The pure and simple truth is rarely pure and never simple.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Tác giả: Vuong Hieu Loi
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Ha Ngoc Quyen
Upload bìa: Ha Ngoc Quyen
Số chương: 1
Phí download: 1 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 20
Cập nhật: 2020-10-24 12:42:09 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 37
rận đánh Huỳnh Dương - Lần đầu trong đời Tào Tháo thua trận
Liên minh quần hùng
Tháng Giêng năm Sơ Bình nguyên niên (năm 190), các châu ở Quan Đông ầm ầm xuất đại quân thảo phạt Đổng Trác, nhất thời khí thế rung chuyển như dời non lấp bể.
Bột Hải Thái thú Viên Thiệu nhờ bốn đời ở ngôi Tam công tôn quý nên tự xưng là Xa kỵ tướng quân, lại lĩnh chức Tư lệ hiệu úy, dẫn quân tiến đóng ở quận Hà Nội, cùng hợp binh với Hà Nội Thái thú Vương Khuông, bức sát bến Mạnh Tân, mũi tấn công nhắm thẳng Lạc Dương. Duyện Châu Thứ sử Lưu Đại, Đông Quận Thái thú Kiều Mạo, Sơn Dương Thái thú Viên Di, Tế Bắc tướng Bào Tín, Quảng Lăng Thái thú Trương Siêu, cùng Trần Lưu Thái thú Trương Mạc nhờ được Tào Tháo giúp đỡ, cùng nhau tiến vào đóng ở huyện Toan Táo, áp sát Toàn Môn quan. Dự Châu Thứ sử Khổng Trụ cử binh ở Dĩnh Xuyên, phong tỏa phía đông nam Hoàn Viên quan, khống chế binh lực của Đổng Trác. Hậu tướng quân Viên Thuật tập hợp binh sĩ ở Lỗ Dương, lập thành chiến tuyến phía nam, chuẩn bị tiến đánh Vũ quan. Các lộ binh mã nhiều ít khác nhau, tổng cộng có hơn mười vạn, hình thành thế trận bao vây đất Hà Nam.
Cùng lúc đó, nghĩa quân Bạch Ba cũng đánh du kích khắp dải Hà Đông, tạo thành mối uy hiếp với Đổng Trác. Trong khi ở phía tây Tam Phụ, Tả tướng quân Hoàng Phủ Tung ngồi trấn Lương Châu chống lại phản quân Tây Lương, cũng nắm mất hậu phương lớn của Đổng Trác.
Lại thêm Ký Châu mục Hàn Phức trấn thủ huyện Nghiệp cung cấp lương thảo, Trường Sa Thái thú Tôn Kiên, Nam Dương Thái thú Trương Tư, Thanh Châu Thứ sử Tiêu Hòa cũng lũ lượt vỗ ngựa mài gươm, chuẩn bị tham gia liên quân. Đổng Trác thực sự bị hãm vào thế hoàn toàn cô lập!
Lại nói về chư quân ở Duyện Châu, sau khi đến huyện Toan Táo, liền cho dựng đài cao hơn một trượng phía đông thành. Trên đài đặt đàn tế, dâng cúng trâu xanh ngựa trắng, tinh kỳ các lộ san sát, soạn hịch thảo tặc, chuẩn bị liên minh. Duyện Châu Thứ sử Lưu Đại, Đông Quận Thái thú Kiều Mạo, Trần Lưu Thái thú Trương Mạc, Sơn Dương Thái thú Viên Di, Tế Bắc tướng Bào Tín, Quảng Lăng Thái thú Trương Siêu, cho tới bọn Tào Tháo, Tang Hồng, Hí Chí Tài nối nhau lên đài ngồi theo thứ tự. Dưới đài là sáu lộ đại quân hùng dũng oai nghiêm, bộ tướng binh lính dù trên ngựa hay dưới bộ đều sắp hàng chỉnh tề, xếp đội ngũ như hình cánh nhạn, cờ xí nối nhau, gươm đao tua tủa, nhìn vút tầm mắt.
Có thể nói Đông Quận Thái thú Kiều Mạo chính là người đã khởi xướng chiến dịch thảo phạt Đổng Trác lần này, chính ông đã ngụy tạo mật tín của Tam công truyền hịch khắp châu quận, đề nghị tiến hành liên minh. Theo lý mà nói, Kiều Mạo đương nhiên phải trở thành thống soái các đạo quân ở Duyện Châu, nhưng đến khi sự việc bùng nổ, trông thấy binh mã các lộ đều nhiều, Kiều Mạo thấy không còn đủ tự tin, chỉ ngồi yên trên ghế chắp tay nói:
— Liệt vị, nay vì đại kế thảo Đổng, chúng ta hội minh ở đây, việc quan trọng đầu tiên là suy tôn một minh chủ đủ tài đức làm thống soái. Không biết vị đại nhân nào có thể đảm trách được? - Nói xong ông ta khẽ cười rồi cúi nhìn xuống, lặng lẽ chờ đợi những người có mặt sẽ kêu tên mình.
— Ta thấy vị minh chủ này không cần chọn nữa, chúng ta đều là những người tầm thường, chỉ cần tuân theo mệnh lệnh của Xa kỵ tướng quân Viên Bản Sơ là được. - Người vừa nói là Duyện Châu Thứ sử Lưu Đại, ông ta có khuôn mặt gầy nhỏ, con mắt đảo nhìn xung quanh, lộ rõ vẻ tinh minh.
Kiều Mạo thấy khó chịu như nhai phải ruồi, gượng cười bảo:
— Công Sơn huynh, không thể nói thế được. Dù chúng ta đều nghe lệnh của Xa kỵ tướng quân, nhưng chỗ này là nơi xung yếu cần có một người đứng đầu, để tiện thống lĩnh chư quân, ứng phó việc bất ngờ! Theo ý Kiều mỗ, Công Sơn huynh rất thích hợp với vị trí này. Những người ngồi đây đều ở ngôi quận tướng, duy có huynh là sứ quân một châu, hơn nữa huynh lại là điệt nhi của Lưu lão Thái úy tiên triều, tuy là chức quan do Đổng Trác nhận mệnh, nhưng nếu xét về thân phận chúng ta ai có thể tôn quý bằng huynh?
Tào Tháo nghe xong thầm cười nhạt, nghĩ: “Đúng là gặp mặt chẳng bằng nghe tên, tiếc cho Kiều Nguyên Vĩ là điệt tử của Kiều Huyền mà nói năng tệ bạc như thế. Ngoài mặt thì khen ngợi Lưu Đại, nhưng thực tế lại khêu ra quan chức của ông ta là Đổng Trác ban cho, ám chỉ Lưu Đại không đủ tư cách làm minh chủ. Đích thân tiến cử rồi lại vác thương xách gậy nói người ta không đủ tư cách, chẳng phải Kiều Mạo này muốn người ta sẽ ngược lại tiến cử mình ư?”
Nào ngờ, Lưu Đại chẳng để trò khôn lỏi của Kiều Mạo đắc thế, liên tục xua tay nói:
— Tại hạ nào dám lĩnh trọng trách này. Tại hạ tuy là Duyện Châu Thứ sử, nhưng mấy vị ngồi đây có vị nào là không đức tài gồm đủ? Thêm nữa, Trương Siêu lão đệ không phải là người ở Duyện Châu do ta cai quản, huống hồ còn có quân do Mạnh Đức dẫn đến, chức Thứ sử này có gì đáng kể đâu. Có điều Kiều quận tướng nếu đã nói đến xuất thân, trong chúng ta ai so được với Bá Nghiệp huynh?
Viên Di chỉ là nho sinh, ngồi đây so với Trương Mạc còn có vẻ nho nhã mềm yếu hơn, nghe thấy Lưu Đại tiến cử mình, vội lắc đầu xua tay:
— Ngu huynh tài sơ đức bạc, không kham được trọng trách ấy, thật xấu hổ, xấu hổ!
— Bá Nghiệp huynh hà tất phải khiêm nhường như vậy? - Biết là ông ta chẳng thể kham nổi vị trí ấy, Lưu Đại càng khoa trương, - Xưa kia Trương Tử Tịnh khen huynh có tài xuất chúng, lại rất thức thời, đăng cao có thể làm phú, nhìn vật có thể biết tên, tài học của huynh chúng ta đều đã biết. Huống hồ huynh là tòng huynh của Viên Bản Sơ, đệ đã là Xa kỵ tướng quân ở Hà Nội, há huynh lại chịu khuất ở dưới chúng ta sao?
Viên Di tài học hơn người quả thực không sai, nhưng chỉ là bạch diện thư sinh múa bút vẩy mực chứ không giỏi cầm quân, há có thể gánh được gánh nặng ấy. Ông ta vội chối từ:
— Không được, không được. Ngu huynh thực sự không hiểu việc quân. Chư quân ai đảm trách chức vụ này cũng được, ta chỉ nghe mệnh thi hành thôi.
— Nếu đã vậy, Mạnh Trác huynh lên làm minh chủ, có được không? - Lưu Đại lại đẩy hòn đá vừa chạm chân mình sang Trương Mạc.
Trương Mạc cũng lắc đầu thoái thác, Lưu Đại an ủi mấy câu, lại quay sang Trương Siêu, chỉ riêng không đoái hoài gì đến Kiều Mạo.
Thực lòng Trương Siêu muốn làm thủ lĩnh, đánh trận hắn có đủ tự tin, nhưng trong số chư vị ở đây, luận tuổi tác hắn nhỏ nhất, luận binh lực hắn ít nhất, cân nhắc kỹ càng, thực chẳng thể đảm đương. Trương Siêu cười nói:
— Ta sao đảm đương được? Xin tiến cử một người thích hợp nhất vậy, Bào lão nhị, huynh nhận đi!
Nếu luận về cầm quân đánh trận, những người ở đây đều phải nhường Tào Tháo và Bào Tín. Nhưng nay Tào Tháo không có danh phận, do đó Bào Tín thực sự là lựa chọn tốt nhất. Bào Tín nghe thấy vậy chỉ lặng nhìn mọi người hồi lâu, cảm thấy bầu không khí dối trá đáng ghét, cười nhạt bảo:
— Thôi vậy, tại hạ chẳng thể quản nổi các ngài! Ta thấy Nguyên Vĩ huynh nãy giờ nhấp nhổm muốn được thi thố, hay là huynh lên làm minh chủ đi.
Bào Tín buông mấy câu có vẻ ngang ngạnh như thế, Kiều Mạo dù có muốn làm cũng không dám nhận, chỉ cúi đầu nói:
— Không dám, không dám. Bào quận tướng nên đảm nhiệm chớ khước từ.
— Hừ! Ta nào dám. - Bào Tín bực dọc nói.
Tào Tháo càng nghe càng khó chịu, còn chưa ra trận mà ai nấy đều giấu lắm tâm cơ như thế. Trận chiến này nếu kéo dài lâu, chưa biết tương lai cục diện sẽ ra sao! Tào Tháo rất muốn đăng đàn làm chủ việc uống máu ăn thề, nhưng hiện mình chỉ là bạch đinh không quan chức, nếu ra so thì cùng lắm chỉ là bộ tướng của Trương Mạc, danh bất chính ngôn bất thuận, sao có thể đứng ra được? Hơn nữa nãy giờ họ toàn bàn đến môn đệ gia thế, mình chỉ là hậu duệ của hoạn quan sao với tới được...
Trương Mạc cũng thấy chuyện nhường nhau thế này đúng là không thức thời, huống hồ lại bắt mấy vạn quân lính đứng dưới đài đợi lâu cũng không được, bèn nói:
— Xin chư vị hãy nghe ta nói một câu. Nay chúng ta vì nước trừ gian, nhất thiết không thể đùn đẩy nhường nhau làm lỡ đại sự. Kế diệt Đổng cần vương, chúng ta nên theo sự điều khiển của Xa kỵ tướng quân, điểm này không còn tranh cãi gì nữa. Bây giờ chỉ là lập thống soái tạm thời để xử trí cơ biến. Ta nghĩ thế này, mong chư vị xem xét, ai tự tin mình đủ năng lực có thể bài binh bố trận chỉ huy quân đội, hãy chủ động đăng đàn làm chủ hội thề, những người khác nguyện theo sự điều khiển. Chư vị thấy thế nào?
Trương Mạc vừa nói xong, mọi người đang ồn ào bỗng chốc im lặng hết cả. Lưu Đại không nói năng gì đưa mắt nhìn sang bên cạnh, dường có rất nhiều tâm sự. Kiều Mạo ngồi yên ngay ngắn không một động tĩnh. Viên Di miệng lẩm nhẩm, vuốt râu mãi không thôi. Trương Siêu nét mặt thoáng cười, tựa hồ còn đang muốn xem tranh cãi. Xem ra không có ai chủ động gánh vác trọng trách này. Bào Tín thấy chẳng còn ai quấy nhiễu nữa định đứng dậy tiến lên, nhưng Bào Thao đã túm lấy huynh trưởng, ghé sát tai nói:
— Hà Nội đã có Xa kỵ tướng quân đứng ra, ở đây làm chủ minh thệ, nếu không cẩn thận lại chạm nọc Viên Bản Sơ.
Bào Tín chau mày rồi thở dài một tiếng không động đậy gì nữa. Trương Mạc thấy chẳng ai hưởng ứng câu nói của mình, quay đầu nhìn Tào Tháo, ra hiệu cho y mau đăng đàn làm chủ minh thệ. Tào Tháo vô cùng hoan hỷ, vừa định cất lời, chợt cảm thấy có ai ở sau kéo mình, đưa mắt lại nhìn, hóa là Hí Chí Tài đang cúi đầu ghì chặt áo bào mình.
— Có ta đây! - Một giọng nói vang lớn phá tan bầu không khí yên lặng.
Mọi người dồn lại nhìn, một nam tử trẻ tuổi, vóc người cao to từ sau lưng Trương Siêu bước ra, đó chính là Công tào Tang Hồng ở quận Quảng Lăng. Tang Hồng chính là con của danh tướng dẹp loạn Tang Mân, tập võ từ nhỏ, tính tình thẳng thắn, nên sao quen được với trò giả vờ đầy tâm cơ của đám người này. Tang Hồng hầm hầm nói:
— Việc thảo tặc cần vương, không thể như rồng không đầu. Nếu các ngài đã đùn đẩy nhau không chịu làm chủ thề, vậy thà có còn hơn không. Tang Hồng ta chỉ là công tào, nhưng nguyện xin gánh vác trách nhiệm này!
Kiều Mạo giật mình, lập tức quay sang tả hữu cười nói:
— Giỏi! Tang Tử Nguyên là hổ tử nơi cửa tướng, lấy hắn làm minh chủ, ta cũng tâm phục khẩu phục, chư vị thấy thế nào?
Lưu Đại thấy Kiều Mạo nhận làm quân tử, để người khác làm tiểu nhân, liền không cho ông ta đắc ý, vội phụ họa:
— Tử Nguyên lão đệ thật khiêm tốn! Xưa kia, trước khi Hàn Tín đăng đài làm soái, chẳng qua cũng chỉ là tên lính canh cầm kích dưới trướng Hạng Vũ. Nay chúng ta vì nước thảo tặc, dù chỉ là tên lính quèn mà có tài đức cũng nên bái làm minh chủ, huống chi đệ lại đường đường là Quảng Lăng công tào!
Viên Di cũng liên tục gật đầu:
— Tử Nguyên nên làm, chớ từ chối.
Huynh đệ Trương Mạc, Trương Siêu vốn không đồng ý, nhưng thấy ba người bọn họ đã có thái độ như vậy nên không tiện phản đối. Bào Tín trước sau vẫn vẻ mặt im lìm, cũng ngại ngăn cản. Mọi người quay sang nhìn nhau hồi lâu, nhất tề đứng dậy, quay sang Tang Hồng vái một vái dài, cung kính mời lên đàn làm chủ thề.
Tang Hồng cũng chẳng chối từ, điềm nhiên nhận lấy, bước đi chắc chắn lên trên đài cao, vái một vái với ba quân tướng sĩ dưới đài, mở tờ minh ước, cất giọng đọc lớn:
— Đại Hán không may, hoàng cương lơi lỏng, tặc thần Đổng Trác, thừa thế làm ác, vạ đến ngôi vua, hại ra trăm họ. Sợ rằng xã tắc trầm luân, bốn bể đảo lộn. Các vị: Duyện Châu Thứ sử Lưu Đại, Dự Châu Thứ sử Khổng Trụ, Trần Lưu Thái thú Trương Mạc, Đông Quận Thái thú Kiều Mạo, Quảng Lăng Thái thú Trương Siêu... tụ tập nghĩa binh, cùng cứu nạn nước. Phàm đã là đồng minh, đều đồng lòng gắng sức, giữ đạo làm tôi, dù có mất đầu, cũng không hai dạ. Kẻ trái lời thề, sẽ phải mất mạng, tuyệt tử tuyệt tôn. Hoàng thiên hậu thổ, tổ tông thần linh, xin chứng giám cho.
Giọng Tang Hồng cao vang mạnh mẽ, đọc tờ minh ước một mạch không nghỉ, thanh âm hồn hậu truyền đi mãi xa, cả những đội quân binh ở xa nhất cũng đều nghe rõ. Ít lâu sau đọc xong hết cả, Tang Hồng bỏ tờ minh ước, tiện tay cầm con dao sắc trên tế đài, cứa vào ngón giữa tay trái - sắc máu đỏ tươi lập tức tan ra giữa bát rượu trong vắt.
Dù các vị mục thú ai nấy đều có tâm sự riêng, nhưng thấy Tang Hồng quyết đoán như vậy đều không ngăn nổi cảm động. Quân binh dưới đài thấy vậy cũng như được cổ vũ khích lệ rất nhiều.
— Thảo diệt Đổng tặc, phục hưng Hán thất! - Tang Hồng giơ cao nắm đấm, ngửa mặt lên trời hô lớn.
Nối tiếng hô ấy, trong khoảnh khắc trống trận khua vang, khí thế hừng hực, tiếng hò hét của binh sĩ làm người ta phải chấn động tâm can. Lưu Đại, Kiều Mạo, Viên Di, Trương Mạc, Bào Tín, Trương Siêu lần lượt đăng đàn cắt máu hô vang khẩu hiệu, chia nhau uống bát huyết tửu. Quân sĩ dưới đài trông thấy thống soái của mình lên đài, tiếng hò reo lại vang lên từng đợt từng đợt...
Tào Tháo cũng cảm động bởi khí phách lớn lao ấy, cùng hô theo mấy tiếng, nhưng khi thấy Tang Hồng vẫn hiên ngang đứng giữa tế đàn, đột nhiên lại thấy thật chua cay, quay đầu nhìn Hí Chí Tài:
— Tiên sinh không đồng ý để ta minh chủ, nhường cho vị mục thú khác cũng được, sao lại bảo Tang Tử Nguyên chiếm lấy vị trí ấy.
Hí Chí Tài cười nhạt nói:
— Tang Hồng chỉ là công tào nhỏ mọn, không có binh chẳng có quyền, tuổi nhỏ đức mỏng, ai chịu cam tâm nghe hắn điều khiển? Lệnh không thi hành được, cấm không ngăn cản được, làm chức minh chủ này chỉ chuốc lấy nhục, sao ngài phải khổ sở tranh lấy chức vị phải tội ấy?
Tào Tháo nghe ông ta nói vậy, cười nhăn nhó bảo:
— Ta nhớ Lã Lãm có câu: “Nếu người có ý tốt, tuy chẳng biết nhưng cũng có thể lấy làm điểm mạnh.” Sao lúc này tiên sinh lại không nhắc đến câu ấy?
Hí Chí Tài thấy Tào Tháo lấy mâu của mình đâm thuẫn của mình, cũng nhất thời không nói lại được.
Lúc ấy Bào Tín đã xuống tế đàn, cúi đầu bước đến trước mặt Tào Tháo:
— Mạnh Đức, huynh cũng lên cắt máu ăn thề chứ?
— Hiện ta vô danh vô phận, làm gì có tư cách đăng đàn cắt máu?
— Hừ! Với tài của huynh, đừng nói là làm chân minh chủ nhỏ nhoi, ngay việc thay thế vị trí của Viên Bản Sơ cũng chẳng gì là không được? - Bào Tín oán giận nói.
Tào Tháo không muốn nói gì thêm, nhưng bất giác ngẩng đầu ngâm bài Cai Hạ ca của Hạng Vũ:
— “Sức bạt núi, khí trùm đời; Ngựa Chuy chùn lại bởi thời không may. Ngựa sao chùn lại thế này; Ngu Cơ nàng hỡi giờ này tính sao?”
— Chớ nói không biết ngượng thế. Ở đây làm gì có Ngu Cơ phu nhân của huynh. - Bào Tín đấm trêu Tào Tháo một cú. - Có lẽ Viên Bản Sơ với đám người này chỉ được oai phong một lúc thôi. Trong lời thề đã nói rõ ràng, “kẻ trái lời thề, sẽ phải mất mạng”, huynh không lên cắt máu cũng tốt, sau này đỡ phải lo lời thề ứng nghiệm.
— Còn chưa ra trận mà huynh lại bảo lời thề ứng nghiệm, e là không thỏa đáng đâu?
Bào Tín cười nhạt một hồi:
— Không thỏa đáng? Đám này kẻ nào chẳng tâm khẩu bất nhất? Ta liệu rằng chuyện trở mặt chỉ là sớm muộn, người ta nói Đổng Trác để bọn họ làm mục thú là tính toán sai lầm, ta lại thấy đó thực là diệu kế. Bọn họ ai cũng có lòng riêng, sớm muộn sẽ phải tan vỡ chia lìa.
“Nghe huynh nói vậy, chẳng phải đã chia lìa với bọn họ rồi sao?” Tào Tháo tuy nghĩ thế nhưng lại nói:
— Chỉ mong đánh nhanh quyết nhanh, sớm kết thúc cảnh loạn lạc, sự uy nghiêm của triều đình mới có hy vọng vãn hồi.
Bào Tín nhìn thần thái nghiêm túc của Tào Tháo, cảm thán nói:
— Phàm kẻ mưu lược siêu tuyệt trên đời, có khả năng tụ tập quần hùng dẹp loạn phù chính, chỉ có Mạnh Đức! Nếu không phải người này, thế tuy mạnh cũng tất sẽ chết. - Nói xong, Bào Tín ý vị thâm trầm nhìn lại những người trên đàn, tự nói một mình, - Lẽ nào là trời cao gọi đám kia lại để mở đường cho huynh?
Đang lúc ồn ào, bỗng một tên xích hầu phi ngựa chạy đến bên đài cao bẩm báo:
— Khải bẩm liệt vị đại nhân, Xa kỵ tướng quân phái sứ giả đến.
Bọn Kiều Mạo, Lưu Đại giơ tay ra hiệu trống trận ngừng gõ, quân binh dần yên tĩnh trở lại. Tào Tháo bước tới bên đài nhìn, thấy mười mấy tên lính dẫn một người đang dương dương tự đắc phóng ngựa chạy qua hàng quân - đó chính là Hứa Du. Trong lòng Tào Tháo chợt thấy gần gũi, rất muốn gọi tên Tử Viễn, nào hay Hứa Du nhìn khắp các vị mục thú, nhưng chỉ lướt qua y. Tào Tháo chợt thấy lòng buốt lạnh.
— Có thủ trát của Đại tướng quân tới! - Hứa Du nói xong liền xuống ngựa, bước nhanh lên đài.
Bọn Kiều Mạo quay sang nhìn nhau hồi lâu, rồi lùi mấy bước lũ lượt quỳ xuống, Tào Tháo cũng quỳ theo. Hứa Du bước ra giữa đàn, lấy thủ trát của Viên Thiệu ra, cất giọng đọc to:
— Xa kỵ tướng quân có lệnh, quân mã Tây Lương hung hãn, chư vị đại nhân phải giữ chắc huyện Toan Táo, trù tính kỹ càng rồi mới xuất chiến. Nếu không có kế sách tất thắng, hãy đợi Xa kỵ tướng quân và Hà Nội Thái thú Vương Khuông công phá Mạnh Tân, rồi chư quân tiếp ứng. Ai trái lệnh này, tức là trái lời thệ!
Lệnh của Viên Thiệu tuy mập mờ nhưng phần nào mọi người đều đã rõ nội tình: Viên Thiệu muốn chiếm Mạnh Tân tranh lập công đầu. Bọn Lưu Đại vốn không định bỏ ra sức lực gì, chỉ muốn ở xa tạo thanh thế thì hơn, liền đồng thanh đáp:
— Xin được nghe theo lệnh của Xa kỵ tướng quân!
— Chư quân mau mau đứng dậy, khi nãy ta làm việc theo lệnh, thật là đắc tội! - Hứa Du cất tờ thủ trát, liên tục vái tạ, rồi lập tức trở lại nét mặt vui vẻ hòa nhã, ngẩng đầu lên tìm Tào Tháo. - A Man huynh, vất vả lắm mới trốn được ra, lâu nay huynh vẫn bình an chứ?
Tào Tháo thấy Hứa Du ở nơi trang trọng lại gọi tiểu danh của mình, có chút ngượng ngùng, nhưng thấy lúc này Hứa Du vẻ mặt tươi cười vô cùng thân thiết, liền cười nói:
— Ngu huynh vẫn tốt.
— Bản Sơ huynh nghe nói huynh đến thì mừng lắm, đã soạn tấu biểu, cho huynh tạm lĩnh chức Phấn vũ tướng quân.
Đã gọi là tấu biểu đương nhiên là phải dâng lên hoàng đế, nhưng không biết giờ đây tấu biểu của Viên Thiệu giao đến chỗ nào. Nhưng dù thế nào, cuối cùng Tào Tháo cũng có danh hiệu, hơn nữa ngôi vị tướng quân cao quý ấy về danh nghĩa có thể ngang hàng với chư vị mục thú ở đây.
Hứa Du vừa nói vừa tiến đến trước mặt Tào Tháo:
— Bản Sơ huynh nói, có sáu lộ quân sĩ đồn trú tại huyện Toan Táo, nếu binh mã ở đây đã tề chỉnh, A Man huynh không ngại có thể đến Hà Nội. Chúng ta hợp binh, cùng bàn kế sách đoạt Mạnh Tân.
Bọn Kiều Mạo nghe thấy Hứa Du vừa đến đã muốn lôi kéo Tào Tháo, đều tỏ ý không vui. Tào Tháo quay sang nhìn Trương Mạc, chỉ thấy ông ta cúi đầu lặng im không nói. “Mình hiện là tâm phúc của Trương Mạnh Trác, sao có thể dẫn theo thân tùy quy thuộc Viên Thiệu?” Nghĩ đến đó, Tào Tháo cười đáp:
— Tử Viễn, đệ hãy thay ta gửi lời đa tạ mỹ ý của Bản Sơ huynh. Có điều chúng ta mới đến Toan Táo, việc quân còn bận, đợi mấy ngày nữa sắp xếp ổn thỏa, nếu không có việc gì khác, ngu huynh tất sẽ đến Hà Nội để nghe theo sự điều khiển của Xa kỵ tướng quân.
Hứa Du vô cùng thông tuệ, nghe lời nói, nhìn sắc mặt liền biết Tào Tháo không thể đi, vội chắp tay nói:
— Việc binh không thể cố định, xin tùy sắp xếp của huynh. - Lại quay sang nhìn những người khác, - Nếu chư quân không có ý gì khác, tại hạ xin được trở lại Hà Nội, phục mệnh Xa kỵ tướng quân. - Nói xong lại quay sang Tào Tháo mỉm cười.
Chư vị mục thú thấy vậy, chẳng thân cũng giả thân chẳng gần cũng giả gần tiễn Hứa Du xuống đài, nhìn theo Hứa Du dẫn thân binh ruổi ngựa chạy đi. Kiều Mạo là người đầu tiên phá tan bầu không khí yên tĩnh:
— Nếu xa kỵ tướng quân đã có lệnh, chúng ta hãy ai nấy đồn binh, phòng thủ chắc chắn trước đã. Phía đông Toan Táo còn trống, hạ quan sẽ lĩnh binh đến phía ấy đóng trại. Hạ quan tới đó trước, có chuyện gì xin hãy sai người đến doanh của hạ quan bàn bạc. - Nói rồi, ông ta quay lại gọi quân mã của mình.
Lưu Đại thấy Kiều Mạo đi đã xa, bất giác cười nhạt bảo:
— Phía tây sát gần quân giặc, phía đông cách xa kẻ địch, hắn thực không ngốc. Chớ để hắn ta giở trò gian giảo, ta cũng đi đây. - Nói rồi chẳng thèm quay đầu, Lưu Đại chạy đến chỗ đội ngũ của mình rồi đi luôn.
Viên Di thấy thế chắp tay chào hết lượt, hàn huyên mấy câu rồi cũng dẫn quân đi.
Bào Tín vốn chẳng để ý đến bọn họ, chỉ tự mình ôm giận:
— Viên Bản Sơ cũng thật ngông cuồng, công đầu kia không thể để hắn cướp được! - Rồi quay đầu nhìn đệ đệ Bào Trung, - Lão tứ, đệ thường ngày qua lại thân gần với Vương Khuông. Ta sẽ chia cho đệ tám ngàn quân, đuổi theo Hứa Du đến Hà Nội, cùng bọn họ giành lấy Mạnh Tân rồi đánh thẳng vào Lạc Dương. Công ấy cũng phải có phần của huynh đệ chúng ta.
— Tiểu đệ rõ rồi! - Bào Trung chắp tay lĩnh mệnh, lập tức lo việc điểm quân.
Trương Mạc thấy Tào Tháo trước sau vẫn chăm chú nhìn lên đàn, liền kéo lại bảo:
— Người khác đều đóng trại ở phía đông để tránh mũi nhọn quân giặc, ta nghĩ chúng ta không nên học theo bọn họ, hãy ở lại đây nắm vững tây lộ bảo vệ thành Toan Táo. Cử nghĩa vì nước, há có thể lùi bước, chúng ta hãy gánh vác việc nặng vậy. Nhưng việc quân lữ, ngu huynh không rành, phải vất vả Mạnh Đức bố trí doanh trại.
Trương Siêu cũng nói:
— Quân ta ít nên cùng các huynh đóng trại thì hơn. Nhưng giờ đây Tử Nguyên đã làm minh chủ, có cần phải lập riêng một đại trướng trung quân cho hắn không?
Tào Tháo chẳng biết làm sao, chỉ than thở:
— Hầy dà... lập hay không cũng có ý nghĩa gì đâu!
Huynh đệ Trương Mạc ngước nhìn theo ánh mắt Tào Tháo, chỉ thấy Tang Hồng vẫn đang đứng ngây trên đàn, đôi mắt hắn trân trân nhìn theo các lộ binh mã ai đi đường nấy. Nào ai quan tâm đến ngôi minh chủ của hắn nữa?
Trận Huỳnh Dương
Do các lộ binh mã đồn trú ở huyện Toan Táo đều giữ ý đề phòng, tâm tư bất nhất nên từ đầu tháng Giêng đã án binh bất động không đánh với Đổng Trác.
Tang Hồng không thể điều khiển được đám mục thú ấy. Ngày ngày Kiều Mạo, Lưu Đại thảo luận quân tình nhưng vẫn chẳng đưa ra được phương án tiến binh, thực tế trong lòng ai cũng hiểu rõ, chẳng người nào muốn xuất đầu lộ diện, đều lặng yên chờ đợi quân mã của Viên Thiệu, Vương Khuông ở Hà Nội đánh lấy Mạnh Tân.
Nhưng phía Đổng Trác vẫn không hề có ý ngừng lại. Cuối cùng Đổng Trác cũng nhận ra mình bị chơi xỏ, trúng kế giả làm lợn dụ hổ đến ăn. Đang khi tức giận cùng cực, Đổng Trác liền xử tử Thượng thư Châu Bí để trút hận, bãi miễn Thái úy Hoàng Uyển, Tư đồ Dương Bưu, sau đó lệnh cho Lang trung lệnh Lý Nho đầu độc Phế đế Lưu Biện, nhằm cắt đứt hy vọng lại đưa Sử hầu lên ngôi của liên quân.
Ngày Đinh Hợi tháng Hai, năm Sơ Bình nguyên niên (năm 190), Đổng Trác đưa ra một quyết định rất kinh hoàng: Lệnh cho quân Tây Lương bức hoàng đế Lưu Hiệp, bá quan văn võ, cùng bách tính ở Lạc Dương dời đô về Trường An.
Phút chốc, đô thành đại Hán biến thành địa ngục trần gian, quân Tây Lương hệt như lũ cường đạo cướp đoạt báu vật trong hoàng cung và tài sản của dân chúng. Hoàng đế và bá quan đều bị hiếp bức, ngồi trên xa giá không dám động cựa, còn bách tính thì bị từng đội thiết kỵ Tây Lương áp sát đi kèm. Bị áp giải theo cách ấy, số người chết dưới móng sắt chiến mã không biết bao nhiêu mà kể. Bộ tướng Tây Lương trị quân không nghiêm, lại dung túng quân sĩ dâm ô với đàn bà con gái, cướp đoạt lương thực, khiến dân chúng khóc than rung trời động đất. Đợi sau khi kinh thành trống không, Đổng Trác dẫn quân ra đóng ở Linh Tất uyển chỉ huy tác chiến, trước lúc đi còn đốt phá khắp thành Lạc Dương. Vậy là từ khi Quang Vũ đế trung hung tới nay, đô thành Lạc Dương của đại Hán được truyền thừa suốt một trăm sáu mươi lăm năm đã bị nghịch thần Đổng Trác thiêu hủy. Hai cung nam bắc hùng vĩ tráng lệ, cửa Bạch Hổ vòi vọi nguy nga, Đông Quán chứa đầy điển tịch xưa nay, Kim thị phồn hoa náo nhiệt, cho tới Tây viên mà Hán Linh đế đã hao dân tổn tài vô số mới xây dựng nên được, đều đã hóa thành gạch vụn tro tàn.
Thế nhưng ngọn lửa ấy đã không chỉ thiêu rụi kinh thành Lạc Dương, mà cơ hồ còn dập tắt kỳ vọng của muôn dân thiên hạ, cũng như chút tấm lòng trung nghĩa còn sót lại của sĩ đại phu...
Ngọn lửa thiêu đốt Lạc Dương cháy suốt mấy ngày đêm, khói đen đặc cuộn lên giữa ban ngày, ánh lửa rực đỏ khi màn đêm xuống, từ mãi huyện Toan Táo cũng có thể lờ mờ trông thấy. Nhưng dù như vậy, cũng không có vị mục thú nào nguyện dẫn quân xuất kích đầu tiên cứu muôn dân khỏi kiếp nạn. Nguyên nhân không phải bị gò bó bởi quân lệnh của Viên Thiệu, mà do tâm lý hoảng loạn mà nên, sợ rằng trên đường tiến quân sẽ bị quân địch phục kích, càng sợ những biến cố khó lường xảy ra sau lưng mình.
Trong bầu không khí phòng bị lẫn nhau đó, ai cũng chờ những tin tức từ Hà Nội chuyển đến. Đợi, đợi mãi, cuối cùng tin tức cũng tới, nhưng đó không phải tin báo tiệp, mà là mấy trăm tàn binh cùng một thi thể.
Hóa ra khi Đổng Trác rời đô, đã ngầm sai bộ tướng vượt Tiểu Bình Tân, lên phía bắc Hoàng Hà, rồi lẳng lặng vòng tới hậu phương của Mạnh Tân, dùng thế nhanh như chớp giật đột kích vào đại doanh của Hà Nội Thái thú Vương Khuông. Nghĩa quân không kịp phòng vệ, bị quân Tây Lương đánh cho chạy tán loạn, Vương Khuông lẩn trong đám loạn quân mà bỏ trốn, Bào Trung thì chết trong lúc đánh nhau với giặc.
Nghĩa quân còn chưa tấn công đã bị tổn binh hao tướng trước, Bào Tín, Bào Thao phục trước thi thể tiểu đệ mà gào khóc.
Những ngày nay Tào Tháo như ngồi trên đống lửa, tới lúc này thực không thể giữ ý được nữa, quay sang nhìn bọn Kiều Mạo, Lưu Đại, hầm hầm nói:
— Chư vị đại nhân, Đổng Trác cướp đoạt hoàng đế, di dời công khanh, đốt phá Lạc Dương, đồ sát bách tính, nay lại giết quân ta. Việc đến nước này, các ngài còn ngồi nhìn không thèm quan tâm, để mặc chúng tự ý hoành hành sao?
