Sometimes your joy is the source of your smile, but sometimes your smile can be the source of your joy.

Thich Nhat Hanh

 
 
 
 
 
Tác giả: Haruki Murakami
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: 色彩を持たない多崎つくると、彼の巡礼の年 Shikisai Wo Motanai Tazaki Tsukuru To, Kare No Junrei No Toshi
Dịch giả: Uyên Thiểm
Biên tập: Nhật Trường
Upload bìa: Nhật Trường
Số chương: 20
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2233 / 237
Cập nhật: 2021-09-28 03:26:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ừ tháng Bảy năm thứ hai đại học cho đến tháng Giêng năm kế tiếp, Tazaki Tsukuru sống mà hầu như chỉ nghĩ đến cái chết. Giữa lúc đó, gã đón sinh nhật thứ hai mươi, nhưng dấu mốc ấy chẳng mang ý nghĩa gì đặc biệt. Một chuỗi ngày tưởng chừng như việc chấm dứt sự sống đối với gã là điều không gì có thể tự nhiên và hợp lẽ hơn. Cho tới giờ gã vẫn chưa hiểu lý do tại sao mình lại không dấn thêm bước cuối cùng. Mặc dù, việc đưa chân qua cái bậu cửa ngăn cách giữa sống và chết đối với gã dạo dó còn dễ hơn nuốt một quả trứng sống.
Trên thực tế Tsukuru chưa bao giờ thử tự sát, có lẽ là bởi sự tơ tưởng đến cái chết quá mực thuần túy và mãnh liệt, mà cách chết sao cho tương xứng với mong muốn ấy lại chưa kết thành một hình ảnh cụ thể trong tâm trí gã. Tính cụ thể ở trường hợp này thực chất là vấn đề thứ phát. Giả sử lúc ấy tồn tại một cánh cửa dẫn đến cái chết trong tầm tay với thì chắc chắn gã đã không ngại ngần đẩy toang nó ra. Chẳng cần nghĩ ngợi sâu xa, tựa như sự tiếp diễn của một ngày bình thường. Nhưng may mắn thay, hoặc bất hạnh thay, gã đã không thể tìm thấy một cánh cửa như thế đâu đó quanh mình.
Tazaki Tsukuru thường nghĩ, lúc đó mà chết quách đi có lẽ lại hay, thế giới giờ đây đã không còn tồn tại. Gã cảm thấy điều này thật mê hoặc: Thế giới trước mắt sẽ không còn tồn tại, và những thứ được coi là thực tại ở đây sẽ không còn thực nữa. Thế giới cũng sẽ không tồn tại đối với gã, giống như lý do mà gã sắp sửa không còn tồn tại đối với thế giới.
Nhưng đồng thời, Tsukuru cũng không cắt nghĩa được lý do tại sao khi ấy mình buộc phải tiến đến sát mép cái chết như vậy. Ừ thì cứ cho là có một nguyên do cụ thể nào đó, nhưng tại sao sự tha thiết đối với cái chết lại có sức mạnh to lớn đến thế và bủa vây mình trong gần nửa năm trời? Bủa vây – phải rồi, đó là một cách diễn đạt chính xác. Giống như một nhân vật trong Kinh Thánh, lớn lên trong bụng con cá voi khổng lồ khi bị nó nuốt chửng, Tsukuru rơi vào dạ dày của cái chết và trải qua quãng thời gian không ngày tháng trong một cái hang tối tăm, tù đọng.
Thời kỳ ấy, gã sống như một kẻ mắc chứng mộng du, hoặc như một người chết mà chưa nhận ra là mình đã chết. Mặt trời lên, gã thức giấc, đánh răng, mặc vào người bất kỳ bộ quần áo nào quơ được, lên tàu, tới trường, ghi chép trong lớp. Giống như một người bị trận cuồng phong ập đến phải bám chặt lấy cây đèn đường, gã chỉ hành dộng theo cái thời gian biểu ngay trước mặt. Nếu không cần thiết, gã sẽ chẳng mở miệng với ai, gã trở về phòng, ngồi xuống sàn, tựa lưng vào tường miên man nghĩ đến cái chết, hoặc việc thiếu đi sự sống. Trước mắt gã, một vực thẳm tối đen đang há cái miệng to tướng thông thẳng tới tận lõi địa cầu. Cái gã thấy trong đó là hư vô đang cuộn lên thành đám mây kiên cố; thứ gã nghe thấy là nỗi im lặng sâu thẳm đang ép chặt lên màng nhĩ.
Khi không suy nghĩ về cái chết, gã chẳng nghĩ về bất cứ điều gì. Không nghĩ về điều gì không phải là một việc quá khó. Không đọc báo, không nghe nhạc, thậm chí cũng không có ham muốn tình dục. Mọi chuyện xảy ra ngoài kia không có ý nghĩa gì với gã. Khi đã mệt mỏi với việc nhốt mình trong phòng, gã sẽ đi ra ngoài, lang thang vô định quanh nơi mình ở, hoặc đến nhà ga, ngồi xuống băng ghế, ngắm không biết chán những đoàn tàu đến và đi.
Gã tắm mỗi sáng, gội đầu cẩn thận, giặt quần áo hai lần một tuần. Sự sạch sẽ cũng là chiếc cọc để gã bám víu. Giặt, tắm và đánh răng. Gã hầu như không chú ý tới việc ăn uống. Bữa trưa gã ăn ở căng tin của trường, còn lại thì gần như không có bữa nào ra hồn. Chừng nào thấy đói bụng, gã sẽ mua táo hoặc rau xanh ở siêu thị gần nhà về gặm. Hoặc gã sẽ ăn bánh mì suông và tu sữa bò thẳng từ hộp. Tới giờ phải đi ngủ, gã sẽ chỉ uống duy nhất một ly whiskey nhỏ, giống như uống thuốc. Thật may mắn vì gã không nghiện cồn, nên một lượng nhỏ whiskey cũng dễ dàng đưa gã vào giấc ngủ. Độ ấy, gã không hề có lấy một giấc chiêm bao. Cho dù nếu có thì chúng cũng đã trượt theo bờ dốc nhẵn thín không một gờ bám của ý thức và rơi tõm vào lãnh địa của hư vô ngay từ khi mới manh nha.
Nguyên cớ khiến Tazaki Tsukuru bị cái chết lôi kéo quyết liệt đến vậy rất rõ ràng. Vào một ngày nọ, gã được bốn người bạn đã chơi thân với nhau từ lâu thông báo rằng: Tất cả bọn tớ không muốn gặp mặt cậu, cũng không muốn nói chuyện với cậu nữa. Một cách dứt khoát, đường đột và không một lối ngỏ cho sự thỏa hiệp. Gã không được giải thích gì về cái lý do khiến mình phải nhận lấy một thông báo khắc nghiệt như vậy. Về phần mình, gã cũng không gặng hỏi.
