Hầu hết những thành quả quan trọng trên đời đều được tạo ra bởi những người dù chẳng còn chút hy vọng nào nhưng vẫn kiên trì theo đuổi điều mình mong ước.

Dale Carnegie

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Ngô Tín
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1151 / 3
Cập nhật: 2016-02-22 20:56:57 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 18: Bắc Kinh, Bắc Kinh
ùa mưa năm 2001 kéo dài đến tận đầu tháng Chín mới bớt mưa, ông mặt trời lâu nay biến mất đã ló dạng, rọi chiếu xuống Dung Thành. Hai ngày lễ đã cận kề, đó là tết Trung thu và ngày Quốc khánh, dù là cán bộ hay người làm ăn đều tỏ ra rất vui trước hai ngày lễ trọng đại này. Cửa hàng lẩu cá mè của Trịnh Thái Ức đã tiến triển rất nhanh, dù mưa to gió lớn cũng không ảnh hưởng đến việc thi công. Lương Ngọc Cầm đã đến Mi Sơn, Nhân Thọ để tuyển nhân viên, mở lớp huấn luyện tại chỗ. Trịnh Thái Ức bận rộn ở cả hai đầu, lúc thì ở Cầu Khê lúc thì ở Thành Đô, công việc rối bù, tối tăm cả mặt mũi. Lý Tiến cố bố trí thời gian rãnh rỗi, rủ Triệu Ngư đến khu phố Ngọc Lâm theo dõi tiến độ thi công. Còn Ngô Hải Ba thức trắng cả đêm để viết bản kế hoạch... dự kiến cửa hàng sẽ khai trương vào ngày mười tám tháng Chín.
Thượng tuần tháng Chín, Thương Nữ có dịp đi chơi Bắc Kinh vài ngày. Tổng công ty điện tín Bắc Kinh định mở một lớp bồi dưỡng gì đó, nhưng thực chất chỉ là chuyến đi trá hình của du lịch. Cũng may Thương Nữ đang làm trưởng phòng, nên tổng giám đốc đã quyết định cử Thương Nữ đi tham dự khóa họp. Chiều ngày mồng năm tháng Chín tổng giám đốc gọi điện báo cho Thương Nữ lên ngay phòng làm việc của mình. Thương Nữ không hiểu tổng giám đốc cho gọi có việc gì, trên đường đi, chị đang nghĩ không biết mình có sai sót gì chăng? Khi mở cửa bước vào, thấy tổng giám đốc tươi cười chị mới yên tâm. Tổng giám đốc nói: Hãy đi xả hơi một chút, tôi biết thời gian qua cô rất vất vả. Vé máy bay đã đặt rồi, ngày mai cô sẽ lên đường. Mùa Thu ở Bắc Kinh rất thú vị rất dễ chịu.
Thương Nữ vui mừng ra mặt, chị nghĩ ngày mai mình đã có mặt ở Bắc Kinh rồi... Phòng làm việc của chị ở tầng chín. Vừa bước vào cầu thang máy, chị bỗng giật thót tim. Chị nghĩ ngay đến một cuộc tao ngộ bất ngờ. Hai hôm trước, Tôn Khánh Hải gọi điện báo cho chị biết cuối tháng Tám anh sẽ có mặt ở Bắc Kinh, dự kiến khoảng trung tuần tháng Mười mới rời Bắc Kinh đi ấn Độ rồi về Paris.
Vừa ra khỏi cầu thang máy, chị gặp ngay Tiêu Lan. Tiêu Lan là người đã tặng chị hai giò phong lan, chồng Tiêu Lan là một quan chức của tỉnh. Tiêu Lan ôm chầm lấy Thương Nữ nói: - Thương Nữ, sao mặt bạn đỏ như mặt Quan Công thế này? Đang hồi xuân phải không?
- Tôi mới ba mươi tuổi mà đã hồi xuân à? - Thương Nữ đẩy Tiêu Lan ra, trách khéo. Tiêu Lan vẫn cứ ôm chặt lấy Thương Nữ, trêu chọc chị một hồi rồi mới buông ra. Hai người đàn bà đi về hai hướng khác nhau, Tiêu Lan bước vào cầu thang máy, vẫn ngoái cổ nhìn theo bóng hình Thương Nữ.
Thương Nữ ngồi ngẩn người trước bàn làm việc. Ngày mai... chị nghĩ... chị chưa lường hết mọi chuyện. Ngày mai, cái ngày mai ấy khiến chị mặt đỏ bừng bừng, tim đập thình thịch. Trong đầu chị xuất hiện không biết bao nhiêu là cảnh tượng. Mùa Thu ở Bắc Kinh có ý nghĩa gì nhỉ? Uống hồng trà, hương vị ngọt ngào, hay đi thăm Vạn Lý Trường Thành... Ai sẽ ra sân bay đón mình? Những ý niệm ấy vụt lóe lên trong đầu chị rồi lại vụt tắt ngay. Chị cần gì phải nghĩ đến giây phút đó, cần gì phải nghĩ đến Tôn Khánh Hải? Những tâm tư trong lòng người thiếu nữ hai mươi năm về trước... Nếu có ai hỏi chị điều này, chị sẽ rất khó trả lời. Chính bản thân chị còn mơ hồ thì làm sao có thể trả lời rành rọt cho người khác được?
Bộ dạng thẫn thờ của Thương Nữ trông thật buồn cười, mắt mở to, mặt đỏ bừng. Cũng may lúc đó không ai đến quầy rầy, chị đang lo cho chuyến đi tập huấn lần này. Ngoài trời, mây đang vần vũ, mây trắng, mây đen hòa quyện vào nhau. Ngày mai... chị nghĩ, tâm tư chị luôn xoáy vào hai chữ đó. Ngày mai chị sẽ có chuyến đi xa, sẽ đi đến một nơi thật xa hay đi vào đồng thoại?
Cảnh tượng và dấu chấm hỏi đều xuất hiện cùng một lúc, đều không rõ ràng chẳng khác gì mây trắng gặp mây đen, các màu sắc khác nhau hòa trộn vào nhau, bầu trời trở thành vũ đài với những hình dạng kỳ lạ...
Thương Nữ từng đọc một số tập thơ: Thơ thời Đường, thơ thời Tống, thơ Puskin, thơ trong Hồng lâu mộng. Vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, Thương Nữ còn đọc nhiều bài thơ trào phúng, chị rất thích dạng thơ này. Chị liên tưởng đến cảnh tượng đang khát nước ngồi dưới giàn giáo của một công trường, trên đầu trời nắng chói chang, tay cầm bình nước đã khô như rắn ráo. Đó là bức tranh khác trong đời sống của chị không liên quan gì đến cuộc sống hiện thực. Chị và người anh trai kết nghĩa Tôn Khánh Hải cũng thuộc một dạng khác. Mối quan hệ giữa họ bắt nguồn từ những năm tháng xa xưa thuở ấu thơ, mối quan hệ ngấm ngầm như trong giấc mộng, nó sẽ mãi mãi không bao giờ được phơi bày ra trước ánh sáng, nhưng rất có thể chuyến đi ngày mai sẽ viết nên một trang mới chăng? Chuyến bay một giờ chiều sẽ xuất phát từ sân bay Song Lưu, sau hai giờ sẽ đến sân bay quốc tế thủ đô. Máy bay xuyên qua tầng mây, phơi mình trước ánh nắng mặt trời. Cuộc hành trình ngày mai sẽ là một giấc mơ hay sắc màu của giấc mơ đã che kín hết hiện thực?
Đã mấy lần nhấc máy điện thoại lên, ngần ngừ mãi, Thương Nữ mới gọi cho chồng.
Năm giờ chiều tan tầm, Tiêu Lan lại đến, cùng bước vào cầu thang máy, Tiêu Lan sờ tay vào trán Thương Nữ hỏi: Cậu đang sốt đấy à?
Tiêu Lan bằng tuổi Thương Nữ nhưng cách hành xử như một người chị gái, thường xuyên quan tâm đến Thương Nữ. Mỗi lần cơ quan tổ chức đi du lịch bao giờ Tiêu Lan cũng ở cùng phòng với Thương Nữ, đêm đến thường đắp chăn, sáng dậy thường chải đầu cho Thương Nữ. Mỗi lần chồng đi nước ngoài về, hễ có quà chị đều dành tặng Thương Nữ. Đôi khi Thương Nữ cũng tặng lại chị một món quà nhỏ, chị đều quý như vàng, và bảo rằng sẽ mãi mãi giữ nó làm kỷ niệm. Thương Nữ rất vui trước tình cảm trìu mến của Tiêu Lan, vì ở công ty, rất hiếm có mối quan hệ tình cảm như vậy.
Thương Nữ đi xe đạp về nhà. Xe đạp gửi ở nhà trông xe của công ty, chiếc xe màu trắng, rất đẹp. Thương Nữ mặc quần nhung kẻ màu lam, áo sơ mi màu hoàng yến. Chị muốn về nhà trước lúc trời mưa, đi men theo đường đê sông Phủ Nam, chị phóng rất nhanh, chiếc áo khoác tung bay trước gió. Tuy trời chưa mưa nhưng vô số người đã thủ sẵn chiếc ô. Gió thổi ào ào, mây đen vần vũ, chị và chiếc xe đạp vẫn lao nhanh về phía trước trông cảnh mọi người cầm ô, chị bất giác phì cười. Đã mưa đâu mà đã như chim sợ tên bắn đến thế? Thương Nữ không sợ mưa, nước mưa phả vào mặt càng tốt, cho đầu tóc ướt, cho hạ bớt nhiệt độ trên trán... Mối tình đầu của chị cũng diễn ra vào đúng lúc trời mưa: mùa Thu năm 1988, khi đó chị vẫn còn là một cô gái trinh tiết, Tôn Kiện Quân đã đội mưa đến trao cho chị một bức thư tình. Chị đem thư ra bờ sông Cẩm Giang đọc và rồi lại như một cánh én băng băng dưới trời mưa chạy về nhà. Lúc đó, chiếc xe đạp của chị như bay trên không, bay một mạch về đến phố Cát Thắng, bay một mạch đến chuyến bay ngày mai...
Tốc độ xe của Thương Nữ như đang chạy đua với ôtô trên đường cố tránh cho được cơn mưa. Vừa về đến đầu đường Cát Thắng cơn mưa đã trút nước ào ào xuống đường. Mưa ập xuống nhanh quá khiến chị trở tay không kịp, chỉ trong nháy mắt đã ướt sũng cả người trong khi chỉ cách nhà độ vài trăm mét, mưa to gió lớn không ngớt phả vào mặt chị. Chị không sợ mưa, cứ để cho mưa xối xả xuống người chị. Mưa sẽ làm cho làn da, bộ ngực và khắp các nơi trong cơ thể chị được mát mẻ hơn. Chị ngửa mặt lên trời, chỉ thấy mưa như tên bắn, xối xả trút nước xuống. Chị đang định gọi to một tiếng thì bỗng nghe thấy tiếng một người ở cách đó vài chục mét, gọi to: - Thương Nữ ơi, cô bạn trẻ xinh đẹp ơi... - tay người đó cầm chiếc ô đen chạy đến, đó là lão Tào. Lão Tào đã nghe thấy tiếng bấm chuông của chị, gặp dịp may hiếm có, lão chạy ngay ra cửa. Lão đưa Thương Nữ về đến đơn nguyên ba, lão ngắm nhìn Thương Nữ người ướt như chuột lột, cười khì khì, nói: Lên nhà nhanh đi, nhớ uống một bát nước gừng nhé...
Thương Nữ mở cửa bước vào nhà, ông chồng giật mình đánh thót, còn cậu con trai thì cười khanh khách. Chị thay quán áo, lấy khăn lau khô tóc rồi ra ngồi ở đi văng. Bát nước gừng còn nóng đã được chồng bưng từ bếp ra, đây là phương thuốc dân gian vốn được gia đình ba nhân khẩu này ưa dùng. Triệu Cao áp trán mình vào trán của mẹ, nó chẩn đoán: Mẹ không sốt đâu.
Triệu Ngư vào bếp làm cơm tối, một lúc sau, cơm canh đã được bày trên bàn, kèm theo một chai rượu vang.
- Anh phải đôn đốc con làm bài tập ở nhà, không được nuông chiều nó đâu. - Thương Nữ nói.
- Hàng ngày con sẽ viết nhật ký, con nhớ mẹ lắm. - Triệu Cao nói.
- Con trai ngoan của mẹ, mẹ chỉ đi vài ngày rồi về. Nếu bố ở nhà bận quá, thì con sang phố Lê Hoa chơi với ông bà cũng được - Thương Nữ nói.
- Thế thì anh lại tự do rồi. - Triệu Ngư nói.
- Được tự do anh sẽ đi đâu? - Thương Nữ cười bảo.
- Anh sẽ đi chơi phố, khoảng ba giờ sáng về.
- Khỏi cần phải về, cứ đi thâu đêm suốt sáng cũng được.
- Nhân lúc em vắng nhà anh sẽ đóng vai một lãng tử lang thang.
- Con cũng muốn làm lãng tử lang thang. - Triệu Cao nói xen vào.
- Cả hai bố con cứ đi làm lãng tử lang thang đi. - Thương Nữ nói.
- Thưa cô thưa chú, con là người hành khất, xin cô chú rủ lòng thương, cho con một vài đồng... - Triệu Cao chìa đôi bàn tay nhỏ bé ra nói đùa.
Ăn cơm tối xong, Thương Nữ xếp dọn hành lý, vài thứ mỹ phẩm, vài bộ quần áo thay đổi, chỉ có thế thôi mà Thương Nữ cứ đứng ngẩn hồi lâu trong phòng ngủ, cứ xếp cái này lại quên cái kia. Triệu Ngư xem ti vi ở phòng khách, đợi chị ra để chuyện trò. Thường ngày hai vợ chồng vẫn hay chuyện phiếm với nhau. Ngày mai vợ đi công tác xa, phải năm, bảy ngày mới về, nên chuyện trò với nhau một lúc cho vui. Nhưng Thương Nữ cứ lục đục mãi trong phòng. Dường như chị đã quên cả đức ông chồng. Vừa rồi chị uống hai cốc rượu vang, mặt chị đỏ bừng và nóng ran. Chị vừa sắp xếp quần áo, vừa ngắm nhìn mình trong gương. Bên ngoài trời vẫn mưa to, các chậu cây cảnh lắc lư trước gió... Tim chị đập thình thịch, tưởng nhớ đến một ngày mưa to, bão lớn năm nào. Cậu con trai mười tuổi từ ngoài dạy vào, ôm chầm lấy mẹ, nó gục đầu vào ngực mẹ nói: Mẹ ơi, sao tim mẹ đập nhanh thế, - rồi bất giác nó khóc òa lên. Thương Nữ ghì chặt con vào lòng, chị cũng rơm rớm nước mắt, nhưng không thể giải thích được vì sao chị lại khóc. Phải chăng tình cảm hưng phấn đã thôi thúc nước mắt trào ra, phải chăng tình cảm xa cách giữa mẹ con đã làm chị xúc động? Chị lau nước mắt, rồi vào phòng khách ngồi cạnh chồng. Triệu Ngư liếc nhìn chị một cái rồi rút thuốc lá hút.
Ba vợ chồng con cái ngồi xem ti vi, sau đó Triệu Cao ngủ thiếp đi trong lòng mẹ.
Chiều hôm sau Triệu Ngư bận rộn tíu tít. Vợ anh đang bay ở trên trời, anh đang mường tượng đến cảnh vợ ra khỏi máy bay và đi trên sân bay như thế nào. Cảnh tượng đó không hẹn mà đến, điều đó có ý nghĩa gì đâu? Vợ anh đi Bắc Kinh một mình hay đi với các đồng nghiệp, anh quên không hỏi, chị cũng chẳng cho anh biết. Chị ăn cơm trưa ở công ty sau đó xe của công ty trực tiếp đưa chị ra sân bay. Tối hôm qua có một hiện tượng lạ, khi đến ngồi bên cạnh anh, khuôn mặt chị vẫn còn ngấn nước mắt, còn có gì khác nữa không, anh không biết. Đêm đến khi hai người chăn gối với nhau, chị như người mất hồn, làm cho cuộc vui kém phần mãn nguyện.
Triệu Ngư không đi sâu vào những chi tiết đó. Anh vốn là người có tấm lòng khoan dung độ lượng. Anh thường căn vặn thế gian, nhưng không bao giờ căn vặn vợ bất cứ việc gì. Nhưng lần này những chi tiết đó cứ ập đến khiến anh phải suy nghĩ. Tôn Khánh Hải, cái tên ấy bỗng hiện lên trong đầu anh. Hồi tháng Năm Tôn Khánh Hải về Thành Đô, mấy nhà cùng ăn một bữa cơm vui vẻ, mọi người đều mừng vui, chỉ riêng Thương Nữ là ngồi yên không nói năng gì. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu Triệu Ngư: Chắc Thương Nữ và anh trai kết nghĩa đã gặp nhau rồi.
Sau giờ tan tầm, Triệu Ngư về nhà bố mẹ vợ ở phố Lê Hoa ăn cơm, rồi ngồi hầu chuyện ông bà nhạc. Triệu Cao đang mải chơi với lũ trẻ ở tầng dưới. Ông bà nhạc muốn gọi vợ chồng Thương Lực đến chơi mạt chược nhưng Triệu Ngư từ chối nói rằng tối nay còn có việc. Đúng là anh có việc thật, anh đang có tâm tư. Anh dặn dò con trai đâu đấy rồi quay về phố Cát Thắng, anh để ôtô ở nhà, đi xe đạp ra bờ sông Phủ Nam ngồi hóng mát. Mưa liên tiếp mấy ngày, nước sông dâng cao, người ra bờ sông ngắm cảnh đứng chật ních cả hai bên bờ. Mấy chiếc thuyền nan nhỏ chăng lưới bắt cá, người xem vây quanh kín mít. Triệu Ngư ngồi riêng một chỗ ngắm nhìn dòng nước hồi lâu. Mấy chú cá đã sa vào lưới, mọi người reo hò ầm ĩ. Một người ngồi bên cạnh nói với Triệu Ngư: Anh xem kìa, con cá dễ phải đến nửa cân. Triệu Ngư nói chắc không đến nửa cân đâu. Người kia cười bảo: Không phải nửa cân thì cũng là tám lạng.
Làm gì có chuyện ấy, Triệu Ngư nghĩ. Hơn lúc nào hết, lúc này Triệu Ngư không muốn có chuyện gì vương vấn trong đầu. Buổi chiều anh vẫn trong trạng thái tinh thần tốt, đọc bản thảo, đi họp, ăn cơm, chơi tú lơ khơ với các bạn đồng nghiệp nhưng tại sao buổi chiều lại thấy sốt ruột thế, cứ như là bầu trời tháng Hai vậy, tinh thần, tư tưởng phân tán, lại đến chuyện con cá vừa rồi, tất cả cứ như níu lấy anh, không buông tha anh. Trước giờ tan tầm, anh gọi điện cho Tưởng Vận thì thấy trong máy có giọng khàn khàn của một người đàn ông nào đó. Tưởng Vận bảo rằng đang ngồi uống trà với mấy người bạn.
Triệu Ngư dắt chiếc xe đạp ra về. Đây là chiếc xe đạp sản xuất tại nước Anh mà Ngô Hải Ba đã tặng anh mấy năm về trước. Ngô Hải Ba là người có tính cách rất kỳ lạ, tự nhiên bỏ cả nghề kinh doanh để quản lý một thư viện, chuyên đọc những sách có số lượng phát hành ít. Đã trên 30 tuổi mà vẫn chưa có người yêu, bị hết cô gái này đến cô gái khác lừa lọc, anh ta bực mình quyết định chạy theo các thiếu phụ. Những ngày vừa qua anh lái chiếc xe ôtô đi suốt ngày, ngày nào cũng gặp Trịnh Thái Ức anh giúp Trịnh Thái Ức chỉ huy đội ngũ thi công, soạn thảo kế hoạch kinh doanh. Quái, tại sao anh chàng này lại mê Trịnh Thái Ức đến thế nhỉ? Trịnh Thái Ức đã từng công khai tuyên bố không cần nhắc đến ông chồng cán bộ của chị ở Cầu Khê nữa.
Xe đạp của Triệu Ngư sơn ba màu khác nhau: vàng, xanh lục, trắng. Anh mặc bộ complê màu ghi, đây là quà Tưởng Vận tặng anh năm ngoái. Mùa thu năm ấy, cửa hàng thời trang của Tưởng Vận đóng cửa, chị lại tặng thêm Triệu Ngư một chiếc cravát. Anh thích mặc áo len nhiều màu, quần vải, đi giày du lịch, nhưng lúc này lại mặc complê, thắt chiếc cravát, đi xe đạp ba màu, rõ ràng nội tâm và dáng vẻ bề ngoài trái ngược hẳn nhau. Nếu biết thế thì sáng dạy anh đã không mặc complê. Sáng sớm... anh nghĩ. Buổi sáng Thương Nữ ngồi trước gương trang điểm, lúc sắp đi lại nhét thêm chiếc áo dài Thượng Hải vào vali.
Triệu Ngư ngẩng mặt nhìn trời, một đàn bồ câu đang bay lượn...
Triệu Ngư gọi điện cho Ngô Hải Ba nhưng anh này đang ở Mi Sơn. Lương Ngọc Cầm đã tuyển được một số nhân viên phục vụ. Ngô Hải Ba và Trịnh Thái Ức vội chạy đến đó xem sao. Với tư cách là một cổ đông, Ngô Hải Ba đã lăn xả vào công việc. Tính cách của anh là như vậy, không có việc thì thôi, có việc anh đều làm hết mình.
Triệu Ngư tắt máy. Trời tối dần, đi đâu bây giờ nhỉ?
Chẳng biết đi đâu cả.
Về nhà xem ti vi ư, rất có thể Triệu Yến lại gõ cửa bò sang để bàn về chuyện anh bạn trai của cô. Cô biết Thương Nữ đi công tác vắng. Họ sẽ nhẩn nha ngồi uống trà, rồi xoay quanh câu chuyện về anh chàng kỹ sư có tên là Phó Cao, Triệu Yến gọi đùa anh ta là ông Phó Cao, trước đây mỗi tuần gặp nhau một lần, nay đổi thành hai tuần gặp nhau một lần.
Triệu Ngư lắc đầu. Anh chàng này còn có một khoảng cách quá xa với Triệu Yến.
Anh đạp xe đi, đèn đường đã bật sáng, trước mắt là nhà hàng khiêu vũ khổng lồ, người ra vào tấp nập. Triệu Ngư đã từng đến nhà hàng này rồi, năm ngoái anh đến đây hai lần, một lần vào ngày tết tình yêu và một lần vào tết nguyên đán. Chính tại nơi đây anh đã quen chị Tô. Đã hơn một năm qua họ mới chỉ ngồi uống trà với nhau được một lần, gọi điện cho nhau được vài lần, mỗi lần nói chuyện, cũng chỉ rông dài vài câu. Nhà họ cách nhau không xa, chỉ khoảng một cây số. Nhà hàng khiêu vũ là nơi gặp gỡ của nhiều người, họ từ các nơi đến đây. Chị Tô là một trong số những người thường xuyên có mặt ở đây. Có một số chàng trai rất muốn tiếp cận với chị. Chị giống như một quả núi chỉ chờ một chàng trai vừa ý nào đó đến khiêng đi. Với Triệu Ngư, chỉ có thể tiếp cận chị nhưng không có khả năng dời quả núi đó đi nơi khác.
Bên ngoài nhà hàng, xe đỗ chật cứng, chứng tỏ nhà hàng này làm ăn khấm khá. Trời mưa kéo dài nhiều ngày, nay tạnh ráo, ai cũng náo nức tới đây.
Triệu Ngư đi qua cổng vũ trường, anh đoán chắc giờ này chị Tô đang có mặt ở đó. Nhưng anh không vào vì chẳng thấy hứng thú gì. Anh đạp xe như điên, chẳng khác gì một người vô gia cư. Anh đi qua quảng trường Thiên Phủ, đến bờ sông rồi lại vòng về. Có tiếng điện thoại, tiếng của Thương Nữ nói trong máy, tất nhiên là anh nhận ra ngay.
Mười giờ tối anh trở về nhà, khi dắt xe qua cổng tập thể, thấy lão Tào chạy ra. Hình như lão có điều gì muốn nói với anh. Triệu Ngư mặc bộ complê màu tro, còn lão Tào mặc bộ complê màu tím than, cả hai người đều thắt cravát chỉnh tề. Lão Tào nói: - Thưa trưởng phòng Triệu, tôi có chút việc muốn báo cáo với trưởng phòng...
Nhìn miệng lão lắp bắp, Triệu Ngư nghĩ ngay đến Hà Tiểu Na. Nhưng lão không hề đề cập đến Hà Tiểu Na. Mối quan hệ bồ bịch giữa họ trước đây nay đã biến thành người dưng nước lã: mỗi khi Hà Tiểu Na đi qua cổng, lão đều ngẩng mặt lên trời. Có lần Hà Tiểu Na về nhà, bị cơn mưa ướt sũng cả người, lão cũng làm ngơ, đến cái ô cũng chẳng thèm cho mượn, tệ hại hơn lão còn nhìn theo Hà Tiểu Na với thái độ hằn học. Hà Tiểu Na khinh bỉ tình yêu của lão, hàng ngày chị thoa son điểm phấn, ăn mặc rất diện để đón tiếp một lão Tào mới. Lão Tào đã đếm được có đến ba lão Tào mới ra vào cổng khu tập thể, trong đó có một lão Tào còn vào phòng bảo vệ hỏi thăm về tình hình Hà Tiểu Na. Nhân cơ hội này, lão Tào đã hỏi rõ danh tính, tên họ là gì, ở cơ quan nào, đến tìm Hà Tiểu Na có việc gì? Lão vặn vẹo đến nỗi lão Tào mới trả lời toát cả mồ hôi. Một lúc sau thấy con trai của Hà Tiểu Na mặt sát khí đằng đằng bước vào phòng bảo vệ cãi nhau với lão...
- Thưa trưởng phòng, xin trưởng phòng cho ý kiến, tôi giữ nghiêm kỷ luật bảo vệ có gì là sai trái không? Tại sao con trai cô ta lại vô cớ xuống gây sự với tôi? Người cơ quan khác vào khu tập thể, tôi phải hỏi han xem xét giấy tờ, thưa trưởng phòng... - Lão Tào nói.
Lão Tào chỉ nói "con trai cô ta" mà không hề đề cập đến ba chữ Hà Tiểu Na nữa. Cái tên Hà Tiểu Na, không còn trong bộ nhớ của lão nữa, chị đã có một lão Tào mới, có nghĩ cũng vô ích. Múa đôi dưới ánh trăng... bạn có ngủ mê không đấy. Lão Tào là người mùa Hè đã phải mặc quần áo mùa Thu, mùa Thu đã phải mặc quần áo mùa Đông, đi ba bước thì ho lụ khụ hai tiếng, còn Hà Tiểu Na không những không còn là chị Hà Tiểu Na mà đã hồi xuân trở thành cô gái Hà Tiểu Na. Song không vì thế mà lão cảm thấy bi quan, lão vẫn có sức lực, có đôi mắt tinh nhanh, lão cũng mặc complê chững chạc như ai. Lão cũng có tương lai, có sổ tiết kiệm gửi ở ngân hàng, có cô Tiểu Diệp ở phố Cát Thắng, có cô Kim Hương bán dưa ở nhà quê...
Triệu Ngư hút xong điếu thuốc, nghe lão trình bày xong, anh nói:
- Bác làm đúng chức trách, không có gì sai cả.
- Thưa trưởng phòng... - Lão Tào nắm lấy tay Triệu Ngư.
Khi bước lên cầu thang, Triệu Ngư thấy cầu thang được vệ sinh sạch sẽ, tay vịn sáng loáng. Triệu Ngư rút chìa khóa mở cửa. Lão Tào... anh nghĩ. Đã bước chân vào trong nhà mà sao tâm tư anh vẫn thấy căng thẳng đến thế. Anh ngước mắt nhìn bức tranh sơn dầu trên tường. Anh đi tắm rồi lên giường đọc cuốn sách Tồn tại và thời gian. Đây là một cuốn sách rất hay. Triệu Ngư đã đọc được hơn chín mươi trang, anh nhớ rõ từng câu từng chữ. Anh vừa đọc vừa suy nghĩ: Có lẽ thế giới bây giờ đã đổi thay.
Sau đó, anh ngủ thiếp đi, một giấc ngủ bình yên.
Hôm sau là ngày cuối tuần.
Triệu Ngư lại trải qua hai ngày thứ bảy và chủ nhật căng thẳng.
Say Sắc Say Sắc - Lưu Tiểu Xuyên Say Sắc