Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Tác giả: Yulian Semenov
Thể loại: Tiểu Thuyết
Số chương: 39
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 24
Cập nhật: 0001-01-01 07:06:40 +0706
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Phần 8 - 10 -
LA-VIN
Đồng nghiệp của Xla-vin ở Luy-xbua còn trẻ, chỉ mới ba mươi lăm tuổi, tên là I-go Đu-lốp. Anh ta phát âm tên họ của mình thật tròn trặn, vẻ ngon lành như ngậm kẹo.
-Nói chung, tới giờ chưa thấy ai cần đến tôi giúp đỡ cả. Đu-lốp nói, giọng du dương, thỉnh thoảng lại quay sang nhìn cái chỏm tóc để nhọn của Xla-vin. Hai người đi ven bờ đại dương mặt trời nóng bỏng, sáng lóa, vừa chói mắt vừa thiêu đốt. Chỉ có một lần, vợ ông quản lý bất động sản đến tìm, bà ta bảo tôi là bà ta bị theo dõi.
- Cứ bảo bà ta làm dấu thánh đi, ai theo dõi bà ấy làm gì.
- Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải kiểm tra rồi.
- Tôi hiểu. Còn Đa-lét, tôi nghĩ, chắc không theo dõi bà ta đấy chứ?
Đu-lốp nhăn trán, hỏi lại: - Đa-lét?
- Phải, A-len Đa-lét ấy! (3)
Đu-lốp hiểu ra, phá lên cười giòn tan, ngoẹo đầu về bên trái, hệt như con chim kim oanh trước khi hót. Mắt anh cũng giống mắt chim, nhỏ và đen thăm thẳm, hơi lồi lên. Và Đu-lốp nói tiếp: - Về mọi chuyện Pa-ra-mô-nốp thì sau khi anh ta về nước, mọi chuyện đã vỡ lở ra rồi đấy. Có trát đòi đến toà, nhưng dấu vết anh ta đã nguội rồi còn gì!
- Đồng chí đã đến toà hỏi chưa?
- Rồi. Các vị này lại đẩy sang bên thanh tra giao thông địa phương. Sang đó thì người ta lại lặng thinh: Chúng tôi chẳng biết gì, chẳng nhớ gì về anh ta.
- Thế Pa-ra-mô-nốp không nói gì về chuyện này à?
- Không hé một lời!
- Anh ta làm gì?
- Thợ cơ khí ở ga-ra ô-tô. Phải nói là một tay thợ cừ. Anh ta lắp vào chiếc xe “Von-ga” của Dô-tốp bộ chế hoà khí của chiếc “Fi-át”, bây giờ nó bay veo veo như vệ tinh ấy, cứ “rù rù” mà chạy tới 150km giờ.
- Thế nào? – Xla-vin ngạc nhiên - Thế mà là “rù rù” à?
- “Rù rù” tức là cứ êm ru thế thôi, không phải găng sức lọc cọc lạch cạch tí nào!
- Hay đấy, - Xla-vin tán thưởng - Cậu có cách nói truyền đạt thật chính xác cái tổ hợp vận tốc êm ru ấy đấy! Rõ rồi. Bây giờ về các nhân vật CIA ở đây, cậu có biết thêm điều gì nữa không? Bọn chúng có bí mật giao du với người nào đó, trong số cán bộ ta không?
- Ở đây có một nhân vật khá lý thú, Giôn Glép, thương gia, hoặc có thể coi như thế. Thường thường, Dô-tốp vẫn hay đi lại với hắn.
- Anh ấy làm gì?
- An-đrây Dô-tốp, kỹ sư hàng hải, tôi đã nói với đồng chí rồi đấy. Tôi có bảo Dô-tốp là Glép có khả năng dính dáng đến các cơ quan tình báo, nhưng anh ấy chỉ cười: “Công việc của cậu là thế, cứ nhìn đâu cũng thấy gián điệp!”
- Anh ấy cười chúng ta cũng đúng thôi. Nhưng anh ấy là người thế nào? Đồng chí có thấy cấn đề gì với anh ấy không?
- Không. Anh ấy có hơi xốc nổi, hay chửi, nhưng tôi tin là anh chính trực.
- Anh ấy hay chửi chuyện gì?
- Những chuyện tất cả chúng ta vẫn thường chửi bới đấy, chỉ có điều với mức độ to tiếng khác nhau mà thôi: thói làm ẩu, đẩy trách nhiệm cho người khác, thói lười biếng… mà ta vẫn gặp ấy mà.
- Nhưng khi chửi, anh ấy tôn trọng sự thực chứ? Xla-vin sực nhớ đến Đmi-tơ-ri Xtê-pa-nốp, mỉm cười.
- Đồng chí đặt vào từ ấy ý nghĩa tiêu cực phải không? …
- Có thể thế được sao? – Xla-vin ngạc nhiên- À, mà thôi, ai chịu trách nhiệm về thời hạn cung cấp hàng cho Na-gô-ni-a ?
- Chính là Dô-tốp. Ở Luy-xbua này, tàu của ta chạy tuyến Na-gô-ni-a, phải dự trữ cho cả chuyến đi mọi thứ. Vì bên đó chẳng có thứ gì cả. Cảng hầu như bị bọn thực dân tháo dỡ đi hết rồi.
- Thế Dô-tốp ở đây đã lâu chưa?
- Năm thứ ba rồi. Anh ấy mới về nước tuần trước, về thăm vợ ở Mát-xcơ-va.
- Cô ấy làm sao, không ở đây vì không chịu được khí hậu à?
- Không phải… Hình như giữa họ có chuyện đổ vỡ gì đó. Và cô ấy xin về nước đã được một năm rồi. Nghe nói cô ta cặp bồ với Đu-bốp, anh này là bạn Dô-tốp, cũng là nhà kinh tế, phó tiến sĩ…
- Làm sao xác định được Dô-tốp về nước chuyến nào?
- Không có gì đơn giản hơn. Có hai chuyến một tuần, thứ sáu và thứ ba…
- Sao lại không nói thứ ba và thứ sáu? – Xla-vin lưu ý. Anh thích thử nghiệm để có thể hiểu rõ hơn phản ứng của người đối thoại. Đối với người khác, có khi cần diễn giải hàng giờ, còn anh chỉ cần quan sát thoáng qua, qua ánh mắt, anh đã có thể nắm vững.
- Bởi vì, lấy thứ sáu làm điểm chuẩn thì dễ tính toán hơn – Đu-lốp trả lời – Sau đó là hai ngày được nghỉ cả.
- Chỗ các cậu có sân quần vợt không nhỉ?
- Ở khách sạn “Hin-tơn” có đấy!
- Cậu có khi nào chơi không?
- Tôi chỉ cổ vũ thôi.
- Cổ vũ cho ai?
- Hiện giờ thì cho đồng chí lãnh sự Ba Lan, còn trước kia thì tôi ủng hộ cho vợ của Dô-tốp, cô ấy đánh khá lắm.
- Này, thế cậu có biết Dô-tốp đã đi lại chơi với Glép lâu chưa ấy nhỉ?
- Lâu rồi. Họ quen nhau khoảng ba tháng, sau khi Dô-tốp tới đây. Có dễ đến hai năm rưỡi rồi đấy, không ít hơn đâu. Glép không bỏ một buổi tiếp tân nào của chúng ta. Phía ta, nhiều người biết Glép lắm.
- Dô-tốp có nói được tiếng Anh không?
- Có, cả tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nữa. Một tay học thức ra trò đấy!
- Cậu có vẻ thích anh ấy, - Xla-vin nửa nhận xét, nửa như khẳng định.
Đu-lốp đã hiểu là chuyện Dô-tốp không phải bỗng nhiên được gợi lên, tuy nhiên, anh vẫn ngửa đầu như con chim kim oanh, hướng cặp mắt nhìn thẳng vào Xla-vin và đáp:
- Vâng, tôi thích anh ấy!
- Cậu không nói “Đối với anh ấy, tôi không thấy có vấn đề gì cả”, thế là tốt. Dô-tốp có uống rượu không?
- Không, nhưng anh ấy biết uống.
- Tức là có uống? – Xla-vin hỏi lại.
- Không. Anh ấy biết uống! – Đu-lốp kiên quyết nhắc lại – Anh ấy có thể uống nhiều nhưng chưa bao giờ say cả. Tất nhiên, cũng không phải loại giữ gìn co rúm lại, tôi chỉ xét đoán thế, theo cách anh ấy uống trong các buổi tiếp tân.
- Anh ta không bắt nhân tình với ai, sau khi vợ về nước chứ?
- Tôi nghĩ, có lẽ người ta đã thông báo tin tức sai lạc về anh ấy cho đồng chí, Vi-ta-li ạ!
- Mới chỉ có đồng chí thông báo tin tức về anh ấy cho tôi thôi, I-go ạ! Trước kia tôi không hề biết gì về anh ấy hết. Thế anh ấy dùng thì giờ rảnh rỗi làm gì?
- Đi thăm thú đất này. Anh ấy đã thu thập được cả một tủ sách rất thú vị.
- Có ai trong số cán bộ ta gặp những người Nga lưu vong ở “Hin-tơn” không? Chẳng hạn do vốt-ca, vật kỷ niệm, đĩa hát,… có thể gặp lắm chứ?
- Ở “Hin-tơn” có tất cả sáu người da trắng làm việc, Vi-ta-li ạ, còn lại là người Phi cả. Quản lý “ba” thì tôi biết, là người Pháp, tên là Gia-cốp, thằng chó đẻ, làm mật thám phục vụ cho mọi thứ chủ, một thằng có sức hút vô chừng. Còn lão chủ khách sạn cũng là người da trắng, tên là Lin-đơn Uy-li-am…
- Đồng chí vẫn thăm hỏi Glép mỗi khi có cuộc tiếp tân đấy chứ?
- Dĩ nhiên.
- Khi nào lại có cuộc chạm cốc mời khách nữa?
- Ngày kia.
- Đồng chí lo liệu sao để Glép sẽ được mời nhé, được chứ? Và hãy giới thiệu tôi với lão ta.
- Nhưng lão ấy biết tôi là ai rồi.
- Thì có sao? Tuyệt lắm.
- Tuyệt thì vẫn tuyệt, nhưng chắc lão có thể đoán cả ra nhiệm vụ hiện nay của đồng chí. Bọn chúng sẽ réo tên lên trên mặt báo ấy!...
Xla-vin trả lời rắn rỏi:
- Thế thì chỉ có cách là chúng đừng có động vào chúng ta, dù ở nhà hay ở đâu. Lúc ấy tôi chẳng có việc gì cần phải sang đây. Chúng đã gây ra trước tất cả mọi chuyện. Cả ở bên ta, cả ở đây, chúng đều lén lút thò vào những vấn đề an ninh quốc gia của chúng ta. Nếu chúng không động chạm vào, thì chúng ta có thể ngồi yên ở Mát-xcơ-va, hoặc đi du lịch cả Xan Phran-xít-xcô nữa kia, có sao đâu, tôi cũng thích dân tộc Mỹ, một dân tộc vẻ vang lắm chứ!
- Cứ thẳng như thế mà giải thích ư?
- Thì sao? Việc gì phải che giấu. Trong hoạt động bí mật cũng có luật chơi của nó chứ, có cả mức độ nữa.
- Được, chúng ta sẽ thử xem.
- À, mà Pa-ra-mô-nốp không dự các buổi tiếp bao giờ nhỉ?
- Không, vì anh ta không phải nhà ngoại giao Vi-ta-li ạ.
- Yếu tố ngẫu nhiên thì sao?
- Không có yếu tố ngẫu nhiên đó đâu, - Đu-lốp tự tin trả lời.
Những câu hỏi của Xla-vin không làm Đu-lốp hài lòng: Sao mà nó quá trực diện, không tỏ vẻ quanh co, tựa như theo công thức vậy.
Nhưng những câu trả lời của Đu-lốp, trái lại, làm Xla-vin hết sức vừa ý: Anh ưa thích những người biết bảo vệ quan điểm riêng, dù rằng – cái này phụ thuộc nhiều vào ngữ điệu mỗi người, - nếu biết lựa lời với người mới đến thì tốt hơn, nhất là người đó mang cấp bậc và trình độ cao hơn mình.
*
* *
“Điện gửi Trung tâm:
Xin cho biết về Pa-ra-mô-nốp. Anh ta có nói với ai về sự việc anh ta bị cảnh sát giữ không? Nếu có nói, thì anh ta giải thích là vì cái gì? Ở Trung tâm có tài liệu gì về những người Nga lưu vong ở Luy-xbua không?
Xla-vin”
*
* *
“Gửi Xla-vin:
Tài liệu về những người Nga lưu vong rất ít ỏi, vì ở Luy-xbua không có câu lạc bộ tậo hợp những người lưu vong. Theo những tài liệu chưa được xác minh, chỉ biết rằng ở Luy-xbua có một người tên là Khơ-rê-nốp Vích-to Cu-dơ-mích (hoặc Khơ-ri-xan-phô-vích), lính cũ của bọn phản bội Vla-xốp đã tham gia trận đánh Vrô-xláp. Không rõ nơi cư trú chính xác. Theo nguồn tin từ ba năm trước đây, anh ta thuê một buồng ở khách sạn gần ga. Có một thời gian, anh ta sống ở Ki-lơ bằng nghề đánh bi-da, có biệt hiệu là tay “đánh thọc sườn”. Do không nắm được chính xác là anh ta tự nguyện gia nhập quân Vla-xốp hay bị cưỡng bức, nên hãy hết sức cẩn thận nếu có ý định gặp anh ta. Không nắm được gì về việc anh ta có liên hệ với các cơ quan tình báo nào hay không, nhưng chỉ biết rằng ở Ki-lơ, anh ta có tham gia vào các vụ cướp, và có dính líu với một phần tử phạm tội hình sự.
Trung tâm”
CÔN-XTAN-TI-NỐP
Prô-xcu-rin trải ra trên bàn họp to, màu hạt dẻ sẫm, trước mặt Côn-xtan-ti-nốp, mười tờ giấy, có in tên các Bộ và cơ quan có liên quan đến việc chở hàng cho Na-gô-ni-a. Côn-xtan-ti-nốp lướt qua tài liệu và nói có phần bực dọc:
- Thế nếu cần cụ thể hơn có được không?
Prô-xcu-rin nhún vai:
- Kể cũng khó đấy.
- Tôi biết là khó rồi!
- Tôi đã loại trừ, ước tính, để vòng tròn thu dần lại. Bây giờ chỉ còn ở trong khoảng một nhóm người.
- Vậy bao nhiêu người trong số họ có khả năng nắm được các tài liệu mật?
- Chỉ mười hai người.
- Các hồ sơ, dữ liệu… đã chuẩn bị rồi chứ?
- Xong cả.
- Có cái gì trong đó thấy cần cảnh giác nhất?
- Tôi không thấy có nghi vấn gì thêm đối với mỗi người trong số này.
- Nghi vấn à? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi lại – Cơ quan an ninh không nên đặt nghi vấn gì ra trước đối với những người Xô-viết. Hoặc là đưa ra chứng cớ, hoặc là không có gì cả.
- Thưa thiếu tướng, tôi cũng xuất phát từ những tiêu chuẩn đúng như thế đấy ạ.
- Tiêu chuẩn, bao giờ nó cũng bất biến, phải thế!... Còn các tài liệu về những người này, có đây không?
- Tơ-ru-khin đang đánh máy lại.
- Khi nào đồng chí ấy xong?
- Tôi nghĩ là vào quãng ăn trưa.
Côn-xtan-ti-nốp hỏi lại:
- Tôi cần hỏi là khi nào đồng chí ấy xong?
- Đúng 14 giờ, không - không (14h00).
- Cám ơn đồng chí.
Một trong số bảy máy điện thoại reo lên và Côn-xtan-ti-nốp nhắc ngay một ống nghe lên, không hề nhầm lẫn:
- Tôi nghe đây. Vâng. Chào đồng chí! Thế nào rồi? Đồng chí đến đây ngay nhé!
Đặt ống nghe xuống, Côn-xtan-ti-nốp trầm ngâm nhìn dây điện thoại, rồi quay người về phía Prô-xcu-rin…
- Pa-ra-mô-nốp có bị liệt vào danh sách vừa lập không?
- Có chứ.
- Nhưng tới vòng tròn thu hẹp, anh ta không có mặt chứ?
- Không ạ. Đồng chí đã định rõ là, tên gián điệp phải được hỏi về những tin tức mang tính chất chính trị.
- Đúng. Tuy nhiên, Pa-ra-mô-nốp có thể là người truyền tin. Anh ta bây giờ là việc ở đâu nhỉ?
- Anh ta phụ trách cơ sở ô-tô ở Công ty sửa chữa tàu biển viễn dương.
- Công ty này chuyên trách về tàu gì, hoặc khu vựa nào?
- Cái đó tôi chưa kịp tìm hiểu kỹ.
- Có thể cho một câu trả lời đại thể được không?
Prô-xcu-rin nhún vai:
- Tôi không dám, bởi vì tôi rất biết thái độ của đồng chí đối với những câu trả lời đại thể rồi!
- Vâng, đúng vậy. Đồng chí hãy làm sáng tỏ vấn đề này cấp tốc lên nhé, vì việc quan sát bên ngoài sau bức mật mã của Xla-vin đã cho thấy nhiều tín hiệu lo ngại về Pa-ra-mô-nốp.
… Hồ sơ được lập ngay, khô khan, không một xúc cảm, chỉ có sự việc, như người ta vẫn thường làm.
Theo hồ sơ này, Mi-kha-in Mi-khai-lô-vích Pa-ra-mô-nốp, sinh năm 1929, dân tộc Nga, có vợ, không có người thân thích ở nước ngoài, vào hồi 12h47 từ Công ty sửa chữa tàu viễn dương đi ra, nhìn ngó chung quanh rất kỹ lưỡng ở gần bến ô-tô buýt, làm ra vẻ buộc dây giày, tuy dây giày không hề tuột. Đợi khi mọi hành khách đã lên xe, anh ta mới nhảy lên cuối cùng, trước lúc cửa xe đóng lại. Đi hai bến, anh ta xuống, lại quan sát chung quanh, và sau khi dừng bên tủ kính cửa hàng “Nước khoáng”, thì chạy vào đó trước khi người bán hàng treo biển “Nghỉ ăn trưa” một phút. Không tiếp xúc với ai, trừ người bán hàng, không mua chai nước khoáng nào, chỉ uống một cốc nước nhãn hiệu “Na-rơ-dan”. Ngồi lên ô-tô buýt, rồi Pa-ra-mô-nốp quay về Công ty và ở ga-ra đến hết giờ làm việc, sơn chiếc xe “Gi-gu-li” thành màu bạc, xe có số đăng ký 72 – 21.
Côn-xtan-ti-nốp ngước mắt nhìn đại tá Cô-nô-va-lốp. Đồng chí này dường như đợi sẵn cái nhìn ấy, lấy ngay từ trong cặp ra tờ giấy đánh máy kín gần như không có lề và im lặng chìa cho thiếu tướng.
Côn-xtan-ti-nốp lấy một điếu xì gà, từ từ xé lớp giấy bóng kính bọc ngoài, ông vừa hút thuốc vừa chăm chú đọc: “Người bán hàng ở cửa hàng “Nước khoáng”, thuộc Phòng thương nghiệp quận Xvéc-lốp, tên là Xi-din Gri-gô-ri Gri-gô-ri-ê-vích, sinh năm 1935, dân tộc Nga, ở ngoài Đảng, có vợ, có người thân thích bên họ mẹ ở nước ngoài, đã bị ra toà vì tội vô trách nhiệm, bị cải tạo lao động một năm ở nơi làm việc”.
- Họ hàng của anh ta ở đâu vậy? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi, nhưng ông nghĩ Cô-nô-va-lốp chưa thể trả lời được. Thời hạn ngắn quá, ông chỉ hỏi vậy để nhắc nhở thôi, mà nếu nhắc nhở như vậy là chính đáng, thì không gây bực mình. Ấy thế, nhưng Cô-nô-va-lốp, tóc bạc, người mập tròn, hơi rướn về phía trước, bằng cử chỉ nhanh nhẹn, anh lôi tiếp một tờ giấy nữa ra và đọc:
- Người chú Xi-din là Mác Phê-dô-rô-vích sống ở Ốt-ta-oa (4), làm công nhân vận chuyển ở lò sát sinh, còn người thím. Xi-di-na Mác-ta Ghen-ri-khốp-na, quét dọn ở khách sạn.
- Làm sao họ lại đến tận đấy?
- Thưa đồng chí thiếu tướng, sau chiến tranh, bọn Đức đã xua họ đi.
“Từ ngữ hay dùng của người đã tham gia chiến tranh – Côn-xtan-ti-nốp nhận thấy ngay – Bây giờ người ta thường nói khác hơn: bọn phát-xít đã xua họ đi”.
- Còn một tài liệu nữa, thưa đồng chí thiếu tướng.
- Đồng chí làm bao giờ mà nhanh thế? Thời gian eo hẹp thế kia mà?
- Ôi chao, thưa đồng chí, cũng vì cái tính ấy mà người ta đang muốn tôi về hưu đấy, họ bảo tôi dồn thúc cánh trẻ dữ quá!
- Để chờ, tôi với đồng chí sẽ cùng về hưu! – Côn-xtan-ti-nốp nói và bập ngay vào câu đầu của tài liệu: Chiếc “Gi-gu-li” số hiệu 72 – 21 thuộc về nữ công nhân Vin-te Ôn-ga Vích-to-rốp-na sinh năm 1942, dân tộc Do Thái, ngoài Đảng, không có con, chồng là Dô-tốp An-đrây An-đrê-ê-vích, đang làm việc ở Luy-xbua”.
Côn-xtan-ti-nốp nhanh chóng soạn lại những tờ giấy do Prô-xcu-rin đã để lại, đặt một tờ riêng ra, cúi xuống đọc, phả khói ống xì gà vừa tắt, rồi lại châm nó, rít một hơi, hỏi thêm Cô-nô-va-lốp:
- Về cô Vin-te, đồng chí không còn tư liệu gì nữa?
- Không ạ.
- Xin cám ơn đồng chí Tơ-rô-phin Páp-lô-vích.
- Xin phép đồng chí, tôi đi.
- Vâng. Xin đồng chí lưu ý đến Vin-te giùm nhé!
… Đã có cơ sở để tìm hiểu thêm: Ôn-ga Vích-to-rốp-na Vin-te được phép sử dụng các tài liệu mật, nói riêng, là các tài liệu có liên quan đến Na-gô-ni-a, do đề tài của luận án phó tiến sĩ mà chị đang làm, là nghiên cứu vấn đề thâm nhập vào lục địa châu Phi của bọn tư bản độc quyền nhiều nước.
- Nếu không khó khăn lắnvới đồng chí, - Côn-xtan-ti-nốp yêu cầu, thì đồng chí gắng kiếm cho tôi bản luận án của Vin-te.
.. Nửa giờ sau, Prô-xcu-rin trở lại.
Côn-xtan-ti-nốp đưa mắt nhìn anh qua mục kỉnh.
- Thưa đồng chí Côn-xtan-ti I-va-nô-vích, Công ty sửa chữa tàu viễn dương chuyên đứng ra thương lượng việc sửa chữa các tàu biển thương mại của ta trên các tuyến quốc tế. Nó còn duy trì quan hệ làm ăn với Cộng hoà dân chủ Đức, Anh, Công hoà liên bang Đức, Nam Tư, Pháp. Giám đốc phòng giao dịch là Ê-rô-khin không có xe riêng, nhưnb phó giám đốc phụ trách tuyến châu Phi là Sác-ghin Ep-ghê-nhi Ni-ki-pho-rô-vích, sinh năm 1947 thì có xe “Von-ga” riêng, Pa-ra-mô-nốp đích thân bảo dưỡng chiếc xe này, kiếm những mặt mui mới, hình nổi như mặt gai ấy.
- Hết chưa?
- Chưa đâu ạ. Sác-ghin dẫu không nắm những tin tức mật – vì tài liệu mật không qua phòng họ, họ chỉ là dân giao dịch làm ăn, buôn bán – nhưng Sác-ghin thường có mặt ở Bộ Ngoại thương - Người anh của anh ta là Lê-ô-pôn Ni-ki-pho-rô-vích Sác-ghin, được phép sử dụng tài liệu mật, phụ trách, mua bán kỹ thuật, đã đi nước ngoài nhiều lần, đến Luy-xbua ba lần. Trong số các bạn hàng đàm phán có Giôn Glép, mà đồng chí đang quan tâm.
- Chúng ta chứ - Côn-xtan-ti-nốp sửa lại – chúng ta cùng đang quan tâm đến tên này. Trong số đó có cả đồng chí nữa. Tôi nghĩ cần theo dõi kỹ hơn về Pa-ra-mô-nốp. Cần phân tích về Xi-din cho chi tiết hơn. Ai có thể làm việc này được nhỉ?
- Theo tôi thì Grê-sa-ép làm được.
- Sao vậy?
- Đồng chí ấy đã tốt nghiệp trường Plê-kha-nốp (5), đã từng làm việc bên thương nghiệp.
Côn-xtan-ti-nốp cười tủm:
- Đồng chí cho rằng người cùng nghề thì dễ nhận ra nhau chứ gì?
- Đồng chí có ý kiến phản bác việc đề cử Grê-sa-ép?
- Không. Nhưng hãy để đồng chí ấy tự xem xét lấy. Tất nhiên, mọi việc đều phải cẩn thận ở mức cao nhất.
- Đúng thế.
- Ôn-ga Vin-te có ở trong vòng tròn đã thu hẹp của đồng chí không?
- Có. Nhưng tôi đang định loại ra, thưa đồng chí Côn-xtan-ti I-va-nô-vích. Một phụ nữ lắm lời, hay nói bẳn. Tuy nhiên, theo nhận xét của tất cả những ai biết chị, thì chị ấy cự kỳ tốt.
- Nhưng đồng chí có biết không, chồng chị ta là Dô-tốp. Đang làm ở Luy-xbua ấy. Và phụ trách vấn đề chở hàng hoá cho Na-gô-ni-a.
- Thì ra thế đấy… Vậy là một mạng lưới? Dô-tốp – Vin-te – Pa-ra-mô-nốp?
- Dô-tốp nắm tin tức sơ bộ; Vin-te được phép đọc các tài liệu mật, sẽ kiểm tra lại ở đây, còn Pa-ra-mô-nốp truyền tin. Đồng chí có nghĩ đến một mạng lưới như thế hay không? – Côn-xtan-ti-nốp hỏi.
- Về lý thuyết, một mạng lưới như thế hoàn toàn có thể có… Còn rất tinh nhạy là khác!... Nhưng Xtơ-ren-xốp đã để ý đến Vin-te, đã hỏi chuyện những người quen chi ấy, mọi người đều nhất loạt khẳng định: một con người tốt. Lẽ nào chị ta ngụy trang được khéo léo đến mức ấy? Vả lại, nếu mạng lưới là có thật, thì chị ta phải thủ vai, nói đúng hơn là có nhiệm vụ phải đóng kịch chứ…
Côn-xtan-ti-nốp đăm chiêu nghe Prô-xcu-rin nói, ông xoay xoay cây bút chì trong tay, rồi hỏi:
- Vin-te vẫn chơi ten-nít như trước kia chứ? Xla-vin báo rằng ở Luy-xbua, chị ta chơi ten-nít tài nghệ lắm đấy. Sân chơi lại là một chỗ tuyệt vời để gặp gỡ đủ loại người…
- Về ten-nít thì chúng tôi chưa xác định được.
- Xác định điều này, đồng chí không coi là vất vả chứ? Và thêm một điểm nữa, là chị ta thường chơi ở đâu? Trong hội nào? “Xpác-tác”, Câu lạc bộ trung ương quân đội hay “Đi-na-mô”? Và hay chơi với ai?
*
* *
Hai giờ sau, Prô-xcu-rin báo cáo là Ôn-ga Vin-te chơi trên sân của Câu lạc bộ trung ương quân đội. Trong các bạn chơi, có một vụ phó Bộ Ngoại giao, một tướng ở Cục công binh, một cán bộ có trọng trách ở Ủy ban kế hoạch Nhà nước và Lê-ô-pôn Sắc-ghin ở Bộ Ngoại thương.
“Điện gửi Xla-vin.
Hãy báo ngay tất cả những gì đồng chí có về Ôn-ga Vin-te, vợ Dô-tốp: những cuộc tiếp xúc, các mối quan tâm, sở thích, diện mạo tinh thần, đạo đức. Xác định những người chơi ten-nít với chị ta ở những đâu? Có bạn chơi thường xuyên không? Nếu có thì là ai? Và những ai giúp Ôn-ga thu thập tài liệu làm luận án?
Trung tâm”
“Gửi Trung tâm.
… Theo nhận xét của nhiều người biết Ôn-ga thì chị ta rất quan tâm đến sự thâm nhập của Mỹ vào lục địa châu Phi. Tài liệu cho luận án, Ôn-ga thu thập trong thư viện của Nghị viện và ở cả trung tâm báo chí của sứ quán Mỹ. Ai giúp chị ta ở đó, hiện giờ chưa xác định được. Về ten-nít, chị ta không có bạn chơi thường xuyên. Có vài lần, chị chơi ở sân khách sạn “Hin-tơn” với lãnh sự Anh Ca-rô-lai-nơ Ti-dơn, khoảng 30 tuổi, con gái của tướng Hêm-lo, phụ trách liên lạc giữa MI-6 (6) và CIA trong những năm 1949-51; Ôn-ga cũng còn chơi với Rô-bớt Lô-ren-xơ, đại diện Công ty “Điện thoại quốc tế”.
Xla-vin”
“Điện gửi Xla-vin.
Hãy xác định đầy đủ về Rô-bớt Lô-ren-xơ, tuổi, nhận dạng.
Trung tâm”
“Gửi Trung tâm.
Rô-bớt Lô-ren-xơ hay chơi trên sân quần vợt khách sạn “Hin-tơn” với Ôn-ga Vin-te. Sinh năm 1920 đến Luy-xbua sau khi chế độ thực dân bị lật đổ ở Na-gô-ni-a một tháng, đã làm việc ở Chi-lê; cũng với tư cách là đại diện hãng “Điện thoại quốc tế”.
Xla-vin”
“Gửi Xla-vin.
Theo tin tức ở nhà, Rô-bớt Uy-li-am Pôn Lô-ren-xơ, al5i sinh năm 1922,c ó vợ và hai con sống ở Niu-Yoóc, dự đoán là nhân viên CIA ở Luy-xbua. Hãy xác định rõ các mối liên hệ của hắn? Có ai trong số cán bộ ta có mặt ở sân trong khi hắn chơi? Nếu có xác định xem họ nói về những vấn đề gì, có ai chứng kiến được không? Hắn có quan hệ gì nữa với họ không?
Trung tâm”
XLA-VIN
Bác làm vườn sứ quán Liên Xô ở Luy-xbua là Ác-khíp-kin thường dậy sớm, quãng 5 giờ sáng. Đã gần tới ngày về hưu, bác phục vụ nốt những tháng cuối cùng ở Luy-xbua và đếm từng ngày để về Tổ quốc.
Bác ra vườn khi chưa một cán bộ nào đến cả. Còn đại sứ và đại biện, tuy ở trong sứ quán nhưng vẫn còn ngủ. Công viên yên tĩnh, ánh mặt trời rọi qua lớp lá lạ kỳ hình mũi tên, trong suốt như không màu. Chỉ có cỏ hiện lên rõ hơn màu sắc thực của mình, màu riêng biệt, tưởng chừng chỉ có ở châu Phi này mà thôi.
Bác Ác-khíp-kin biết rằng đúng 6 giờ, cảnh sát trực ở cửa sứ quán sẽ thay ca, lúc ấy họ trò chuyện rề rà một lát lâu, có khi còn hát khẽ, nhất là vào những ngày hứa hẹn sẽ thoáng gió, không oi ả, tưởng như họ cảm nhận được thời tiết không cần phong vũ biểu. Kìa chiếc xe gíp cảnh sát đã tiến đến, từ trong nhảy ra ba viên cảnh sát, họ sửa lại khẩu súng tự động, bật cười chuyện gì đó, bắt đầu chuyện trò nho nhỏ. Đúng lúc ấy, bác Ác-khíp-kin nghe thấy một giọng nói ở đâu đó, hổn hển, rất gần:
- Ông gì ơi, giúp tôi với!
Cái cách xưng hô lạ lùng, cái giọng nói tiếng Nga lơ lớ làm bác Ác-khíp-kin sợ hãi, bác hơi cúi thụp xuống cạnh hàng rào, nhìn kỹ, bác thoáng thấy một người đàn ông đang rướn người lên để đu tới đỉnh thanh rào nhọn – hàng rào làm bằng những thanh sắt nhọn khá cao ở dưới bịt kín bằng sắt tấm, kiểu hàng rào thực dân do người Tây Ban Nha để lại – trên đầu thanh rào sắt thấy ló lên một gói giấy nhỏ, có buộc một hòn cuội cho đủ sức nặng để có thể lăng đi.
- Ông khều vào giúp tôi! - Người đó nhắc lại giọng hơi run, gấp gáp, liếc về phía đám cảnh sát.
Đám cảnh sát hình như đã nhìn thấy người đàn ông.
Bác Ác-khíp-kin nghe thấy họ quát gì đó với người đàn ông bên hàng rào, rồi bắt đầu chạy lại. Chiếc xe gíp cũng nổ máy. Bác Ác-khíp-kin vội lấy cái bừa cỏ khều luôn cái gói, hất nó vào trong vườn, trong ranh giới sứ quán. Người đàn ông kia mỉm cười tỏ ý cảm ơn và chạy bổ ngay sang một ngõ hẹp. Chiếc xe gíp đuổi theo, nhưng phải phanh kít lại. Cái phố con hẹp quá, hai xe đạp cũng còn khó tránh nhau nữa là!
Một phát súng chỉ thiên. Bác Ác-khíp-kin mặc họ, tóm lấy cái gói đi vào. Khẩu súng trường tự động còn nhả thêm một viên đạn nữa, rồi bốn bề lại yên lặng…
*
* *
Xla-vin đọc lại một lần nữa tờ giấy cuộn trong gói giấy thả vào sứ quán: “Tôi đã gửi cho các ông lá thư trước, về chuyện bọn Mỹ đã mộ được một tên súc sinh ở khách sạm “Hin-tơn”. Thư gửi theo bưu điện. Không biết có đến nơi không? Những người Mỹ kia, tôi vẫn gặp ở “Hin-tơn”, còn tên súc sinh kia thì không thấy đâu nữa. Tôi đã già, chiến tranh đã làm tôi sứt mẻ, sau đấy, đã phải nếm trải nhiều cay đắng, đã lê gót phiêu bạt nhiều nơi, đã nhiều đêm khóc trên gối trọ ở các Ô-ten. Còn tên kia? hắn trẻ trung, bộ mặt rất no đủ! Nếu bức thư kia của tôi không đến tay các ông, xin các ông hãy lưu ý một lần nữa: Bọn Mỹ đã lôi kéo được người của các ông đấy!”
- Sau chiến tranh, người này đã làm việc ở Đức – Xla-vin nhận xét - Những ai ở đó lâu ngày, đều quen viết “khách sạn” là “Ô-ten”.
- Cả người U-krai-na cũng vẫn nói “Ô-ten” – I-go Đu-lốp phản đối.
- Đúng. Nhưng đây là người Nga. Mà người Nga sống ở Đức thì trăm người như một, đều quen nói như vậy. Tôi đã làm việc nhiều với những người di cư hồi cuối chiến tranh mà. Này, thế còn bác làm vườn đâu nhỉ?
*
* *
Bác Ác-khíp-kin dừng lại ở vườn hoa, ngay chỗ người lạ đã định ném cái gói giấy, bác hất đầu về phía hàng rào”
- Ông ta đã đu người lên chỗ kia kìa.
Xla-vin tiến lại hàng rào, trông thấy cái ngõ hẹp men dưới đồi. Anh hỏi:
- Khi bọn cảnh sát nổ súng, ông ta chạy vòng vèo chứ?
- Không, ông ta chỉ lượn vòng vèo khi đã nhảy lên xe đạp.
- Bác chắc là bọn chúng không giết mất người đó chứ? Đu-lốp hỏi xen vào.
- Tôi nhảy từ trong phòng ra ban công, trông rất rõ… Ông ta đi thoát, vì bọn cảnh sát chạy loanh quanh trong ngõ, mà trước mặt chẳng thấy ai cả. Khi bọn cảnh sát chạy tới cuối ngõ, chúng không bắn nữa. Có lẽ người kia đã lẩn vào các sân ngang lối tắt nào rồi, ở đó nhiều lắm…
- Tóc ông ta đã bạc chưa? – Xla-vin hỏi.
- Cũng chả rõ nữa… Lốm đốm thì phải – bác Ác-khíp-kin đáp – Cũng có thể tóc vàng, hoặc nhạt màu…
- Ông ta ăn vận ra sao?
- Ra sao à… Thì cũng một bộ âu phục bình thường.
- Tôi hiểu rồi… Nhưng màu gì? Cũ hay mới? Có đeo cra-vát hay không?
- Chà, tôi bị dồn ép rồi đấy – bác Ác-khíp-kin thở dài - Trời đất ơi, đầu óc già gây giờ mụ mẫm quá!
- Bác có thấy sẹo trên mặt không?
- Không có sẹo. Có điều, tay người đó thiếu ngón. Thiếu một hai ngón tay gì đấy. Tôi có để ý thấy lúc ông ta trèo lên.
- Cái này quan trọng đây! Thế còn ông ta có nói gì với bác?
- Không nói gì. Chỉ lúc đầu gọi thì thào: Ông gì ơi giúp với…
- Thế giọng thế nào hả bác?
- Giọng khàn khàn, cái này thì chính xác khàn khàn…
- Bác còn nhớ được dấu tích gì đặc biệt nữa không?
- Ôi chao làm sao mà nhớ được, mà nếu nhớ nhang nhác thì không nên nói liều, sợ rồi các đồng chí sẽ nhầm lẫn…
… Xla-vin quay về phòng Đu-lốp, lục lọi, xếp đầy các sách tra cứu xung quanh mình. Anh tìm những quán “ba” nào có đánh bi-da, nhất là ở khu vực ga. Có bốn quán tất cả: “Những chú dê vô tư lự”, “Na-plơ”, “Ca-da-blăng-ca” và “Lát Vê-gát”.
Anh lại mời bác Ác-khíp-kin đến.
- Bác Ô-lếch Các-pô-vích này – Xla-vin nói, - bác có biết chơi bi-a không?
- Tôi chơi kém lắm. Cũng đôi lúc khua múa với anh em lái xe cho vui thôi mà.
- Bác sẽ phải chơi với tôi đấy!
- Ở đây ta làm gì có bàn, mà buồn cười chết!
- Không phải đến sứ quán chơi đâu. Vào thành phố kia.
- Trong thành phố thì chỉ có trò bi-a ở các ổ bất lương thôi, người ta đã bảo trước thế rồi…
Xla-vin nhìn Đu-lốp, thấy anh cười tủm:
- Quả có thế!
- Nhưng hai người thì không sợ đâu, - Xla-vin nói, nháy mắt với bác Ác-khíp-kin - Thế nào, bác Ô-lếch Các-pô-vích?
- Nếu cần phải thế thì phải làm chứ sao, - bác trả lời từ từ.
- Bây giờ thế này nhé – Xla-vin tiếp tục, - tôi với bác sẽ đi tìm ông bạn thiếu ngón. Nhưng cũng có thể ta lại gặp một người Nga khác, tôi sẽ chỉ cho bác, và bác sẽ cũng cứ bắt chuyện, được không?
- Không phải người Xô-viết chúng ta à? – bác hỏi sau khi nhìn sang phía Đu-lốp.
- Không. Người lưu vong kia. Quân cũ của Vla-xốp, - Xla-vin trả lời.
- Tôi không nói chuyện với một tên chó má như vây đâu. Có mà bóp chết nó đi! Tôi đã từng đánh nhau với chúng ở Bre-xlan đấy, bọn chúng đâu phải là người, thật rặt đồ thú dữ…
*
* *
Quán “Những chú dê vô tư lự” ồn ào và đầy người. Ở đây trình độ chơi kém, người ta cãi cọ thô bỉ với nhau thì nhiều hơn. Đặt cọc rất thấp – có 3 đô-la. Không thấy người thiếu ngón. Ác-khíp-kin thua Xla-vin ba ván, tay bác run run rõ rệt khi đẩy các quả bi-a, bác thường đánh trượt, mắt nhìn mọi phía vẻ dè chừng.
Khi anh hầu bàn láu lỉnh, bưng khay chạy giữa các bàn mang bia đến, Xla-vin hỏi:
- Khơ-rê-nốp khi nào thường đến?
- Ông ấy bây giờ không chơi ở chỗ chúng tôi nữa, thưa ông. Ông ấy chơi ở “Lát Vê-gát” hay ở quán “Hồng Kông”. Thường hay ở “Hồng Kông” hơn. Người Trung Quốc chở đến đấy những bàn chơi thật tuyệt mỹ, ở đấy tụ tập những đấu thủ cừ khôi nhất. Đặt cọc tới 100 đô-la.
Ở “Lát Vê-gát”, sau khi đã chen vai thích cánh bên bàn chơi – các đấu thủ đều là tay có hạng cả, tới lúc nghỉ, trong phòng yên ắng lại, Xla-vin mời Ác-khíp-kin đến bên quầy đứng đặt mua rượu uyt-ki pha xô-đa (7). Tay bác Ác-khíp-kin vẫn run run như trước, bác uống rượu cốc-tây với vẻ ghê ghê dò dẫm, chốc chốc lại nhìn quanh. Xla-vin mỉm cười:
- Bác còn can đảm chán. Cánh tay hãy còn vững gân vững cốt al18m đấy chứ. Thế thì việc gì bác phải sợ?
- Không quen, thế nào ấy, - bác trả lời, tôi không thích cái trò này, tôi vốn dân quê mà, những trò này tôi thấy khó chịu lắm.
- Việc phải làm mà bác?
- Tôi hiểu thế, nhưng vẫn thấy không thoải mái!
Xla-vin hướng về phía chủ quán:
- Khi nào thì những đấu thủ giỏi sẽ đến hả ông?
- Thưa ông, ở đây chỉ có một người chơi thật giỏi, đó là ông Khơ-rê-nốp, một tau bi-a có hạng, thường “từ hai sườn đánh thọc vào”. Tuy nhiên, gần đây ông ta hay đến chơi bên quán “Hồng Kông”.
- Ở đấy bàn bi-a tốt hơn chăng?
- Không, thưa ông, ở đấy ăn uống rẻ hơn. Người Hoa bán thức ăn rẻ như cho không, vì bọn họ được Bắc Kinh bao thầu, chuyên chở đến tất cả mọi thứ. Chúng tôi làm gì nổi họ? Còn họ thì cố ý làm chúng tôi phải phá sản đấy. Chỉ có rượu bên họ, do người Bỉ cung cấp, thì cũng ngang giá. Chúng tôi bèn phải bán cốc-tây, đành thế thì mới hòng giữ được khách…
… Trong quán “Hồng Kông”, chủ quán chỉ ngay Khơ-rê-nốp cho Xla-vin. Gã này chơi tài thật, chơi rất từ tốn, ống tay áo xắn lên, vừa chơi vừa vờn đùa với kẻ cùng chơi, rất thiện nghệ. Gã phát âm tiếng Anh sai be bét:
- Ngắm đi, ngắm trúng vào! Đừng có lắc tay, không thì tao lại thắng bây giờ! Tiền đã có sẵn chưa, hay là phải chạy về xin vợ?
Xla-vin ngồi bên quầy, anh trông rõ Khơ-rê-nốp trong gương. Anh nói nhỏ với bác Ác-khíp-kin:
- Bác quan sát đi. Rồi bác lại rủ hắn chơi nhá!
- Ôi trời đất ơi – Bác Ác-khíp-kin thờ dài sườn sượt – trong người như có ai gõ trống lùng bùng lên đây! – Hay là ta làm một ngụm cho can đảm hơn?
Xla-vin gọi uyt-ki. Bác Ác-khíp-kin uống hết, nhấm một hạt dẻ, khà một tiếng, rồi trườn từ chiếc ghế cao xuống và tiến lại bàn, nơi gã chơi bi-a thiện nghệ “đánh từ hai sườn thọc vào” đang mê mải chơi ăn tiền.
- Này ông bạn – bác Ác-khíp-kin nói tiếng Nga – ta chơi thử nào. Năm đồng cọc… à, năm đô-la.
Khơ-rê-nốp quay ngoắt lại, lùi một bước, thò tay rút điếu thuốc lá.
- Lão làm gì ở đây? - Hắn hỏi khàn khàn.
- Thợ làm vườn.
- Ở đâu vậy?
- Ở sứ quán…
- À, dân đỏ đấy!
- Thì còn dân nào ở đấy nữa… Dĩ nhiên là đỏ!
- Sao bác lại biết tôi?
- Tôi biết thế nào được… ông chủ quán bão: Anh là người Nga đấy, thế là tôi lại làm quen. Tôi không giao dịch được với bọn họ mà, khó khăn lắm mới hiểu được họ…
- Bác hãy gượm, để tôi làm gọn ván này đã nhé!
Khơ-rê-nốp quay vào bàn và bằng 5 cú đánh đã kết thúc ván. Gã chơi với tài nghệ chuyên nghiệp và Xla-vin hiểu là trước đó gã chỉ bày trò để dử đối thủ, thả cho đối thủ có cơ hội gỡ vặt để say đòn. Ván đánh được 25 đô-la, gã nhét vào túi áo sơ mi.
- Này thế lão chơi có khá không? Hay là ta nói chuyện một lát vậy. Lần đầu tiên tôi nói chuyện với dân đỏ đấy, sau chiến tranh đến giờ chưa gặp lần nào.
- Chắc anh hay gây sự, nên người ta cũng tránh anh.
- Trước quả có thế, - Khơ-rê-nốp đáp, vừa nói vừa thăm dò bằng cái nhìn như dính vào mặt bác Ác-khíp-kin. Ta ra bàn ngồi đã nào, tôi đủ tiền khao lão.
Họ tiến về phía cửa, ngồi vào một góc hơi khuất và Xla-vin buộc phải chuyển sang ngồi một cái ghế khác để trông thấy họ.
Khơ-rê-nốp gọi hai cốc vốt-ca - mỗi cốc 40 gram, ở đây người ta vẫn rót như thế.
- Này, thế cậu có biết… - Bác Ác-khíp-kin ề à…
- Ai cơ?
- Lão cũng không biết tên…
- Thằng Kôn-ka mắt lác chăng?
- Không phải, - bác Ác-khíp-kin chỉ chỉ vào ngón tay làm hiệu định nói.
- À, thằng cha cụt ngón chứ gì?
- Đúng đấy!
- Hắn làm ở khách sạn ấy, chứ đâu. Nhưng lão cần tìm hắn làm gì?
- Tôi nghe có thông báo ở trên đài tìm hắn đấy.
- Tìm kiếm một tên thổ phỉ cũ, một tên Vla-xốp à? Tầm nã chắc?
- Không đâu, bà chị nó đăng tin tìm thân nhân… Khơ-rê-nốp bỗng hỏi:
- Này, thế nếu như hối lỗi trở về, thì người anh em cảu ta sẽ phải bị cầm cố bao nhiêu năm?
- Người ta còn xem, tùy ở tội gì chứ…
Khơ-rê-nốp thở dài:
- Tôi với hắn ta thì bị rút phép thông công rồi, lão ạ.
- Rút phép thông công là sao?
- Tuyệt đường rồi. Chúng nó lôi bọn tôi ra khỏi trại, bụng đói meo, dù có phải đi với quỷ cũng ừ. Chúng nó đưa vào làng, lôi các vị chính ủy ra. Mỗi đứa chúng tôi, được nhét một khẩu súng vào tay, còn thằng sĩ quan Han-xơ thì áp sát từng người, gí khẩu Pa-ra-ben-lom vào gáy và nói: “Bắn đi! Hoặc là mày bắn, hoặc là mày bị ăn đạn!”. Khi nào anh buộc phải bóp cò, hất xoài người chính ủy ra đất rồi, thì chúng mới thu lại khẩu súng trường và thả anh ra. “Cho mày bây giờ muốn đi đâu thì đi cũng được!”. Bọn chúng đã làm phép tẩy lễ cho chúng tôi bằng máu người đấy, còn về đâu cho thoát được… Thế rồi cứ vậy mà đi mãi, lão ạ.
- Này, thế anh có biết địa chỉ của thằng cha cụt ngón không? Làm sao tìm được hắn?
- Tôi biết tất, lão ạ. Nhưng tôi không dễ gì mà xì ra cho lão tất cả mọi thứ đâu. Chúng ta bây giờ đều biết đời cả rồi! Có thể chả làm gì có chị em nào hết, chẳng qua là Bộ Nội vụ lại cử lão tới thôi.
- Bộ Nội vụ cần gì đến ngữ nó.
- Họ cần hết cả đấy, lão thợ vườn ạ, lão đừng có lấy vải thưa che mắt thánh. Này, thế lão quê ở đâu?
- Vùng I-va-nốp-xki.
- Cũng là láng giềng đấy. Tôi ở Vô-lô-gơ-đa.
- Dân thành phố à?
- Không. Ở làng Pri-a-ni-ki. Mương sỏi bao bọc xung quanh, cha cha! Một khoảng xanh tít tắp, nước róc rách ngày đêm. Sáng sớm ra khỏi căn nhà gỗ, tĩnh lặng không tưởng tượng được. Rồi chim gõ kiến “tóc tóc”! Chứ có đâu như ở đây, rặt giống chim ác là, kiếm đâu ra thứ chim gõ kiến ấy, mẹ nó chứ!... Lão tên gì nhỉ?
- Ô-lếch Các-pô-vích… Còn anh?
- Vích-to Khơ-ri-xan-phô-vích. Tiền ở đây tiêu cũng rủng rỉnh, phòng ở cũng khá vậy mà lòng dạ cứ nao nao, lão Các-pức ạ, tôi ước được về quê quá… Nhưng ai cần đến thằng già này. Mà lại nhục nhã cho gia đình, tôi còn anh chị em nữa, chắc vẫn sống ở Pri-a-ni-ki. Cứ thế này, thì được coi là mất tích, còn về ấy à, sẽ bị tống đi Xi-bi-ri ấy. Anh chị tôi thì tội tình gì? Tội mình tôi, tôi chịu, nên mới phải lê la tháng ngày ở bàn bi-a thế này, với bọn du thử du thực ấy.
- Này, thế anh nói cho tôi biết họ của cậu thiếu ngón ấy đi.
- Lão đừng có gặng tôi. Tôi chưa hỏi lại xem hắn có đồng ý không thì tôi không hở ra đâu. Ngay cả cái tên làng Pri-a-ni-ki, lão tưởng thật đấy hẳn? (8). Chẳng qua là tôi gọi ra thế cho có tên làng đấy thôi… Lão Các-pức ạ, đời nó dạy không cho mình, dễ gì tin ai, đến ngay cả bản thân mình cũng không dễ gì tin được nữa là… Một tuần nữa, lão cứ lại đây, nếu hắn đồng ý thì xong thôi… Ở xứ này, chúng tôi chỉ vẻn vẹn có vài người, phải đùm bọc lẫn nhau chứ, mà có chuyện gì cũng chẳng giấu được nhau…
*
* *
Giám đốc Nha cảnh sát hình sự, tướng Xtau nhận được băng ghi âm cuộc nói chuyện của những người nước ngoài tại quán “Hồng Kông”, do ông chủ quán Hoa Kiều Chu Nỗ gửi đến. Đây là biện pháp phòng ngừa thường xuyên, vì ở đời này còn thiếu chuyện gì mà ma quỉ không bày đặt ra, nên phải trang bị kỹ thuật cho các ổ tứ chiếng này! Xtau bèn gọi điện ngay cho Giôn Glép:
- Giôn, anh có chú ý đến gã người Nga làm việc ở khách sạn không?
- Giá hắn làm ở Bộ Ngoại giao thì tôi sẽ chú ý đấy – Glép trả lời - Chứ còn ở đấy, bọn chúng là lũ đầy tớ làm thuê, còn ngoi đi đâu, và chẳng được tích sự gì mà phải để tâm lắm! Thế họ hắn là gì?
- Tôi cũng chưa xác định. Có đặc điểm là ngón tay cụt, ngoài ra không biết gì thêm. Hắn làm việc ở “Hin-tơn”.
- Thôi được. Mai ta sẽ gặp nhau và suy nghĩ thêm. Lão làm vườn của sứ quán Nga lại quan tâm đến hắn đấy!
- À, nếu thế thì lại lý thú đây. Về chuyện gì vậy?
- Lão bảo người chị hắn đang tìm kiếm hắn, trong mục thông báo trên đài phát thanh.
- Rất có thể. Họ vẫn có buổi phát thanh như thế.
- Cùng với lão này còn có một tay tên là Xla-vin đến chỗ quán Hoa Kiều của ta. Tôi đã cho xác định rõ để phòng ngừa. Hắn ở khách sạn”Hin-tơn”.
- Ở “Hin-tơn” à? – Sau một phút, Glép hỏi lại - Được, cám ơn anh Xtau. Tôi sẽ liên lạc với anh, ta hẹn ngày nhé.
*
* *
Sau khi đã ngụp người vào bầu không khí có máy điều hoà nhiệt độ ở tiền sảnh khách sạn “Hin-tơn”, Xla-vin vẫn còn cảm thấy mồ hôi tháo ra như tắm. Áo sơ mi ướt hết, mặt rám nắng, sau những cuộc đi dạo ngoài bãi tắm, kem bôi mặt cũng không cứu nổi.
Anh tiến lại phía người gác cổng, hỏi chìa khoá phòng, rồi mua hết các báo có bán ở đó. Khi đi lại cửa thang máy thì có người gọi tên anh.Anh quay lại. Gần quán bán ba là một người đàn ông ăn mặc luộm thuộm nhưng đẫy đà, bên cạnh ông ta là Giôn Glép, người gân guốc, tóc bạc, nhưng vô cùng đẹp mã, đang mỉm cười vẻ làm thân.
- Hê-lô, I-van! - Người đàn ông lại kêu lên, áo sơ mi bằng ka-ki đầy những vệt bia - chả lẽ ông bạn không nhận ra tôi ư, ông bạn cũ?
CÔN-XTAN-TI-NỐP
“Tuyệt mật.
Gửi thiếu tướng C.I. Côn-xtan-ti-nốp.
Theo yêu cầu của đồng chí, chúng tôi xin báo cáo là các buổi truyền của trung tâm tình báo CIA ở A-ten chỉ có thể thu được trên các máy thu thanh cực mạnh, nhãn hiệu “Phi-líp”, “Pa-ra-mô-nốp-na-xô-níc”, “Xô-ny”. Trong mỗi trường hợp cụ thể, chúng tôi chỉ có thể giải đáp dứt khoát, sau khi tiếp xúc với máy hoặc với sơ đồ chi tiết.
Đại úy Sa-ri-pốp”
“Tuyệt mật.
Gửi thiếu tướng C.I. Côn-xtan-ti-nốp.
Đã xác nhận được, thông qua những người quen biết Vin-te và Sác-ghin, là trong nhà họ có những máy thu thanh cực mạnh, nhãn hiệu “Pa-na-xô-níc đơ luých”, chế tạo năm 1976.
Đại úy Grê-sa-ép”
… Cho đến chiều, đơn vị của Cô-nô-va-lốp phụ trách theo dõi các nhân viên CIA mà cơ quan phản gián đã phát hiện được, đã xác định rằng đêm qua, bí thư thứ hai của sứ quán Mỹ Lun-xơ đã từ nhà ở đại lộ Lê-nin phóng xe đi, sau khi làm mất dấu các đồng chí công an theo dõi, đã ngoặt từ đường Mô-giai-xki vào công viên Thắng Lợi vào lúc 23 giờ 40. Trong công viên, Lun-xơ lại rơi vào phạm vi quan sát, hắn đi dọc một con đường hẹp, dừng lại vài giây, ra khỏi xe, lấy chân gõ vào bầu đèn, hai lần cúi gập người xuống, hút thuốc, rồi lại lên xe đi. Từ đó ra, Lun-xơ về sứ quán với tộc độ rất cao, ở sứ quán tới 3 giờ sáng rồi quay về nhà. Lúc qua công viên Thắng Lợi hắn không dừng xe lại nữa. Tuy vậy lần này có một người đàn ông, đã ngồi dưới mưa khá lâu trên một cái ghế dài, dọc tuyến hành trình của Lun-xơ, đi ra khỏi công viên. Vì giờ đó, xe ô-tô buýt và trô-lây-buýt không chạy nữa, ông ta đi bộ, về nhà. Ông sống ở phố “Năm 1812” tên là Sê-bê-cô Rô-man Gri-gô-ri-ê-vích, trung tướng về hưu…
*
* *
“Gửi Trung tâm.
Có tài liệu gì về một người lưu vong khoảng 50 tuổi, mất hai ngón tay ở bàn tay trái, tóc vàng, theo giả định của tôi thì đã sống khá lâu ở Đức. Có thể là người U-krai-na. Đề nghị kiểm tra những mối giao tiếp của Khơ-rê-nốp ở nơi cư trú năm ngoái, có thể anh chàng Thiếu ngón này có ở đấy chăng?
Xla-vin”
“Gửi Xla-vin.
Trong số các đầu mối giao tiếp của Khơ-rê-nốp ở Ki-lơ, không xác định được có Thiếu ngón hay không.
Trung tâm”
… Tướng Phê-đô-rốp, Cục trưởng phản gián, sau khi nghe báo cáo của Côn-xtan-ti-nốp xong, nói:
- Khởi đầu chiến dịch làm tôi nghĩ đến việc sửa nhà. Mọi cái đâu vào đấy, chỉ thấy một số chỗ nứt rạn, tưởng như chỉ quét vôi lại là xong. Ấy vậy mà khi thợ khuân vật liệu đến, phủ đồ đạc và sàn bằng báo và rồi vào việc, là bắt đầu gây đổ vỡ, làm lộn xộn mọi thứ, thế là vĩnh biệt sự tĩnh tại vốn có…
- Người ta còn lấy báo rải sàn là tốt đấy! – Côn-xtan-ti-nốp nhận xét – Chắc đó là những thợ sửa nhà tiên tiến, chứ ở chỗ tôi ấy à, chỉ thiếu nước là họ đi giày đinh nhọn lên trên sàn gỗ thôi…
- Cũng dễ hiểu thôi, - Phê-đô-rốp trả lời - Họ là lớp người mất thói quen nghề nghiệp – Tôi cho vì các bà mẹ chúng ta đã phải hứng chịu chiến tranh, họ ăn ngủ bên máy, bất hạnh lắm, lại còn những cậu bé lau nhau cỡ 13 – 14 tuổi học nghề nữa…
- Chúng ta cũng đã từng ngủ giữa đám máy móc – Côn-xtan-ti-nốp mỉm cười – không lết nổi về nhà vì yếu quá, lại còn những trận oanh tạc…
- Chính thế, - sau giây lát Phê-đô-rốp nói – Hai mươi triệu sinh mạng bị mất đi, cùng với họ, bao nhiêu là tay nghề cao bị chết? Mà tính chuyên nghiệp là gì? Trước tiên, đó là sự chu đáo đã ăn nhập vào đầu óc, sự cẩn thận cao. Cho nên, nếu xoáy vào bản chất vấn đề, có thể hiểu được, và có thể giải thích được, những thứ đinh nhọn trên giày mà anh em ta giẫm trên sàn gỗ kia: bi đát đấy, nhưng rõ ràng là nó có nguyên nhân của nó! Anh uống trà nhé? Hay cà phê?
- Cho tôi cà phê.
- Không sợ vỡ tim chứ?
- Theo tôi, có lẽ một biến cố thất thường nào đó, dù vặt vãnh nhất, xét trên quan điểm căng thẳng của thần kinh, còn đáng sợ hơn cả tấn cà phê, anh Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ!
- Cũng đúng – Phê-đô-rốp đồng ý, - nhưng một lập trường kiểu ấy làm ta muốn buông xuôi mất, anh có thấy thế không?
- Lúc nào cũng đứng dưới miệng súng, căng thẳng thần kinh quá mức, thì sự buông xuôi đôi chút cũng là được giãn ra chứ.
- Có thể liệt anh vào các nhà cãi vã kinh viện đấy, anh láu không tưởng tượng được, gần như Xla-vin vậy!
- Không ai trên đời này láu hơn Xla-vin được – Côn-xtan-ti-nốp phản đối một cách tự tin.
Khi anh thư ký mang hai tách cà phê và bánh mì khô đến, Phê-đô-rốp lấy ra một tờ giấy lớn và bắt đầu vẽ một sơ đồ rất nhanh và chính xác.
- Anh nhìn rõ không? – Ông hỏi.
- Rõ ạ.
- Chỗ nào tôi nhầm, anh sửa giùm nhé!
- Không. Anh không nhầm chỗ nào đâu.
- Thôi, thôi, đừng phỉnh tôi làm gì. Như vậy là trong phạm vi anh quan tâm, nhất là sau bức điện của Xla-vin, phải là Pa-ra-mô-nốp, đúng thế không nào?
- Đúng vậy đấy.
- Sau khi quan sát anh ta, lại nảy ra thêm nhân vật Ôn-ga Vin-te. Cô này lại là vợ Dô-tốp. Đúng thế không nào?
- Đúng thế.
- Tôi đã hỏi Xla-vin xem ý kiến đồng chí ấy thế nào về việc cho gọi Dô-tốp từ Luy-xbua về. Đồng chí ấy im lặng. Tôi cho là Xla-vin hiện chưa có cơ sở để quyết định việc đó. Người ta sẽ không hiểu chúng ta, nếu chúng ta đề xuất việc này, vì ta không đủ chứng cớ.
- Thế mối quan hệ thân mật của Dô-tốp với Glép?
- Thì đã sao? Đến đại sứ của ta cũng vẫn khoác tay Glép trong các buổi tiếp tân nữa ấy chứ. Glép chưa bị vạch mặt ra là CIA, chỉ mới có những giả định, ngoài ra, ông ta là một thương gia có thái độ thân thiện với ta… Rồi nữa! Có thể có những mối phối hợp nào? Pa-ra-mô-nốp khi bị giữ ở đồn cảnh sát có thể bị mua chuộc làm việc gì đó. Việc gì? Xla-vin chưa nêu được trọn vẹn giả thuyết này, và chúng ta đành phải đoán mò thôi. Thế nhưng, tuyển Pa-ra-mô-nốp đem lại lợi ích gì cho các đối thủ của ta? Anh ta có nắm được những thông tin có tính chất chính trị đâu? Vậy dùng anh ta làm gì? CIA không cần những loại ấy.
- Có thể làm một bước trung chuyển.
- Giả sử như vậy. Giữa những ai mới được chứ?
- Có thể hình dung được một thế phối hợp như thế này: Dô-tốp ở Luy-xbua dò ra vấn đề, Vin-te triển khai ở đây - những tài liệu mật qua tay cô ta, cô ta biết nhiều, còn Pa-ra-mô-nốp là người truyền đạt mọi thông tin.
- Còn nếu sửa đổi chút ít? Dô-tốp là người dò; Sác-ghin – nguồn thông tin cơ động chính, Vin-te chỉnh lý các tài liệu của Sác-ghin, vì tư liệu của hầu hết các Bộ đều tụ về Viện của cô ta; Pa-ra-mô-nốp thì tôi cũng tạm đồng ý là cấp trung chuyển. Có khả năng như vậy chứ?
- Vâng, và cũng có cả phương án thứ ba: Vin-te có vô số người quen ở sân quần vợt. Các bạn chơi ten-nít của cô ta là những người có nhiều thông tin. Ở trên sân quần vợt ấy, cô ta nắm bắt lấy những vấn đề chính trị rắc rối nhất, còn Sác-ghin làm cái việc chỉnh lý, chính xác hoá các vấn đề đã khơi ra, còn Pa-ra-mô-nốp chuyển thông tin.
- Nhưng chuyển thế nào nhỉ? Ở đâu? Cho ai? Không phải cho tướng về hưu Sê-bê-cô chứ?
- Ông ấy đang viết hồi ký, cũng không đạt lắm… - Côn-xtan-ti-nốp mỉm cười - Nhiều người ngây thơ cho rằng làm văn học dễ dàng lắm… Ông già đang bị mất ngủ, chúng tôi đã kiểm tra… Tối nào ông cũng đi dạo trong công viên Thắng Lợi.
- Còn Pa-ra-mô-nốp ở đâu, khi Lun-xơ tới đó?
- Ở nhà.
- Thế Vin-te?
- Không xác định được!
- Sác-ghin?
- Ngồi ở tiệm ăn với người em.
- Thế tất cả bọn họ ở đâu trong thời gian truyền tín hiệu gần đây nhất của trung tâm tình báo địch?
- Sác-ghin ở chỗ làm việc, vậy là không thể nhận tín hiệu được. Pa-ra-mô-nốp ở nhà, Vin-te cũng thế.
- Phải lập kỹ đồ biểu, xem ai ở đâu, trong thời gian truyền tín hiệu. Tôi đã từng áp dụng phương pháp này, kết quả tốt lắm… Vin-te có máy thu gì nhỉ?
- Máy “Pa-na-xô-níc”.
- Còn Sác-ghin?
- Chưa xác định được.
- Anh cho xác định ngay đi!
- Rõ, thưa đồng chí Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích.
- Anh hỏi cả Xla-vin nhé, ai đã mua những chiếc “Pa-na-xô-níc” này, mua của ai, với giá nào, có thể họ lấy từ một cửa hàng, còn nếu từ các cửa hàng khác nhau thì còn thú vị hơn nữa.
- Chúng tôi sẽ nghiên cứu việc này ngay tức khắc.
- Có bao nhiêu người trong vòng hẹp thuộc đối tượng chúng ta chú ý? – Phê-đô-rốp hỏi.
- Chiều nay bớt đi được 5 người nữa. Họ đều đã lên đường đi xa cả. Hai người đi làm luận án tiến sĩ. Số còn lại thì đã có thể nhìn rõ như từng tinh thể ấy, tinh thể trong suốt với mọi ý nghĩa của từ ấy.
- Anh làm văn đấy à?
- Không, kết quả điều tra đấy!
Phê-đô-rốp đẩy cái tách không sang một bên, và trong cái đẩy ấy, Côn-xtan-ti-nốp đoán ra vẻ bực dọc.
Ông không lầm.
- Vì sao Xla-vin chậm trễ làm vậy với cái phương án đã đề xuất của mình? Sao đồng chí ấy không thông báo gì thêm?
- Tất nhiên, đồng chí ấy cũng như đang ngồi trên đống gai,có điều, đồng chí ấy không thể hấp tấp, tính đồng chí ấy thế! Đồng chí ấy hiểu là chỉ cần đưa bức ảnh ra cho người đã viết thư, thì mọi phán đoán của chúng ta đã kết thúc. Đồng chí ấy cũng hiểu rất rõ là chúng ta chờ đợi chính cái tin này, Pi-ốt Ghê-oóc-ghi-ê-vích ạ.
Đồng chí trợ lý thò đầu vào:
- Báo cáo đồng chí trung tướng, Pa-nốp ở ban giải mã có tin khẩn.
- Đồng chí ấy gọi điện à?
- Không, Vì đồng chí ra lệnh không dùng điện thoại nên Pa-nốp đã đến đây.
- Mời đồng chí ấy vào ngay.
Pa-nốp đặt lên bàn sáu tài liệu.
- Có ba cái liền, thưa đồng chí trung tướng. Chưa từng thấy như thế bao giờ (9).
- Chà, vậy kia à? – Phê-đô-rốp nói – Có lẽ đã đến lúc xin các anh một điếu xì gà rối đây. Cường độ công việc đến mức này chỉ có thể có trước những sự kiện, biến cố.
… Trung tướng Phê-đô-rốp trở thành chiến sĩ phản gián khi mới hai mươi mốt tuổi. Là một kỹ sư vô tuyến trẻ tuổi, tình nguyện sang Tây Ban Nha, đã làm việc ở đó với các chiến sĩ phản gián xuất chúng của Dgiéc-din-xky, đã học nghề chuyên môn ở Gri-gô-ri Xư-rô-e-giơ-kin, và khi chiến tranh bắt đầu, đồng chí trở thành Át chủ bài trong các cuộc đấu vô tuyến chống bọn tình báo Đức Áp-ve va Ghét-xta-pô. Hàng trăm tên gián điệp Hít-le đã bị tóm hoặc bị vô hiệu hoá, nhờ công tác của cơ quan mà Phê-đô-rốp đứng đầu. Tiếp đó, là cuộc đấu tranh với bọn tư sản theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, đánh bại bọn phản động Ban-đê-rốp, tìm ra những tên tay sai thời Hít-le còn ẩn náu; và cuộc chiến đấu với các nước đồng minh đòi trao trả bọn đao phủ phát xít đã chạy sang bên kia đại dương tìm chủ mới. Đến cuối những năm bốn mươi, đồng chí bắt đầu công tác chống gián điệp do các cơ quan tình báo Mỹ phái sang. Tư duy sắc bén, nhanh nhạy, nhưng lại rất điềm đạm (cặp mắt xanh lơ như tươi cười là điều bất biến ở đồng chí). Phê-đô-rốp hỏi, trầm ngâm:
- Đồng chí Côn-xtan-ti-nốp, đồng chí còn chơi ten-nít chứ?
- Khi nào có thì giờ.
- Đồng chí cố gắng thu xếp nhé! Đồng chí hãy gặp Vin-te một cái xem, đồng chí thừa biết đấy, giấy tờ dù sao vẫn là giấy tờ, còn con người mới đích thực là con người. Hãy ngó qua cô ta chút đã, Côn-xtan-ti I-va-nô-vích ạ. Còn điều này nữa, có thể nói, công việc phức tạp, cực kỳ phức tạp. Cho nên, tôi nghĩ, các đồng chí nên lưu ý, thật sự tỉ mỉ, cả những chi tiết vặt vãnh, hoặc có vẻ như vặt vãnh. Dù thế nào, việc tìm kiếm tên gián điệp vẫn thường xuyên nhận được những mã số kia là một hành động có tính đối ngoại, chỗ này phải tỏ ra tinh nhạy đặc biệt. Vì đây đang có dấu hiệu về sự lôi kéo vào một cuộc xung đột có tính thế giới, tôi phải dùng cái từ đó mới đúng, nếu như sự nhạy cảm đã không đánh lừa tôi.
(1) Tiếng Anh trong nguyên bản: “Ham and eggs”. (ND)
(2) Tên tắt của “Ủy ban đặc biệt”: cơ quan an ninh của Liên Xô trước đây. (ND)
(3) A-len Đa-lét: trùm tình báo Mỹ, từng làm giám đốc CIA một thời gian dài. (ND)
(4) Thủ đô Ca-na-đa. (ND)
(5) Trường đại học kinh tế Mát-xcơ-va. (ND)
(6)MI-6: viết tắt của chữ Military Intelligence – Tình báo quân sự, là cơ quan tình báo Anh. (ND)
(7) Nguyên bản phiên âm tiếng Anh: Highball. (ND)
(8) Pri-a-ni-ki: Tên Khơ-rê-nốp bịa ra, có nghĩa là “Bánh bang”. (DN)
(9) Các bức điện trong buổi truyền này, lúc đó chưa giải mã được, truyền từ trung tâm tình báo CIA sang Châu Âu. Sau này, mới biết nội dung như sau: “Bạn thân mến, tin tức bạn truyền đạt đã có đóng góp quan trọng vào cuộc đấu tranh. Người có trách nhiệm cao nhất đã được biết những ý kiến và tài liệu của bạn cung cấp. Chúng tôi sẽ thực hiện yêu cầu của bạn và gửi tức khắc những gì bạn yêu cầu trong hoạt động bí mật thường kỳ. Địa điểm gặp như trước. Rất yêu cầu tăng nhịp độ chụp ảnh mọi văn kiện về khả năng tăng viện trợ của Nga cho Na-gô-ni-a nếu ở đó xảy ra những sự kiện khủng hoảng. Ý kiến của bạn và các dự đoán của những người quen, có trình dộ phù hợp, sẽ hết sức quý giá đối với chúng tôi. Các bạn của bạn G. và L. (Tác giả chú thích)
Tass Được Quyền Tuyên Bố Tass Được Quyền Tuyên Bố - Yulian Semenov