Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Lam Thien Thanh
Số chương: 75
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 11215 / 75
Cập nhật: 2014-11-20 23:22:25 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 3
ạnh Sĩ Nguyên tìm được người vú nuôi là nàng Đỗ thị lòng mừng khắp khởi, vì ông ta thấy nàng là người tiết phụ lại thêm cử chỉ đoan trang nên truyền cho gia quyến ông không ai được tỏ vẻ khinh thường nàng, buộc mọi người trong nhà phải kêu nàng là Tô Đại nương.
Đêm hôm ấy Hàn Phu nhơn sắp lâm bồn, bỗng chiêm bao thấy một người đem đến cho nàng một nàng tiên vào bảo:
- Ta vâng lện Ngọc Đế đem Chấp Phất Nữ đến đầu thai làm con gái nhà ngươi, ngày sau sẽ hưởng phú quý vinh hoa.
Khi Hàn Phu nhơn tỉnh dậy, mùi hương bay ngào ngạt khắp gian phòng, sau đó sanh hạ được một nàng con gái mặt mày xinh đẹp như hoa nở. Mạnh Sĩ Nguyên nghe Hàn Phu nhơn thuật lại câu chuyện trong giấc mộng nên đặt tên con là Lệ Quân rồi giao cho Tô Đại nương nuôi dưỡng.
Ngày tháng trôi qua, nàng Mạnh Lệ Quân và Tô Yến Tuyết lên bốn tuổi, cả hai đều xinh đẹp khác thường, hai trẻ chơi với nhau như chị em ruột.
Hai nàng vừa lên năm tuổi đã được theo Mạnh Gia Linh cùng học tập, nhưng trong ba người chỉ có Mạnh Lệ Quân là thông minh hơn cả, nàng học đâu nhớ đó, lại còn có óc nghiên cứu nên nàng có thể biết cả những việc nàng chưa học đến. Mạnh Gia Linh tuy cố tâm học tập song không thông minh bằng Mạnh Lệ Quân, còn Tô Yến Tuyết thì đứng vào hàng thứ ba.
Khi Mạnh Lệ Quân lên bảy tuổi thì ngũ kinh tứ thư thảy đều làu thông, lại có tài thi phú hay xuất chúng. Tuy vậy nàng phải cái tật sợ đau, lại được phu nhơn quá cưng nên không xỏ lỗ tai.
Mạnh Sĩ Nguyên thấy vậy phàn nàn:
- Con gái mà không xỏ lỗ tai thì làm sao gả lấy chồng?
Hàn Phu nhơn đáp:
- Thôi, để khi sắp lấy chồng sẽ xỏ lỗ tai vậy.
Mãi đến năm mười ba tuổi mà ngày nào Mạnh Gia Linh làm văn cũng thua sút em gái mình, thậm chí văn bài của Mạnh Lệ Quân, Mạnh Sĩ Nguyên chấm duyệt không thể sử chữa được một chữ nào.
Mạnh Sĩ Nguyên tấm tắc khen:
- Phải chi triều đình cho con gái vào thi, chắc chắn Mạnh Lệ Quân nó sẽ chiếm bảng Trạng nguyên.
Ngòai việc học hành thi văn kinh sử, Mạnh Lệ Quân còn nghiên cứu qua y bốc, tướng số và rất chuyên cần việc nữ công nên việc bánh trái thêu thùa nàng thông thạo hơn ai hết.
Hàng ngày nàng lúc thúc trong huê viên cùng với mẹ con Tô Yến Tuyết, nàng ít hay trang điểm, nhưng nhan sắc xinh đẹp lạ thường. Còn Tô Yến Tuyết tuy tài mạo chẳng bằng Mạnh Lệ Quân song nghề văn thơ cũng giỏi, nhan sắc cũng tuyệt vời, so với người thường thì ít ai sánh kịp.
Hàn Phu nhơn lại nuôi một đứa tớ gái tên Vinh Lang đã siêng năng, khôn ngoan dễ dạy, tính tình lại lanh lợi ít kẻ bì, nên rất ý hiệp tâm đầu với Mạnh Tiểu Thơ. Vì vậy không bao giờ nàng rời xa nó một bước.
Mạnh Sĩ Nguyên thấy con gái mình đã học rộng tài cao lại thêm trí tuệ sâu sắc, am hiểu việc đời nên có việc chi khó đều hỏi ý kiến nàng, nàng góp ý kiến là giải quyết được ngay.
Lúc bấy giờ rất nhiều hạng vương tôn công tử đến cậy mai mối để đẹp duyên cùng Mạnh Lệ Quân, nhưng quan Binh bộ xét thấy con mình tài mạo tuyệt vời thật khó mà chọn cho được người xứng đôi vừa lứa, vì vậy lần hồi ông ta kiếm lời từ chối hết.
Lúc bấy giờ tại quận Côn Minh có một vì quan Hồ Lô tên Cố Hoằng Nghiệp là một Tấn sĩ xuất thân, năm nay tuổi độ năm mươi, ông cáo quan về hưu để nuôi đưỡng mẹ già. Ngày kia Cố Hoằng Nghiệp tìm đến Mạnh gia trang vào ra mắt Mạnh Sĩ Nguyên. Hai đàng chào hỏi xong vừa phân ngôi chủ khác mời ngồi thì bỗng gia đinh chạy vào báo:
- Có quan Tần Bố chánh đến nữa.
Mạnh Sĩ Nguyên đứng dậy xin lỗi Cố Hoằng Nghiệp rồi ra rước Tần Thừa Ân vào.
Sau khi chủ khách ba người an tọa, trà nước xong xuôi, Mạnh Sĩ Nguyên lên tiếng hỏi:
- Chẳng hay nhị vị đại nhơn đến viếng tôi có điều chi dạy bảo?
Tần Bố Chánh và Cố Hoằng Nghiệp đều đồng thanh nói:
- Chúng tôi đến đây chỉ vì việc hôn nhân của lịnh ái.
Mạnh Sĩ Nguyên hỏi:
- Chẳng hay nhị vị đại nhơn muốn xây dựng cuộc nhơn duyên của con gái tôi cho ai vậy?
Tần Thừa Ân lên tiếng trước:
- Tôi định làm mối lịnh ái cho con Hoàng Phủ Nguyên soái tên Hoàng Phủ Thiếu Hoa.
Cố Hoằng Nghiệp cũng nói:
- Còn tôi đây lại muốn cầu hơn cho cháu tôi là Lưu Khuê Bích, thứ tử của Nguyên Thành Hầu Lưu Tiệp.
Rồi ông ta tự giới thiệu:
- Chẳng phải tôi muốn khoe tài của cháu tôi chứ thật ra Lưu Khuê Bích năm nay mới mười sáu tuổi mà văn võ kiêm tòan, thường ngày đến cùng với Hoàng Phủ công tử, luận võ đàm văn, thi văn, dượt võ không khi nào chịu thua sút. Vả lại, cháu gái tôi nay làm Chánh cung Hoàng hậu đã nhiều lần định tâu cùng Thiên tử yêu cầu trọng dụng Lưu Khuê Bích nhưng chỉ vì anh nó là Lưu Khuê Quang đang trấn thủ tại Bắc thành Nhạn Môn Quan nên phu nhân chẳng nỡ xa, nên mới để ở nhà phục thị. Nếu lệnh ái đây mà gả cho họ Lưu, đã đựơc phú quí vinh hoa lại được gần gũi tiện bề đi lại, chớ như gả cho nhà Hoàng Phủ, mai sau phải về tận Hồ Quảng đường xa diệu vợi thật khó mà viếng thăm.
Tần Thừa Ân cười gằn và nói:
- Việc gả con lấy chồng cốt tìm nơi xứng đáng chứ có ai lại nghĩ đến việc xa gần?
Tuy lúc ấy Tần Thừa Ân không khoe tài Hoàng Phủ Thiếu Hoa, song Mạnh Sĩ Nguyên cũng nhận thấy cả hai người đều đáng mặt giai tế cả, thật khó mà từ chối bên nào, nên kiếm lời nói:
- Lão phu vốn thương yêu con gái lắm nên không nỡ ép con, vậy việc này cần hỏi ý kiến nó mới được, nếu nó ưng nơi nào thì tôi sẽ gả nơi ấy vậy.
Tần Thừa Ân và Cố Hoằng Nghiệp đều gật đầu khen phải và đồng nói:
- Đại nhơn nói như vậy phải lắm, vậy hãy vào hỏi ý kiến tiểu thơ xem sao.
Mạnh Sĩ Nguyên vội bước vào thuật lại sự việc cho phu nhơn và công tử nghe.
Hàn Phu nhơn hỏi:
- Theo phu quân thấy thì hai nhà ấy, nhà nào xứng hơn?
Mạnh Sĩ Nguyên đáp:
- Xét về môn đăng hộ đối thì hai nhà cũng ngang nhau, còn xét về tài mạo của hai vị công tử ấy cũng tùng tiệm với nhau, thật khó phân ai hơn ai kém.
Mạnh Gia Linh nói:
- Theo con thấy thì Lưu Tiệp vốn phường vô lọai xuất thân, ỷ thế lực công thần thường hay hiếp đáp kẻ dưới, còn nhà ta đây là dòng dõi trung lương không nên kết thân với những hạng người ấy. Nếu ta kết thân, không khéo người ta sẽ chê mình là kẻ xu phụ quyền thế. Chi bằng kết thân với Hoàng Phủ Kính là Trạng nguyên xuất thân, một nhà nhân đức biết kính trên nhường dưới, không hai hơn sao?
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Chính ta cũng nghĩ như vậy, nhưng hai bên đến cầu hôn một lượt, nếu gả cho nhà Hoàng Phủ thì e mích dạ họ Lưu, thật chẳng biết nên liệu sao cho phải.
Mạnh Gia Linh suy nghĩ hồi lâu rồi đáp:
- Việc này quả nhiên khó liệu thật.
Hai cha con đang bối rối thì vợ của Mạnh Gia Linh là Phương thị đứng phía sau mỉm cười. Hàn Phu nhơn thấy thế hỏi:
- Việc chi con lại cười mà không nói?
Phương thị thưa:
- Con thấy xưa nay thiếu chi việc khó khăn hơn nữa mà còn giải quyết được thay, huống chi nay việc này cũng nhỏ mọn có gì là khó?
Hàn Phu nhơn lại hỏi:
- Thế thì theo ý con nên giải quyết bằng cách nào cho tiện?
Phương thị thưa:
- Cả hai bên đều là con nhà võ tướng cả, vậy ta hãy lập một cuộc thi tiễn, mời hai vị công tử đến huê viên tranh tài cao thấp. Ta chỉ cần đem một đồng tiền treo trên nhành liễu và cột nối một chiếc áo cẩm bào, đọan phát cho mỗi người ba mũi tên, phát thứ nhất buộc phải trúng nhành liễu, phát thứ hai thì phải trúng vào lỗ đồng tiền, và phát thứ ba phải trúng đích sợi dây treo áo cẩm bào. Nếu ai bắn được ba phát thì gả cho người ấy, tất nhiên không ai trách được.
Hàn Phu nhơn gật đầu đáp:
- Lời con nó đề nghị phải lắm, vậy phu quân hãy y theo đó mà làm.
Mạnh Sĩ Nguyên cười ha hả nói:
- Nếu ta kén rể bằng cách khó khăn như vậy thì biết bao giờ mới xong?
Phương thị thưa:
- Theo con nghĩ, người đã thạo nghề cung tiễn thì đối với việc ấy cũng không khó chi, hơn nữa tiểu thơ nhà ta bậc tài hoa cũng cần phải kén chọn anh hùng dường ấy mới xứng đáng chứ.
Hàn Phu nhơn cũng nói vào:
- Ý tôi cũng vậy, phu quân nên chấp thuận phương pháp ấy là phải – Mạnh Sĩ Nguyên nghe theo, trở ra tỏ ý cho Tần Thừa Ân và Cố Hoằng Nghiệp nghe. Cố Hoằng Nghiệp nghe qua mừng rỡ vô cùng vì lão ta thấy cháu mình rất thiện nghệ về nghề cung tên thế nào cũng sẽ đọat giải.
Cố Hoằng Nghiệp vui vẻ đáp:
- Đại nhơn nghĩ ra việc ấy quả là một sáng kiến hay. Vậy mai này hãy cho mời hai vị công tử đến xem sao.
Tần Thừa Ân nói:
- Tôi thiết tưởng việc lương duyên do trời kia đã sắp đặt sẵn rồi, nếu quả duyên vợ về ai thì người ấy sẽ bắn trúng, chớ không phải do việc giỏi dở mà được.
Mạnh Sĩ Nguyên nói:
- Nếu vậy để ngày mai tôi bày tiệc đặng mời nhị vị công tử đến.
Cố Hoằng Nghiệp lại nghĩ thầm:
“Nếu mai này cháu mình đọat giải thì chẳng nói làm chi, bằng thất bại thì còn gì là thể diện của ta?”.
Nghĩ đọan, ông ta lên tiếng nói:
- Nếu mai này rủi lão phu có bận việc gì, xin phép vắng mặt để một mình cháu nó hầu đại nhơn cũng được nhé!
Tần Thừa Ân cũng sợ Hoàng Phủ Thiếu Hoa bị thua sút thì thẹn lắm nên cũng nói:
- Ngày mai tôi cũng mắc chút việc quan không đến được, vậy xin phép đại nhơn để cho hai vị công tử đến đây cũng tiện.
Mạnh Sĩ Nguyên vâng lời, rồi cả hai cáo từ ra về.
Tần Thừa Ân ra khỏi phủ, không về nhà lại thẳng đến dinh Hoàng Phủ thuật rõ đầu đuôi câu chuyện cầu hôn nhà họ Mạnh cho Hoàng Phủ Kính nghe. Hoàng Phủ Kính nói:
- Nếu vậy để mai tôi đem tiện nhi nó sang nhà đại nhơn, đặng nhờ đại nhơn dẫn nó sang Mạnh phủ. Sau này cuộc lương duyên con trẻ đặng thành, tôi không bao giờ dám quên ơn của đại nhơn.
Tần Thừa Ân nói:
- Chẳng mấy khi Nguyên soái có việc cậy đến tôi, tôi đâu dám từ thác, song lúc nãy Cố Hoằng Nghiệp đã từ chối không đến, chỉ để một mình Lưu Khuê Bích đến thôi, hơn nữa mai mày tôi cũng có chút việc quan nên cũng xin cáo thối, để một mình công tử đi cũng tiện.
Hoàng Phủ Kính vâng lời, Tần Thừa Ân cáo từ ra về.
Hoàng Phủ Kính vào nhà trong thuật lại cho Doãn Thị Phu nhơn nghe và kêu Thiếu Hoa bảo:
- Ngày mai con qua bên ấy phải cố sức tranh tài cho kỳ được nhé.
Thiếu Hoa lấy làm bất bình nhưng vì thấy cha mình đã quyết không dám cãi, chỉ ngồi làm thinh.
Hoàng Phủ Kính thấy vậy nói khích:
- Tại sao con có vẻ không vui, chắc con cảm thấy tài mình không sánh nổi Lưu Khuê Bích phải không?
Thiếu Hoa thưa:
- Ngày nào con và Khuê Bích cũng thao dượt ngoài võ trường, tài lực ngang nhau có can chi mà con sợ, song nếu tỉ thí như vầy tất nhiên phải có người thua. Nếu con thua thì chẳng nói làm chi, bằng Khuê Bích thua con, tất nhiên tổn thương tình bằng hữu, chi bằng con nhượng cho Khuê Bích thì hay hơn.
Hoàng Phủ Kính cau mày nói:
- Nay việc đã hứa rồi, nếu con không đi thì nhục cho cha biết dường nào! Vả chăng ta đây đường đường một vị Nguyên soái mà đứa con không đủ tài bắn ba phát tên thì ôi thôi còn mặt mũi nào điều khiển ba quân nữa!
Trưởng Hoa Tiểu thơ vội xen vào góp ý:
- Nếu hiền đệ có vì tình bằng hữu thì ngày mai hiền đệ hãy nhường cho Khuê Bích bắn trước, nếu hắn bắn đích ba phát thì hãy nhường luôn đừng bắn nữa, bằng ngược lại hắn bắn trật thì tất nhiên hiền đệ phải bắn, đó là lối xử vẹn toạn vậy.
Thiếu Hoa thấy cha mình giận dữ, chị mình lại phân tỏ lý nên cực chẳng đã phải thuận tình.
Lời Bình:
- Thời xưa hễ sanh con trai thì mừng, trái lại dù sanh năm bảy đứa con gái vẫn xem như chưa có con, đến khi lớn lên con trai học giỏi là hữu phước, bằng con gái dù có học giỏi cũng xem như vô ích. Sở dĩ có quan niệm ấy là vì họ xem đàn bà chỉ là món đồ chơi của đàn ông, chỉ là bộ máy sinh sản để cho giống nòi được tồn tại mà thôi. Ôi! Nếu xem đàn bà như vậy thì biến họ thành những con thú vật. Ngay nay phái nữ cũng đứng ra lãnh trọng trách như đàn ông, có nhiều bà tài năng xuất chúng còn hơn cả đàn ông nữa là khác.
- Mạnh Sĩ Nguyên muốn kén rể nhưng đứng trước hai chàng công tử họ Hoàng Phủ và họ Lưu tài mạo tương đương, gia thế cũng tùng tiệm; khó mà giải quyết nổi nên định hỏi Mạnh Tiểu thơ, hễ nàng ưng ai thì gả cho người ấy, đó là thượng sách rồi, sau khi vào hỏi lại không hỏi ngay con mình mà lại hỏi vợ, nghe lời dâu bày ra việc thi kén chọn để cho mích lòng một trong hai người ấy.
Còn xét về Hoàng Phủ Thiếu Hoa, chàng đã thấy trước vấn đề là ra tỉ thí tất nhiên phải có kẻ thắng người bại, nếu chàng bị thất bại giữa tình trường thì con2 gì cay đắng hơn? Ngược lại Lưu Khuê Bích bị thua thì còn gì là tình bằng hữu? Nhưng khổ thay Hoàng Phủ Kính đường đường là một vị Nguyên soái chẳng lẽ để cho con mình rút lui có trật tự trước ba mũi tên sao? Bề nào Thiếu Hoa cũng phải đi tỉ thí, mà đã tỉ thí thì tất nhiên tình bằng hữu phải bị tổn thương. Thế thì có trách là trách sao cho người bày ra cuộc thi ấy. Làm như vậy chẳng khác nào gài cái bẫy để cho hai họ Hoàng, Lưu thù nghịch nhau vậy. Cho hay phàm làm con gái nếu không ưng người ta thì thôi chứ đừng nên làm mích lòng người, nguy hiểm!
Tái Sanh Duyên Tái Sanh Duyên - Mộng Bình Sơn Tái Sanh Duyên