Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 75
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 73
ai cha con Võ Hiếu vương về đến phủ, thuật chuyện lại cho nội nhà nghe. Tô Đại nương nghe qua mừng lắm, vì hoàn cảnh xui khiến, may mắn tự nhiên mình được làm nhạc mẫu một vị Vương tước, còn Lưu Yến Ngọc tỏ vẻ buồn rầu.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa thấy vậy, nói với Lưu Yến Ngọc:
- Bấy lâu nay tôi phụ bạc giai kỳ của phu nhơn, ngày nay may mắn được sum hiệp một nhà, tất nhiên phu nhơn sẽ được vẹn lời ước cũ đấy.
Nói xong, bèn truyền nữ tỳ bày tiệc, vợ chồng ăn uống chung vui.
Nói qua Lương Thừa tướng, đợi khách về, người viết một đạo biểu văn dâng lên Thiên tử. Lương Thừa tướng viết như sau:
“Tả Thừa tướng Lương Giám này vập đầu trước bệ, kính cẩn tâu xin Thánh thượng giáng chỉ tứ hôn:
“ Chỉ vì thứ nữ của hạ thần là Tố Hoa, nguyên là Tô Yến Tuyết, con của một nhà hàn sĩ ở Vân Nam tên là Tô Tín Nhơn mất sớm, Yến Tuyết phải theo mẹ đến ở cùng Mạnh Sĩ Nguyên. Sau khi Mạnh Lệ Quân trốn đi, Mạnh Sĩ Nguyên mới đem Tô Yến Tuyết thay vào gả cho Lưu Khuê Bích, Tô Yến Tuyết không chịu, liều mình nhảy xuống sông. Lúc ấy vợ của hạ thần là Cảnh thị đi thuyền qua Quý Châu, vớt được đem về nuôi, nhận làm nghĩa nữ.
Về sau, hạ thần kén Lệ Quân Ngọc làm rể, nuôi ở trong nhà ngót ba năm. Nay rõ ra Lệ Quân Ngọc là nữ lưu phụng chỉ vu quy. Nếu hạ thần đem Tố Hoa gả cho người khác, thì mang tiếng là cải giá, vì thế đành phải gả cho Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Nhưng hạ thần đang làm Thừa tướng, chẳng lẽ con mình chịu làm lẻ mọn, nên phải vập đầu trước bệ tâu xin Thánh thượng giáng chỉ cho con gái của hạ thần được ngang vai cùng họ Mạnh, đồng thời một chồng là Hoàng Phủ Thiếu Hoa, thì mới khỏi mất thể diện.
“Còn việc hạ thần kén lầm Lệ Quân Ngọc làm rể, đến sau lại ám muội tranh biện với Hoàng Phủ Thiếu Hoa giữa triều, nay rõ ra biết mình có tội, dù có bị tội hạ thần cũng cam chịu vậy”.
Lương Thừa tướng viết rồi, vào triều trao cho Thông chánh tư dâng lên vua Thành Tôn.
Vua Thành Tôn xem qua tờ biểu ấy, liền lấy bút phê:
“Con gái của Lương Thừa tướng là Tô Yến Tuyết, ngày trước Hoàng Phủ Thiếu Hoa đã tâu xin phong tặng rồi, nên nay trẫm chuẩn tấu, cho phép Tô Yến Tuyết được cùng Mạnh Lệ Quân kết duyên với Hoàng Phủ Thiếu Hoa chung một ngày, và không được phân ngôi thứ hơn kém nhau!”.
Vua Thành Tôn phê rồi, cho Thông chánh tư đem đến tướng phủ trao tận tay Lương Thừa tướng. Lương Thừa tướng cho cả nhà xem, ai nấy đều mừng rỡ. Sau đó, Lương Thừa tướng qua báo tin cho Mạnh Thượng thơ hay.
Hôm sau, Mạnh Lệ Quân trang điểm lộng lẫy, lên kiệu thẳng đến Ngọ môn xin vào bái yết Thánh thượng để tạ ơn.
Vua Thành Tôn nghĩ thầm:
“Hôm nay nàng đã cải trang, ta cũng muốn xem dung mạo của nàng, song sợ triệu nàng vào đây, thế nào nàng cũng hổ thẹn tội nghiệp, chi bằng để ta truyền chỉ cho nàng vào yết kiến Hoàng Thái hậu .
