If there's a book you really want to read but it hasn't been written yet, then you must write it.

Toni Morrison

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 75
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 12
oãn Phu nhơn nói vừa dứt lời, Trưởng Hoa Tiểu thơ cũng ứng tiếng thưa:
- Hôm nay thân mẫu đã quyết chí vì triều đình cho trọn tiết, thì con cũng nguyện theo thân mẫu về kinh cùng chết cho tròn câu hiếu đạo.
Nghe con nói, Doãn Phu nhơn lấy làm cảm kích, nhưng bà lại nghiêm sắc mặt nói:
- Sách có câu “nữ sanh ngoại tộc”, con là thân gái tội gì phải làm như vậy?
Tiểu thơ thưa:
- Thân mẫu dạy như vậy cũng phải, song con đây tuy là phận gái mà chưa ra lấy chồng, chưa có thể gọi là ngoại nhơn được, vậy con nguyện theo cùng thân mẫu cho tròn chữ hiếu, xin thân mẫu chớ nên cản trở, duy chỉ có em con cần trốn tránh để ngày sau cho còn người hương khói mà thôi.
Nghe mấy lời chị nói, Hoàng Phủ Thiếu Hoa khóc nức nở nói:
- Chị là thân gái còn biết theo thân mẫu để tròn chữ hiếu, huống chi em đây đấng mày râu chẳng lẽ không biết hiếu nghĩa là gì sao? Thế thì em nhất quyết theo thân mẫu và chị về kinh để cùng chết luôn thể.
Doãn Phu nhơn thấy con trai mình phân bì với chị như vậy, liền nghiêm sắc mặt, gằn giọng nói:
- Thiếu Hoa, cha mẹ đây chỉ sanh vỏn vẹn một mình con là trai, nếu con không biết nghĩ sâu xa thì ngày sau dòng họ Hoàng Phủ đành chịu tuyệt tự sao? Nếu nay con chết đi, tức là trốn tránh nhiệm vụ trọng đại về sau, người đời sẽ cười chê rằng mẹ đây không biết dạy con. Nay mẹ đã bảo con như vậy mà con không nghe thì mẹ không muốn sống thêm một giờ phút nào nữa cả.
Doãn Phu nhơn nói dứt lời liền đứng phắt dậy toan đập đầu vào cột tự vẫn. Trưởng Hoa Tiểu thơ trông thấy thất kinh, vội nhảy tới ôm mẹ lại, vừa khóc vừa nói:
- Xin thân mẫu bớt cơn nóng giận, hai chị em con bao giờ cũng vâng theo lời thân mẫu.
Hoàng Phủ Thiếu Hoa cũng vội quỳ xuống khóc lóc và năn nỉ:
- Thân mẫu ôi, chẳng phải con dám trái ý thân mẫu đâu, chỉ vì con trốn tránh cầu lấy sự sống trong lúc thân mẫu thọ hình, lòng con không đành đó thôi.
Trưởng Hoa liền buông mẹ ra, bước tới đở em dậy mà nói:
- Hiền đệ nói như thế sai rồi, vì việc này là do nơi Lưu Tiệp âm mưu hãm hại cho tận tuyệt cả nhà ta. Nếu em đến đó cùng chết, chỉ uổng thân mà thôi chớ chẳng ai khen. Vả lại, nếu em đi trốn thế nào triều đình cũng giam mẹ lại, đợi khi nào truy tầm bắt được em sẽ khai đao một lượt, biết đâu trong thời gian ấy có thể địch quân đến đánh phá, triều đình phải treo bảng cầu hiền. Chừng ấy em sẽ đổi tên họ ra ứng thí đi dẹp giặc lập công và cứu thân phụ ta về. Thế là em đã tròn chữ trung mà trả được chữ hiếu, có phải là lưỡng toàn không? Ngược lại, nay em đành chịu chết đã không cứu đặng cha mẹ lại làm cho dòng họ Hoàng Phủ ta vô nhơn kế tự, miệng đời cười chê, lại làm cho bọn gian thần thỏa mãn tấm lòng ghen ghét, em hãy suy sâu nghĩ kỹ lại.
Trưởng Hoa nói dứt lời, Doãn Phu nhơn nhìn thẳng vào mặt Thiếu Hoa, nói:
- Chị con nói vậy, con nghĩ sao?
Hoàng Phủ Thiếu Hoa gạt lệ thưa:
- Nay thân mẫu đã dạy vậy, con xin vâng lời.
Doãn Phu nhơn gật đầu khen:
- Ừ, có như vậy mới là con chí hiếu chứ!
