Phần thưởng cho sự chịu đựng gian khổ chính là những kinh nghiệm bạn thu được.

Aeschylus

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 75
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 17
inh Lang nói:
- Tiểu thơ đã xem tôi như cốt nhục thì tôi nguyện hết lòng với tiểu thơ, dẫu tôi vào sanh ra tử cũng cam lòng, há lại nỡ tiết lậu việc bí mật của tiểu thơ sao? Xin tiểu thơ cứ việc tỏ thật cho tôi biết, tôi nguyện sẽ hết lòng lo liệu với tiểu thơ.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Ta muốn cùng mi cải dạng nam trang rồi đem tiền bạc theo lén đến kinh thành. Nhân vì năm nay có khoa thi hương, nếu may ra ta thi đỗ thì sang năm sẽ vào thi hội. Nếu chiếm được khoa Trạng nguyên, tất nhiên được làm quan tại triều. Lúc ấy, ta sẽ tha hồ lập kế diệt trừ Lưu tặc để báo thù cho chồng và cứu lấy tánh mạng nội nhà Hoàng Phủ, chẳng biết mi nghĩ sao?
Vinh Lang nghe nói kinh hãi thưa:
- Sao tiểu thơ lại tính việc tày trời thế? Bước công danh đâu có dễ dầu gì? Vả chăng, đường đi từ đây đến Bắc Kinh xa mấy ngàn dặm, tôi mới nghe nói đã bắt rùng mình rồ, huống chi tiểu thơ là cành vàng lá ngọc, lâu nay không bước ra khỏi chốn khuê phòng thì làm sao có thể đi thấu được.
Bằng giọng cương quyết, Mạnh Lệ Quân nói:
- Chúng ta cải dạng nam trang rồi thì dẫu cho chân trời góc biển chúng ta cũng có thể đi đến, hà tất đất Bắc Kinh mà lấy gì làm xa?
Con Vinh Lang suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Tiểu thơ đã có lòng tiết liệt như vậy, biết đâu sẽ có hoàng thiêm yểm hộ, việc ấy tưởng cũng không đáng lo ngại, ngặt một nỗi y phục của tôi và tiểu thơ hiện giờ biết tìm đâu cho có đây.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Nay nhân tiết mùa hạ mà ta đây hàng lụa không thiếu chi, để ta cắt may vài bộ quần áo không khó. Duy chỉ có đôi giày, ta nhờ mi sáng mai mang tiền đến nói dối với anh mi, bảo công tử mượn mua hộ một đôi. Mi hãy chờ mua xong, giấu thật kỹ đem về đây cho ta, còn quần áo của mi thì hãy đánh cắp của anh mi một bộ mà mặc, chắc anh mi cũng có dư, có chi mà ngại.
Vinh Lang nói:
- Việc đánh cắp quần áo và giày của anh tôi thì không khó, chỉ có việc mượn mua giày sợ anh tôi hỏi lại công tử thì lậu sự mất.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Sao mi lại thật thà đến thế? Thế thường hễ cậy mua vật chi mà dư tiền thì ai lại hỏi đi hỏi lại làm gì, chỉ sợ đưa thiếu tiền thì người ta mới hỏi chớ. Thôi để mai ta đưa tiền cho mi khá nhiều thì chắc anh mi sẽ sốt sắng mua giùm ngay, mi chớ lo ngại việc ấy.
Vinh Lang nói:
- Tiểu thơ rành tâm lý lắm đó, nhưng hôm nay Kỳ Thừa tướng đến nói, lão gia đã nhận lời chịu gả tiểu thơ cho Lưu Khuê Bích rồi, nếu tiểu thơ định trốn đi thế nào Lưu Khuê Bích cũng tâu với triều đình đổ tội cho lão gia giấu tiểu thơ thì chắc lão gia bị tội khi quân, xin tiểu thơ suy nghĩ lại, kẻo để lụy về sau.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Chính ta cũng đã nghĩ kỹ điều đó rồi. Trước khi đi, ta sẽ viết một phong thư để lại, dặn dò Tô Yến Tuyết ở nhà thay thế giùm ta. Vả lại, Lưu Khuê Bích vốn chưa biết mặt ta thì làmsao ngờ được.
Con Vinh Lang thở dài nói:
- Chẳng biết kiếp trước Tô Yến Tuyết khéo tu thế nào mà nay lại gặp cuộc lương duyên may mắn đến thế?
Mạnh Lệ Quân nói:
- Mi nói vậy chứ theo ta nghĩ thì đã chắc gì Tô Yến Tuyết chịu thay thế cho ta sao?
Vinh Lanh nói:
- Dù sao Tô Yến Tuyết cũng là con nhà thường dân mà được kết duyên cùng Lưu Khuê Bích trở thành một mạng phụ của triều đình, lẽ nào nàng lại không chịu.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Bấy lâu nay ta cùng Tô Yến Tuyết một phút cũng không rời nhau, nàng hằng mong ước cùng ta kết duyên cùng Hoàng Phủ Thiếu Hoa để đặng sum hiệp một nhà, hơn nữa nàng là người nghĩa khí nên khi thấy ta bị Lưu Khuê Bích cưỡng bức, nàng đã căm hận lắm rồi thì bao giờ nàng lại chịu kết duyên cùng nó?
Con Vinh Lang vẫn giữ vững lập trường của mình, nói:
- Tiểu thơ nói vậy chứ tôi tin chắc khi Tô Yến Tuyết gặp được nhà phú quý của họ Lưu, tất nhiên nàng không còn nghĩ đến việc chi nữa đâu. Quả thật nàng đã gặp được một dịp may hiếm có.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Ta chỉ làm sao cho tròn cái danh tiết của ta và đừng để lụy đến song thân là mãn nguyện lắm rồi, ngoài ra ai sung sướng mặc ai ta không hề quan tâm đến. Vậy việc này mi hãy cố tâm giữ kín vì trừ cái kế này ra ta không còn kế nào hay hơn nữa.
Con Vinh Lang nguyện y lời, rồi chủ tớ đều vào phòng an giấc.
Đêm ấy, Hàn Phu nhơn sợ con mình liều thân tự tử nên cứ nằm thao thức hoài không sao ngủ được. Sáng hôm sau bà ta vội kêu con Vinh Lang vào hỏi:
- Hồi hôm tiểu thơ mi thức đến bao giờ mới đi nghỉ và hắn có khóc lóc nữa không?
Vinh Lang thưa:
- Tôi hết sức tìm lời khuyên nhủ nên tiểu thơ đã nguôi lòng không còn khóc lóc nữa, khoảng hết canh một là tiểu thơ đã an giấc.
Hàn Phu nhơn nghe nói lòng mừng khấp khởi, xảy thấy Phương thị đến, bà ta nói tiếp:
- Hiền tức cũng nên góp phần khuyên nhủ con Mạnh Lệ Quân để cho nó khỏi đeo phiền, nó có đặng vui vẻ ta đây mới yên lòng sửa soạn đồ nữ trang được.
Phương thị vâng dạ rồi cùng Hàn Phu nhơn thẳng đến U Hương các. Vừa thấy mặt Mạnh Lệ Quân, bà ta đã vỗ về bảo:
- Năm trước lúc nhà ta mở cuộc thi tiễn, ta thấy rõ diện mạo của Lưu Khuê Bích trông chẳng kém gì Hoàng Phủ Thiếu Hoa. Ngày nay Thánh thượng lại giáng chỉ tứ hôn cho con cùng Lưu Khuê Bích kết duyên cầm sắt, mẹ thiết nghĩ thật là xứng đôi vừa lứa, sao con lại đeo phiền làm gì?
Mạnh Lệ Quân nói:
- Thưa mẫu thân, không phải con căn cứ trên sự đẹp xấu mà kén chọn đâu, nhưng chỉ vì con nghĩ trước kia đã đính ước cùng nhà Hoàng Phủ nay lại cải giá lấy con nhà họ Lưu thì thiên hạ sẽ chê cười nên con đau đớn lắm.