Bốn người đó là bạn thân của gã từ thời cấp ba, nhưng chỉ có một mình Tsukuru là rời quê lên Tokyo học đại học. Bởi vậy việc bị gạt ra khỏi nhóm cũng không có gì là bất tiện đối với cuộc sống thường nhật của gã. Cũng không có chuyện cảm thấy khó xử nếu phải bắt gặp họ trên đường. Tuy nhiên, đấy chỉ là nói trên phương diện lý trí. Việc ở cách xa bốn người bọn họ, trái lại càng khiến nỗi đau mà Tsukuru cảm thấy được nhân lên và nhức nhối hơn. Nỗi niềm bị xa lánh và cô độc biến thành sợi cáp dài hàng trăm cây số, bị kéo căng bởi một chiếc máy tời khổng lồ quay tít. Thế rồi thông qua sợi dây đang căng lên hết mức ấy, những thông điệp khó giải mã được chuyển tới gã bất kể ngày đêm. Những âm thanh, giống như trận cuồng phong thổi xuyên qua những thân cây, vừa thay đổi cường độ vừa đâm vào tai gã từng hồi.
Năm người học chung một lớp tại ngôi trưởng cấp ba công lập nằm ở ngoại ô thành phố Nagoya. Họ gồm ba nam, hai nữ. Mùa hè năm lớp mười, họ thành bạn của nhau khi tham gia một hoạt động thiện nguyện, và cho tới những năm sau, dù bị tách lớp, họ vẫn tiếp tục là một nhóm thân thiết. Hoạt động này vốn là bài tập hè môn xã hội, tuy nhiên ngay cả khi thời hạn quy định đã kết thúc, nhóm vẫn chủ động và tự nguyện tiếp tục công việc.
Ngoài hoạt động tình nguyện, vào những ngày nghỉ, cả nhóm thường đi dã ngoại, chơi tennis, hoặc đi bơi ở bán đảo Chita, hoặc tập trung ở nhà ai đó để cùng nhau ôn thi. Hoặc (thực ra thì việc này là nhiều nhất) chụm đầu trò chuyện không biết chán ở bất cứ đâu. Họ không đưa ra một chủ đề cụ thể nào, nhưng đề tài thì không bao giờ cạn.
Sự gặp gỡ của năm người là một sắp đặt ngẫu nhiên. Có một vài lựa chọn cho hoạt động thiện nguyện theo đề bài, giúp đỡ lớp ngoại khóa tập hợp các em tiểu học không thể theo kịp bài giảng trên lớp (đa phần là các em không chịu tới trường) là một trong số đó. Cả một lớp với ba mươi lăm học sinh thì chỉ có đúng năm người bọn họ lựa chọn hoạt động này tại ngôi trường không chính chức do Giáo hội công giáo lập nên. Năm người tham gia trại hè ba ngày được tổ chức ở ngoại ô Nagoya, rồi thành ra gắn bó với lũ trẻ.
Ở trại hè, tranh thủ những lúc rỗi việc, họ chuyện trò cởi mở với nhau để hiểu về suy nghĩ cũng như con người của nhau. Họ nói về hy vọng, thổ lộ những khúc mắc trong lòng. Và khi trại hè kết thúc, ai nấy đều cảm thấy như: “Mình đang ở đúng vị trí và được gắn kết với những người bạn đích thực.” Mình cần bốn người kia, và bốn người ấy cũng cần đến mình – có một thứ cảm giác hài hòa như vậy. Nó chẳng khác nào một kết hợp hóa học đầy may mắn tình cờ xảy đến. Gần như sẽ chắc chắn không thể tái lập được một kết quả tương tự ngay cả khi sử dụng cùng một vật liệu và chuẩn bị chu đáo đến thế nào.
Thời gian sau đó họ vẫn tiếp tục tới lớp ngoại khóa với tần suất hai lần một tháng vào các cuối tuần, dạy lũ trẻ học, đọc sách cho chúng nghe, cùng hoạt động và chơi đùa với chúng. Họ cũng tham gia cắt cỏ trong vườn, sơn lại tòa nhà, sửa sang đồ chơi. Hoạt động này diễn ra trong khoảng hai năm rưỡi cho tới khi họ tốt nghiệp cấp ba.
Song le, không chừng cái cấu trúc ba nam hai nữ ngay từ đầu đã tiềm ẩn một vài yếu tố căng thẳng. Chẳng hạn, nếu hai đôi nam nữ tạo thành các cặp thì sẽ thừa ra mất một người. Khả năng đó chắc chắn đã luôn lơ lửng trên đầu họ như một đám mây hình nấm nhỏ nhưng kiên cố. Tuy nhiên, việc đó đã không xảy ra trên thực tế, thậm chí cũng không cho thấy một dấu hiệu nào là sẽ xảy ra.
Phải chăng là ngẫu nhiên khi mà cả năm người đều là những dứa trẻ trong các gia đình thuộc tầng lớp “trên trung lưu” ở ngoại vi một thành phố lớn. Cha mẹ họ ở vào thế hệ bùng nổ dân số lần thứ nhất sau Thế chiến hai, các ông bố hoặc là chuyên viên hoặc làm việc cho một công ty hạng nhất nào dó. Họ không tiếc tiền chi cho việc học hành của con cái. Gia đình cũng bình ổn, chí ít là trên bề mặt, không ai ly hôn và các bà mẹ về cơ bản đều ở nhà. Ngôi trường họ theo học bắt buộc phải thi đầu vào, nên thành tích nhìn chung là tốt. Nói về môi trường sống, những điểm tương đồng nhiều hơn hẳn hơn so với sự khác biệt.
Hơn nữa, nếu trừ đi Tazaki Tsukuru, thì giữa bốn người kia tình cờ còn có thêm một điểm chung nho nhỏ. Ấy là trong tên gọi có màu. Họ của hai cậu bạn trai là Akamatsu và Oumi (1), còn của hai cô bạn gái là Shirane và Kurono (2). Chỉ có Tazaki là chẳng liên quan gì tới màu sắc. Bởi chuyện ấy mà ngay từ đầu Tsukuru đã cảm thấy tủi thân. Tất nhiên, tên gọi có màu sắc hay không là vấn đề chẳng liên quan gì tới tính cách. Gã hiểu rõ điều này. Nhưng dù sao gã cũng thấy tiếc, và thậm chí cảm thấy bị tổn thương không nhỏ, đến nỗi chính gã cũng lấy làm ngạc nhiên. Những người còn lại, như một lẽ đương nhiên, nhanh chóng gọi nhau bằng màu sắc. Đại để như “Đỏ”, “Xanh”, “Trắng”, “Đen”. Còn gã thì chỉ được gọi là “Tsukuru” như vốn thế. Tsukuru không ít lần suy nghĩ một cách nghiêm túc rằng: giá mà mình cũng mang một cái họ có màu thì hay biết mấy. Được như vậy thì mọi thứ có phải trọn vẹn không…
Thành tích của Đỏ hết sức nổi trội. Dù không có vẻ gì là học hành cật lực, song cậu ta luôn dứng đầu lớp ở tất cả các môn. Tuy nhiên, cậu ta chẳng những không vênh vang về điều này, mà có đôi chỗ còn tỏ ra nhún nhường, chu đáo với xung quanh. Cứ như thể cảm thấy ngại ngùng vì đầu óc mình quá xuất sắc vậy. Dẫu thế, ở cậu ta có cái khuynh hướng là khi đã ấn định điều gì, thì dù nhỏ nhặt đến mấy cũng khó lòng nhượng bộ, như vẫn thường thấy ở những người nhỏ thó (chiếu cao của cậu ta cùng lắm là một mét sáu mươi). Đã nhiều lần cậu ta thực sự bực bội với những quy tắc phi lý hoặc những giáo viên có vấn đề về năng lực. Là một người hiếu thắng bẩm sinh, nên hễ cứ thua khi chơi tennis, cậu ta lại tỏ vẻ không vui. Không đến nỗi cáu bẳn, nhưng rõ ràng là ít lời hơn. Bốn người còn lại rất khoái chí và thường hay nhằm vào điểm yếu này mà trêu chọc. Rồi rốt cuộc Đỏ cũng phải bật cười. Cha cậu ta là giáo sư khoa Kinh tế của trường Đại học Nagoya.
Xanh là tiền đạo của đội bóng bầu dục, về thể hình thì khỏi phải chê. Năm lớp mười hai, cậu ta giữ băng đội trưởng. Bờ vai lực lưỡng, ngực nở, trán rộng, miệng lớn, mũi bè. Là một cầu thủ năng nổ nên thương tích liên miên. Cậu ta không mấy tỏ ra có chí hướng với việc học hành nghiêm chỉnh, nhưng được nhiều người yêu mến vì tính cách cởi mở. Khi nói chuyện, bằng một chất giọng rành rẽ, cậu ta luôn nhìn thẳng vào mắt người khác. Là một tay phàm ăn đáng kinh ngạc, cậu ta ăn gì trông cũng ngon miệng. Cậu ta hiếm khi nói xấu ai, ngay lập tức có thể nhớ tên và mặt người khác. Sẵn sàng lắng nghe người đối diện, rất biết cách đoàn kết tập thể. Đến giờ Tsukuru vẫn còn nhớ rõ cái cảnh cậu ta tập hợp đội thành một vòng tròn, truyền cảm hứng và quyết tâm cho đồng đội trước mỗi trận đấu bóng bầu dục.
Cậu ta hô lớn: “Các cậu nghe rõ đây, trận này chúng ta sẽ thắng. Vấn đề của chúng ta là thắng như thế nào, và thắng bao nhiêu. Chúng ta không có lựa chọn nào tên là bại trận. Các cậu rõ chưa, chúng ta không có lựa chọn nào tên là bại trận!”
“Chúng ta không có!” Đám cầu thủ hô lớn, rồi tản ra sân.
Nhưng đội bóng bầu dục của trường gã thì chẳng lấy gì làm mạnh cho lắm. Xanh tất nhiên là một cầu thủ thông minh, có năng lực chơi bóng trời phú, song trình độ chung của cả đội thì chỉ ở mức thường thường bậc trung, thành thử chuyện nếm mùi thất bại một cách chóng vánh trước những đội bóng mạnh tới từ các trường cấp ba tư thục sẵn sàng cấp học bổng để mang về những cầu thủ xuất sắc trên khắp cả nước nhiều như cơm bữa. Tuy nhiên sau khi trận đấu kết thúc, Xanh hầu như không còn quan tâm nhiều tới chuyện thắng thua. “Ý chí giành chiến thắng mới là điều quan trọng.” Cậu ta thường bảo vậy. “Trong đời mình, chúng ta không thể cứ thắng mãi được. Có lúc thắng thì cũng có lúc thua.”
“Và có cả lúc hoãn thi đấu do trời mưa.” Đen, kẻ chuyên châm biếm, đế vào.
Xanh lắc đầu tỏ vẻ đáng tiếc. “Cậu đang nhầm lẫn giữa bóng bầu dục với bóng chày và tennis. Bóng bầu dục không bao giờ có chuyện hoãn thi đấu do trời mưa.”
“Trời mưa mà vẫn thi đấu sao?” Trắng hỏi vẻ ngạc nhiên.
Cô nàng hầu như không có hứng thú cũng như kiến thức đối với bất cứ môn thể thao nào.
“Đúng thế đấy.” Đỏ ra chiều thành thực trong lúc xen ngang. “Trong bóng bầu dục, người ta không bao giờ dừng trận đấu cho dù mưa lớn cỡ nào. Bởi thế mà hằng năm có rất nhiều cầu thủ chết đuối trong khi đang thi đấu.”
“Thật kinh khủng!” Trắng kêu lên.
“Ngốc thật. Rõ ràng là cậu ấy đang nói đùa mà.” Đen chán nản nói.
“Các cậu lạc đề hết cả rồi.” Xanh cất tiếng. “Cái mà tớ muốn nói ở đây là, thua sao cho đẹp cũng là một năng lực chơi bóng.”
“Và hằng ngày cậu ra sức tập tành để thua sao cho đẹp.” Đen nói.
Trắng có khuôn mặt thanh tú gợi người ta nhớ đến một con búp bê Nhật cổ, thân hình cao ráo, thon thả như người mẫu. Tóc dài, đẹp, đen óng như mun. Phần lớn những người đi trên phố khi ngang qua cô đều bất giác ngoái đầu nhìn theo. Tuy nhiên, bản thân cô lại tỏa ra cái ấn tượng như thể cô đang rất khó xử với vẻ đẹp của mình. Cô có một tính cách nghiêm túc đến cứng nhắc, ngại thu hút sự chú ý của mọi người trong bất kể chuyện gì. Cô chơi dương cầm tuyệt hay nhưng không bao giờ biểu diễn trước mặt người lạ. Chỉ duy nhất lúc dạy dương cầm cho lũ trẻ ở lớp ngoại khóa một cách đầy kiên nhẫn là trông cô có vẻ gì đó đặc biệt hạnh phúc. Tsukuru chưa từng thấy Trắng có một vẻ mặt rạng rỡ và thung dung đến vậy trong những tình huống khác. Một vài em nhỏ có thể không hợp với việc học tập thông thường nhưng lại được trời phú cho một tài năng tự nhiên trong âm nhạc, vì thế sẽ thật là tiếc nếu để những tài năng ấy bị chôn vùi, cô bảo vậy. Tuy nhiên, ở lớp ngoại khóa chỉ có cây dương cầm đứng đã sắp thành đồ cổ. Vì vậy, để có thể sắm một cây dương cầm mới, năm người đã nhiệt tình bắt tay vào hoạt động quyên góp. Cả nhóm đi làm thêm vào dịp nghỉ hè. Họ còn tới gặp các công ty nhạc cụ để xin hỗ trợ. Và thế là sau những nỗ lực kéo dài, họ đã có trong tay một cây dương cầm ba chân. Đó là vào mùa xuân năm lớp mười hai. Hoạt động thiện nguyện không mệt mỏi đó của họ đã gây được sự chú ý và còn được đưa cả lên báo.
Trắng thường hay im lặng nhưng rất yêu quý động vật, nên hễ cứ nhắc đến chó hoặc mèo là nét mặt cô thay đổi hẳn, cô sẽ nói chuyện một cách hăng say. Cô nói rằng ước mơ của mình là trở thành bác sĩ thú y, nhưng Tsukuru không sao có thể mường tượng ra được quang cảnh cô cầm con dao mổ sắc lẹm trong tay mà phanh bụng một con chó Labrador, hoặc thọc tay vào hậu môn một con ngựa. Khi đi vào học ở một trường chuyên nghiệp thì việc thực tập như thế đương nhiên là cần thiết. Cha cô điều hành một phòng khám sản phụ khoa trong nội ô Nagoya.
Đen, nếu nói về dung mạo, thì thuộc vào hàng trên trung bình một chút. Nhưng vẻ mặt sinh động nên có nét đáng yêu. Khổ người to, nhìn chung là nở nang, ngay từ năm mười sáu tuổi ngực đã lớn rõ rệt. Ý chí tự lập cao, tính cách rắn rỏi, nói như máy khâu, trí óc cũng hoạt bát như miệng. Thành tích môn xã hội thì xuất sắc, nhưng toán và vật lý thì thậm tệ. Cha cô có một văn phòng đại lý thuế trong nội ô Nagoya, song rõ là cô chẳng thể đỡ đần gì. Tsukuru thường phải phụ giúp cô các bài tập toán về nhà. Đen hay buông những lời mỉa mai cay độc, nhưng lại tạo một cảm giác hài hước dễ chịu rất đặc biệt, thành thử nói chuyện với cô vừa vui vừa kích thích. Cô còn là một người đọc nhiệt huyết, lúc nào cũng cầm theo sách trên tay.
Trắng và Đen học cùng lớp từ dạo cấp hai, nên đã biết rõ nhau từ trước khi năm người kết thành một nhóm. Chỗ nào có cả hai người góp mặt thì sẽ là một cảnh tượng tuyệt vời khó tả. Một giai nhân tuyệt sắc được trời phú cho tài năng nghệ thuật, nhưng rụt rè, và một diễn viên hài thông minh, chuyên nghề châm biếm. Một sự kết hợp độc đáo, và lôi cuốn.
Ngẫm ra, ở trong nhóm chỉ có mình Tazaki Tsukuru là kẻ không mang một đặc trưng cá tính nào. Thành tích học cập cũng chỉ ở mức trên trung bình. Gã không thật hứng thú với việc học hành, nhưng trên lớp luôn chú ý lắng nghe và không bao giờ quên xem trước hoặc ôn lại bài ở mức tối thiểu. Không hiểu sao ngay từ nhỏ thói quen này đã hình thành trong gã. Giống như việc nhất định phải rửa tay trước bữa ăn và đánh răng sau khi rời mâm vậy. Cho nên, mặc dù không có được thành tích đáng để ý, nhưng kết quả môn nào của gã cũng dễ dàng đạt trên mức điểm sàn. Cha mẹ gã, chừng nào không có vấn đề gì đặc biệt, không phải là những người khắt khe về kết quả học tập ở trường, thành thử chẳng bao giờ ép gã tới lớp học thêm hay mời gia sư về dạy kèm.
Tuy không ghét vận động, nhưng gã không tham gia vào các câu lạc bộ thể thao để rồi hoạt động tích cực ở đó, mà chỉ thỉnh thoảng chơi tennis, hoặc trượt tuyết, hoặc đi bơi cùng gia đình và bạn bè. Chỉ ở chừng mực như vậy. Khuôn mặt gã cũng có chút đường nét, thỉnh thoảng có người bảo vậy, song ý của họ thật ra chỉ là: không có điểm nào quá bất hợp lý. Những lúc tự ngắm mặt mình trong gương, không ít lần gã cảm thấy ở đó một sự nhàm chán thật khó cứu rỗi. Về phương diện nghệ thuật, gã cũng không có mối quan tâm nào sâu sắc, gã không thể chỉ ra một sở thích hay tài lẻ cụ thể của bản thân. Có thể nói gã thuộc típ người kiệm lời, dễ đỏ mặt, ngại giao tiếp, thường cảm thấy thấp thỏm khi ở cùng người mới gặp lần đầu.
Nếu buộc phải nói về đặc trưng của gã, thì nhà gã có lẽ thuộc diện khá giả nhất trong cả bọn, và bà dì gã là một nữ diễn viên kỳ cựu, tuy không đình đám nhưng tên tuổi cũng được biết đến ít nhiều. Nhưng nếu chỉ nói riêng về cá nhân thì Tsukuru chẳng có lấy một tư chất đặc biệt nào đáng để tự hào hoặc dể có thể chìa ra mà bảo rằng đây. Ít nhất thì bản thân gã cảm thấy như vậy. Ở gã mọi thứ đều trung dung. Hay nói cách khác, mọi màu sắc đều nhợt nhạt.
Duy có một việc có thể gọi là sở thích chăng, ấy là Tazaki Tsukuru thích ngắm các ga tàu hơn tất thảy mọi thứ. Không hiểu sao nhưng từ lúc biết nhận thức đến nay, gã chỉ bị cuốn hút bởi những ga tàu. Một nhà ga khổng lồ dành cho loại tàu Shinkansen, hay nhà ga cho loại đường sắt đơn ở miền thôn quê, hay nhà ga chuyên chở hàng hóa, tất cả với gã đều lôi cuốn miễn là ga đường sắt. Bất cứ cái gì liên quan đến nhà ga đều làm gã say mê.
Hồi nhỏ, cũng giống như chúng bạn, gã say mê mô hình đường sắt, nhưng cái thu hút sự quan tâm của gã thực tế không phải là các đầu máy hay toa xe được chế tác tinh xảo, cũng không phải những tuyến đường ray chạy dài giao nhau phức tạp, cũng không phải những sa bàn cầu kỳ mà chính là cái mô hình nhà ga bình thường đặt cạnh đó như một món đồ kèm theo. Gã thích nhìn những đoàn tàu chạy lướt qua những nhà ga như thế, hoặc từ từ giảm tốc độ và dừng lại vừa khít với đường ke. Gã tưởng tượng ra bộ dạng của những hành khách qua lại, lắng nghe tiếng phát thanh trong ga hoặc tiếng chuông báo hiệu khởi hành, hình dung ra những động tác nhanh nhẹn của nhân viên nhà ga. Hiện thực và giả tưởng hòa lẫn trong đầu gã, nhiều lúc khiến cơ thể gã run lên vì quá hưng phấn. Nhưng gã không thể giải thích một cách logic với mọi người xung quanh là tại sao mình lại bị nhà ga đường sắt hấp dẫn đến vậy. Vả lại, cứ giả sử rằng gã có thể giải thích được đi chăng nữa, thì rốt cuộc vẫn sẽ bị mọi người cho rằng gã là một đứa trẻ khác thường. Thậm chí chính bản thân Tsukuru cũng từng nghĩ, không khéo trong mình có chỗ nào đó không bình thường thật.
Mặc dầu không có cá tính hay tư chất nổi bật, và mặc dầu luôn có khuynh hướng trung dung, nhưng gã nhận thấy (hình như) mình có cái gì đó hơi khác mọi người xung quanh, một cái gì đó không thể nói là bình thường. Sự tự ý thức hàm chứa cả những mâu thuẫn như thế, không ít lần trong quãng đời suốt từ thời niên thiếu cho tới nay là ba mươi sáu tuổi đầu, đã gây cho gã những bối rối và bấn loạn. Có khi thoảng qua, có khi sâu sắc và mãnh liệt.
Đôi lúc Tsukuru không còn hiểu lý do mình được kết nạp vào nhóm bạn ấy là gì nữa. Bản thân mình có cần thiết cho mọi người theo đúng nghĩa hay không? Hay là nếu không có mình thì bốn người kia sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn? Chẳng qua họ vô tình chưa nhận thấy mà thôi? Và việc họ nhận ra chỉ là vấn đề thời gian? Càng nghĩ, Tazaki Tsukuru càng không hiểu. Việc tìm kiếm giá trị của bản thân tựa như đo lường một vật chất không có đơn vị. Chiếc kim đồng hồ không kêu đánh tinh một tiếng rồi đứng nguyên tại một vị trí.
