It is what you read when you don't have to that determines what you will be when you can't help it.

Oscar Wilde

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 26
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Thúy Kiều Trả Thù
uá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao…
Đó là hình ảnh của Mã Giám Sinh. Hình ảnh ấy em đã biết, dù em chỉ đọc Kiều ở những đoạn tả tình, tả cảnh mà em thích. Vì vậy, anh không cần diễn tả thêm nữa về hình ảnh của Mã Giám Sinh cùng giới thiệu với em về y. Ở đây anh chỉ viết cho em những gì về Kiều mà anh nghĩ rằng trước anh chưa có ai viết và em chưa từng bao giờ đọc.
Em đã thấy Thúy Kiều, khi trở thành lệnh bà ở Hàng Châu, trả thù Hoạn Thư: Thúy Kiều tuy tha chết cho Hoạn Thư nhưng cũng đánh cho thị một trận nhừ tử dở sống dở chết. Tú Bà thì bị trói tròn như khúc gỗ, tẩm dầu vong kín mít từ đầu đến chân, dựng ngược đầu xuống đất, làm cây đuốc sống, đốt cho đến chết. Và đây là cảnh Mã Giám Sinh, tức Mã Quy, tức Mã Bất Tiến, bị lệnh bà trừng phạt:
“Mã Giám sinh bị kẹp chân tay vào mấy cây gỗ, căng thẳng ra. Quân sĩ dùng dao nhọn khoét da, moi những đầu gân của họ Mã ra. Rồi họ cho móc câu vào móc gân làm cho thân thể họ Mã lúc đầu co rúm lại, cho đến lúc những sợi gân bị đứt thì xác họ Mã rã rời ra từng mảnh. Phu nhân sai quan mang xác Mã Giám sinh vứt xuống biển cho cá ăn.”
Bây giờ em coi đoạn phim video Thúy Kiều trả thù bọn Sở Khanh, Bạc Hà, Bạc Hạnh:
“Cũng giống như Tú Bà, Sở Khanh bị trói tròn như khúc gỗ. Sở Khanh cũng bị tẩm dầu thông và keo vỏ gai kín mít nhưng không bị đốt như Tú Bà mà bị để nằm đó cho chết dần. Dầu thông và keo vỏ gai làm cho thân xác Sở Khanh một lúc sau trở thành một cây máu thịt đỏ lòm, bầy nhầy. Sở Khanh còn thoi thóp nhưng chưa chết hẳn. Quân sĩ lấy nước vôi tưới lên, da thịt đẫm máu của Sở Khanh nổi lên những bong bóng nổ lốp bốp. Một lúc sau nữa thì toàn hân Sở Khanh chỉ còn là một đống máu mủ khủng khiép.
“Bạc Bà bị chặt đầu, đem thủ cấp treo ngoài viên môn. Bạc Hạnh bị trói lại như khúc cây rồi bị cưa từ chân dần lên đến ngực. Thân xác Bạc Hạnh bị cưa rời ra thành cả trăm mảnh. Sau đó phu nhân truyền đem thịt Bạc Hạnh trộn vào cỏ cho ngựa ăn”.
Những đoạn văn trên trích trong tiểu thuyết chữ Hán Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân. Trong truyện thơ Kiều, Nguyễn Du bỏ đi những chi tiết ghê rợn này.
Em yêu ơi… Đành rằng những tên gây nên tội thì phải đền tội. Và anh cũng chủ trương rằng cần phải trị tội những tên làm bậy để cho những tên khác thấy thế mà kinh hãi, mà bới đi sự làm bậy, nhất là để cho những tên nắm được quyền hành một thời lấy đó làm gương. Nhưng anh chỉ chủ trương trên lý thuyết là phải trị tội chúng như vậy thôi, đến lúc thấy chúng bị hành tội thì anh lại không thể nhẫn tâm. Thố tử hồ bi… Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ. Loài vật còn biết thương yêu nhau, thương xót nhau… Có nhiều lúc anh thấy xấu hổ vì loài người có nhiều tên – không phải là tất cả – không bằng được loài vật. Đó là những lúc anh thấy những kẻ reo hò, nhảy múa, ca hát trên xiềng xích và trên cái chết của người khác.
Em yêu của anh ơi… Nếu em là Thúy Kiều và nếu anh có thể khuyên can được em, khi em phán quyết trả thù bọn làm hại em bằng những hình phạt ghê rợn đến như thế, anh đã khuyên em đừng, em không nên… Đã đành là bọn Hoạn Thư, Tú Bà, Mã Giám sinh, Sở Khanh, Bạc Bà, Bạc Hạnh có tội với em, chúng đã làm em đau khổ, chúng đã hành hạ cả tinh thần lẫn thể xác em và bây giờ khi em đã lên bà, em có quyền giết chúng, em cũng chẳng nên. Anh không khuyên em bỏ qua hay tha bổng chúng, em chỉ nên căng nọc chúng ra, đánh cho mỗi tên một trận què lê lết rồi cho chúng sống nốt những ngày tàn, cho chúng thấm đòn. Như tên Mã Giám sinh chẳng hạn. Nếu em để cho y sống, y còn mần ăn gì được nữa. Năm y đến mua em với giá 400 cây vàng ở Bắc Kinh, em mười tám tuổi còn y quá niên trạc ngoại tứ tuần tức là y đã ngoài bốn mươi tuổi rồi. Bây giờ là mười năm sau, khi em trở thành phu nhân, em hai mươi bảy, hai mười tám cái xuân xanh mướt thì y đã năm mươi mấy tuổi. Vốn là một gã phong tình đã quen… tuy ngoài năm mươi tuổi nhưng quen nghề phong tình, rất có thể là tên Mã Quy, Mã Bất Tiến đó vẫn còn có thể mần được những trò phong tình, em chỉ nên trừng trị y vào đúng cái chỗ y đã dùng nó để phạm tội với em. Bắt nó để lên phiến đá, cho quân lấy cái chày giã cua, hay lấy cái dùi trống cũng được, dần cho nó vài chục cái. Không cần nhiều, chỉ cần độ ba chục cái thôi là nó buốt lên tới óc, xương sống nó rã rời, bao nhiêu khớp xương, đầu gân của nó lỏng lẻo hết. Nó còn sống ngày nào là dư ngày ấy thôi. Nó sẽ lử khử lừ khừ rũ riệt cho đến ngày nó chết. Hai tên Sở Khanh, Bạc Hạnh cũng bị trị tội y như Mã Giám sinh. Em có thể gia giảm cho hai tên này đôi chút vì chúng là những tên xếp hàng sau họ Mã. Trong cái hàng dài những tên nham nhở can tội xâm phạm và dày vò cái “ngàn vàng” của em, Hồ Tôn Hiến là tên sau chót.
Nói đến cái “ngàn vàng” của em, anh muốn nhắc để em nhớ rằng vào cái thời em đang tròn tuổi nguyệt, trần ai chưa lấm được thơ ngây, tức là vào cái thời gọi là “Gia Tĩnh triều Minh, bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng” – năm 1555 sau Thiên Chúa – cái gọi là “ngàn vàng” của em nó có giá ghê lắm.
Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.
Mã Giám sinh nó mua cái “ngàn vàng” của em với giá bốn trăm lạng. Nhưng tới đây thì có sự không minh bạch; đó là bốn trăm lạng vàng hay bốn trăm lạng bạc? Nếu bốn trăm lạng vàng thì đó là giá cao còn nếu là bốn trăm lạng bạc thì giá trị cũng chẳng còn có mấy đâu. Cứ theo như bản tiều thuyết Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân mà anh đang tra cứu đây thì đó là “bốn trăm lạng bạc” nhưng trong những bản Thơ Kiều của Nguyễn Du, tức là của ta, thì gần như tất cả các bản đều in là “Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm“, tức là “hơn bốn trăm lạng vàng”. Thôi thì chúng ta cứ coi đó là vàng đi. Cho nó hách, Có phải đóng thuết giờ nào đâu mà sợ.
Em yêu ơi… Nếu cái đó mà trị giá tới bốn trăm cây vàng thì quả thực cao quá là cao. Nhất là so với thời giá bi giờ. Hiện nay cái đó chỉ là 100 đô, tức là chỉ có “vàng ngoài hai chỉ” thôi. Có đắt lắm, có thơm lắm, nó cũng chỉ đến 500 đô, tức là “vàng ngoài một cây” là cùng.
Về trường hợp “xâm phạm Ngọc Long Cung” của em thì anh thấy Mã Giám sinh có thể được hưởng sự giảm khinh. Bởi vì gã bị bắt buộc phải làm việc ấy. Gã nói gã mua em về làm vợ bé thì khi làm xong mọi thủ tục mua bán, cưới xin, khi đưa em bình yên về đến ôten thì gã phải làm thôi. Không có lý phải chờ tới khi đưa em về tới Lâm Tri gã mới làm. Nếu gã không làm ngay việc đó ở Bắc Kinh, em sẽ có lý do vững chắc như cua gạch để nghi rằng gã mua em về để dùng em vào việc gì khác chứ không phải là dùng em với tư cách vợ bé của gã. Đây là bằng chứng:
Vả đây đường xá xá xôi
Mà ta bất động nữa người sinh nghi.
Đó là lời trong Thơ Kiều. Còn đây là ý nghĩ của Mã Giám sinh trong truyện: Hiện nay mình chưa ra khỏi kinh thành. Đã đón nàng về đây rồi nếu mình chẳng thành vợ chồng với nàng, sợ nàng về kể lại với cha mẹ nàng thì lôi thôi to. Chi bằng ta hãy… Rồi khi về đến hành viện, sẽ dùng cách trang điểm lại thì nói vẫn còn y nguyên, tiền mở hộp vẫn mấy trăm lạng vàng, có mất đi đâu đồng nào. Vậy thì tại sao ta lại chẳng đi nước trước. Nếu mụ Tú có biết thì ta cũng chỉ mất công quì gối một buổi là xong…
Em yêu ơi, anh thấy gần như tất cả – không, không phải gần như tất cả mà là “tất cả” – những tên đàn ông quanh quẩn bên cái chỗ để ngồi của Thúy Kiều đều là những tên nếu không ngu si, hèn nhát thì cũng tham lam, đểu giả, tàn nhẫn. Kim Trọng thì “hoa thơm đánh cả cụm, yêu con chị dị luôn con em” – yêu cái kiểu như Kim Trọng thì tên đàn ông hạng bét nào ở cõi đời này chẳng yêu được – miệng thì rêu rao nhất định phải đi tìm Thúy Kiều cho bằng được mới thôi, dù là phải “dấn mình trong áng can qua, vào sinh ra tử” nhưng vẫn cứ ở nhà ôm đít Thúy Vân hưởng lạc thú cơm nhà, quà vợ… Thúc Kỳ Tâm sợ vợ đến cái độ làm cho những anh sợ vợ nhất nhì cõi đời này cũng phải lắc đầu. Hồ Tôn Hiến dâm đãng và tàn nhẫn, ti tiện nữa: Lão nhờ Thúy Kiều một phần mà được thành công, nhưng khi thành công rồi lão có thèm thuồng “cho anh một tí…” cũng được đi, song thay vì thỏa mãn mọi mặt rồi lão chỉ có việc cấp cho nàng cái vé xe đò, cho xe jeep đưa nàng ra bến xe để nàng về Bắc Kinh đoàn tụ gia đình, lão cũng không làm. Thay vì làm cái việc dễ làm đến như thế, lão lại muối mặt già giao nàng cho một anh Thổ quan vô danh để anh này muốn làm gì nàng thì làm. Đến cả Từ Hải là kẻ được tô son, vẽ phấn nhất cũng chỉ là một anh dũng phu không hơn không kém. Những câu như “Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh” và “Khóc rằng: Trí dũng có thừa…” đều là những câu ca tụng Từ Hải quá đáng và không đúng. Cái cảnh Từ Hải sai những “mười vị tướng quân…” đi đón Thúy Kiều – không thấy nói rõ là chuẩn tướng, thiếu tướng, trung tướng hay đại tướng… Chỉ biết một điều chắc như bắp là những anh tướng chịu đi đón phu nhân kính cẩn như vầy thì khi đánh nhau phải vô cùng anh dũng – Mười vị tướng quân mang giáp binh, tức là xe tăng, thiết vận xa, rồi cung nga, thể nữ lóc nhóc một đống, rồi phượng liễn, loan nghi, tức là cờ quạt, y phục, thêu hình chim phượng, chim loan. Khi phu nhân đi thì dựng cờ, nổi trống, đội kèn đồng bu-dzích quân nhạc đi trước, xe Mercedes nạm vàng chở phu nhân đi sau: “Trúc tơ nổi trước, kiệu vàng theo sau“. Gác-đờ-co bảo vệ yếu nhân chạy đầy đường. Khi vợ đến thì “Kéo cờ lũy, phát súng thành. Từ công cưỡi ngựa thân chinh cửa ngoài…” tức là kéo quốc kỳ lên, nổ 21 phát đại bác để… đón vợ. Chỉ cần xem cái cảnh Từ Hải đón vợ lố bịch, rởm đời như thế thì bất cứ ai có óc phán đoán nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng cũng có thể biết rằng lúc đánh nhau, Từ Hải sẽ loạng quạng đến như thế nào và việc Từ Hải chết đứng là việc dễ hiểu thôi.
Nhưng hèn hạ đến như Mã Giám sinh thì là hèn hạ nhất đời. Trong số ba tên ma cô khai thác thể xác thơm hơn múi mít của Thúy Kiều để kiếm ăn thì Mã Giám sinh là tên hàn hạ nhất. Khi đến Bắc Kinh mua Kiều, Mã Giám sinh ngoại tứ tuần. Tú Bà lúc đó chắc phải ngoại ngũ tuần. Tức là Tú Bà hơn Mã Giám sinh khoảng mười tuổi. Và mụ đối xử với tên chồng em như đối xử với con mụ vậy. Gã phạm tội là mụ bắt gã quì gối. Y như là bà mẹ xử phạt thằng con hư phá. Và gã hoan hỉ chịu sự trừng phạt ấy, vì gã đã tính trước:
Mụ già hoặc có điều gì
Liều công mất một buổi quì là xong
Tất nhiên là tay chuyên viên tổ chức hành lạc như Tú Bà sẽ biết ngay những việc Mã Giám sinh làm với người thiếu nữ gã có nhiệm vụ mang tiền đi mua về. Và khi mụ biết, cơn tam bành của mụ sẽ ầm ầm nổi lên. Mã Giám sinh biết rõ chuyện ấy hơn ai hết nhưng gã vẫn cứ làm. Với kinh nghiệm sống, gã ước lượng trước hình phạt mà gã phải chịu: chỉ liều công mất một buổi quì gối. Nhưng cứ xét theo tội trạng của họ Mã thì đúng ra gã chỉ phải chịu có một buổi quì là xong hay là phải nhiều hơn? Bởi vì:
Kể từ đêm ở trú phường
Đến Lâm Tri một tháng trường mới thôi.
Lý do: đường xá xa xôi,
Mà ta bất động nữa người sinh nghi.
Mụ già hoặc có điều gì
Liều công ba chục buổi quì mới xong.
Mã Giám sinh vốn là một gã phong tình, gã đã động được Kiều một lần là gã sẽ động mãi. Đường gã đưa nàng đi từ Bắc Kinh về Lâm Tri mất đúng một tháng. Ngày đi, đêm vào ô-ten, vững đến như ông Liễu Hạ Huệ cũng phải động, nói gì đến gã phong tình chuyên nghiệp như Mã Giám sinh! Đằng nào thì gã cũng phạm tội rồi, một lần hay ba bốn, năm bảy chục lần thì cũng dzậy thôi.
Công tử Hà Đông bèn tại ngục vịnh Mã Giám sinh:
Hỏi tên? Rằng: Mã Giám sinh
Hỏi quê? Quê ở huyện Lâm Thanh.
Mua đồ xài thử, anh vừa bụng,
Bán thịt ăn gân, mụ bực mình.
Em có lấy vua, mần thủ tướng,
Cũng nhớ thằng xưa nó phá trinh.
Mười lăm năm ấy bao anh sướng,
Đều xếp hàng sau Mã Giám sinh.
Bây giờ đến lượt tên hèn hạ thứ hai trong Kiều là Sở Khanh. Anh bực bội khi thấy Nguyễn Du lạm phát danh từ “thư hương”. Sau khi tả anh con nhà buôn “Kỳ Tâm họ Thúc cũng nòi thư hương“, Nguyễn Du lại cho một con người thông minh như Thúy Kiều khi vừa nhìn thấy Sở Khanh đã “nghĩ rằng cũng mạch thư hương“. Hình dạng của họ Sở cũng được diễn tả đại khái như hình dạng họ Mã: “Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng” đồng nghĩa với “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao“.
Em yêu ơi, như anh đã viết: bọn đàn ông nói chung bị bôi gio trát trấu trong truyện Kiều, những nhà thi sĩ chân chính cũng bị bôi bác vì trong Truyện Kiều có hai anh làm thơ: Thúc Kỳ Tâm con nhà buôn và Sở Khanh ma cô. Kể ra về mặt mần thơ Cóc thì Sở Khanh còn hơn công tử bột Kim Trọng những năm bảy thành, vì Kim Trọng không mần thơ được, phải nhờ Kiều đề thơ vào bức tranh gọi là “tranh tùng” song chắc là nó thuộc loại tranh sơn thủy hữu tình mà em vẫn thấy bày bán ở vỉa hè Nguyễn Huệ thời em còn chiều thứ bẩy, sáng chủ nhật trời trong dạo gót sen trên đại lộ này. Khi Kiều từ chối không chịu đi khách, Tú Bà đưa nàng ra ở vi-la Ngưng Bích để chuẩn bị đưa nàng vào xiếc, đập tan ý chí đề kháng của nàng, Kiều lên lầu nhìn ra và nàng chỉ nhìn thấy quanh nàng toàn những cảnh buồn:
Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu!
Buồn trông nội cỏ dàu dàu
Chân mây, mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi…
Lúc ấy Kiều thấy “Chung quanh những nước non người. Đau lòng lưu lạc nên vài bốn câu“. Chắc rằng nàng có ngâm mấy bài thơ ấy lên nên Sở Khanh nằm vùng ở vi-la bên cạnh mới nghe tiếng và do đó gã mới mần thơ họa lại để tán tỉnh nàng. Bởi khi Kiều “Ngậm ngùi rủ bức rèm châu” (thì) “cách tường (nàng) nghe có tiếng đâu họa vần“. Và đây là bài thơ của Sở Khanh ma cạo. Cũng đường luật như ai chứ bộ:
Lâu ngoại thùy gia thanh mấn ca
Tràng ngâm thanh cách bích đào hoa.
Sầu sâm bút đế đê ngưng yếu,
Oán hướng phong tiền khiếu khổ ta.
Viễn tiếp phương hương sân điệp phấn,
Vi thông u ý hỷ song sa.
Khanh tu liên ngã đa tài nghệ,
Ngã khước liên khanh vị phá qua.
Dịch nghĩa:
Nàng xuân nữ đẹp có mái tóc xanh ở lầu kia là người nhà ai?
Nghe tiếng nàng ngâm thơ ở bên bức tường hoa đào.
Nỗi sầu buồn ngưng đọng ở cây viết,
Niềm oán hận kêu than ở ngọn gió.
Hương thơm từ xa bay tới làm say con bướm,
Mừng khi thấy rằng qua tấm màn cửa ta hiểu nỗi lòng thầm kín của nhau.
Em nên yêu ta vì ta có nhiều tài nghệ,
Ta yêu em vì em đẹp như trái dưa non.
Tài hoa đến như Bạch Cư Dị mà cũng chỉ dám tự giới thiệu một cách hết sức khiêm tốn: “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân. Tương phùng hà tất tằng tương thức: Ta và em cùng là người luân lạc ở chân trời này. Đôi ta gặp nhau, thương nhau cần gì phải quen biết nhau từ trước. Em đàn hay quá. Anh rất chịu em đàn. Em hãy vì anh đàn thêm vài khúc nữa. Anh sẽ vì em làm bài Tỳ Bà Hành. Để cho đời sau bọn chúng nó khi đọc bài Hành ghi lại cuộc gặp gỡ của đôi ta ở bến Tầm Dương này, chúng nó sẽ một là mần thơ, hai là sẽ ngượng mà nghỉ mần thơ luôn“. Tài hoa như Chu Mạnh Trinh khi tuyên ngôn tình yêu với Thúy Kiều cũng chỉ nhận mình là người đa tình – đa tình thì ai cũng có thể tự nhận được, chỉ cần chờ đợi sứ cố xảy ra để biết kẻ tự nhận đó có đa tình thật hay lại như cậu Đỗ Mục tự bào chữa cho tội bạc tình của cậu bằng câu: “Đa tình khước tự tổng vô tình: Đa tình nhiều lúc giống vô tình“…
Khác với Bạch Cư Dị và Chu Mạnh Trinh, ma cô Sở Khanh ngang nhiên tự nhận gã là kẻ có nhiều tài nghệ và dụ dỗ Kiều: “Em nên yêu anh vì anh có nhiều tài”… Cứ kể ra thì Sở Khanh cũng có nhiều tài thật, dù đó chỉ là những tài vặt, song tài vặt cũng là tài. Có nhiều tên đàn ông chỉ cần có một cái tài vặt thôi là đủ thành công với đời, Sở Khanh có tới ba bốn cái tài vặt. Trước hết là tài sử dụng kế đà đao, hai là tài quất ngựa truy phong – câu này về sau trở thành một thành ngữ diễn tả việc thỏa mãn rồi là chàng cho nàng rơi cái rụp – tài trở mặt và tài làm thơ. Thơ mà ví người đẹp với “trái dưa non mơn mởn” thì ngon lành nhất rồi. Ba tiếng “vị phá qua” trong thơ của thi sĩ Sở Khanh theo như sự hiểu biết về tiếng Hán ăn đong của anh thì đó là quả dưa non hoặc quả dưa chưa chín, chưa bị nứt. Ví von đến như vậy thì cũng chỉ có những thi sĩ chân chính nhất cõi đời này mới có thể ví được. Công tử Hà Đông bèn có thơ vịnh:
Sở Khanh
Chải chuốt hình dong, mịn áo khăn,
Ăn chơi xuống dốc hóa chơi ăn.
Đà đao nghe mụ, hai tay lật,
Tích Việt lừa em, miệng một lằn.
Ba mươi sáu chước, chuồn là nhất,
Chín mười năm ấy, nợ còn căm.
Truy phong sẵn ngựa sao không quất?
Một nhát bà cho, hết đội khăn.
Em yêu dấu,
Nhân chuyện Sở Khanh, anh vừa nhắc đến Chu Mạnh Trinh, một người làm thơ vịnh Kiều trước anh tới gần đúng 100 năm. Nhân đây anh kể em nghe sơ qua về lịch sử những vụ làm thơ vịnh Kiều ở nước ta kể từ ngày Nguyễn Du viết xong Truyện Kiều.
Theo số tài liệu ít ỏi mà anh có được trong Hoàng Hạc Lâu Ông Tạ của anh thì Nguyễn Du mất tại Huế ngày 16 tháng 9 năm 1820. Cũng vào năm 1820, Truyện Kiều của Nguyễn Du được in thành sách. Trong bản Truyện Kiều in năm 1820 có bài tựa của Tiên Phong Mộng Liên Đường chủ nhân. Kể từ đó những bài bình Kiều, luận Kiều và thơ Vịnh Kiều liên tiếp ra đời. Nhưng đó là công trình của những cá nhân riêng lẻ. Đại hội bình luận vịnh Kiều có tính cách quốc gia đầu tiên là do vua Minh Mạng tổ chức năm 1830. Nhà vua cùng các quan văn cùng làm thơ vịnh Kiều và những thi phẩm này sau đó được in thành một tập gọi là Thanh Tâm Tài Tử cổ kim minh lương đề vịnh tập biên. Năm 1871, vua Tự Đức tổ chức cuộc làm thơ vịnh Kiều lần thứ hai. Năm 1905, Tổng đốc Hưng Yên tổ chức cuộc thi thơ vịnh Kiều. Em yêu ơi, anh không nhớ tên ông Tổng đốc này là Từ Đạm hay Lê Hoan. Nếu giờ anh ngừng viết để tìm chi tiết này thì chưa biết đến bao giờ anh mới viết xong được cho em bài này. Vậy thì em cứ xính xái cho qua, em chỉ cần biết rằng đó là cuộc thi thơ do Tổng đốc Hưng Yên tổ chức năm 1905 và Chu Mạnh Trịnh là người chiếm giải nhất cuộc thi này. Đây là bài thơ Chu Mạnh Trinh vịnh:
Sở Khanh
Những tưởng chim lồng chắp cánh bay,
Họa khi vận rủi có hồi may.
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay.
Hai chữ tin hồng trao gác nguyệt,
Một roi vó ký tếch đường mây.
Mẫu đơn vùi dập cơn mưa gió,
Cái nợ yên hoa khéo đọa đày.
Anh thấy hai câu “Làng nho người cũng coi ra vẻ; Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay” là hai câu diễn tả Sở Khanh tuyệt cú mèo. Nghe nói rằng trong ban giám khảo cuộc thi thơ Vịnh Kiều Hưng Yên 1905 có Nguyễn Khuyến. Và Nguyễn Khuyến với Chu Mạnh Trinh không ưa nhau. Hai ông này cùng đỗ tiến sĩ, cùng làm quan to, cùng yêu văn nghệ và cùng mần thơ. Hai ông chỉ không làm quan cùng thời với nhau. Khi Chu Mạnh Trinh đang hiển đạt thì Nguyễn Khuyến đã già, đã về hưu. Giám khảo Nguyễn Khuyến có phê vào bài Vịnh Sở Khanh của Chu Mạnh Trinh hai câu:
Rằng hay thì thật là hay
Nho đối với xỏ lão này không ưa.
Nguyễn Khuyến không ưa việc Chu Mạnh Trinh dùng hai tiếng “bợm xỏ” đối với “làng nho”. Hai vị tiền bối này tài hoa ngang nhau, mỗi người một vẻ, chẳng ông nào kém ông nào. Song cứ như chuyện này thì anh thấy Nguyễn Khuyến có vẻ quá đáng. Ông ta tự cho cái giới gọi là “làng nho” của ông là thập phần cao quí, đối với “bợm xỏ” là làm mất giá trị của “làng nho”, dù đó chỉ là lời ví von để làm nổi bật hình ảnh một gã đàn ông có hình dung nho nhã nhưng tâm địa lại hết sức lưu manh, đểu cáng. Song Nho cũng có nhiều thứ Nho. Có Đại Nho, Hiển Nho, Đạt Nho và cũng có Tiểu Nho, Ẩn Nho, Hàn Nho. Có Ngu Nho, Hủ Nho và cả Khuyển Nho nữa. Có nho chùm, nho rời, ngọt, nho chua, nho xanh, nho tây, nho ta… Cứ khăng khăng cho rằng đã là nho thì chỉ có nho thơm chứ không có nho thối là thái độ thỉn cận và xuẩn ngốc. Nếu muốn người đời cho giới của mình là cao quí thì hãy sống cao quí. Đỏ mặt tía tai, sùi bọt mép khi có người khác nói chạm đến giới mình rồi thù hằn, tìm cách hãm hại người ta… là việc làm của bọn ngu muội. Bọn ngu muội ấy sẽ là tai họa cho xã hội khi chúng nắm được quyền hành.
Em hãy nghe một thi sĩ khác làm thơ vịnh Sở Khanh trước năm nay – 1992, năm anh viết gửi em những dòng này – tới 60 năm. Thi sĩ ấy là Tản Đà:
Xỏ lá ai bằng cậu Sở Khanh,
Kiếm ăn lại ở đám lầu xanh.
Mảnh tiên “Trích Việt” vừa khô mực,
Vó ngựa “Truy Phong” đã phụ tình.
Thôi với thanh lâu người một hội,
Chẳng qua hồng phấn nợ ba sinh.
Ba mươi lạng bạc đời Gia Tĩnh,
Để mãi ngàn thu tiếng Sở Khanh.
Tản Đà còn xuất bản quyển Vương Thúy Kiều do ông chú giải. Đây là đoạn thi sĩ nói riêng với Vương Thúy Kiều trong bài tựa:
Ôi em Kiều ơi,
Mười lăm năm trời!
Quan trải, tướng giặc trải, ba que xỏ lá trải, bán buôn Mường Mán trải,
Bể trần chìm nổi, kiếp hồng nhan nặng nợ thế ru mà,
Cũng không nên trách lẫn trời xa, oán lẫn trăng già
Phải biết chữ tài chữ sắc là cái độc trong mình và là đồ chơi cho người ta….
Em thấy đấy: chẳng phải anh là người đầu tiên gọi Thúy Kiều là em. Nếu anh có nét gì khác những vị tiền bối vịnh Kiều trước anh thì đó chỉ là: tất cả mọi người đều “tại gia vịnh Kiều” còn anh thì “tại ngục…”
Tại Ngục Vịnh Kiều Tại Ngục Vịnh Kiều - Hoàng Hải Thủy Tại Ngục Vịnh Kiều