Hàn Phu nhơn cau mày nói:
- Con nghĩ như vậy sai rồi! Vì nay đã có chiếu thơ của Thánh thượng định việc hôn nhân thì còn ai dám đem lời dị nghị? Con là người có học thức sao không biết gì cả vậy?
Mạnh Lệ Quân giả vờ tươi cười đáp:
- Con chỉ lấy sự cải giá làm thất tiết nên rất hổ thẹn, nhưng con biết rằng đã có chiếu thơ của Thánh thượng thì không còn mang tiếng nữa. Nếu quả vậy thì cha mẹ định đâu con ngồi đó.
Hàn Phu nhơn nghe Mạnh Lệ Quân nói vậy thì tưởng nàng đã ưng thuận rồi nên mừng rỡ vô cùng. Bà dắt Phương thị lui về; khi đi qua thính đường lại gặp cha con Mạnh Sĩ Nguyên đang ngồi ở đó ngóng trông tin tức Mạnh Lệ Quân.
Mạnh Sĩ Nguyên lên tiếng hỏi:
- Việc ấy có ổn không? Con gái đã vui lòng chưa?
Hàn Phu nhơn chép miệng cười, đáp:
- Con gái ta tuy tinh khôn, nhưng vì tánh còn niên thiếu nên cũng dễ dỗ gạt.
Rồi phu nhơn thuật lại đầu đuôi cho Mạnh Sĩ Nguyên nghe và nói:
- Bây giờ thì chẳng những nó không khóc mà lại có ý vui mừng nữa.
Mạnh Sĩ Nguyên nghe nói cũng khấp khởi mừng thầm, nói:
- Thế thì phu nhơn hãy đi sắm sửa đồ nữ trang gấp lên.
Hàn Phu nhơn khen phải, rồi lấy tiền bạc sai người nhà đi mua sắm đồ nữ trang quí giá cho xứng với con mình.
Khi Hàn Phu nhơn và Phương thị đi rồi. Mạnh Lệ Quân liền mở tủ lấy hàng lụa ra cùng con Vinh Lang cắt mấy bộ y phục đàn ông, trông sắc diện không một chút ngại ngùng. Sau bữa cơm mai, nàng lấy ra năm lượng bạc trao cho con Vinh Lang đi cậy anh nó mua hộ đôi giày cho gấp.
Con Vinh Lang phụng mạng đi ngay, chẳng mấy chốc nó đem giày về; Mạnh Lệ Quân xem qua thấy giày chắc chắn, mừng rỡ cất vào tủ, rồi chủ tớ cùng may riết cho xong mấy bộ áo quần.
Đến trưa, Mạnh Lệ Quân bảo nó đi về nhà lén lấy bộ áo quần và giày của anh nó.
Vinh Lang nói:
- Việc ấy có khó chi, để sáng mai tôi đi lấy cũng chẳng muộn.
Mạnh Lệ Quân nói:
- Phàm việc gì cũng cần phải chuẩn bị trước cho sẵn sàng càng sớm càng hay, nếu không chuẩn bị trước để đến đó bị khiếm khuyết trở tay sao kịp?
Con Vinh Lang khen phải, vội vã ra đi. Chỉ mấy giờ sau nó đem về đủ cả giày và quần áo. Mạnh Lệ Quân xem thấy, mừng nói:
- Ừ! Có vậy chúng ta mới sẵn sàng cải dạng nam trang chứ.
Nói rồi lấy đem cất hết vào tủ, kế thấy Tô Yến Tuyết đến.
Vừa bước vào, Tô Yến Tuyết trông thấy Mạnh Lệ Quân tươi tỉnh cùng con tớ Vinh Lang may quần áo, nàng thầm nghĩ:
“Ai ngờ một người học rộng tài cao như vầy mà lại không có khí tiết chút nào cả vậy! Quả thật con gái nhà quan phần đông là kẻ bạc tình”.
Tô Yến Tuyết lên tiếng chào Mạnh Tiểu thơ, Mạnh Tiểu thơ niềm nở mời Tô Yến Tuyết ngồi.
Tô Yến Tuyết nói:
- Tôi thấy lão gia đã kêu thợ đến may quần áo cưới rồi sao tiểu thơ còn phải nhọc công may vá nữa làm gì?
Mạnh Lệ Quân mỉn cười đáp:
- Nhân lúc rảnh việc ngồi không cũng buồn nên ta may thêm vài bộ quần áo riêng để dùng càng nhiều càng hay chứ sao.
Tô Yến Tuyết khinh thầm:
“Thế mà lâu nay ta cứ tưởng nàng là cành vàng lá ngọc, ai ngờ bên trong lại chứa một tấm lòng vô cùng bỉ ổi”.
Vì nghĩ vậy nên Tô Yến Tuyết ghét cay ghét đắng không thèm bước đến gần xem, cho nên nàng không biết rõ y phục ấy là của đàn ông. Tô Yến Tuyết chi ngồi ráng một tí rồi gai mắt quá vội cáo từ lui ra ngay.
Qua đến ngày hai mươi bốn, chủ tớ đã may xong mấy bộ quần áo.
Sáng hôm ấy Kỳ Thạnh Đức đến. Mạnh Sĩ Nguyên cùng Mạnh Gia Linh ra tếip rước vào nhà. Sau khi chủ khách an tọa, Kỳ Thạnh Đức nói:
- Lưu Quốc cựu đã chọn ngày hai mươi bốn tháng ba này làm lễ vấn danh, rồi qua ngày mùng hai tháng tư làm lễ thân nghinh. Vậy nay lão phu đến đây cho hay trước để tiên sanh biết mà sửa soạn.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Vì chúng tôi mà Thừa tướng phải đi qua đi lại khổ nhọc, tôi chẳng biết lấy chi báo đáp công ơn ây cho vừa.
Kỳ Thạnh Đức nói:
- Vì có mạng lịnh Thiên tử nên dù khó nhọc đến đâu tôi cũng chẳng dám từ, vì vậy đến ngày thân nghinh tôi cũng phải thân hành đến đây nữa mới phải.
Dứt lời, Kỳ Thạnh Đức từ giã lui về.
Mạnh Sĩ Nguyên liền thuật lại cho mọi ngườik trong nhà hay biết. Con Vinh Lang nghe rõ vội vã chạy ra U Hương các nói cho Mạnh Lệ Quân hay, Mạnh Lệ Quân nói:
- Thế thì chúng ta sẽ để đến đêm ba mươi sẽ khởi hành, nhưng phải đi cho sớm chừng lối đầu canh năm mới được.
Vinh Lang ngạc nhiên hỏi:
- Sao tiểu thơ không tính đi cho sớm lại để đến cận ngày quá vậy?
Mạnh Lệ Quân giải thích:
- Ta tính ra đi cận ngày như thế là vì muốn làm cho Tô Yến Tuyết không thể nào từ chối được, phải chịu thay thế cho ta thôi.
Vinh Lang nói:
- Tô Yến Tuyết là con nhà thường dân nay được gởi thân vào nhà gia thế thì tưởng phúc bảy mươi đời rồi, chắc nàng thích lắm mới phải, chớ lẽ nào nàng từ chối sao mà tiểu thơ lo ngại?
Mạnh Lệ Quân nói:
- Mi nhận xét như thế lầm rồi! Mi không thấy tánh tình khí khái của Tô Yến Tuyết sao? Hơn nữa nàng đã lập tâm căm hận Lưu Khuê Bích về sự tranh hôn này, chắc chắn nàng không bằng lòng đâu, để sau này mi mới thấy sự nhận xét của ta là đúng. Nhưng về phần ta có một điều ta rất áy náy, là khi ta bỏ nhà ra đi không biết ngày nào mới cứu đặng phu quân và ngày nào mới gặp lại cha mẹ. Chắc là để thương đề nhớ lại cho cha mẹ, lòng ta không nỡ. Vậy nay muốn họa một bức chân dung để lại, chẳng hay mi nghĩ sao?
Con Vinh Lang gật đầu đáp:
- Tiểu thơ tính việc ấy phải lắm, vậy tiểu thơ phải vẽ gấp lên.