Mọi người thấy sắc mặt Tào Tháo hung hăng vội lũ lượt cúi đầu. Ngồi im hồi lâu, Kiều Mạo mới chậm rãi nói:
— Nay quân ở Hà Nội tuy thua nhưng hiệu lệnh của Xa kỵ tướng quân chưa tới, thêm nữa chưa rõ thực hư những gì Đổng tặc đang làm, không thể mạo hiểm tiến binh. Chi bằng... chi bằng chúng ta hãy tạm quan sát một thời gian đã.
— Quan sát một thời gian? Lẽ nào phải quan sát đến khi Đổng Trác giết vua diệt Hán? Lửa đốt Lạc Dương nay còn đang cháy, vậy mà các ông... - Lời tục còn chưa ra khỏi miệng Tào Tháo chợt thấy mình thất thố, dù sao muốn diệt trừ Đổng Trác, vẫn phải dựa vào binh mã của những người này. Y cố nén cơn giận, nuốt cục nghẹn vào trong rồi nói, - Chư vị hãy nghe ta nói câu này, cử nghĩa binh để trừ bạo loạn, tất cả đều đã tụ hội tại đây, chư vị còn nghi ngờ gì nữa? Nếu Đổng Trác nghe tin Sơn Đông khởi binh, mà dựa vào sự trọng yếu của vương thất, chiếm nơi hiểm trở của nhà Chu, quay về đông mà cai trị thiên hạ, tuy làm việc vô đạo, cũng đủ là mối họa! Nay hắn đốt pha cung thất, cướp giữ thiên tử, trong nước chấn động, không biết về đâu, đó là lúc trời bắt phải tiêu vong. Chúng ta nên nhân cơ hội này tấn công khi hắn chưa phòng bị, thì một trận có thể định được thiên hạ, không thể thất bại được.
Mọi người vẫn im lặng, Kiều Mạo suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:
— Mạnh Đức, trận thua ở Hà Nội đủ thấy khi dời đô, Đổng Trác đã có phòng bị, chúng ta dẫn quân tiến vào, e là sẽ mắc mưu của hắn.
— Ta xin giải thích cho chư vị. - Tào Tháo nhẫn nại phân tích, - Khi Đổng Trác tiến kinh chỉ dẫn theo không quá ba ngàn quân, thu nạp thêm quân của Đinh Nguyên ở Tịnh Châu cũng chưa tới ba ngàn. Chư bộ Tây Lương khác gộp lại cũng chẳng quá dăm ba vạn người. Chỉ năm sáu vạn người nhỏ nhoi ấy, vừa phải giữ các quan ải ở Hà Nam, vừa phải trấn thủ Mạnh Tân đối kháng với quân ở Hà Nội, vừa phải đánh lui giặc Bạch Ba, lại phải áp giải quan viên và bách tính ở Lạc Dương đến Trường An. Các vị tính xem, số binh mã trấn giữ ở Lạc Dương liệu còn bao nhiêu? Trong khi quân đóng ở Toan Táo của chúng ta đã tới gần chục vạn, xem quân nhiều ít có thể định được thắng thua rồi! Trận như thế, lẽ nào vẫn chưa thể đi đánh?
Bọn Kiều Mạo lũ lượt quay sang nhìn nhau, đều tự nhủ: Dù xuất binh có thể giành thắng lợi, nhưng nếu bộ quân của mình tử thương nghiêm trọng, đến lúc ấy đám người này có họp nhau lại mà ăn thịt mình không... Mối nghi hoặc lẫn nhau đã cầm tù dũng khí. Thấy bọn họ do dự không quyết như vậy, Tào Tháo dường đã hoàn toàn thất vọng:
— Nếu chư vị đại nhân không chịu xuất quân, ta sẽ một mình dẫn quân tiến sang phía tây. - Lúc nói câu đó, Tào Tháo nhìn chằm chằm vào huynh đệ Trương Mạc.
Trong lòng Trương Mạc vô cùng mâu thuẫn, vừa muốn giúp Tào Tháo đánh trận, nhưng lại lo bọn Kiều Mạo gây biến ngay bên mình, nghĩ ngợi giây lâu nói:
— Nếu Mạnh Đức nhất quyết tiến quân ta sẽ để Tử Hứa lĩnh quân cùng đi với đệ. - Trương Siêu lại dường chẳng mấy quan tâm.
— Đa tạ Mạnh Trác huynh. - Tào Tháo vái một vái dài, quay mình trở về doanh trại.
— Ta sẽ cùng đi với huynh! - Bào Tín gào lên như điên dại, - Nay ta với Đổng tặc, chẳng những là quốc cừu mà còn là gia hận, ta phải giết chết lão tặc để báo thù cho tứ đệ!
Được Bào Tín giúp đỡ, nỗi lo trong lòng Tào Tháo coi như cũng được giải tỏa:
— Hay lắm, huynh với ta mau chóng hồi doanh điểm quân, nửa canh giờ nữa sẽ cùng tập hợp ở đây xuất chiến.
Tào Tháo vừa về đến doanh trại, liền truyền lệnh xuất binh. Đám huynh đệ Hạ Hầu, Tào Hồng, Đinh Phỉ, Lâu Dị, Biện Bỉnh đã mong ngóng ngày này lâu lắm rồi nên ai nấy đều vui mừng, mọi người mặc giáp đội mũ, khoác bào thắt đai chuẩn bị sẵn sàng. Hí Chí Tài thấy vậy, vội ngăn lại:
— Hãy khoan! Lã lãm có chép, “Tuy lúc này có lợi lớn, nhưng chẳng tiện về sau, cũng chớ nên làm vậy”. Binh mã của tướng quân còn ít, dù có vượt qua được đất Ngao Thương, Huỳnh Dương, nhưng liệu có địch nổi đại binh của Đổng Trác không?
— Nay chẳng qua các lộ binh mã đều sợ nguy ở chỗ Đổng Trác. Nếu quân ta có thể đến được Thành Cao, binh mã các lộ nghe tin, tất sẽ giục quân tương trợ, khi ấy đất Hà Nam sẽ định được vậy. - Tào Tháo vừa mặc giáp vừa nói.
— Không đúng! Lã lãm có rằng: “Tồn vong an nguy, chớ mong ở người ngoài”. Tướng quân không thể trông mong ở sự tương trợ của người khác.
Tào Tháo sốt ruột bảo:
— Nếu thảo tặc bất lợi, đành chịu chết vì nạn nước cùng huynh đệ Bào Tín vậy.
— Không đúng! Lã lãm viết: “Đến ranh giới của sinh tử, lợi hại tồn vong không thể mê hoặc được”, chư vị tướng quân sao có thể dễ dàng nói đến sinh tử...
— Thôi nào, Hý tiên sinh không cần nói thêm nữa! - Tào Tháo cắt lời ông ta, - Ý ta đã quyết, tiên sinh hãy lưu lại trong doanh, đợi chúng ta đắc thắng trở về, rồi nghe tiếp những lời dạy trong Lã lãm. - Nói xong bước nhanh ra khỏi đại trướng.
Rất nhanh chóng, Tào Tháo, Bào Tín và Vệ Tư hợp quân một nơi, tổng cộng được một vạn bốn ngàn binh mã, rời huyện Toan Táo hỏa tốc tiến về Hà Nam. Bào Tín đi trước, Tào Tháo ở giữa, Vệ Tư đi sau, binh mã ba lộ di chuyển trật tự, chưa đầy nửa ngày đã đến Ngao Thương.
Ngao Thương là nơi hợp lưu của Hoàng Hà và Tế Thủy, khi xưa Tần Thủy Hoàng đặt kho lương trên núi Ngao Sơn, dự trữ thóc gạo trong thiên hạ vận chuyển vào Quan Trung. Khi Hán Sở giao tranh, rõ ràng quân Lưu Bang không thể địch nổi quân Hạng Vũ, nhưng có thể ở Huỳnh Dương giữ thế thủ với Hạng Vũ đến hai năm trời, nguyên nhân chính là nhờ lương thực ở Ngao Thương giúp mới có thể chu toàn được. Nay cảnh vật còn đó mà người đã khác xưa, từ thời nhị đế Hoàn, Linh đến nay, trời giáng tai họa, dân không sống nổi, lương thực ở Ngao Thương đã chẳng còn gì. Từ đây đi về phía tây nam mười lăm dặm nữa, vượt qua Biện Thủy rồi tiến thẳng sẽ chính là huyện Huỳnh Dương.
Thấy đã qua chính ngọ, Tào Tháo truyền lệnh nghỉ ngơi ăn cơm. Chỉ vì binh lực quá ít, quân binh không dám nổi lửa, chỉ đem lương khô theo từ Toan Táo chia nhau ăn, rồi múc nước sông Tế Thủy mà uống. Hạ Hầu Đôn đứng trên dốc núi nhìn ra xa hồi lâu, đột nhiên nói với Tào Tháo:
— Mạnh Đức, chỗ này chính là nơi tổ tiên chúng ta là Hạ Hầu Anh dùng binh xa ngăn trở Hạng Vũ đây.
— Không sai, chỗ này là nơi binh gia tất phải giành lấy! - Tào Tháo thở than, - Năm xưa đức cao tổ ở phía tây, Hạng Vũ ở phía đông. Bây giờ chúng ta ở phía đông, còn Đổng Trác ở phía tây, những việc trên thế gian quả thực khó lường.
Lúc này Bào Tín đã sắp xếp xong quân mã, tiến đến hỏi:
— Ta thấy Mạnh Đức nghỉ ngơi chỉnh đốn quân sĩ ở đây, phải chăng muốn tiến đánh Thành Cao trước khi trời tối?
— Đúng thế. Thành Cao là cửa ngõ vào Hà Nam, nơi này không lấy được tất sẽ thành mối lo lớn. Hồi nãy ta và Nguyên Nhượng đang nhắc lại chuyện cũ, đức Cao Tổ chống cự Hạng Vũ ở đây, may nhờ địa thế hiểm yếu. Huyện Huỳnh Dương được dựng bên sông Biện Thủy, tây nam có Tung Sơn ngăn trở, chính tây có dãy Quảng Vũ làm bình phong, tây bắc chính là Thành Cao, cổ nhân gọi là Hổ Lao (cũi hổ) đủ thấy sự hiểm yếu. Sự dũng mãnh của Hạng Vũ xưa nay có một không hai, nhưng bị ngăn lại nơi này, là do phía tây cao phía đông thấp. Cho nên việc hôm nay, trước tiên chúng ta phải chiếm Thành Cao hiểm yếu, mở được cửa vào Hà Nam, mới có thể dùng binh. - Nói đến đó, Tào Tháo dường ý thức được lần xuất binh này cũng có chút mạo hiểm, Thành Cao hiểm yếu, há Đổng Trác lại không cho quân dũng mãnh trấn thủ? Khúc xương này e sẽ khó nhằn.
Bào Tín cũng dần nguôi nỗi đau mất đi tiểu đệ, lấy lại tinh thần tiến mấy bước nói:
— Thành Cao hiểm yếu như vậy, e số binh này của chúng ta khó mà hạ được, dù có giành được thương vong cũng tất sẽ lớn. Chi bằng trước tiên hãy lấy Huỳnh Dương, nắm chắc cánh cửa ở Quan Đông, rồi tính tiếp việc tiến đánh.
Tào Tháo quay nhìn Bào Tín, gật gật đầu. Tuy không nói ra nhưng dường hai người đã hiểu rõ ý tứ của nhau: Quân của chúng ta quá ít, chỉ có thể chiếm Huỳnh Dương trước rồi đánh Thành Cao, mong rằng sau khi cắm được mũi đao nhọn này, có thể khích lệ chư vị mục thú cùng đến tiếp ứng.
Dùng xong bữa lại nghỉ ngơi một lát, đội ngũ chuyển hướng tiến về phía tây nam, quãng đường đi chưa đầy mười lăm dặm, chớp mắt đã đến bên bờ Biện Thủy. Quân của Bào Thao đi đầu, Bào Thao một mình một ngựa tìm một bãi cạn rồi dẫn binh lính lội qua Biện Thủy trước. Đang buổi đầu xuân, nước sông còn cạn, lội qua chỗ sâu nhất cũng chỉ đến ngang eo. Bọn Bào Tín, Tào Tháo thấy vậy cũng dẫn quân sang sông. Chỉ cần tiến về trước một chặng nữa, vòng qua mấy rặng núi, là sẽ thấp thoáng thấy thành Huỳnh Dương.
Đội ngũ ngoằn ngoèo chầm chậm lội qua Biện Thủy, rồi dần tập kết trên bãi sông phía đối diện. Binh pháp có nói, đợi quân địch qua được nửa sẽ tấn công. Bào Tín thấy hầu hết quân đã sang sông, coi như thở phào, lại thấy Tào Tháo chạy đến trước mặt, vội hỏi:
— Còn ai chưa qua sông không?
— Quân của ta đều qua cả rồi, chỉ còn Tử Hứa huynh thôi. - Tào Tháo nhìn kỹ địa hình xung quanh, - Phía bắc có dãy Quảng Vũ, phía nam có Huỳnh Trạch, phía sau có Biện Thủy, ta xem chỗ này không nên ở lại lâu. Đội quân dẫn đầu không thể dừng nghỉ, mau chóng tiến quân. Nếu gặp quân du kích của Đổng Trác cũng phải mau chóng đột phá, đến nơi rộng rãi sẽ lại tập kết binh mã!
Bào Tín gật đầu, liền hạ lệnh cho quân mình xuất phát. Nào hay mới đi được hơn nửa dặm đường, bỗng một loạt tiếng vù vù vang lên, mọi người còn chưa kịp phản ứng đã thấy mười mấy tên lính Tế Bắc đi đầu bị trúng tên ngã gục.
— Mọi người cẩn thận, có kẻ bắn tên...
Bào Tín còn chưa kịp hô xong, đã kêu “Á...” một tiếng rồi lập tức nằm phủ phục xuống lưng ngựa, mũi tên bắn xuyên giáp trúng bả vai phải của hắn. Bào Tín cũng thật dũng mãnh, đưa tay nắm chặt mũi tên, cắn răng chịu đau nhổ mũi tên dài đầm đìa máu ra, bịt tay vào vết thương rồi kêu lên:
— Núi này bằng phẳng, không tiện mai phục, quân địch tất không nhiều. Tam đệ, xông lên chiếm lấy đỉnh núi cho ta!
— Dạ!
Cách đó rất xa Bào Thao nghe thấy mệnh lệnh của huynh trưởng, lập tức vác thương, thúc ngựa lên trước, chạy thẳng tới dốc núi, quân binh của Bào Thao thấy tướng quân xung phong, lập tức bám sát theo sau cùng xông lên.
Đúng lúc ấy, một kẽ hở chết người đã xuất hiện!
Quân của Bào Tín từ Tế Bắc về, quân của Tào Tháo là hương dũng ở huyện Tiều do huynh đệ Hạ Hầu chiêu mộ, còn Vệ Tư dẫn theo quân Trần Lưu. Ba lộ quân này vốn tự ai nấy làm, không chịu sự thống lĩnh, đến trước khi xuất binh mới chỉ định Tào Tháo làm soái. Lúc này quân lính qua sông còn chưa tập kết, vẫn tản mát rời rạc, những người phía sau thấy quân Tế Bắc lũ lượt xông lên núi, trong lòng đang sẵn ý chí chiến đấu, cũng kéo nhau chạy theo.
Cuối cùng thấy quân của Vệ Tư lại xông lên trước, quân mã các bộ kẻ xông lên theo, kẻ còn do dự, đội ngũ hơn vạn người kéo dài đội ngũ như con rắn đang bò. Tào Tháo thầm kêu lên: Không được, địch trên núi là thiểu số, nếu bây giờ đại địch đánh từ chính diện đến, trận thế này chẳng phải là chịu chết ư?
— Nghe lệnh tướng lĩnh, không được xông lên! - Tào Tháo rút bội kiếm kêu to, - Tất cả tụ tập về phía ta!
Nhưng đã muộn rồi, đúng lúc ấy tiếng vó ngựa inh tai nhức óc vọng đến, con đường phía trước mặt bụi đất mù mịt, rồi đội kỵ binh Tây Lương xuất hiện, tên nào tên nấy tay cầm thương dài, vai đeo cung lớn. Tào Tháo trông thấy giữa đoàn quân mã có đại kỳ trên đề chữ “Từ”, trong lòng chợt lo lắng - Từ Vinh đến rồi!
Kẻ đến đánh đúng là Từ Vinh, hắn phụng mệnh Đổng Trác đóng giữ Thành Cao, hằng ngày dẫn quân tuần tra khu vực phía đông cửa ải, để ngăn nghĩa quân đánh về phía tây. Hôm nay vừa hay hắn đến phía đông huyện Huỳnh Dương, bỗng nghe trên đồn canh phòng ở Biện Thủy có tiếng đánh nhau, vội sai người về ải điều quân, còn mình đích thân dẫn quân tinh nhuệ đến ứng cứu.
Lúc Từ Vinh dẫn quân vòng qua hẻm núi chuẩn bị giáp mặt đối thủ, bỗng chính hắn cũng phải kinh ngạc: Thật không tưởng tượng nổi, quân cử nghĩa lại sai lầm thế này! Từ Vinh nén vẻ hưng phấn, hô to mệnh lệnh:
— Bắn tên!
Chư quân phía đông ải lấy bộ binh làm chính, quân tác chiến chủ lực của Tây Lương lại là kỵ binh và cung tên. Bộ binh đấu với kỵ binh phải dựa vào đao thương xếp hàng ngay ngắn, người ngựa áp sát, có thêm hàng khiên để bảo vệ phối hợp. Nhưng lúc này, nghĩa quân lại lẻ tẻ rời rạc, trông thế trận rõ ràng tất thua. Đám quân đang chen chúc leo lên núi càng là một tấm bia sống cho quân giặc tập bắn. Thương thay Vệ Tư và hai trăm thân binh theo sát bên mình, đang ở lưng chừng núi, lên hay xuống đều khó, bị mũi tên lao tới tua tủa như mưa, không thể trốn đi đâu được, tất cả đều bị chết trên lưng chừng núi.