Mạnh Lệ Quân đoán biết ngay ý vua, nên nàng thầm thán phục vua lắm. Nàng liền theo chân nội giám vào Vạn Thọ cung .
Lúc ấy có Trưởng Hoa Hoàng hậu ở tại đó. Sau khi được lệnh Hoàng Thái hậu cho vào, Mạnh Lệ Quân vào lạy tâu:
- Muôn tâu Hoàng Thái hậu, thần thiếp phạm tội chết, nhờ Hoàng Thái hậu ban ơn cứu cho toàn sanh, ơn tái tạo ấy thần thiếp xin bái tạ.
Hoàng Thái hậu cho phép đứng dậy rồi cất tiếng khen:
- Làm người giữ được tiết sạch giá trong như nàng, quả thật trên đòi ít có. Nàng đã có công cứu chữa cho ta thì nàng phải được tha là phải lẽ vậy.
Sau đó, Mạnh Lệ Quân quay qua bái yết Trưởng Hoa Hoàng hậu. Hoàng hậu đỡ dậy nói:
- Cả nhà tôi đền nhờ một tay nàng, ngày nay mới đặng sum hiệp và vinh hiển. Hơn nữa, hôm nay chúng ta đã là một nhà thân thích với nhau rồi, hà tất phải triều kiến làm gì!
Dứt lời, Hoàng hậu mời Mạnh Lệ Quân ngồi rồi truyền cung nữ dâng trà lên uống. Trưởng Hoa Hoàng hậu cười nói:
- Nếu không bày tiệc họa tượng Quan Âm và ban Phiên tửu thì ngày nay tôi đâu được một người em dâu mỹ lệ như vầy? Quả là nhờ đức Quan Âm ban phước đó!
Mạnh Lệ Quân cũng cười đáp:
- Đó chẳng qua là nhờ lòng tốt của Hoàng Thái hậu và Hoàng hậu vậy.
Câu chuyện vừa đến đây, bỗng thấy nội giám vào tâu:
- Có Thánh thượng đến.
Hoàng Thái hậu bèn truyền chỉ mời vào. Trưởng Hoa Hoàng hậu và Mạnh Lệ Quân vội vã quỳ xuống nghinh tiếp. Vua Thành Tôn truyền bảo cung nữ đỡ dậy. Hoàng Thái hậu thấy vậy phán bảo:
- Ta cho phép các con được theo lễ thường trong nhà mà tiếp đãi nhau.
Vua Thành Tôn vâng mạng, sang ngồi nơi phía tây, còn Mạnh Lệ Quân ngồi dựa bên Trưởng Hoa Hoàng hậu. Vua Thành Tôn thấy Mạnh Lệ Quân mình hạc xương mai, dung nghi yểu điệu, còn Trưởng Hoa Hoàng hậu thì dù sao cũng con nhà võ tướng, nên có nhiều đường nét hơi thô, không thể bì kịp
Vua Thành Tôn cười nói với Mạnh Lệ Quân:
- Ngày nay Lệ tiên sanh cải trang, trẫm nghĩ tiếc thay cho cái công liên trúng tam nguyên, làm quan đến chức Thừa tướng, lại mấy phen làm chủ khảo, biết bao nhiêu người mưu cầu mà không được, thế mà ngày nay công danh đã trôi theo dòng nước cả rồi; trẫm đây cũng buồn vì mất hết một vị hiền thần.
Mạnh Lệ Quân cúi gầm mặt xuống, chỉ mỉm cười chớ không đáp:
Hoàng Thái hậu nói với vua Thành Tôn:
- Ta không có con gái, vương nhi cũng không có em gái, vậy bây giờ ta muốn nhận Mạnh Lệ Quân đây làm con, phỏng có được không?
Vua Thành Tôn ngẫm nghĩ rồi cười đáp:
-Mẫu hậu làm như vậy phải lắm đấy.
Nói dứt lời, vua Thành Tôn lập tức truyền nội giám trưng bày hương án đặng làm lễ tế cáo thiên địa.
Thái hậu tự thân thắp hương khấn vái. Khấn xong, Mạnh Lệ Quân theo lễ mẹ con lạy Hoàng Thái hậu, và theo lẽ anh em lạy vua Thành Tôn; đồng thời theo lẽ chị em dâu, nàng lạy Trưởng Hoa Hoàng hậu.
Sau khi làm lễ xong, ai nấy đều ngồi xuống ghế. Hoàng Thái hậu nói:
- Con vốn tinh thông y thuật, vậy ta đặt cho con là Bảo Hòa Công chúa. Khi ra vào trong cung con được phép dùng loan giá và ngũ hạc triều thiên kiệu. Nếu trong triều có gặp việc chi khó khăn, con được phép xử đoán, ta còn ban cho một cây Trạch vọng tiên để con được phép đánh những kẻ nịnh thần phạm phép.
Mạnh Lệ Quân quỳ lạy tạ ơn, Vua Thành Tôn nhớ câu nam nữ hữu biệt, nên phải cáo từ lui ra.
Hoàng Thái hậu truyền bày yến tiệc thết đãi. Trong bữa tiệc, Mạnh Lệ Quân kể lại sự tình trong thời gian luân lạc.
Hoàng Thái hậu tắc lưỡi khen:
- Thân gái mà dám xông pha bước đường muôn dặm, thật quả là bực nữ lưu hào kiệt.
Yến tiệc kéo dài đến chiều mát mới mãn, Mạnh Lệ Quân đứng dậy cáo từ trở về phủ, Trưởng Hoa Hoàng hậu cũng lui về cung.
Hôm sau, vua Thành Tôn lâm triều, vinh thăng cho Binh bộ Thượng thơ Doãn Thượng Khanh lên làm Hữu Thừa tướng, còn con của Lương Thừa tướng là Lương Trấn Lân thế vào ngôi Lại bộ Thượng thơ.
Hôm ấy Tô Đại nương cũng đến nhà Lương Thừa tướng để tạ ơn người đã có công nuôi dưỡng con gái mình bấy lâu. Khi hai mẹ con gặp nhau, nỗi vui mừng kể sao cho xiết. Cảnh Phu nhơn toan bày tiệc khoản đãi thì Tô Đại nương xin phép cáo từ trở về Mạnh phủ.
Vừa trông thấy Tô Đại nương, Mạnh Lệ Quân đã chạy đến mừng rỡ và nắm tay xin lỗi:
- Bấy lâu nay, tôi đã trót làm lỡ cái duyên giai kỳ của lịnh viên? Xin Đại nương tha thứ cho.
Tô Đại nương nói:
- Tiện nữ còn khờ dại, được tiểu thơ dạy bảo cho bấy lâu thật là một việc may mắn cho mẹ con tôi biết bao, chớ có lỗi chi đâu.
Sau đó, Hàn Phu nhơn bày tiệc khoản đãi, cả nhà cùng nhau ăn uống, chuyện vãn, vui cười cho dến chiều mới mãn, Tô Đại nương cáo từ trở về Vương phủ.
Lời bình:
- Làm một ông vua, một khi muốn rửa hận thì dầu cho quỷ khóc thần sầu, cũng khó mà lay chuyển được. Sự uất hận và sự xấu hổ của vua Thành Tôn chỉ có giết chết nàng Mạnh Lệ Quân đi may ra mới đỡ được phần nào. Nhưng trong triều hiện nay, Hoàng Phủ Thiếu Hoa là một công thần mới vừa dẹp giặc vinh quy trở về, mà giết vợ người để cho người ngã lăn ra chết là một việc vô cùng rắc rối. Hơn nữa, Trưởng Hoa Hoàng hậu đang mang thai, lòng hằng mong sanh đặng Hoàng tử để nối trị ngôi trời. Còn Thái hậu thì chủ trương cứu Mạnh Lệ Quân, vì người là một ân nhân cứu mạng.
Trong thế bí này, dù vua Thành Tôn có hận đến đâu, cũng không đủ nghị lực đạp lên tất cả mọi chướng ngại nói trên để làm cho hả giận được.
Vì vậy, khi vua Thành Tôn muốn truyền chỉ cho Mạnh Lệ Quân vào triều, nhưng lại nghĩ sợ nàng hổ thẹn, phải cho nàng đi thẳng qua Vạn Thọ cung bái yết Hoàng Thái hậu để rồi vua sẽ qua đó gặp mặt nàng.
Ta thấy không phải vua Thành Tôn sợ nàng hổ thẹn; mà chính vua sợ cho nàng vào đứng trước bệ tiền, vua sẽ hổ thẹn với văn võ bá quan
thì đúng hơn, thà rằng gặp nàng trong cung Vạn Thọ để cho khỏi mắc cở với mọi người
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên