Books are the bees which carry the quickening pollen from one to another mind.

James Russell Lowell

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 26
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Trăm Năm Thề Đến Bao Giờ…
ruyện Kiều là tác phẩm có nhiều cuộc thề thốt nhất. Không phải tất cả nhưng gần như tuyệt đại đa số nhân vật trong Kiều cứ mở miệng ra là y như rằng thế, nguyền, cam kết, hứa hẹn.
Nhưng Truyện Kiều cũng là truyện tình trong đó những người thề ít giữ được lời thề nhất. Có thể nói tất cả những nhân vật thề ước trong Kiều đều, nếu không phản bội, cũng không giữ được lời thề.
Thúy Kiều, Kim Trọng, Thúc Kỳ Tâm, ba nhân vật chính, thề thốt thật nhiều. Mỗi lần họ thề là họ lấy thời gian “trăm năm”:
Rằng: “Trăm năm cũng từ đây
Của tin gọi một chút này làm ghi.
Tiên thề cùng thảo một trương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng, một lời song song.
Tóc tơ căn dặn tấc lòng,
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Đã nguyền hai chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.
Đấy là những lời cô cậu Thúy Kiều - Kim Trọng thề thốt mí nhau. Toàn đao to búa lớn: Trăm năm cưa, năm bảy năm hổng thèm đâu…
Cậu Thúc Kỳ Tâm sợ vợ vô đọich võ lâm cũng cứ mở miệng ra là nói đến “trăm năm”. Thề nguyền đến như Công tử Vô Tích Chạp Phô kiêm thi sĩ Kim Chỉ, Giải Rút đúng là thề vung xích chó:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn, lạch sông.
Nhưng khi cậu thấp cơ, thua trí đàn bà; vợ lớn của cậu bắt cóc vợ bé của cậu đem về nhà hành hạ, cậu chỉ biết khóc hận, cười đau nhưng cậu vưỡn cứ hung hăng con bọ xít:
Quản chi lên thác, xuống ghềnh
Cũng toan sống thác với tình cho xong.
Nhưng mà:
Tông đường chút lửa cam lòng
Nghiến răng bẻ một chữ đồng làm hai.
Cậu rất muốn bỏ hết để đi với em đến những nơi cuối bãi đầu ghềnh, sơn cùng thủy tận. Nhưng cậu chỉ muốn cái mồm thôi, cậu hổng đi. Lý do cậu đưa ra để hổng đi mí em là một lý do yếu xìu:
- Tại vì anh chưa có con để nối dõi nên anh hổng thể nào đi mí em được!
Lạ nhẩy! Anh hổng đi mí em vì anh chưa có con trai nối dõi? Dzậy thì đi mí em anh hổng có con được hay sao? Tại sao anh cứ nhất định phải có con mí Hoạn Thư mới được? Con Hoạn Thư đẻ ra mới là con anh, còn con em đẻ ra hổng phải con anh sao? Hoạn Thư nó về làm vợ anh đã lâu rồi, ít nhất anh cũng đã vất vả với nó năm mùa lá rụng. Mà nó vẫn chưa có con tức là còn lâu nó mới có con. Còn em đây phới phới hơn nó nhiều. Bộ em không đẻ được con cho anh nối dõi tông đường hay sao? Đừng có nói dzậy! Muốn em hổng đẻ thì hơi khó chứ muốn em đẻ thì dễ ợt!
Thi sĩ tạp hóa Thúc Kỳ Tâm ngoài cái tật sợ vợ, còn thuộc loại những anh chồng mà ông cha ta gọi là có hành động “bỏ vợ còn mó… tay theo”. Cậu bảo ni cô bỏ chùa trốn đi cho mau, cho xa:
Liệu mà xa chạy, cao bay
Ái ân ta có ngần này mà thôi.
Nhưng cậu vưỡn cứ hy vọng một ngày đẹp trời, cậu và nàng sẽ lại được đoàn tụ gia đình trong vòng trầy trật:
Bây giờ kẻ ngược, người xuôi
Biết bao giờ lại nối lời nước non.