Trưởng Hoa lại nói:
- Nay em con ra đi trốn tránh, thế nào triều đình cũng họa hình tạc tượng treo dán khắp nơi cho thiên hạ tìm bắt, vậy mẫu thân phải tìm nơi nào chí thiết để gởi gắm em con, chứ để hắn bạ đâu trốn đó, tánh mạng khó bảo toàn.
Doãn Phu nhơn suy nghĩ hồi lâu rồi nói:
- Con nói rất chí lý, mẹ muốn Thiếu Hoa nó sang ẩn bên nhà họ Mạnh, nhưng mẹ lại sợ Lưu Khuê Bích hay được thì khốn. Ngoài nhà họ Mạnh ra, mẹ không tìm thấy chỗ nào chí thiết nữa cả.
Trưởng Hoa thở dài:
- Thế thì biết liệu sao đây?
Bỗng dưng Doãn Phu nhơn tươi hẳn nét mặt lên nói:
- À, mẹ nhớ ra rồi. Còn một chỗ thân thiết có thể ẩn náu được mà mẹ quên lửng đi mất.
- Chỗ nào vậy hở mẫu thân?
- Nguyên Tổ mẫu nhà ta có một người cháu tên Phạm Hữu tự là Nhơn An quê ở tại Võ Xương. Người này tức anh em cô cậu với thân phụ con, nên con gọi là biểu thúc đó. Trước đây mười năm mẹ ông ta tạ thế, gia đình quá nghèo túng nên có đến nương náu với thân phụ con. Ông ta ở với thân phụ con hơn một năm, tánh tình rất thuần lương lại siêng năng cần mẫn nên thân phụ con lo cưới vợ cho, đồng thời cho ông ngàn lượng bạc để sanh phương buôn bán. Về sau, nghe đâu ông ta phát tài giàu lắm, có đem số bạc trả lại, nhưng thân phụ con không thâu mà cho nốt. Bây giờ ông ta sanh được năm người con, lại là một người biết trọng nhân nghĩa, con hãy tìm đến đó nương náu với người, thế nào cũng được an thân.
Trưởng Hoa nghe nói, vô cùng mừng rỡ:
- Được chỗ này thật là may cho em con lắm. Nhưng thuở bé đến giờ em con chưa từng đi xa, nay phải vượt quãng đường muôn dặm như vậy con lấy làm lo ngại. Con muốn chọn một tên gia nhơn nào tâm phúc để cùng đi với hắn mới được.
Doãn Phu nhơn gật đầu.
- Phải đấy, hiện nhà ta có tên lão bộc Lữ Trung nguyên là tên thơ đồng của tổ phụ khi xưa. Lão ta là kẻ trung thành, lại biết mặt Phạm Hữu nữa, nên cho đi với Thiếu Hoa là tiện lắm.
Dứt lời, Doãn Phu nhơn vội sai nữ tì đi kêu Lữ Trung đến ngay. Lữ Trung vái chào phu nhơn và hỏi:
- Chẳng hay phu nhơn cho gọi tôi có chuyện gì?
Doãn Phu nhơn mời lão Lữ Trung ngồi xuống ghế rồi từ từ thuật hết đầu đuôi sự việc cho lão nghe, nào là việc Hoàng Nguyên soái phụng chỉ đi đánh quân Phiên bị chúng bắt giữ, nào là bị gian thần sàm tấu khiến gia quyến hôm nay phải bị hành hình, may nhờ Doãn Thượng Khanh tin cho biết trước.
Rồi phu nhơn nghiêm giọng nói:
- Dù sao tôi cũng đứng ra chịu chết để tròn trung hiếu, duy có Thiếu Hoa con trai tôi cần phải sống để sau này hương khói cho dòng họ Hoàng Phủ và cứu lấy thân phụ hắn về triều, nhưng vì việc trốn tránh của hắn hiện nay vô cùng nguy hiểm, cần phải có người tâm phúc theo phò trợ. Xét ra ngươi là kẻ đã ở với nhà ta mấy mươi năm trời, xem như người thân thuộc, nên ta giao phó cho ngươi bảo hộ công tử lên đường. Còn phần gia quyến của ngươi, ta sẽ chu cấp tiền nong để tìm chỗ nương thân, ngươi nghĩ sao?
Lữ Trung nghe nói, lòng xúc động, rơi lụy dầm dề. Lão chắp tay thưa:
- Kẻ tôi tớ này trộm nghĩ: Lão gia đường đường một vị anh hùng hào kiệt chỉ có lòng trung chứ không có lòng phản quốc, nay dù có bị địch bắt đi nữa, đời nào lại chịu đầu hàng! Sự việc như vậy kẻ ngu này cũng biết, chắc chắn Lưu Tiệp đã âm mưu hãm hại nguời ngay. Vậy tôi đây lâu nay cậy nhờ cơm áo nhà này nuôi sống cả vợ con, ơn nghĩa ấy ví bằng non biển, nay gặp cơn nguy biến, dầu có hy sinh tấm thân già này cũng cam, nhưng tôi thiết nghĩ phu nhơn cùng tiểu thơ cũng nên cùng trốn đi luôn thể chứ về Kinh chịu chết thật tôi không đành dạ.
Doãn Phu nhơn ôn tồn giải thích:
- Người có lòng thương tưởng đến ta, thật ta vô cùng cảm kích, nhưng ta đây là một vị Mạng phụ của triều đình nên phải cam đành tử tiết, còn tiểu thơ đây cũng vì chữ hiếu mà tình nguyện theo ta, cũng không có lý do gì có thể cản ngăn được. Duy chỉ có công tử là cần phải trốn đi, vì hắn còn mang lấy trách nhiệm trọng đại về sau này, ngươi hãy bảo hộ công tử cho tận tình thì dù ta có chết cũng không bao giờ quên ơn ngươi.
Lữ Trung sụt sùi nói:
- Đến đỗi phu nhơn và tiểu thơ còn không kể gì tánh mạng nữa thay, huống hồ tôi đây dù có nhảy vào nước sôi lửa bỏng cũng quyết chẳng từ nan, nhưng chẳng hay phu nhơn định bảo tôi đưa công tử đi đâu?
Doãn Phu nhơn nói:
- Muốn cho tánh mạng Thiếu Hoa được bảo toàn, ta suy cùng nghĩ cạn chỉ thấy có một mình Phạm Hữu là có thể đến tá tức được mà thôi, chẳng biết ngươi nghĩ sao?
Lữ Trung gật đầu đáp:
- Phạm Hữu vốn người tử tế, hơn nữa va đã thọ ơn của lão gia rất trọng, nay đem công tử qua đó là phải lắm.
Sau đó, Trưởng Hoa vào trong lo thu xếp hành trang cho em mình, còn Lữ Trung cũng về nói lại cho vợ con nghe.
Vợ Lữ Trung là Tưởng thị cùng hai con là Lữ Phước và Lữ Đức đều cho việc cha mình đi theo phò công tử lánh nạn là phải, nhưng khi xếp đặt hành trang xong, tiễn biệt Lữ Trung, vợ và con không khỏi sa nước mắt.
Chỉ trong chốc lát, Lữ Trung đã ứng trực, Trưởng Hoa Tiểu thơ đem ra một gói rất nhiều vàng bạc châu báu và nói:
- Trên bước đường muôn dặm nguy nan, hai người phải lo gìn giữ của quí này để chi dụng cho qua ngày.
Lữ Trung và Thiếu Hoa nhận lãnh rồi đi ăn cơm, thay y phục giả dạng người buôn bán đợi đến tối lên đường.
Trước khi lên đường, Thiếu Hoa cúi lạy mẹ và chị, chàng nức nở nói:
- Biết ai thấu cho sự đau đớn trước cảnh biệt ly này! Chẳng biết rồi đây mẹ con ta có thể trùng phùng tái hội không?
Nói rồi chàng khóc rống lên, Doãn Phu nhơn và Trưởng Hoa Tiểu thơ cũng phải khóc theo. Tiểu thơ cố gắng ngậm lệ cất tiếng khuyên em:
- Hiền đệ hãy an tâm, nếu triều đình không bắt được hiền đệ tất nhiên mẹ và chị không hề chi đâu, mà chúng ta đã sống trên đời này không kíp thì chầy cũng có ngày gặp nhau.
Cực chẳng đã, Thiếu Hoa phải gạt lệ bái biệt, cùng Lữ Trung dắt nhau lên đường. Hoàn cảnh này ai trông thấy cũng như đứt từng đoạn ruột.
Khi Thiếu Hoa đi rồi, Trưởng Hoa thỏ thẻ với mẹ:
- Nay cửa nhà ta sắp tan nát, vậy bao nhiêu giấy nợ hoặc văn khế cầm cố điền sản của người ta cũng nên kêu họ đến cho họ làm phước, kẻo để Khâm sai đến, bọn phủ huyện sẽ bách sách người ta tội nghiệp.
Doãn Phu nhơn gật đầu khen phải rồi khiến gia nhơn tức tốc đi gọi các con nợ đến. Các con nợ nghe gọi ai ấy đều sợ sết lo lắng, nhưng khi đến nơi lại nghe phu nhơn nói:
- Các ngươi mắc nợ ta, nhưng xét nhà các ngươi cũng không lấy gì là dư dả lắm, nếu phải chạy trả sanh ra túng thiếu tội nghiệp. Vậy nay ta gọi các ngươi đến đây đặng trả lại các khế tờ vay mượn, nếu sau này có ai làm ăn khá giả thì trả cho ta, bằng túng thiếu thì ta cho luôn.
Sở dĩ phu nhơn nói vậy là vì muốn giấu nhẹm việc này, vì thế các con nợ mừng rỡ lãnh giấy ra về, không ai biết gia đình Hoàng Nguyên soái bị mắc nạn cả.
Sau đó, Trưởng Hoa lại nói với phu nhơn:
- Tài sản của nhà ta là do tổ tiên ta khai sáng chớ không phải do bàn tay của thân phụ con tạo lập, nếu để cho Khâm sai đến tịch biên sung công thì ức quá! Vậy thân mẫu hãy đem dâng hết cho chùa Huyền nữ thâu hoa lợi, nếu sau này gia đình ta bị tội thì thôi, bằng vô tội trở về thì chùa hoàn lại. Làm như vậy thế nào các thầy tăng cũng mừng rỡ và nhận lãnh ngay. Hơn nữa, tài sản ta cúng cho chùa rồi chắc cũng không ai mách cho Khâm sai làm gì, chẳng biết thân mẫu nghĩ sao?
Doãn Phu nhơn nói:
- Con nghĩ kế ấy hay lắm.
Rồi phu nhơn lập tức cho đi mời các thầy tăng đến bày tỏ ý định cho mấy thầy nghe, ai nấy đều vui lòng nhận lãnh. Phu nhơn bèn viết một văn tử cúng cho chùa, đề ngày thuộc về năm trước, còn các thầy tăng cũng lập một tờ quản nhận giao lại cho phu nhơn, hứa khi nào gia đình họ Hoàng Phủ vô tội, trở về sẽ trả lại.
Sáng hôm sau phu nhơn lại gọi hết gia đinh tì nữ trong nhà cho mỗi đứa một số tài sản, bảo đi về sanh phương lập nghiệp. Trong số bọn có hai con tì nữa của tiểu thơ là Cẩm Trạch và Giao Sắc không đành xa lìa chủ mình nên khóc lóc thưa:
- Hai đứa tôi nguyện theo hầu phu nhơn và tiểu thơ, dù có chết cũng thỏa dạ.
Doãn Phu nhơn thấy hai đứa chỉ trạc độ mười hai tuổi mà có nghĩa như vậy, cũng thuận tình cho theo.
Sau khi bạn bè và tôi tớ giải tán hết, Trưởng Hoa Tiểu thơ bèn đi lấy ba trăm lượng bạc trao cho vợ con Lữ Trung và bảo hãy về Nam Trang Biên tìm nơi trú ngụ nuôi sống qua ngày. Tưởng thị cùng hai con lãnh bạc rồi từ biệt ngay.
Lúc bấy giờ trong dinh Hoàng Phủ chỉ còn mẹ con Doãn thị và hai con nữ tì nhỏ xíu, ngày nào cũng trông đợi Khâm sai đến bắt.
Mãi đến tám ngày sau, thình lình thấy quan Khâm sai hiệp cùng quan địa phương đến vây phủ xung quanh nhà rồi bước vào lớn tiếng gọi Hoàng Phủ Thiếu Hoa ra tiếp chiếu.
Doãn Phu nhơn nghe gọi liền dắt hai đứa tì nữ bước ra nói:
- Cách đây mấy hôm, con tôi đã qua Sơn Đông đặng dọ tin tức cha nó nên hiện nay không có ở nhà.
Nói rồi phu nhơn bảo hai nữ tì dọn bàn hương án để bà tiếp chiếu. Khâm sai mở chiếu ra đọc một hồi rồi lập tức bắt phu nhơn và tiểu thơ trói lại, đoạn truyền quân lục soát hết trong nhà, nhưng Khâm sai không tìm thấy một người nào nữa cả.
Khâm sai vô cùng ngạc nhiên, hỏi Doãn Phu nhơn:
- Việc này chắc là bà biết trước rồi nên cho trốn đi cả phải không? Chứ lẽ nào trong phủ của một vị Nguyên soái lại chỉ có vỏn vẹn bốn người đàn bà?
Doãn Phu nhơn làm ra vẻ giận dữ đáp:
- Nếu tôi đã biết trước sao tôi lại còn bị bắt đây? Hơn nữa chồng tôi bậc anh hùng hào kiệt đã từng vào sanh ra tử, đánh Đông dẹp Bắc, xây đắp sơn hà, há lại đi đầu hàng quân địch sao? Việc này chắc chắn là do gian thần nó sàm tấu đặng hãm hại mẹ con tôi, thế mà chúng tôi đã tình nguyện chịu chết, các quan còn cật vấn làm gì nữa?
Quan Khâm sai không biết nói sao, đành phải làm thinh truyền cho một toán quân đi lùng bắt Thiếu Hoa, đồng thời truyền họa hình Thiếu Hoa dán khắp nẻo, nếu ai bắt được thì trọng thưởng.
Sau đó Khâm sai cho tịch biên hết nhà cửa họ Hoàn và bắt mẹ con Trưởng Hoa đem nhốt tại huyện, chỉ cho hai con nữ tì của phu nhơn được phép ra vào hầu hạ mà thôi.
Quan Khâm sai ở đó đợi mãi hai ngày sau mà quân sĩ không tìm bắt được Thiếu hoa nên túng thế phải bắt Doãn Phu nhơn cùng Trưởng Hoa bỏ vào tù xa, giải về kinh.
Bây giờ xin nhắc qua Hoàng Phủ Thiếu Hoa cùng Lữ Trung. Khi hai người ra khỏi nhà lại gọi nhau bằng chú cháu ruột cho thiên hạ khỏi hiềm nghi. Ngày kia, hai người qua một cánh đồng rộng mênh mông, thình lình tuyết phủ xuống trắng xóa, gió thổi lạnh tím ruột, nhưng cả hai vẫn cố gắng chịu lạnh đạp tuyết đi cho đến chạng vạng mà vẫn không trông thấy một cái nhà nhỏ nào để nghỉ chân.
Hai người co ra trong chiếc áo mỏng, bước đi khấp khểnh. Thiếu Hoa run lẩy bẩy, vừa đi vừa ngâm lên bốn câu:
“Chiêu đệ hành thoàn thử lộ điêu.
“Đoạn trường minh nhựt đoạn minh triều.
“Giang minh cựu trạch võ nhơn tảo.
“Tuyết đáo xuân hồi thủy đắc tiêu.
Thiếu Hoa ngâm vừa dứt bỗng thấy Lữ Trung ngã huỵch xuống nói trong tiếng rên rỉ:
- Thà đói còn chịu được chứ lạnh đến nước này chắc tôi cóng quá, không tài nào bước nổi nữa.
Thiếu Hoa bước tới đỡ lão dậy, thoa tay chân cho lão, đoạn chàng nhìn xa xa rồi mừng rỡ reo lên:
- Kìa, trước kia có thấp thoáng ánh đèn sáng, chắc chỗ ấy có xóm nhà, vậy chúng ta hãy ráng đến đó nghỉ nhờ một đêm rồi mai sẽ đi nữa.
Lão già Lữ Trung nghe nói, mừng rỡ gắng gượng đứng dậy, khập khễnh bước đi. Đến nơi, quả nhiên dưới lùm cây rậm rạp có một xóm nhà độ sáu bảy chục nóc gia, nhưng lúc ấy đã khuya rổi, nhà nhà đều đóng cửa kín mít, chỉ có một cái nhà phía trước treo đèn kết hoa và hình như người trong nhà còn thức nên thỉnh thoảng vọng ra tiếng cười nói.
Lời Bình:
- Hoàng Phủ Thiếu Hoa là con nhà lễ giáo, hơn nữa trong nên luân lý Á Đông thời ấy, vấn đề “bất hiếu hữu tam, vô hậy vi đại” được dạy trên đầu thì tất nhiên Thiếu Hoa thừa hiểu, nhưng trước cảnh tình mẹ mình chịu hy sinh nên chàng quá xúc động, khiến tình cảm của chàng chế ngự lý trí, không đủ can đảm sống để hoàn thành nhiệm vụ mình sau này. Vẫn biết theo mẹ cũng là thực hiện hiếu mà trốn đi cũng là thực hiện chữ hiếu, nhưng trốn đi là sâu sắc mà chịu chết mới là cầu an nông nổi.
- Trong bọn gia đinh của nhà Hoàng Phủ không thiếu chi kẻ cường tráng, thế mà Doãn Phu nhơn tuyển lựa lão già Lữ Trung để theo phò hộ cho con mình, chỉ vì bà ta muốn tìm một kẻ tôi đòi có nghĩa. Trong lúc Lữ Trung tuổi đã thập bát tùng dư mà đành lìa bỏ vợ con ra đi chân trời góc bể để phò hộ tiểu chủ trong cơn hoạn nạn thì quả là hiếm có trên đời.
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên