Far more seemly were it for thee to have thy study full of books, than thy purse full of money.

John Lyly

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Quoc Tuan Tran
Upload bìa: hoang viet
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1175 / 26
Cập nhật: 2016-06-02 00:05:03 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Viết Cho Người Yêu
m yêu dấu,
Những bài Tại Ngục Vịnh Kiều ở trong loạt bài anh viết cho em gọi chung là “Viết cho người yêu”. Em yêu anh càng tốt mà em yêu ai cũng được, miễn là em có yêu. Em yêu là anh viết cho em, anh cũng viết cho tất cả những người yêu trên cõi đời này.
Ngày xưa, Lạc Tân Vương, thi sĩ đời Đường ở Trung Hoa, không biết vì lý do chính trị, chính em hay văn nghệ, văn gừng chi đó mà bị tù. Một hôm ngồi buồn trong ngục, thi sĩ thấy một con ve sầu đến bên song tù, thi sĩ bèn làm bài thơ Tại ngục vịnh thiền: ở trong ngục vịnh con ve sầu. Bài thơ ngắn thôi:
Tại ngục vịnh thiền
Tây lục thiền thanh xướng,
Nam quan khách tứ thâm.
Bất kham huyền mấn ảnh
Lai đối bạch đầu ngâm.
Lộ trọng phi nan tiến,
Phong đa hưởng dị trầm.
Vô nhân tín cao khiết,
Thùy vị biểu dư tâm?
Ngày thu nổi lên tiếng ve kêu
Tình ý người tù thêm sâu sắc.
Vì không chịu được nên bóng dáng của đôi cánh mỏng,
Nên đến lên tiếng ngâm nga trước người bạc đầu.
Sương nặng, cánh khó bay lên.
Gió mạnh, tiếng dễ chìm mất.
Không có ai tin ở sự cao khiết,
Ai sẽ vì ta giải tỏ nỗi lòng?
Em có thấy như anh rằng bài thơ Tại ngục vịnh thiền trên đây của Lạc Tân Vương chẳng có gì là thâm thúy hay đặc sắc lắm không? Trước hết bài thơ gọi là bài Thơ Tù đầu tiên trong văn học Trung Hoa này không nói lên được cảnh thê thảm, u ám, đen tối, tuyệt vọng, kinh sợ, mơ ước của người bị tù. Bài thơ gọi là “vịnh thiền” nhưng con ve sầu được vịnh cũng không thấy được diễn tả nhiều trong thơ. Toàn bài chỉ có một điển tích. Đó là điển Nam Quan: mũ Nam, mũ của người phương nam. Đời Xuân Thu, Chung Nghi, người nước Sở, bị bắt tù ở nước Tấn. Ờ tù, Chung Nghi vẫn đội mũ của người Sở. Chung Nghi giỏi đàn. Khi Tấn hầu bảo Chung Nghi đánh đàn, chàng chỉ đánh toàn những bản đàn của nước Sở phương nam. Người đời sau nhân đó gọi những người tù bằng cái tên gợi hình là những người khách đội mũ phương nam.
Trong bài thơ My Trung mạn hứng, bài thơ duy nhất mà thi sĩ Nguyễn Du làm trong thời gian ông ở tù, cũng có hai câu nhắc đến người tù Chung Nghi và người bệnh Trang Tích:
Chung Tử viện cầm tháo Nam âm,
Trang Tích bệnh trung do Việt ngâm…
Chung Tử, tức Chung Nghi, ở nước người nhưng vẫn đội mũ của dân tộc mình, vẫn dạo những bản đàn của dân tộc mình, em đã biết rồi. Trang Tích là người nước Việt, cũng sống ở đời Xuân Thu, sang làm quan ở nước Sở. Vua Sở muốn biết Trang Tích có còn nhớ nước Việt không hay là đã quên. Mật vụ của vua Sở báo cáo rằng tuy làm quan với Sở nhưng Trang Tích vẫn còn nhớ nước Việt, bằng cớ là họ theo dõi và thấy khi Trang Tích bị bệnh, nằm rên trên giường, nhưng y vẫn không rên rỉ những câu: “O Sole mio… I need your love… Smoke gets in your eyes…” mà rên rỉ: “Trèo lên cây bưởi hái hoa, bước xuống vườn cà…” hoặc “Vú em chum chúm chũm cau…”. Bằng chứng này cho thấy các quan chức mật vụ kết luận rằng Trang Tích tuy ở nước Sở nhưng hồn vẫn nhớ nước Việt. Kể từ đó văn học Trung quốc dùng những tiếng “Nam quan, Việt ngâm” để gọi những người tù và những người không quên tổ quốc.
Để trở lại với Tại ngục vịnh Kiều, anh chỉ nhắc lại bài thơ Tại ngục vịnh thiền để nói với em rằng bài thơ đó chỉ ngắn ngủi có mấy câu như vậy thôi, ý nghĩa cũng không xúc tích, cảm động gì cho lắm. Vậy mà Tại ngục vịnh thiền đã sống ở cõi đời này tới hơn một ngàn năm. So với đời người ngắn ngủi gói tròn trong năm bảy chục năm, một ngàn năm đã là lâu lắm. Và không biết bài thơ Tại ngục vịnh thiền sẽ còn sống ở đời bao nhiêu lâu nữa.
Văn học sử cho biết Lạc Tân Vương sinh năm 640, ông mất năm nào không biết. Vì sau khi tham gia khởi nghĩa chống lại Võ Tắc Thiên, viết bài hịch nổi tiếng đả kích Võ Thị, cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bỏ trốn biệt tăm. Lạc Tân Vương không bị Võ Tắc Thiên bắt cầm tù. Bài Tại ngục vịnh thiền là thi phẩm ông làm trong một lần bị tù nào trước đó mà văn học sử không ghi rõ. Cứ cho là ông làm bài Tại ngục vịnh thiền vào khoảng năm 670 hay 680 đi thì cho tới nay bài thơ đã sống hơn một ngàn năm rồi chứ không phải chỉ là một ngàn năm. Và vào năm 1988, trong một phòng tù ở miền Nam nước Việt Nam, có một anh tù nằm nuôi rệp và nghiền ngẫm những vần thơ Kiều. Không có việc gì làm hay hơn, anh tù này làm những bài thơ vịnh Kiều. Nhớ đến bài Tại ngục vịnh thiền của một người tên là Lạc Tân Vương làm từ hơn một ngàn năm trước, anh gọi những bài thơ vịnh Kiều của anh là Tại ngục vịnh Kiều…
Cạn dòng là thắm, dứt đường chim xanh…
Và do đó hôm nay anh mới có những bài Tại ngục vịnh Kiều này viết gửi em – và gửi tất cả những người yêu ở cõi đời này. Vịnh Kiều, trước hết và tất nhiên, là vịnh em Vương Thúy Kiều. Bài thứ nhất này của anh nói với em về thái độ của Thúy Kiều đối với tình yêu và cái gọi là “thâm nghiêm” của nhà riêng Thúy Kiều.
Có thể nói rằng gần như tất cả những người đọc Kiều đều yêu Thúy Kiều, đều ca tụng Thúy Kiều. Người ta có thể chửi tất cả những nhân vật trong Kiều, trừ một mình Thúy Kiều. Cũng tất nhiên là Thúy Kiều, với tư cách là một người sống thực ở đời, không thể nào toàn bích được, và anh cũng không quân tử Tàu đến cái độ đòi hỏi Thúy Kiều phải thánh thiện, phải dửng dưng trước tình yêu. Nhưng anh cũng thấy có sự khôi hài ở chuyện Nguyễn Du diễn tả Thúy Kiều với những câu như:
Một đường tuyết chở, sương che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai…
Rõ ràng là Thúy Kiều chẳng thèm để ý gì đến những chuyện bướm ong, tức là chuyện tình ái. Thế nhưng sự thực có phải nàng dửng dưng như thế không? Những việc nàng làm cho chúng ta thấy nàng là một em “lẳng lơ hạng nặng”. Phải gọi là lẳng lơ vì hai tiếng đa tình quá nhẹ đối với những việc Kiều làm. Việc Kiều vừa mới gặp Kim Trọng lần đầu ở nghĩa địa, chưa biết ất giáp gì về chàng thư sinh playboy này, nàng đã tình trong như đã, chỉ có mặt ngoài là còn e… cho ta thấy nàng là một em rất hào hứng với những chuyện ái tình, những chuyện được gọi bằng cái tên miệt thị là “chuyện bướm ong”. Không những chỉ hào hứng mà thôi, có thể nói Kiều còn rất đói ái tình nữa. Song, ta hãy bỏ qua cái vụ “tình trong như đã….” ngay từ buổi gặp trai đầu tiên ấy, cái việc nàng chui rào sang nhà Kim Trọng, không những chỉ chui một lần vào buổi chiều mà còn chui rào cả vào lúc nửa đêm là một việc mà không cần phải chi ly gọi là “lễ giáo phong kiến” không cho phép, bất cứ thứ lễ giáo nào cũng không cho phép người con gái làm như thế. Chỉ trừ những xã hội không có lễ giáo chi hết trọi mới coi việc đó là được mà thôi.
Lần thứ hai Kim Trọng rình rập chờ Kiều ở khu vườn sau, việc trai gái đứng tỏ tình với nhau qua hàng rào sau nhà là một việc nếu không thể cấm đoán được thì cũng là một việc không thể ca tụng. Nếu quả thật Kiều là người có thái độ “tường đông ong bướm đi về mặc ai” nhỏ bằng đầu que tăm xỉa răng thôi, khi nghe tiếng người con trai lạ cất lên từ nhà bên kia, nàng đã lẳng lặng bỏ về, làm sao chàng Kim hào hoa phong thấp có thể thả lời ong bướm với nàng được? Nhưng Kiều đã không “mặc ai”, nàng đã đứng lại, nàng đã bắt chuyện, và nàng tiếp nhận những lời ong bướm liền một khi. Cuộc tình của nàng với Kim Trọng đốt cháy mọi giai đoạn, nó tiến nhanh đến cái độ chóng mặt…
Vì vậy, em yêu ơi, Công tử Hà Đông khi tại ngục đọc Kiều bèn có thơ Tại ngục vịnh Kiều về chuyện này như sau:
Kiều và ong bướm
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai…
Rằng hay thì thật là hay
Tin em thì sẽ có ngày xót xa
Bướm ong khi của người ta
Thì em phớt tỉnh như là hổng ưa.
Đến khi nó đợi, nó chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng.
Là em chẳng ngượng chẳng ngùng,
Dưới đào em đấu lung tung một lèo.
Lẳng lơ trướng rủ, màn treo,
Tường đông ong bướm xì xèo là em.
Chưa hết. Anh thật không biết Nguyễn Du có tính chuyện khôi hài hay có ý mỉa mai hay không khi thi sĩ tả cảnh nhà ông Vương Viên Ngoại, tức là ông thân của nàng Vương Thúy Kiều, với những câu xanh rờn như sau:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh…
Chàng Kim khi lảng vảng tản bộ trước cửa nhà Thúy Kiều chỉ thấy:
Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?
Nào là “kín cổng, cao tường”, nào là những “mấy lần cửa đóng, then cài”. Thâm nghiêm và kín đến như vậy thì đúng là thâm nghiêm và kín mít rồi, không còn nhà nào có thể thâm nghiêm và kín hơn được nữa! Thế nhưng… hỡi ơi… Khu đằng sau của tòa nhà thâm nghiêm hạng nhất ấy lại là một khu vườn nát. Và khu vườn nát ấy lại chỉ chia cách tòa nhà thâm nghiêm ấy với nhà bên cạnh bằng một dẫy tường đất cũng nát không kém. Thi sĩ tả đó là bức “tường gấm”:
Lần theo tường gấm dạo quanh
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa…
Không những cái bức tường gấm ấy sự thật chỉ là một bức tường đất nát, nó còn thấp lè tè nữa, thấp đến cái độ Thúy Kiều đi chơi ở trong vườn để cây thoa cài đầu vướng vào cành cây treo tòng teng và để cho cậu Kim Trọng từ vườn nhà bên cạnh có thể
Giơ tay với lấy về nhà…
Không những cái bức tường gấm ấy sự thật chỉ là một bức tường đất nát và thấp lè tè mà thôi, nó còn bị hổng một chỗ khá lớn phải lấy mấy cành cây rào lại một cách hết sức bôi bác. Chỗ rào ấy sơ sài bê bối đến cái nước thiên hạ chỉ cần xé nhẹ một cái là rách toang và người ta có thể thơ thới chui qua để sang với nhau được:
Lần theo núi giả đi vòng
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
Sắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai.
Đời sau, vào khoảng giữa thế kỷ 20, tức là vào khoảng 150 năm sau ngày Thúy Kiều ra đời dưới ngọn bút tài hoa của Nguyễn Du, có những tên Việt Nam tán rằng bốn câu trên đây là câu tả cảnh chàng Kim “thám hiểm Ngọc Long Cung” Thúy Kiều. Cứ kể ra thì những tên ma giáo văn nghệ này gán cho những động tác trong bốn câu Kiều trên đây cái ý nghĩa đó cũng chẳng phải là nhảm nhí chi cho lắm. Và dù cho có tán nhảm đi nữa thì cũng chẳng có lỗi gì nhiều. Bởi vì họ tán nhảm là do họ quá yêu những câu thơ Kiều.
Dù có tán nhăng tán cuội, có xuyên tạc hay là không thì việc Thúy Kiều chui hàng rào sang nhà Kim Trọng cũng là chuyện có thật. Việc người con gái chưa chồng hay đã có chồng cũng vậy, nửa đêm chui rào, leo tường, sang nhà đàn ông lạ, là một việc mà từ ngàn xưa cho đến ngàn sau, đời nào cũng không thể ca tụng được. Người ta chỉ vì yêu thơ Kiều, yêu mến tài hoa của Nguyễn Du, mà làm lơ đi cái trò bê bối đó của nàng Kiều.
Em yêu dấu… Anh thấy buồn cười, và thương hại nữa, khi mới đây anh đọc vài lời phê bình Thúy Kiều của một vài người viết cùng thời với anh, thấy có người ca tụng việc chui rào của Thúy Kiều bằng những lời đại khái như: “… Với hành động tự ý sang nhà Kim Trọng tự tình, Thúy Kiều dẫm chân lên lễ giáo phong kiến… Đêm trăng ấy, khi Thúy Kiều băng lối vườn khuya một mình, những gót chân son của nàng đã đặt lên mặt những nhà đạo đức phong kiến…” Khi đọc những lời như thế, anh chỉ mỉm cười và anh tự hỏi: “Những người viết kiểu này ca tụng việc con gái và vợ người khác nửa đêm chui rào, leo tường sang nhà đàn ông lạ để tự tình, nhưng nếu như con gái anh ta, vợ anh ta nửa đêm làm cái việc ấy liệu anh ta có ngồi yên chỗ mà rung đùi ca tụng cái gọi là tự do luyến ái và giải phóng phụ nữ hay là anh ta sẽ nhảy nhổm lên, miệng sùi bọt mép, chân tay run lẩy bẩy? Khỉ ơi là khỉ! Vừa phải thôi!”
Về mục nhà ông Viên Ngoại họ Vương được tả là “thâm nghiêm kín cổng cao tường”, Công tử Hà Đông bèn có thơ rằng:
Con oanh nó mỉa, nó mai
Thâm nghiêm kín cổng, cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oang học nói trên cành mỉa mai…
Mỉa mai nó mỉa mai ai?
Thâm nghiêm có cái mặt ngoài mà thôi.
Bề trong thì chán mớ đời
Cô em trong trắng quá chời là trong!
Dưới hoa em kết giải đồng,
Cuối tường em lộn nẻo thông mới rào.
Sắn tay em cho nó mở khóa động đào,
Rẽ mây em cho nó trông tỏ lối vào thiên thai.
Con oanh nói mỉa, nói mai
Mỉa mai nó mỉa: “Nhà này thật thâm…”
Khi Thúy Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình thì lúc đó trăng đã nhặt thưa gương rọi đầu cành, tức là vào khoảng 7, 8 giờ tối, giờ Tây dương – đêm trăng ấy lên sớm. Đến lúc đôi tình nhân diễn trò thề thốt dưới trăng thì trăng đã vằng vặc giữa trời, tức là trăng đã lên đến đỉnh trời. Thúy Kiều ở lại đó thề thốt, ký văn tự, đàn ca, uống rượu, đưa đầy với Kim Trọng mãi cho đến khi bóng tàu vừa lạt vẻ ngân, tức là khi ánh trăng đã nhạt trên những tàu lá chuối trong vườn. Thời gian lúc trăng nhạt, trăng lặng đó phải là 3, 4 giờ sáng, giờ Tây dương. Như vậy là nàng đã qua gần một đêm trắng với Kim Trọng. Nếu không có tên gia đồng vào gửi tin nhà mới sang thì ta có thể nói mà không sợ mang lỗi vu oan cho nàng là nàng sẽ pass night với Kim Trọng. Không những chỉ qua đêm mà thôi, nàng còn có thể ở đó tới trưa hôm sau mới trở về cái gọi là đài trang hết sức thâm nghiêm kín cổng cao tường của nàng.
Việc Thúy Kiều chui rào qua nhà Kim Trọng vào cái năm Gia Tĩnh triều Minh cách nay cả năm sáu trăm năm ấy là một việc mà anh nghĩ rằng những thiếu nữ lương thiện đời nào cũng không nên làm. Nhưng việc Thúy Kiều lẻn sang nhà Kim Trọng vào buổi chiều và vào lúc nửa đêm cũng chưa ly kỳ bằng sau khi được tin “… thúc phụ từ đường. Bơ vơ lữ thấn tha hương đề huề. Liêu Dương cách trở sơn khê, Xuân đường kíp gọi Sinh về hộ tang…”, Kim Trọng đã cũng chui rào, hoặc leo tường, phăng phăng vào tận phòng ngủ của Thúy Kiều để chia tay. Tự do cứ như là nhà Thúy Kiều không còn một người nào khác ngoài Thúy Kiều. Luông tuồng đến như vậy nhưng mỉa mai thay, tòa nhà Viên Ngoại họ Vương vẫn được mô tả là:
Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm, dứt đường chim xanh.
Mấy lần cửa đóng then cài
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?
Viết ở thành Hồ năm 1991.
Tại Ngục Vịnh Kiều Tại Ngục Vịnh Kiều - Hoàng Hải Thủy Tại Ngục Vịnh Kiều