Tuy đội hình bất lợi đã có thương vong nhưng lúc này đâu còn quản được nhiều như thế nữa.
— Giết! - Tào Tháo vừa hạ lệnh, đại quân lập tức xông lên chiến đấu.
Quân Tây Lương đánh trước áp đảo, lại lấy ngựa khỏe móng sắt nhanh chóng lao vào giữa đội nghĩa quân, trong khoảnh khắc đoản binh giáp chiến, trận thế như rắn bò của nghĩa quân bị cắt thành mấy khúc. Chiến mã hí vang xông thẳng tới, bộ binh dùng thương dài dũng mãnh đâm lên, chém vào đao của quân Tây Lương tóe lửa. Những đầu người bị chém rụng đá qua đá lại, những con ngựa bị đâm gục không còn sức vùng vẫy, bị giẫm đạp thành đống thịt nát. Trận chiến thật vô cùng thảm khốc, từ xa trông lại, máu tươi dồn thành từng vũng, rồi dần đông đặc, biến thành màu đỏ sậm rồi đen xì.
Lần xuất binh này Tào Tháo vốn không có sự chuẩn bị để đích thân tiếp chiến, nhưng khi tình thế cấp bách, ba trăm thân binh bên cạnh đều đã đánh loạn, y chỉ còn cách phải vung Thanh Cang kiếm hộ thân. Trong giây lát, Tào Tháo vội nhìn khắp lượt, tả hữu chỉ có Tào Hồng và Lâu Dị mỗi người dẫn một toán quân mã ra sức đánh. Cách một toán quân Tây Lương, Bào Tín mang theo vết thương, tay trái cầm giáo chỉ huy tác chiến. Lại cách một đám quân địch, huynh đệ Hạ Hầu quay lưng vào nhau vung đao ra sức chém giết giặc. Bào Thao cũng giết hết phục binh trên núi từ lâu, đứng giữ chỗ hiểm, đang cùng binh sĩ bê những khối đá lớn ném xuống. Toán quân của Biện Bỉnh, Đinh Phỉ bị ngăn lại ở cuối, đang gắng sức đánh phá xông lên... Chư tướng ai nấy tự chiến đấu, đánh giết loạn cả lên!
Trận chiến ác liệt kéo dài từ giờ Mùi đến giờ Thân, đôi bên đánh giết khó phân thắng bại. Viện binh từ Thành Cao đã lục tục chạy tới, tướng sĩ nghĩa quân tuy ra sức tiếp chiến không hề lui bước, nhưng ai nấy đều mệt mỏi. Nãy giờ Từ Vinh đã nhắm thấy Tào Tháo, chỉ huy binh lính chuyển hướng đánh về phía y.
Tào Tháo cảm thấy nghẹt thở, vung kiếm loạn lên, rồi dần nhận ra bên mình chỉ có bọn Lâu Dị hơn hai chục người, còn đám Tào Hồng không biết đang đánh ở chỗ nào. Trông thấy quân giặc kéo đến không ngớt, nếu cứ tiếp tục đánh thế này, sớm muộn cũng sẽ mất mạng, Tào Tháo vội quay đầu ngựa, để Lâu Dị chặn phía sau, còn mình đi tìm Hạ Hầu Đôn, tập hợp tất cả lại.
Nào ngờ quân Tây Lương muốn bắt sống toàn bộ, trước sau đều bám riết Tào Tháo đang cưỡi trên con đại uyển. Đã trông thấy bọn Hạ Hầu Đôn đang ở mạn bắc, nhưng lại bị ngăn bởi đám quân giặc, không cách nào đột phá được, Tào Tháo chỉ còn cách dẫn theo bảy tám thân binh, vừa đánh vừa lui, dần thoát khỏi chiến trận mà chạy.
— Không được để Tào Tháo chạy thoát! - Đám giặc phía sau la toáng lên, tên bắn lại như mưa giội.
Mấy thân binh theo sau Tào Tháo đều bị hàng chục hàng trăm mũi tên bắn vào người trông chẳng khác nào con nhím! Con ngựa đại uyển cũng bị trúng liền hai mũi tên vào mông, nhất thời bốn vó giãy loạn, đau chạy cuồng lên. Lúc này bên mình chẳng có một ai, ngựa lại sợ chạy, Tào Tháo chỉ còn cách nắm chắc dây cương, nằm phục trên lưng ngựa, thúc mạnh cho nó chạy về phía đông.
Đến gần bãi cát bên sông Biện Thủy, đột nhiên một tên tiểu hiệu Tây Lương xông ra từ trong bụi cỏ. Thấy cây thương loang loáng sắc lạnh đâm tới, Tào Tháo dốc hết sức lực gò cương ngựa định dừng, nhưng không hiểu tại sao, con đại uyển không theo sự điều khiển cứ xông lên trước, tốc độ quá nhanh, nên mũi thương đã đâm thẳng vào cổ ngựa. Uỵch một tiếng, cả người lẫn ngựa ngã lăn xuống đất, toàn thân tê dại không thể dậy nổi, Tào Tháo chỉ lờ mờ thấy tên tiểu hiệu kia rút bội đao chực chém. Y nhắm chặt hai mắt:
— Thế là hết!
Bất ngờ, một cây đao dài xẹt ngang mặt đất quét lại, chém bay đầu tên tiểu hiệu kia đi, cái thây không đầu phun máu ngã xuống, tay chân còn giãy đành đạch. Thật là lợi hại.
— Mạnh Đức, huynh không sao chứ?! - Người kia chính là Tào Hồng.
Tào Tháo nén đau bò dậy:
— Con đại uyển của ta...
Tào Hồng nhảy xuống ngựa bảo:
— Cưỡi ngựa của đệ, mau mau lên ngựa, đệ chạy bộ bảo vệ huynh!
— Không được! Lúc này không ngựa coi như mất mạng, đệ tính sao?
— Mẹ kiếp chạy mau đi! - Tào Hồng đỡ Tào Tháo lên ngựa, - Thiên hạ có thể không có Tào Hồng đệ, nhưng không thể không có Tào Mạnh Đức huynh!
Đúng lúc ấy tiếng hô “giết” ầm ầm vọng lại, đám quân Tây Lương sắp đuổi tới nơi, Tào Tháo chẳng thể nghĩ được nhiều, ruổi ngựa chạy qua Biện Thủy. Chỗ này không phải bãi cạn, trong khoảnh khắc nước sông đã ngập đến cổ ngựa, chẳng rõ phía trước còn sâu thế nào nữa, nhưng nghe thấy tiếng hét giết ngày càng gần, Tào Tháo chỉ còn cách ra sức thúc ngựa, vùng vẫy trong nước, đầu cũng không dám ngoảnh nhìn. Mấy con ngựa thông thường khi đến nơi nước sâu đều sẽ không dám đi nữa, nhưng con bạch mã này của Tào Hồng rất tuyệt vời, ở chỗ nước sâu vừa bơi vừa đi, cuối cùng cũng đưa được Tào Tháo người đầy bùn đất sang đến bờ bên kia.
Trời đã dần tối, Tào Tháo ngoảnh đầu tìm kiếm Tào Hồng, nhưng chẳng thấy bóng dáng đâu. Quân Tây Lương đã đuổi đến bên sông, ra sức bắn tên sang bên này. Khoảnh khắc chỉ thấy bọt nước cuồn cuộn, một cái đầu lớn từ dưới nước nhô lên. Hóa ra Tào Hồng thấy quân giặc đuổi tới nơi, sợ mặc khôi giáp nặng nề không qua được, liền vứt đại đao, cởi bỏ khôi giáp, nhảy xuống sông bơi sang.
Tào Tháo nhảy xuống ngựa, một tay múa Thanh Cang kiếm chém những mũi tên bay tới, một tay kéo Tào Hồng lên bờ. Trông thấy trong đám quân địch đã có mấy tên nhảy xuống sông, Tào Tháo không dám chậm trễ, vội tránh mũi tên, cởi khôi giáp, cùng Tào Hồng hai người một ngựa chạy vào đồng hoang trốn.
Chạy được ba bốn dặm, sắc trời đã tối mịt, tiếng hò hét đuổi bắt sau lưng đã dần không còn. Nhưng hai người vẫn sợ hãi không còn tâm trí đâu mà chọn đường, cứ chạy thục mạng về phía đông nam, mãi sau mới nhận ra là đường lạ.
— Đây là đâu? - Tào Hồng xoa xoa đầu tóc ướt nhẹp, bắt đầu cảm thấy lạnh.
— Ta cũng không rõ, có lẽ là đang đi đến phía bắc Trung Mâu, chúng ta lạc đường rồi.
Tào Tháo không dám ngừng nghỉ, vừa thúc ngựa vừa rướn cổ nhìn đường:
— Không cần biết là đâu, cứ chạy về phía đông là được. Đến khi trời sáng chúng ta lại tìm đường về Toan Táo.
— Mẹ kiếp lũ khốn. Sao cứ nhắm chỗ huynh mà xông vào?
— Từ Vinh nhận ra ta. - Tào Tháo bỗng gò ngựa đứng lại run run nói, - Ta chạy đi thế này, mọi người sẽ làm thế nào?
— Lúc này huynh còn có lòng lo cho người khác ư, trời tối rồi còn đánh nhau sao được, có lẽ quân Tây Lương cũng thu binh rồi.
Tào Hồng đang nói, chợt thấy ánh lửa sáng lóa, có mười mấy bóng người từ khu rừng phía trước chạy ra, tay cầm đao thương cung tên. Tào Tháo chợt sợ run: “Lại có phục binh!” Y vội vung roi, định phi ngựa đột vây, nhưng bỗng nghe mấy người phía trước cất giọng kêu to:
— Các ngươi là binh mã ở đâu đến đây, nếu không trả lời, chúng ta sẽ bắn tên!
Tào Tháo loáng thoáng trông thấy bọn chúng đều thắt khăn lụa trên đầu, ăn vận không phải quân lính, vội gò cương ngựa, ngập ngừng đáp:
— Hai chúng ta là tướng hiệu của nghĩa quân, đánh Đổng Trác bị thua lưu lạc đến đây!
Đám kia nghe thấy thế, vội giơ cao đuốc chạy lại, thấy hai người họ cùng cưỡi một ngựa, toàn thân ướt nhẹp, trông rất lôi thôi, cũng không hoài nghi:
— Quân gia hãy theo chúng tôi. - Một người ăn mặc kiểu quân binh chủ động dắt ngựa, lại có người cởi áo ngoài khoác cho Tào Hồng, dẫn huynh đệ Tào Tháo vào trong rừng sâu.
Lúc đầu Tào Tháo còn ngờ bọn này là thổ phỉ, nhưng thấy chúng cung cung kính kính không hề có ác ý, cũng thấy an tâm. Lúc sau đi qua rừng rậm, chợt thấy trên ngọn núi nhỏ có một doanh trại, ánh lửa chập chờn, có dân binh canh phòng. Huynh đệ cùng xuống ngựa, theo mấy tên lính lên núi vào doanh. Lại thấy bên trong trướng giản dị, còn có rất nhiều phụ nữ trẻ nhỏ qua lại, tòa chính giữa lớn hơn một chút chính là đại trướng trung quân.
Huynh đệ Tào Tháo bước vào trướng, thấy chính giữa có một người khoảng trên dưới hai mươi tuổi, ăn vận theo lối văn nhân, tướng mạo tuấn tú, đang ngồi bên đèn cầm một quyển sách đọc.
— Kẻ thua trận xin được đa tạ... cứu giúp. - Tào Tháo không biết nên xưng hô thế nào cho phải, chẳng lẽ lại gọi là “sơn đại vương”?
Người ấy buông sách xuống nói:
— Ta chính là Nhậm Tuấn - chủ bạ huyện Trung Mâu.
Nghe người ấy nói vậy, biết là bạn không phải địch, Tào Tháo liền nói rõ thân phận, đồng thời đem chuyện xuất chiến bị thua kể rõ đầu đuôi.
— Hóa ra là Tào tướng quân đến, tại hạ đón tiếp chậm trễ rồi. - Nhậm Tuấn nghe xong vái một vái dài.
Tào Tháo ngượng đến đỏ mặt: “Mình đâu còn dáng tướng quân nữa?” Bèn cười nhăn nhó bảo:
— Là kẻ thua trận, không dám nhận.
— Ta đâu phải chưa từng bại trận? - Nhậm Tuấn thở dài, - Quân Tây Lương xâm phạm Hà Nam, bách tính trốn chạy, quân thảo nghịch lại chậm trễ. Huyện lệnh Dương Nguyên liền tự xưng là Hà Nam doãn, liên hợp hương dũng nha dịch mấy huyện thành đội quân này. Một mặt bảo vệ gia quyến tôn tộc, mặt khác chiến đấu du kích với kẻ địch ở quanh đây. Thực chỉ mong ngóng có viện quân đến, nào hay mỏi mòn trông mong mà viện quân không tới, bọn ta quân ít nên bị thất bại, đại nhân bị chết, hương dũng tử thương quá nửa. Thực không dám giấu, thê nhi của tại hạ đều bị chúng giết hết, chỉ còn cách dẫn những người còn sót lại cố thoi thóp sinh tồn trong chốn núi rừng này, đang lo không có nơi nào mà đi. Nếu tướng quân không chê, tại hạ nguyện dẫn mấy trăm người này chạy theo.
Tào Tháo thấy hơi khó xử, trận chiến khi nãy tử thương nặng nề, dù coi như hòa, e cũng chẳng còn được bao nhiêu vốn liếng. Theo lý mà nói giờ đây là lúc cần người, dù Nhậm Tuấn có bụng đi theo, song biết lấy lương thảo đâu ra? Không có lương thảo, sao có thể dẫn những người này đến huyện Toan Táo, huống chi trong doanh còn có phụ nữ trẻ nhỏ người già kẻ yếu. Nhậm Tuấn như nhìn ra tâm tư của Tào Tháo, nói:
— Phải chăng tướng quân lo không có lương thảo? Khi chúng tôi cử nghĩa, sợ tiền của lương thảo bị trộm cướp mất, nên đã đem lương thảo còn trong kho đụn ở các thành Trung Mâu, Quảng Vũ... chuyển cả đến đây, giấu trong rừng rậm sau núi. Tướng quân dù có dăm ba ngàn người, cũng có thể miễn cưỡng duy trì được nửa năm. Chúng tôi binh bại mà không trốn, tất cả chỉ vì muốn bảo vệ lương thảo cung cấp cho nghĩa quân vậy.
— Ôi chao! - Tào Tháo vô cùng kinh ngạc, nắm chặt tay Nhậm Tuấn, - Ngài thực có mưu lược sâu xa.
— Mưu lược sâu xa thì không dám nói, chẳng qua ở đây có nhiều dân thường, cần tìm một chỗ gửi thân. Chúng tôi ở đây vươn cổ trông mong, mà nghĩa quân chẳng tiến binh. Nếu đốt lương thực mà đi, sao tránh khỏi tiếc nuối. Tướng quân tuy bại trận nhưng vẫn có chí cứu dân khỏi cơn nước lửa, dám cầm gươm xông trận. Chỉ một điểm này cũng đủ để tại hạ cam nguyện được góp công khuyển mã. - Nói xong Nhậm Tuấn liền quỳ sụp xuống đất.
Tào Tháo nghe thế càng thấy người này kiến thức phi phàm, vội vàng đỡ dậy. Đợi Nhậm Tuấn tụ tập dân binh bàn tính xong xuôi, huynh đệ Tào Tháo chẳng quản mệt mỏi, lập tức đích thân cầm đuốc dẫn mọi người đến bên Biện Thủy tiếp ứng. Nhưng tới nơi thì hai bên đã lui binh, chỉ cứu được mười mấy người bị trọng thương nằm đó. Trên bãi sông xác chết chất chồng, có xác nằm ngổn ngang trên bờ, có xác đè lên nhau thành gò dưới chân núi, những xe lương của nghĩa quân bị phá nát vụn dìm dưới nước, những con chiến mã của quân Tây Lương vẫn chưa chết hẳn cũng chẳng còn sức đạp đạp đôi chân.
Nghe đám tàn binh nói lại mới biết, Từ Vinh đánh giết đến tối, thấy nghĩa quân tuy gặp bất lợi nhưng vẫn anh dũng chiến đấu, liền truyền lệnh thu binh, quay về cố thủ ở Thành Cao. Bọn Bào Tín không tìm thấy Tào Tháo, cũng chẳng dám lưu lại, liền dẫn tàn quân bại tướng đêm hôm chạy về huyện Toan Táo. Trận Huỳnh Dương là lần chiến bại đầu tiên trong đời Tào Tháo. Nhìn những thi thể chất thành gò đống, trên đó còn lá đại kỳ đề một chữ Tào nghiêng ngả ủ rũ, trong lòng Tào Tháo cảm thấy vô cùng buồn bã, lại quay nhìn sang phía tây, ngọn lửa ngày đêm thiêu rụi kinh thành Lạc Dương đã tắt lụi, không biết hoàng đế đã bị đem tới Trường An hay chưa...
Tào Hồng và Nhậm Tuấn cầm tay Tào Tháo an ủi, nhưng y vẫn đưa mắt nhìn màn đêm đen kịt, rồi chợt cất tiếng ngâm:
Kìa đời thứ hai mươi nhà Hán;
Kẻ trọng thần rõ thật tệ thay.
Đười ươi mặc áo mũ người;
Mưu toan thì lớn trí thời được bao.
Do dự mãi không sao dám quyết;
Để gian tà giữ bắt quân vương.
Mống mây mờ mịt thái dương;
Còn mình lại đã tai ương chịu đầu.
Đứa tặc thần nắm thâu quyền nước;
Giết chúa rồi bạo ngược thần kinh.
Đế vương cơ nghiệp tan tành;
Muôn đời tông miếu cũng thành tro bay.
Xa xôi vội sang tây dời đổi;
Dân oán thán theo mỗi bước đi.
Lạc Dương thành quách xem kìa;
Đớn đau Vi Tử nay thì khác đâu!
Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 3 Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 3 - Vuong Hieu Loi Tào Tháo - Thánh Nhân Đê Tiện - Quyển 3