Love, like a mountain-wind upon an oak, falling upon me, shakes me leaf and bough.

Sappho

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 26
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Áo Vàng Hoa
hi nào bạn thấy nếu bạn không làm thơ bạn chết bạn hãy làm thơ. Còn nếu bạn thấy không làm thơ bạn cũng chẳng sao cả, thì bạn đừng làm thơ…”
Đấy là lời của thi sĩ Rilke viết cho một thi sĩ trẻ. Tôi đọc được lời trên của Rilke từ những năm 60, thời gian tôi không làm thơ và không bào giờ tưởng tượng có ngày tôi sẽ làm thơ. Nhưng ngay lúc đó tôi đã thấy Rilke khuyên thật chí lý. Lời khuyên ấy cho tôi biết tại sao trên cái cõi đời này lại có nhiều bài thơ dở đến như thế và cũng tại sao trên cái cõi đời này lại có nhiều người làm thơ dở ẹt đến như thế mà vưỡn cứ làm thơ. Một trong những nguyên nhân chính làm cho Trường phái Thơ Con Cóc phồn thịnh khắp cõi đời này chính là vì nhiều nhà thơ không làm thơ mà vẫn sống nhăn nhưng đã làm thơ vung xích chó.
Tôi là một trong những nhà thơ Con Cóc ấy. Tuy đã biết lời khuyên của Rilke từ lâu và tuy công nhận lời khuyên ấy đúng, nhưng rất nhiều lần trong đời tôi, nếu tôi không làm thơ tôi không chết song tôi vưỡn cứ làm thơ. Tôi làm thơ trong những ngày u ám ở thành phố Hồ Chí Minh. Tôi xin tự biện hộ là nếu những lần ấy không làm thơ tôi có chết hay không, song điều rõ ràng là trong những lần làm thơ đó trái tim tôi có niềm xúc động bắt tôi phải làm thơ.
Ba tháng sau ngày 30 tháng Tư oan nghiệt, vợ chồng tôi về sống trong một căn nhà cư xá nhỏ kiểu Gia cư Liêm Giá Cuộc làm bán rẻ và bán trả góp cho người nghèo. Đây là căn nhà của mẹ tôi. Nhà vẫn bỏ không từ nhiều năm. Vợ chồng tôi tối kỵ sống trong những căn nhà liền mái nhà người nọ nghe rõ tiếng người nói trong nhà kia. Chúng tôi vẫn đi ở mướn chứ không chịu về ở căn nhà cư xá nhỏ hẹp, tối tăm thiếu quá nhiều tiện nghi đó. Nhưng sau cuộc đổi đời, chúng tôi phải về sống trong căn nhà có sẵn đó thôi. Chúng tôi “không còn con đường nào khác”. Một buổi sáng trong căn nhà tối đó – nơi giờ đây chúng tôi thấy luyến thương vì đó là nơi vợ chồng tôi đã sống, đã yêu thương nhau trong mười chín năm trời – vợ tôi mở tủ áo lấy ra chiếc áo dài chúng tôi vẫn gọi là Áo Vàng Hoa. Đứng trước gương nàng ướm chiếc áo lên người. Nàng nhìn nàng trong gương rồi nhìn tôi.
- Áo đẹp quá…
Alice nói. Tôi xúc động bảo nàng:
- Ngày nào em chết anh sẽ mặc cho em cái áo này…
Alice lại hỏi:
- Lỡ có ngày chúng mình phải bán cái áo này lấy tiền nuôi các con thì sao?
Tôi không trả lời câu hỏi ấy của Alice. Tim tôi nặng như cục đá. Buổi chiều đạp xe đi lang thang trong những phố vắng của Sài gòn, tim tôi vẫn trĩu nặng sầu buồn. Tôi làm thơ:
Sáng cuối năm trong căn nhà tối
Em mở tủ nhìn đời ngày cuối
Mắt em buồn bừng sáng màu hoa
Em nhớ lại ngày may áo mới.
Hai năm rồi mặc áo bà bà
Đời tẻ nhạt hơn làn tóc rối.
Áo ướm thân em khóc, em cười
Em có biết em vừa trẻ lại?
Đây áo hoa vàng anh chọn, em may
Như giọt nước trong dòng tình ái
Trong ưu phiền mắt lặng nhìn nhau
Ta thầm hẹn: “Áo này giữ mãi”
Em yêu dấu… ngày em trở lại
Đất ngàn năm như cỏ, như hoa
Anh sẽ mặc cho em lần cuối
Áo hoa này rồi tiễn, rồi đưa.
Em lại hỏi: Có ngày ta phải
Chia áo này cho các con ta?
Em yêu dấu, em ơi… đừng ngại
Mặc cho đời tháng lại, ngày qua
Trong xương thịt ta còn giữ mãi
Những cái gì riêng của đôi ta.
Khi em nằm xuống, khi tàn lửa
Trong hào quang của những tiên nga
Khi xe hạc vàng nhung đến cửa
Đón em về xa cõi trời xa
Anh sẽ mở hồn anh lấy áo
Mặc cho em chiếc áo vàng hoa.
Trong u ám một ngày mây phủ
Nặng những sầu thương, những xót xa
Em đóng cửa hồn, che áo mới
Và ra đường trong chiếc bà ba.
Nhưng cũng chẳng phải tôi chỉ mần thơ những lúc tôi buồn phiền. Có những lúc tôi mỉm cười tôi cũng làm thơ. Đi qua cửa chợ Ông Tạ, tôi thấy một nhà có đám tang đang giờ động quan, tức là giờ khiêng quan tài lên xe bông đi nhị tì. Đám tang có ban nhạc kèn đồng bu-dzích. Kèn tây tò te tí toét om sòm. Trên quan tài đặt tấm ảnh một bà già Bắc kỳ ri cư năm 1954: đầu vấn khăn, răng đen, mặt răn reo trạc 80 tuổi. Tôi nghĩ bà già này cả đời chẳng biết cái đàn pi-a-nô nó khác với cái đàn vi-ô-lông nó ra làm sao. Không những không biết hai cái đàn ấy nó khác nhau, giống nhau ra làm sao, bà già còn chẳng bao giờ nghe nói đến hai thứ đàn tây ấy. Vậy mà bi giờ bà chết, người ta mướn ban kèn tây đến thổi loạn cào cào châu chấu cho bà nghe những bản La Cumparsita, La Paloma, Love Story…
Đây là khi nếu không mần thơ nhất định là không những không chết mà tôi còn không bị xây xẩm mặt mày chi cả. Vậy mà tôi vưỡn cứ mần thơ:
Cả đời chẳng biết tiếng tò-le
Chết rồi tai điếc lấy gì nghe
Con cháu mừng rơn, con cháu khóc
Tò te kèn thổi khúc Lô-ve.
Khi bạn thấy cõi đời này xuất hiện những tờ báo xuân, báo Tết, thời gian đang là mùa cưới, mùa lên xe bông của những nàng thiếu nữ thành Hồ.
Trước cảnh các nàng lên xe bông với áo dài cô dâu, khăn voan, xuyến vàng, pháo hồng v.v… tuy không làm thơ tôi vẫn sống nhăn và các nàng vẫn cứ thơ thới hân hoan, “phấn khởi, hồ hởi” lên xe bông về nhà chồng, tôi đã mần thơ:
Sáu năm vất vả ở Thành Đồng
Cứ tưởng là em ế chổng mông
Ai ngờ đám cưới em ra rít
Em vưỡn xe bông, vưỡn pháo hồng.
Sáu năm cả nước xếp vào hàng
Cứ tưởng bà con đói cả làng
Ai ngờ đám cưới em ra rít
Em vưỡn khăn voan, vưỡn xuyến vàng.
Những đêm nằm trong phòng 20 khu FG lầu bát giác Chí Hòa, tuy rõ ràng là không mần thơ tôi vưỡn không chết nhưng tôi vưỡn cứ mần thơ. Nằm trong mùn tôi mần những bài thơ vịnh Kiều. Tôi mần thơ nhẩm và tôi học nhẩm đến thuộc lòng những bài thơ tôi đã làm. Có những bài Tại ngục vịnh Kiều thật buồn và cũng có những bài… dzui dzui. Chẳng hạn như bài Vịnh Thúy Vân.
Thúy Vân, nhân vật bị thiệt thòi nhất trong Kiều. Người đàn bà đau khổ nhất đời là người đàn bà sống không có tình yêu, sống không được người đàn ông nào yêu. Thúy Vân là người đàn bà đáng thương, xấu số như thế. Tôi thấy điều bất công nhất là tất cả mọi người chỉ ca tụng, chỉ thương xót, chỉ đề cao Thúy Kiều. Chẳng ai để ý gì đến Thúy Vân. Tôi chưa thấy một người nào trước tôi nói hay viết một lời đề cao Thúy Vân. Không những không được đề cao, xót thương, an ủi; Thúy Vân còn bị người đời miệt thị.
Tôi thấy nhân vật Thúy Vân tức cười ở đoạn trong bữa tiệc đoàn tụ gia đình hết sức rởm, nàng đã mượn chén, tức là giả vờ say rượu, đứng lến phát biểu vài câu cay cú. Đàn bà uống rượu đã khó coi rồi, đàn bà đã uống rượu ngà ngà say mà còn đứng lên đi một đường tạp thuyết năm bảy câu châm chít đời cho hả giận thì quả thật là một hình ảnh tức cười.
Trinh em đáng giá ngàn vàng
Công tử hào hoa phong thấp Kim Trọng hoàn toàn không yêu thương gì Thúy Vân. Công tử vồ hụt cô chị, công tử vồ luôn cô em. Công tử thuộc bang phái võ lâm tên là “Hoa thơm đánh cả cụm”, nôm na là lấy luôn ba bốn chị em ruột làm vợ cho tiện việc sổ sách. Từ những năm 76, 77, khi đọc lại truyện Kiều tôi đã tưởng tượng ra chuyện Thúy Vân có người yêu nhưng vì người chị ruột yêu cầu nàng phải hy sinh tình yêu của nàng để làm trọn tình yêu của chị. Tôi đã có dự định viết một truyện Thúy Vân là vai chính với chủ đề như tôi vừa nói: Thúy Vân có người yêu nhưng phải hy sinh tình yêu để làm vợ Kim Trọng, nàng làm vợ Kim Trọng nhưng nàng biết rõ hơn ai hết Kim Trọng yêu Thúy Kiều chứ không yêu nàng. Kim Trọng tuy lấy nàng làm vợ nhưng vẫn cứ yêu, cứ nhớ Thúy Kiều. Ngay cả khi Kim Trọng ân ái với nàng,, nàng biết chàng đang tưởng nàng là Thúy Kiều.
Tôi tưởng tượng Thúy Vân có thể dùng mấy lời thơ T.T. Kh:
Từ ấy thu rồi thu lại thu
Lòng tôi băng giá đến bao giờ?
Chồng tôi, tôi biết, còn thương nhớ
Chị ấy cho nên vưỡn hững hờ.
Vì vậy tôi tức cười và tôi thương Thúy Vân khi tôi thấy nàng đứng lên trong bữa tiệc đoàn tụ gia đình để nói mấy lời nghe không giống ai mà cũng không ai giống:
Tàng tàng chén cúc dở say
Đứng lên Vân mới giải bày một hai
Nghĩ đời vợ gá, cũng cay
Cho nên em mới dở say em tàng tàng
Tàng tàng em nói ngang ngang
Linh tinh máu chảy, lang tang ruột mềm
Lăng nhăng phận cải, duyên kim
Lằng nhằng tình chị, dây em buộc vào…
Yêu sao cái tật hoa đào
Em nào cũng lẳng, em nào cũng ghen,
Một chĩnh, đôi gáo bon chen
Chồng em, chị em….
Còn khổ ghe phen em tàng tàng.
Tôi can tội mần thơ những lúc trái tim tôi trĩu nặng. Viết đến đây tôi bỗng khám phá ra là tôi cũng can tội mần thơ cả những lúc trái tim tôi nhẹ. Nói cách khác là khi tôi buồn và khi tôi vui. Bằng chứng là khi thấy em Thúy Vân giả say đứng lên tuyên bố linh tinh, tôi tức cười và tôi mần thơ. Tôi cũng can tội mần thơ khi tôi thấy em Thúy Kiều cứ giơ cái “trinh” của em ra một cách giả tạo, gò ép đến cái độ mất hết tự nhiên. Em là người con gái nửa đêm leo tường, chui lỗ qua nhà đàn ông con trai, nhưng tác giả cứ cho em “bảo vệ trinh tiết” phây phây bất kể thiên hạ.
Khi đã hai lần mò sang nhà Kim Trọng, lần thứ nhất buổi chiều, lần thứ hai nửa đêm, và khi Kim Trọng lả lơi, Thúy Kiều nghiêm trang như vợ ông Khổng Tử mà nói:
Thưa rằng đừng lấy làm chơi
Giẽ ra cho hết một lời đã nao
Vẻ chi một tấm yêu đào
Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh
Đã cho vào bực bố kinh
Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu…
Tôi tức cười… anh ách khi nghe Kiều nói những câu “tiết hạnh khả phong” như thế. Nếu nàng nói những câu như thế mí tôi, chắc tôi đã cười phá lên rồi hỏi nàng: “Nếu em trinh tiết đầy mình như dzậy, em mò sang đây mí anh làm ký gì? Em khoe em có học chắc em cũng biết câu ‘nam đáo nữ phòng nam tắc đạo. Nữ đáo nam phòng nữ tắc dâm’ chứ? Tôi tức cười và tôi mần thơ:
Làm trai anh đánh tổ tôm
Uống trà mạn hảo, ngâm nôm Thúy Kiều.
Yêu Kiều anh thật là yêu,
Thúy Kiều mà diễn tuồng Tiều, anh chê.
Cái trinh em cứ lộn về,
Ghe phen Kim Trọng bị kê đầy mồm.
Sự đời đã ẵm thì ôm,
Í a í é… chiều hôm anh phiền.
Này em bài học không quên:
Một khi nước đã đánh phèn
Vặt lông, nấu cháo làm liền một khi.
Để dành nào có hay gì,
Quá dành ra sọt nó thì chiêm bao
Sờ quanh nào thấy đâu nào…
Kiều khuyên Kim Trọng “để dành” đã là việc quá đỗi khó tin và giả tạo, Kim Trọng chịu “để dành” còn là chuyện ruồi bâu kiến đậu nữa.
Chưa hết tức cười vì cái “trinh” to tổ bố của Thúy Kiều, cái “trinh” được văn học sử ca tụng và đánh giá là “ngàn vàng”, tôi mần thêm bài thơ này:
Trinh em đáng giá ngàn vàng
Ngàn vàng về lộn tay chàng đêm nay.
Trinh em còn những ngần này
Vưỡn to bề rộng, vưỡn dầy bề sâu.
Có mòn trinh tí nào đâu
Càng xài càng tốt, càng lâu càng bền.
Trinh em có đủ nhân duyên:
Phu nhân, Kiều Thúy, Trạc Tuyền, Hoa Nô.
Mười năm lưu lạc giang hồ
Nửa giờ chiêu tập cơ đồ còn nguyên.
Trinh em thật đáng đồng tiền.
Thúy Kiều được đời ca tụng vì cái “trinh” của nàng. Nói cách khác khi ta ca tụng, ta thờ phượng, ta quí báu, ta nâng niu Thúy Kiều cũng là khi ta ca tụng, thờ phượng, quí báu, nâng niu – hôn hít nữa – cái “trinh” của nàng. Kiều khá vì cái “trinh” và cái “trinh” đó của Kiều được Đạm Tiên gọi bằng thuật ngữ đạo giáo là “âm công”. Đạm Tiên nói trước rằng Thúy Kiều đã hết kiếp đoạn trường, sẽ được sung sướng vì cái gọi là “âm công” của Kiều khá nặng. Đó là câu:
Một niềm vì nước, vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Đoạn trường sổ rút tên ra
Đoạn trường thơ phải đón mà trả nhau.
Cái “âm công” long trọng và được đánh giá bằng pound Mẽo, ký-lô Phú lang sa này làm tôi buồn cười. Tôi cười và tôi mần thơ:
Một niềm vì nước vì dân
Âm công cất một đồng cân đã già
Âm công em nặng ký ba
Thêm đồng cân nữa nó già ký tư.
Ngẫm hồng nhan tự thuở xưa
Cái điều âm đức có chừa ai đâu?
Âm công em nở, em sâu,
Âm công em đẹp, em sầu làm chi.
Đoạn trường rồi cũng qua đi
Mười lăm năm ấy hại gì ai đâu!
Túc khiên em rửa sạch lầu
Âm công ai có qua cầu mới hay.
Chuyện Thúy Kiều đòi “đi tu” – theo tôi – đáng được coi là chi tiết giả tạo nhất trong Truyện Kiều. Trong những đêm nằm buồn ở Chí Hòa, tôi mần những câu thơ cay cay để vịnh Thúy Kiều đi tu:
Sao em trong ngọc trắng ngà
Dầy dầy em đúc một tòa thiên nhiên
Đào hoa trong bấy nhiêu niên
Mà em ăn nói nghe phiền lắm thay,
Mới ba mươi tuổi trao tay
Tu gì được cái tuổi này mà tu?
Em đòi em khép phòng thu
Đêm thu gió lạnh nó cù… em mở ngay.
Hay gì chuyện đó mà hay
Em tu không khéo có ngày em hoảng chưa.
Tu mà uống rượu đánh cờ
Tu xem hoa nở, tu chờ trăng lên.
Em tu cho phỉ mười nguyền,
Cho tình em đượm cho duyên em nồng.
Tu mà làm lễ tơ hồng
Tu mà hoa chúc, động phòng sánh đôi.
Tu mà dìu dặt chén mồi.
Bâng khuâng kinh cũ, ngậm ngùi kệ xưa.
Em ơi, em tu từ sen ngó đào tơ
Mười lăm năm em tu đã, bi giờ em lại tu!
ầu ơ… ví dầu…
Cá lóc thì nấu canh chua
Em đi ở chùa, ai đẻ con anh?
Em tu em độ chúng sanh
Em ăn thịt mỡ, dưa hành ở đâu?
Em tu mà tóc đầy đầu
Nam mô bồ tát Thị Mầu… em tu!
Tại Ngục Vịnh Kiều Tại Ngục Vịnh Kiều - Hoàng Hải Thủy Tại Ngục Vịnh Kiều