Tuy nhiên, trừ gã ra, bốn người kia dường như chẳng hề bận tâm tới chuyện đó. Trong mắt Tsukuru, họ có vẻ thật lòng thích thú với việc cả năm thành viên góp mặt đầy đủ và hành động cùng nhau. Với điều kiện là phải đúng năm người. Nhiều hoặc ít hơn đều không được. Tựa như một hình ngũ giác đều chỉ thỏa mãn khi năm cạnh có độ dài bằng nhau. Vẻ mặt họ rõ ràng đang nói lên điều dó.
Lẽ dĩ nhiên, Tazaki Tsukuru cũng cảm thấy sung sướng hãnh diện về việc mình là một mảnh không thể thiếu góp phần làm nên hình ngũ giác ấy. Gã quý mến bốn người kia tự đáy lòng, thế nên gã rất mực yêu cái cảm giác nhất thể khi ở trong đó. Như thể một cây non hút dinh dưỡng từ lòng đất, Tsukuru tiếp nhận từ nhóm thứ dưỡng chất cần thiết cho tuổi dậy thì, coi đó là kho lương quý giá cho sự trưởng thành, hoặc tích trữ sẵn trong cơ thể như nguồn nhiệt dự phòng. Dẫu vậy, gã vẫn luôn mang trong lòng một nỗi sợ, rằng biết đâu một ngày kia mình sẽ bị rớt ra, hoặc bị loại khỏi cái cộng đồng thân thiết ấy trong chơ vơ. Mỗi lần chia tay mọi người và chỉ còn lại một mình, nỗi bất an ấy lại trỗi dậy trong đầu gã, tựa như một tảng đá hắc ám báo điềm chẳng lành lộ ra trên mặt biển khi triều rút.
● ● ●
“Từ hồi còn bé thế mà cậu đã thích ga tàu rồi cơ à?” Kimoto Sara hỏi, ý chừng thán phục.
Tsukuru gật đầu. Một cách hết sức cảnh giác. Gã không muốn nàng nghĩ mình là một otaku (3) chẳng biết gì ngoài chuyên môn thường thấy trong các trường kỹ thuật hoặc các công sở. Nhưng có lẽ kết cục sẽ là như vậy. “Ừ, không hiểu sao từ nhỏ tôi đã thích ga tàu.” Gã thừa nhận.
“Có vẻ là một cuộc đời khá nhất quán đấy chứ!” Nàng nói. Nàng dường như rất lấy làm thú vị, nhưng gã không nhận thấy có âm sắc giễu cợt nào trong đó.
“Tại sao lại là ga tàu, và nhất thiết cứ phải là ga tàu thì tôi không thể giải thích cho rõ ràng được.”
Sara mỉm cười. “Đó hẳn là thiên chức của cậu rồi.”
“Có thể là như vậy.” Tsukuru đáp.
Tại sao lại phải nói những chuyện này cơ chứ, Tsukuru tự nhủ. Những thứ đó xảy ra đã lâu lắm rồi, nên nếu có thể gã chỉ muốn xóa chúng khỏi ký ức. Nhưng Sara muốn nghe những chuyện hồi cấp ba của Tsukuru. Gã là một học sinh cấp ba như thế nào và làm những gì khi ấy? Thế rồi khi nhận ra, gã thấy mình đang kể về nhóm năm người thân thiết, như một tiến trình tự nhiên của câu chuyện. Bốn người bạn đầy sắc thái, và Tazaki Tsukuru không màu.
Hai người đang ở trong một quán bar nằm khuất nẻo tại khu Ebisu. Họ định dùng bữa tối tại một quán cơm Nhật Bản nhỏ mà nàng quen, nhưng nàng bảo chẳng muốn ăn gì vì bữa trưa ăn muộn quá, vậy là họ quyết định hủy đặt bàn và rủ nhau vào đâu đó nhắm phô mai hoặc hạt rang với cocktail. Tsukuru không phản đối vì cũng không thấy đói bụng. Gã vốn cũng là kẻ ăn ít.
Sara hơn Tsukuru hai tuổi, đang làm việc cho một công ty lữ hành lớn. Công việc chính là lập kế hoạch cho những tour du lịch nước ngoài trọn gói. Nên lẽ dĩ nhiên, nàng thường hay phải ra nước ngoài công tác. Tsukuru làm việc (thiên chức) tại bộ phận phụ trách thiết kế và quản lý công trình nhà ga thuộc một công ty đường sắt khai thác vùng Tây Kanto. Tuy không can dự trực tiếp, nhưng cả hai đều làm công việc chuyên môn liên quan tới vận tải. Được giới thiệu trong bữa tiệc mừng nhà mới của cấp trên Tsukuru, hai người lập tức trao đổi địa chỉ thư điện tử và đây là lần hẹn hò thứ tư. Lần gặp mặt thứ ba, sau khi ăn xong, hai người về phòng gã và làm tình. Quá trình đó diễn ra hết sức tự nhiên. Và hôm nay là sau đó một tuần. Một giai đoạn nhạy cảm. Nếu đi tiếp, quan hệ của hai người hẳn sẽ trở nên sâu sắc hơn. Gã ba mươi sáu tuổi, còn nàng thì ba mươi tám. Lẽ tất nhiên là nó khác với tình yêu thuở học trò.
Chẳng hiểu sao Tsukuru lại cảm thấy thích khuôn mặt nàng ngay từ lần đầu gặp mặt. Xét theo tiêu chuẩn thông thường thì nàng không đẹp. Xương gò má dô ra phía trước nom có vẻ bướng bỉnh, mũi lại mỏng và hơi nhọn. Tuy nhiên, trên khuôn mặt ấy có cái gì đó sinh động, khiến gã phải chú ý. Mắt nàng bình thường hơi ti hí, nhưng khi định nhìn cái gì thì đột nhiên mở ra rất to. Và hiện lên trong đó là một đôi tròng đen không biết sợ và đầy ắp sự hiếu kỳ.
Bình thường thì gã không nhận thấy, nhưng trên cơ thể Tsukuru có một chỗ cực kỳ nhạy cảm. Nó nằm đâu đó sau lưng. Một chỗ mềm, khó tả, nằm ngoài tầm tay gã, bình thường thì không thể nhìn thấy được từ bên ngoài Vì nó bị cái gì đó bao phủ. Thế nhưng, vào những lúc hoàn toàn không ngờ đến, bộ phận đó bất chợt phát lộ và bị đầu ngón tay của ai đó gí xuống. Thế là bên trong gã có cái gì bắt đầu được kích hoạt, một loại vật chất đặc biệt tiết ra bên trong cơ thể. Nó hòa lẫn vào với máu, rồi được đưa đến từng ngóc ngách cơ thể. Cảm giác kích thích được tạo ra bởi quá trình này vừa có tính nhục thể, lại vừa có tính tâm ảnh.