Mạnh Lệ Quân đi lấy cọ màu và giấy đến trước một tấm kiếng lớn rồi nhìn hình mình in trong kiếng mà vẽ.
Nàng nhắm qua, nhắm lại dung nhan của nàng rất ảm đạm u buồn nên cất tiếng than:
- Cảm thương cho số phận long đong của ta, và con đường từ đây đến Bắc Kinh xa ngàn vạn dặm, chẳng biết bao giờ phu phụ mới được trùng phùng. Ta đây chính là kẻ bạc mạng nhất trong thế gian này. Ôi! Ta có nghĩ lắm lại càng đau đớn lắm thôi.
Mạnh Lệ Quân than thở đến đây thì hai hàng lụy tự nhiên tuôn xuống như mưa. Con Vinh Lang thấy thế, bước lại khuyên giải:
- Tiểu thơ đã tính họa bức chân dung của mình để lại cho cha mẹ được yên lòng thì tiểu thơ nên cố gắng yểm lụy, chứ cứ khóc lóc như vậy chẳng lẽ lại họa bức hình với vẻ mặt đau thương thế kia ư?
Mạnh Lệ Quân thổn thức nói:
- Cảnh biệt ly này dẫu cho kẻ gan sắt dạ đồng cũng phải lay chuyển thay, huống chi ta đây cũng là kẻ máu chảy ruột mềm mà mi bảo ta đừng đau xót sao được?
Vinh Lang nói:
- Tiểu thơ khi ra đi thì cha mẹ ở nhà buồn rầu thương nhớ nên mới họa hình để lại, mà tiểu thơ lại khóc lóc rồi vẽ một bức hình với vẻ mặt đau buồn, để cho cha mẹ ở nhà khi nhớ con lại nhìn thấy vóc hình thảm não thế kia thì người lại càng đau buồn hơn nữa, chứ có ích lợi chi?
Mạnh Lệ Quân khen phải, rồi nàng đi rửa mặt, gắng gượng tươi cười, để vẽ theo. Nàng ngồi vẽ mải miết đến trưa mới xong. Nàng vốn có biệt tài cầm kỳ thi họa, nét bút của nàng thật là thần diệu.
Vẽ xong, nàng trao cho con Vinh Lang xem và hỏi:
- Mi xem thử có giống ta không?
Con Vinh Lang xem qua rồi khen lấy khen để. Hắn nói:
- Thật nét bút của tiểu thơ rất thần tình, không một đường nét nào sai sẩy cả. Tôi tin chắc không có tay họa công nào bì kịp tiểu thơ.
Mạnh Lệ Quân cầm bức hình mình nhìn hồi lâu rồi ngửa mặt lên trời than:
- Trời ơi! Có ai ngờ đâu dung nhan Mạnh Lệ Quân như vầy mà phải lưu lạc giang hồ, nghĩ xót thương biết dường nào.
Rồi nàng ngâm lên hai câu thơ:
“Đã sanh ra kiếp má hồng,
Ong xanh nỡ để long đong làm gì”.
Ngâm rồi nàng đề sau bức ảnh một bài thơ nguyên văn như sau:
“Phong ba nhứt đáng phúc hà ta,
“Phẩm tiết hề kham ngọc nhiễm hà,
“Tỳ thế bất năng y tất hạ,
“Toàn thân ngưỡng tác ý thiên nha,
“Chỉ duyên đoạn tuyệt phiêu vô tuế,
“Kim cúc vinh nan khủ hữu gia,
“Tha niên lụy phát hoán ô sa”.
Rồi nàng lại viết riêng một phong thư để lại, nội dung như sau:
“Vì con muốn giữ tròn danh tiết nên buộc lòng phải trốn mẹ cha; lánh mình tha phương, cam lỗi niềm hiếu đạo. Con ân hận vì không được ở nàh để hầu hạ song thân, nhưng lâm thế bí, đành phải chịu vậy.
Con ra đi là ỷ lại có Tô Yến Tuyết tài mạo cũng chẳng kém chi con, song thân có thể dùng nàng trá hôn để thay thế cho con tiện lắm, xin cha mẹ hãy thi hành mà tha thứ cho hành động của con”.
Mạnh Lệ Quân viết xong bức thư, liền niêm phong lại rồi gói theo bức ảnh cất kỹ vào tủ, đoạn nói với con Vinh Lang:
- Bây giờ đây ta cần phải giấu kỹ trong tủ đợi đến lúc ra đi sẽ đem để ra ngoài. Làm như vậy mới khỏi lậu sự.
Vinh Lang cất tiếng khen:
- Tiểu thơ làm việc chi cũng rất chu đáo, thật ít người bì kịp.
Vinh Lang nói vừa dứt lời thì Tô Yến Tuyết đến. Mạnh Lệ Quân đứng dậy niềm nở chào hỏi rồi mời ngồi. Yến Tuyết thấy mấy cái cửa sổ trong phòng đều mở toang, nàng tưởng Mạnh Lệ Quân là kẻ vô tình không nghĩ đến bề trinh tiết nên cất tiếng hỏi bằng giọng mỉa mai:
- Chắc độ này tiểu thơ thong thả nên mới mở cửa sổ rộng như thế dễ thưởng hoa phải không?
Mạnh Lệ Quân cũng thừa hiểu câu nói mỉa mai của nàng nhưng vẫn bình tĩnh đáp:
- Chẳng qua là một lối giải buồn đó thôi.
Tô Yến Tuyết lại nói:
- Phải lắm mà, tiểu thơ sắp có một vị phu quân thì không thưởng hoa sao được. Hơn nữa tiểu thơ là người tài mạo kiêm toàn, nay lại gặp Lưu Khuê Bích một kẻ đa tình háo sắc thì chắc rồi đây vợ chồng sẽ đặng phỉ tình ân ái, thế thì còn điều chi nữa mà phiền, phải không tiểu thơ?
Mấy lời mỉa mai của Tô Yến Tuyết, khiến Mạnh Lệ Quân cảm thấy như mũi dao đâm thẳng vào tim nhưng nàng vẫn cố giữ vẻ thản nhiên, đáp:
- Đó chẳng qua một việc vạn bất đắc dĩ mà thôi, nhưng chưa chắc rồi đây ai sẽ ân ái với họ Lưu; để đến sau này rồi sẽ rõ.
Tô Yến Tuyết là kẻ vô tình nên không hiểu thấu câu nói của Mạnh Lệ Quân, nàng chỉ lấy làm lạ cho Mạnh Lệ Quân sao không biết giữ gìn trinh tiết. Vì vậy nàng chán nản lắm, không thèm nói thêm lời nào nữa, vội cáo từ lui ra.
Nàng vừa đi vừa nghĩ thầm:
“Lưu Khuê Bích đã âm mưu hãm hại chồng ta thì nhất định ta sẽ thủ tiết ở vậy suốt đời chứ không lấy ai cả. Đời ta chỉ biết có một Hoàng Phủ Thiếu Hoa mà thôi”.
Khi về đến nhà, nàng quá uất hận, toàn thân nàng nóng bỏng lên, nàng bị bịnh rồi!
Trải mấy ngày vợ chồng Mạnh Sĩ Nguyên đã lo sắm sửa đồ trang sức và quần áo cho Mạnh Lệ Quân xong xuôi. Thấm thoát đã đến ngày hai mươi bốn tháng ba là ngày Lưu Khuê Bích nạp đồ sính lễ.
Ngày hôm ấy các quan viên văn võ đến chúc mừng rất đông. Trong số ấy chỉ có một mình quan Bố chánh Tần Thừa Ân trong lòng rất căm hận, nhưng khổ nỗi chức quan của người nhỏ nhoi không thể nào báo cừu cho nhà Hoàng Phủ được, nên người cáo bịnh không đến.
Lúc bấy giờ dân chúng khắp thành ai ai cũng chê Mạnh Sĩ Nguyên là người bất nghĩa, lại cũng có đôi người thông cảm hoàn cảnh bắt buộc nên đem lòng thương hại.
Khi Kỳ Thạnh Đức đem lễ sính đến Mạnh phủ, cha con Mạnh Sĩ Nguyên ra nghinh tiếp vào rồi truyền gia nhơn thết tiệc khoản đãi.
Kỳ Thạnh Đức từ chối:
- Lão phu tuổi đã già không thể dùng rượu được, hơn nữa hôm nay thế nào lão phu cũng phải qua dự tiệc nhà họ Lưu, vậy xin tiên sanh rộng lòng tha thứ cho.
Dứt lời, Kỳ Thạnh Đức từ giã ra về.
Khi Kỳ Thạnh Đức về rồ, Mạnh Sĩ Nguyên muốn cho Mạnh Lệ Quân được vui lòng nên sai nữ tỳ đem hết lễ vật ấy ra U Hương các trao cho Mạnh Lệ Quân. Con Vinh Lang vừa trông thấy những món đồ đi lễ quí giá ấy, lên tiếng trầm trồ khen ngợi; Mạnh Lệ Quân liền đem dẹp hết vào trong rương. Con Vinh Lang hỏi:
- Những món đồ này tôi xem thứ nào cũng đắt tiền cả, sao tiểu thơ không chọn vài thứ tốt để đem theo dùng trong lúc đi đường?
Mạnh Lệ Quân lắc đầu đáp:
- Của phi nghĩa ấy ta không thèm lấy đâu, vả lại nội của cải ta đem theo đây giá trị hơn ngàn lượng thì đủ dùng chán, hà tất phải lấy của ai?
Vinh Lang gật đầu khen:
- Tiểu thơ quả thật là người khí khái chẳng thèm lấy của phi nghĩa, thật ít kẻ bì. Còn xét nàng Tô Yến Tuyết thật là may phước. Đời nào có chuyện con nhà thường dân lại có thể hưởng cái của quí giá đến thế.
Mạnh Lệ Quân mỉm cười nói:
- Mi nghĩ vậy chứ theo ý ta thì đoán biết nàng sẽ uất ức đến chết tủi đi thôi, để mai đây mi sẽ thấy lời nhận xét của ta là đúng.
Con Vinh Lang nghe nàng nói không dám cãi, nhưng trong lòng vẫn không tin.
Thời giờ trôi qua rất nhanh, nhất là mỗi khi có việc bì lo sợ đến, nói lại càng đến nhanh không thể tưởng tượng. Mới đây mà đã đến ngày ba mươi tháng ba rồi.
Chiều hôm ấy, Mạnh Lệ Quân nói với con Vinh Lang:
- Đêm nay là đêm chúng ta khởi hành, vậy mi hãy mau mau đi lấy cái chìa khóa của sau đem về đây đặng khuya nay đi cho sớm.
Con Vinh Lang vâng lời dạy đi lập tức.
Lời Bình:
- Một cô gái lá ngọc cành vàng như Mạnh Lệ Quân từ thuở bé đến lớn không bước ra khỏi nhà mà toan trốn đi trên bước đường muôn dặm, dấn thân nơi góc bể chân trời, quả là một hành độgn vô cùng táo bạo. Nhưng ở đời chỉ có những hành động táo bạo mới nói lên được tư tưởng của mình, chứ những kẻ tham sanh húy tử suốt đời du dú trong nhà, đến khi nhắm mắt có ai biết đến đâu!
Mạnh Lệ Quân không thể chung tình để cho mang tiếng là con bất hiếu, và cũng không thể ưng người mà mình không ưa không thích. Nàng pảhi làm sao cho vẹn toàn cả hai mới được. Khi nàng đã nghĩ được một kế vẹn toàn rồi, thì nàng không còn buồn rầu đau khổ nữa. Cho hay ở đời con người bị đau khổ khi nào còn lưỡng lự chưa dứt khoát được con đường đi, chứ khi đã dứt khoát rồi thì trong lòng trở nên khoan khái dễ chịu. Biết vậy đời ta cũng nên vạch một con đường đi nhất định để thoát khỏi vòng sầu não.
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên