, nhưng không dễ thể hiện. Nếu chỉ chơi đúng các nốt nhạc, nó sẽ trở thành một bản nhạc không thú vị, cũng chẳng ra gì. Ngược lại, nếu thể hiện quá đà thì lại sẽ trở nên rẻ rúng. Tính chất của bản nhạc có thể biến đổi hoàn toàn chỉ nhờ vào một yếu tố duy nhất là cách sử dụng bàn đạp.”
“Nghệ sĩ chơi bản này tên là gì?”
“Lazar Berman. Nghệ sĩ dương cầm người Nga, ông chơi Liszt giống như đang vẽ một bức tranh phong cảnh trong tâm tưởng đầy tinh tế. Các bản nhạc soạn cho piano của Liszt thường được cho là thiên về kỹ thuật và hời hợt. Dĩ nhiên, cũng có những tác phẩm rất lắt léo theo kiểu như vậy, nhưng nếu nghe chăm chú từ đầu đến cuối, sẽ thấy bên trong chúng hàm chứa một chiều sâu độc đáo. Tuy nhiên, chiều sâu ấy, trong hầu hết trường hợp, lại được khéo léo giấu kín dưới một lớp trang sức. Điều đó đặc biệt đúng với tập ‘Những năm hành hương’ này. Trong số các nghệ sĩ dương cầm còn sống, không nhiều người có thể chơi Liszt được đúng và đẹp. Theo quan điểm của em, mới đây nhất thì chỉ có Berman, còn xa xưa hơn thì chỉ có Claudio Arrau.”
Hễ cứ nói tới âm nhạc là Haida sôi nổi hẳn lên. Cậu ta tiếp tục nói về những nét đặc trưng trong diễn tấu Liszt của Berman, song Tsukuru hầu như không để vào tai. Thật kinh ngạc, trong óc gã, hình ảnh Trắng đang chơi bản nhạc ấy dần hiện lên sống động như trong một không gian ba chiều. Cứ như thể một vài khoảnh khắc đẹp đẽ ở đó đang chống lại lực cản tất yếu của thời gian, từng bước vững chắc lội ngược dòng kênh.
Cây dương cầm ba chân của hãng Yamaha đặt trong phòng khách nhà Trắng. Dây đàn luôn được chỉnh đúng âm, phản ảnh nét tính cách chỉnh chu, tỉ mỉ của cô. Trên bề mặt mỹ miều của nó không một vết mờ, không một dấu vân tay. Ánh nắng buổi chiều rọi vào từ cửa sổ. Bóng cây hoàng đàn đổ ngoài sân. Cánh rèm đăng ten đung đưa trước gió. Tách trà trên bàn. Mái tóc đen của cô được búi gọn đằng sau, và ánh mắt nghiêm trang chăm chú nhìn bản nhạc. Mười ngón tay dài và đẹp đặt trên những phím đàn. Đôi chân nhấn lên bàn đạp ẩn chứa sức mạnh không thể tưởng tượng ra ở cô những lúc bình thường, và chính xác. Bắp chân trắng mịn như một món đồ sứ tráng men. Khi được đề nghị biểu diễn gì đó, cô thường chơi bản nhạc này. “Le Mal du Pays” – nỗi ưu sầu vô cớ mà cảnh điền viên gợi lên trong lòng người; hoài hương, hay sầu muộn.
Trong lúc nhắm hờ mắt và lắng tai nghe, gã thấy một cảm giác khó thở buồn thắt ở sâu trong lồng ngực. Tựa như vừa hít phải một tảng mây nhỏ cứng ngắc. Bản nhạc trong đĩa than kết thúc, bản tiếp theo đã nổi lên, song Tsukuru vẫn im lặng, để mặc tâm trí đắm chìm vào những cảnh tượng hiện ra. Trong lúc đó, Haida thỉnh thoảng lại đưa mắt về phía Tsukuru.
“Nếu được, anh cho em để lại cái đĩa ở đây. Vì đằng nào ở ký túc xá em cũng không nghe được.” Haida nói, trong lúc cất đĩa hát vào bìa đựng.
Bộ ba chiếc đĩa hát đựng trong hộp giờ đây vẫn ở đó trong phòng Tsukuru. Bên cạnh Barry Manilow và Pet Shop Boys.
Haida rất thạo nấu nướng. Cậu ta thường hay mua và đem tới các loại thực phẩm, rồi vào bếp nấu ăn, bảo rằng để đền đáp việc đã cho cậu ta nghe nhạc. Chị gái gã để lại cho gã nguyên cả một bộ dụng cụ làm bếp và bát đũa. Tsukuru thừa hưởng chúng cùng với phần lớn đồ dùng khác trong nhà, và cả những cuộc điện thoại của đám bạn trai cũ của chị vẫn thỉnh thoảng gọi đến (“Xin lỗi. Chị tôi không còn sống ở đây nữa.”) Tsukuru và Haida ăn tối cùng nhau hai hoặc ba lần một tuần. Nghe nhạc, nói nhiều chuyện trong lúc dùng các món do Haida nấu. Phần lớn là những món thường nhật được chế biến đơn giản, tuy nhiên đôi khi vào những ngày nghỉ, cậu ta cũng dành ra nhiều thời gian để thử sức với những món cầu kỳ. Hương vị lúc nào cũng cũng tuyệt vời. Haida có vẻ như được trời phú cho tài năng của một đầu bếp. Bảo cậu ta làm món gì, dù là trứng ốp lết không nhân, hay canh miso, hay xốt kem, hay cơm rang Paella, cậu ta luôn tỏ ra là một tay điệu nghệ và có gu.
“Thật tiếc khi cậu chôn vùi tài năng của mình ở khoa Vật lý. Cậu nên mở quán ăn mới phải.” Tsukuru nửa đùa nửa thật nói.
Haida cười. “Ý tưởng đó cũng không tồi. Nhưng em không thích bị gắn chặt vào một chỗ. Em muốn một cuộc đời tự do, đến nơi mình thích khi thấy thích, và suy nghĩ về độc những điều mình thích.”
“Nhưng chuyện đó đâu có đơn giản.”
“Đúng là không đơn giản. Nhưng lòng em đã quyết. Em muốn được tự do mọi lúc. Em thích nấu ăn, nhưng không muốn bị giam cầm trong nhà bếp dưới góc độ là một công việc. Nếu đi theo con đường này, em sẽ sớm trở nên căm ghét một ai đó.”
“Ai đó là ai?”
“Đầu bếp căm ghét bồi bàn, và cả hai căm ghét thực khách.” Haida nói. “Đó là một câu trong vở hài kịch ‘Nhà bếp’ của Arnold Wesker. Con người bị tước đoạt tự do tất yếu sẽ căm ghét ai đó. Anh không nghĩ thế à? Em không muốn một cuộc sống như vậy.”
“Luôn đặt mình ở trạng thái không bị ràng buộc, tự do suy nghĩ mọi thứ trong đầu… đó là điều cậu mong muốn?”
“Đúng vậy.”
“Tớ thì lại cảm thấy, tự do suy nghĩ cái gì đó trong đầu không phải chuyện đơn giản.”
“Tự do suy nghĩ, về bản chất cũng chính là lìa bỏ thể xác mình. Thoát ra khỏi cái chuồng cọp chật hẹp của thể xác, cởi bỏ xiềng xích, để cho logic thăng hoa một cách thuần tuý. Đem đến cho logic một sinh mệnh tự nhiên. Đó chính là cốt lõi của tư duy trong tư duy.”
“Xem chừng khó quá nhỉ.”
Haida lắc đầu. “Không, tuỳ vào cách hiểu, điều này không có gì là quá khó. Rất nhiều người vẫn đang làm thế một cách vô thức vào những thời điểm cần thiết để duy trì chính khí của mình. Chẳng qua họ không tự mình nhận thấy mà thôi.”
Tsukuru suy nghĩ rất lung về điều cậu ta vừa nói. Gã thích những câu chuyện theo lối trừu tượng, tư biện như thế với Haida. Bình thường gã thuộc loại kiệm lời, nhưng hẳn là có cái gì đó trong tâm trí bị kích thích khi trò chuyện với người bạn kém tuổi, khiến miệng gã trở nên hoạt bát một cách đáng ngạc nhiên. Đây là lần đầu tiên gã trải nghiệm điều này. Vì ngay cả hồi còn thuộc về nhóm năm người ở Nagoya, gã cũng chỉ đóng vai người nghe trong phần lớn trường hợp.
Tsukuru nói: “Nhưng nếu không làm điều đó một cách có chủ ý, chứ không phải một cách vô thức, thì sao có thể sở hữu được cái gọi là ‘tự do của tư duy’ đích thực như cậu nói?”
Haida gật đầu. “Chính xác là vậy. Nhưng, chuyện đó cũng chông gai như là mơ một cách có kiểm soát. Người bình thường không dễ gì làm nổi.”
“Song cậu vẫn đang cố thử làm điều đó một cách có chủ ý.”
“Có lẽ là như thế.” Haida nói.
“Không thể nghĩ được là khoa Vật lý của trường công nghệ lại dạy kĩ thuật đó.”
Haida cười. “Em không có ý định học cái đó ở trường đại học. Thứ mà em tìm kiếm ở đây đơn giản chỉ là một môi trường và khoảng thời gian tự do. Em không tìm kiếm điều gì hơn thế. Suy nghĩ điều gì đó ở trong đầu nghĩa là như thế nào? Để bàn câu chuyện này trong một bối cảnh học thuật, ta sẽ cần đến một định nghĩa có tính lý thuyết. Đây là một việc rất rắc rối. Sáng tạo không gì khác hơn là sự bắt chước khôn ngoan. Voltaire, người theo chủ nghĩa hiện thực, đã nói vậy.”
“Cậu cũng nghĩ thế à?”
“Mọi thứ đều cần có khuôn khổ. Tư duy cũng vậy. Không việc gì phải sợ khuôn khổ, song cũng đừng sợ phá vỡ khuôn khổ. Đây là điều tối quan trọng để con người có được tự do. Vừa kính nể vừa căm ghét khuôn khổ. Mọi thứ quan trọng trong cuộc đời đều có tính hai mặt. Em chỉ có thể nói được như vậy.”
“Tớ có điều này muốn hỏi cậu.” Tsukuru nói.
“Điều gì ạ?”
“Ở nhiều tôn giáo, trong hầu hết các trường hợp, các nhà tiên tri nhận được thông điệp từ đấng tuyệt đối trong trạng thái ngây ngất.”
“Đúng vậy.”
“Có nghĩa là điều đó được thực hiện trong trạng thái vượt lên trên ý chí tự do? Tất nhiên là theo một cách thụ động.”
“Đúng vậy.”
“Thế rồi thông điệp đó vượt ra khỏi khuôn khổ cá nhân của nhà tiên tri, gây ra tác động rộng rãi và phổ biến.”
“Đúng vậy.”
“Ở đó không có tính đối nghịch, cũng không có tính hai mặt.”
Haida im lặng gật đầu.
“Tớ thì tớ không hiểu cho lắm. Nếu như vậy thì rốt cuộc ý chí tự do của con người có giá trị đến đâu?”
“Một câu hỏi tuyệt vời.” Haida nói. Rồi mỉm cười rất nhẹ. Giống như kiểu cười của con mèo trong lúc phơi mình dưới nắng ngủ. “Em vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó.”
Haida bắt đầu ở lại căn hộ của Tsukuru vào các đêm cuối tuần. Hai người hàn huyên tới khuya, rồi Haida dọn dẹp và ngủ trên chiếc xô pha kiêm giường ngoài phòng khách. Sáng dậy, cậu ta chuẩn bị cà phê, làm trứng ốp lết. Là người khó tính trong chuyện uống cà phê, nên cậu ta luôn tự mình mang đến nhà Tsukuru thứ hạt thơm phức được rang cẩn thận và chiếc máy xay chạy điện loại nhỏ. Say mê hạt cà phê gần như là thói quen xa xỉ duy nhất trong cuộc sống bần hàn của cậu ta.
Tsukuru kể rất nhiều chuyện về mình một cách chân thành, thẳng thắn với người bạn mới quen, người bạn mà gã có thể cởi lòng. Duy chỉ có câu chuyện về bốn người bạn thân ở Nagoya là gã cẩn thận giấu đi. Bởi đó không phải là điều dễ nói ra. Vết thương trong tim gã vẫn còn rói đỏ và nghiêm trọng.
Mặc dầu vậy, những khi ở bên người bạn kém tuổi ấy, gã hầu như có thể quên hẳn bốn con người kia. Mà không, quên không phải là cách diễn đạt đúng. Nỗi đau khi bị bốn người bạn thân cự tuyệt thẳng thừng vẫn không suy chuyển bên trong gã. Chẳng qua giờ đây, nó trở thanh giống như một cơn thuỷ triều, lúc dâng lên, lúc hạ xuống. Có khi tràn tới sát mép chân, có khi lại rút ra mãi xa, tít tận ngoài tầm mắt. Tsukuru cảm thấy mình đang từng chút bám rễ vào mảnh đất mới mang tên Tokyo. Lẻ loi và nhỏ bé, song một cuộc sống mới đang hình thành. Những ngày tháng ở Nagoya dần đi vào dĩ vãng và trở thành cái gì đó vô cùng xa lạ. Bước tiến ấy, không nghi ngờ gì nữa, chính là do người bạn mới Haida mang lại.
Haida luôn có quan điểm riêng đối với mọi việc, nên cậu ta có thể trình bày chúng một cách logic. Càng gặp, Tsukuru càng cảm thấy một niềm kính trọng tự nhiên trước người bạn kém tuổi ấy. Nhưng mặt khác, Tsukuru không hiểu thực sự thì Haida bị cuốn hút bởi điều gì hoặc quan tâm tới điểm nào ở mình. Mặc cho điều đó, hai người vẫn say sưa chuyện trò, trao đổi quên cả thời gian.
Tuy nhiên, khi còn lại một mình, đôi lúc gã thấy thèm khát mãnh liệt một người bạn gái. Gã muốn được ôm ấp và dịu dàng vuốt ve cơ thể người con gái bằng lòng bàn tay mình, hít hà thoả thích hương thơm của làn da ấy. Sự thèm muốn đương nhiên ở một chàng trai trẻ trung, khoẻ mạnh. Nhưng khi cố tưởng tượng ra những cô gái nói chung, và nghĩ đến việc làm tình với họ, chẳng hiểu sao hình ảnh của Trắng và Đen sẽ tự động hiện lên trong đầu gã. Họ luôn sánh vai nhau thành một cặp khi đến trong thế giới tưởng tượng của gã. Và chuyện này luôn khiến gã rơi vào một tâm trạng nặng nề, khó hiểu. Tại sao cứ phải là hai người con gái đó, cho tới tận bây giờ? Bọn họ đã cự tuyệt mình thẳng thừng cơ mà. Họ đã tuyên bố không muốn gặp, và cũng không muốn nói chuyện với mình thêm nữa. Vậy sao họ không lẳng lặng mà biến ra khỏi tâm trí mình? Tazaki Tsukuru đã hai mươi tuổi, nhưng chưa một lần được ôm ấp cơ thể phụ nữ. Mà không, thậm chí gã còn chưa từng hôn, nắm tay hay hẹn hò.
Rất có thể mình đang gặp phải một vấn đề cốt tử, nhiều lúc Tsukuru nghĩ như vậy. Rất có thể dòng chảy tự nhiên của tinh thần đã bị chặn lại đâu đó bởi một chướng ngại vật, và điều này gây ra sự lệch lạc trong con người mình. Chướng ngại vật ấy sinh ra bởi sự cự tuyệt của bốn người bạn, hay là một cấu tạo thiên bẩm vốn có trong bản thân gã mà không liên quan gì tới sự kiện kia là điều Tsukuru không thể phân định được.
Vào một buổi tới thứ Bảy nọ, cái chết bỗng trở thành chủ đề bàn luận trong câu chuyện kéo dài tới khuya giữa hai người. Họ nói về ý nghĩa của việc con người buộc phải chết. Về ý nghĩa của việc con người buộc phải sống cùng với dự cảm về cái chết. Họ nói về vấn đề đó hầu như theo một cách trừu tượng. Tsukuru muốn thổ lộ với Haida rằng, gã đã từng có giai đoạn sống cận kề cái chết ra sao, trải nghiệm ấy đã gây ra một sự thay đổi to lớn cỡ nào đối với tâm hồn và thể xác gã. Gã muốn kể về quang cảnh kỳ lạ mà gã bắt gặp khi ấy. Nhưng một khi đã nói ra, gã sẽ phải giải thích từ đầu chí cuối cái hoàn cảnh dẫn đến tình trạng đó. Bởi vậy, cũng giống như thường lệ, Haida chủ yếu đóng vai người nói, còn Tsukuru vào vai người nghe.
Kim đồng hồ chỉ qua mười một giờ thì đề tài cũng vừa cạn, im lặng ập xuống căn phòng. Nếu như bình thường, hai người sẽ chấm dứt câu chuyện ở đó rồi chuẩn bị đi ngủ. Cả hai đều thuộc típ người dậy sớm. Nhưng Haida vẫn ngồi xếp bằng trên xô pha, một mình chìm sâu vào suy nghĩ. Thế rồi, cậu ta bất ngờ mở đầu câu chuyện bằng một giọng nói như thể còn chưa xác định rõ quyết tâm, một biểu hiện không thường thấy ở cậu ta.
“Liên quan đến cái chết, em biết một câu chuyện hơi kỳ lạ. Chuyện do bố em kể lại. Bố em bảo ông trải qua chuyện này hồi hơn hai mươi tuổi, tầm tuổi em bây giờ. Chuyện này em được nghe kể không biết bao nhiêu lần, nên vẫn còn nhớ từng chi tiết. Một câu chuyện thần bí, đến giờ em vẫn không thể tin là nó lại thật sự xảy ra với thân xác của con người. Tất nhiên, bố em không phải mẫu người bịa ra được những điều như thế. Bố em không biết đơm chuyện. Hơn nữa, anh cũng thừa biết, một câu chuyện bịa đặt thì các chi tiết sẽ thay đổi sau mỗi lần kể lại. Có thể bị thêm chỗ này, bớt chỗ kia, hoặc người kể quên mất là trước đó mình đã nói gì… Nhưng trong câu chuyện mà bố em kể, các tình tiết lần nào cũng giống y chang nhau, nên có lẽ, ông đã thật sự trải qua chuyện đó. Là thằng con trai biết rõ tính cách ông già, em chẳng còn cách nào khác là tin vào câu chuyện. Tất nhiên anh Tsukuru không quen bố em, nên anh có quyền tin hoặc không tin. Nhưng ít nhất anh cũng hay nghe để biết rằng có một chuyện như thế. Anh cứ coi đó là chuyện dân gian hay chuyện ma cũng được. Chuyện khá dài, đêm lại muộn rồi, em kể luôn bây giờ liệu có tiện không?”
“Tất nhiên là không sao, vì tớ chưa thấy buồn ngủ,” Tsukuru đáp.
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương - Haruki Murakami Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương