Freedom is not given to us by anyone; we have to cultivate it ourselves. It is a daily practice... No one can prevent you from being aware of each step you take or each breath in and breath out.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 26
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Công Tử Bắc Kinh Hoa Thơm Đánh Cả Cụm
im Trọng, Công tử Bắc Kinh, là nhân vật vô duyên nhất trong truyện Kiều.
Lẽ ra Công tử là người thứ nhất, nhưng vì Công tử vô duyên, Công tử lần chần nên trở thành người cuối sổ. Đau thế chứ ly! Nhưng trong những đêm nằm thao thức ở phòng 10 tập thể khu ED lầu Bát giác Chí Hòa – năm 1988, thành Hồ – suy nghĩ về Kiều và những cái gọi là rắc rối của cuộc đời, tôi không chút xót thương anh công tử bột Kim Trọng. Không những chỉ không xót thương, tôi còn ghét cay ghét đắng, ghét đến đào đất đổ đi bọn con nhà giàu được hưởng thụ đủ thứ nhờ tiền bạc, quyền thế của bố mẹ như Kim Trọng.
Bọn con nhà giàu nó đã có tiền, nó lại đẹp trai, học giỏi, đỗ đạt cao… Vậy thì nó hưởng hết rồi còn gì! Làm quan, lấy vợ đẹp, đẻ con khôn… được người đời tôn trọng, quị lụy… Bao nhiêu khoái lạc ở cõi đời này chúng nó hưởng hết, những thằng con nghèo như tôi còn cái mốc xì sư cụ gì?
Bởi dzậy cho nên bất cứ lúc nào tôi mạt sát, mạ lỵ, bôi xấu, vu cáo, chửi cạnh chửi khóe, móc máy được bọn con nhà giàu – trong Kiều, dưới chỗ để ngồi tròn nây của Thúy Kiều điển hình là hai anh Kim Trọng, Thúc Kỳ Tâm – là tôi làm tới, mần thẳng cánh. Tôi mạt sát, hạ giá bọn con nhà giàu để trả thù cho những anh con nhà công chức còm như tôi.
Kim sinh viên học gì không ai thấy, chẳng ai biết. Ta chỉ thấy cậu lái xe Jaguar đến nghĩa địa ve gái. Cậu có điều kiện mướn riêng một vi-la bên cạnh nhà người đẹp. Ta chẳng thấy cậu học hành chi cả, chỉ thấy cậu ngồi khảy đờn ghi-ta. Và cậu có sẵn một thứ mà không một người học trò nào trên cõi đời này – từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, từ ngày loài người có học trò đến ngày loài người không còn ai là học trò nữa – thường có. Những thứ đặc biệt Kim Trọng trữ sẵn đó là những món quà tặng để ve gái.
Không những chỉ ngày đêm tơ tưởng được ôm, được hôn Thúy Kiều, cậu bị ám ảnh đến mất ăn mất ngủ. Trường hợp Kim Trọng ra vào ngơ ngẩn vì muốn Thúy Kiều được diễn ta:
Chàng Kim từ lại thư song
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê
Mây Tần khóa kín song the
Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao
Mặt tơ tưởng mặt, lòng ngao ngán lòng.
Buồng văn hơi giá như đồng
Trúc se ngọn cỏ, tơ chùng phiếm loan.
Nguyễn Du phóng bút hơi quá tay khi tả cảnh đang giữa mùa hè “cái nóng nung người nóng nóng ghê” – Kim Trọng gặp Thúy Kiều ngay Thanh Minh trong tiết tháng ba – mà cái gọi là phòng văn của Kim công tử lại “lạnh giá như đồng“…
Nhưng thôi, ta trở lại với trường hợp Kim Trọng đáng lẽ ra là hành khách thứ nhất lên phi cơ lại trở thành hành khách thứ bét! Không những chỉ mướn vi-la, ngày ngày ngồi rình vườn sau nhà Vương viên ngoại, Kim công tử hào hoa phong nhã còn trữ sẵn những thứ không anh học trò nào trữ sẵn, là khăn voan hay khăn tay, khăn mặt, khăn bông, khăn lông, khăn choàng gì đó; và xuyến vàng. Khi vừa liên lạc được với người đẹp, Công tử lập tức hẹn nàng “Chờ anh tí” để phú lỉnh vào nhà:
Vội về thêm lấy của nhà
Xuyến vàng đôi chiếc, khăn là một vuông.
Nhân đây ta để ý thấy Nguyễn Du dùng hai tiếng “thêm lấy” ngang phè và không đúng ngôn ngữ Việt Nam chút nào. Chúng ta nói “lấy thêm” chứ không ai nói “thêm lấy” trừ những anh Mít lai Tẩy, lai Mẽo, lai Tầu. Nguyễn Du có thể dùng: Vội về lấy thêm của nhà… cũng vưỡn được, chỉ có âm điệu không hay bằng. Chú học trò Việt Nam nào làm bài luận quốc văn: “Em về thêm lấy của mẹ năm bảy chục tiền nữa để mang đi bao gái…” chắc chắn bị số điểm thật khốn nạn. Nhưng Thi Sĩ Lớn dùng hai tiếng “thêm lấy” ngang phè thì những đồng bào của ông, những người thán phục thi tài của ông, đời trước, đời này, đời sau đều câm miệng hến! Thi Sĩ Lớn dùng được, thường dân hổng có dùng được. Thi Sĩ Lớn mà!
Nhưng mà con người ở cái cõi đời này đều có số cả. Số đây là Số Mệnh viết hoa. Nếu không có Số thì những bao nhiêu con gái, đàn bà đẹp, thơm, đa tình, chung thủy trên cái cõi đời này đều làm vợ lớn, vợ bé, nhân tình những tên đàn ông con nhà giàu, con nhà quan, đỗ đạt cao, ăn trên ngồi trốc trong xã hội hết cả hay sao? Nếu không có Số thì những anh con nhà nghèo, xấu trai, học dốt như Công tử Hà Đông, Gã Thâm, Con trai bà cả Đọi, v.v… chỉ có cái diễm phúc làm bạn với những em thối tai, hôi nách, tính tình quái dị, hung hãn như khủng long hay sao?
Không. Ta không nên bi quan như thế. Nhất định là con người ta có Số và không những chỉ có Số mà thôi, con người ta còn ăn thua nhau ở cái Số nữa. Nhất định là có Số và có Trời. “Không có Trời ai ở được với ai?” Ông cha ta đã xác quyết cõi đời này có Số, có Trời từ lâu lắm rồi. Ta khỏi cần thắc mắc gì về chuyện này.
Tôi nói đời có Số là bởi vì Kim Trọng có tất cả những điều kiện tối ưu, tức là tốt nhất, để đóng vai người đàn ông thứ nhất trong đời em Vương Thúy Kiều đa tình nửa đêm leo tường, chui lỗ chó sang nhà đàn ông con trai, lại hụt ăn, lại không được hưởng, lại trở thành Người Hành Khách Đi Chuyến Tàu Vét.
Tại sao thế? Câu trả lời thật giản dị: Tại vì cái Số của Kim Trọng nó đen hơn mõm chó mực. Kim Trọng không có cái Số được hưởng cái gọi văn huê là “cái yêu đào” của Vương Thúy Kiều. Nhưng một phần cũng vì Kim Trọng ngu si nặng phần trình diễn.
Kiến cơ nhi tác… Thấy có cơ hội mần được là mần ngay; không những chỉ mần ngay mà thôi, còn phải nhanh tay, nhanh chân, nhanh mắt, nhanh mồm, nhanh miệng mần liền tù tì tút suỵt, mần đến nơi đến chốn.
Kim công tử vô duyên, ngu ngơ không chịu mần ngay – Bài học luân lý giáo khoa thư lớp Đồng Ấu Kim công tử đem lại cho những người đọc Kiều gồm hai chữ cô đặc kiểu bí kiếp “Mần Ngay” – Không những đã không chịu mần ngay, Công tử còn bày đặt những trò trình diễn rình rang không ăn nhậu tí ti ông cụ nào đến tình yêu như là lập bàn thờ thế thốt – thề mí ai? Thế mí ông Cai, bà Xã Đò – thắp nhang đèn, viết tờ cam kết, kết giải dây lưng, uống tí rượu và… ruồi bâu kiến đậu không giống ai, lố bịch, ngớ ngẩn nhất là cắt tóc trao cho nhau:
Tiên thề cùng thảo một trương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai miệng một lời song song
Tóc tơ căn dặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương.
Những gì xảy đến với Kim Trọng Số đen hơn mãm chó mực cho ta thấy – rõ ràng, dứt khoát – là tất cả những việc vớ vẩn Kim Trọng làm trong đêm hôm vàng ngọc ấy đều vô ích. Không những chỉ vô ích mà thôi, chúng còn gây tác hại nặng như đá đeo. Vì những nguyên nhân duy tâm kiêm duy vật kiêm duy đủ thứ biện chứng pháp đó, Công tử Hà Đông làm bài thơ vịnh Kiều tại ngục như vầy:
Kiến cơ nhi bất tác:
Vỡ mặt là cái chắc…
Bây giờ rõ mặt đôi ta
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
Sắn tay mở khóa động đào
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai…
Biết rằng gió tối mưa mai
Sao nhau để lỡ nhau hoài đếm xuân?
Tình nhân lại gặp tình nhân
Ái ân sao chỉ có ngần ấy thôi?
Xá gì trăng sáng giữa trời
Xá gì hai miệng một lời song song
Cần gì căn dặn tấc lòng
Cần gì tạc một chữ đồng đến xương.
Ngẩn ngơ toàn chuyện ẩm ương
Vô duyên cầm địch cầm đường vẩn vơ
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Sao người ngồi đó mà ngơ ngẩn sầu?
Sao không trên gối nghiêng đầu
Cho trào chín khúc, cho cau đôi mày?
Trời cho chẳng chịu vồ ngay
Nhẩn nha thì sẽ có ngày xót xa.
Tố Như ơi, tuyệt tài hoa
Một lời thôi cũng tiếng là tiên tri
Chiêm bao nào có hay gì
Cuộc tình đến quá nửa thì chiêm bao.
Tại Ngục Vịnh Kiều Tại Ngục Vịnh Kiều - Hoàng Hải Thủy Tại Ngục Vịnh Kiều