Cậu còn nói lời cuối “Anh yêu em mãi mãi”:
Dẫu rằng sông cạn, đá mòn
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ
Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng tình anh yêu em vưỡn còn mãi mãi. Đến lúc anh ngáp ngáp, anh vưỡn còn yêu em.
Anh yêu em nhưng bỏ vợ để đi mí em thì anh hổng đi. Thúc Kỳ Tâm chưa được là “nhà buôn”, cậu chỉ là “con nhà buôn”. Cậu ăn chơi vung vít nhờ tiền của anh bố ký cóp. Suốt đời cậu chẳng kiếm ra được một đồng xu teng. Cậu chuyên khuân tiền nhà đi ăn chơi. Cậu là thứ phá gia chi tử chân chính. May cho ông già Thúc Ông ba phải chưa đến số sập tiệm, ông chỉ mới vắng mặt ở cửa tiệm Lâm Tri có nửa năm, ông mà láng cháng vắng mặt thêm nửa năm nữa là bao nhiêu vốn liếng sẽ tiêu tán thoòng…
Thúy Kiều thề sẽ đợi chờ Kim Trọng suốt đời. Nhưng chỉ mới ba tháng sau ngày Kim công tử về Liêu Dương áp tải quan tài, nàng đã:
Thề hoa chưa ráo chén vàng
Lỗi thề thôi đã phụ phàng với hoa.
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Ôi Kim lang… Hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Thúy Kiều không giữ được lời thề vì nàng là nạn nhân của tai họa xảy đến với gia đình nàng, nàng là phụ nữ, nàng bị động. Bọn đàn ông thề và phụ thề trong Kiều mới là bọn đáng ghét. Thúc Kỳ Tâm ba hoa:
Đường xa chớ ngại Ngô, Lào
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Nhưng khi vợ lớn cậu ra tay, hạ độc chiêu, cậu chỉ biết than dài:
Thấp cơ thua trí đàn bà
Trông vào đau ruột, nói ra ngại lời.
Kim Trọng ngoài việc là chưởng môn Hoa Thơm Đánh Cả Cụm, còn là một chuyên viên “mồm miệng đỡ chân tay”. Khi từ Liêu Dương trở lại vườn Thúy, thấy Thúy Kiều đã lên xe bông về nhà chồng, cậu lăn đùng ngã ngửa, cậu giẫy đành đạch như đỉa phải vôi. Cứ nghe cậu trình diễn nhiều màn thảm thiết làm người ta tưởng cậu chết đến nơi:
Vật mình, vẫy gió, tuôn mưa
Dầm dề giọt ngọc, thẫn thờ hồn mai.
Đau đòi đạn, ngất đòi thôi
Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê.
Cậu hung hăng thề - lại thề - loạn cào cào:
Bao nhiêu của, mấy ngày đàng
Còn tôi, tôi quyết gặp nàng mới thôi.
Thế rồi cậu về sửa sang chốn vườn hoa - vườn Lãm Thúy, nơi cậu mượn điều du học hỏi thuê - cậu rước ông bà viên ngoại đến ở cùng nhà. Cũng kỳ. Cậu lấy tư cách chi mà chiêu đãi, phục vụ ông bà Vương Viên Ngoại quá cỡ thợ mộc đến thế? Ông bà Vương sau chuyến đi tù về hết nhẵn tiền bạc, nên sẵn sàng chịu ơn một anh chàng chẳng có họ hàng, dây mơ rễ muống chi hết là chuyện thường tình. Chỉ có điều hơi phiền là ông bà về ở chung mí anh thì em Thúy Vân nó cũng theo về ở chung, ra vô đụng chạm. Anh ruột cũng hổng phải nốt. Khó ăn, khó nói. Chi bằng con chị nó đi, con dì nó thế. Mà công tử thì đúng là sắp chết đến nơi, sắp chết đến nỗi trên cái cõi đời này hổng còn ai có thể sắp chết hơn được nữa:
Sinh càng thảm thiết, khát khao
Như nung gan sắt, như bào lòng son.
Ruột tằm ngày một héo don
Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve.
Thẫn thờ lúc tỉnh lúc mê
Máu theo nước mắt, hồn lìa chiêm bao…
Công tử khóc ghê quá, Công tử khóc đến ra máu ở mắt. Người đời thường chỉ ho ra máu, ít thấy ai khóc ra máu như Công tử.
Phải cứu mạng Kim công tử khẩn cấp. Khóc ra máu như thế, lúc tỉnh lúc mê như thế, Công tử ra nghĩa địa đến nơi rồi. Công tử ngoẻo củ tỉ là cái chắc! Điều kỳ diệu xảy ra - chuyện thuộc loại khó tin nhưng có thật - ông bà Vương Viên Ngoại không phải là lang thuốc nhưng lại bốc thuốc điều trị cứu mạng Công tử rất mát tay. Ông già Vương trông lù khù thế mà hốt thuốc cao tay hơn cả Hoa Đà, Biển Thước.
Vương lang băm chỉ bốc có một thang thuốc thôi, nhưng là thang tiên dược, thần dược. Công lực của thang thuốc thần hiệu không biết đến thế nào là cùng. Kim bệnh nhân đang mê sảng, khóc ra máu, mắt trợn trắng, miệng ngáp ngáp, mấy ngón tay đã bắt chuồn chuồn, nằm thẳng cẳng ngay đơ cán cuốc… Nhưng chỉ cần thang tiên-thánh-thần-nhân-dược này đưa đến là kẻ sắp vào quan tài nhỏm ngay dậy đi hớt tóc, cạo râu, tắm, lên bộ com-lê ca-la-hoách, leo xe bông đến nhà thờ cho cha làm phép cưới, cặp tay ôm eo ếch cô dâu cùng uống ly rượu hôn phối ở nhà hàng rồi về ô-ten động phòng hoa chúc như máy…
Vương Viên Ngoại đã bốc thang thuốc thần sầu quỉ khốc nhân kinh ấy cứu mạng Kim công tử. Đừng có mê tín thuốc tây, thuốc ta mới là số dzách! Không phải tìm kiếm đâu xa, cái gọi là thuốc cải tử hoàn sinh ấy thường có sẵn ngay trong nhà hay ở gần nhà. Anh nào có phúc là anh ấy gặp thuốc. Kim công tử số chưa đến ngày hui nhị tì nên đã may mắn được gặp thang thuốc đó. Đang sắp chết cậu tươi lại, tỉnh ra, đầu óc sáng như gương tàu, cậu hết còn mê sảng, cậu dùng thuốc dài dài mỗi ngày và cậu học đâu nhớ đấy, học một biết mười. Sau khi có thuốc được mấy niên, cậu đi thi bèn đỗ tiến sĩ.
Bi giờ Kim công tử không còn sắp chết nữa. Đôi khi công tử cũng thoáng nhớ thương Thúy Kiều:
Nỗi nàng nhớ đến bao giờ
Tuôn châu đòi trận, vò tơ trăm vòng.
Công tử được cái hơn người là:
Khi ăn ở, lúc ra vào
Càng vui duyên mới, càng dào tình xưa.
Điều này có nghĩa là cậu càng dzui mí Thúy Vân chừng nào thì cậu lại càng nhớ thương Thúy Kiều chừng ấy. Chung tình đến như cậu mới thiệt là chung tình.
Công tử thề nhất quyết phải được gặp lại Thúy Kiều dù phải tốn bao nhiêu tiền của, mất mấy ngày đàng. Nhưng ta thấy công cuộc tìm kiếm người mất tích trong khi thi hành công vụ của cậu có vẻ hơi lửng lơ con cá vàng theo kiểu làm cho có:
Đinh ninh mài lệ, chép thư
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe
Biết bao công mượn của thuê…
Công thì cậu mượn người khác làm. Tiền cậu bỏ ra thuê người khác thế, cậu ở nhà cậu phục thuốc mỗi ngày. Dường như Tố Như, người từng ca tụng Kim công tử với những lời hết xẩy: “Thông minh tài mạo tót vời. Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” và “Văn chương nét đất, thông minh tính trời” đến những đoạn về sau cũng có ý phê phán thái độ tìm kiếm bôi bác và “hoa thơm đánh cả cụm” của đương sự. Ta thấy ẩn ý của Tố Như trong hai câu:
Cắt người tìm tõi, đưa tờ nhắn nhe
Biết bao công mượn, của thuê…
Tìm kiếm, tìm gấp, tìm kỹ, tìm ra, tìm dzô, tìm về, tìm đi, tìm vợ, tìm hiểu, tìm chỗ, tìm vết… v… tìm gì cũng được nhưng “tìm tõi” nghe mới bôi bác làm sao! Đã “tìm tõi” lại còn “nhắn nhe”… Nhắn tin, nhắn miệng, nhắn nhủ, nhắn gì cũng được nhưng “nhắn nhe” nghe hổng được chút nào!
Việc dượng Kim Trọng lấy dì Thúy Vân không có gì xấu hay đáng chê trách hết. Không những không phải là việc xấu, việc đáng chê trách mà còn là việc làm thông thường của tất cả những ông anh rể quí trên cõi đời này. Những ông anh rể này không những chỉ thương yêu vợ mình mà còn thương yêu luôn cả hằm bà lằng những cô em vợ. Nhưng khi đã “vui duyên mới” rồi thì cậu không nên trình diễn những màn “dào tình xưa” nữa. Nhất là cậu đừng có mở miệng nói những câu đao to búa lớn:
Bình bồng còn chút xa xôi
Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an.
Rắp mong treo ấn, từ quan
Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng pha.
Giấn mình trong áng can qua
Vào sinh, ra tử họa là thấy nhau.
Cậu dọa treo ấn từ quan nhưng cậu hổng có làm thật, còn lâu cậu mới từ quan, treo ấn. Còn chuyện giấn mình trong áng can qua thì cậu giấn mồm thôi. Sức mấy cậu chịu liều mạng công tử bột vào sinh ra tử tìm Kiều.
Cậu mặt trơ trán bóng chạy tội bằng mấy câu:
Nghĩ điều trời thẳm vực sâu
Bóng chim, tăm cá biết đâu mà tìm.
Những là nấn ná đợi tin,
Nắng mưa đã biết mấy phen đổi dời.
Chèng đéc ơi! Nấn ná là năm bữa nửa tháng, một hai niên…. Nấn ná những đến mười lăm mùa lá rụng thì còn gì là tuổi xuân của con nhà người ta nữa? Sốt sắng bảo lãnh thì chỉ năm năm là đoàn tụ với nhau rồi. Nấn ná đến mười lăm niên mới chi vé máy bay cho em sang thì “còn tình đâu nữa, là thù đấy thôi”…
Thiên hạ nặng lời thề thốt, hễ mở miệng ra là “trăm năm”: Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương. Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai. Rằng trăm năm cũng từ đây. Trăm năm tính cuộc vuông tròn… Không những xài vung xích chó chữ “trăm năm”, người ta còn khiêng cả “ngàn năm” vào cuộc tình của người ta nữa: Sự muôn năm cũ kể chi bây giờ…
Nhưng chỉ số thời gian của những nhân vật Kiều không phải là “trăm năm” mà dài lắm chỉ vài năm, ngắn là nửa năm. Thời gian “nửa năm” được dùng thật nhiều trong Kiều:
Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô, cành bích đã chen lá vàng
Giậu thu vừa nẩy giò sương
Gối yên đã thấy xuân đường đến nơi.
Kỳ Tâm đến với Thúy Kiều ờ lầu Ngưng Bích những ngày đầu xuân, đưa nàng ra khỏi vòng khai thác của Tú Bà vào mùa hạ. Bây giờ là mùa thu, Thúc ông được tin cấp báo anh con bốc trời ăn chơi phá của quá cỡ thợ mộc vừa lấy cô vợ chơi bời, bèn hỏa tốc phóng xế về Lâm Tri phá đám:
“Nửa năm hơi tiếng vừa quen” là nửa năm đầu tiên trong Kiều.
Thúy Kiều xuống giá cùng với thời gian. Mã Giám sinh mua nàng với giá bốn trăm lạng. Thúc Kỳ Tâm chuộc nàng với khoảng ba trăm lạng. Đến Từ Hải thì giá nàng chỉ còn khoảng trên dưới hai trăm. Nhưng thời gian Từ Hải sống chung với nàng thì vẫn thế, vẫn chỉ là “nửa năm”:
Nửa năm hương lửa đang nồng,
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương.
Kỳ Tâm - Kiều nửa năm. Từ Hải - Kiều sáu tháng. Thời gian của cậu Kim Trọng mới thật ly kỳ. Khi tạm biệt Kiều để về Liêu Dương hộ tang ông chú lắm chuyện bày đặt đã không có con lại lăn đùng ra chết ở nơi xứ lạ quê người bắt anh cháu đưa đón, Công tử đau khổ hẹn nàng:
Ngoài nghìn dặn, chốc ba đông
Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy.
Gìn vàng giữ ngọc cho hay
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Ta thấy rõ ràng Công tử nói: “Anh phải xa em đến ba mùa đông. Em chịu khó giữ nguyên chờ anh trở lại…” Nhưng sau đó ta lại thấy:
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà
Vội sang vườn Thúy dò là…
Như vậy là đáng lý phải xa cây mít vườn Thúy đến ba niên, Công tử chỉ làm công việc phù tang qua quít - tiếng Tây bồi gọi là “qua loa rơ măng” - trong có sáu tháng là phú lỉnh trở về vườn Thúy. Kể ra công tử làm như dzậy cũng đúng thôi. Hộ tang gì mà đến những ba niên? Quá ư lãng phí thời giờ vô ích. Đến cái năm Gia Tĩnh triều Minh ấy, xã hội Ba Tàu đã tiến bộ văn minh rồi. Nam nữ không còn bị kềm kẹp trong những phong tục cổ hũ di truyền từ đời những ông Khổng Khâu, Mạnh Kha mới cưới vợ. Qua tác phẩm Kim Vân Kiều, ta thấy trai gái đời Gia Tĩnh triều Minh không còn tuân thủ cái luật gọi là “nam nữ thụ thụ bất thân” nữa. Kim Trọng - Thúy Kiều đã công khai gặp nhau ở nghĩa địa. Thời gian lúc ấy là buổi chiều tà tà bóng ngả về tây nhưng chiều tà cũng vưỡn là thanh thiên bạch nhật. Trinh nữ Thúy Kiều còn văn minh hiện đại hơn rất nhiều em trinh nữ Mít thời nay - những năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi trần ai khoai củ - với việc nửa đêm nàng chui hàng rào sang vi-la Kim Trọng tự tình, thế thốt, ký hợp đồng hai chiều, cắt tóc, uống rượu, mần thơ, gảy đàn, lả lơi, xiêu xiêu v.v…
Nếu cứ theo đúng luật pháp cư tang do những ông nho chùm đời xửa đời xưa để lại thì lôi thôi, rắc rối đến cái độ người ta chẳng còn mần ăn chi được. Bố mẹ chết là anh con phải cư tang ba niên. Cư tang như thế nào? Phải sống như thế nào khi cư tang? Kể sơ thôi cũng thấy rợn tóc gáy, ớn cả da gà lẫn da vịt:
Phải làm nhà lá che phên cạnh mộ bố mẹ, phải ăn ngáo ở đầy liền tù tì trong ba niên. Trong ba niên ấy không được ăn thịt, uống rượu, cười cợt; không được đàn ca hát xướng - tất nhiên cư tang mà xem video, nghe CD là không được. Không được cả tắm, rửa mặt, gội đầu, đánh răng súc miệng trong ba niên. Xin nhắc lại: ba niên. Nặng nhất, tàn ác nhất, đau thương nhất là trong ba niên cư tang dài đằng đẵng hơn ba mươi thế kỷ ấy, anh con cư tang không được gần vợ lớn, vợ bé lẫn tình nhân. Nếu trong ba niên cư tang mà anh nào vô phúc làm vợ lớn, vợ bé có chửa là cuộc đời đi vào chu kỳ đen hơn mõm chó mực. Phạm cái tội bất hiếu tày trời này, can phạm sẽ bị dư luận chê bai. Nếu là thư ờng dân thì bị quan cai trị địa phương bắt nộp phạt. Nếu là quan lại tại chức mà phạm tội sẽ bị các ông Ngự sử đàn hặc, tâu lên nhà vua; đang là thái thú, thứ sử, tư mã, có thể bị giáng xuống chức chấp kích lang mặc áo dấu, đi chân đất, vác kích, súng hỏa mai, đứng ghếch cửa….
Nhưng… như đã nói, may quá, đó là chuyện đời xưa. Bỉ nhất thời, thử nhất thời… Đời ấy khác, đời này khác. Bộ hình luật cư tang ác ôn côn đồ ấy đã bị thủ tiêu nhẵn thín, còn chăng là trong những trang sách sử mốc thếch chẳng ai thèm đọc; có đọc, có viết lại thì cũng chỉ với mục đích nhắc cho nhau nhớ thời đại chúng ta con người đã sung sướng lắm rồi. Ít nhất những anh con chí hiếu đã có thể để tang, thương nhớ bố mẹ trong trái tim, cư tang suốt đời chứ không còn giới hạn ba niên ngắn ngủi nữa. Thực ra bọn đàn ông hèn nhát đã không có can đảm tự cởi bỏ những gông cùm, xiềng xích cư tang nếu không có những người đàn bà đứng sau lưng thúc đẩy họ. Những người phụ nữ đã dũng cảm quyết liệt phản đối cái luật ép buộc chồng, tình nhân của họ ba niên không được rửa mặt, gội đầu, xem xi-nê…
Sự kiện rõ ràng, không cãi bàn chi được là Kim Trọng đáng lẽ phải hộ tang xa ngàn dặm đến ba niên - như chính lời cậu nói - chỉ hộ tang có nửa năm là dzọt lẹ trở về Vườn Thúy.
Thời gian trong Kiều thực tế là mười lăm năm:
Mười lăm năm, tám cuộc tình
Bốn tên chết bởi cô mình oan gia…
Tuy người ta luôn miệng nói đến “trăm năm” nhưng trước sau, dài ngắn chỉ là mười lăm năm thôi. Trong mười lăm năm ấy có ba cái “nửa năm”:
Nửa năm hơi tiếng vừa quen
Sân ngô, cành bích đã chen lá vàng
Nửa năm hương lửa đang nồng
Trượng phu thoắt đã động lòng bốn phư ơng.
Từ ngày muôn dặm phù tang
Nửa năm ở đất Liêu Dương lại nhà.
Công tử Hà Đông tại ngục Chí Hòa vịnh Kiều, tính thời gian thiên hạ nói: “trăm năm” nhưng yêu nhau không dài quá năm năm: Thúy Kiều - Kỳ Tâm hai niên. Thúy Kiều - Từ Hải năm niên. Thiên hạ nói thì nhiều xong yêu chẳng bao nhiêu. Cảm khái, Công tử bèn mần thơ:
Mấy thu trăng đến chùa này
Mấy thu em ở, một ngày em đi.
Tình đi, người cũng từ ly
Vàng phai, đá nát còn gì nữa đâu.
Mấy thu trăng đứng trên đầu,
Mấy thu tơ đã phai màu vàng tơ.
Trăm năm thề đến bao giờ
Mấy thu người đã hững hờ chia tay.
Tại Ngục Vịnh Kiều Tại Ngục Vịnh Kiều - Hoàng Hải Thủy Tại Ngục Vịnh Kiều