A good book has no ending.

R.D. Cumming

 
 
 
 
 
Tác giả: Yulian Semenov
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 24
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 29 - Glép
- Ông có một mình thôi ư, En-đriu?
Dô-tốp giật mình lùi vào phòng treo áo, và trong bóng tối cầu thang (anh thuê gian phòng ở một ngôi nhà luôn luôn đi ngủ sớm) xuất hiện Pi-la. Mặt cô ta có vẻ lo sợ và tái đi, tóc bơ phờ để xoã ra xung quanh.
- A, Pi-la, mời cô vào, cô có việc gì tìm tôi đấy?
- Ông En-đriu, ông En-đriu yêu quý…
- Có chuyện gì vậy? Cô có gì đó có vẻ lo sợ? Cô hãy vào đây đã nào.
- Xin cảm ơn. Có thể ra ban công được chứ?
- Tuỳ cô, có điều là ở đấy còn khó thở hơn là ở đây.
- En-đriu, ông hãy nghe em nói. Em không phải đến đây để nói với ông rằng em yêu ông và sẵn sàng đi với ông đến bất cứ đâu đâu: về Nga, nếu ông đưa em đi; ở lại đây, nếu ông quyết định ở; hay đi một nơi nào khác mà ông nghĩ ra đâu! En-đriu, ông hãy bình tĩnh đã, ông hứa là sẽ nghe em nói hết đi, ông không gặp Glép đã hai ngày nay, em cũng vậy. En-đriu ạ, em cảm thấy, Glép không đơn giản chỉ là một thương gia đâu, ông ta còn hình như có dính líu với CIA…
- Với ai?!
- CIA! En-đriu thân mến ạ! Và không phải ngẫu nhiên mà ông ta vắng mặt. Có chuyện gì đó xảy ra… Em không biết rõ chuyện gì, nhưng ông Lô-ren-xơ bảo rằng, bây giờ, sau khi chuyện ấy đã xảy ra rồi, thì họ có thể sẽ chơi xỏ một vài người Nga một vố, trong số đó có ông đấy…
- Pi-la, cô nói gì lạ vậy? Tôi không hiểu gì hết.
- Ông bạn già thân mến của em ơi, ông phải gắng mà hiểu em mới được!... Em không bao giờ dám đến ông để thổ lộ những chuyện như thế trước đây – Còn bây giờ thì, Ôn-ga chết rồi…
Dô-tốp ngồi ghé vào chiếc ghế mây đan, hai khuỷu tay chống vào hàng rào ban công, hai bàn tay ôm lấy thái dương.
- Sao không ai báo gì cho tôi cả! Này, nhưng mà cô nói đùa đấy chứ. Chuyện mê sảng, điều ấy không thể xảy ra được, Pi-la ạ!
- Ông hãy cứ yên đã. Ông bạn thân mến ơi, đây là sự thật!
Dô-tốp vùng đứng dậy.
- Số hiệu tổng đài – Cô có biết số hiệu tổng đài liên lạc với Pa-ra-mô-nốp-ri không? Người ta vẫn bảo, có thể gọi điện về Mát-xcơ-va qua Pa-ri đấy! Thế làm sao cô lại biết được chuyện về Ôn-ga? Cô ấy bị làm sao? Tai nạn ô-tô à?
- Em cũng không biết gì về chi tiết. Em chỉ biết tin là chị ấy không còn. Em không biết số hiệu tổng đài gọi qua Pa-ri, nhưng nếu ông muốn, em có thể gọi qua tổng đài Ma-đrít giúp. Ông có chút gì uống không, ông xem, em đang run lẩy bẩy lên đây này.
- À ở kia… Trong “ba”. Chờ tôi một lát nhé.
- Để em đi lấy vậy, đừng bận tâm. Ông uống với đá chứ?
- Ừ, với đá… À, mà thôi, không cần đá, cho tôi một cốc không có đá.
Pi-la bưng một mâm nhỏ lại, trên đó có một ly rượu vang để cho mình và một cốc uýt-xky to cho Dô-tốp. Cô ta nhìn không chớp mắt khi anh chậm rãi uống cốc rượu; cô châm thuốc cho Dô-tốp, những ngón tay của cô vừa lạnh giá vừa mềm mại, cô vuốt bàn tay lên mặt Dô-tốp, run rẩy và thận trọng, như một người mù sờ soạng người thân.
- Ông thân quý của em – cô vẫn nói thì thầm – Em cảm thấy một tai hoạ đang treo lên đầu ông, em cảm thấy sức nặng của nó, ông cho phép em được ở lại cạnh ông, việc đó là cấm kỵ, nhưng em sẽ ở lại đây mà không ai hay biết và trông thấy em được. Hay là ông cho phép em đưa ông lại đằng em?
- Cái gì vậy, Pi-la? Gượm đã, tôi chưa hiểu chuyện gì hết, cô bạn đáng yêu ạ. Cô biết chắc, rằng có thể gọi về Mát-xcơ-va qua Ma-đrít được chứ?
Pi-la nhấc ông điện thoại lên – căn phòng mà Dô-tốp thuê chỗ nào cũng bày biện máy điện thoại, đến mức ở trong buồng tắm cũng có đặt một máy điện thoại màu hồng, và cô ta quay số tổng đài Ma-đrít.
- Rô-xi-ta thân yêu, chào bạn. Vâng, tôi đây. Bạn có thể giúp tôi một chút chứ? Phải, rất quan trọng. Cần cho một người mà tôi rất quý, anh Dô-tốp, tôi có kể với bạn rồi đấy. Phải. Cảm ơn. Nối hộ ngay trực tiếp với Mát-xcơ-va, vì từ đây không gọi được. Phải. Ghi số cần gọi nhé, số điện thoại bao nhiêu, En-đriu?
- Có ngay đây, cảm ơn Pi-la. Nhưng nếu Ôn-ga không còn, thì biết gọi về đâu? Số điện thoại nhà riêng mà… Khoan đã. Tôi quên mất… 233.02.22. À, nhưng…
- Ông muốn nói chuyện với ai vậy?
- Với bố đẻ của Ôn-ga. Số này cơ: 341.97.88.
Pi-la lập tức đọc ngay cả hai số điện để xin tuyến đường dài về Mát-xcơ-va.
- Rô-xi-ta, nếu lúc nào Mát-xcơ-va gọi, lập tức báo cho tôi, tôi đang ở chỗ En-đriu nhé. Số điện 803.15.48. Và giữ máy trong khi chờ máy nhé. Rất mong đấy nhé, Rô-xi-ta. Việc này rất quan trọng đối với chúng ta mà…
Sau hai giờ: Pi-la ra khỏi phòng Dô-tốp. Đã có xe của Glép chờ sẵn. Phía bên kia đường, một chiếc “Pho” trông dữ tướng như một con thú, đâu đó, chứa đầy những hành khách đội mũ ở trong xe.
- Sao? – Glép hỏi… - Thế nào rồi?
- Anh biết không, em thấy thương anh ta.
- Anh cũng vậy. Nhưng dẫu sao em cũng đã cài anh ta vào bẫy chứ?
- Em thương anh ta – Pi-la nhắc lại – Đưa cho em một điếu thuốc nào, thuốc của em hết cả rồi.
- Em hãy thương anh chàng Tỉnh Táo ấy. Đấy mới là bạn đồng hành của em. Chúng ta đang phải làm một công việc tàn ác, không kể đến trái tim.
- Em không muốn làm việc đó, Giôn. Điều đó thật trái tự nhiên, em là đàn bà, anh hiểu chứ, em cảm thấy điều đó rõ hơn. Anh đã tính toán nhầm rồi.
- Anh không nhầm khi anh tính công việc với đàn ông. Anh ta đã nghĩ gì, khi biết có thể sẽ có chuyện lôi thôi ầm ỹ.
- Anh ta cũng chẳng buồn hỏi về việc ấy nữa. Y như là không nghe thấy. Hoặc, có thể là không hiểu.
- Càng tốt… Em nghĩ sao, ngày mai, anh ta sẽ đến chỗ em chứ?
Pi-la lắc đầu.
- Sẽ không đến đâu, Giôn ạ… Ngày mai anh ta về Nga.
- Máy bay của họ bay hôm nay rồi. Phải đợi đến thứ sáu.
- Anh ta sẽ bay bằng bất kỳ chuyến bay nào khác.
- Họ không được bay kiểu ấy đâu. Họ chỉ được bay bằng chuyến bay thường kỳ của họ thôi. Anh ta ngày mai sẽ chẳng thể đi đâu được…
- Chúng ta về thôi chứ?
- Chờ một lát. Anh cũng thấy mệt…
- Mệt về chuyện gì?
- Mệt vì chờ đợi, Pi-la ạ. Anh mệt hết sức vì chờ em, em nhỏ ạ. Anh mệt vì lo cho em đang làm việc. Mà chờ đợi, đó cũng là một việc khổ sở lắm chứ.
Sau ba giờ: Glép nhận được băng ghi âm cuộc nói chuyện giữa Dô-tốp vói ông già Vin-te, thông qua Rô-xi-ta nối máy liên lạc ở giữa, điều nghe được thật ghê gớm, nhưng rõ ràng là Dô-tốp đã nghe thấy: “Ô-li-a không còn nữa”.
Sau ba giờ bốn mươi phút, Glép đến “Hin-tơn” và lên ngay “ba”, hắn được biết là Pôn Đích đang ở đây, uống bia và viết cái gì đó lên các tờ giấy lau miệng trên bàn ăn bằng bút dạ. Glép kinh ngạc khi trông thấy Pôn làm thơ chứ không phải viết các bài báo.
- Chào Pôn, anh uống một mình và không hay biết gì về vụ rùm beng ở trong khu nhà ăn không ngồi rồi của chúng ta à?
- Thiếu gì vụ rùm beng ở đây? Ở chỗ nào vậy?
- Trong khu vực quản lý của Lô-ren-xơ.
- Ông trùm tình báo của chúng ta ấy à?
- Đúng thế. Ông ra bị bẻ két sắt. Nếu do người lạ gây ra, thì không ai có thể biết được, nhưng nếu lại do bọn găng-xtơ ở đây gây ra, thì phải chờ cho chúng ta yêu cầu chuộc lại, và Lô-ren-xơ đáng thương sẽ phải trả tiền cho chúng. Các tư liệu bị mất có lẽ cũng phải đáng giá. Còn Lô-ren-xơ, có thể nói giữ gìn két mật quá cẩn thận, chu chỉnh, nên bọn chúng lại cứ tưởng là trong đó phải có nhiều đô-la. Kể cái cung cách của chúng ta cũng lạ, dám đi thuê cho một cơ quan như thế một căn hộ ở khách sạn, mới bạo phổi chứ.
- Sao tôi không nghe nói ồn ào gì về chuyện ấy?
- Vì các ông chủ khách sạn “Hin-tơn” là những người thông minh. Chả lẽ lại làm cho khách lo lắng, hoảng sợ, sẽ mất tín nhiệm.
- Anh ta ở phòng số bao nhiêu?
- Đừng bóc lột tôi mà viết tin… phòng 608.
- Và anh ta đang ở trong phòng?
- Làm sao tôi biết được. Nếu anh ta đang trong phòng thì anh đến mà hỏi, rồi kể cho tôi xem phản ứng của anh ta ra sao về việc anh tới thăm.
Pôn Đích cười một cách kỳ quặc, tụt xuống khỏi ghế và còn quay lại phía ông quản lý “ba”:
- Tôi hy vọng sẽ quay lại ngay. Nếu ông khách đây muốn uống, ông mang đến cho ông ta một ly “hai-bôn”(1) để tôi trả tiền.
Glép nhìn theo Pôn Đích mỉm cười có vẻ hồ hởi, và quay lại phía ông quản lý.
- Cho tôi một cốc nước cam, và để tôi tự trả tiền lấy!
Sau ba giờ năm mươi hai phút, Lô-ren-xơ mặt ủ ê nhìn Pôn Đích và hỏi:
- Anh nghe ai thông báo về sự việc này?
- Ông Lô-ren-xơ ạ, tôi không thể tiết lộ nguồn thông tin của tôi, tôi chỉ muốn nhận được một câu trả lời, có đúng là các tài liệu mật, liên quan đến lợi ích quốc gia của đất nước ta đã bị đánh cắp?
- Tôi không thể bình luận gì về câu hỏi đó.
- Cho phép tôi đặt câu hỏi cách khác vậy. Có đúng là có một nhóm người vô danh đã có ý định ăn cắp các tài liệu của cơ quan mà anh đang làm nhiêm vụ?
- Phải, đúng như thế.
- Như vậy thì tôi muốn biết thêm, có đúng thực, ông là nhân viên của Cục tình báo Trung ương không?
- Tôi không có quan hệ gì với cơ quan ấy, tôi là đại diện của hãng “Điện thoại quốc tế”.
- Các tài liệu của hãng ông, hiện có thể có tầm quan trọng nào, và ai đáng quan tâm đến?
- Tên các bạn hàng của chúng tôi, khối lượng cung ứng, giá cả - những cái đó đều có ích cho những kẻ đang cạnh tranh với chúng tôi.
- Ông khẳng định rằng, việc đột nhập có tính ăn cướp này là do các đối thủ cạnh tranh với ông tiến hành à?
- Đúng thế. Những kẻ đang muốn ngăn trở sự phát triển các quan hệ tốt đẹp giữa nước chúng ta và Luy-xbua.
- Ông Lô-ren-xơ, nếu hãng của ông làm việc đứng đắn, được tín nhiệm, thì làm sao còn có ai ngăn trở được quan hệ tốt đẹp của nó với Luy-xbua?
- Bất kỳ công việc trung thực nào cũng có thể bị bóp méo, bất kỳ người tốt nào cũng có thể bị bôi nhọ. Đấy là tất cả những gì tôi có thể nói với ông. Xin cảm ơn ông.
- Xin hỏi ông câu hỏi cuối cùng, thưa ông Lô-ren-xơ.
- Tôi cũng sẽ chỉ trả lời một câu cuối cùng nữa thôi.
- Thưa ông, có phải ông cũng chính là Rô-bớt Lô-ren-xơ, cũng làm việc ở công ty “Điện thoại quốc tế”, người đã trình bày đủ mọi chứng cớ trước thượng nghị viện về việc đảo chính ở Chi-lê?
- Tôi chỉ đưa các chứng cớ ra để chứng minh rằng chúng tôi không có liên quan gì tới bi kịch đó, tấn bi kịch đã xảy ra ở Chi-lê. Thưa ông, tôi cũng rất không muốn rằng câu hỏi của ông và câu trả lời này của tôi, dù nó rất chân thành, lại bị đưa lên báo chí làm gì!
- Ông đã có một đề nghị đối với tôi, và tôi cũng sẵn sàng chấp thuận được lời đề nghị đó, nhưng chỉ trong trường hợp ông cũng sẵn sàng chấp thuận yêu cầu của tôi. Tôi yêu cầu được biết, thưa ông Lô-ren-xơ, là họ đã lấy cắp được những gì của ông?
- Ông quả là con người từng trải… Chả lẽ ông không hiểu cho, rằng tôi không thể trả lời ông được? Chả lẽ ông không hiểu rằng câu trả lời của tôi có thể tác động đến nhiều người; đó là những người tốt - ông hãy tin lời tôi, những người trung thành và tin cậy cùng hợp tác trong công việc của chúng tôi.
Sau năm giờ mười hai phút, giám đốc Nha cảnh sát Xtau gọi điện cho Glép - hắn đang ngồi đối diện với Lô-ren-xơ ngay cạnh máy điện thoại – và nói:
- Đâu vào đấy cả rồi.
Glép đặt máy nói xuống rất thận trọng, thở dài một hơi thật sâu, nhẹ nhõm và cười phá lên.
- Thôi, ông trùm, bây giờ thì tôi có thể vui vẻ uống cạn ly “Hê-re-xơ” rất ngon này được rồi.
Đúng là hắn có thể uống mừng ly rượu vang Tây Ban Nha ấy được rồi, vì cảnh sát, do hàng xóm nghe thấy tiếng cửa kính vỡ, đã ập đến, và bắt gặp Dô-tốp bị trói, đang nằm choáng váng trong phòng của anh, tất cả đều bị xáo trộn lung tung. Nhân viên cảnh sát hình sự vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện được trong hốc tối một chiếc điện đài xách tay, còn ở trong ngăn dưới của bàn làm việc thì có một bản mật mã. Các con số trong bản mật mã ấy giống in như những con số trong bản mật mã mà trong khoảng một năm gần đây, cơ quan phản gián Liên Xô vẫn thường tóm được trên làn sóng. Khi Dô-tốp đã tỉnh lại trong bệnh viện, anh từ chối không trả lời gì về chiếc điện đài. Một lãnh sự ngoại giao Liên Xô được cảnh sát mời đến, cũng hỏi anh về điều đó, thì Dô-tốp chỉ trả lời, tất cả mọi chuyện đã được bày đặt ra chính là một trò khiêu khích, và anh chỉ đề nghị cho anh được trở về Mát-xcơ-va.
- Điều đó phụ thuộc ở Tòa án, ngài Dô-tốp ạ - viên dự thẩm của cảnh sát Luy-xbua nói – Trong căn phòng của ngài, đã phát hiện các đồ vật thuộc diện cấp du nhập vào đất nước chúng tôi. Có lẽ, ngài lanh sự cũng hiểu cho, rằng tôi không thể vi phạm luật pháp của nước tôi được, cho tới khi chúng tôi chưa xác định được, là ngài Dô-tốp đã chuyên chở điện dài cho Luy-xbua bằng cách nào, đã truyền đi những tin gì, truyền cho ai và về những sự việc gì thì chúng tôi chưa thể cho phép ngài rời đất nước chúng tôi được. Hơn nữa, chỗ ở của ngài từ hôm nay sẽ được đặt dưới sự giám sát của chúng tôi.
Các báo buổi chiều in ra với hàng tít lớn “Một vụ gián điệp của Nga lại Luy-xbua bị khám phá” chỉ có một tờ báo duy nhất, gần với quan điểm đại sứ quán Mỹ, lại cho in một lời bình khá kỳ lạ: “Điện đài, ở những đất nước tự cho mình là tự do, không phải là một tang vật buộc tôi. Còn một tờ biểu số, không nhất thiết phải là mật mã. Vì vậy, việc bắt giữ viên kỹ sư Nga, theo chúng tôi, là một sai lầm đáng tiếc, nếu như không nói là một tội lỗi, vì như chúng tôi được biệt, vị đại diện một hãng kinh doanh Mỹ ở đây cũng vừa bị một tai họa ăn cướp tương tự và kẻ đột nhập được vào, hình như lại không có ý định cướp tiền! Vậy bàn tay nào đã chỉ huy toàn bộ bọn chúng?”. Đọc xong lời bình luận này, Xla-vin gọi điện cho Glep.
- Ông Giôn, chào ông, mọi việc vẫn bình thường chứ?
- Xin chào ông Vit thân mến, rất vui vì lại được nói chuyện với ông. Còn ông thì sao?
- Tuyệt lắm. Này, Pôn đi đâu mất ấy nhỉ?
- Theo tôi, thì ôg ta đóng cửa ở trong phòng và viêt. Ông ta nói với tôi rằng đang có một tin giật gân lắm. Ông có muốn chúng ta cùng đi ăn trưa không?
- Rất sẵn lòng. Có điều là tôi trước hết phải gắng lọt vào viện, thăm Dô-tốp một tý.
- Sao lại phải vào viện? Anh ta ốm bệnh gì?
- Ông không đọc báo à?- Xla-vin hỏi và hình dung rất rõ bộ mặt hớn hở của Glep – Anh ta bị cuộc sống gạt ra rìa rồi. Hình như làm gián điệp cho phe nào ấy.
- Ông nói lạ, anh ta là người rất đáng yêu cơ mà.
- Gián điệp thì mới phải là người đáng yêu, nếu quả anh ta là gián điệp chuyên nghiệp, chứ không phải là nghiệp dư. Bảy giờ tối, tôi chờ điện của ông, ô-kê?
- Tôi sẽ gọi, Vit ạ. Ông chuyển giúp tôi lời hỏi thăm của tôi tới Dô-tốp, tôi rất nhớ anh ta… dù rằng các tên nga đối với tôi rất khó nhớ. Hàng rào ngôn ngữ mà! Va anh thử hỏi anh ta, có thể anh ta cần giúp đỡ gì không?
- Rất cảm ơn – Tôi sẽ nói lại, Giôn ạ, ông thật rấ tốt bụng.
NHỊP ĐỘ
“Gửi cục tình báo Trung ương Mỹ.
Chúng tôi sẽ rất biết ơn, nếu bên các anh có thể chuyển lại cho nhưng tin tức mới nhất và tình hình Na-gô-ni-a… Đại sứ quán của ta cho rằng nhóm Ô-ga-nô biểu thị thiện cảm với Bắc Kinh không được khôn khéo lắm. Theo ý kiến các nhà quan sát của ta thì “công việc” ở đó hấp tấp quá, vì Châu Phi tin tưởng rằng quân đội Ô-ga-nô được huấn luyện và trang bị dưới sự điều khiển của cố vấn CIA và thái độ cứng rắn triệt để của Ô-ga-nô là do Oa-sinh-tơn cho phép. Chúng ta đã kiểm soát đúng mức các quan hệ tiếp xúc của Ô-ga-nô chưa? Chúng tôi chờ đợi một câu trả lời chuẩn xác, vì mọi hành động hướng tới lục địa châu Phi hiện nay đều phải giải thích được một cách thoả đáng trên vũ đài quốc tế.
Phòng nghiên cứu của Bộ Ngoại giao”.
“Gửi nhân viên CIA đóng tại Luy-xbua, Rô-bớt Lô-ren-xơ.
Hãy sửa sang cho kỹ tất cả mọi lời phát biểu công khai của Ô-ga-nô, ông ta đã nhắc lại quá lộ liễu các lý lẽ của Bắc Kinh, mà theo ý kiến của Bộ Ngoại giao, như vậy là các mối tiếp xúc của ông ta với chúng ta phơi bày ra quá rõ ràng, sợ rằng như vậy, người Phi sẽ nghi ngờ lòng trung thành với đất nước của ông ta. Ý kiến này cũng trùng hợp với thông báo của nhân viên Tỉnh Táo từ Mát-xcơ-va. Hãy chỉ thị cho Ô-ga-nô hãy tỏ ra gay gắt hơn với “chủ nghĩa đế quốc” và phải lên tiếng phê phán “tính thụ động” của Bộ Ngoại giao Mỹ đã tỏ ra “quá mức dè dặt” đối với các phần tử thân Mát-xcơ-va.
Phó Giám đốc CIA Mai-cơn Ven-xơ”
“Trích phát biểu của đại sứ đặc nhiệm Mỹ:
Trong lúc dư luận chê trách chúng tôi, ủng hộ nhóm phân rẽ ở đây và coi như chúng tôi là những người đứng sau lưng ngài Ô-ga-nô, tôi không ngừng cải chính và vạch rõ sự thiếu trung thực của những kẻ buộc tội ấy. Những lời phát biểu gần đây của ngài Ô-ga-nô đã thể hiện rõ tính chất độc lập triệt để của mình; những lời phê phán của ông ta đối với đất nước của chúng tôi sẽ không còn làm những người quan sát khách quan nghi ngờ gì, rằng lý tưởng chính trị của ông ta rất xa lạ với những gì mà chúng tôi tuân theo. Chính phủ chúng tôi sẽ không thể chịu trách nhiệm gì về các hành động của ngài Ô-ga-nô. Việc gắn liền ông ta bằng bất cứ cách gì với các mục tiêu và phương pháp của chính sách đối ngoại của chúng tôi là bôi nhọ đất nước chúng tôi và Chính phủ chúng tôi…”
“Gửi Bộ Ngoại giao Trung Hoa, Bắc Kinh.
Tướng Ô-ga-nô đã thông báo cho tôi về những cuộc họp mặt bổ ích mà ông ta đã tiến hành với Lô-ren-xơ mà các đồng chí đã biết. Trong những cuộc thương lượng này, Ô-ga-nô đã được hứa gửi cho một loạt máy bay lên thẳng, súng cối và ba mươi xe tăng hạng nhẹ, những thứ sẽ có thể quyết định xong mọi sự kiện sắp xảy ra trong thời gian trước mắt.
Đỗ Lý Nghị, đại sứ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ở Na-gô-ni-a”
(1) Highball: Rượu uýt-xky pha xô-đa (ND).
Tass Được Quyền Tuyên Bố Tass Được Quyền Tuyên Bố - Yulian Semenov