Khi lần đầu tiên gặp Sara, gã cảm nhận cái công tắc ở sau lưng mình bị ấn xuống một cách rõ rệt bởi đầu một ngón tay nặc danh không biết từ đâu thò ra. Ngày quen nhau, hai người đã trò chuyện khá lâu, nhưng gã hầu như không còn nhớ là đã nói chuyện gì. Điều duy nhất gã nhớ được chỉ là cảm giác giật thót ở sau lưng, và một sự kích thích kỳ lạ, khó lòng diễn tả bằng lời mà cảm giác đó mang đến cho tâm thần gã. Có bộ phận thì chùng xuống, có bộ phận lại căng lên. Một cảm giác đại loại như thế. Điều đó có ý nghĩa gì? Tazaki Tsukuru không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của nó trong vài ngày liền. Tuy nhiên, tư duy về một sự việc không có hình dạng vốn chẳng phải điểm mạnh của gã. Tsukuru gửi thư điện tử, mời nàng đi ăn, ngõ hầu xác nhận lại ý nghĩa của cái cảm giác cùng sự kích thích ấy.
Giống như với ngoại hình của Sara, gã cũng rất ưa những bộ trang phục nàng bận trên người. Không nhiều trang trí, đường cắt tự nhiên và đẹp. Và nhất là lại vừa vặn một cách vô cùng dễ chịu với cơ thể nàng. Ấn tượng tuy đơn giản, song gã có thể dễ dàng hình dung được rằng nàng đã phải mất kha khá thời gian để lựa chọn cũng như tốn một khoản tiền không nhỏ cho những bộ đồ đó. Để phù hợp với cách ăn mặc ấy, các phụ kiện đi kèm và cách trang điểm cũng rất trang nhã, nhẹ nhàng.
Bản thân Tsukuru không thuộc diện quá để tâm vào chuyện quần áo, nhưng từ ngày xưa gã đã thích ngắm những phụ nữ khéo biết cách ăn mặc. Tựa như khi thưởng thức một bản nhạc đẹp vậy.
Hai bà chị của gã cũng thích quần áo, trước mỗi lần hẹn hò, họ lại tóm lấy Tsukuru khi ấy vẫn còn bé để hỏi ý kiến gã về cách ăn mặc. Không hiểu tại sao, nhưng với một thái độ nghiêm túc. Này, em thấy bộ này thế nào? Phối kiểu này có được không? Và khi ấy, như một người đàn ông, gã sẽ đưa ra ý kiến thẳng thắn của mình. Trong nhiều trường hợp, các bà chị sẽ tôn trọng ý kiến của cậu em trai, và gã lấy làm sung sướng về chuyện ấy. Thói quen đó, không biết tự khi nào, đã bắt rễ trong gã.
Trong lúc khẽ hớp một ngụm highball nhạt, Tsukuru kín đáo hình dung trong đầu cảnh lột bỏ chiếc váy liền thân Sara đang mặc trên người. Mở móc khóa, nhẹ nhàng kéo phéc mơ tuya. Mới chỉ trải nghiệm có một lần, song làm tình với nàng thật dễ chịu và mãn nguyện. Dù đang mặc quần áo hay khi đã cởi ra, trông nàng đều trẻ hơn tuổi thật đến năm tuổi. Da nàng trắng, bầu vú tuy không to nhưng tròn và đẹp. Được có thời gian thong thả vuốt ve làn da của nàng thật là tuyệt, sau khi đã xuất tinh xong, trong lúc ôm cơ thể nàng vào lòng, gã cảm thấy một tâm trạng dịu dàng. Nhưng tất nhiên, chuyện không kết thúc ở đó. Gã biết điều này. Đã nhận thì cũng phải cho.
“Hồi cấp ba của cô thế nào?” Tazaki Tsukuru hỏi.
Sara lắc đầu. “Hồi cấp ba thì chẳng có gì đáng quan tâm. Toàn chuyện tẻ ngắt. Khi nào có dịp tôi sẽ kể, còn bây giờ tôi muốn nghe chuyện của cậu đã. Nhóm năm người bạn thân rồi sau đó ra sao ấy nhỉ?”
Tsukuru nhón một vốc hạt lên tay, rồi đưa mấy viên vào miệng.
“Giữa chúng tôi có mộc vài quy tắc bất thành văn. Một trong số đó là ‘trong khả năng cho phép, cả năm người phải hành động cùng nhau. Chẳng hạn như, phải cố gắng tránh làm một việc gì đó mà chỉ có hai người. Nếu không như thế, có chể đến một ngày nhóm sẽ tan rã. Chúng tôi phải là một khối thống nhất và hướng tâm. Biết nói thế nào nhỉ, chúng tôi phải nỗ lực duy trì một cộng đồng thống nhất, hài hòa.”
“Một cộng đồng thống nhất, hài hòa?” Trong câu hỏi đó, gã nghe thấy một sự ngạc nhiên thuần túy.
Tsukuru hơi đỏ mặt. “Học sinh cấp ba thường hay nghĩ ra những thứ kỳ quặc mà.”
Sara chăm chú nhìn vào mặt Tsukuru, hơi nghiêng đầu. “Tôi không thấy có gì kỳ quặc. Nhưng cộng đồng ấy hướng tới mục đích gì?”
“Mục đích ban đầu của nhóm, như tôi đã nói, là giúp đỡ cho lớp ngoại khóa tập hợp các em nhỏ có vấn đề về khả năng hoặc động cơ học tập. Đó là xuất phát điểm, vì thế luôn mang một ý nghĩa không đổi và quan trọng đối với chúng tôi. Nhưng theo thời gian, có lẽ chính bản thân việc là một cộng đồng đã trở thành mục đích.”
“Nghĩa là, bản thân việc tồn tại và tiếp diễn chính là một mục đích.”
“Có lẽ vậy.”
Sara nheo mắt hết cỡ, nói. “Giống như vũ trụ.”
“Tôi không am hiểu về vũ trụ.” Tsukuru đáp. “Nhưng khi ấy, chúng tôi cảm thấy điều đó là vô cùng quý giá. Ấy là việc phải bảo vệ và nâng niu sự hòa hợp đặc biệt đã hình thành giữa cả bọn. Giống như giữ cho ngọn lửa của que diêm khỏi tắt trong gió vậy.”
“Sự hòa hợp?”
“Một dạng trường lực ngẫu nhiên được sinh ra mà không bao giờ có thể tái lập lần thứ hai.”
“Giống như Vụ Nổ Lớn?”
“Tôi cũng không am hiểu về Vụ Nổ Lớn.” Tsukuru đáp.
Sara nhấp một ngụm mojito và kiểm tra hình dạng của chiếc lá bạc hà từ một vài góc độ khác nhau. Đoạn nói.
“Thế này nhé, tôi từ nhỏ đã lớn lên trong các trường nữ sinh tư thục, vì vậy thú thật là tôi không hiểu lắm về những nhóm nam nữ hỗn hợp như thế ở các trường công lập. Tôi không thể hình dung ra nổi. Nhằm duy trì cho cái cộng đồng ấy luôn tồn tại trong trật tự, năm người các cậu đã cố gắng biến nó thành một dạng chủ nghĩa cấm dục bằng mọi khả năng có thể. Tóm lại là như thế có phải không?”
“Tôi không rõ ‘chủ nghĩa cấm dục’ có phải là một từ thích hợp hay không. Tôi có cảm giác nó không khoa trương đến vậy. Tuy nhiên, quả thực là chúng tôi đã hết sức chú ý để những mối quan hệ khác giới không xen vào.”
“Nhưng điều đó không được nói ra lời.” Sara nói.
Tsukuru gật đầu. “Không được nói ra dưới dạng hiển ngôn. Cũng không có thứ gì giống như một bộ quy tắc.”
“Thế còn cậu thì sao? Ở ngay bên cạnh, mà cậu không bị Trắng hoặc Đen cuốn hút ư? Nghe cậu kể, tôi cảm thấy cả hai cô gái đó đều khá hấp dẫn đấy chứ.”
“Cả hai người đó thực tế đều hấp dẫn, theo những cách khác nhau. Sẽ là không thành thật nếu bảo rằng tôi không bị cuốn hút. Nhưng về phần mình, tôi luôn hết sức tránh nghĩ tới họ.”
“Hết sức?”
“Hết sức,” Tsukuru nhắc lại. Và cảm thấy mặt mình lại hơi ửng đỏ. “Khi bắt buộc phải nghĩ đến họ, tôi cố gắng xếp hai người thành một cặp.”
“Xếp hai người thành một cặp?”
Tsukuru ngừng một lát để tìm từ thích hợp. “Tôi không biết phải giải thích sao cho cô hiểu. Nhưng, nói thế nào nhỉ, nghĩa là tôi coi đó là một dạng tồn tại giả tưởng. Một dạng tồn tại mang tính ý niệm không gắn với nhục thể.”
“Vậy cơ đấy.” Sara thán phục nói. Thế rồi nàng suy nghĩ rất lung về điều này. Nàng toan nói gì đó, nhưng rồi nghĩ lại, liền mím chặt môi. Lát sau, nàng mở miệng.
“Sau khi tốt nghiệp cấp ba, cậu lên Tokyo học đại học và bỏ lại Nagoya. Đúng không?”
“Đúng vậy.” Tsukuru đáp. “Suốt từ dạo đó, tôi chỉ sống ở Tokyo.”
“Bốn người còn lại thì sao?”
“Trừ tôi ra, bốn người kia đều vào các trường đại học ở quê. Đỏ vào khoa Kinh tế Đại học Nagoya, khoa mà bố cậu ta làm giáo sư ấy. Đen vào một trường đại học nữ sinh nổi tiếng với khoa Văn học Anh. Xanh chơi bóng bầu dục tốt nên được giới thiệu vào khoa Thương mại của một trường đại học tư thục danh tiếng. Trắng rốt cuộc đã từ bỏ ý định theo học trường thú y vì bị mọi người xung quanh can ngăn, và yên vị ở khoa Piano của trường đại học âm nhạc. Những trường mà họ theo học đều ở rất gần nhà. Chỉ riêng tôi là vào học tại trường công nghệ Tokyo.”
“Tại sao cậu lại có ý định lên Tokyo?”
“Chuyện đơn giản thôi. Là bởi vị giáo sư được biết như là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng công trình nhà ga đang giảng dạy ở đó. Xây dựng nhà ga là một lĩnh vực đặc thù, quy trình của nó khác với các công trình xây dựng thông thường, vì thế nếu học về xây dựng dân dụng hay xây dựng công trình ở một trường đại học thông thường thì chẳng có ích gì trong thực tế. Cần phải tìm đến chuyên gia để theo học một cách chuyên sâu.”
“Mục đích hạn hẹp khiến cho cuộc đời trở nên đơn giản.” Sara nói.
Tsukuru đồng ý với nhận xét đó.
Nàng hỏi. “Và việc bốn người kia ở lại Nayoga là vì họ không muốn giải tán cái cộng đồng đẹp đẽ ấy?”
“Bước sang năm lớp mười hai, cả nhóm chúng tôi đã trao đổi với nhau về bước đường tương lai của mỗi đứa. Trừ tôi ra, bốn người còn lại nói rằng họ sẽ ở lại Nagoya và học tại các trường địa phương. Không ai nói ra miệng, nhưng rõ ràng là họ làm vậy vì không muốn nhóm tan rã.”
Nếu nhìn vào thành tích học tập, việc thi đậu vào ngay cả Đại học Tokyo cũng là việc chẳng khó khăn gì với Đỏ, hơn nữa cha mẹ và thầy chủ nhiệm cũng ra sức khuyến khích cậu ta như vậy. Còn nói về Xanh, với khả năng chơi thể thao của mình, cậu ta hoàn toàn có thể nhận được lời mời của một trường đại học danh tiếng tầm cỡ quốc gia. Tính cách của Đen hợp với cuộc sống tự do ở một thành phố hào nhoáng và đầy kích thích về mặt trí óc, nên đáng lý ra cô phải vào một trường đại học tư thục ở Tokyo mới đúng. Nagoya tất nhiên cũng là một đô thị lớn, nhưng xét trên phương diện văn hóa, và nếu đem so với Tokyo thì không thể phủ nhận được cái ấn tượng rằng đó chỉ là một thành phố địa phương hơi hơi lớn mà thôi. Mặc dầu vậy, họ vẫn lựa chọn việc ở lại Nagoya, vào một trường đại học thấp hơn một bậc so với khả năng của mình. Nhưng riêng Trắng thì chắc chắn ngay từ đầu đã không có ý định rời bỏ Nagoya kể cả khi không có nhóm. Cô không phải kiểu người hăng hái vươn ra bên ngoài để tìm kiếm sự kích thích.
“Họ hỏi tôi, cậu thì thế nào, tôi đáp, tớ chưa có ý định gì rõ rệt. Nhưng trên thực tế vào thời điểm ấy, tôi đã quyết tâm sẽ tới Tokyo. Ngay bản thân tôi, nếu được, cũng muốn ở lại Nagoya, vào một trường đại học nhàng nhàng nào đó ở địa phương, học hành lấy lệ để được vui vầy cùng chúng bạn. Xét theo nhiều nghĩa, như thế nhàn nhã hơn, vả chăng gia đình cũng hy vọng tôi làm vậy. Mọi người đều ngầm mong tôi sau khi hết đại học sẽ nối nghiệp cái công ty mà bố tôi đang điều hành. Nhưng tôi hiểu, nếu tôi không lên Tokyo thế nào rồi tôi cũng hối tiếc. Tôi muốn phải vào bằng được lớp seminar của vị giáo sư đó.”
“Tôi hiểu.” Sara nói. “Thế khi biết cậu sẽ lên Tokyo, những người khác cảm thấy thế nào?”
“Mọi người thực sự cảm thấy thế nào, tất nhiên là tôi không biết được. Nhưng tôi nghĩ có lẽ họ đã rất hụt hẫng. Bởi lẽ nếu vắng tôi, cái cảm giác về sự thống nhất ban đầu được tạo thành giữa năm người cũng sẽ tạm thời không còn nữa.”
“Sự hòa hợp cũng biến mất.”
“Hoặc sẽ trở thành một thứ có tính chất khác. Tất nhiên chỉ là nhiều hay ít mà thôi.”
Tuy nhiên, khi biết rằng quyết tâm đó của Tsukuru là sắt đá thì họ không còn ngăn cản nữa, thậm chí còn khích lệ. Khoảng cách từ đó lên Tokyo là chừng một tiếng rưỡi đồng hồ nếu đi bằng Shinkansen, vậy thì về lúc nào mà chẳng được. Vả lại, chắc gì cậu đã đỗ được vào trường cậu mong muốn, họ nửa đùa nửa thật nói. Trên thực tế, để có thể vượt qua kỳ thi tuyển đầu vào của trường đại học đó, chưa ai từng thấy – mà không, phải nói là gần như lần đầu tiên trong đời – Tsukuru học hành nghiêm túc đến vậy.
“Và sau khi tốt nghiệp cấp ba, nhóm năm người các cậu đã trải qua quá trình như thế nào?” Sara hỏi.
“Thời gian đầu mọi việc vẫn tốt đẹp. Nghỉ xuân, nghỉ thu, nghỉ hè, nghỉ tết, bất cứ khi nào nhà trường bước vào kỳ nghỉ là tôi lập tức trở về Nagoya để được gặp các bạn mình thật nhiều, thật lâu. Chúng tôi vẫn gắn bó và thân thiết với nhau như ngày trước.”
Trong thời gian Tsukuru ở quê, phần vì lâu ngày mới gặp, nên những đề tài giữa họ không bao giờ dứt. Thế rồi nhóm sẽ lại hành động với chỉ bốn người sau khi Tsukuru đi khỏi. Nhưng khi gã quay về, nhóm lại trở thành đơn vị năm người (tất nhiên khi ai đó bận việc và không đủ mọi thành viên thì sẽ là ba hoặc bốn người.) Bốn người ở quê vẫn dễ dàng chấp nhận Tsukuru như chưa từng có sự gián đoạn. Ít nhất về phía mình, Tsukuru không hề cảm thấy có bất cứ điều gì như là: bầu không khí có gì đó khác trước, hoặc đã xuất hiện những khoảng trống không thể thấy bằng mắt thường. Gã lấy làm vui sướng vì việc đó. Thành thử, gã không mấy quan tâm đến chuyện mình chẳng có lấy một người bạn ờ Tokyo.
Sara nheo mắt nhìn Tsukuru. Đoạn nói. “Cậu không kết bạn với một ai ở Tokyo sao?”
“Tôi không thể kết bạn được. Không hiểu vì sao.” Tsukuru đáp. “Tôi vốn không phải kiểu người khéo xã giao. Nhưng tất nhiên, tôi không phải dạng sống khép kín hay cái gì tương tự. Đây là lần đầu tiên trong đời tôi sống một mình, thế nên tôi được tự do làm tất cả. Và tôi vui vẻ hưởng thụ cuộc sống theo cách riêng. Ở Tokyo, đường sắt chằng chịt như những mắt lưới, có vô số các nhà ga, vì vậy chỉ cần đi loanh quanh ngắm nghía cũng đã hết thời gian rồi. Tôi tới rất nhiều nhà ga, xem xét kết cấu của chúng, phác thảo một cách sơ lược, ghi lại những điều phát hiện được vào trong vở.”
“Có vẻ như rất thú vị.” Sara nói.
Nhưng những ngày tháng ở trường đại học thì không phải thứ gì đặc biệt thú vị. Ở giai đoạn đại cương, bài giảng trong lĩnh vực chuyên ngành rất ít, phần lớn các tiết học đều tầm thường và nhàm chán. Song vì nghĩ rằng đây là ngôi trường mà mình đã phải nhọc công mới vào được, nên gã có mặt trong hầu như tất cả các giờ giảng. Gã cũng tích cực học tiếng Đức và tiếng Pháp. Tham gia các phòng nghiên cứu nói tiếng Anh. Có khiếu học ngoại ngữ cũng là một phát hiện mới mẻ đối với gã. Tuy nhiên, Tsukuru chẳng tìm thấy bất cứ nhân vật nào thu hút sự quan tâm của gã trên khía cạnh cá nhân. Nếu đem so với bốn người bạn đầy màu sắc và kích thích mà gã tình cờ gặp được hồi cấp ba, thì ở đây ai nấy đều thiếu sức sống, nhạt nhẽo và không có cá tính. Gã chưa một lần gặp được đối tượng nào mà gã muốn kết thân, muốn được trò chuyện nhiều hơn. Vì thế, ở Tokyo, gã chỉ có một mình trong phần lớn thời gian. Nhờ vậy, gã đọc được nhiều sách hơn ngày trước.
“Cậu không thấy buồn à?” Sara hỏi.
“Tôi cảm thấy lẻ loi chứ. Nhưng không đến nỗi buồn. Hay nói đúng hơn, thời kỳ ấy, tôi có cảm giác như đó là một trạng thái không thể khác.”
Gã vẫn còn trẻ, chưa biết nhiều về cơ chế vận hành của xã hội. Vả lại, một nơi chốn mới như Tokyo có quá nhiều thứ khác biệt so với môi trường sống mà gã từng trải qua cho tới lúc bấy giờ. Sự khác biệt ấy còn hơn cả những gì gã dự đoán trước đó. Quy mô quá lớn, và nội dung cũng đa dạng hơn gấp bội. Có quá nhiều lựa chọn để làm một việc gì đó, con người có những cách nói chuyện lạ lùng và thời gian trôi đi quá nhanh. Vì thế gã không thể giữ được sự cân bằng giữa bản thân với thế giới xung quanh. Và nhất là, khi ấy, gã vẫn còn có chỗ để quay về. Lên tàu Shinkansen ở ga Tokyo và mất chừng một tiếng rưỡi là gã đã có thể trở về “cái chốn thân thiết, thống nhất, hài hòa”. Ở đó, thời gian trôi đi êm đềm, và những người bạn mà gã có thể cởi lòng đang chờ gã.
Sara hỏi. “Thế còn cậu của bây giờ thì sao? Cậu đã giữ được thăng bằng với thế giới xung quanh rồi chứ?”
“Tôi làm việc cho công ty hiện tại đã mười bốn năm trời. Không có gì bất mãn về nơi làm việc, cũng rất hài lòng với nội dung công việc. Tôi quan hệ tốt với đồng nghiệp. Có yêu đương với một vài phụ nữ cho tới lúc này. Tuy chẳng mối tình nào ra trái, song kết cục nào cũng có lý do của nó. Không phải chỉ một mình tôi có lỗi.”
“Và vì thế, cậu lẻ loi nhưng không buồn.”
Vẫn còn sớm, nên khách trong quán chỉ có hai người. Một bản Jazz tam tấu dương cầm đang được bật với âm lượng nhỏ.
“Có lẽ.” Tsukuru hơi lưỡng lự rồi đáp.
“Nhưng cậu đã không còn chỗ để về nữa đúng không? Cái nơi chốn thân thiết, thống nhất, hài hòa của càu ấy.”
Gã thử suy nghĩ về điều này. Tuy chẳng nhất thiết phải suy nghĩ thêm làm gì nữa. “Không còn nữa rồi”. Gã lặng lẽ nói.
Gã hay tin mình vừa mất đi nơi chốn đó là vào kỳ nghỉ hè năm thứ hai đại học.
Chú thích
(1) Aka trong Akamatsu nghĩa là Đỏ; O trong Oumi nghĩa là Xanh lơ. (Tất cả các chú thích là của người dịch)
(2) Shira trong Shirane nghĩa là Trắng. Kuro trong Kurono nghĩa là Đen.
(3) Cách gọi để chỉ những người chỉ am hiểu một lĩnh vực nhất định mà thiếu đi các kiến thức khác hoặc tính xã hội.
Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương - Haruki Murakami Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương