When you reread a classic you do not see more in the book than you did before; you see more in you than was there before.

Clifton Fadiman

 
 
 
 
 
Tác giả: Yulian Semenov
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 24
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 25 - Tìm Kiếm - V
é ra Đô-nan Ghi là một người cao, trông còn trẻ, nhưng tóc lại đã bạc hết, một vết sẹo lằn đỏ rạch ngang trán, nên trong giới kí giả người ta gọi anh ta là “Ghi-hác-vy Xcoóc-zê-ni”(1)
Anh ta hẹn gặp Xtê-pa-nốp ở dưới tiền sảnh của khách sạn - vì máy điều hoà không khí trong phòng anh ta cũng như ở tất cả các phòng khác, đều không chạy được nữa. Bọn thực dân đã tháo dỡ các thiết bị, dù bọn chúng đã được hứa trả nhiều tiền nếu đồng ý huấn luyện các viên chức địa phương cách sử dụng các hệ thống cũng không lấy gì làm rối rắm này. Chỗ duy nhất trong khách sạn có thể thở được là tiền sảnh, ở đấy có gió lùa, vì tất cả các cửa đều thường xuyên mở, và từ đại dương, hơi mát toả vào, nhất là từ lúc xế chiều.
- Tôi là Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, phóng viên Mát-xcơ-va, cảm ơn ông đã dành chút thời gian cho tôi.
- Tôi vui thích được gặp ông, thành thực mà nói, tôi chưa lần nào nói chuyện đối diện với một người Nga cả. Ông có việc cần đến tôi?
- Vâng.
- Vậy xin mời ông đề xuất, ông Xtê-pa-nốp.
- Tôi quan tâm tới bản anh hùng ca của ông với Glép…
Mặt Đô-nan Ghi đờ ra, anh ta thò tay lấy thuốc lá, rút ra một bao “Che-xtơ-phin” nhàu nát, đưa mời Xtê-pa-nốp, rồi hít một hơi dài như để thoả cơn thèm, sau đó rụt đầu vào giữa đôi vai xương xẩu và trả lời:
- Tôi thật không muốn động đến đề tài này nữa!
- Ông đã thua cuộc?
- Không chỉ thua. Tôi đã kí bản đầu hàng vô điều kiện.
- Vì ông không đủ các chứng cứ à?
- Ông biết không, tôi đã đi du ngoạn ở châu Á mấy lần.
- Không chỉ vì thế. Tôi có những tư liệu về nhà băng của ông Lưu.
- Ông nhận được chúng một cách hợp pháp hay do tình báo đã cung cấp cho ông?
- Nếu như tình báo cung cấp cho tôi thì tôi rất khó in sách về ông Lưu - không cơ quan tình báo nào trên thế giới lại thích tài liệu của họ lọt ra trên báo chí, ấn phẩm. Ông đã gỡ việc này từ một đầu khác, ông Ghi ạ. Lẽ ra phải bắt đầu từ chỗ viên thư kí của ông Lưu đã bị giết theo lệnh của ai.
- Không tìm được hung thủ.
- Ông tin rằng bọn chúng bị truy tìm à?
- Vâng, tuy đây chỉ là hình thức… Nhưng điều đó làm sao có thể đạt được ở Hồng Kông!... Chắc ông có đến đó rồi?
- Hồng Kông thì tôi chưa đến.
- Nếu ông quan tâm đến vấn đề ma tuý trên thế giới, tôi khuyên ông nên đến đó.
- Tôi định đến, nhưng người ta không làm thủ tục nhập cảnh cho tôi. Việc đi lại tự do đối với những ai họ cho là “đỏ” bị hạn chế, còn khi đeo đuổi những mục tiêu vụ lợi của mình, thì họ lại làm rùm beng lên về vấn đề này… Cái tên họ San-xơ có gợi cho ông nhớ về chuyện gì không?
- Vin-hem San-xơ, người Đức ở Muy-ních phải không?
- Đúng thế.
- Lão ta đã từng làm việc ở đó với Glép.
- Ông biết tiểu sử lão ta chứ?
- Không. Một lão già Đức, nói thạo tiếng Anh, đi phổ cập những ấn phẩm của Mỹ.
- Chuyện lão ta đã từng là sĩ quan chỉ huy của SS, ông có biết không?
- Lại cũng nằm trong những trò tuyên truyền chứ gì?
- Chúng tôi đã in trên báo bản sao fắc-xi-mi-lê các lệnh xử bắn của hắn, ông Ghi ạ. Hắn đã được liệt vào danh sách tội phạm chiến tranh.
- Thế thì các ông cứ việc đòi trao trả hắn đi.
- Chúng tôi đã đòi hắn ba lần. Và bây giờ hắn vẫn chỉ huy nhóm khủng bố ở Hồng Kông. Tôi nghĩ là cũng chính San-xơ đã tập dượt việc tấn công ông, hắn biết làm việc đó, hắn đã làm như vậy đối với Xcoóc-zê-ni.
- Do đâu mà ông biết chuyện này?
- Thì Xcoóc-zê-ni đã nói với tôi.
- Ông đưa thêm một kẻ lạ mặt vào sự việc của tôi để đem lại cái gì, ông Xtê-pa-nốp?
- Đem lại nhiều thứ chứ. Dù sao, đa số dân Mỹ cũng vẫn căm thù chủ nghĩa quốc xã. Nếu như ông chứng minh được rằng Glép đã che giấu cho San-xơ, ông sẽ thu hút được một sự chú ý hoàn toàn khác đối với sự việc của ông. Tôi sẵn sàng trao cho ông tài liệu của tôi về San-xơ. Còn ông hãy kể cho tôi nghe tại sao ông đã kí vào bản đầu hàng vô điều kiện thế?
- Ông muốn viết truyện này?
- Còn tuỳ thuộc ở ông.
- Tôi thì không muốn ông viết về truyện này.
- Ông sợ mất việc?
- Mất cả tính mạng nữa chứ. Mất việc chỉ là một nửa tai hoạ, tôi đã khắc phục bằng nghề rửa tàu thuỷ khi tôi cố tâm định lật tẩy Glép. Nhưng bọn chúng sẽ bắn tôi thẳng tay ấy…
- Thế nếu như tôi thay đổi hết tên họ? Thay địa điểm đã xảy ra sự việc?
- Nếu vậy thì phải trả giá là 50 nghìn đô-la.
- Mỗi ngày ở đây tôi được lĩnh có 12 đô-la tiền tiêu thôi, ông Ghi ạ. Nếu tính rằng tôi còn phải ngồi vào đây chí ít là một tháng nữa mới viết xong, thì có lẽ ta nên chia đôi, ông một nửa, tôi một nửa vậy.
- Một món hời đấy. - Khuôn mặt Ghi từ nãy đến giờ vẫn căng ra, có hơi thư giãn một chút. - Ông bạn đồng nghiệp này, ông hiểu cho, tôi đã bán tất cả tài liệu về Glép rồi. Bán sạch sành sanh, với giá 10 nghìn đô-la. Khi bọn chúng gửi thư cho tôi và bảo là mẹ tôi sẽ phải chết, và chúng sẽ còn bắt cóc chị tôi, thì tôi hiểu là chúng sẽ làm thật. Chúng dám làm qua đi chứ, ông hiểu không! Biết làm sao được? Chả lẽ phải chở cả mẹ và chị sang ở với các ông? Không đủ tiền, mà vé thì quá đắt! Vả lại, tôi yêu nước Mỹ của tôi, và hoàn toàn không thích chế độ của các ông.
- Thì cũng như tôi không thể thích gì chế độ các ông ấy.
- Tôi biết. Các đồng nghiệp của tôi vẫn đọc ông.
- Còn ông?
- Không. Nói chung, tôi chẳng đọc gì hết, ông Xtê-pa-nốp ạ. Tôi không tin một chữ nào in trên sách báo vì tôi đã biết thừa là nó được tạo ra như thế nào. Tôi viết những gì người ta muốn ở tôi, tôi làm cho xong việc, ông Xtê-pa-nốp ạ. Tờ báo “Xtar” (Ngôi sao) đã mua tôi, mua theo yêu cầu của bọn Glép, tôi tin chắc như thế.
- Không hẳn! Glép đâu đủ sức làm điều đó. Theo yêu cầu của các ông chủ của Glép mới đúng.
Ghi lắc đầu, cười khẩy.
- Ông nghĩ thế nào, Glép chuyển bao nhiều phần trăm lợi nhuận vào tài khoản của các ông chủ, sau mỗi chuyến áp-phe hê-rô-in? Không quá 3% đâu - bọn ấy rất thận trọng, chúng biết có thể lấy được bao nhiêu. Chẳng thà lấy ít một, mà lâu dài, còn hơn lấy cả một lần và bị mắc vạ.
- Còn phải xét xem cái “một lần” ấy nó như thế nào!
- Giá quy định thật đơn giản : mỗi chuyến áp-phe thành công, Glép phải chi 5% để bọc lót. Trong số 5% lợi nhuận phải chi ấy, lão ta dành cho các ông chủ 3%.
- Nếu thế thì sao lão không ngồi chơi sưởi nắng ở Mai-a-mi cho khoẻ, lại còn phải sang Luy-xbua với vai trò điếu đóm làm gì?
- Bởi vì tất cả số tiền lão có, lão lại dở hơi đem ném cả vào Na-gô-ni-a, ông Xtê-pa-nốp ạ. Khoảng 10% cổ phần tất cả các khách sạn ở đấy là của lão. Nhưng lão chưa kịp hốt bạc triệu thì mọi thứ đều bị đảo lộn. Và lão phải tìm cách thu tiền về có gì là khó hiểu.
- Ông có chứng cớ gì không?
- Chứng cớ có ở Li-xbon và Pa-ri. Ở Béc-nơ cũng có, ở đấy có in những sách tra cứu tuyệt hảo cho những ai định hùn vốn làm ăn. Glép không thể cứ giữ tiền bằng tài khoản. Ở nước chúng tôi hệ thống thuế khoá của bộ tài chính làm việc còn gắt gao hơn cả FBI…
- Nhưng lấy lại Na-gô-ni-a, lão không hiểu là điều đó phi thực tế hay sao?
- Tôi lại coi điều đó là hoàn toàn thực tế.
- Không ăn thua đâu!
Ghi lắc đầu:
- Ăn thua quá đi chứ!
- Mà có lẽ chính ông cũng không muốn để lão ta thu được tiền về cho lắm, đúng không, Đô-nan? - Xtê-pa-nốp hạ giọng: - Ông rất không muốn để lão lại được bắt đầu sự nghiệp ở đây? Một sự nghiệp cho phép lão ta bỏ túi hàng triệu bạc và ca khúc khải hoàn mà về nước Mỹ?
- Tôi rất không muốn điều đó, nhưng tôi còn không muốn hơn nữa việc lão ta sẽ bắn giết cả gia đình tôi.
- À, nhưng làm việc đó phải có những kẻ thừa hành.
- Không, Glép biết tự tay làm tất cả.
- Hắn sợ nhân chứng chăng?
Ghi lại nhún vai.
- Sao lại sợ? Hắn đâu có sợ. Hắn khử cả nhân chứng ấy chứ, nếu cần thiết. Chẳng qua hắn thích công việc ấy. Hắn là dân “mũ nồi xanh” chính cống, lí tưởng của hắn là sức mạnh, những gì ông nói về San-xơ đều có thể áp dụng cho Glép trong ý nghĩa của tôi. Tôi chẳng lấy làm ngạc nhiên nếu như hắn treo ảnh Hít-le trong nhà, bây giờ, tôi chẳng còn ngạc nhiên trước bất cứ điều gì nữa.
- Ông có thể nêu tên một vài người mà ông đã từng nói chuyện về hắn?
- Tôi đã nói là tôi bán hết các tài liệu rồi, hết nhẵn rồi, tôi muốn sống, vậy đấy. Ông hiểu chứ?
- Tôi hiểu. Nhưng vài tháng nữa tôi sẽ sang Mỹ. Ông chỉ cần cho tôi biết hai cái tên, không cần hơn, để khởi đầu. Ông cho tôi tên vài người không ưa thích gì bọn quốc xã, tôi sẽ tự tiến hành điều tra, vì ở đó có khoản nhuận bút sách, tôi sẽ chi cho việc tìm kiếm tư liệu mà không dính dáng đến ông.
- Người ta không trả nhuận bút cho các ông ở nước ngoài đâu. Bên tôi đã có văn bản, viết rằng: gì chứ lợi nhuận của các ông thì họ lột hết.
- Ông bảo, ông không tin vào báo chí kia mà - Xtê-pa-nốp phá lên cười. - Tuy rằng về khoản này bọn họ viết cũng có phần đúng đắn.
- Ông nói với một kí giả cánh hữu như vậy là táo bạo đấy, ông Xtê-pa-nốp ạ.
- Đây là tôi nói với một kí giả phải làm việc cho tờ báo cánh hữu, ông Ghi ạ. Hai việc ấy đâu phải là một. Còn về việc đánh thuế nặng đối với tác phẩm của tôi in ở nước ngoài, tôi sẽ tìm dịp để kháng cáo lại…
- Ông hãy giải thích với tôi, vì sao ông căm thù chủ nghĩa quốc xã đến thế? Tất nhiên, tôi hiểu - bên các ông đã mất mười triệu sinh mạng.
- Hai mươi triệu, ông ạ.
- Thế cơ à?
- Vâng. Còn riêng tôi… Một khi chúng đã giết tới bảy anh chị em trong gia đình tôi, thì còn gì phải nói nữa… Và bây giờ những tên như San-xơ ấy đang nhởn nhơ ở Hồng Kông và phổ biến các ấn phẩm loè loẹt, để tuyên truyền cho cái “dân chủ” và “công lí” của chúng…
- Tôi không uống rượu, ông Xtê-pa-nốp ạ, nhưng nếu ông xiết cổ được thằng Glép cho nó thấy giời đất thì lạy Chúa, tôi sẽ uống cạn một cốc rượu Ma-đê-ra(2) để mừng ông. Ông hãy thử nói chuyện với vợ cả của hắn xem, thường thì nằm ở nhà thương tâm thần, nhưng cũng đôi khi sống ở nhà. Nghe đồn là bà ta hoàn toàn khoẻ mạnh. Tất nhiên là người ta không tin bà ta, nhưng bà ta sẽ cung cấp được cho ông một vài sự kiện. Bà ta tên là Em-ma San-xơ, chính là con gái cái lão Vin-hem San-xơ, mà ông đã kể cho tôt khá nhiều chuyện và bằng một giọng thống thiết đến như thế. Nhưng ông cũng nên nhớ rằng Em-ma ra đời vào tháng Năm năm bốn mươi lăm - cái đó rất quan trọng để hiểu được bà ta yêu cái gì, ghét cái gì.
(1) Skorzeny: sĩ quan của Hít-le có một vết sẹo ngang mặt, nổi tiếng trong Đại chiến II vì chiến dịch cứu thoát Mút-xô-li-ni.
(2) Madera : một loại rượu vang ngon có tiếng, thoạt tiên được sản xuất ở đảo Ma-đê-ra (Bồ Đào Nha).
Tass Được Quyền Tuyên Bố Tass Được Quyền Tuyên Bố - Yulian Semenov